Bản án 408/2017/HSST ngày 06/12/2017 về tội giết người và cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 408/2017/HSST NGÀY 06/12/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 06 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 01, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 541/2017/HSST ngày 16 tháng 10 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Nguyễn Trọng N1; giới tính: Nam; sinh năm 1995; nơi sinh: tỉnh A; HKTT: ấp B, xã C, huyện D, tỉnh A; nơi cư trú: tổ 3, ấp 4A, xã V, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 8/12; nghề nghiệp: buôn bán; cha: Nguyễn Văn C (chết); mẹ: Nguyễn Thị L (sinh năm 1975). Hoàn cảnh gia đình: chưa vợ con; tiền án, tiền sự: không; tạm giam từ ngày 27/12/2016.

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa: Luật sư Phạm Minh T - Văn phòng luật sư T thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Nguyễn Đoàn Duy Q (T trắng); giới tính: Nam; sinh năm 1991; nơi sinh: K; HKTT: đội 3, thôn G, xã H, TP. I, tỉnh K; nơi cư trú: phòng trọ số 7, nhà số 302/1/6 đường N, phường L, quận M, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa; trình độ học vấn: 10/12; nghề nghiệp: công nhân; cha: Nguyễn Đoàn H (sinh năm 1966); Mẹ: Nguyễn Thị T (sinh năm 1967). Hoàn cảnh gia đình: có vợ, 01 con; tiền sự, tiền án: không; tạm giam từ ngày 27/12/2016. 

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa: Luật sư Tô Đình H - Văn phòng luật sư H thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3. Lê Thế A2 (N2) ; Giới tính: Nam; sinh năm: 1996; nơi sinh: tỉnh H; HKTT: ấp 1A, xã P, huyện Q, tỉnh H; nơi cư trú: tổ 4, ấp 6A, xã T, huyện E, Tp. Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: kinh; tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 6/12; nghề nghiệp: bảo vệ; cha: Lê Thành T (sinh năm 1960); mẹ: Nguyễn Thủy K (chết). Hoàn cảnh gia đình: chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: không; tạm giam từ ngày 28/12/2016.

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa: Luật sư Võ Lê P - Văn phòng luật sư K thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

4. Trần Vĩnh L2; giới tính: Nam; sinh năm: 1989; nơi sinh: tỉnh H; HKTT: ấp B, thị trấn P1, huyện Q1, tỉnh H; nơi cư trú: đường I, phường L, quận M, Tp. Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 6/12; nghề nghiệp: không; cha: Trần Văn D (sinh năm 1949); mẹ: Nguyễn Thị X (sinh năm: 1959); Hoàn cảnh gia đình: có vợ, 01 con; Tiền án, tiền sự: không; tạm giam từ ngày 03/01/2017.

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

5. Nguyễn Văn Trường A1 (Xì L); giới tính: Nam; sinh năm 1987; nơi sinh: Thành phố Hồ Chí Minh; HKTT: Phường R, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh; nơi cư trú: Phường R, Quận S, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa; trình độ học vấn: 10/12; Nghề nghiệp: không; cha: Nguyễn Văn T (sinh năm: 1954); mẹ: Nguyễn Thị X (sinh năm: 1965); tiền án: bản án số 74/2011/HSST ngày 28/3/2011, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 09 năm tù, về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Thời hạn tù tính từ ngày 11/11/2008. Chấp hành xong ngày 11/4/2015; tạm giam từ ngày 27/12/2016.

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

6. Trần Quốc B; giới tính: Nam; sinh ngày 29 tháng 4 năm 2000 (khi phạm tội 16 tuổi 07 tháng 26 ngày) nơi sinh Thành phố Hồ Chí Minh; HKTT: tổ 02, ấp 4B, xã V, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; trình độ học vấn: 8/12; nghề nghiệp: không; Cha: Trần Văn A (sinh năm 1965); mẹ: Lê Thị Kim C (sinh năm 1968); tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo tại ngoại.

Bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Người đại diện hợp pháp: Bà Lê Thị Kim C - mẹ ruột; sinh năm 1968; nơi cư trú: tổ 02, ấp 4B, xã V, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người bào chữa: Luật sư Đỗ Hải B - Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bị hại:

1. Ông Nguyễn Tuấn K1; sinh năm 1993; nơi cư trú: Phường B1, quận

B2, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2. Ông Trần Hải L1; sinh năm 1982; nơi cư trú: ấp 1, xã T, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh; chết ngày 25/12/2016.

Người thừa kế quyền và nghĩa vụ:

2.1 Cha: ông Trần Văn Đ1, sinh năm 1957;

2.2 Mẹ: bà Lý Thị S, sinh năm 1952;

Cùng nơi cư trú: ấp U, xã X, huyện Y, tỉnh S1(có mặt).

2.3 Con: trẻ Nguyễn Trần Chí K2 - do bà Nguyễn Thị Ánh T (sinh năm 1988) đại diện theo pháp luật; nơi cư trú: ấp 1, xã T, huyện E, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Đặng Ngọc H1, sinh năm 1994; nơi cư trú: ấp T, xã V, huyện T, tỉnh G (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 20 giờ ngày 25/12/2016, Đặng Ngọc H1, Trần Hải L1, Nguyễn Tuấn K1 và Nguyễn Văn N2 cùng với P, H5, Đ3 (chưa rõ lai lịch) đến quán ốc đêm tại ấp 4, xã V, huyện E, ăn nhậu. Lúc này, bàn bên cạnh có nhóm của Nguyễn Kiên G và Bùi Tiến T2.

Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, P, H5, Đ3 về trước. H1 nói với L1, K1, N2 có 02 thanh niên bàn bên thường xuyên nhìn “đểu” nên H1 rủ L1, K1 và N2 đánh G và T2. Sau khi thanh toán tiền xong, H1, L1, K1 và N2 dùng ghế nhựa, chai bia, đánh vào đầu, mặt của G và T2.

Thấy vậy, Nguyễn Trọng N1 - con của chủ quán - đang ngồi gần đó đến can ngăn thì bị nhóm của H1 tấn công, N1 bỏ chạy. Một lúc sau, N1 quay lại thì thấy H1 đang đứng gần xe máy hiệu Yamaha Mio màu đen biển số 67M8-32XX. N1 chạy vào quán lấy cây dũ 03 khúc đuổi đánh H1. H1 bỏ chạy leo lên xe của L1, K1 chở N2, cả 04 người bỏ chạy để lại chiếc xe máy hiệu Yamaha Mio màu đen biển số 67M8-32XX. N1 dùng cây dũ đập bể kiếng biển số bảo vệ xe.

Sau đó, N1 điện thoại gọi Nguyễn Hoàng Đ2 (H2 giấy), Lê Thế A2 (N2), Trần Vĩnh L2 đến quán ốc đêm để đi đánh nhóm của H1, L1, K1 và N2. Đ2 và L2 điện thoại rủ Nguyễn Đoàn Duy Q (T trắng). Sau khi nhận điện thoại, Q đồng ý và chạy đến quán ốc đêm, mang theo dao bấm; Thế A2 rủ T1 (chưa rõ lai lịch) cùng đi, T1 chở Thế A2 đi lấy hai cây mã tấu rồi cả hai chạy đến quán ốc đêm; L2 báo cho Nguyễn Văn Trường A1 (Xì L) biết có chuyện, cả hai cùng lên xe đi đến quán ốc đêm, L2 chở A1, A1 cầm theo hai khúc đuôi cây bi da. Đ2 điện thoại rủ thêm 03 người bạn (chưa rõ lai lịch) đến tập trung tại quán ốc đêm của N1. Lúc này, Trần Quốc B (bạn của Đ2) chạy xe ngang qua quán ốc đêm thấy Đ2, N1 đứng nói chuyện nên ghé vào quán. Khi nghe sự việc và Đ2 rủ B đi đánh nhau thì B đồng ý.

Cả nhóm lên xe đi truy tìm H1, L1, K1 và N2. N1 lấy 01 cây dũ 03 khúc đưa cho Đ2 làm hung khí. N1 điều khiển xe Honda Wave biển số 52U4-24XX, chở Q ngồi sau cầm 01 cây mã tấu dài khoảng 73cm; L2 cầm theo cây dũ 03 khúc, điều khiển xe Yamaha Exciter màu xanh chở Trường A1 ngồi sau cầm theo 02 cây cơ bida; B chạy xe Yamaha Exciter màu xanh chở Đ2 cầm cây dũ 03 khúc. T1 chạy xe Yamaha Exciter màu xanh chở Thế A2 ngồi sau cầm 01 cây mã tấu dài 67cm và cùng một số thanh niên khác đi xe gắn máy theo sau.

Khi cả nhóm đi đến ngã 3 đường ấp 1, xã T, huyện E, cách quán ốc đêm khoảng 500 mét. N1 nhìn thấy H1, Ngọc, K1 và L1 đang đứng ở bên lề đường. N1 liền chỉ cho cả nhóm và la lên “nó kìa”. Q liền bước xuống xe, tay trái cầm mã tấu đi đến nơi L1, H1, K1 và N2 đang đứng. K1 nói “có gì từ từ nói, đừng chém”, Q nói “tụi bây đập quán của người ta mà còn nói chuyện gì” rồi cầm mã tấu bằng tay trái chém thẳng vào người của L1 đang đứng phía sau. L1 giơ tay phải lên đỡ thì bị chém 01 nhát trúng vào tay phải. Cả nhóm của H1 bỏ chạy. N1 liền chở Thế A2 đuổi theo L1. Khi đuổi kịp, N1 nói với Thế A2 “nó kìa, bạn chém nó đi”. Nghe vậy, Thế A2 ngồi trên xe tay cầm mã tấu chém vào lưng của L1 làm L1 té ngã. Sau đó, Thế A2 bước xuống xe dùng mã tấu chém liên tiếp vào đầu và vào người của L1. L1 đưa tay lên đỡ và ngã gục tại ngã 3, đường ấp 1, xã T, huyện E. N1 nói “thôi được rồi bạn” rồi chở Thế A2 quay lại chỗ K1.

Khi thấy Q và Thế A2 lao vào chém L1. K1, H1 và Ngọc bỏ chạy. H1 và Ngọc chạy thoát về nhà trọ (khu phố 1, phường L, quận M). Đ1 liền đuổi theo, vật K1 ngã dưới đất, dùng cây dũ 03 khúc đánh K1. Cùng lúc, Q chạy đến dùng mã tấu chém liên tiếp trúng vào đầu, tay, chân, của K1 dùng chân đạp vào mặt của K1. L2 cầm cây dũ 03 khúc đánh mạnh vào đỉnh đầu sau phải của K1 và đánh trúng vào tay, chân của K1.

Cùng lúc này, khi Đ2 xuống xe đuổi đánh một nhóm người, thì A1 nhảy lên xe của B, B điều khiển xe đuổi theo L1 nhưng không kịp nên quay lại chỗ K1. A1 ngồi sau, tay cầm cây cơ bi da. Khi đến nơi A1 lao vào định đánh K1 nhưng thấy K1 đã bị đánh nằm dưới đất nên A1 không đánh.

Sau khi chém L1 xong, Thế A2 lên xe cho N1 chở đến chỗ Q, A1, L2, Đ2, B đang đánh K1. Thế A2 định xông vào chém K1 nhưng đã được cả nhóm ngăn lại và cùng nhau đưa K1 về quán ốc đêm để yêu cầu bồi thường tài sản trong quán bị hư hỏng.

Khi cả nhóm về lại quán ốc đêm thì: T1 chở K1, L2 chở A1; N1 chở Thế A2; B chở Q, H3 Giấy về lại quán ốc đêm. Sau đó, B chở Q đi đến phòng khám đa khoa khâu vết thương.

Thấy K1 có chảy máu nhiều, N1 đã chở K1 đến trạm xá cấp cứu trên đường X, phường L, quận M rồi bỏ trở về quán ốc đêm.

K1 được chuyển đến Bệnh viện R cấp cứu, đến ngày 26/12/2016 thì xuất viện. Trần Hải L1 được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện S nhưng đến 23 giờ 45 phút cùng ngày thì chết.

Ngày 28/12/2016, Lê Thế A2 ra đầu thú.

Ngày 03/01/2017, Trần Vĩnh L2 đầu thú.

Nguyễn Hoàng Đ2 hiện đang lẩn trốn. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có Quyết định tách vụ án và ra lệnh truy nã số 505-60 ngày 22/6/2017.

Đối với tên T1 chưa xác minh được lai lịch nên chưa xử lý.

Tại Cơ quan điều tra, N1, Q, A1, Thế A2, L2, B khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Tại phiên tòa:

1. Các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội. Các bị cáo đều xác nhận biết việc đánh nhau. Sau khi nhận được điện của N1, cả nhóm đã tập trung tại quán ốc đêm, sau đó cùng thống nhất đi tìm nhóm của L1, H1, K1, N2. Khi đi có bị cáo chuẩn bị hung khí. Bị cáo Thế A2 xác định không đánh được K1 là do có người can ngăn. Bị cáo L2 khi đến nơi thấy H3 Giấy đang vật lộn với L2 nên nhảy vào đánh L2. Bị cáo A1 xác định bị cáo tự nguyện đi cùng L2 và khi đi có mang theo đuôi hai cây cơ, nhằm mục đích đánh nhau. Bị cáo Trần Quốc B thừa nhận biết việc đánh nhau, đồng ý đi cùng, bị cáo chở H3 Giấy khi đi, lúc đánh nhau bị cáo đã chở A1 cầm đuôi cây cơ đi tìm người. Bị cáo chỉ ngồi trên xe không đánh ai. Khi về bị cáo chở H3 Giấy và Q về quán.

2. Bản cáo trạng số 288/CTr-VKS-P2 ngày 18 tháng 7 năm 2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố các bị cáo tội danh như sau:

- Nguyễn Trọng N1 và Nguyễn Đoàn Duy Q về tội: “Giết người” theo điểm n, khoản 1, Điều 93 và tội: “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999;

- Lê Thế A2 về tội: “Giết người” theo điểm n, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999;

- Trần Vĩnh L2 về tội: “Cố ý gây thương tích”, theo khoản 2, Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999.

- Nguyễn Văn Trường A1 và Trần Quốc B, về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày lời luận tội, giữ quan điểm truy tố và đề nghị:

- Bị cáo Nguyễn Trọng N1: 19 - 20 năm tù về tội “Giết người”, 03 - 04 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt từ 22 -24 năm tù.

- Bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q: 19 -20 năm tù về tội “Giết người”, 03-04 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt từ 22 -24 năm tù.

- Bị cáo Lê Thế A2: 19 – 20 năm tù về tội “Giết người”.

- Bị cáo Trần Vĩnh L2: 02 - 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Bị cáo Nguyễn Văn Trường A1: 18 - 24 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

- Bị cáo Trần Quốc B: 06 - 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo có thời gian thử thách theo quy định về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

+ Tịch thu tang vật không còn giá trị sử dụng tiêu huỷ. Giao những chiếc xe gắn máy cho cơ quan công an tiếp tục xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Chấp nhận yêu cầu ma chay, bồi thường tổn thất tinh thần. Đối với yêu cầu cấp dưỡng chỉ chấp nhận ½ vì trách nhiệm nuôi con là của cả cha và mẹ. Trách nhiệm dân sự này sẽ xác định trên cơ sở hành vi phạm tội của bị cáo. Bị cáo nào gây thương tích cho ai thì phải chịu. Các bị cáo bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” không phải chịu trách nhiệm dân sự.

3. Luật sư bào chữa cho các bị cáo phát biểu quan điểm:

- Luật sư Phạm Minh T: bị cáo Nguyễn Trọng N1 từ nguyên nhân bức xúc do bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người bị hại nên đã không suy nghĩ mà gọi người giúp đỡ dẫn đến sự việc đáng tiếc. Luật sư đồng ý tội danh “Giết người” do phải chịu hậu quả của đồng phạm gây ra. Đối với tội danh “Cố ý gây thương tích”, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo là người chở K1 đi cấp cứu, bị cáo không mong muốn gây thương tích cho K1; Nhóm người bị hại có lỗi nhưng đã không được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát truy tố; đồng thời chưa xác minh làm rõ người tên T1. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung để làm rõ những vấn đề trên. Viện kiểm sát chưa làm rõ quá trình vụ án trong tổng thể sự việc mà đã ngắt khúc để truy tố là chưa toàn diện.

Mức án Viện kiểm sát đề nghị là quá nặng so với hành vi phạm tội của bị cáo khi bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, đ, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét toàn diện và ban hành một bản án phù hợp quy định của pháp luật, xét xử bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; Đề nghị trả lại xe cho mẹ của bị cáo; đồng ý quan điểm dân sự như Viện kiểm sát đề nghị.

- Luật sư Tô Đình H: vết thương bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q chém L1 không gây ra nguy hiểm tính mạng. Bị cáo không đuổi theo L1, không có mục đích tước đoạt tính mạng của L1. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ theo điểm p khoản 1 Điều 46. Khi tiếp xúc với bị cáo trong trại giam, bị cáo có ý mong muốn gia đình hỗ trợ bồi thường nhưng bản thân luật sư đã không liên lạc được với gia đình bị cáo nên chưa thể khắc phục phần dân sự; hiện bị cáo đang có con nhỏ nên mong Hội đồng xét xử cho bị cáo mức án nhẹ để sớm về với gia đình.

- Luật sư Võ Lê P: bị cáo Lê Thế A2 có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bị cáo

lần đầu phạm tội, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ: đầu thú, thành khẩn khai báo ăn năn hối cải. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

- Luật sư Đỗ Hải B: Bị cáo Trần Quốc B chỉ đi ngang qua quán và được Điệu nhờ chở đi. Luật sư cho rằng bị cáo không có tội. Bị cáo là người chưa thành niên. Hành vi của bị cáo không nên áp dụng hình phạt tù vì sẽ để lại tiền án.

- Bà Lê Thị Kim C - đại diện hợp pháp cho cho bị cáo B: xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ, gia đình hứa sẽ quản lý, giáo dục bị cáo tốt hơn.

4. Người bị hại:

4.1 Người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông Trần Hải L1 có ý kiến:

- Ông Trần Văn Đ1, bà Lý Thị S, bà Nguyễn Thị Ánh T đại diện theo pháp luật cho trẻ Nguyễn Trần Chí K2: xác nhận đã nhận số tiền 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) của mẹ bị cáo N1 tại toà. Đề nghị xem xét theo quy định của pháp luật.

4.2 Ông Nguyễn Tuấn K1: ông giữ yêu cầu bồi thường dân sự số tiền chi phí điều trị và đề nghị xem xét mức án các bị cáo theo quy định của pháp luật.

5. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Đặng Ngọc H1 không có ý kiến.

6. Các bị cáo nói lời sau cùng:

- Bị cáo Nguyễn Trọng N1, bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q, bị cáo Lê Thế A2, bị cáo Trần Vĩnh L2, bị cáo Nguyễn Văn Trường A1, bị cáo Trần Quốc B đều gửi lời xin lỗi gia đình người bị hại, các bị cáo hối hận, xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ để sớm về với gia đình.

7. Viện kiểm sát tranh luận:

- Đối với luật sự T: không đồng ý quan điểm bị cáo N1 phạm tội do tinh thần bị kích động vì vụ việc gây sự tại quán đã kết thúc, thương tích không đáng kể nhưng hành vi kêu gọi, chuẩn bị hung khí đi đánh người dẫn đến hậu quả nghiêm trọng của các bị cáo là thể hiện sự hung hăng, côn đồ; chỉ có thể áp dụng khoản 2 Điều 46 “người bị hại cũng có lỗi”. Gia đình bị cáo tự nguyện bồi thường một phần tại phiên toà chỉ được áp dụng khoản 2 Điều 46, không thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Đối với tên T1 không xác định được lai lịch nên cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không có cơ sở để xem xét. Không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự K1, N2, H1 vì địa điểm này không phải là nơi công cộng.

- Đối với luật sư H: bị cáo Q được Đ2 cho biết đi đánh nhau ngay lập tức mang theo hung khí có mặt tại điểm hẹn. Bị cáo tham gia nhiệt tình và hậu quả thực tế 1 người chết, 1 người bị thương. Nhát chém của bị cáo làm mất máu, nguy hiểm tính mạng của người bị hại. Bị cáo đã từng có 01 tiền án, nhân thân xấu.

- Đối với luật sư B: hành vi của B không trực tiếp gây thương tích nhưng bị cáo tham gia nhiệt tình trong quá trình đánh nhau. Bị cáo biết việc đi đánh nhau, lúc đi chở Đ2. Khi đánh nhau, chở A1 đi tìm người, khi đuổi theo không kịp thì chở quay ngược lại chỗ K1. Lúc về bị cáo là người chở Q, Đ2. Mặc dù khi chở về là khi đã kết thúc quá trình đánh nhau không xem xét nhưng thể hiện bị cáo là người giúp sức tích cực.

+ Luật sư T: Nếu Viện kiểm sát cho rằng Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã làm hết sức nhưng vẫn không tìm ra T1 và không có căn cứ khởi tố nhóm K1, H1, N2 thì luật sư rút lại yêu cầu trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

+ Luật sư B: Nếu cho rằng bị cáo là người giúp sức tích cực thì phải định tội danh “Cố gây thương tích” chứ không phải tội “Gây rối trật tự công cộng”. Do đó, bị cáo không phạm tội “ Gây rối trật tự công cộng” Đề nghị áp dụng hình thức xử phạt hành chính.

+ Luật sư H: Bị cáo Q có tiền án nhưng đã được xoá án nên cần xem xét theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người bị hại, những người thừa kế quyền và nghĩa vụ của người bị hại;

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

1. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, luật sư, bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo chưa thành niên không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã được thực hiện đều đúng với quy định của pháp luật.

2. Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, phù hợp với kết luận giám định pháp y tử thi số 1868/TT.16 ngày 11/01/2017, của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. Kết luận nạn nhân Trần Hải L1, bị 10 vết thương gồm: 01 vết tại thái dương; 02 vết tại vai trái và 07 vết thương ở tay trái và tay phải, tất cả các vết thương có bờ mép sắc gọn. Nguyên nhân chết do “Choáng mất máu cấp do đa vết thương” và công văn số 56/TTPY.GT-17 ngày 23/3/2017 của Trung tâm pháp y giải thích pháp y “Cả 02 cây mã tấu như mô tả đều có thể gây ra được tất cả thương tích trên người nạn nhân Lực, còn cây dũ như mô tả không gây ra được. Không xác định được vết thương nào do cây mã tấu nào gây ra; chỉ có 02 vết thương nông ở vai trái và bả vai trái là không gây tử vong, còn tất cả các vết còn lại đều góp phần làm nạn nhân mất máu và tử vong”.

Phù hợp bản kết luận giám định Pháp y số 372/TgT.17 ngày 18/5/2017, của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, kết luận Nguyễn Tuấn K1 bị thương tích gồm: 01 vết thương vùng trán trên và thái dương trái gây mẻ bản sọ ngoài cùng trán trên trái dài 3,2cm hiện còn sẹo kích thước 3,5 x 0,4cm; Đa vết thương phần mềm tạo: 01 sẹo kích thước 4,5 x 0,3cm tại vùng đỉnh sau phải; 02 vết tăng sắc tố da phẳng kích thước 8,5 x(0,05-0,2)cm tại mặt ngoài 1/3 dưới đùi trái và kích thước 4,5x (0,05-0,2)cm tại mặt ngoài gối trái. Tỉ lệ thương tật là 17% và Công văn số 103/TTPY.GT-17 ngày 31/5/2017, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh có giải thích cách tính tỷ lệ thương tích.

Phù hợp kết luận giám định số 81-17/KLGĐ-SV ngày 31/3/2017, của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an TP. Hồ Chí Minh về máu để lại theo biên bản khám nghiệm hiện trường.

 “5.6. Dấu vết hiện trường 1 là máu người, nhóm máu O, cùng nhóm máu với Trần Hải Lực;

5.7. Dấu vết hiện trường 2 là máu người, nhóm máu B, cùng nhóm máu với Nguyễn Tuấn Kết”.

Do đó, có cơ sở xác định các bị cáo Nguyễn Trọng N1, Nguyễn Đoàn Duy Q, Lê Thế A2, Trần Vĩnh L2, Nguyễn Văn Trường A1, Trần Quốc B đã tập hợp đi đánh người. Hậu quả xảy ra là Trần Hải L1 chết, Nguyễn Tuấn K1 bị thương tích với tỷ lệ tổn thương là 17%.

Cụ thể hành vi, vai trò của các bị cáo như sau:

1. Bị cáo Nguyễn Trọng N1: chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhưng đã liên lạc, rủ rê, tập hợp, tự mình chuẩn bị hung khí, đồng thời là người thực hành lái xe truy đuổi, giúp sức tích cực trong việc cùng đồng phạm gây ra cái chết cho Trần Hải L1 và gây thương tích cho Nguyễn Tuấn K1. Bị cáo buộc phải biết với hung khí nguy hiểm và hành động quyết liệt của Q, Thế A2 sẽ gây hậu quả chết người nhưng đã để mặc cho hậu quả xảy ra.

2. Bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q: mặc dù giữa bị cáo và người bị hại không quen biết, không mâu thuẫn, nhưng khi được đồng bọn rủ đi đánh nhau, bị cáo nhanh chóng tụ tập, chuẩn bị, sử dụng hung khí nguy hiểm chém L1 và K1. Bị cáo là người thực hành tích cực. Bị cáo có một tiền án theo bản án số 135/2010/HSPT ngày 24/9/2010, bị Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xử phạt 04 năm tù, về tội: “Cướp giật tài sản” theo điểm d, khoản 2, Điều 136 BLHS. Thời hạn tù tính từ ngày 06/10/2009, đã chấp hành xong ngày 06/6/2013 nhưng đã được xoá án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 70 BLHS 2015.

3. Bị cáo Lê Thế A2: không quen biết với người bị hại nhưng bị cáo đã tỏ ra hung hăng, côn đồ, chuẩn bị hung khí nguy hiểm chém lên tiếp nhiều nhát vào L1 mặc cho người bị hại không còn khả năng chống cự. Bị cáo buộc phải biết với hung khí và hành vi quyết liệt của mình sẽ dẫn đến chết người nhưng bị cáo đã bất chấp, bỏ mặc hậu quả xảy ra. Sau khi chém L1 nằm gục, bị cáo lên xe để N1 tiếp tục chở chạy đến chém K1. Bị cáo không thực hiện được hành vi chém K1 là do có sự căn ngăn của người khác. Sự quyết tâm, hung hăng của bị cáo là động lực thúc đẩy cho đồng phạm. Bị cáo là người thực hành và giúp sức tích cực.

4. Bị cáo Trần Vĩnh L2: bị cáo không quen biết, không mâu thuẫn với người bị hại, nhưng khi nghe điện thoại của N1, đã rủ rê đồng bọn, tập hợp và cùng thống nhất mang hung khí đi đánh người, gây thương tích. Bị cáo hung hăng côn đồ, trực tiếp dùng cây dũ 03 khúc đánh K1 và hỗ trợ tinh thần cho đồng phạm. Bị cáo là người thực hành, giúp sức tích cực.

5. Bị cáo Nguyễn Văn Trường A1: bị cáo đã biết việc đi đánh nhau, chuẩn bị hung khí từ nhà là đuôi hai cây cơ đến nơi tập hợp. Bị cáo cùng ý chí, mang hung khí đi đánh người, đồng ý để L2 chở đi tìm nhóm L1, K1, N2, H1. Khi đến nơi, bị cáo đã lao vào cùng đánh nhóm của L1, nhưng không đánh được vì họ đã bỏ chạy. Lúc này, khi L2 đã lấy xe chạy đuổi theo đánh K1. Bị cáo A1 đã không dừng lại mà nhanh chóng lên xe của B, B chở A1 đuổi theo nhóm bỏ chạy, khi không đuổi kịp, B chở A1 quay lại chỗ của K1. Khi đến nơi, do thấy K1 đang bị nhiều người đánh nằm dưới đất nên bị cáo không đánh. Bị cáo là người giúp sức tích cực.

6. Bị cáo Trần Quốc B: Bị cáo biết việc đánh nhau, đồng ý cùng cố ý đi gây thương tích của nhóm L1, H1, K1, N2. Khi đi, bị cáo là người chở Đ2. Lúc Đ2 xuống xe chạy theo đuổi đánh K1, bị cáo đã chở A1 đuổi theo nhóm bỏ chạy, khi không thể đuổi kịp, bị cáo chở A1 quay lại chỗ K1. Sau khi đánh nhau, bị cáo là người chở Q và Đ2 về lại quán ốc đêm và sau đó đưa Q đi khâu vết thương. Bị cáo không trực tiếp ra tay đánh người vì là người cầm lái xe chở cho đồng phạm đuổi đánh đối tượng. Bị cáo là người giúp sức tích cực.

Đối với hành vi của các bị cáo Nguyễn Trọng N1, Nguyễn Đoàn Duy Q bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố hai tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 và “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự là đúng quy định của pháp luật. N1 là người chủ mưu kêu gọi, tập hợp lực lượng, chuẩn bị hung khí, kêu gọi chuẩn bị hung khí. Khi L1 bị Q chém bỏ chạy, N1 tiếp tục chở Thế A2 truy sát và ra lệnh cho Thế A2 chém L1. Q là người thực hành tích cực, chém L1 đầu tiên, khi L1 bỏ chạy, đuổi theo không kịp đã quay sang chém nhiều nhát vào K1.

Riêng đối với các bị can Lê Thế A2, Trần Vĩnh L2, Nguyễn Văn Trường A1, Trần Quốc B, Viện kiểm sát đã truy tố tội danh trên cơ sở phân hoá hành vi thực hiện tội phạm:

- Bị cáo Lê Thế A2 tham gia đánh Trần Hải L1 nên bị truy tố tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

- Bị cáo Trần Vĩnh L2 tham gia đánh Nguyễn Tuấn K1 nên bị truy tố tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

- Bị cáo Nguyễn Văn Trường A1 và Trần Quốc B không trực tiếp gây thương tích nên bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự.

Đây là vụ án đồng phạm. Do đó, việc Viện kiểm sát phân hoá hành vi của từng bị cáo để định tội danh là không đúng với quy định trong việc định tội danh trong vụ án đồng phạm. Bỏ lọt hành vi phạm tội.

Các bị cáo có sự rủ rê, bàn bạc, tập hợp, chuẩn bị hung khí, đồng loạt xuất phát truy tìm người với mục đích cố ý gây thương tích. Các bị cáo đều ý thức việc cùng đồng phạm mang hung khí, tập hợp nhiều người đi truy tìm và khi phát hiện đối tượng, các bị cáo đã cùng thống nhất nhau hành động lao vào đánh, chém. Hành động của bị cáo này tác động, hỗ trợ, thúc đẩy cho hành động của bị cáo kia và ngược lại. Chính sự hỗ trợ, quyết tâm của bị cáo này là động lực thúc đẩy cho bị cáo khác hành động.

Do đó, các bị cáo phải cùng chịu trách nhiệm về hậu quả thương tích do hành vi mà đồng phạm đã gây ra.

Vai trò tham gia của từng bị cáo trong vụ án chỉ có ý nghĩa khi quyết định hình phạt chứ không ảnh hưởng đến việc định tội danh.

Do đó, những bị cáo trực tiếp tham gia đánh Trần Hải L1 bằng hung khí nguy hiểm, liên tục chém nhiều nhát là đã thấy trước hậu quả chết người xảy ra nhưng vẫn hành động là hành vi vượt quá ý chí của đồng phạm nên phải chịu trách nhiệm riêng tội danh “Giết người” đồng thời phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm đối với thương tích của Nguyễn Tuấn K1 theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự.

Đối với các bị cáo không trực tiếp tham gia đánh Trần Hải L1 phải chịu trách nhiệm hậu quả chung do đồng phạm gây ra với tội danh “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự trường hợp: “dẫn đến chết người”.

Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung số 301/2017/HSST-QĐ ngày 28/9/2017 đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại tội danh đối với các bị cáo theo hướng: Lê Thế A2 tội danh “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 và tội “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Trần Vĩnh L2, Nguyễn Văn Trường A1 và Trần Quốc B tội danh “Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Tuy nhiên, ngày 12/10/2017, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 102-03/VKS-P2 hoàn trả hồ sơ, giữ quan điểm truy tố tội danh như nội dung cáo trạng. Điều 196 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Toà án chỉ xét xử những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”.

Căn cứ giới hạn của việc xét xử, Toà án không thể xét xử các bị cáo tội danh nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố. Do đó, Hội đồng xét xử xét xử tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, đồng thời kiến nghị Toà án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại bản án sơ thẩm.

Về hình phạt đối các bị cáo: hành vi của các bị cáo là cố ý, là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo không chỉ xem thường pháp luật, xâm phạm đến tính mạng sức khoẻ cho người khác mà còn gây tâm lý kinh hoàng, hoảng sợ cho những người chứng kiến sự việc; làm ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội; tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, phẫn nộ trong cộng đồng; hình thành luồng dư luận xấu về sự suy giảm đạo đức trong xã hội, về cách chọn lựa giải pháp giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống: sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Do đó, một mức án tương xứng dành cho từng bị cáo không chỉ nhằm giáo dục các bị cáo nhận thức hành vi sai trái mà còn giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm trên cơ sở xem xét đánh tính chất, mức độ vai trò của từng bị cáo.

Về tình tiết tăng nặng: Trong vụ án này, có bị cáo Trần Quốc B chưa thành niên nên các bị cáo đã thành niên phải chịu trách nhiệm tình tiết tăng nặng là “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” theo điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Nguyễn Văn Trường A1 đã có 01 tiền án theo bản án số 74/2011/HSST ngày 28/3/2011, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử phạt 09 năm tù, về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Thời hạn tù tính từ ngày 11/11/2008. Chấp hành xong ngày 11/4/2015. Chưa được xoá án tích lại tiếp tục phạm tội cố ý nên có tình tiết tăng nặng “tái phạm” theo khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ: nguyên nhân xuất phát từ lỗi người bị hại nhưng sự việc đã giải quyết, người có lỗi đã bỏ chạy nhưng các bị cáo vẫn quyết tâm tập hợp truy lùng người cùng cố ý thực hiện tội phạm nên không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự theo đề nghị của luật sư T mà chỉ áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự “người bị hại có lỗi” cho tất cả các bị cáo;

Các bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Gia đình bị cáo N1 đã bồi thường một phần thiệt hại nên áp dụng dụng tình tiết giảm nhẹ khoản 2 Điều 46 theo quan điểm của Viện kiểm sát.

Ngoài bị cáo Nguyễn Văn Trường A1 có tiền án, Nguyễn Đoàn Duy Q có tiền án đã được xoá, các bị cáo còn lại chưa có tiền án, tiền sự, lần đầu phạm tội. Bị cáo Trần Quốc B khi phạm tội 16 tuổi 07 tháng 26 ngày nên áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên theo quy định tại Điều 68, 69, khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự nhưng căn cứ tính chất, vai trò của bị cáo trong vụ án, không thể chấp nhận yêu cầu của luật sư bào chữa cho bị cáo mà cần xử nghiêm để răn đe giáo dục, không để bị cáo có cơ hội tiếp cận,

giao du với những những thành phần xấu trong xã hội ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách.

Các bị cáo bị truy tố theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm. Căn cứ điểm a, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016; điểm b, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 ngày 27/11/2015 của Quốc Hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015. Áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi phạm tội của các bị cáo được xem xét theo khung hình phạt tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm.

3. Những vấn đề khác:

1. Xử lý vật chứng vụ án: Tịch thu tiêu huỷ những đồ vật không còn giá trị sử dụng: 01 đôi giày màu nâu; 01 đôi dép cao su có chữ XNEKE; 01 đôi dép cao su màu đen; 01 nón kết màu đen có chữ Rangers và 01 gói nylon bên trong đựng 02 mẫu máu; 01 ghế nhựa bị vỡ; 01 gói đựng các mảnh vỡ thủy tinh; 01 cây mã tấu dài khoảng 67cm, lưỡi bằng kim loại dài 49,5 cm, mũi vát xéo, bản lưỡi chỗ rộng nhất khoảng 5,2 cm. Cán màu đen dài khoảng 17,5 cm, dạng tròn đường kính khoảng 3,2 cm đuôi cán được gắn quả cầu bằng kim loại màu trắng đường kính khoảng 5,7 cm; 01 cây mã tấu dài khoảng 73 cm, lưỡi bằng kim loại dài 55 cm, mũi vát xéo, bản lưỡi chỗ rộng nhất khoảng 4,3 cm, cán bằng kim loại màu trắng dài khoảng 18 cm, 01 cây dũ bị cong dài khoảng 44,8 cm, gồm hai đoạn, đoạn màu đen có đường kính khoảng 2,7 cm, đoạn bằng kim loại màu trắng đường kính khoảng 1,1 cm.

2. Trả lại những tài sản không liên quan đến vụ án:

- Trả lại cho bị cáo N1 01 điện thoại di động Nokia 6300 màu vàng.

- Trả lại cho bị cáo Q 01 điện thoại di động Nokia 105 màu đen.

- Chiếc xe gắn máy biển số 54H3-0271, qua xác minh do ông Lữ Cẩm T2 đứng tên đăng ký xe. Đến năm 2013, ông T2 bán chiếc xe này cho em trai của con rể ông là Châu Hán H4 không làm giấy tờ mua bán. Năm 2014, ông H4 bán lại chiếc xe này cho Nguyễn Tuấn K1 sử dụng và không có làm giấy mua bán. Xét thấy, ông T2, ông H4 đều xác nhận việc mua bán là có thật nên giao trả cho ông Nguyễn Tuấn K1 quản lý sử dụng chiếc xe trên, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

- Chiếc xe gắn máy biển số 67M8-3281, qua xác minh của bà Bùi Thị T3 ngụ tại ấp P2, thị trấn P3, huyện A3, tỉnh G đứng tên đăng ký xe. Ngày 11/4/2014, bà T3 bán chiếc xe này cho Đặng Ngọc H1 có Uỷ ban nhân dân xã V xác nhận nhưng chưa sang tên xe. Xét thấy, việc mua bán là có thật nên giao trả cho Đặng N2 H1, ông H1 có trách nhiệm sang tên xe theo quy định của pháp luật.

- Chiếc xe gắn máy biển số 52U4-24XX, qua xác minh của ông Nguyễn Văn T4 ngụ tại Phường E, Quận H đứng tên đăng ký xe. Đến năm 2009, anh T4 bán xe cho 01 người không rõ địa chỉ, không làm giấy tờ mua bán. N1 đã mua lại chiếc xe này, giữ giấy xe chủ cũ sử dụng nhưng cũng không làm giấy tờ mua bán. Do chủ sở hữu hợp pháp chiếc xe trên là ông T4 xác định đã bán, không tranh chấp. Cơ quan cảnh sát điều tra đã đăng báo truy tìm chủ sở nhưng đến nay không có người liên hệ giải quyết. Do đó, giao trả chiếc xe trên cho Nguyễn Trọng N1 quản lý, sử dụng, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác.

3. Về trách nhiệm dân sự:

- Ông Trần Văn Đ1 là cha của nạn nhân Trần Hải L1 yêu cầu bồi thường chi phí cấp cứu tại các Bệnh viện là: 11.455.207 đồng; Chi phí mai táng và ma chay 137.000.000 đồng; Bồi thường tổn thất tinh thần cho 04 người (cha, mẹ, vợ và 01 người con) là 80.000.000 đồng; Tiền cấp dưỡng nuôi 01 người con là 5.000.000 đồng/01 tháng x 18 năm, cấp dưỡng 01 lần là 500.000.000 đồng. Tổng cộng 738.455.207 đồng. Xét thấy, yêu cầu chi phí cấp cứu, ma chay là phù hợp quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên chấp nhận; Yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần của cha mẹ Trần Hải L1 là phù hợp nên chấp nhận. Đối với bà Nguyễn Thị Ánh T không có đăng ký kết hôn nên không được chấp nhận.

Đối với yêu cầu tổn thất tinh thần và cấp dưỡng cho trẻ Nguyễn Trần Chí K2: căn cứ kết quả xét nghiệm ADN giữa ông Trần Văn Đ1 là cha của người bị hại Trần Hải L1 và trẻ Nguyễn Trần Chí K2 của Viện sinh học phân tử LOCI “có cùng huyết thống dòng cha” nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần cho trẻ; Đối với yêu cầu cấp dưỡng: Áp dụng quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự, Điều 117 Luật hôn nhân Gia đình năm 2014, xét thấy mức cấp dưỡng nuôi trẻ K2 5.000.000đ/tháng phù hợp với nhu cầu thiết yếu của người được bồi thường nhưng không phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của người phải bồi thường nên chỉ chấp nhận mức cấp dưỡng là 3.000.000đ/tháng. Đồng thời, căn cứ điểm c Điều 11 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán do các bên không thể thoả thuận nên chỉ chấp nhận phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Gia đình bị cáo Nguyễn Trọng N1 đã tự nguyện bồi thường 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng). Số tiền này sẽ được trừ vào nghĩa vụ của dân sự của bị cáo N1.

- Ông Nguyễn Tuấn K1 có đơn yêu cầu bồi thường chi phí điều trị thương tích là 15.266.000 đồng. Số tiền này có hoá đơn chứng từ phù hợp nên chấp nhận.

Trong vụ án đồng phạm, lẽ ra nghĩa vụ bồi thường dân sự là nghĩa vụ liên đới của tất cả các bị cáo. Tuy nhiên, do Hội đồng xét xử chỉ xét xử theo tội danh Viện kiểm sát truy tố nên trách nhiệm dân sự đối với việc bồi thường tính mạng sức khoẻ của Trần Hải L1 chỉ xác định là nghĩa vụ liên đới của bị cáo Nguyễn Trọng N1 và bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q; nghĩa vụ bồi thường thương tích cho Nguyễn Tuấn K1 chỉ xác định nghĩa vụ liên đới của các bị cáo N1, Q, Thế A2, L2 mà không thể xác định trách nhiệm của các bị cáo khác nên Hội đồng xét xét cũng kiến nghị Toà án cấp trên có thẩm quyền xem xét lại phần này.

4. Về án phí: Các bị cáo phải chị án phí HSST mỗi bị cáo 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) và án phí dân sự theo quy định. Cụ thể:

- Nguyễn Trọng N1 phải chịu án phí dân sự: bồi thường thiệt hại cho người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông L1 là 1.840.920đ; tiền cấp dưỡng nuôi trẻ K2 300.000đ; bồi thường cho ông K1 300.000đ. Tổng cộng là 2.440.920đ (hai triệu bốn trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Nguyễn Đoàn Duy Q phải chịu án phí dân sự: bồi thường thiệt hại cho người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông L1 là 3.340.920đ; tiền cấp dưỡng nuôi trẻ K2 300.000đ; bồi thường cho ông K1 300.000đ. Tổng cộng là 3.940.920đ (ba triệu chín trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Lê Thế A2 phải chịu án phí dân sự: bồi thường thiệt hại cho người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông L1 là 3.340.920đ; tiền cấp dưỡng nuôi trẻ K2 300.000đ. Tổng cộng là 3.640.920đ (ba triệu sáu trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Trần Vĩnh L2 chịu án phí bồi thường thiệt hại bồi thường cho ông K1 300.000đ (ba trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93, khoản 2 Điều 104, khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Tuyên bố:

- Bị cáo Nguyễn Trọng N1 và Nguyễn Đoàn Duy Q phạm tội “Giết người” và tội: “Cố ý gây thương tích”.

- Bị cáo Lê Thế A2 phạm tội: “Giết người”.

- Bị cáo Trần Vĩnh L2 phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.

- Bị cáo Nguyễn Văn Trường A1 và Trần Quốc Bảo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng”.

2. Áp dụng điểm p khoản 1, 2 Điều 46 điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 50, Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Căn cứ điểm a, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016; điểm b, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 ngày 27/11/2015 của Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015.

+ Áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt, bị cáo Nguyễn Trọng N1 18 (mười tám) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Giết người”, 02 (hai) năm tù về tội “ Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành chung là 20 (hai mươi ) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/12/2016.

+ Áp dụng điểm p khoản 1, 2 Điều 46, điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 50, Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Căn cứ điểm a, khoản 4 Điều 1 Nghị quyết 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016; điểm b, khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 109/2015 ngày 27/11/2015 của Quốc hội nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015.

Áp dụng khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015, khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Đoàn Duy Q 18 (mười tám) năm tù về tội “Giết người”, 04 (bốn) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải chấp hành chung là 22 (hai mươi hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/12/2016.

+ Áp dụng điểm p khoản 1, 2 Điều 46, điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt bị cáo Lê Thế A2 19 (mười chín) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 28/12/2016.

+ Áp dụng điểm p khoản 1, 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt bị cáo Trần Vĩnh L2 04 (bốn) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 03/01/2017.

+ Áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g, n khoản 1 Điều 48, khoản 1 Điều 49 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Trường A1 02 (hai) năm tù về tội “ Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/12/2016.

+ Áp dụng điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 68, 69, khoản 1 Điều 74 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt bị cáo Trần Quốc B 01 (một) năm 02 (hai) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành hình phạt.

1. Về dân sự: buộc Nguyễn Trọng N1, Nguyễn Đoàn Duy Q, Lê Thế A2 có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho ông Trần Văn Đ1, bà Lý Thị S chi phí mai táng là 140.455.207 đồng; liên đới bồi thường cho ông Trần Văn Đ1, bà Lý Thị S, trẻ

Nguyễn Trần Chí K2 - do bà Nguyễn Thị Ánh T đại diện theo pháp luật - số tiền bồi thường tổn thất tinh thần là 60.000.000 đồng. Tổng số tiền là 200.455.207đ ( hai trăm triệu bốn trăm năm mươi lăm nghìn hai trăm lẻ bảy đồng). Trong đó phần của mỗi người là 66.818.402đ (sáu mươi sáu triệu tám trăm mười tám nghìn bốn trăm lẻ hai đồng). Gia đình Nguyễn Trọng N1 đã tự nguyện bồi thường 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng), nghĩa vụ của N1 còn lại là 36.818.402đ (ba mươi sáu triệu tám trăm mười tám nghìn bốn trăm lẻ hai đồng); liên đới bồi thường tiền cấp dưỡng cho trẻ Nguyễn Trần Chí K2 - do bà Nguyễn Thị Ánh T đại diện theo pháp luật - mỗi tháng 3.000.000đ (ba triệu đồng). Trong đó phần của mỗi người là 1.000.000đ (một triệu đồng).Thời gian cấp dưỡng từ ngày án có hiệu lực pháp luật cho đến khi phát sinh điều kiện chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Buộc Nguyễn Trọng N1, Nguyễn Đoàn Duy Q, Lê Thế A2, Trần Vĩnh L2 có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho ông Nguyễn Tuấn K1 số tiền 15.266.000đ (mười lăm triệu hai trăm sáu mươi sáu nghìn). Trong đó phần của mỗi người là 3.816.500đ (ba triệu tám trăm mười sáu nghìn năm trăm đồng).

Trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự thì các bị cáo còn phải trả thêm tiền lãi theo mức lãi suất 10%/năm.

4. Về xử lý vật chứng:

+ Tịch thu tiêu huỷ những đồ vật không còn giá trị sử dụng: 01 đôi giày màu nâu; 01 đôi dép cao su có chữ XNEKE; 01 đôi dép cao su màu đen; 01 nón kết màu đen có chữ Rangers và 01 gói nylon bên trong đựng 02 mẫu máu; 01 ghế nhựa bị vỡ; 01 gói đựng các mảnh vỡ thủy tinh; 01 cây mã tấu dài khoảng 67cm, lưỡi bằng kim loại dài 49,5 cm, mũi vát xéo, bản lưỡi chỗ rộng nhất khoảng 5,2 cm. Cán màu đen dài khoảng 17,5 cm, dạng tròn đường kính khoảng 3,2 cm đuôi cán được gắn quả cầu bằng kim loại màu trắng đường kính khoảng 5,7 cm; 01 cây mã tấu dài khoảng 73 cm, lưỡi bằng kim loại dài 55 cm, mũi vát xéo, bản lưỡi chỗ rộng nhất khoảng 4,3 cm, cán bằng kim loại màu trắng dài khoảng 18 cm, 01 cây dũ bị cong dài khoảng 44,8 cm, gồm hai đoạn, đoạn màu đen có đường kính khoảng 2,7 cm, đoạn bằng kim loại màu trắng đường kính khoảng 1,1 cm.

+ Trả lại cho Nguyễn Trọng N1 01 điện thoại di động Nokia 6300 màu vàng.

+ Trả lại cho Nguyễn Đoàn Duy Q 01 điện di động thoại Nokia 105 màu đen.

+ Giao cho Nguyễn Tuấn K1 chiếc xe hai bánh gắn máy màu đen, nhãn hiệu Honda, loại xe 02 bánh, số loại Wave S110 biển số 54H3-0271 số khung RLHJC43139Y038571, số máy JC43E-0559665 quản lý sử dụng, nếu có tranh chấp sẽ giải quyết bằng vụ án khác.

+ Giao cho Đặng Ngọc H1 chiếc xe hai bánh gắn máy màu đen, nhãn hiệu Yamaha, loại xe 02 bánh, số loại Mio Ultimo biển số 67M8-3281, số khung RLCM4P830-7Y010932, số máy 4P83-010932 tiếp tục quản lý sử dụng chiếc xe, ông H1 có trách nhiệm sang tên xe theo quy định của pháp luật.

+ Giao trả cho Nguyễn Trọng N1 chiếc xe hai bánh gắn máy màu đen, nhãn hiệu Honda, loại xe 02 bánh, số loại Wave ZX, biển số 52U4-2443 số khung RLHHC09035Y009426, số máy HC09E-5030897 tiếp tục quản lý, sử dụng, nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một vụ án khác.

 (Cụ thể mô tả chi tiết tang vật kèm theo biên bản giao nhận tang tài vật số 308/17 ngày 27/7/2017 giữa Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Thi hành án Dân sự Thành phố Hồ Chí Minh).

5. Về án phí: Căn cứ Điều 98, khoản 2 Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003; Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015; điểm a,c khoản 1 Điều 23, khoản 2 Điều 26, khoản 6 Điều 27 Nghị  Quyết 326/2016/UBTVQH14 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 30/12/2016, khoản 1 mục I Danh mục án phí, lệ phí Tòa án;

Các bị cáo Nguyễn Trọng N1, Nguyễn Đoàn Duy Q, Lê Thế A2, Trần Vĩnh L2, Nguyễn Văn Trường A1, Trần Quốc B phải chịu án phí hình sự sơ thẩm mỗi người là 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

- Nguyễn Trọng N1 phải chịu án phí dân sự là 2.440.920đ (hai triệu bốn trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Nguyễn Đoàn Duy Q phải chịu án phí dân sự là 3.940.920đ (ba triệu chín trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Lê Thế A2 phải chịu án phí dân sự là 3.640.920đ (ba triệu sáu trăm bốn mươi nghìn chín trăm hai mươi đồng).

- Trần Vĩnh L2 chịu án phí bồi thường thiệt hại bồi thường cho ông K1 300.000đ (ba trăm nghìn đồng).

6. Quyền và nghĩa vụ dân sự được thực hiện tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

7. Kiến nghị Toà án nhân dân cấp trên có thẩm quyền xem xét lại bản án sơ thẩm về tội danh, mức hình phạt cũng như nghĩa vụ dân sự, án phí dân sự đối với các bị cáo Lê Thế A2, Trần Vĩnh L2, Nguyễn Văn Trường A1, Trần Quốc B.

8. Các bị cáo, người đại diện hợp pháp và luật sư bào chữa cho bị cáo B, người thừa kế quyền và nghĩa vụ của người bị hại, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày tính từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

398
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 408/2017/HSST ngày 06/12/2017 về tội giết người và cố ý gây thương tích

Số hiệu:408/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về