TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
BẢN ÁN 40/2020/HNGĐ-ST NGÀY 30/09/2020 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON VÀ CHIA TÀI SẢN KHI LY HÔN
Ngày 30 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 63/2019/TLST-HNGĐ ngày 14 tháng 10 năm 2019 về việc “ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 28/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 10 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Chị A, sinh năm 1985; Địa chỉ: Ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
2. Bị đơn: Anh B, sinh năm 1977; Địa chỉ: Ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
3. Người có quyền, nghĩa vụ liên quan:
3.1 Chị C, sinh năm 1981.
3.2 Bà D, sinh năm 1957.
Cùng địa chỉ: Ấp R, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
3.3 Bà E, sinh năm 1960.
3.4 Chị G, sinh năm 1985.
Cùng địa chỉ: Ấp S, xã T, huyện U, tỉnh Cà Mau.
3.5 Ông H, sinh năm 1963.
Địa chỉ: Ấp V, xã T, huyện U, tỉnh Cà Mau.
3.6 Chị I, sinh năm 1979.
Địa chỉ: Ấp X, xã T, huyện U, tỉnh Cà Mau.
3.7 Bà K, sinh năm 1972.
3.8 Anh L, sinh năm 1985.
3.9 Ông M, sinh năm 1970.
Cùng địa chỉ: Ấp 9, xã Y, huyện O1, tỉnh Cà Mau.
Người đại diện theo ủy quyền của anh L: Bà K, sinh năm 1972; địa chỉ: Ấp 9, xã Y, huyện O1, tỉnh Cà Mau.
3.10 Ủy ban nhân dân huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
Địa chỉ: Ấp 3, thị trấn P1, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
3.11 Bà N, tên thường gọi N1, sinh năm 1952 Địa chỉ: Australia (Anh B, Chị A, chị G, ông H, ông M, bà K có mặt; UBND huyện Q, bà E, chị I có đơn xin vắng mặt; các đương sự còn lại vắng mặt không lý do)
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đơn khởi kiện (nhận đơn ngày 07/11/2017) và các biên bản lấy lời khai ngày 10/12/2019 và ngày 30/6/2020, nguyên đơn chị A trình bày:
Về quan hệ hôn nhân: Chị A và anh B chung sống với nhau, có đăng ký kết hôn và đã được Ủy ban nhân dân xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 06/9/2012. Thời gian đầu vợ chồng chung sống hạnh phúc, sau một thời gian vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân do vợ chồng bất đồng trong chuyện tiền bạc và anh B nhiều lần hành hung đánh đập chị. Chị và anh B đã sống ly thân từ khoảng tháng 4/2017 đến nay. Nay vợ chồng không thể hàn gắn được nên Chị A yêu cầu được ly hôn với anh B.
Về con chung: Quá trình chung sống Chị A và anh B có 02 người con chung là cháu A1, sinh ngày 01/10/2001 và cháu A2, sinh ngày 24/12/2014, hiện chị đang nuôi cháu A2, còn anh B nuôi cháu A1. Chị A yêu cầu được tiếp tục nuôi cháu A2, không yêu cầu cấp dưỡng; đối với cháu A1 hiện nay đã trưởng thành nên chị không đặt yêu cầu.
Về tài sản chung: Vợ chồng anh chị có 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu. Nhà và đất hiện do anh B quản lý, sử dụng. Chị xác định nhà và đất có giá trị 1.400.000.000 đồng. Chị A yêu cầu chia đôi giá trị nhà và đất. Ngoài ra, vợ chồng chị không còn tài sản nào khác.
Về nợ: Chị A xác định vợ chồng chị nợ của bà E số tiền gốc là 120.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh; nợ chị G số tiền 140.000.000 đồng và tiền lãi phát sinh; nợ anh L số tiền 70.000.000 đồng (số tiền này nhờ vợ chồng ông M và bà K hỏi dùm); nợ tiền hụi của chị I số tiền 60.000.000 đồng; nợ ông H số tiền 55.000.000 đồng. Chị A yêu cầu chia đôi tất cả các khoản nợ trên với anh B. Ngoài ra, chị và anh B không còn nợ ai khác.
Đối với khoản nợ của bà D và chị C thì Chị A không đồng ý, Chị A không biết số nợ trên.
- Đối với bị đơn anh B trình bày:
Về hôn nhân: Anh B thống nhất với lời trình bày của Chị A thời gian kết hôn, anh xác định vợ chồng ly thân từ năm 2017 đến nay nhưng không nhớ chính xác ngày tháng nào, chỉ nhớ vào mùa mưa năm 2017. Anh B đồng ý ly hôn, do tình cảm không còn, quá trình chung sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.
Về con chung: Anh B thống nhất với lời trình bày của Chị A về con chung. Nay, anh B yêu cầu được nuôi cháu A2, không yêu cầu Chị A cấp dưỡng nuôi con. Đối với cháu A1 hiện nay đã trưởng thành nên anh không yêu cầu.
Về tài sản chung: Anh B không đồng ý với lời trình bày của Chị A về tài sản chung. Nguồn gốc 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu là của bà N, tên thường gọi N1 (là dì ruột của anh B) gửi tiền về để anh nhận chuyển nhượng nhà đất của ông M1. Nhà đất trên của bà N giao cho vợ chồng anh chị ở để nuôi dưỡng ông ngoại anh B và sau đó thờ cúng tổ tiên, trường hợp anh chị không ở nữa thì phải trả lại cho bà N. Nay, anh B không đồng ý yêu cầu chia đôi giá trị nhà đất vì đây không phải tài sản chung của anh chị.
Về nợ chung: Anh B đồng ý vợ chồng anh chị có nợ của chị I số tiền hụi là 60.000.000 đồng; nợ của anh L số tiền 70.000.000 đồng. Nay, anh B đồng ý cùng Chị A trả nợ cho anh L, chị I.
Đối với khoản nợ của bà D và chị C, anh B xác định anh nợ của mẹ anh là bà D số tiền 150.000.000 đồng và chị C số tiền 150.000.000 đồng, số tiền trên anh mượn để mua xe tải nhưng Chị A không biết số tiền trên, anh B xác định khi nào anh có tiền anh sẽ trả cho bà D và chị C, anh không yêu cầu Chị A có trách nhiệm cùng trả nợ với anh do đây là nợ riêng của anh.
Đối với khoản nợ của bà E; nợ chị G và nợ ông H thì anh B không biết, anh B không đồng ý trả nợ.
- Theo đơn khởi kiện (yêu cầu độc lập) đề ngày 18/7/2017 (Bút lục 02) và biên bản lấy lời khai ngày 20/11/2019 (Bút lục 366-367), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà E trình bày: Ngày 12/6/2017 âm lịch chị A có đến nhà vay tiền của bà, số tiền vay vốn gốc là 120.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng. Khi vay chỉ có mặt Chị A, không có mặt anh B, Chị A nói vay để trị bệnh cho anh B, thỏa thuận 2-3 tháng sau sẽ trả. Tuy nhiên, sau khi vay đến nay thì vợ chồng Chị A và anh B chưa trả vốn và lãi suất cho bà. Do đó, nay bà yêu cầu Chị A và anh B cùng có trách nhiệm trả số tiền vay vốn gốc là 120.000.000 đồng và lãi suất tính từ ngày bà khởi kiện (ngày 18/7/2017) với mức lãi suất 2%/tháng đến khi xét xử sơ thẩm và lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo quy định.
- Theo đơn khởi kiện (yêu cầu độc lập) đề ngày 18/7/2017 (Bút lục 29) và biên bản lấy lời khai ngày 29/11/2019 (Bút lục 368-369), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị G trình bày: Ngày 02/3/2017 âm lịch chị A có vay tiền của chị, số tiền vay vốn gốc là 140.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng. Chị A có thế chấp căn nhà gắn liền với quyền sử dụng đất diện tích 288,6m2 thửa số 148, tờ bản đồ số 18, đất trồng cây lâu năm được UBND huyện Q cấp ngày 30/01/2015 do Chị A đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giữa chị G và Chị A có lập biên nhận vay tiền và thế chấp nhưng chỉ viết giấy tay, có chữ ký của hai bên, không có công chứng chứng thực. Khi vay chỉ có mặt Chị A, không có mặt anh B, Chị A nói vay để sử dụng trang trải trong gia đình, thỏa thuận 02 tháng sau sẽ trả. Tuy nhiên, sau khi vay đến nay thì vợ chồng Chị A và anh B chưa trả vốn và lãi suất cho chị. Do đó, nay chị yêu cầu Chị A và anh B cùng có trách nhiệm trả số tiền vay vốn gốc là 140.000.000 đồng và lãi suất tính từ ngày chị khởi kiện (ngày 18/7/2017) đến khi xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 2%/tháng và lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo quy định; khi nào trả xong tiền thì chị sẽ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chị A.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2017 (Bút lục 109-110), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông H trình bày: Ông là cha ruột của Chị A. Trước đây ông có cho vợ chồng Chị A và anh B mượn số tiền tổng cộng là 55.000.000 đồng, thời gian bắt đầu mượn từ ngày 20/3/2013 đến tháng 10/2016 với 14 lần mượn, mỗi lần số tiền mượn thấp nhất là 1.000.000 đồng, cao nhất là 15.000.000 đồng, các lần cho mượn ông H không viết biên nhận do là cha con, chỉ tự ghi chép lại để tự theo dõi. Khi mượn tiền thì có lúc là Chị A, có lúc là anh B trực tiếp nhận tiền, mục đích các lần mượn tiền là để chi xài trong gia đình, trị bệnh cho anh B, chuộc xe của anh B, chi phí cho Chị A sinh con,...Nay ông H yêu cầu Chị A và anh B phải cùng có trách nhiệm trả cho ông số tiền 55.000.000 đồng.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 26/12/2018 (Bút lục 112-113), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà D trình bày: Bà là mẹ ruột của anh B. Ngày 09/5/2017, anh B có vay của bà số tiền 150.000.000 đồng, theo bà D thì khi vay có thế chấp nhà, đất, vật dụng trong nhà tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu, anh B có làm giấy tay, giấy do chính anh B viết và ký tên xác nhận. Khi nhận tiền tại thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ có mặt anh B, tuy nhiên, lúc vay vợ chồng anh B còn chung sống, không mâu thuẫn, việc vay tiền để mua xe tải chở đồ bán, vay không tính lãi suất. Nay bà D yêu cầu Chị A và anh B phải cùng có trách nhiệm trả cho bà số tiền 150.000.000 đồng.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 08/5/2018 (Bút lục 106), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị C trình bày: Chị C là em ruột của anh B. Ngày 15/7/2017 âm lịch chị có cho anh B mượn số tiền 150.000.000 đồng, không tính lãi suất, thỏa thuận khi nào chị cần thì anh B sẽ trả, mượn tiền để mua xe tải nhưng theo chị C là chưa mua xe. Anh B có viết biên nhận nợ. Khi nhận tiền tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có một mình anh B. Chị không biết Chị A có biết hay không. Nay yêu cầu anh B phải trả cho chị 150.000.000 đồng, không yêu cầu tính lãi suất.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2017 (Bút lục 108) và ngày 20/11/2019 (Bút lục 362-363), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị I trình bày: Chị là chủ hụi, vợ chồng B và A là hụi viên có tham gia chơi 01 dây hụi khui ngày 19/01/2017, hụi 4.000.000 đồng, mỗi tháng khui một lần, gồm 20 chưng. Chị A và anh B hốt hụi vào ngày 19/3/2017 với số tiền là 46.800.000 đồng. Sau khi hốt không đóng hụi chết cho chị. Tính đến ngày mãn hụi thì số tiền nợ hụi của anh B và Chị A là 60.000.000 đồng. Nay chị yêu cầu anh B và Chị A cùng có trách nhiệm trả nợ cho chị số tiền 60.000.000 đồng.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 20/12/2017 (Bút lục 107), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông M trình bày: Ngày 01/8/2015 âm lịch vợ chồng anh B, Chị A có hỏi mượn của ông số tiền 70.000.000 đồng, nhưng do không có tiền nên vợ chồng ông có hỏi L cho vợ chồng A và B mượn 70.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, anh L có giữ 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh B, Chị A. Nay yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
- Theo biên bản lấy lời khai ngày 08/9/2020, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà K trình bày: Bà là người đại diện theo ủy quyền của anh L. Bà K xác định ngày 01/8/2015 âm lịch vợ chồng anh B, Chị A có hỏi mượn của ông L số tiền 70.000.000 đồng, thỏa thuận lãi suất 2%/tháng, anh L có giữ 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh B, Chị A. Hai bên có viết giấy tay (Giấy cầm sổ đỏ) có chữ ký của vợ chồng B, A và bà có ký tên người chứng kiến, có trưởng ấp ký xác nhận ngày 13/9/2015. Không làm thủ tục công chứng chứng thực đối với việc vay và thế chấp quyền sử dụng đất. Nay anh L yêu cầu vợ chồng anh B, Chị A cùng có trách nhiệm trả cho anh số tiền 70.000.000 đồng, lãi suất tính từ thời gian Chị A nộp đơn xin ly hôn đến khi anh B, Chị A thanh toán xong nợ với mức lãi suất do Nhà nước quy định. Khi nào thanh toán xong nợ thì anh L trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hai bên không tranh chấp về việc anh L giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh B, Chị A.
- Theo Bản tường trình ngày 24/02/2019 (Bút lục 292-300), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Bà N (tên thường gọi N1) trình bày: Bà là dì ruột của anh B. Bà N xác định bà có gửi tiền về Việt Nam để mua căn nhà gắn liền với đất tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu để cho cha của bà ở dưỡng già và thờ cúng mẹ của bà, khi nào cha bà mất thì dùng ngôi nhà để thờ cúng ông bà. Do B và A chung sống với ông ngoại (cha ruột bà N) và bà N là Việt kiều không đứng tên mua đất nên đã nhờ B đứng tên mua nhà đất dùm. Nhà đất mua của ông M1 với giá 750.000.000 đồng, Nhất đứng tên làm các thủ tục nhưng tiền do bà N chuyển về toàn bộ. Nay bà N xác định nhà đất trên là tài sản của bà nên không đồng ý là tài sản chung của vợ chồng A, B. Bà N yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho vợ chồng A, B và buộc A, B trả lại nhà đất cho bà.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu trình bày quan điểm về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:
+ Về thủ tục tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án tới thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án. Quá trình giải quyết Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và Viện kiểm sát đúng theo quy định. Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa sơ thẩm.
+ Về nội dung vụ án: Chị A và anh B kết hôn, có đăng ký kết hôn và được Ủy nhân dân dân xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 06/9/2012 là hoàn toàn tự nguyện, do đó, hôn nhân của anh chị là hợp pháp. Sau khi kết hôn anh chị có xảy ra nhiều mâu thuẫn, nay Chị A yêu cầu ly hôn, anh B cũng đồng ý ly hôn nên giải quyết cho anh chị ly hôn là có căn cứ, phù hợp pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của Chị A, xử cho Chị A được ly hôn với anh B.
Về con chung: Cháu A1 đã trưởng thành, anh B và Chị A đều không đặt ra yêu cầu nên không cần xem xét giải quyết; còn cháu A2, sinh ngày 24/12/2014, hiện Chị A đang trực tiếp nuôi dưỡng cần giữ nguyên, chấp nhận yêu cầu được trực tiếp nuôi cháu A2 của Chị A, không buộc anh B cấp dưỡng nuôi con do Chị A không yêu cầu.
Về tài sản chung: Không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của Chị A đối với 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu vì đủ căn cứ xác định nhà đất do bà N nhờ anh B đứng tên mua dùm và quản lý trong lúc bà N không có mặt tại Việt Nam, nhưng ghi nhận công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất là tài sản chung của vợ chồng anh B, Chị A, chia đôi số tiền công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất cho anh B, Chị A. Do anh B đang quản lý nhà đất nên được tiếp tục quản lý, anh B có trách nhiệm giao trả cho Chị A số tiền Chị A được hưởng. Áp dụng Án lệ số 02/2016, giá trị lúc mua nhà đất là 750.000.000 đồng, giá trị được định tại thời điểm hiện nay là 1.400.000.000 đồng nên phần chênh lệch giá là 650.000.000 đồng. Giá trị chênh lệch anh B, Chị A được hưởng là 650.000.000 đồng : 2 = 325.000.000 đồng, nên anh B có trách nhiệm giao cho Chị A 162.500.000 đồng. Bà N có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền 325.000.000 đồng cho anh B khi bà N có yêu cầu đòi nhà đất đối với anh B.
Về nợ chung: Ghi nhận sự thỏa thuận của Chị A và anh B về việc cùng có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của chị I số tiền hụi là 60.000.000 đồng và nợ của anh L số tiền 70.000.000 đồng; Đủ căn cứ xác định nợ của chị G là nợ chung vợ chồng, buộc Chị A và anh B cùng trả nợ vốn gốc và lãi suất cho chị G; Đối với khoản nợ của bà D và chị C, do anh B xác định là nợ riêng của anh và không yêu cầu Chị A có trách nhiệm cùng trả nợ, bà D và chị C không có Đơn yêu cầu độc lập nên không xem xét, giải quyết; Không chấp nhận yêu cầu của Chị A về việc buộc anh B cùng trả các khoản nợ của bà E, và ông H do không đủ căn cứ chứng minh nợ chung của vợ chồng, mặt khác, ông H không nộp tạm ứng án phí để Tòa án xem xét yêu cầu độc lập, chỉ buộc cá nhân Chị A có trách nhiệm trả nợ cho bà E, ông H có quyền kiện Chị A ở vụ án khác khi có yêu cầu. Án phí Chị A phải chịu án phí dân sự về Hôn nhân và gia đình, các đương sự còn phải chịu án phí dân sự đối với nghĩa vụ trả nợ, chi phí xem xét thẩ m định tài sản tranh chấp theo quy định pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, nghe ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên, sau khi thảo luận, nghị án; Hội đồng xét xử nhận định:
[2] Về thủ tục tố tụng: Chị A yêu cầu ly hôn với anh B. Trong quá trình giải quyết vụ án phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà N, tên thường gọi N1, là người nước ngoài, bà N đang cư trú tại Australia, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu, theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 3 Điều 35 và khoản 1 Điều 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện ủy thác tư pháp tống đạt thông báo thụ lý vụ án và triệu tập hòa giải, triệu tập xét xử đối với bà N theo quy định của pháp luật, các văn bản đã được tống đạt theo đường dịch vụ bưu chính đến đúng địa chỉ của bà N đang cư trú ở nước ngoài do các đương sự cung cấp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 474 Bộ luật Tố tụng dân sự, đến nay Tòa án không nhận được ý kiến phản hồi của bà N và bà N cũng không về Việt Nam tham gia phiên hòa giải, phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nên căn cứ khoản 5 Điều 477 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt đối với bà N.
[4] Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà E, chị I, Ủy ban nhân dân huyện Q đã có Đơn yêu cầu xét xử vắng mặt; Đối với những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chị C, bà D được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt nên căn cứ khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt đối với những người nêu trên.
[5] Về nội dung vụ án: Xét quan hệ hôn nhân giữa chị A và anh B, Chị A xác định chị và anh B tự nguyện chung sống, có đăng ký ký kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam và căn cứ giấy chứng nhận kết hôn do Ủy nhân dân dân xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu cấp giấy chứng nhận kết hôn vào ngày 06/9/2012 đủ cơ sở xác định hôn nhân giữa Chị A và anh B là hôn nhân hợp pháp, được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Theo đơn khởi kiện xin ly hôn và lời khai của Chị A có cơ sở xác định, sau khi kết hôn vợ chồng có hạnh phúc thời gian đầu, sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn, nguyên nhân do vợ chồng bất đồng trong chuyện tiền bạc và anh B nhiều lần hành hung đánh đập chị, anh chị đã sống ly thân khoảng 03 năm nay, vợ chồng không thể hàn gắn để chung sống với nhau được nữa nên Chị A yêu cầu ly hôn. Đối với anh B thống nhất ý kiến của Chị A và cũng đồng ý ly hôn theo yêu cầu của Chị A.
[6] Hội đồng xét xử xét thấy, theo Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”, theo đó thì giữa Chị A và anh B đã không còn yêu thương, quan tâm, chăm sóc giúp đỡ nhau, hiện nay anh B và Chị A không còn sống chung mà đã ly thân từ năm 2017 đến nay, làm cho hôn nhân của anh chị lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không có và không thể hàn gắn đoàn tụ. Do đó, có căn cứ chấp nhận đơn khởi kiện của Chị A, cho Chị A được ly hôn với anh B là có căn cứ, phù hợp quy định pháp luật.
[7] Về con chung: Quá trình chung sống Chị A và anh B có 02 người con chung là cháu A1, sinh ngày 01/10/2001 và cháu A2, sinh ngày 24/12/2014, hiện chị đang nuôi cháu A2, còn anh B nuôi cháu A1. Đối với cháu A1 hiện nay đã trưởng thành, Chị A và anh B không đặt yêu cầu nên Tòa án không xem xét. Đối với yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng cháu A2 của anh B và Chị A: Xét thấy, do cháu A2 dưới 07 tuổi nên chưa đến tuổi pháp luật quy định phải hỏi ý kiến về nguyện vọng của cháu và việc giao con cho cha hoặc mẹ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng do Tòa án quyết định căn cứ vào điều kiện của người nuôi dưỡng, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con chung. Pháp luật quy định việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung là nghĩa vụ và quyền của cả cha và mẹ. Tuy nhiên, hiện nay Chị A đang trực tiếp nuôi dưỡng cháu A2, cháu A2 còn nhỏ tuổi, là con gái nên rất cần sự chăm sóc trực tiếp của mẹ, thực tế, từ khi cháu A2 được sinh ra đến khi Chị A, anh B ly thân (đầu năm 2017) cho đến nay, cháu A2 được sự chăm sóc trực tiếp của Chị A. Tại phiên tòa, anh B đồng ý giao cháu A2 cho Chị A trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng. Do đó, để đảm bảo sự ổn định về tâm sinh lý cho cháu A2, cần chấp nhận yêu cầu của Chị A, tiếp tục giao cháu A2 cho Chị A trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng là phù hợp.
[8] Nếu trong quá trình Chị A trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, anh B có căn cứ cho rằng người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định của pháp luật. Về cấp dưỡng nuôi con do Chị A không yêu cầu nên không đặt ra xem xét giải quyết.
[9] Về tài sản chung: Chị A xác định vợ chồng anh chị có 01 căn nhà gắn liền với đất tọa lạc tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu, nhà và đất hiện nay do anh B quản lý, sử dụng. Anh B không đồng ý với lời trình bày của Chị A về tài sản chung, anh B xác định nguồn gốc nhà và đất đang tranh chấp là của bà Lê Thị Mai (là dì ruột của anh B) (tên tiếng Anh là N - tên thường gọi N1) gửi tiền từ Úc về Việt Nam để anh nhận chuyển nhượng nhà đất của ông M1, bà N giao nhà đất trên cho vợ chồng anh ở và thờ cúng tổ tiên, trường hợp vợ chồng không ở nữa thì phải trả lại cho bà N. Xét thấy, Chị A cho rằng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng nhưng chị cũng thừa nhận nguồn tiền để mua nhà đất toàn bộ đều do bà N gửi từ Úc về Việt Nam để anh B chuyển nhượng. Do đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự thì nguồn gốc tiền chuyển nhượng nhà đất là của bà N là có thật, được các đương sự thống nhất thừa nhận, đây là tình tiết, sự kiện không phải chứng minh. Chị A xác định được bà N tặng cho thì Chị A phải có nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên, suốt quá trình tố tụng Chị A chỉ trình bày ý kiến về việc được tặng cho nhà đất chứ không cung cấp được chứng cứ nào khác chứng minh cho ý kiến của chị. Trong khi bản thân anh B không đồng ý với ý kiến của Chị A, bà N cũng không thừa nhận tặng cho tài sản. Đồng thời, tại lời khai của ông M1 là người chuyển nhượng nhà đất đã xác định bà N mới là người mua nhà đất, anh B chỉ đứng tên dùm cho bà N. Như vậy, có căn cứ xác định bà N là người đã mua nhà đất nêu trên, anh B chỉ là người đứng tên dùm bà N, không có căn cứ xác định nhà đất tọa lạc tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu là tài sản chung của anh B và Chị A, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu chia tài sản của Chị A đối với căn nhà gắn liền với đất nêu trên.
[10] Do đủ căn cứ xác định bà N là người đã bỏ tiền ra mua nhà đất, nên căn cứ Án lệ số 02 năm 2016 Chị A và anh B có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất, cần xác định công sức của anh B và Chị A tương đương ½ giá trị chênh lệch của nhà và đất so với thời điểm nhận chuyển nhượng. Thời điểm nhận chuyển nhượng nhà đất có giá trị 750.000.000 đồng, đến nay giá trị nhà đất là 1.400.000.000 đồng (giá được xác định theo quy định pháp luật về định giá tài sản), nên giá trị chênh lệch là 650.000.000 đồng, vợ chồng Chị A, anh B được hưởng ½ giá trị chênh lệch này, tương đương 325.000.000 đồng, số tiền 325.000.000 đồng là tài sản chung của anh chị và được phân chia theo quy định pháp luật. Anh B và Chị A có vai trò ngang nhau trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất nên số tiền này được chia đôi cho anh chị mỗi người được hưởng ½ là phù hợp. Do anh B là người đang trực tiếp quản lý nhà, giữa anh B và bà N không tranh chấp nên cần tiếp tục giao nhà đất nêu trên cho anh B được trực tiếp quản lý, sử dụng. Buộc anh B có trách nhiệm giao cho Chị A ½ số tiền 325.000.000 đồng là công sức của anh chị trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất mà anh chị được hưởng, thành tiền là 162.500.000 đồng. Phần tiền anh B được hưởng cũng là 162.500.000 đồng nhưng do anh B được giao tiếp tục trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất và anh B không tranh chấp với bà N nên số tiền nêu trên không cần tuyên buộc bà N phải giao trả cho anh B. Nếu giữa bà N và anh B có xảy ra tranh chấp đối với nhà và đất nêu trên thì anh B và bà N được khởi kiện thành vụ án khác theo đúng quy định pháp luật.
[11] Do bà N đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các thủ tục tố tụng nhưng bà N không có ý kiến phản hồi đối với các câu hỏi của Tòa án, bà N cũng không có đơn yêu cầu và thực hiện các thủ tục tố tụng cần thiết để được Tòa án xem xét yêu cầu độc lập nên bà N có quyền khởi kiện đối với cá nhân anh B để đòi lại căn nhà. Nếu giữa bà N và anh B có tranh chấp thì khi thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án phải xem xét anh B đã thanh toán cho Chị A số tiền bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất là 162.500.000 đồng để đảm bảo quyền lợi của anh B theo quy định pháp luật.
[12] Về nợ chung:
[12.1] Anh B và Chị A thống nhất anh chị có nợ của chị I số tiền hụi là 60.000.000 đồng và nợ của anh L số tiền 70.000.000 đồng. Nay, anh B và Chị A đồng ý cùng trả 02 khoản nợ cho anh L và chị I. Anh L và chị I cũng thống nhất về số tiền nợ và yêu cầu cả hai vợ chồng Nhất và Kiều cùng có trách nhiệm trả nợ. Riêng anh L còn yêu cầu anh B và Chị A thanh toán số tiền lãi suất của số vốn gốc 70.000.000 đồng tính từ thời gian Chị A nộp đơn xin ly hôn đến khi anh B, Chị A thanh toán xong nợ với mức lãi suất do Nhà nước quy định, Chị A thống nhất với yêu cầu của anh L. Xét thấy, sự thống nhất thừa nhận nợ của Chị A và anh B đối với chị I và anh L là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp quy định pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần được ghi nhận. Buộc Chị A và anh B cùng trả nợ cho anh L và chị I, mỗi người phải trả chị I 30.000.000 đồng, trả anh L 35.000.000 đồng vốn gốc.
Về lãi suất: Theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự : “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ” (tương đương 0,83%/tháng); do đó, lãi suất anh B và Chị A phải trả cho anh L là:
70.000.000 đồng x 0,83% x 47 tháng 23 ngày = 27.752.433 đồng. Anh B, Chị A mỗi người phải trả lãi suất cho anh L là 13.876.216 đồng, tổng số tiền vốn và lãi suất anh B, Chị A mỗi người phải trả cho anh L là 48.876.216 đồng.
[12.2] Đối với số tiền Chị A trực tiếp vay của chị G ngày 02/3/2017 âm lịch, số tiền vay vốn gốc là 140.000.000 đồng: Chị G xuất trình được Biên nhận nợ ngày 02/3/2017 âm lịch có chữ ký nhận nợ của Chị A, Chị A thừa nhận có vay số tiền 140.000.000 đồng của chị G nên đủ căn cứ xác định giao dịch vay có xảy ra trong thực tế. Tuy anh B không đồng ý đây là nợ chung của vợ chồng và không đồng ý cùng trả nợ với Chị A, nhưng anh B không nhớ chính xác thời điểm vợ chồng ly thân, chỉ nhớ vào mùa mưa năm 2017, do đó, cần xác định thời điểm ly thân như ý kiến của Chị A là vào tháng 4/2017. Như vậy, đủ căn cứ xác định số tiền nợ chị G là khoản nợ phát sinh trong thời gian hôn nhân tồn tại, anh chị còn chung sống với nhau, việc vay tiền là để sử dụng trang trải trong gia đình. Căn cứ Điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng: “1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này”.
Vì vậy, có căn cứ buộc anh B cùng có nghĩa vụ với Chị A trả cho chị G số tiền 140.000.000 đồng là hoàn toàn phù hợp. Ngoài ra, chị G còn yêu cầu lãi suất, tuy tại phiên tòa chị G yêu cầu tính lãi suất từ ngày cho vay nhưng tại Đơn khởi kiện ngày 18/7/2017 chị G yêu cầu tính lãi suất từ ngày khởi kiện đến khi xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 2%/tháng và lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo quy định nên có căn cứ xác định thời điểm tính lãi suất là từ ngày chị G đi khởi kiện. Xét thấy, các bên vay tiền có thỏa thuận về lãi suất nhưng mức lãi suất 2%/tháng là cao so với quy định, cần điều chỉnh mức lãi suất theo đúng quy định pháp luật và áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự như cách tính lãi suất cho anh L (tương đương 0,83%/tháng). Cụ thể: 140.000.000 đồng x 0,83%/tháng x 38 tháng 12 ngày = 44.620.800 đồng.
Số tiền anh B và Chị A mỗi người có trách nhiệm thanh toán cho chị G là vốn gốc 70.000.000 đồng và lãi suất 44.620.800 đồng : 2 = 22.310.400 đồng, tổng cộng vốn và lãi suất là 92.310.400 đồng.
[12.3] Đối với khoản vay của bà E ngày 12/6/2017 âm lịch, số tiền vay vốn gốc là 120.000.000 đồng: Xét thấy, chứng cứ bà D đưa ra là Biên nhận nợ ngày 12/6/2017 âm lịch, Chị A có ký xác nhận nợ đối với số tiền vay nêu trên. Đủ căn cứ xác định việc vay tiền giữa Chị A và bà E thực tế có xảy ra, được bên vay thừa nhận. Tuy nhiên, anh B không thừa nhận có vay tiền của bà E, bà E cũng xác định khi cho vay đã đưa trực tiếp tiền cho Chị A, không có anh B trực tiếp chứng kiến, khoản vay này phát sinh sau thời gian anh B và Chị A ly thân. Chị A cho rằng vay tiền để trị bệnh cho anh B nhưng chị không cung cấp được chứng cứ chứng minh thời gian này anh B bị bệnh phải điều trị, trong khi chị khai nhận anh B bệnh ngay sau khi ông ngoại của anh B chết (khoảng tháng 1/2012), việc vay tiền lại xảy ra vào tháng 6/2017. Anh B xác định vợ chồng đã ly thân từ tháng 4/2017, từ thời điểm đó anh B và Chị A đã không còn sống chung nên khoản nợ của bà E là “nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình” theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 nên là nghĩa vụ riêng của Chị A. Do đó, chỉ đủ căn cứ xác định Chị A có nợ bà E 120.000.000 đồng, không có căn cứ chứng minh đây là nợ chung của vợ chồng, không đủ cơ sở buộc anh B cùng trả nợ với Chị A. Ngoài ra, bà E yêu cầu Chị A phải trả lãi suất tính từ ngày bà khởi kiện (ngày 18/7/2017) đến khi xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 2%/tháng và lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo quy định. Xét thấy, các bên vay tiền có thỏa thuận về lãi suất nhưng mức lãi suất 2%/tháng là cao so với quy định, cần điều chỉnh mức lãi suất theo đúng quy định pháp luật và áp dụng khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự như cách tính lãi suất cho anh L (tương đương 0,83%/tháng). Cụ thể: 120.000.000 đồng x 0,83%/tháng x 38 tháng 12 ngày = 38.246.400 đồng. Số tiền Chị A có trách nhiệm thanh toán cho bà E là vốn gốc 120.000.000 đồng và lãi suất 38.246.400 đồng.
Ngoài ra, anh B và Chị A còn phải trả lãi suất trong giai đoạn thi hành án theo đúng quy định pháp luật đối với số tiền chậm trả cho tất cả các khoản vay nêu trên.
[12.4] Đối với khoản vay của ông H, số tiền tổng cộng là 55.000.000 đồng: Ông H thừa nhận khi cho vay không có biên nhận, ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh, anh B không thừa nhận có vay tiền của ông H. Tòa án đã có Thông báo nộp tạm ứng án phí đối với ông H nhưng ông H không nộp tạm ứng án phí cho yêu cầu độc lập của ông. Xét thấy, ông H không cung cấp được chứng cứ có giá trị pháp lý chứng minh đã cho vợ chồng anh B, Chị A vay tiền nên không có căn cứ xác định anh B, Chị A có nợ ông H số tiền 55.000.000 đồng, không có căn cứ buộc anh B cùng trả nợ cho ông H theo yêu cầu của Chị A. Riêng việc Chị A thừa nhận nợ của ông H nhưng ông H không nộp tiền tạm ứng án phí nên Tòa án không ghi nhận sự thỏa thuận giữa Chị A và ông H, nếu sau này ông H và Chị A có phát sinh tranh chấp thì ông H khởi kiện cá nhân Chị A ở vụ án khác theo quy định pháp luật.
[12.5] Đối với khoản vay của bà D và chị C, Chị A không thừa nhận 02 khoản nợ. Anh B xác định nợ bà D và chị C là nợ riêng của anh và không yêu cầu Chị A có trách nhiệm cùng trả nợ, bà D và chị C không có Đơn yêu cầu độc lập nên Tòa án không xem xét, giải quyết. Anh B và bà D, chị C có quyền khởi kiện ở vụ án khác nếu phát sinh tranh chấp.
[13] Đối với việc giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh L (đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên anh B và Chị A) và chị G (đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Chị A), do các đương sự xác định không lập hợp đồng cầm cố, thế chấp, chỉ là giữ để làm tin khi cho vay tiền, các đương sự xác định không tranh chấp, không yêu cầu Tòa án xem xét nên Tòa án không xem xét, giải quyết.
[14] Về án phí: Căn cứ quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chị A phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 300.000 đồng do có yêu cầu ly hôn; anh B, Chị A còn phải chịu án phí dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản anh B, Chị A được chia. Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội:
“đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần tài sản họ được chia, sau khi trừ đi giá trị tài sản thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba…”.
Xét thấy, giá trị tài sản Chị A và anh B mỗi người được nhận là:
162.500.000 đồng, anh B và Chị A mỗi người có nghĩa vụ trả nợ: 30.000.000 đồng (Nhung) + 48.876.216 đồng (Thiện) + 92.310.400 đồng (Trinh) = 171.186.616 đồng. Do số tài sản anh B và Chị A được chia sau khi trừ đi nghĩa vụ trả nợ không còn nên anh B và Chị A không phải chịu án phí đối với tài sản được chia.
Tuy nhiên, anh B và Chị A phải chịu án phí do phải thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba (gồm anh L, chị I và chị G): 171.186.616 đồng x 5% = 8.559.330 đồng, anh B và Chị A mỗi người phải chịu 8.559.330 đồng. Ngoài ra, Chị A còn phải chịu án phí đối với khoản nợ của bà E do đây là nợ riêng của Chị A:
158.246.400 đồng x 5% = 7.912.320 đồng.
Như vậy, số tiền án phí Chị A phải chịu là 300.000 đồng + 8.559.330 đồng + 7.912.320 đồng = 16.771.650 đồng, anh B phải chịu là 8.559.330 đồng. Chị A đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng theo Biên lai thu tiền số 0006827 ngày 24/11/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q nên còn phải nộp tiếp số tiền 16.471.650 đồng.
Bà E và chị G không phải chịu án phí. Bà E và chị G đã nộp tạm ứng án phí được hoàn lại toàn bộ.
[15] Về lệ phí ủy thác tư pháp, chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài (tống đạt hồ sơ, tài liệu cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan): Hồ sơ ủy thác tư pháp ra nước ngoài được gửi bằng đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của bà N, do đó, Chị A không phải chịu tiền lệ phí ủy thác tư pháp. Chị A đã nộp lệ phí ủy thác 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0014852 ngày 17/01/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu được hoàn lại. Căn cứ khoản 3 Điều 153 Bộ luật tố tụng dân sự, nguyên đơn chị A phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài 516.342 đồng, Chị A đã nộp xong, chi phí hết không được hoàn lại.
[15] Xét ý kiến của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện xin ly hôn của Chị A và xử cho Chị A được ly hôn anh B; Về con chung: Giao cháu A2 cho Chị A trực tiếp chăm sóc, không buộc anh B cấp dưỡng nuôi con do Chị A không yêu cầu; Về tài sản chung: Bác yêu cầu chia tài sản chung của Chị A đối với 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu vì đủ căn cứ xác định nhà do bà N mua và nhờ anh B đứng tên dùm nhưng ghi nhận công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất là tài sản chung của vợ chồng anh B, Chị A, chia đôi số tiền công gìn giữ, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất cho anh B, Chị A; Về nợ chung: Ghi nhận sự thỏa thuận của Chị A và anh B về việc cùng có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của chị I số tiền hụi là 60.000.000 đồng và nợ của anh L số tiền 70.000.000 đồng và lãi suất; Đủ căn cứ xác định nợ của chị G là nợ chung vợ chồng, buộc Chị A và anh B cùng trả nợ vốn gốc và lãi suất cho chị G; Đối với khoản nợ của bà D và chị C, do anh B xác định là nợ riêng của anh và không yêu cầu Chị A có trách nhiệm cùng trả nợ, bà D và chị C không có Đơn yêu cầu độc lập nên không xem xét, giải quyết; Không chấp nhận yêu cầu của Chị A về việc buộc anh B cùng trả các khoản nợ của bà E và ông H do không đủ căn cứ chứng minh nợ chung của vợ chồng. Mặt khác, sau khi Tòa án tống đạt hợp lệ thông báo nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu độc lập của ông H thì ông Phù không nộp tạm ứng án phí để Tòa án xem xét yêu cầu độc lập, chỉ buộc cá nhân Chị A có trách nhiệm trả nợ cho bà E, ông H có quyền kiện Chị A ở vụ án khác khi có yêu cầu. Án phí Chị A phải chịu án phí dân sự về Hôn nhân và gia đình, các đương sự còn phải chịu án phí dân sự đối với nghĩa vụ trả nợ và các chi phí tố tụng khác theo quy định pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa là có căn cứ, phù hợp pháp luật nên được chấp nhận toàn bộ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng khoản 1 Điều 28; khoản 3 Điều 35; khoản 1 Điều 37; khoản 2 Điều 227; Điều 228; Điều 273; Điều 280; điểm đ khoản 1 Điều 469; điểm c khoản 1 Điều 474; khoản 5 Điều 477; khoản 2 Điều 479 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 37; khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 81, Điều 82 và Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Án lệ số 02 năm 2016; điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/ 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị A với anh B.
Xử cho chị A được ly hôn với anh B.
2. Về con chung: Giao cháu A2, sinh ngày 24/12/2014 cho chị A trực tiếp trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Cháu A2 đang sống chung với Chị A được giữ nguyên.
Anh B có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở.
Chị A không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nên anh B không phải cấp dưỡng nuôi con.
3. Về tài sản chung: Không chấp nhận yêu cầu của Chị A xác định 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu là tài sản chung của vợ chồng.
Buộc anh B có nghĩa vụ giao số tiền trị giá công bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị nhà đất cho chị A là 162.500.000 đồng (một trăm sáu mươi hai triệu, năm trăm ngàn đồng).
Anh B được tiếp tục trực tiếp quản lý, sử dụng 01 căn nhà gắn liền với đất tọa tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu.
Bà N (tên thường gọi N1) có quyền khởi kiện cá nhân anh B ở vụ án khác để yêu cầu đối với 01 căn nhà gắn liền với đất tọa lạc tại ấp O, xã P, huyện Q, tỉnh Bạc Liêu theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nếu phát sinh tranh chấp.
4. Về nợ chung:
4.1. Ghi nhận sự thỏa thuận của Chị A và anh B về việc cùng có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của chị I và anh L.
Buộc chị A có nghĩa vụ trả cho chị I số tiền 30.000.000 đồng và trả cho anh L số tiền 48.876.216 đồng (bao gồm vốn gốc 35.000.000 đồng và lãi suất 13.876.216 đồng).
Buộc chị anh B có nghĩa vụ trả cho chị I số tiền 30.000.000 đồng và trả cho anh L số tiền 48.876.216 đồng (bao gồm vốn gốc 35.000.000 đồng và lãi suất 13.876.216 đồng).
4.2. Chấp nhận yêu cầu của chị G về việc buộc Chị A và anh B cùng có trách nhiệm trả số tiền vay vốn gốc là 140.000.000 đồng và lãi suất.
Buộc chị A có nghĩa vụ trả cho chị G số tiền tổng cộng 92.310.400 đồng (bao gồm vốn gốc là 70.000.000 đồng, lãi suất là 22.310.400 đồng).
Buộc anh B có nghĩa vụ trả cho chị G số tiền tổng cộng 92.310.400 đồng (bao gồm vốn gốc là 70.000.000 đồng, lãi suất là 22.310.400 đồng).
4.2. Chấp nhận yêu cầu của bà E về việc buộc Chị A có trách nhiệm trả số tiền vay vốn gốc là 120.000.000 đồng và lãi suất.
Buộc chị A có nghĩa vụ trả cho bà E số tiền tổng cộng 158.246.400 đồng (bao gồm vốn gốc là 120.000.000 đồng, lãi suất là 38.246.400 đồng).
4.3. Không chấp nhận yêu cầu của ông H về việc buộc Chị A và anh B cùng có trách nhiệm trả số tiền vay vốn gốc là 55.000.000 đồng. Ông H có quyền khởi kiện cá nhân chị A ở vụ án khác theo quy định pháp luật.
4.4. Bà D và chị C có quyền khởi kiện cá nhân anh B ở vụ án khác để yêu cầu đối với quan hệ vay tài sản theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định nếu phát sinh tranh chấp.
5. Về án phí dân sự sơ thẩm:
5.1. Án phí dân sự sơ thẩm về Hôn nhân và gia đình: chị A phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), chị A đã nộp tạm ứng án phí số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 0006827 ngày 24/11/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Bạc Liêu được chuyển thu án phí toàn bộ.
5.2. Án phí có giá ngạch: Chị A phải chịu án phí có giá ngạch do có nghĩa vụ với người thứ 3 với số tiền án phí là 16.471.650 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu.
Anh B phải chịu án phí có giá ngạch là 8.559.330 đồng tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu.
6. Lệ phí, chi phí ủy thác tư pháp: Chị A không phải chịu lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp ra nước ngoài, Chị A đã nộp lệ phí 200.000 đồng theo biên lai thu số 0014852 ngày 17/01/2020 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bạc Liêu được hoàn lại đủ. Chị A phải chịu chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài 516.342 đồng, Chị A đã nộp xong, chi phí hết không được hoàn lại.
Án xử sơ thẩm công khai, các đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với các đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết; Riêng bà N (tên thường gọi N1) có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 01 (một) tháng kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.
Bản án 40/2020/HNGĐ-ST ngày 30/09/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con và chia tài sản khi ly hôn
Số hiệu: | 40/2020/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bạc Liêu |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 30/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về