Bản án 40/2020/DS-PT ngày 27/10/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC 

BẢN ÁN 40/2020/DS-PT NGÀY 27/10/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ 

Trong các ngày 19, 27 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 32/2020/TLPT- DS ngày 22 tháng 4 năm 2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 16/01/2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 45/2020/QĐ-PT ngày 03 tháng 6 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thế H, sinh năm 1960; (có mặt ngày 19/10/2020, vắng mặt ngày 27/10/2020).

Cư trú: Thôn Khuổi Thảo, xã M, huyện Y, tỉnh Yên Bái.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Thế H: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1980; (có mặt ngày 19/10/2020, vắng mặt ngày 27/10/2020).

Địa chỉ: Số 46, Đ Nguyễn Tất Thành, xã Đ, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

(Theo giấy ủy quyền ngày 07/5/2020 của Ông Nguyễn Thế H) 2. Bị đơn:

- Bà Nguyễn Thị M, sinh năm 1946, (vắng mặt).

- Bà Dương Thị L, sinh năm 1952, (có mặt ngày 19/10/2020, vắng mặt ngày 27/10/2020).

- Anh Nguyễn Thế Đ, sinh năm 1971, (có mặt).

- Anh Nguyễn Thế M, sinh năm 1983, (vắng mặt).

Đều cư trú: Tổ dân phố Đ, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị M: Ông Vũ Văn D, Luật sư Công ty Luật TNHH V và Cộng sự; (có mặt).

Địa chỉ: Số nhà 23, S9 Đ Nguyễn Tất Thành, phường L, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1944, (vắng mặt).

Cư trú: Thôn Đ, phường Đ, thành phố T, tỉnh Thái Nguyên.

- Bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1956, (vắng mặt). Cư trú: Thôn T, xã Đ, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Phạm Thị Lan A, sinh năm 1971, (vắng mặt).

Cư trú: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị K, sinh năm 1970, (có mặt).

Cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1975, (có mặt).

Cư trú: Tổ dân phố M, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1980, (có mặt ngày 19/10/2020, vắng mặt ngày 27/10/2020).

Cư trú: Tổ dân phố Đ, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1985, (có mặt).

Cư trú: Thôn L, xã T, huyện M, thành phố Hà Nội.

- Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1991, (vắng mặt).

Cư trú: Tổ dân phố H, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1980, (vắng mặt). Cư trú: Thôn V, xã N, huyện L, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chị Nguyễn Thị H, sinh năm 1989, (vắng mặt).

Cư trú: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo ủy quyền của chị L, chị L1, chị H: Anh Nguyễn Thế M, sinh năm 1983, (vắng mặt).

Địa chỉ: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1963, (vắng mặt).

- Bà Đỗ Thị L2, sinh năm 1965, (vắng mặt).

Đều cư trú: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Người kháng cáo:

- Ông Nguyễn Thế H - Nguyên đơn - Anh Nguyễn Thế Đ - Bị đơn.

5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 25 tháng 9 năm 2018, những lời khai tiếp theo, nguyên đơn là ông Nguyễn Thế H trình bày: Bố ông là cụ Nguyễn Thế T chết năm 1982, mẹ ông là cụ Lưu Thị S chết năm 2004, khi bố, mẹ ông chết không để lại di chúc. Trong quá trình chung sống bố, mẹ ông nhận bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1944 làm con nuôi, khi nhận không làm giấy tờ gì, đến nay cũng không có giấy tờ gì về việc nhận con nuôi, bố mẹ ông sinh được 04 người con là: Nguyễn Thế P, sinh năm 1947, Nguyễn Thế San, sinh năm 1954, Nguyễn Thị C, sinh năm 1956 và ông. Ông P đã chết năm 2005, ông S chết năm 2011. Khi còn sống bố, mẹ ông đã tạo lập được tài sản là 01 thửa đất có diện tích 832m2, số thửa 428, tờ bản đồ số 36, địa chỉ: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCNQSDĐ), ngoài ra không có tài sản gì khác. Trước khi bố ông chết, bố ông có nói bằng miệng, không có giấy tờ gì, nội dung là cho ông Phùng 10 thước 8, cho ông 6 thước 5 và ao 8 thước, còn lại là của ông San. Trước khi mẹ ông chết, mẹ ông có nói bằng miệng, không có giấy tờ gì nội dung cho đất như bố ông đã nói, nhưng lại cho ông Phùng 8 thước ao của ông. Trước khi bố mẹ ông chết thì ông P sử dụng đất như bây giờ, ông San cũng sử dụng đất như bây giờ, bố mẹ ông cũng nói phần đất hiện nay có ngôi nhà cấp 4 của anh Đ là để chia cho ông, tuy nhiên phần đất này ông P và anh Đ vẫn đang sử dụng, ông chưa nhận đất. Sau khi mẹ ông nói miệng cho các con đất thì mẹ ông chưa làm thủ tục chia tách để cho các con đứng tên chủ sử dụng đất, đến nay vẫn là 01 thửa. Ông khẳng định là trước khi chết bố mẹ ông không để lại di chúc, chưa chia đất cho các con. Bố mẹ ông không ai để lại di chúc, không để lại nghĩa vụ gì cho các con. Bà Nguyễn Thị K không có giấy tờ gì về việc nhận con nuôi.

Nay ông yêu cầu chia thừa kế tài sản của bố mẹ ông là thửa đất nêu trên cho các anh, chị em ông theo pháp luật, ông xin được lấy đất để ở.

Về giấy chuyển quyền sử dụng đất phô tô ngày 15/9/2008 do anh Nguyễn Thế Đ nộp cho Tòa án là do ông viết để anh Đ làm bìa đỏ vay tiền Ngân hàng chứ ông không bán đất cho anh Đ.

Về giấy biên nhận bán đất giữa anh Nguyễn Thế Đ và ông Nguyễn Văn Đ1 mà anh Đ đã nộp cho Tòa án, ông có ký tên vào người làm chứng để anh Đ bán đất cho ông Đ1 phần đất mà hiện nay ông Đ1 đang ở vì ông nghĩ là ông chưa nhận đất, việc bán là do anh Đ, ông chỉ ký là người làm chứng.

Bị đơn là anh Nguyễn Thế Đ (là con trai ông Nguyễn Thế P) trình bày: Nguồn gốc thửa đất có diện tích 832m2, số thửa 428, tờ bản đồ số 36, địa chỉ: Tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện gia đình anh đang ở là của cụ Nguyễn Thế T và cụ Lưu Thị S (là ông, bà nội của anh). Anh xác nhận cụ Tvà cụ S có 01 con nuôi là bà Nguyễn Thị K và 04 con đẻ như ông H trình bày, anh là con ông Nguyễn Thế P và bà Nguyễn Thị M, anh đã lấy vợ là chị Phạm Thị Lan A, bố mẹ anh có 05 con đẻ là Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị H1, Nguyễn Thị H2, Nguyễn Thị H3 và anh. Ngày 20 tháng 8 năm 1998 cụ Lưu Thị S đã chia đất cho ba người con là Nguyễn Thế P 10 thước 8, ao 8 thước, Nguyễn Thế H 6 thước 5 còn lại là của ông Nguyễn Thế S.

Anh cũng xác định cụ T và cụ S chỉ để lại đất ở ngoài ra không có tài sản gì khác. Sau khi cụ S chia đất thì ông P, ông S đã nhận đất và sử dụng, còn phần đất của ông H thì ông H đã giao cho anh, năm 1997 vợ chồng anh làm nhà 03 gian như hiện nay, do ông H đồng ý cho anh làm nhà. Ngày 25 tháng 9 năm 2008 ông H viết giấy chuyển quyền sử dụng đất cho anh. Năm 2017 anh bán phần đất của ông H cho ông Nguyễn Văn Đ1. Ông H có biết việc anh bán đất cho ông Đ1 và ông H có ký giấy anh bán đất cho ông Đ1 ở phần người làm chứng. Sau khi cụ S chia đất thì mọi người đã sử dụng như khuôn viên đã được chia cho đến nay không ai tranh chấp gì. Cụ S và cụ T chết không ai phải thanh toán tiền nợ hay nghĩa vụ gì do các cụ để lại, không ai phải tu bổ, tôn tạo gì về đất, có phần đất ao hiện gia đình anh đang sử dụng thì gia đình anh phải lấp vì là đất của bố mẹ anh, anh không có yêu cầu gì về việc này.

Nay ông H yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật thì anh có quan điểm các cụ đã chia đất cho các con nên anh không đồng ý chia lại, phần đất của ông H đã chuyển nhượng cho anh, anh được quyền sử dụng. Hiện nay đất của cụ T và cụ S để lại vẫn chưa có GCNQSDĐ và vẫn chung một thửa, chưa tách riêng cho ai. Phần đất hiện nay gia đình anh đang ở là đất của cụ T và cụ S để lại, có bà Nguyễn Thị M và vợ chồng con cái anh ở trên đất này. Anh khẳng định toàn bộ tài sản trên đất không liên quan đến con cái anh, không đề nghị triệu tập các con anh tham gia tố tụng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bị đơn là bà Nguyễn Thị M là vợ ông Nguyễn Thế Ptrình bày: Nhất trí với toàn bộ ý kiến của anh Đ trình bày.

Ông Vũ Văn D là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị M vắng mặt có gửi bản luận cứ bảo vệ cho bà M, nội dung thống nhất với trình bày của bà M, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Bị đơn bà Dương Thị L là vợ ông Nguyễn Thế S vắng mặt tại phiên tòa, quá trình xây dựng hồ sơ bà trình bày: Bố chồng bà là Nguyễn Thế T đã chết năm 1982, mẹ chồng bà là cụ Lưu Thị S đã chết năm 2004, ông P chết năm 2005, ông Nguyễn Thế S chết năm 2011. Trước khi chết cụ T và cụ S chỉ nói bằng miệng chia đất cho ba người con trai, không để lại di chúc, không có diện tích đất của từng người. Bà có quan điểm đồng ý với đơn khởi kiện chia thừa kế của ông Nguyễn Thế H. Hiện nay trên phần đất bà đang sử dụng có bà, vợ chồng và các con anh M đang ở, các con anh Mơ còn nhỏ, không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gì.

Bị đơn là anh Nguyễn Thế M trình bày anh nhất trí với ý kiến của bà L.

Nhng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Bà Nguyễn Thị K vắng mặt tại phiên tòa quá trình xây dựng hồ sơ bà trình bày: Bà là con nuôi của cụ Nguyễn Thế T và cụ Lưu Thị S, bà không có giấy tờ gì về việc nhận con nuôi, nếu được chia thừa kế bà không lấy mà cho ông Phùng (ông P đã chết thì giao cho bà M) để bà M làm nơi thờ cúng, do bà tuổi cao đi lại khó khăn nên bà đã có đơn xin được vắng mặt tại các buổi làm việc cũng như tại phiên tòa.

Bà Nguyễn Thị C vắng mặt tại phiên tòa, quá trình xây dựng hồ sơ bà trình bày: Bà là con đẻ của cụ Nguyễn Thế T và cụ Lưu Thị S, bà nhất trí về trình bày của ông H, bà M, bà L, ông Đ về năm cụ T, cụ S, ông P, ông S chết, và tài sản của bố mẹ bà để lại, bố mẹ bà sinh được 04 anh, chị em và 01 con nuôi là bà Nguyễn Thị K, trước khi chết thì bố bà chưa chia tài sản cho các con, cũng không để lại di chúc, mẹ bà chết năm 2004 trước khi chết mẹ bà cho ông P, ông S, ông H đất để ở và các ông đã ở trên phần đất như hiện nay. Phần của ông H, ông H đã cho anh Đ mượn làm nhà để ở. Nay bà có quan điểm ông P, ông S, ông H đều phải có phần đất của bố, mẹ nếu anh Đ đã sử dụng phần đất của ông H thì phải trả đất cho ông H ở chỗ khác, nếu bà được chia thì bà không lấy. Ngày 15 tháng 10 năm 2019 bà có đơn xin rút lại lời khai của bà đã khai.

Chị Phạm Thị Lan A là vợ anh Đ đã được Tòa án giao giấy triệu tập cũng như thông báo về việc tham gia tố tụng để trình bày các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình, tuy nhiên chị Lan A vắng mặt không có lý do tại các buổi làm việc cũng như tại phiên tòa.

Các chị Nguyễn Thị K, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H, Nguyễn Thị H là các con của bà M và ông P đã được Tòa án giao các giấy triệu tập và thông báo về việc tham gia tố tụng và phiên tòa tuy nhiên các chị vắng mặt không có lý do tại các buổi làm việc cũng như tại phiên tòa.

Chị Nguyễn Thị L, Nguyễn Thị L, là các con của bà L và chị Nguyễn Thị H là con dâu bà L đều ủy quyền cho anh Nguyễn Thế M, tại bản tự khai các chị có quan điểm nhất trí với ý kiến của bà Dương Thị L.

Ông Nguyễn Văn Đ là người mua quyền sử dụng đất do anh Đ chuyển nhượng trình bày: Ngày 16/1/2018 ông có mua đất của anh Đ, khi mua bán giữa ông và anh Đ đã viết 02 giấy đều ghi ngày 16/1/2018, tuy nhiên giấy ghi diện tích 170m2, số tiền 870.000.000 đồng là giấy chính thức. Sau đó ông đã trả đủ cho anh Đ số tiền 870.000.000 đồng. Ông đã làm mái tôn, xây cổng, xây tường bao. Toàn bộ việc mua bán đất; các công trình trên đất việc sửa chữa tôn tạo nhà là do ông thực hiện không liên quan gì đến vợ con ông và ai khác, không đề nghị đưa vợ con ông tham gia tố tụng. Ông xin được tiếp tục sử dụng phần đất và tài sản đã mua, nếu không được lấy đất thì xin lấy lại tiền.

Bà Đỗ Thị Lự là vợ ông Đ1 đã được tòa án triệu tập, thông báo về việc tham gia tố tụng để trình bày quan điểm giải quyết vụ án nhưng đều vắng mặt không có lý do tại các buổi làm việc cũng như tại phiên tòa.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc đã xét xử, quyết định:

Căn cứ các Điều 357, 468, 609, 612, 623, 649, 650, 651, 653 Bộ luật dân sự 2015; Điều 203 Luật đất đai 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Xác nhận di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thế T và cụ Lưu Thị S để lại là 838,5m2 đt (trong đó có 150m2 đt ở và 688,5m2 đất vườn) tại thửa số 428, tờ bản đồ số 36, địa chỉ tổ dân phố Đồng L, thị trấn T, huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Thế Phùng được chia phần đất có diện tích 439,5m2 (Gồm 75m2 đt ở và 364,5m2 đất vườn) có mốc giới theo sơ đồ 1,2,16, 5,6,7,8,15,14,13,12,1 (Có sơ đồ kèm theo). Hiện nay ông P đã chết nên giao cho những người thừa kế của ông Phùng là anh Nguyễn Thế Đ, bà Nguyễn Thị M, chị Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Thị H, chị Nguyễn Thị H2, chị Nguyễn Thị H3 tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất ông P được hưởng. Tạm giao cho bà M, anh Đ, chị Phạm Thị Lan A được tiếp tục sử dụng toàn bộ các công trình trên phần đất này.

Ông Nguyễn Thế S được chia phần đất có diện tích 207,8m2 ( Trong đó có 37,5m2 đất ở và 170,3m2 đất vườn) có mốc giới theo sơ đồ 2,3,4,5,16,2 (Có sơ đồ kèm theo). Hiện nay ông S đã chết nên giao cho những người thừa kế của ông San là anh Nguyễn Thế M, bà Dương Thị L, chị Nguyễn Thị L, chị Nguyễn Thị L1 tiếp tục quản lý, sử dụng phần đất của ông San được hưởng. Tạm giao cho bà Lan, anh M, chị Nguyễn Thị H1 được tiếp tục sử dụng toàn bộ các công trình trên phần đất này.

Ông Nguyễn Thế H được chia phần đất có diện tích 191,2m2 có mốc giới theo sơ đồ là 8,9,10,11,12,13,14,15,8 (Có sơ đồ kèm theo). Ông H được sử dụng toàn bộ các công trình trên phần đất này và có trách nhiệm thanh toán cho anh Nguyễn Thế Đ số tiền 186.799.000 đồng (Một trăm tám mươi sáu triệu bảy trăm chín mươi chín nghìn đồng), thanh toán cho ông Định 35.431.653 đồng (Ba mươi lăm triệu bốn trăm ba mươi mốt nghìn sáu trăm năm ba đồng).

Bà Nguyễn Thị M, anh Nguyễn Thế Đ, chị Nguyễn Thị K, chị Nguyễn Thị H1, chị Nguyễn Thị H2, chị Nguyễn Thị H3 có trách nhiệm thanh toán cho bà Dương Thị L, anh Nguyễn Thế M, chị Nguyễn Thị L1, chị Nguyễn Thị L2 số tiền chênh lệch tài sản là 109.500 đồng, mỗi người thanh toán 18.250 đồng (Mười tám nghìn hai trăm năm mươi đồng), có trách nhiệm thanh toán cho ông H số tiền chênh lệch tài sản là 1.105.500 đồng, mỗi người thanh toán 184.250 đồng (Một trăm tám mươi tư nghìn hai trăm năm mươi đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi xuất 10%/năm.

Về việc chuyển nhượng đất giữa ông Đ1 với ông Đ sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu.

Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 20/02/2020 ông Nguyễn Thế H là nguyên đơn kháng cáo với nội dung: Việc định giá nhà và công trình phụ của anh Đ quá cao, số đo công trình phụ của anh Đ 119m2 là sai, định giá đất 60.000đ/m2 là quá thấp. Ông phải chạy thận nhân tạo, không có tiền thanh toán cho anh Đ nên đề nghị chia cho ông phần đất trống chưa có công trình.

Ngày 19/02/2020 anh Nguyễn Thế Đ là bị đơn kháng cáo với nội dung: Không đồng ý với bản án sơ thẩm vì số tài sản ông H được chia đã chuyển quyền sử dụng đất cho anh vào ngày 25/9/2008.

Ngày 17/02/2020 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định kháng nghị số 227/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị hủy bản án sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của nguyên đơn không rút đơn khởi kiện; nguyên đơn và bị đơn là anh Đ không rút kháng cáo; đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc không rút kháng nghị; các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có quan điểm: Số đo của công trình phụ do anh Đ xây trên phần đất đã chuyển nhượng cho ông Đ1 là không chính xác (lớn hơn nhiều so với thực tế). Định giá đất vườn 60.000đ/m2 là quá thấp. Di sản các cụ để lại vẫn có phần đất trống nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không chia cho ông H mà lại chia cho ông phần đất có các công trình của anh Đ và ông Đ1 xây trên đó và bắt ông H phải thanh toán tiền tài sản trên đất cho anh Đ và ông Đ1 là bất hợp lý. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa anh Đ có quan điểm: Ông H đã cho anh phần đất các cụ cho ông, nay không đồng ý chia đất cho ông H như bản án sơ thẩm. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu quan điểm:

- Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

- Về nội dung kháng nghị: Trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ về việc quyền sử dụng đất đang tranh chấp của cụ T và cụ S đã định đoạt trước khi chết hay chưa; tại cấp sơ thẩm bà C đã có lời khai nhưng sau đó rút lại lời khai, Tòa án cấp sơ thẩm chưa lấy lại lời khai của bà C nhưng đã quyết định theo lời khai ban đầu là chưa làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án. Người để lại di sản chết ở các thời điểm khác nhau (cụ T chết năm 1982, cụ S chết năm 2004) nhưng khi chia di sản thừa kế bản án sơ thẩm không tính đến thời điểm mở thừa kế. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Ông Nguyễn Thế H và anh Nguyễn Thế Đ kháng cáo,Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc kháng nghị trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét.

[2] Trong nội dung vụ án này có sự việc: Năm 2018 ông Nguyễn Văn Đ1có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh Đ. Khi chuyển nhượng anh Đ đã viết giấy chuyển nhượng ghi ngày 16/1/2018. Sau đó ông Đ1 đã trả cho anh Đ số tiền 870.000.000 đồng tiền đất. Ông Đ1 làm mái tôn, xây cổng, xây tường bao và đang sử dụng đất. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Đ1 đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm cho được tiếp tục sử dụng phần đất và tài sản đã nhận chuyển nhượng của anh Đ, nếu không được lấy đất thì xin lấy lại tiền. Hiện nay ông Đ1đang sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng của anh Đ, Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định “Về việc chuyển nhượng đất giữa ông Đ1 và ông Đ sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi có yêu cầu” nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định “Giấy chuyển nhượng này không có hiệu lực pháp luật vì toàn bộ phần đất trên vẫn chung một thửa, đều thuộc đất của cụ S và cụ T”, Tòa đã buộc ông Đ1 và anh Đ giao trả lại phần đất hai bên chuyển nhượng cho những người thừa kế để chia di sản và bản án đã chia di sản thừa kế cả phần đất anh Đ và ông Định chuyển nhượng cho nhau. Bản án sơ thẩm còn xử lý cả tài sản là công trình ông Đ1 xây trên đất. Phán quyết của bản án sơ thẩm đã ảnh hưởng nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đ1. Đáng ra Tòa án cấp sơ thẩm phải hướng dẫn ông Đ1 làm đơn để giải quyết luôn về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với anh Đ xem có hợp pháp hay không hợp pháp, trên cơ sở đó mới giải quyết được toàn diện vụ án thừa kế.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/10/2020, anh Đ trình bày hiện đang giữ bản gốc của hai văn bản, đó là: 01 “Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất” do ông Nguyễn Thế H viết và ký ngày 25/9/2008 đề nghị UBND xã T và 01 bản gốc đơn của cụ S đề ngày 20/8/1998 với nội dung cụ Lưu Thị S chuyển phần đất 6 sào 5 thước trước đây chia cho ông Nguyễn Thế H sang cho cháu Nguyễn Thế Đ. Hai văn bản này trước đây anh không nộp bản chính cho Tòa án cấp sơ thẩm mà chỉ nộp bản photocopy. Nay anh đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét tính hợp pháp của hai văn bản này. Để thu thập hai văn bản này, Hội đồng xét xử phải ngừng phiên tòa. Ngày 20/10/2020 anh Đ nộp hai văn bản nói trên nhưng chỉ có “Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất” ngày 25/9/2008 là bản gốc viết bằng mực màu xanh. Còn đơn của cụ S đề ngày 20/8/1998 chỉ là bản photocopy có chữ ký bằng mực màu xanh của ông Nguyễn Huy Thụy (Chủ tịch UBND xã T) và dấu đỏ của UBND xã T. Tại phiên tòa ngày 27/10/2020, anh Đ cho biết anh có văn bản ngày 20/8/1998 là do trước đây bố anh đưa cho mẹ anh và sau đó mẹ anh đưa cho anh quản lý. Anh không biết ai là người viết hộ cụ S văn bản này. Tại cấp sơ thẩm mặc dù Tòa án đã yêu cầu anh Đ xuất trình bản gốc ăn bản nói trên để Tòa án xem xét tính hợp pháp của các văn bản đó nhưng anh Đ không xuất trình dẫn đến Tòa án cấp sơ thẩm không thể tiến hành xác minh làm rõ nội dung của văn bản này. Do Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đối với hai văn bản đề ngày 20/8/1998 nên chưa thể đánh giá xem xét tính hợp pháp của các văn bản này.

Với những thiếu sót nêu trên của Tòa án cấp sơ thẩm và việc anh Đ nộp văn bản nói trên là vấn đề mới, Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét nên Tòa án cấp phúc thẩm không thể xem xét, giải quyết theo trình tự phúc thẩm được. Cần hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo trình tự sơ thẩm.

[3] Xét nội dung kháng cáo của ông H và ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của ông H: Việc định giá đất và tài sản thuộc thẩm quyền của Hội đồng định giá. Sau này Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án nếu ông thấy việc định giá chưa hợp lý và số đo công trình phụ của anh Đ xây trên phần đất đã chuyển nhượng cho ông Đ1 là không chính xác thì ông có quyền đề nghị định giá và xem xét, thẩm định lại và đồng thời phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là khách quan.

Đối với đề nghị ông H đang phải chạy thận nhân tạo, không có tiền thanh toán tiền tài sản trên đất nên ông xin được chia phần đất trống chưa có công trình. Đây cũng là một đề nghị chính đáng, khi giải quyết lại vụ án Tòa án cấp sơ thẩm nếu đủ điều kiện chia thừa kế theo pháp luật cũng nên xem xét, cân nhắc, nếu ông Hđược chia di sản thừa kế thì cũng nên xem xét nguyện vọng của ông H, để tránh việc các đương sự phải thanh toán cho nhau tiền công trình trên đất trong khi có lựa chọn khác hợp lý hơn.

[4] Về nội dung kháng cáo của anh Đ: Cũng sẽ được xem xét khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

[5] Về nội dung kháng nghị:

- Về nội dung kháng nghị trong hồ sơ vụ án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ về việc quyền sử dụng đất đang tranh chấp của cụ T và cụ S đã định đoạt trước khi chết hay chưa:

Hội đồng xét xử thấy: Theo Biên bản xác minh của Tòa án nhân dân huyện B ngày 09/4/2019 (Bút lục 128) thì UBND thị trấn T cho biết: “Theo bản đồ 299 đo vẽ năm 1988 thì nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Lưu Thị S và cụ Nguyễn Thế T có số thửa 244, diện tích 513m2, tờ số 29. Theo sổ kê khai ruộng đất năm 1985 thì chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Thế P và ông Nguyễn Thế S. Theo sổ kê khai ruộng đất năm 1992 thì thửa đất này có ghi chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị M.

Theo bản đồ VN 2000 năm 2008 thì thửa đất trên có số thửa 428, diện tích 832m2, tờ bản đồ số 36 chủ sử dụng đất là bà Nguyễn Thị M...

Theo bản đồ 299 và VN2000 thì thửa đất trên vẫn chung 01 thửa chưa tách riêng cho ai”.

Khi xem sổ kê khai (Bút lục 131) thấy ghi ông Nguyễn Thế S số thửa 142, diện tích 1 sào 06 thước; ông Nguyễn Thế P số thửa 154, diện tích 1 sào 11 thước. Theo sổ kê khai (Bút lục 130) có ghi hộ bà Nguyễn Thị M số thửa 244, diện tích 513m2 (trong đó đất thổ cư là 200m2, đất vườn 313m2). Theo kết quả đo đạc kiểm tra thực tế, xem xét thẩm định tại chỗ thì thửa đất này có diện tích 838,5m2, địa chỉ thôn Đ, thị trấn T. Nhìn vào kết quả xác minh, sổ kê khai, bản đồ có trong hồ sơ vụ án thấy rằng có sự rất khác biệt về diện tích đất như: Năm 1985 khi đứng tên ông San và ông Phùng thì diện tích đất là: 1 sào 06 thước + 1 sào 11 thước = 3 sào 1 thước, qui đổi ra được 1104m2; năm 1992 khi đứng tên bà M chỉ còn 513m2, đến năm 2008 vẫn đứng tên bà M thì diện tích đất lại là 832m2. Có sự khác biệt như vậy nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không làm rõ để xác định di sản cụ T, cụ Sđể lại tại sao có biến động lớn về diện tích như vậy qua các thời kỳ? Không làm rõ lý do vì sao khi thì đứng tên ông P, ông S, khi lại chỉ đứng tên bà M trong khi hộ gia đình ông Phùng và hộ gia đình ông San đều ở đó? Không làm rõ tại sao trên sổ kê khai có thời kỳ là hai thửa, có thời kỳ là một thửa? Những vấn đề nói trên không được làm rõ thì chưa thể xác định được chính xác di sản của cụ T, cụ S có biến động như thế nào để giải quyết vụ án cho chính xác, khách quan. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lan trình bày khi cụ T còn sống thì chưa chia đất cho các con. Sau này, khoảng năm 1998 cụ S gọi bà, bà M, anh Nguyễn Thế Đ và anh Nguyễn Thế Q là em ruột anh Đ (anh Q đã chết năm 2002) đến nói chia đất cho bà và bà M như hiện trạng hai nhà đang sử dụng như bây giờ. Anh Đ và anh Q đóng cọc chia đất theo lời cụ S để bà và bà M nhận đất. Đây cũng là tình tiết mới của vụ án Tòa án cấp sơ thẩm cần xác minh, làm rõ khi giải quyết lại vụ án.

Nội dung kháng nghị nêu trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc là có cơ sở cần chấp nhận.

- Về nội dung kháng nghị bà C có lời khai sau đó rút lời khai, Tòa án sơ thẩm chưa lấy lại lời khai nhưng đã quyết định theo lời khai ban đầu là chưa làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án và khi chia thừa kế không tính thời điểm mở thừa kế: Đây là sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm. Việc bà C đã có lời khai nhưng sau đó bà rút lại toàn bộ lời khai tức là chưa thể hiện quan điểm của bà đối với việc giải quyết vụ án nhưng Tòa án cấp sơ thẩm mặc nhiên dùng lời khai ban đầu của bà để giải quyết vụ án là chưa khách quan. Tuy nhiên trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã triệu tập bà C để hỏi quan điểm của bà. Bà C đã có lời khai từ chối nhận di sản. Thiếu sót nói trên Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm. Tuy nhiên thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm không đến mức hủy án như kháng nghị của Viện kiểm sát vì đã được khắc phục.

- Về nội dung kháng nghị trong vụ án này người để lại di sản chết ở các thời điểm khác nhau nhưng khi chia thừa kế bản án sơ thẩm không tính đến thời điểm mở thừa kế: Đây là kháng nghị đúng cần chấp nhận.

Với những phân tích nêu trên cần chấp nhận một phần nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

[6] Về án phí: Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết lại vụ án. Do bản án bị hủy nên ông H và anh Đ không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, xử:

1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 16 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện B, tỉnh Vĩnh Phúc và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về án phí: Ông Nguyễn Thế H và anh Nguyễn Thế Đ không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả ông Nguyễn Thế H 300.000đ theo biên lai thu số AA/2017/0006099 ngày 27 tháng 02 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B và anh Nguyễn Thế Đ 300.000đ theo biên lai thu số AA/2017/0006092 ngày 20 tháng 02 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện B.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

285
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2020/DS-PT ngày 27/10/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:40/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/10/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về