Bản án 41/2020/HS-PT ngày 25/12/2020 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 41/2020/HS-PT NGÀY 25/12/2020 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 25 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 49/2020/TLPT-HS ngày 08 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Vương Văn B, do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang.

Bị cáo có kháng cáo:

Vương Văn B (tên gọi khác: Không), sinh năm 1985 tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang:

Nơi ĐKHKTT, chỗ ở: Thôn C, xã Y, huyện H, tỉnh Tuyên Quang.

Nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá (học vấn): 8/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vương Văn T và bà Hoàng Thị C; có vợ Phùng Thị V và 02 con; tiền án: Không:

Tiền sự: Có 01 tiền sự, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 219/QĐ-XPHC, ngày 01/11/2019 của Công an huyện H, xử phạt Vương Văn B số tiền 650.000 đồng về hành vi đánh nhau (đã nộp phạt ngày 07/11/2019).

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Ma Ngọc Khanh - Luật sự, Cộng tác viên thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tuyên Quang (có mặt)..

- Bị hại: Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang, do ông Nông Giang N - Chức vụ: Phó giám đốc là đại diện theo ủy quyền (có mặt).

- Người làm chứng:

1. Anh Hoàng Văn Q, sinh năm 1984, Kiểm lâm viên - Trạm kiểm lâm Yên Thuận, huyện H, tỉnh Tuyên Quang (có mặt).

2. Anh Trương Minh Đ, sinh năm 1982, Công chức địa chính xã Y, huyện H, tỉnh Tuyên Quang (có mặt).

Ngoài ra, trong vụ án còn có 01 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vì muốn phát nương để trồng sắn nên trong 02 ngày 30 và 31/01/2020, Vương Văn B một mình sử dụng dao quắm để phát các cây vầu, cây thân gỗ nhỏ, cây dây leo tại khu vực rừng Nậm Húc, thuộc Thôn C, xã Y, huyện H nhằm mục đích phát nương để trồng sắn thuộc lô 5, khoảnh 9, chức năng rừng đặc dụng. Đối với những cây gỗ to B để lại. Khoảng 07 giờ ngày 01/02/2020, B đến nhà anh Thèn Văn C mượn của anh Cường 01 chiếc máy cưa xăng, sau khi mượn được cưa máy B lên lô rừng trên sử dụng cưa để cắt đổ những cây gỗ to còn lại. Tổng diện tích rừng B hủy hoại từ ngày 30/01/2020 đến ngày 01/02/2020 là 1.556m2.

Sau khi phát xong diện tích rừng như trên B chờ để thực bì khô sẽ đốt, dọn để trồng cây sắn. Ngày 01/3/2020, Trạm kiểm lâm Yên Thuận thuộc Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu kiểm tra rừng phát hiện và lập biên bản về vụ việc. Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Diện tích rừng do B chặt phá thuộc lô 5, khoảnh 9, trạng thái TXR (rừng gỗ tự nhiên núi đá, lá rộng thường xanh nghèo),chức năng rừng đặc dụng, do Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu quản lý (theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang), diện tích rừng bị hủy hoại là 1.556m2, lâm sản bị thiệt hại gồm 66 cây thân gỗ từ nhóm IV đến nhóm VIII, 115 cây Vầu và một số cây bụi, dây leo.

Tại kết luận định giá tài sản số 08/KL-HĐĐGTSTTHS ngày 19/3/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện H, kết luận: Tổng trị giá tài sản là: 11.131.100 đồng (Mười một triệu một trăm ba mươi mốt nghìn một trăm đồng).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H đã QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Vương Văn B phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ: Điểm d khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Vương Văn B 01 (một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 25 tháng 8 năm 2020, bị cáo Vương Văn B có đơn kháng cáo với nội dung xin hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo xin hưởng án treo và trình bày: Diện tích bị cáo Hủy hoại rừng bị truy tố là khu rừng của bố bị cáo là Vương Văn T khai phá từ năm 1988 sử dụng đến năm 2014 thì để cho đất nghỉ để phục hồi đất, đến năm 2020 cho bị cáo để bị cáo quản lý sử dụng, việc bố bị cáo cho không có văn bản giấy tờ gì, bị cáo không biết đó rừng đó đã được quy hoạch là rừng đặc dụng nên bị cáo phát để trồng sắn. Bị cáo xác định hằng năm bị cáo vẫn được thôn, xã cho ký cam kết bảo vệ và không chặt phá rừng.

Bị hại: Ông Nông Giang N trình bày, diện tích rừng bị cáo hủy hoại thuộc lô 5 khoảnh 9, chức năng rừng đặc dụng được quy hoạch từ năm 2007. Năm 2016 được UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh bổ sung lập bản đồ phân 3 loại rừng thì diện tích rừng bị cáo hủy hoại vẫn thuộc rừng đặc dụng. Hàng năm Hạt kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền xã, thôn, cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng theo quy định. Việc bị cáo khai diện tích rừng tại lô 5 khoảnh 9 được bố đẻ là ông Vương Văn T cho là không có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử lý nghiêm theo pháp luật để răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Người làm chứng: Anh Trương Minh Đ trình bày: Sau khi bị cáo có hành vi hủy hoại rừng, anh được các cơ quan tố tụng mời đi cùng để đo đạc, xác định diện tích rừng bị hủy hoại. Đối với diện tích rừng bị cáo hủy hoại thuộc lô 5 khoảnh 9, chức năng là rừng đặc dụng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch là rừng đặc dụng từ năm 2007. Năm 2013 Ủy ban nhân dân xã Y nhận được đơn kê khai đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Vương Văn T (bố đẻ bị cáo B) tại khu vực lô 5, khoảnh 9. Tuy nhiên sau khi rà soát, kiểm tra thực địa thấy rằng diện tích ông Thanh đề nghị được cấp giấy chứng nhận đã được quy hoạch là rừng đặc dụng nên Ủy ban nhân dân xã Y đã ra thông báo trả lời cho ông Thanh biết, do vậy việc ông Vương Văn T cho rằng diện tích đất rừng bị cáo hủy hoại là đất do ông khai phá từ trước, nay cho con là Vương Văn B không phải là đất rừng đặc dụng là không có cơ sở.

Anh Hoàng Văn Q trình bày: Diện tích rừng bị cáo chặt phá thuộc địa bàn anh được phân công phụ trách quản lý là rừng đặc dụng, do tính chất quản lý rừng đặc dụng rất nghiêm ngặt nên hàng năm trạm kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã và thôn tuyên truyền cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng theo quy định, việc bị cáo có hành vi chặt phá cây rừng thuộc rừng đặc dụng để lấy đất trồng sắn là vi phạm pháp luật.

Kết thúc phần xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang phát biểu quan điểm:

- Về thủ tục tố tụng đảm bảo đúng quy định pháp luật; đơn kháng cáo của bị cáo hợp lệ trong hạn luật định; thủ tục giải quyết vụ án đúng trình tự tố tụng.

- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các tình tiết liên quan đến vụ án trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, đánh giá mức độ hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo Vương Văn B 01 (một) năm tù về tội “Huỷ hoại rừng” là đúng người, đúng tội, đúng với hành vi phạm tội của bị cáo.

Đối với nội dung kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo: Xét thấy bị cáo có nhân thân xấu, không đủ điều kiện cho hưởng án treo. Tòa cấp sơ thẩm xử phạt mức án 01 năm tù là khởi điểm của khung hình phạt, phù hợp với quy định của pháp luật, tại cấp phúc thẩm bị cáo không có tình tiết mới để xem xét nội dung kháng cáo.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vương Văn B, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H. Bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị chính quyền huyện H phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ rừng để làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật trong nhân dân.

Người bào chữa cho bị cáo: Nhất trí với phát biểu của Kiểm sát viên về tội danh, các tình tiết giảm nhẹ và điều luật áp dụng. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét điều kiện, hoàn cảnh phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và sự nhận thức pháp luật của bị cáo còn hạn chế, đối chiếu với quy định của pháp luật nếu có thể cho bị cáo được hưởng án treo, hưởng lượng khoan hồng của pháp luật để bị cáo có cơ hội cải tạo tại địa phương chăm sóc gia đình.

Khi được Hội đồng xét xử cho phép nói lời sau cùng, bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, bị hại:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Vương Văn B tiếp tục thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình phù hợp với lời khai của bị cáo tại giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm. Do vậy, có đủ căn cứ xác định: Trong thời gian từ ngày 30/01/2020 đến ngày 01/02/2020, bị cáo Vương Văn B đã có hành vi dùng dao và máy cưa xăng chặt phá, hủy hoại 1.556 m2 rừng tại lô 5, khoảnh 9, trạng thái TXR (rừng gỗ tự nhiên núi đá, lá rộng thường xanh nghèo), chức năng rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu quản lý, thuộc khu vực rừng Nậm Húc, Thôn C, xã Y, huyện H, tỉnh Tuyên Quang; Lâm sản bị thiệt hại gồm 66 cây thân gỗ từ nhóm IV đến nhóm VIII; 115 cây Vầu và một số cây bụi, cây dây leo, tổng trị giá lâm sản bị thiệt hại là 11.131.100 đồng. Vì vậy, Toà án nhân dân huyện H xét xử bị cáo về tội Huỷ hoại rừng theo khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt 01 năm tù là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2] Xét nội dung kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: tại Cơ quan điều tra và tại phiên toà bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội; bị cáo là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; gia đình bị cáo thuộc diện hộ nghèo theo quy định tại điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo Vương Văn B không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

Tuy nhiên, xét nhân thân của bị cáo thấy rằng: Ngày 01/11/2019 bị cáo bị Công an huyện H ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 219/QĐ-XPHC, hình thức phạt tiền 650.000 đồng về hành vi đánh nhau (đã nộp phạt ngày 07/11/2019), thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính tính đến ngày phạm tội mới được thực hiện chưa quá 6 tháng nên bị cáo không thuộc trường hợp được xem là có nhân thân tốt, do vậy không đủ điều kiện cho hưởng án treo theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo.

Xét, lời trình bày tại phiên tòa bị cáo cho rằng diện tích rừng tại lô 5 khoảnh 9 là đất rừng do bố bị cáo (ông Vương Văn T) khai phá từ năm 1988 sử dụng đến năm 2014 để cho đất nghỉ phục hồi, bố bị cáo cho bị cáo (cho nhưng không có giấy tờ) nên bị cáo đã chặt phá cây để lấy đất trồng cây sắn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Hội đồng xét xử xét thấy việc bị cáo trình bày như trên là hoàn toàn không có căn cứ, bởi lẽ: Diện tích đất rừng tại lô 5 khoảnh 9, chức năng là rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu quản lý (theo bản đồ điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng ban hành kèm theo Quyết định 1859/QĐ-UBND ngày 31/12/2016 của UBND tỉnh Tuyên Quang), năm 2013 diện tích đất rừng trên gia đình bị cáo đã được ủy ban nhân dân xã Y trả lời không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đã được quy hoạch là rừng đặc dụng và hàng năm bị cáo đều được ký cam kết bảo vệ rừng, điều đó chứng tỏ rằng bị cáo biết việc phá rừng lấy đất trồng cây sắn là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện. Tuy nhiên Hội đồng xét xử thấy cũng cần kiến nghị các cấp chính quyền huyện H, Ban quản lý rừng đặc dụng Cham Chu, Chi cục kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ rừng và lâm sản, rà soát cắm biển báo ranh giới rừng nhằm góp phần hạn chế vi phạm pháp luật trong nhân dân.

Từ những phân tích, đánh giá nêu trên thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo mức án 01 (một) năm tù là mức khởi điểm của khung hình phạt, đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, đảm bảo được sự nghiêm minh, tương xứng với hành vi phạm tội và đủ sức răn đe phòng ngừa tội phạm. Tại cấp phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cần giữ nguyên mức hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên.

[3] Xét đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Về luận cứ của người bào chữa: Xét mức hình phạt tù như cấp sơ thẩm đã tuyên là phù hợp, tương xứng với hành vi phạm tội, do bị cáo có tiền sự - nhân thân xấu nên không đủ điều kiện xem xét cho bị cáo được hưởng án treo, do vậy không có căn cứ chấp nhận đề nghị của người bào chữa cho bị cáo.

[5] Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vương Văn B, giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 48/2020/HS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang về hình phạt như sau:

Căn cứ: Điểm d khoản 1 Điều 243; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự.

Xử phạt bị cáo Vương Văn B 01 (một) năm tù về tội: “Hủy hoại rừng”. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án.

Về án phí: Bị cáo Vương Văn B phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (25/12/2020).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

392
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 41/2020/HS-PT ngày 25/12/2020 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:41/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về