TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 404/2021/HC-PT NGÀY 26/04/2021 VỀ KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ THUẾ
Ngày 26 tháng 4 năm 2021 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 39/2020/TLPT – HC ngày 10 tháng 11 năm 2020 về việc “Khiếu kiện quyết định hành chính trong quản lý nhà nước về lĩnh vực quản lý thuế”;
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2020/HCST ngày 28/8/2020 của Tòa án nhân dân Quận M bị kháng cáo;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 781/2021/QĐPT-HC ngày 24 tháng 02 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 2962/QĐHPT ngày 23 tháng 3 năm 2021, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1354/2021/QĐ-PT ngày 30/3/2021, giữa các đương sự:
Người khởi kiện: Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V Trụ sở: Số 02 Bis đường K, phường Đ.K, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo ủy quyền: ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1974 (Giấy ủy quyền ngày 25/02/2020).
Địa chỉ: 373/24/16 đường T, Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người bị kiện: 1. Chi cục Thuế Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trụ sở: 08 đường T, phường Đ.K , Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh Đại diện theo ủy quyền: ông Đ.M.L, sinh năm 1965; Chức vụ: Phó Chi cục trưởng (Giấy ủy quyền số 1407/GUQ-CCT ngày 16/3/2020).
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp: ông N.T.B. H - Phó đội trưởng đội thuế 2. Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M Thành phố Hồ Chí Minh Trụ sở: 08 đường T, phường Đ.K , Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh Đại diện theo ủy quyền: bà Đ.T.M.X, sinh năm 1968; Chức vụ: Phó Chi cục trưởng (Giấy ủy quyền số 1099/GUQ-CCT ngày 04/3/2020).
Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp: bà M.N.Q - Đội trưởng đội thuế
NỘI DUNG VỤ ÁN
Người khởi kiện - Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V có đại diện tham gia tố tụng theo ủy quyền trình bày:
Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V (gọi tắt là Công ty P.V), được thành lập năm 2008 theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số: 030589..... do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cấp lần đầu ngày 28/7/2008, đăng ký thay đổi lần 6 ngày 27/02/2019. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Hoạt động kinh doanh chính: Phân phối rượu Nhật Bản, thực phẩm Nhật Bản đến người tiêu dùng là đối tượng người Nhật, nhà hàng, khách sạn, lãnh sự quán Nhật, Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam...Đây là mặt hàng rượu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Chi cục thuế Quận M là cơ quan thuế quản lý trực tiếp công tác thu thuế đối với Công ty P.V.
Trước ngày 01/01/2016 mặt hàng rượu nhập khẩu chỉ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 01 lần khẩu nhập khẩu theo qui định Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Nghị định số 26/2009/NĐ-CP ngày 16/3/2009 và Nghị định số 113/2011/NĐ-CP ngày 08/12/2011, cụ thể:
“ Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ là giá bán ra, giá cung ứng dịch vụ chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và chưa có thuế giá trị gia tăng được quy định như sau: Đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra; Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm “.
Thông tư 05/2012/TT-BTC ngày 05/01/2012 của Bộ Tài chính chỉ qui định:
“Đối với hàng nhập khẩu, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được xác định như sau: Giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt = Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu. Giá tính thuế nhập khẩu được xác định theo các quy định của pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế không bao gồm số thuế nhập khẩu được miễn, giảm”.
Luật không có quy định về hàng hóa nhập khẩu phải khấu trừ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đầu ra khi tiêu thụ trong nước, trừ (-) thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khâu nhập khẩu. Tính đến ngày 31/12/2015 Công ty P.V còn tồn số hàng rượu nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu là 5.141.423.677 đồng, lượng tồn 140.380 chai rượu Nhật các loại. Theo các văn bản pháp luật viện dẫn nêu trên thì hàng hóa nhập khẩu chỉ chịu thuế TTĐB khâu nhập khẩu, khi tiêu thụ trong nước thì không tính thuế TTĐB đầu ra nữa. Tức là thuế TTĐB khâu nhập khẩu sẽ được tính vào giá thành hàng hóa nhập khẩu.
Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2016) của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 70/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội Luật thuế TTĐB qui định có thay đổi về cách tính thuế: “Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu (trừ xăng các loại) được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước, số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra. Đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Theo Nghị định số 108/2015 thì Nghị định này không quy định hồi tố đối với hàng nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 phải khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước; có nghĩa từ ngày 01/01/2016 khi nhập khẩu hàng hóa chịu thuế TTĐB khâu nhập khẩu. Khi tiêu thụ trong nước thì mới phải thực hiện việc khấu trừ thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước trừ (-) thuế TTĐB đầu vào khâu nhập khẩu. Khi Nghị định số 108/2015 có hiệu lực ngày 01/01/2016 thì Chi cục thuế Quận M (CCT Quận M) hướng dẫn Công ty P.V kê khai khấu trừ thuế TTĐB khi bán hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước phải khấu trừ thuế TTĐB khâu nhập khẩu mà không phân biệt hàng nhập khẩu trước hay sau ngày 01/01/2016. Công ty P.V đã phản đối bằng nhiều văn bản vì nếu Công ty nộp thuế TTĐB đầu ra sau khi khấu trừ thuế TTĐB đầu vào đối với số hàng nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 là không đúng quy định tại Nghị định số 108/2015; Công ty P.V sẽ bị lỗ nặng vì phải nộp thêm 1 khoản thuế TTĐB khi tiêu thụ rượu trong nước. Tuy nhiên Chi cục Thuế Quận M không đồng ý mà yêu cầu Công ty P.V phải kê khai khấu trừ thuế TTĐB khi bán nội địa - thuế TTĐB đã nộp thuế khâu nhập khẩu, sau khi khấu trừ ra số thuế dương bao nhiêu thì nộp bấy nhiêu.
Trong khi Công ty gửi văn bản cho Cơ quan Thuế đề nghị tạm dừng việc thu thuế TTĐB bất hợp lý này thì ngày 23/3/2017 Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M (Chi cục trưởng CCT Quận M) ban hành Quyết định số 1582/QĐ-CCT ngày 23/3/2017 (QĐ 1582) để cưỡng chế thu số tiền thuế TTĐB là 2.914.396.993 đồng làm cho Lãnh đạo Công ty và người lao động bất an vì Công ty phải nộp thêm một khoản thuế rất lớn, ảnh hường rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, mất thu nhập và lợi nhuận của Công ty. Ngày 10/4/2017 Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCB HCM) đã trích tiền từ tài khoản của Công ty P.V để nộp thuế cưỡng chế theo quyết định số 1582.
Từ ngày 20/02/2017 đến ngày 14/02/2020 CCT Quận M ban hành 24 Thông báo nợ thuế và tính lãi chậm nộp về thuế TTĐB đối với số hàng nhập khẩu trước 01/01/2016 được tiêu thụ sau ngày 01/01/2016 trái pháp luật, làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi, uy tính và tâm lý hoang mang cho Công ty P.V. Tính từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/01/2020 Công ty đã phải thực hiện kê khai, nộp thuế TTĐB theo phương pháp khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp bán ra trong nước tổng cộng là 16.704.074.635 đồng, trong đó tiền thuế TTĐB đã nộp cho số hàng nhập khẩu tồn trước ngày 01/01/2016 là 6.742.661.004 đồng. Công ty P.V là doanh nghiệp nhỏ nhưng phải gánh chịu thêm 6.742.661.004 đồng tiền thuế TTĐB bị thu trái pháp luật thì nguy cơ doanh nghiệp bị phá sản là rất lớn.
Nhận thấy Công ty bị CCT Quận M, Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh (Cụ thuế) buộc nộp thuế TTĐB đối với rượu nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 là hành vi hành chính trái pháp luật, Chi cục trưởng CCT Quận M ban hành Quyết định số 1582 và CCT Quận M ban hành các Thông báo về nợ thuế và tính lãi chậm nộp tiền thuế TTĐB từ ngày 20/02/2017 đến ngày 13/12/2019 là quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật. Các Thông báo này mang tính kế thừa và liên tục về một nội dung liên quan đến tính lãi chậm nộp thuế và là một phần biện pháp của Quyết định 1582 trái pháp luật, làm thiệt hại quyền lợi hợp pháp của Công ty P.V.
Nay Công ty P.V khởi kiện yêu cầu Tòa án:
1.Hủy Quyết định số 1582 ngày 23/3/2017 của Chi cục trưởng CCT Quận M về cưỡng chế số thuế TTĐB, hoàn lại toàn bộ số tiền mà Công ty đã nộp, đã bị cưỡng chế;
2.Buộc Chi cục thuế Quận M chấm dứt hành vi buộc Công ty phải nộp thuế TTĐB đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế TTĐB đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (-) số thuế TTĐB đã nộp khâu nhập khẩu và thu hồi 24 Thông báo của CCT Quận M về việc tính “Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp” từ ngày 20/02/2017 đến ngày 14/02/2020 đối với Công ty P.V về thu thuế tiêu thụ đặc biệt, tiền lãi chậm nộp thuế TTĐB đối với rượu đã nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 và bán ra thị trường trong nước từ sau ngày 01/01/2016 đến nay và hoàn lại toàn bộ số tiền đã nộp, đã bị cưỡng chế;
3. Hủy Quyết định số 256 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thu số tiền lãi chậm nộp.
4. Hủy Thông báo số 106630/TB-CCT ngày 14/02/2020 về thu lãi chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và buộc Chi cục Thuế Quận M phải hoàn lại số lãi chậm nộp do đã bị cưỡng chế trái pháp luật mà VCB HCM đã thực hiện thu từ tài khoản của Công ty P.V số tiền 379.640.613 đồng để nộp Chi cục Thuế Quận M ngày 28/02/2020.
Chi cục Thuế Quận M – có đại diện theo ủy quyền trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:
1. Về nội dung khiếu kiện: Buộc Chi cục Thuế Quận M chấm dứt hành vi buộc Công ty phải nộp thuế TTĐB đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế TTĐB đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (-) số thuế TTĐB đã nộp khâu nhập khẩu và thu hồi các thông báo thuế đã phát.
1.1 Căn cứ pháp lý Căn cứ văn bản hợp nhất Luật Quản lý thuế số 03/VBHN-VPQH ngày 28/04/2016 (Luật Quản lý thuế); Điều 30. Nguyên tắc khai thuế và tính thuế; Điều 34 khai bổ sung hồ sơ thuế; Điều 42. Thời hạn nộp thuế Căn cứ Điều 5 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14/11/2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2009 (Luật thuế TTĐB), các quy định đối với mặt hàng rượu và bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2010: Căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bằng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt.” Căn cứ Điều 4 Nghị Định số 108/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có hiệu lực hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016: Giá tính thuế...Thời điểm phát sinh doanh thu đối với hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền...”.
Căn cứ khoản 1 Điều 48 Luật Quản lý Thuế quy định về nghĩa vụ nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện 1.2 Về việc nguyên đơn tự xác định, nộp tờ khai và nộp thuế TTĐB năm 2016:
1.2.1 Kê khai lần đầu:
Ngày 13/12/2016 và ngày 14/12/2016 Công ty P.V nộp tờ khai thuế TTĐB của 08 tháng (từ tháng 01 đến tháng 08 năm 2016), kê khai tổng số thuế TTĐB phải nộp: 2.139.178.104 đồng.
Ngày 23/12/2016 Công ty P.V nộp tờ khai thuế TTĐB của 02 tháng (từ tháng 09 đến tháng 10 năm 2016), kê khai tổng số thuế TTĐB phải nộp: 504.857.980 đồng.
Ngày 20/01/2017 Công ty nộp tờ khai thuế TTĐB của tháng 11 năm 2016, kê khai số thuế TTĐB phải nộp : 270.360.909 đồng.
Ngày 08/02/2017 Công ty nộp tờ khai thuế TTĐB của tháng 12 năm 2016, kê khai số thuế TTĐB phải nộp: 360.057.581 đồng.
Tổng số thuế TTĐB năm 2016, Công ty kê khai phải nộp là: 3.274.454.574 đồng.
1.2.2 Khai bổ sung lần 01:
Ngày 28/03/2017 Công ty gửi 12 tờ khai kê khai điều chỉnh xác định lại số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của 12 tháng năm 2016. Theo đó xác định số thuế TTĐB phải nộp là: 428.250.974 đồng, như vậy số thuế TTĐB điều chỉnh giảm: 2.846.203.600 đồng.
1.2.3 Khai bổ sung lần 02:
Ngày 27/10/2017 và ngày 28/10/2017 Công ty gửi 12 tờ khai điều chỉnh xác định lại số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của 12 tháng năm 2016. Theo đó xác định số thuế TTĐB phải nộp là: 3.264.351.739 đồng, như vậy số thuế TTĐB điều chỉnh tăng: 2.836.100.765 đồng.
1.3 Công ty cho rằng số thuế TTĐB đã kê khai là đúng:
Theo biên bản đối chiếu số liệu lúc 9 giờ 30 ngày 21/02/2017 lập giữa đại diện Chi cục Thuế Quận M và ông L.V.P - Giám đốc Công ty P.V ghi nhận: “Đến ngày 21/02/2017 Công ty còn nợ: 3.274.454.574 đồng” và “Thuế TTĐB kê khai 3.274.454.574 đồng là đúng”.
1.4 Quan điểm của Chi cục Thuế Quận M:
Như vậy ngày 28/3/2016 Công ty khai điều chỉnh giảm số thuế TTĐB phải nộp 2.846.203.600 đồng, nhưng ngày 27/10/2016 Công ty đã khai điều chỉnh tăng số thuế TTĐB phải nộp 2.836.100.765 đồng. Số thuế TTĐB phải nộp năm 2016 do Công ty kê khai là 3.264.351.739 đồng. Trong đơn khởi kiện Công ty không nhắc đến lần khai bổ sung lần 02 đã nêu ở trên. Việc kê khai này do Công ty P.V tự thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế nên không có căn cứ về việc Chi cục Thuế Quận M buộc nguyên đơn phải nộp thuế TTĐB đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế TTĐB đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (-) số thuế TTĐB đã nộp khâu nhập khẩu.
Đồng thời theo các căn cứ pháp lý nêu ở phần trên thời điểm phát sinh doanh thu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chịu điều chỉnh của Nghị Định số 108/2015 là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. Như vậy, việc Công ty P.V xác định hàng hóa nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 và bán sau ngày 01/01/2016 không chịu điều chỉnh của Nghị Định số 108/2015 là không có cơ sở.
Theo quy định tại khoản 1 điều 48 Luật Quản lý thuế nêu trên, trong thời gian khiếu nại người nộp thuế vẫn phải nộp đủ số tiền thuế do cơ quan quản lý thuế tính hoặc ấn định, trừ trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện quyết định tính thuế, quyết định ấn định thuế của cơ quan quản lý thuế. Do đó, việc Chi cục Thuế Quận M ban hành các Thông báo tính tiền chậm nộp đối với số thuế người nộp thuế chưa nộp vào Ngân sách Nhà nước là đúng theo quy định.
2. Về nội dung quyết định hành chính về quản lý thuế bị kiện:
24 Thông báo của Chi cục Thuế Quận M về việc tính “Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp” từ ngày 20/02/2017 đến ngày 13/12/2019 (sau này thêm Thông báo ngày 14/02/2020) đối với Công ty liên quan đến quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT ngày 23/3/2017 áp dụng cách tính thuế TTĐB mới đối với rượu đã nhập khẩu từ Nhật Bản trước ngày 01/01/2016 do công ty bán ra thị trường trong nước từ sau ngày 01/01/2016.
2.1. Về thời hiệu khởi kiện:
Căn cứ Điều 116 Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 thông qua ngày 25/11/2015 (Luật Tố tụng hành chính) và điểm g, khoản 1, Điều 143 quy định đình chỉ việc giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện 2.2. Căn cứ pháp lý ban hành 24 Thông báo của CCT Quận M:
2.2.1. Cơ sở tính tiền chậm nộp:
Căn cứ khoản 32, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/ 7/2013; Khoản 4, điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Khoản 2, điều 3 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế TTĐB và Luật quản lý thuế:
2.2.2. Căn cứ ban hành Thông báo về việc tính “Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp:
Căn cứ khoản 32, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013:
2.3. Quan điểm của Chi cục Thuế Quận M:
Căn cứ đơn khởi kiện Công ty P.V lập ngày 08/01/2020, tại trang 2 có đoạn “Công ty cam đoan không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính đối với các quyết định hành chính nêu trên.”, như vậy Công ty không khiếu nại 23 thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp của Chi cục Thuế Quận M (sau này là 24 thông báo).
Trong 24 Thông báo nêu trên thì 20 Thông báo ban hành từ ngày 20/02/2017 đến 15/11/2018 so với ngày Công ty gửi Đơn khởi kiện (27/11/2019, 08/01/2020) đã quá 01 năm, Công ty nộp đơn khởi kiện khi thời hiệu khởi kiện đã hết; đề nghị đình chỉ vụ án hành chính.
Do việc xác định số tiền thuế nộp thiếu và tiền chậm nộp của Chi cục Thuế Quận M dựa trên hồ sơ kê khai của doanh nghiệp, đúng theo quy định của pháp luật, nên căn cứ quy định khoản 32, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 nêu trên, việc ban hành 24 Thông báo của Chi cục Thuế Quận M về việc tính “ Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp” từ ngày 20/02/2017 đến ngày 13/12/2019 là phù hợp với quy định của pháp luật.
Do đó: Chi cục Thuế Quận M giữ nguyên nội dung trên 24 Thông báo của Chi cục Thuế Quận M về việc tính “Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp” từ ngày 20/02/2017 đến ngày 13/12/2019 đối với Công ty P.V. Đề nghị Tòa án nhân dân Quận M không công nhận đơn khởi kiện của Công ty P.V, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính.
Người bị kiện - Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M – có đại diện theo ủy quyền trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:
Đối với yêu cầu của Công ty P.V về việc hủy Quyết định cưỡng chế thuế số 1582 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về cưỡng chế số thuế TTĐB, nhận thấy:
1. Về thời hiệu khởi kiện:
1.1. Căn cứ pháp luật:
Căn cứ Điều 116 Luật Tố tụng hành chính quy định về Thời hiệu khởi kiện; điểm g khoản 1 Điều 143 quy định: “Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong các trường hợp sau đây: g) Thời hiệu khởi kiện đã hết”.
1.2. Ý kiến của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M:
Căn cứ Đơn khởi kiện lập ngày 08/01/2020, tại trang 2 có đoạn “ Công ty cam đoan không đồng thời khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính đối với các quyết định hành chính nêu trên”, như vậy nguyên đơn không khiếu nại Quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT.
Quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT ban hành ngày 23/03/2017, Công ty P.V nhận qua đường bưu điện 03/04/2017. Công ty P.V nộp Đơn khởi kiện Quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT gửi Tòa án nhân dân Quận M ngày 08/01/2020, sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân Quận M ngày 27/11/2019. Như vậy ngày Công ty P.V gửi Đơn khởi kiện (27/11/2019, 08/01/2020) so ngày người khởi kiện nhận Quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT (03/04/2017) đã quá 1 năm nên thời hiệu khởi kiện đã hết.
2. Số thuế nợ bị cưỡng chế:
2.1. Căn cứ pháp lý về thủ tục kê khai thuế TTĐB:
2.1.1. Căn cứ Văn bản hợp nhất Luật Quản lý thuế số 03/VBHN-VPQH ngày 28/04/2016; Điều 30. Nguyên tắc khai thuế và tính thuế; Điều 32. Thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế; Điều 33. Gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; Điều 34. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế; Điều 42. Thời hạn nộp thuế Căn cứ điểm a,c khoản 5 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế về khai bổ sung hồ sơ khai thuế Điều 13. Khai thuế tiêu thụ đặc biệt Ý kiến Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M: Chi cục thuế Quận M không nhận được văn bản đề nghị gia hạn nộp thuế của Công ty theo mẫu số 01/GHAN theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư 156/2013/TT-BTC nêu trên.
2.2.Về ý kiến, Công ty xác nhận số thuế TTĐB đã kê khai là đúng:
Căn cứ biên bản đối chiếu số liệu lúc 9 giờ 30 ngày 21/02/2017 lập Đại diện Chi cục thuế Quận M và Ông L.V.P - Giám đốc Công ty P.V, ghi nhận:
“Đến ngày 21/02/2017 Công ty còn nợ: 3.274.454.574 đồng” và “Thuế TTĐB kê khai 3.274.454.574 đồng là đúng.” Ý kiến Chi cục thuế Quận M:
Ngày 28/3/2016 Công ty điều chỉnh khai giảm số thuế TTĐB phải nộp -2.846.203.600 đồng, nhưng ngày 27/10/2016 lại khai điều chỉnh tăng số thuế TTĐB phải nộp 2.836.100.765 đồng, cuối cùng số thuế TTĐB phải nộp năm 2016 Công ty kê khai là 3.264.351.739 đồng, so khai lần đầu chỉ giảm - 10.102.835 đồng, không như Đơn khởi kiện Công ty chỉ trình bày có điều chỉnh giảm lần 2 (số phải nộp là 428.250.974 đồng) mà không trình bày Công ty đã điều chỉnh tăng lại ở lần khai thứ 3. Ngay sau khi nộp tờ khai điều chỉnh dợt 3 Công ty đã xác định số thuế TTĐB năm 2016 (sau điều chỉnh) còn nợ và nộp vào NSNN là 349.954.749 đồng.
Vào ngày 28/10/2017 sau khi trừ đi số thuế TTĐB đã nộp theo Quyết định cưỡng chế thuế số 1582 là 2.914.396.993 đồng (công ty chưa tính và chưa nộp tiền chậm nộp). Như vậy: Theo Quyết định số 1582, Chi cục Thuế Quận M cưỡng chế số thuế nợ 2.914.396.993 đồng là đúng quy định pháp luật vì là số nợ quá 90 ngày Công ty tự xác định, lập tờ khai để kê khai thuế TTĐB phải nộp, quá hạn 90 ngày nhưng chưa nộp vào NSNN.
3. Căn cứ pháp lý ban hành quyết định cưỡng chế:
Căn cứ Điều 18, 19, 21, 24 Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính (Nghị định 129/2013), quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế:
Tính đến ngày 23/3/2017 là ngày ban hành Quyết định 1582 lý do Công ty còn nợ số thuế TTĐB, Công ty tự kê khai, tự xác định số phải nộp là đúng nhưng đã quá 90 ngày còn nợ (2.914.396.993 đồng), không nộp vào NSNN. Như vậy: Chi cục Thuế Quận M ban hành Quyết định số 1582 là đúng quy định pháp luật thuế về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, đối với số nợ trên 90 ngày đã có biên bản Công ty xác định nợ đúng. Ngân hàng đã trích nộp 2.914.396.993 đồng vào NSNN ngày 10/04/2017.
Tóm lại: Chi cục Thuế Quận M giữ nguyên nội dung Quyết định cưỡng chế thuế số 1582/QĐ-CCT ngày 23/03/2017 của Chi cục Thuế Quận M đối với Công ty P.V.
Tại Văn bản số 6972/CT-NVDTPC ngày 15/6/2010 Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh gửi Tòa án nhân dân Quận M có nội dung: Công văn 10975/CT- TTHT ngày 24/10/2018 của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh là công văn trả lời pháp luật về thuế được áp dụng chung cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và Cục Thuế chỉ hướng dẫn pháp luật về thuế cho Công ty (Công ty P.V) và đề nghị Tòa án không đưa Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tố tụng trong vụ án hành chính Công ty P.V với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2020/HCST ngày 28/8/2020, Tòa án nhân dân Quận M đã xử:
1. Đình chỉ xét xử do đã hết thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH P.V về việc yêu cầu hủy quyết định số 1582/QĐ-CCT ngày 23/3/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M; yêu cầu thu hồi 15 Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế của Chi cục Thuế Quận M lập từ ngày 20/02/2017 tới ngày 23/7/2018 và hoàn lại số tiền đã nộp, bị cưỡng chế đến ngày 23/7/2018.
2. Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH P.V:
- Yêu cầu Chi cục Thuế Quận M chấm dứt hành vi buộc Công ty phải nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế Tiêu thụ đặc biệt đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (-) số thuế Tiêu thụ đặc biệt đã nộp khâu nhập khẩu và thu hồi các Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế của Chi cục Thuế Quận M lập từ ngày 23/8/2018 đến Thông báo thuế thứ 24 lập ngày 14/2/2010 và hoàn lại số tiền đã nộp, đã bị cưỡng chế;
- Yêu cầu hủy Quyết định số 256/QĐ-CCT ngày 20/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thu số tiền lãi chậm nộp 379.640.613 đồng;
- Yêu cầu hủy Thông báo số 106630/TB-CCT ngày 14/02/2020 về thu lãi chậm nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt và buộc Chi cục Thuế Quận M phải hoàn lại số lãi chậm nộp do bị cưỡng chế trái pháp luật là 379.640.613 đồng mà Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hồ Chí Minh đã thực hiện thu từ tài khoản của Công ty TNHH P.V vào ngày 28/02/2020.
cáo.
Ngày 08/9/2020 Công ty TNHH P.V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên Tòa phúc thẩm:
- Người kháng cáo Công ty TNHH P.V trình bày giữ nguyên yêu cầu kháng - Đại diện theo ủy quyền của Người bị kiện Chi cục thuế Quận M trình bày:
yêu cầu y án sơ thẩm - Đại diện theo ủy quyền của Người bị kiện Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M trình bày: yêu cầu y án sơ thẩm.
- Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Chi cục thuế Quận M trình bày: Nghị định 108/2015/NĐCP không quy định người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa nhập khẩu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra trong nước. thời điểm tính thuế là thời điểm công ty bán hàng ra trong nước. do đó đề nghị y án sơ thẩm.
- Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M trình bày: Quyết định 1582/QĐ-CCT ngày 23/3/2017 của Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M trích từ tài khoản của công ty, thì ngày 10/4/2017 ngân hàng VCB trích tài khoản của công ty để nộp kho bạc thi hành quyết định cưỡng chế; công ty đã biết việc bị cưỡng chế; đến ngày 23/8/2019 công ty mới khởi kiện Quyết định 1582 là hết thời hiệu khởi kiện.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã tuân thủ đúng quy định của Luật Tố tụng Hành chính kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Về nội dung: án sơ thẩm xử có căn cứ pháp luật.
Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Về tố tụng:
Trong quá trình thực hiện công tác quản lý thuế, Chi cục Thuế Quận M đã ban hành các Thông báo thuế đối với Công ty P.V, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các quyết định: Quyết định 1582 về cưỡng chế thuế theo 24 thông báo của Chi cục Thuế Quận M về tính thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp từ ngày 20/2/2017 đến ngày 13/12/2019 đối với Công ty P.V về thu thuế TTĐB, liền lãi chậm nộp đối với mặt hàng rượu đã nhập khẩu trước ngày 01/01/2016, bán ra sau ngày 01/01/2016 và Quyết định số 256 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M cưỡng chế thu tiền lãi chậm nộp.
Do không đồng ý với các thông báo, quyết định này, Công ty P.V khởi kiện hành chính yêu cầu chấm dứt hành vi hành chính và thu hồi các thông báo về thuế, hủy các quyết định hành chính nêu trên và hoàn trả các số tiền đã bị cưỡng chế.
Xét Quyết định 1582/QĐ-CCT ngày 23/03/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng. Theo đó, Quyết định 1582 để thi hành Thông báo số 15424/TB- Chi cục Thuế ngày 20/2/2017 của Chi cục Thuế Quận M và Lệnh thu NSNN ngày 23/3/2017 Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M, số tiền bị cưỡng chế là 2.914.396.993 đồng; ngày 10/4/2017, VCB HCM đã trích tài khoản của Công ty P.V số tiền trên để nộp vào kho bạc Nhà nước. Theo xác nhận của đại diện Công ty P.V và tài liệu có trong hồ sơ thể hiện thì sau khi nhận được các các văn bản, quyết định trên, Công ty P.V chỉ có văn bản kiến nghị tới các cơ quan liên quan để đề nghị xem xét miễn nộp thuế TTĐB theo cách tính thuế TTĐB của Nghị định số 108/2015 của Chính phủ vì cho rằng doanh nghiệp đã nhập hàng từ trước ngày ban hành Nghị định 108/2015, có hiệu lực từ 01/01/2016 và doanh nghiệp đã nộp thuế TTĐB khi nhập khẩu, chứ không thực hiện việc khiếu nại hành chính đối với các Thông báo thuế, Quyết định 1582 nêu trên. Theo hồ sơ thể hiện thì đơn khởi kiện của Công ty P.V được Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhận vào ngày 23/8/2019 (sau đó chuyển Tòa án nhân dân Quận M giải quyết theo thẩm quyền). Như vậy, ngày 10/4/2017 (là ngày VCB HCM đã trích tài khoản của Công ty P.V số tiền bị cưỡng chế để nộp vào kho bạc Nhà nước theo Quyết định 1582), Công ty P.V đã biết sự việc đã bị chế tài do vi phạm quy định về thuế. Theo quy định tại điểm a, khoản 2 và điểm a, b khoản 3 Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hành chính thì thời hiệu để khởi kiện vụ án hành chính là 01 năm trong các trường sau: Kể từ ngày nhận hoặc được biết quyết định hành chính, hành vi hành chính; kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. So sánh tính từ ngày 10/4/2017 đến ngày 23/8/2019 (ngày Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận đơn khởi kiện) là hơn 02 năm 4 tháng, tức là đã hết thời hiệu khởi kiện. Do vậy, cần đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của Công ty P.V yêu cầu hủy Quyết định 1582 nêu trên.
Đối với 24 Thông báo của Chi cục Thuế Quận M có nội dung thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế (Thông báo thuế) đối với Công ty P.V:
Xét, hành vi hành chính của Chi cục Thuế Quận ban hành Thông báo thuế đầu tiên được lập ngày 20/02/2017 tới Thông báo thuế thứ 15 lập ngày 23/7/2018 mà Công ty P.V đã nhận nhưng không khởi kiện, không khiếu nại là đã hết thời hiệu khởi kiện như đã nhận định ở phần trên. Do vậy cần đình chỉ xem xét đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty P.V. Còn lại các Thông báo thuế kể từ Thông báo thuế thứ 16 lập ngày 23/8/2018 đến Thông báo thuế thứ 24 ngày 14/02/2010 là còn thời hiệu khởi kiện.
Đối với Quyết định số 256/QĐ-CCT ngày 20/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế (tức Công ty P.V) tại kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; còn thời hiệu khởi kiện.
[2] Về nội dung:
2.1. Xét Công ty TNHH P.V yêu cầu hủy Quyết định hành chính số 1582/QĐ-CCT ngày 23/03/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước; hoàn lại số tiền thuế đã nộp, đã bị cưỡng chế và buộc Chi cục Thuế Quận M phải chấm dứt hành vi đồng thời thu hồi 15 Thông báo thuế từ Thông báo lần thứ nhất lập ngày 20/02/2017 tới Thông báo thuế thứ 15 lập ngày 23/7/2018 mà Công ty P.V đã nhận nhưng không khởi kiện, không khiếu nại:
Trong quá trình thực hiện việc quản lý thuế theo chức năng, quyền hạn của mình, căn cứ vào các quy định của pháp luật về thuế hiện hành, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M đã ban hành Quyết định 1582, Chi cục Thuế Quận M ban hành các Thông báo về thuế lập từ ngày 20/02/2017 tới Thông báo thuế thứ 15 lập ngày 23/7/2018 đối với Công ty P.V là đúng thẩm quyền, có hình thức, nội dung đúng quy định tại khoản 32, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012; điểm c khoản 3 Điều 14 Nghị định 129/2013/NĐ - CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế (Nghị định 129 năm 2013); khoản 1 Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 27 Thông tư 166/2013; điểm b khoản 1 Điều 6; khoản 3 Điều 18 Luật XLVPHC năm 2012, nên Quyết định 1582 và hành vi phát hành các Thông báo thuế đối với Công P.V là hợp pháp, có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, theo nhận định trên thì các yêu cầu này đã hết thời hiệu khởi kiện nên cần đình chỉ xét xử theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính.
Đồng thời không có cơ sở xem xét yêu cầu của Công ty P.V buộc Chi cục Thuế Quận M phải hoàn trả số tiền 2.914.396.993 đồng đã cưỡng chế và hoàn trả các khoản tiền mà Công ty P.V đã nộp theo các Thông báo về thuế.
2.2. Đối với yêu cầu của công ty TNHH P.V buộc Chi cục Thuế Quận M chấm dứt hành vi buộc Công ty phải nộp thuế TTĐB đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế TTĐB đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (-) số thuế TTĐB đã nộp khâu nhập khẩu và hủy các Thông báo thuế kể từ Thông báo thuế thứ 16 lập ngày 23/8/2018 đến Thông báo thuế thứ 24 lập ngày 14/2/2010 và hủy Quyết định số 256/QĐ-CCT ngày 20/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng.
Xét: Trong quá trình thực hiện việc quản lý thuế trên địa bàn, Chi cục Thuế Quận M xác định số tiền thuế nộp thiếu và tiền chậm nộp của Công ty P.V, Chi cục Thuế Quận M dựa trên hồ sơ kê khai của doanh nghiệp, đúng theo quy định của pháp luật, nên căn cứ quy định khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 ngày 20/11/2012 nêu trên nên việc ban hành 24 Thông báo của Chi cục Thuế Quận M về việc tính “Tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp” từ ngày 20/02/2017 đến ngày 13/12/2019 là phù hợp với quy định của pháp luật nên có giá trị pháp lý.
Theo Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB năm 2008, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 70/2014/QH13 này 26/11/2014 của Quốc hội, tại khoản 2 Điều 7 Nghị định số 108/2015 qui định có thay đổi về cách tính thuế: “Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhập khẩu (trừ xăng các loại) được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước, số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng hóa nhập khẩu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bán ra. Đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp”; tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 108/2015 quy định: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016 và thay thế các Nghị định trước đó quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế TTĐB và Điều 10 Thông tư 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính (Thông tư 195/2015) hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB không qui định hồi tố đối với hàng nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 phải khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp bán ra trong nước, nhưng theo Điều 2 Luật thuế TTĐB, Điều 2 Nghị định 108/2015 và Điều 2 Thông tư 195/2015 thì hàng hóa (là rượu nhập khẩu từ Nhật Bản) của Công ty P.V thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB theo Luật thuế TTĐB. Theo quy định Điều 5 Nghị định 108/2015 thì thời điểm phát sinh doanh thu của đối tượng chịu thuế TTĐB là thời điểm chuyển giao sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, tức là khi người nhập khẩu bán hàng hóa. Như trên đã nêu là Nghị định 108/2015 không qui định có áp dụng cho hàng hóa là đối tượng chịu thuế TTĐB đã nhập khẩu trước ngày 01/01/2016 nhưng tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 108/2015 đã qui định: “Người nộp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB nhập khẩu (trừ xăng các loại) được khấu trừ số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước, số thuế TTĐB được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB của hàng hóa nhập khẩu chịu thuế TTĐB bán ra. Đối với số thuế TTĐB không được khấu trừ thuế, người nộp thuế được hạch toán vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp”. Như vậy, Nghị định 108/2015 đã dự liệu trường hợp hàng hóa là đối tượng chịu thuế TTĐB đã nhập khẩu, đã chịu thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu khi bán ra sẽ được khấu trừ thuế TTĐB đã nộp, phần thuế TTĐB tăng chênh lệch này doanh nghiệp phải nộp và sẽ được cơ cấu vào giá bán ra. Đây là chính sách về thuế của Nhà nước nhằm hạn chế việc nhập khẩu các loại hàng hóa không khuyến khích tiêu dùng trong nước (trong trường hợp này là rượu nhập khẩu) tại thời điểm ban hành Nghị định 108/2015.
Cơ quan thuế ban hành các Thông báo về thuế đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB, quyết định 256/QĐ-CCT ngày 20/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M xử lý Công ty TNHH P.V không chấp hành quy định về thuế là đúng.
Giữ nguyên án sơ thẩm.
[3] Về án phí hành chính phúc thẩm: Người kháng cáo phải chịu theo quy định.
Vì các lẽ trên, Áp dụng:
QUYẾT ĐỊNH
- Khoản 1 Điều 241 Luật tố tụng hành chính năm 2015;
- Khoản 32 Điều 1 Luật Quản lý thuế ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quản lý thuế năm 2006; khoản 4 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014; các Điều 30, 32, 33, 34, 42; 49 Văn bản hợp nhất Luật Quản lý thuế số 03/VBHN-VPQH ngày 28/4/2016 của Văn phòng Quốc hội;
- Khoản 2 Điều 3 Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế số 106/2016/QH13 ngày 06/4/2016;
- Khoản 1 Điều 3; điểm b khoản 1 Điều 6; khoản 1 Điều 9; Điều 11; khoản 3 Điều 18 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/06/2012;
- Điều 18; 19 21; 24 Nghị định 129/2013/NĐ - CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế;
- Điều 2; Điều 5; khoản 2 Điều 7; khoản 1 Điều 8 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB năm 2008, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 70/2014/QH13 này 26/11/2014 của Quốc hội;
- Điều 10 Thông tư 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật thuế TTĐB;
- Điểm a, b khoản 5 Điều 30: Điều 34 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Luật Quản lý Thuế;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án và Danh mục kèm theo.
Xử: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V, giữ nguyên án sơ thẩm:
1. Đình chỉ xét xử do đã hết thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH P.V về việc yêu cầu hủy quyết định số 1582/QĐ-CCT ngày 23/3/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Thuế Quận M về cưỡng chế số thuế Tiêu thụ đặc biệt, hoàn lại số tiền 2.914.396.993 đồng; thu hồi 15 Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế của Chi cục Thuế Quận M lập từ ngày 20/02/2017 tới ngày 23/7/2018 và hoàn lại số tiền đã nộp, bị cưỡng chế đến ngày 23/7/2018.
2. Bác khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V yêu cầu Chi cục Thuế Quận M chấm dứt hành vi buộc Công ty phải nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt đầu ra đối với số hàng rượu nhập khẩu tồn kho trước 2016 tính theo phương pháp khấu trừ thuế Tiêu thụ đặc biệt đầu ra khi bán hàng rượu nhập khẩu còn tồn kho trước ngày 01/01/2016 khi bán ra trong nước sau ngày 01/01/2016 trừ (- ) số thuế Tiêu thụ đặc biệt đã nộp khâu nhập khẩu và thu hồi các Thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp thuế của Chi cục Thuế Quận M lập từ ngày 23/8/2018 đến Thông báo thuế thứ 24 lập ngày 14/2/2010 và hoàn lại số tiền đã nộp, đã bị cưỡng chế; bác yêu cầu hủy quyết định số 256/QĐ-CCT ngày 20/02/2020 của Chi cục trưởng Chi cục thuế Quận M về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng thu số tiền lãi chậm nộp 379.640.613 đồng và Thông báo số 106630/TB-CCT ngày 14/02/2020 về thu lãi chậm nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt và bác yêu cầu buộc Chi cục Thuế Quận M phải hoàn lại số lãi chậm nộp do bị cưỡng chế trái pháp luật là 379.640.613 đồng mà Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Hồ Chí Minh đã thực hiện thu từ tài khoản của Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V vào ngày 28/02/2020.
3. Về án phí hành chính sơ thẩm, Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng. Án phí hành chính phúc thẩm Công ty trách nhiệm hữu hạn P.V phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng. Cấn trừ hết tạm ứng án phí theo phiếu thu số AA/2019/005743 ngày 20/01/2020 và số AA/2019/0029620 ngày 14/9/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh Án xử phúc thẩm có hiệu lực thi hành.
Bản án 404/2021/HC-PT ngày 26/04/2021 về khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế
Số hiệu: | 404/2021/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 26/04/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về