TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỨC LINH, TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 41/2018/HNGĐ-ST NGÀY 29/06/2018 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Trong ngày 29 tháng 6 năm 2018, tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện Đức Linh xét xử sơ thẩm công khai, vụ án thụ lý số: 136/2018/TLST-HNGĐ, ngày 11/4/2018, về việc tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 71/2018/QĐXXST-HNGĐ ngày 4/6/2018 Quyết định hoãn phiên tòa số 52/2018/QĐST-HNGĐ ngày 20/6/2018, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Đặng Thị N, sinh năm 1986. Có mặt.
Địa chỉ: Tổ 4, khu phố Z, thị trấn VX, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận.
2.Bị đơn: Nguyễn Diên T, sinh năm 1986. Vắng mặt.
Địa chỉ: Tổ 4, khu phố Z, thị trấn VX, huyện Đ, tỉnh Bình Thuận.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 4/4/2018, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn Đặng Thị N trình bày: Chị N và anh Nguyễn Diên T đã được Tòa án nhân dân huyện Đức Linh giải quyết cho ly hôn tháng 11/2017. Anh T là người trực tiếp nuôi con Nguyễn Đặng Quỳnh Tr, sinh ngày 26/11/2013 sau khi ly hôn. Tuy nhiên, trong thời gian nuôi con, anh T ít quan tâm, chăm sóc con, mà thường đi ăn nhậu, có lúc đi nhậu chở con đi theo; có hành động thô bạo đối với chị N như chửi mắng chị N, không cho chị N gặp con, nạt nộ con làm ảnh hưởng đến tâm lý của con trẻ. Mặc dù anh T là người trực tiếp nuôi con, nhưng chị N mới là người chăm sóc cho con khi đau ốm, gần gủi, dạy bảo con. Nay chị N yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con Nguyễn Đặng Quỳnh Tr và không yêu cầu anh T phải cấp dưỡng. Bản thân chị làm ở Công ty may mặc Nhà Bè có thu nhập 4.000.000đồng/tháng.
Tại bản khai, ý kiến trong phiên hòa hòa giải ngày 16/5/2018 bị đơn Nguyễn Diên T trình bày: Anh T không đồng ý cho chị N nuôi vì lý do: Chị N làm lương tháng 4.000.000 đồng và không có nhà cửa, lúc nào cũng để con trong rẩy và không có thời gian đón con đi học về, lúc nào cũng nhờ bà ngoại của con đón. Hiện tại anh T làm nghề cạo mủ cao su, thu nhập 8.000.000 đồng, có nhà cửa, đủ khả năng nuôi con và chăm sóc con đi học bình thường.
Tòa án đã tiến hành hòa giải giữa các đương sự nhưng không thành. Chị N yêu cầu được trực tiếp nuôi con, còn anh T không đồng ý. Trong phiên hòa giải ngày 16/5/2018, khi Tòa án đang tiến hành hòa giải để các bên tự thỏa thuận giải quyết vụ án, thì anh T tự động bỏ về, không ký biên bản về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và biên bản hòa giải.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát:
+Phần thủ tục: Kể từ khi thụ lý vụ án, Thẩm phán tuân thủ đúng thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn chấp hành đúng quy định của pháp luật. Bị đơn không tuân thủ theo đúng quy định, Tòa án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do, đề nghị xét xử vắng mặt bị đơn.
+Phần nội dung:Thẩm phán xác định đúng quan hệ tranh chấp. Qua nghiên cứu tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án, trình bày của đương sự tại phiên tòa: Chị N và anh T đã ly hôn, anh T là người nuôi con sau khi ly hôn, nhưng trong quá trình nuôi con không được đảm bảo. Xét yêu cầu của chị N là hợp lý, vì: Cháu Tr còn nhỏ và là con gái, nên giao cho người mẹ nuôi là tốt hơn, do vậy đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Giao con chung cho chị N nuôi dưỡng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên toà và căn cứ kết quả tranh tụng. Tòa án nhận định như sau:
[1] Về thủ tục: Đơn khởi kiện của nguyên đơn là thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận được quy định tại khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai, nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, nên xét xử vắng mặt bị đơn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Yêu cầu được trực tiếp nuôi con Nguyễn Đặng Quỳnh Tr, sinh ngày 26/11/2013, Hội đồng xét xử nhận định: Mặc dù về mặt kinh tế của chị N không tốt bằng anh T, nhưng giao con cho chị N nuôi dưỡng sẽ đảm bảo hơn, vì lý do: Hiện cháu Tr chưa đủ 5 tuổi và là con gái, nên cần sự nuôi dưỡng, chăm sóc trực tiếp, hàng ngày của người mẹ, để tạo điều kiện cho cháu phát triển về thể chất và tâm lý tốt hơn so với anh T, bởi anh T có tính cách nóng nãy, cọc cằn- điều này làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của con nhỏ. Xét thấy chị N có sức khỏe, có tư cách đạo đức tốt, có công việc ổn định để đảm bảo cho việc nuôi con. Trong thời gian nuôi con, anh T có hành động cản trở việc thăm nom, chăm sóc con chung của chị N là vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình. Về điều kiện, thời gian đưa, đón con đi học cả anh T và chị N đều có khó khăn nhất định, do tính chất công việc. Nhưng chị N làm công tác văn phòng, nên sắp xếp việc đưa đón con đi học đảm bảo hơn so với anh T, còn anh T làm nghề cạo mủ cao su, nên phải đi làm từ rất sớm. Theo xác minh tại địa phương được biết có khi đi nhậu với bạn bè, anh T lại chở theo cháu Tr, việc này là không tốt đối với một bé gái mới 4 – 5 tuổi, sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển về nhân cách của con trẻ, do đó việc giao con để cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng là đảm bảo và phù hợp với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình.
[3] Đối với ý kiến phản đối của anh T là không đồng ý giao con cho chị N nuôi, vì chị N không có nhà cửa, thường để con trong rẩy là không thuyết phục. Bởi hiện chị N đang ở tại căn nhà của chị và anh T, nên chị N sẽ bao bọc được con của mình, còn về thu nhập, mặc dù thu nhập của chị N có thấp, nhưng ổn định. Hiện nay cháu Tr còn nhỏ, nên chi phí cho việc ăn, học không đòi hỏi nhiều; hơn nữa nếu chị N có khó khăn, thì có thể yêu cầu anh T cấp dưỡng để nuôi con. Việc xem xét giao con cho ai nuôi, thì phải xem xét toàn diện về mọi mặt, nhằm đảm bảo cho trẻ được tốt, chứ không riêng về kinh tế ai tốt hơn.
Từ phân tích trên, Hội đồng xét xử quyết định giao cho chị N trực tiếp nuôi dưỡng cháu Nguyễn Đặng Quỳnh Tr là phù hợp Điều 71, 81, 84 Luật hôn nhân và gia đình.
[4] Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, nên buộc bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 1 Điều 71, khoản 1 Điều 81, 82, 83, 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
1. Về thay đổi việc nuôi con: Buộc Nguyễn Diên T phải chịu trách nhiệm giao lại con Nguyễn Đặng Quỳnh Tr, sinh ngày 26/11/2013 cho Đặng Thị N trực tiếp nuôi dưỡng. Nguyễn Diên T được quyền thăm nom, chăm sóc con chung không ai được cản trở.
2. Về án phí: Nguyễn Diên T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho Đặng Thị N 300.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh, theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, số 0018352 ngày 11/4/2018.
3. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày, tính từ ngày tuyên án (29/6/2018), bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày tính từ ngày nhận được hoặc ngày niêm yết bản án, để Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm.
4. Trường hợp Bản án thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 41/2018/HNGĐ-ST ngày 29/06/2018 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Số hiệu: | 41/2018/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Đức Linh - Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 29/06/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về