Bản án 40/2017/HNGĐ-PT ngày 27/12/2017 về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 40/2017/HNGĐ-PT NGÀY 27/12/2017 VỀ THAY ĐỔI MỨC CẤP DƯỠNG NUÔI CON

Ngày 18/12/2017, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 20/2015/TLPT-HNGĐ ngày 05-10-2015 về việc “Thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 38/2015/HNGĐ-ST ngày 04/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 210/2017/QĐPT-DS ngày04/12/2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thùy D.

Địa chỉ: Thôn 5, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Nơi công tác: Trường THCS V, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có đơn xin xét xử vắng mặt.

2. Bị đơn: Anh Lê Thanh L.

Địa chỉ: Số nhà 238/90 đường NTB, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk (có mặt).

3. Người kháng cáo: Anh Lê Thanh L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Tp. Buôn Ma Thuột thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Nguyên đơn chị Nguyễn Thùy D trình bày: Tháng 12/2012, vợ chồng chị Nguyễn Thùy D và anh Lê Thanh L ly hôn. Về con chung vợ chồng thỏa thuận giao hai con chung là cháu Lê Thanh H, sinh năm 2003 và cháu Lê Thanh Gia B, sinh năm 2009 cho chị D nuôi dưỡng. Anh L có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi cháu Lê Thanh H số tiền 1.050.000 đ/tháng cho đến khi cháu trưởng thành. Nay xét thấy mức cấp dưỡng trên là quá thấp không đủ để cho các cháu ăn học trong khi thu nhập của chị thấp. Chị D cho biết tổng thu nhập của anh L hiện tại là trên dưới 20.000.000 đ/tháng. Vì vậy, chị D làm đơn xin thay đổi mức cấp dưỡng với mức 3.000.00đ/tháng. Ngoài ra, chị D cũng đề nghị được thay đổi người được hưởng cấp dưỡng từ cháu Lê Thanh H sang cháu Lê Thanh Gia B vì cho rằng đến khi cháu H đủ 18 tuổi thì cháu B vẫn còn nhỏ.

- Bị đơn anh Lê Thanh L trình bày: Về quan hệ hôn nhân cũng như những vấn đề đã được giải quyết khi ly hôn là đúng. Khi ly hôn chị D yêu cầu được nuôi cả hai con chung và yêu cầu anh có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Lê Thanh H với mức 1.050.000đ/tháng thì anh đã đồng ý và chấp hành đúng cho đến nay. Nay chị D yêu cầu anh phải tăng mức cấp dưỡng lên 3.000.000đ/tháng thì anh không đồng ý vì thu nhập của anh chỉ khoảng 5.000.000đ/tháng. Hơn nữa anh cũng có gia đình riêng và cũng có con nhỏ cần chăm sóc. Vì vậy, anh không chấp nhận yêu cầu của chị D.

Tai bản án số 38/2015/HNGĐ-ST ngày 04-5-2015 cua Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định: Căn cứ khoản 1 Điều 27; điểm a khoản 1 Điều 33; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 128; Điều 131; Điều 279; khoản 2 Điều 199 Bộ luật tố tụng dân sự 2004; Áp dụng Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014; Áp dụng pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án; Tuyên xử: Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thùy D: Buộc anh Lê Thanh L phải cấp dưỡng nuôi cháu Lê Thanh H với mức 2.500.000đ/tháng cho đến khi cháu H đủ 18 tuổi.

Bác yêu cầu của chị D về việc thay đổi người được hưởng cấp dưỡng từ cháu Lê Thanh H sang cháu Lê Thanh Gia B.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 30/6/2015, bị đơn anh Lê Thanh L có đơn kháng cáo với nội dung không đồng ý với với mức cấp dưỡng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên và đề nghị hủy bản án sơ thẩm do hai con không phải là con của anh.

Tai phiên toa phúc thẩm, bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo và cho rằng hiện nay mức lương cơ bản là 1.300.000đồng/tháng nên anh đồng ý tăng mức cấp dưỡng từ 1.050.000đồng/tháng lên 1.300.000đồng/tháng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng:

Về tố tụng: Thẩm phán, HĐXX và các đương sự chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đơn kháng cáo của bị đơn là có cơ sở xem xét vì mức cấp dưỡng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên là cao so với thu nhập thực tế của anh L; anh L đã có gia đình và có con riêng cần chăm sóc; thu nhập của chị D cũng ổn định. Đối với yêu cầu hủy án sơ thẩm, tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình quy định: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng nên anh L phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu cho rằng hai cháu không phải là con chung thì có đơn yêu cầu giải quyết bằng một vụ án khác. Vì vậy, đề nghị HĐXX căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, HĐXX nhận định như sau:

[1]. Xét kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Theo Bản án Hôn nhân gia đình phúc thẩm số 32/2012/HNGĐ-PT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk thì chị Nguyễn Thùy D trực tiếp nuôi dưỡng 02 con là cháu Lê Thanh H sinh ngày 03/6/2003 và cháu Lê Thanh Gia B sinh ngày 28/9/2009. Anh L có nghĩa vụ trợ cấp nuôi dưỡng cháu Lê Thanh H mỗi tháng là 1.050.000đ. Đến ngày 03/12/2014, chị D làm đơn đề nghị tăng mức cấp dưỡng nuôi con.

Tại mục III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn: “Trong trường hợp các bên không thoả thuận được với nhau về việc đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con, thì việc quyết định mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con phải tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Toà án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Tuy nhiên, căn cứ vào mức sống của nhân dân ta trong hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay, Toà án nhân dân tối cao tạm thời hướng dẫn là mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con”.

Chị D đang là người trực tiếp nuôi 02 con, anh L chỉ cấp dưỡng nuôi 01 con với mức 1.050.000đ/ tháng, mức cấp dưỡng nuôi con như vậy là không đủ các chi phí tối thiểu cho việc ăn học của cháu, do vậy cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ. Tuy nhiên, thời điểm xét xử sơ thẩm, lương và các khoản phụ cấp của bị đơn là 6.751.000đ. Nguyên đơn đang là giáo viên, nên thu nhập hàng tháng cơ bản là ổn định. Mức lương tối thiểu tại thời điểm nguyên đơn có đơn yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng là 1.150.000đồng/tháng, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc bị đơn phải cấp dưỡng cho cháu Lê Thanh H với mức 2.500.000đồng/tháng là quá cao, chưa xem xét đến khả năng kinh tế và thu nhập của bị đơn cũng như khả năng kinh tế và thu nhập của nguyên đơn. Do đó, kháng cáo của bị đơn là có cơ sở, cần chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của bị đơn. Đối với ý kiến của bị đơn đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì bị đơn đã đề nghị cơ quan chức năng tiến hành giám định huyết thống giữa bị đơn và các cháu. Theo kết quả giám định của Công ty cổ phần công nghệ sinh học BIONET Việt Nam thì hai cháu H và B không phải là con đẻ của bị đơn. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”, do đó anh L phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Việc xác định anh L không phải là cha của các cháu phải được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án. Tòa án cấp phúc thẩm đã tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả vụ án “Tranh chấp về xác định con cho cha” do bị đơn đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án do anh L không thực hiện các thủ tục để Tòa án trưng cầu giám định theo đúng trình tự, thủ tục. Về việc này, anh L vẫn có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.

[2]. Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Theo khoản 10 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của Tòa án phải chịu án phí Dân sự sơ thẩm như đối với vụ án không có giá ngạch. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng không buộc bị đơn chịu án phí sơ thẩm là thiếu sót. Do vậy, cần sửa bản án sơ thẩm về phần án phí.

Án phí phúc thẩm: Do được chấp nhận kháng cáo nên bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì những lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng Mục III Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án;

[1]. Chấp nhận kháng cáo của bị đơn anh Lê Thanh L – Sửa bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 38/2015/HNGĐ-ST ngày 04/5/2015 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thùy D về việc yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con.

Buộc anh Lê Thanh L phải cấp dưỡng nuôi cháu Lê Thanh H sinh ngày 03/6/2003 với mức 2.000.000đ/tháng cho đến khi cháu H thành niên (đủ 18 tuổi).

Bác yêu cầu của chị D về việc thay đổi người được hưởng cấp dưỡng từ cháu Lê Thanh H sang cháu Lê Thanh Gia B.

[2]. Về án phí:

Anh Lê Thanh L phải chịu 200.000đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được khấu trừ vào số tiền 200.000đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp thep biên lai thu số AA/2013/32516 ngày 19/8/2015 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

774
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 40/2017/HNGĐ-PT ngày 27/12/2017 về thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con

Số hiệu:40/2017/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành:27/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về