Bản án 40/2020/HS-ST ngày 11/06/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 40/2020/HS-ST NGÀY 11/06/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ TỘI LÀM GIẢ CON DẤU, TÀI LIỆU CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC

Ngày 11 tháng 6 năm 2020 tại Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 38/2020/TLST-HS ngày 24 tháng 4 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 30/2020/QĐXXST-HS ngày 28 tháng 4 năm 2020 đối với các bị cáo:

1. Họ tên: Phạm Đình Th, sinh năm 1956; ĐKHKTT: thôn A, xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 7/10; Nghề nghiệp: Tự do; Con ông: Phạm Đình Đ (đã chết); Con bà: Trần Thị Gi (đã chết); Gia đình có 4 anh, chị, em, bị cáo là con thứ ba; Vợ: Đỗ Thị L, sinh năm: 1953; Có 02 con, con lớn sinh năm: 1978; con nhỏ sinh năm: 1981; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 07/01/2020 đến nay.

2. Họ tên: Trần Văn B, sinh năm: 1953; ĐKHKTT: thôn A, xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Định; Nghề nghiệp: Tự do; Quốc tịch:Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 7/10; Con ông: Trần Doãn H (đã chết); Con bà: Ngô Thị Q (đã chết); Gia đình có 06 anh em, Bị cáo là con thứ nhất; Vợ: Lương Thị V, sinh năm: 1954; Có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1983, con nhỏ nhất sinh năm 1990;

Nhân thân: Ngày 22/07/1986, Tòa án nhân dân huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh xử 6 tháng tù về tội: “ Tham ô tài sản Xã hội chủ nghĩa”.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 07/01/2020 đến nay.

* Nguyên đơn dân sự: NĐDS1

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: NCQLNVLQ1 Tại phiên tòa có mặt bị cáo Phạm Đình Th, bị cáo Trần Văn B; NĐDS1 NCQLNVLQ1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 22/10/2019, Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Nam Định tiếp nhận đơn tố giác của Hội cựu chiến binh thôn A, xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Định tố giác Phạm Đình Th làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước; đã tiến hành khởi tố; điều tra theo quy định của pháp luật và xác định:

Đối với Phạm Đình Th: Nhập ngũ tháng 12/1972, tham gia huấn luyện tân binh tại Ba Vì, Hà Nội thuộc đơn vị C14 D34 E62. Tháng 2/1974, Th được biên chế vào đơn vị C1 D406 Quân khu 5, chiến đấu tại chiến trường B (Sa Huỳnh - Quảng Ngãi). Tháng 6/1976 làm công tác huấn luyện tại C1 E250 QK5. Tháng 12/1977, Th phục viên về làm ruộng tại địa phương. Năm 2001, có một người đàn ông (không rõ lai lịch) đến nhà đặt vấn đề làm phiếu thương tật giả để Th hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Do thấy mình chưa được hưởng chế độ chính sách gì của Nhà nước nên để làm hồ sơ hưởng chế độ thương binh của Nhà nước. Th đồng ý, mua của người đàn ông đó “Phiếu thương tật” giả số 10/77 ngày 10/4/1976 của Đơn vị E250 F334 Quân khu 7 chứng nhận Th bị thương trong chiến đấu, tỷ lệ thương tật là 19% với giá khoảng 700.000 đồng. Th đã viết tờ khai của người bị thương, đơn xin giám định phúc quyết lại thương tật, đơn đề nghị khám phúc quyết lại thương tật và sử dụng “Phiếu thương tật” giả trên đưa vào hồ sơ làm căn cứ xin hưởng chế độ thương binh của Nhà nước. Sau đó, Th nộp hồ sơ hưởng chế độ thương binh giả cho NCQLNVLQ1 nhằm mục đích gian dối để được hưởng chế độ thương binh, chiếm đoạt số tiền chế độ thương binh của Nhà nước.

Ngày 25/7/2003, NĐDS1 đã ra Quyết định số 403/QĐ-TBLS “cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật” cho Th. Từ ngày 01/6/2003, Th được hưởng mức trợ cấp thương tật hàng tháng là 210.000 đồng. Đến tháng 11/2019, Th đã được hưởng trợ cấp thương tật số tiền là 190.625.400 đồng. Ngày 15/11/2019, Th đã làm đơn xin dừng nhận trợ cấp chế độ thương tật với lý do xác định “Phiếu thương tật” của bản thân là giả. Ngày 09/12/2019, NĐDS1 đã ra Quyết định số 14315/QĐ-SLĐTBXH “đình chỉ thực hiện chế độ ưu đãi thương binh và thu hồi trợ cấp” đối với Phạm Đình Th.

Sau khi làm xong “Phiếu thương tật” giả trên biết Trần Văn B cũng đã có quá trình tham gia quân đội nhưng chưa được hưởng chế độ trợ cấp nào của Nhà nước nên Phạm Đình Th đã giới thiệu người đàn ông đã bán “Phiếu thương tật” giả gặp B để B mua “Phiếu thương tật”.

Đối với Trần Văn B: Nhập ngũ từ tháng 12/1972, tham gia huấn luyện tân binh tại Ba Vì, Hà Nội thuộc đơn vị C14 D34 E62 F305. Tháng 3/1974, B được biên chế vào đơn vị C4 D406 Quân khu 5, đóng quân tại Quảng Ngãi. Tháng 10/1976, B đi xây dựng kinh tế mới, thuộc đơn vị C1 E250 F334 Quân khu 5. Tháng 10/1979, B tham gia công tác huấn luyện tân binh thuộc E250 F334 Quân khu 5. Năm 1980, B học tại trường quân chính Quân Khu 5. Năm 1982, B phục viên về làm ruộng tại địa phương.

Do B thấy mình chưa được hưởng chế độ chính sách gì của Nhà nước nên sau khi gặp người đàn ông mà Th giới thiệu, B đã đồng ý mua “Phiếu thương tật” giả số 1238 ngày 15/12/1977 của đơn vị Bộ tư lệnh Quân khu 5 chứng nhận B bị thương trong chiến đấu, tỷ lệ thương tật là 19% từ người đàn ông này với giá khoảng 700.000 đồng, sau khi có được “Phiếu thương tật” giả, B đã sử dụng để làm thủ tục hưởng chế độ thương binh. B đã viết tờ khai của người bị thương, đơn đề nghị khám phúc quyết lại thương tật và sử dụng “Phiếu thương tật” giả trên đưa vào hồ sơ làm căn cứ xin hưởng chế độ thương tật của Nhà nước. Sau đó, B nộp hồ sơ hưởng chế độ thương tật giả cho NCQLNVLQ1 nhằm mục đích gian dối để được hưởng chế độ thương tật, chiếm đoạt số tiền chế độ thương tật của Nhà nước.

Ngày 03/9/2002, NĐDS1 đã ra Quyết định số 561/QĐ-TBLS “cấp giấy chứng nhận thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật” cho B. Từ ngày 01/8/2002, B được hưởng mức trợ cấp hàng tháng là 92.000 đồng. Đến tháng 9/2019, B đã được hưởng trợ cấp thương tật số tiền là 117.186.600 đồng. Ngày 09/9/2019, B đã làm đơn tự nguyện xin thôi hưởng trợ cấp thương tật và hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận với lý do bản Th đã mua “Phiếu thương tật” giả để làm hồ sơ hưởng chế độ thương tật. Ngày 09/10/2019, NĐDS1 đã ra Quyết định số 11673/QĐ-SLĐTBXH “ đình chỉ thực hiện chế độ ưu đãi thương binh và thu hồi trợ cấp” đối với Trần Văn B.

Xác minh tại Bộ tư lệnh Quân khu 5 cung cấp xác định:

- Đối với phiếu thương tật của Phạm Đình Th được cấp ngày 10/4/1976 thì phiên hiệu đơn vị ghi không đúng “E250 F334 QK7” vì thời điểm năm 1976 Đoàn 334 trực thuộc Quân khu 5 (không thuộc Quân khu 7) làm nhiệm vụ khai hoang, trồng bông; địa điểm đóng quân tại tỉnh Thuận Hải.

- Đối với phiếu thương tật của Trần Văn B được cấp ngày 15/02/1977 thì phiên hiệu đơn vị ghi không đúng “BTL479 QK5”, từ trước đến nay Quân khu 5 không có BTL 479, chỉ có MT579 được thành lập sau khi giải phóng Campuchia năm 1979.

Tại Kết luận giám định số 352/GĐKTHS-P11 ngày 20/12/2019 của Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng kết luận:

- Phiếu thương tật số 10/77, đề ngày 10/4/1976, ghi của Đơn vị E250 F334 QK7, cấp cho Phạm Đình Th, sinh năm 1956, nguyên quán: xã Y, huyện Y, tỉnh Hà Nam Ninh.

+ Tại các mục: “Đơn vị”; “Đơn vị khi bị thương”; “Theo quyết định số ... của” đều ghi thông tin là “... F334 QK7” trong khi hình dấu xác nhận mang tên “Sư đoàn 309”.

- Phiếu thương tật số 12380, đề ngày 15/02/1977, ghi của Đơn vị BTL479 QK5, cấp cho Trần Văn B, sinh năm 1953, nguyên quán: xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Hà.

+ Tại mục “Đơn vị” ghi “BTL 479 QK5” có số “5” được sửa chữa từ số “7” nguyên thủy.

- Chữ viết nội dung trên Phiếu thương tật số 10/77, đề ngày 10/4/1976, ghi của Đơn vị E250 F334 QK7, cấp cho Phạm Đình Th, sinh năm 1956, Nguyên quán: xã Y, huyện Y, tỉnh Hà Nam Ninh với chữ viết nội dung trên Phiếu thương tật số 12380, đề ngày 15/02/1977, ghi của Đơn vị BTL 479 QK5, cấp cho Trần Văn B, sinh năm 1953, Nguyên quán: xã Y, huyện Y, tỉnh Nam Hà là do cùng một người viết ra.

Ngày 07/01/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình Th và Trần Văn B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm c Khoản 2, Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngày 03/04/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra/PC01 - Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Đình Th và Trần Văn B về tội: “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Tại cơ quan điều tra, Phạm Đình Th và Trần Văn B đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bản thân như đã nêu trên, phù hợp với tài liệu chứng cứ đã thu thập được.

* Cáo trạng số: 25/CT-VKS-P1 ngày 20/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định truy tố: Phạm Đình Th và Trần Văn B về tội:“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và tội: “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, quy định tại Khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

* Tại phiên toà:

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định trình bày luận tội: Giữ nguyên nội dung cáo trạng và quyết định đã truy tố. Sau khi xem xét đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS 2015; khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt Phạm Đình Th từ 15 đến 18 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS 2015; khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Xử phạt Trần Văn B từ 15 đến 18 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các bị cáo không bào chữa hành vi phạm tội của mình.

Các bị cáo nói lời sau cùng: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nam Định, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện trong vụ án đều hợp pháp.

[2] Hành vi phạm tội của bị cáo được chứng minh bằng lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và tại phiên toà hôm nay; Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu; Bản kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Đủ căn cứ kết luận:

Phạm Đình Th và Trần Văn B có tham gia kháng chiến nhưng không có giấy tờ chứng minh bị thương trong chiến đấu của bản Th, chưa được giám định thương tật và cấp “Phiếu thương tật”. Th, B đã nảy sinh ý định mua “Phiếu thương tật” giả để làm hồ sơ hưởng chế độ thương tật của Nhà nước và sử dụng 02 “Phiếu thương tật” giả đó làm hồ sơ xin hưởng chế độ thương tật của Nhà nước. Từ hồ sơ giả đó, Phạm Đình Th và Trần Văn B đã được Sở Lao Động - TB và XH tỉnh Nam Định cấp “Giấy chứng nhận trợ cấp thương tật”. Từ tháng 06/2003 đến tháng 11/2019, Phạm Đình Th chiếm đoạt số tiền 190.625.400 đồng. Từ tháng 08/2002 đến tháng 9/2019, Trần Văn B chiếm đoạt số tiền 117.186.600 đồng từ ngân sách của Nhà nước.

Hành vi nêu trên của Phạm Đình Th, Trần Văn B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. Quan điểm truy tố và luận tội của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định là có căn cứ pháp lý.

Ngoài ra, Phạm Đình Th đã mua “Phiếu thương tật” giả số 10/77 ngày 10/4/1976 của đơn vị E250 F334 Quân khu 7, chứng nhận Th bị thương trong chiến đấu, tỷ lệ thương tật là 19%; Trần Văn B đã mua “Phiếu thương tật” giả số 1238 ngày 15/12/1977 của đơn vị Bộ tư lệnh Quân khu 5 chứng nhận B bị thương trong chiến đấu, tỷ lệ thương tật là 19% cùng của một người đàn ông không quen biết đều với giá 700.000 đồng để làm hồ sơ hưởng chế độ thương tật của Nhà nước. Hành vi của các bị cáo đã giúp sức cho đối tượng “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan”. Hành vi nêu trên của bị cáo Phạm Đình Th, Trần Văn B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” được quy định tại khoản 1 Điều 267 Bộ luật hình sự 1999.

Hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Th, bị cáo B thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, đã xâm phạm trực tiếp đến tài sản của Nhà nước, gây thiệt hại đến ngân sách do Nhà nước quản lý. Hành vi phạm tội của các bị cáo còn gây ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan có chức năng trong việc thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công trong kháng chiến. Đó là chế độ ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với những người có công trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước và B vệ Tổ quốc.

Hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức đã xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính thuộc lĩnh vực quản lý và sử dụng con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Bị cáo là người có đầy đủ năng lực, trách nhiệm, tự nhận thức và biết hành vi của bản Th là vi phạm pháp luật nhưng do động cơ tư lợi cá nhân mà bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, cần xử phạt bị cáo một mức hình phạt nghiêm, đảm B đủ tác dụng trừng trị, cải tạo, giáo dục đối với bị cáo nhưng cũng đáp ứng được mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung.

[3] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ:

Bị cáo Phạm Đình Th, Trần Văn B không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên toà, các bị cáo có thái độ thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản Th, đã nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả; nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS. Ngoài ra, các bị cáo còn có thời gian tham gia quân đội nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS.

Trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Xét thấy, có đủ điều kiện áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự, quyết định cho bị cáo được hưởng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tạo cơ hội cho bị cáo yên tâm cải tạo sớm trở về đoàn tụ với gia đình và xã hội. Tuy nhiên, cũng cần xem xét nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo có phần do quản lý lỏng lẻo của Nhà nước trong việc xét duyệt các đối tượng là người có công được hưởng chế độ đãi ngộ. Nếu từ cấp địa phương có sự kiểm tra, rà soát đúng theo qui định từ khi các đối tượng làm hồ sơ, khi chuyển hồ sơ lên cấp có thẩm quyền có sự quản lý, thẩm định chặt chẽ, kiểm tra thực chứng đúng quy định thì hậu quả đã không xảy ra. Hơn nữa, cả hai bị cáo đều đã tự nguyện khắc phục toàn bộ hậu quả nên cũng cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Như vậy cũng thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của bản thân.

Đối với tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, hành vi phạm tội của bị cáo ít nghiêm trọng, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các bị cáo cũng tương xứng với hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam.

Xét vị trí, vai trò của các bị cáo thì thấy: bị cáo Phạm Đình Th là người giới thiệu người bán “Phiếu thương tật” giả cho Trần Văn B và số tiền chiếm đoạt từ ngân sách Nhà nước của Th nhiều hơn B nên bị cáo Th phải chịu mức hình phạt cao hơn bị cáo B.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Phạm Đình Th và Trần Văn B đã tự nguyện khắc phục hậu quả trả lại toàn bộ số tiền hưởng chế độ thương tật cho phòng Lao động – Thương binh và xã hội huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nên vấn đề trách nhiệm dân sự không đặt ra giải quyết.

[5] Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo: Phạm Đình Th, Trần Văn B phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”

2. Căn cứ: điểm c khoản 2 Điều 174; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt bị cáo Phạm Đình Th: 15 (Mười lăm) tháng tù.

Thời hạn tù của bị cáo tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án; Xử phạt bị cáo Trần Văn B: 12 (Mười hai) tháng tù.

Thời hạn tù của bị cáo tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án;

3. Căn cứ: khoản 1 Điều 267 BLHS năm 1999; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt bị cáo Phạm Đình Th: 5.000.0000đ (Năm triệu đồng) Xử phạt bị cáo Trần Văn B : 5.000.000đ (Năm triệu đồng) 3. Án phí hình sự sơ thẩm: Buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000đồng.

Báo các bị cáo có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì bị cáo có quyền tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2020/HS-ST ngày 11/06/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức

Số hiệu:40/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về