Bản án 398/2020/DS-PT ngày 30/09/2020 về tranh chấp chia thừa kế

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 398/2020/DS-PT NGÀY 30/09/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ

Ngày 30/09/2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 302/2020/TLPT-DS ngày 18/6/2020 về: “Tranh chấp chia thừa kế”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2020/DS-ST ngày 26/02/2020 của Tòa án nhân dân quận B.Đ, thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 312/2020/QĐ-PT ngày 19/6/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

1.1. Bà T.T.O, sinh năm 1958. Trú tại: G1 tập thể Trung học K, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.

1.2. Bà T.T.Y, sinh năm 1956. Trú tại: P210-B12 tập thể N.K, phường N.K, quận B.Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.

1.3. Bà T.K.C, sinh năm 1962. Trú tại: số 22 đường 18, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.

1.4. Bà T.T.K.T, sinh năm 1945. Trú tại: Tổ 28I, khu 14 G.C, TP. V.T, tỉnh P.T.

1.5. Bà T.T.T, sinh năm 1947. Trú tại: 100C phố C.B, phường Q.T, quận B.Đ, thành phố Hà Nội. Có mặt.

Đại diện theo ủy quyền của bà C, bà T, bà T1: Ông T.M.Q, ông L.C.S, bà T.T.V.A- Công ty Luật T.N, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Địa chỉ: số 01 ngõ C.L, Hà Nội. Có mặt ông Q, ông S.

2. Bị đơn: Ông T.N.D, sinh năm 1960. Trú tại: số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội (trước đây là số 33, đường 18, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội). Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà T.T.Y, sinh năm 1953. Trú tại: số 206 ngách 158/21 N.S, quận L.B, thành phố Hà Nội. Có mặt.

3.2. Ông T.N.N, sinh năm 1968. Trú tại: xóm 9 thôn S, xã M.T, huyện M.L, tỉnh N.Đ. Vắng mặt.

3.3. Ông T.N.H, sinh năm 1971. Trú tại: xóm 9 thôn S, xã M.T, huyện M.L, tỉnh N.Đ. Vắng mặt.

3.4. Ông T.N.H1, sinh năm 1973. ĐKHKTT: xóm 9 thôn S, xã M.T, huyện M.L, tỉnh N.Đ. Trú tại: tổ 4B, thị trấn SP, huyện SP, tỉnh L.C. Vắng mặt.

3.5. Bà T.T.H, sinh năm 1981. ĐKHKTT: xóm 9 thôn S, xã M.T, huyện M.L, tỉnh N.Đ. Trú tại: tổ 4B, thị trấn SP, huyện SP, tỉnh L.C. Vắng mặt.

3.6. Ông V.K.T, sinh năm 1962. Trú tại: thôn Q.T, xã Quất Động, huyện T.T, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

3.7. Ông V.K.T, sinh năm 1964. Trú tại: thôn A.H.B1, xã N.K, huyện T.N, tỉnh Q.N. Vắng mặt.

3.8. Bà T.T.K.Đ, sinh năm 1971. Trú tại: Số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội (trước đây là số 33, đường 18, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội). Vắng mặt.

3.9. Bà T.T.T, sinh năm 1962. Trú tại: xóm 7, xã A.N, huyện B.L, tỉnh H.N. Vắng mặt.

3.10. Bà T.T.L, sinh năm 1965. Trú tại: xóm 9, xã M.T, huyện M.L, tỉnh N.Đ. Vắng mặt.

3.11. Văn phòng công chứng H.T. Đại diện theo pháp luật: Ông (Bà) Trưởng Văn phòng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Các Nguyên đơn Bà T.T.O; bà T.T.Y; bà T.K.C; bà T.T.K.T; bà T.T.T cùng trình bày: Các bà yêu cầu chia thừa kế theo quy định Pháp luật đối với di sản là căn nhà 32m2 trên diện tích 55,4m2 đất tại địa chỉ: số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, Hà Nội (trước là số 33, đường 18 phường P.X) theo GCNQSHNO và quyền sử dụng đất ở số 10101011022 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 03/11/2000 đứng tên cụ N.T.M (chồng là cụ T.N.N đã chết).

Ngày 24/6/2019, bà T.T.Y có đơn xin rút khởi kiện chia thừa kế; trường hợp Tòa án chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của các Nguyên đơn khác thì bà Y xin hưởng thừa kế bằng giá trị.

Bố mẹ của các bà là cụ T.N.N chết năm 1993 và cụ N.T.M chết năm 2007. Hai cụ chết không để lại di chúc. Hai cụ có 06 người con là: bà T.T.O, bà T.T. Y, bà T.T. Y, bà T.K.C, ông T.N.D, ông T.N.N (ông N là liệt sỹ năm 1975 chưa vợ con).

Cụ N có 02 con riêng là: bà T.T.N chết năm 1983 chồng là ông H đã chết có 03 con là: V.K.T, V.K.T, V.K.S (đã chết năm 1972 không vợ con). Và ông T.N.B (chết năm 2002). Vợ cả của ông B đã chết còn 03 con là: T.T.T; T.T.L; T.N.N. Vợ hai của ông B là bà D và có 03 con là: T.N.H, T.N.H1, T.T.H.

Cụ M có 02 con riêng: T.T.K.T và T.T.T (bà T1 được cụ N khai sinh đứng tên bố là cụ N từ năm 1957).

Cụ T.N.N và cụ N.T.M để lại nhà cấp 4 trên diện tích đất 55,4m2 tại 16 P.X; ngày 03/11/2000 UBND TP. Hà Nội cấp GCN nhà đất đứng tên cụ N.T.M (chồng là T.N.N đã chết). Nhà đất này đang do ông T.N.D quản lý sử dụng. Năm 2000 ông D, bà O và bà Y’ đã phá nhà cấp 4 để xây nhà 2 tầng 01 tum. Nay có tranh chấp thừa kế bà O và bà Y’ không yêu cầu số tiền chi phí xây dựng nhà.

Ngoài ra cụ N và cụ M còn khối tài sản thừa kế lại ở xóm 9, thôn S, xã M.T, huyện M.L, N.Đ nhưng các bà không yêu cầu chia.

Các bà xin hưởng thừa kế di sản của bố mẹ và chia chung 1 khối bằng hiện vật.

Bị đơn ông T.N.D khai: Ông nhất trí lời khai của các nguyên đơn về quan hệ huyết thống; về di sản thừa kế, về việc không yêu cầu chia di sản ở N.Đ. Đối với yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn: ông đề nghị chia thừa kế di sản của cụ N theo quy định Pháp luật; và chia thừa kế di sản của cụ M theo di chúc do cụ M lập ngày 14/01/2005.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông T.N.H1, bà T.T.H cùng trình bày: Bố mẹ các ông bà là T.N.B (con riêng cụ T.N.N) và Trần Thị Dần. Bố mẹ chết không để lại di chúc. Ông T.N.B có 06 con là: T.N.N; T.N.H; T.N.H1; T.T.H; T.T.T; T.T.L.

Ông H và bà H đề nghị kỷ phần thừa kế của các ông bà giao lại cho ông T.N.D hưởng.

2. Ông T.N.H, T.N.N (con ông T.N.B và bà Trần Thị Dần) cùng có lời khai nhất trí như lời khai của ông H và bà H về quan hệ huyết thống. Các ông không mong muốn về việc chia thừa kế; nếu mở thừa kế thì kỷ phần thừa kế của các ông xin hưởng bằng giá trị.

3. Bà T.T.T, T.T.L là con ông T.N.B và bà Trần Thị Thả: Bà Thả chết năm 1966. Nay có tranh chấp thừa kế di sản của cụ N; các bà là con ông B (con cụ N) được chia thừa kế thì xin nhận bằng giá trị.

Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/2020/DSST ngày 26/02/2020 của Tòa án nhân dân quận B.Đ, Hà Nội đã quyết định:

1. Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.T.O và bà T.T.Y, bà T.K.C đối với ông T.N.D.

2. Xác nhận diện và hàng thừa kế, thời điểm mở thừa kế như sau:

Cụ T.N.N chết năm 1993, cụ N.T.M chết năm 2007.

Thời điểm mở thừa kế của cụ T.N.N năm 1993. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ T.N.N có 9 người gồm: cụ N.T.M; bà T.T.N (bà N chết trước cụ N, các thừa kế thế vị gồm có: ông V.K.T và ông V.K.T); ông T.N.B (chết năm 2002, các thừa kế gồm: ông T.N.H, bà T.T.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, ông T.N.H1); bà T.T.T (bà T1 được cụ N đứng tên trong giấy khai sinh và nhận là con từ năm 1957); ông T.N.D, bà T.T.O, bà T.T.Y và ba T.T.Y, bà T.K.C.

Thời điểm mở thừa kế của Cụ N.T.M năm 2007. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ M gồm có gồm có 7 người gồm: bà T.T.T, bà T.T.K.T, ông T.N.D, bà T.T.O, bà T.T. Y và bà T.T.Y, bà T.K.C.

3. Xác định di sản thừa kế của cụ T.N.N và cụ N.T.M để lại là quyền sử dụng 55,4m2 đất tại địa chỉ: số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội (trước đây là số 33, đường 18, phường P.X, quận B.Đ, thành phố Hà Nội), theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10101011022 do UBND TP Hà Nội cấp ngày 03/11/2000 đứng tên ba N.T.M (Chồng là T.N.N đã chết), có giá trị là: 4.986.000.000 đồng.

4. Chia thừa kế theo pháp luật bằng giá trị cụ thể như sau:

Chia thừa kế của cụ T.N.N: cụ N.T.M; các thừa kế của bà T.T.N gồm: ông V.K.T và ông V.K.T; các thừa kế của ông T.N.B gồm: ông T.N.H, bà T.T.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, ông T.N.H1; bà T.TT; ông T.N.D; bà T.T.O; bà T.T. Y và bà T.T.Y; bà T.K.C, mỗi kỷ phần thừa kế có giá trị là: 277.000.000 đồng.

Chia thừa kế của cụ N.T.M: bà T.T.T, bà T.T.K.T, ông T.N.D, bà T.T.O, bà T.T.Y và bà T.T.Y, bà T.K.C, mỗi kỷ phần thừa kế có giá trị là: 395.714.286 đồng.

Tổng hợp mỗi thừa kế được hưởng bằng giá trị như sau:

4.1. Ông V.K.T và ông V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) được hưởng: 277.000.000 đồng. (Hai trăm bảy mươi bảy triệu đồng)

4.2. Ông T.N.H, bà T.T.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, ông T.N.H1; (nhận kỷ phần thừa kế của ông T.N.B) được hưởng: 277.000.000 đồng. (Ông T.N.H1 và bà T.T.H nhường phần thừa kế được hưởng cho ông T.N.D nên ông T.N.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N được hưởng 184.666.666 đồng). (Một trăm tám mươi tư triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng)

4.3. Bà T.T.T được hưởng: 672.714.286 đồng. (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng)

4.4. Bà T.K.C được hưởng: 672.714.286 đồng. (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng)

4.5. Ông T.N.D được hưởng: 672.714.286 đồng + phần của ông T.N.H1, bà T.T.H: 92.333.333 đồng = 765.047.619 đồng. (Bảy trăm sáu mươi lăm triệu, không trăm bốn bảy nghìn, sáu trăm mười chín đồng).

4.6. Bà T.T.O được hưởng: 672.714.286 đồng. (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng)

4.7. Bà T.T.Y được hưởng: 672.714.286 đồng. (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng)

4.8. Bà T.T.Y được hưởng: 672.714.286 đồng. (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng)

4.9. Bà T.T.K.T được hưởng: 395.714.286 đồng. (Ba trăm chín mươi lăm triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng).

5. Chia thừa kế bằng hiện vật:

5.1. Chia cho ông T.N.D quyền sử dụng 16,7m2 đất giới hạn bởi các điểm (5,E,F,8’,5) có giá trị = 1.503.000.000 đồng, trên có diện tích xây dựng gồm một phòng tầng 1 diện tích 23.5m2 giới hạn bởi các điểm (5,E,6,7,8,8’5); phòng ngủ tầng 2, phòng thờ tầng 3 có giá trị xây dựng = 296.265.689 đồng; tổng giá trị nhà và đất được chia là: 1.799.265.689 đồng. Đối với diện tích đất dư ra được giới hạn bởi các điểm (E,6,7,8,8’,F,E) ông T.N.D được tạm tiếp tục sử dụng và có nghĩa vụ chấp hành Quyết định của cơ quan quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.

Ông T.N.D có nghĩa vụ tự tạo lập cầu thang, nhà vệ sinh để sử dụng riêng biệt.

5.2. Chia cho bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y chung vào một khối quyền sử dụng 38,7m2 đất được giới hạn bởi các điểm (1,2,3,4,5,8’,9’,G,1) có giá trị = 3.483.000.000 đồng, trên có diện tích xây dựng gồm: các phòng tầng 1 giới hạn bởi các điểm (1,2,3,4,5,8’,8,9,10,G,1), cầu thang lên tầng 2, 3, phòng vệ sinh tầng 2, phòng giặt, có tổng diện tích 128,1m2 có giá trị xây dựng 428.348.023 đồng. Tổng giá trị nhà và đất được chia là: 3.911.348.023 đồng. Đối với diện tích đất dư ra được giới hạn bởi các điểm (8’,8,9,10, G,9’,8’) bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T. Y được tạm tiếp tục sử dụng và có nghĩa vụ chấp hành Quyết định của cơ quan quản lý đất đai theo quy định của pháp luật.

Việc phân chia có sơ đồ cụ thể kèm theo.

6. Thanh toán chênh lệnh:

6.1. Bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y cùng liên đới phải thanh toán cho bà T.T.Y số tiền: 672.714.286 đồng (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm tám sáu đồng) và thanh toán cho ông V.K.T và V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) số tiền: 152.062.308 đồng. (Một trăm năm mươi hai triệu, không trăm sáu hai nghìn, ba trăm linh tám đồng).

6.2. Ông T.N.D phải thanh toán cho ông V.K.T và V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) và số tiền: 124.937.692 đồng (Một trăm hai tư triệu, chín trăm ba bảy nghìn, sáu trăm chín hai đồng) và thanh toán cho ông T.N.H, T.T.T, T.T.L, T.N.N (nhận kỷ phần thừa kế của ông T.N.B) số tiền: 184.666.666 đồng.

Kể từ ngày người có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định của khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí, quyền yêu cầu thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi có bản án sơ thẩm, bị đơn ông T.N.D có đơn kháng cáo bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện.

Bị đơn giữ nguyên đơn kháng cáo và bổ sung thêm nội dung ông đã 60 tuổi là người cao tuổi nên xin được miễn toàn bộ án phí.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan giữ nguyên quan điểm đã trình bày.

Các đương sự không thỏa thuận được về cách giải quyết vụ án.

- Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến:

+ Về tố tụng: Người tham gia tố tụng và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

+ Về nội dung: Sau khi tóm tắt nội dung vụ án; phân tích các tài liệu chứng cứ vụ án. Đại diện VKSND thành phố Hà Nội đề nghị HĐXX sửa bản án dân sự sơ thẩm của TAND quận B.Đ, Hà Nội.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

I. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của ông T.N.D nộp trong hạn luật định và có nộp tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định Pháp luật nên được chấp nhận xem xét.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm, các đồng Nguyên đơn có đơn yêu cầu Tòa án xem xét và hủy “Văn bản thỏa thuận về việc phân chia di sản thừa kế” mà các nguyên đơn và bị đơn đã thỏa thuận. Văn bản này có Công chứng tại Văn phòng Công chứng H.T, số công chứng 44- Quyển số 01/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/8/2009. Tại Công văn số 29/CV-HT ngày 30/7/2020, Văn phòng Công chứng H.T đã nhất trí có quan điểm và tham gia tố tụng vụ án. Xét thấy việc đưa người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Văn phòng công chứng H.T để giải quyết triệt để vụ án nên Tòa án cấp phúc thẩm đã đưa bổ sung Văn phòng công chứng H.T tham gia tố tụng vụ án theo quy định pháp luật.

II. Xét kháng cáo của ông T.N.D như sau:

[1]. Các bên đương sự thống nhất về quan hệ huyết thống gia đình: cụ T.N.N chết năm 1993; vợ là cụ N.T.M chết năm 2007. Sinh thời hai cụ có 06 người con là: bà T.T.O, bà T.T.Y, bà T.T.Y, bà T.K.C, ông T.N.D, ông T.N.N (liệt sỹ năm 1975 chưa vợ con).

Cụ T.N.N có 02 con riêng là: bà T.T.N chết năm 1983 chồng là ông H đã chết có 03 con là: V.K.T, V.K.T, V.K.S (đã chết năm 1972 không vợ con). Và ông T.N.B (chết năm 2002). Vợ cả của ông B đã chết còn 03 con là: T.T.T; T.T.L; T.N.N. Vợ hai của ông B là bà D và có 03 con là: T.N.H, T.N.H1, T.T.H.

Cụ M có 02 con riêng: T.T.K.T và T.T.T (bà T1 được cụ N khai sinh đứng tên bố là cụ N từ năm 1957).

[2]. Về di sản: Các bên đương sự đều thống nhất và trên cơ sở kết quả xem xét thẩm định, cùng các tài liệu chứng cứ các bên xuất trình thì cụ N và cụ Mcó để lại tài sản là nhà đất tại địa chỉ số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, TP. Hà Nội (trước đây là số 33, đường 18, phường P.X...), theo GCNQSHNO và QSD đất ở số 10101011022 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 03/11/2000 đứng tên cụ N.T.M (chồng là T.N.N đã chết) là 55,4m2 đất có giá trị là 4.986.000.000đ. Còn 32m2 nhà ở (cấp 4 đã phá dỡ) không còn giá trị.

2.1. Xác định nhà 3 tầng xây trên diện tích đất 55,4m2 năm 2000 có giá trị 724.613.712đ, các bên đương sự thống nhất là tài sản của gia đình ông D.

2.2. Quá trình sử dụng nhà đất này như sau:

* Năm 2009, bà Y’, bà Y, bà O, ông D và bà C đã ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của cụ N và cụ M theo GCNQSHNO và QSD đất ở số 10101011022 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 03/11/2000 đứng tên cụ N.T.M (chồng là T.N.N đã chết). Văn bản thỏa thuận phân chia này có công chứng tại Văn phòng Công chứng H.T- số công chứng 44- Quyển 01/TP/CC.

Xét thấy: tài sản là nhà và đất mà các ông bà ký thỏa thuận phân chia là di sản thừa kế của cụ M và cụ N để lại, thời gian năm 2009 các ông bà ký thỏa thuận phân chia thì di sản này chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền chia di sản theo quy định pháp luật. Thời gian các ông bà ký văn bản thỏa thuận thì di sản của cụ N và cụ M chưa được Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền phân chia theo quy định pháp luật. Còn hàng thừa kế của các cụ là các con của 02 cụ, và các ông bà cùng tham gia ký văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vẫn còn thiếu theo sơ đồ huyết thống. Tại phiên tòa ông D đề nghị Tòa án công nhận sự tự nguyện của các bà: bà Y’, bà Y, bà O, và bà C vì các bà đã ký Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của cụ N và cụ M cho ông được hưởng phần di sản và phần của các bà cho là có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, các bà đã có lời khai xin hủy Văn bản thỏa thuận phân chia di sản do các bà đã ký kết này. Xét thấy văn bản thỏa thuận này có liên quan đến phân chia quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, áp dụng quy định tại Điều 46 của Luật Đất Đai năm 2003 thì việc tặng cho, chuyển quyền sử dụng đất... chỉ có hiệu lực khi đã được cơ quan cấp có thẩm quyền xác nhận đăng ký. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trên có công chứng nhưng chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền xác nhận đăng ký theo quy định pháp luật. Nội dung của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế lại không phù hợp pháp luật và làm ảnh hưởng đến quyền thừa kế hợp pháp của các đồng thừa kế khác cần tuyên hủy văn bản này và không chấp nhận yêu cầu của ông D. Tòa án sơ thẩm có phân tích nội dung văn bản này nhưng không tuyên hủy văn bản là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

* Ngày 11/8/2011 tại Biên bản họp gia đình gồm có các ông bà: Bà T.T.B, bà T.T.T, bà T.T.Y, bà T.T.Y, bà T.T.O, bà T.K.C, ông T.N.D có ban về di chúc cụ M lập năm 2005 và bàn về việc bán nhà đất của cụ M và cụ N. Nhưng các ông bà không thực hiện được theo nội dung đã bàn họp và các bà nguyên đơn đã khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của vợ chồng cụ N theo quy định pháp luật. Vì vậy, biên bản họp gia đình lập ngày 11/8/2011 đã bị thay đổi và không phát sinh hiệu lực.

[3]. Mở thừa kế chia di sản của cụ T.N.N: Các bên đương sự đều công nhận cụ N chết năm 1993 và không để lại di chúc. Vì vậy, khi có tranh chấp thừa kế di sản của cụ N thì chia theo quy định Pháp luật. Căn cứ Pháp luật để mở thừa kế là Pháp lệnh thừa kế năm 1990; Luật Đất đai năm 1993 và các văn bản hướng dẫn cùng thời điểm.

Tài sản chung của cụ N và cụ M có giá trị là 4.986.000.000đ. Tòa án sơ thẩm đã chia 2 Tài sản chung của 2 cụ, mỗi cụ hưởng 1/2 = 2.493.000.000đ là phù hợp. Cụ N chết, theo Điều 4 Pháp lệnh về Thừa kế thì di sản thừa kế là tài sản cụ N được chia trong khối tài sản chung 2.493.000.000đ. Cụ N không để lại di chúc, nên theo Điều 24 Pháp lệnh về thừa kế năm 1990 mở thừa kế của cụ N theo Pháp luật.

Thời điểm mở thừa kế chia di sản của cụ N là năm 1993.

Theo quy định tại Điều 5, Điều 25 Pháp lệnh về thừa kế năm 1990, hàng thừa kế thứ I là vợ và các con của cụ T.N.N (tổng là 9 thừa kế)- cụ thể:

+ Vợ là cụ N.T.M.

+ Các con của cụ N và cụ M là bà O, bà Y, bà Y’, bà C, ông D; còn ông N là liệt sỹ năm 1975 không vợ con nên không chia.

+ Các con riêng của cụ N là bà N và ông B. Bà N chết năm 1983 (chết trước cụ N), theo quy định tại Điều 26 Thừa kế thế vị Pháp lệnh về thừa kế thì con của bà Nđược hưởng thừa kế thế vị là V.K.T, V.K.T, V.K.S(đã chết năm 1972 không vợ con) nên không chia thừa kế cho Vũ Kim Sinh). Ông B chết năm 2002, kỷ phần thừa kế của ông do các con ông B hưởng là bà T.T.T, T.T.L và T.N.N (vợ ông B cũng đã chết).

+ Con riêng của cụ M là T.T.T được cụ N nhận là con năm 1957.

Theo quy định tại Điều 34 Pháp lệnh về thừa kế năm 1990 (Thanh toán các khoản chi từ di sản trước khi chia di sản) trong đó có chi phí cho việc bảo quản di sản, các chi phí khác.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông T.N.D có nêu ra yêu cầu v/v gia đình ông có công sức trong việc bảo quản, quản lý và duy trì di sản của cụ N. Về vấn đề này, HĐXX xét thấy: năm 1993 cụ N chết, lúc này cụ M đã 75 tuổi (cụ M sinh năm 1918), ông D 33 tuổi và đã lập gia đình và ở tại nhà đất của cụ N và cụ M nên có công sức quản lý duy trì. Tuy nhiên, thời gian gia đình ông D ở tại nhà đất có cho thuê nhà đất. Số tiền thu được từ thuê nhà đất, các thừa kế khác không yêu cầu mà để gia đình ông D hưởng cả và được trừ vào công sức cho gia đình ông D. Tại phiên tòa, ông D cũng có lời khai công nhận về việc gia đình ông cho người khác thuê nhà đất, lời khai của ông D phù hợp với kết quả xác minh của Tòa án sơ thẩm. Vì vậy, di sản thừa kế của cụ N chia cho 9 đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ I: mỗi thừa kế được chia 1/9 di sản = 277.000.000đ.

[4]. Mở thừa kế chia di sản của cụ N.T.M: cụ M chết năm 2007. Căn cứ Pháp luật để xem xét là BLDS năm 2005; Luật Đất đai năm 2003; và các văn bản Pháp luật cùng thời điểm.

Theo Điều 634 BLDS 2005 thì Di sản của cụ M được xác định là phần tài sản chia với cụ N là 2.493.000.000đ.

[4.1]. Xét bản di chúc của cụ M lập ngày 14/1/2005 ( BL 575) do ông T.N.D xuất trình bản và yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ M theo di chúc.

Xét thấy: thời gian cụ M lập di chúc thì cụ đã 87 tuổi, bản di chúc có nội dung “ ... Sau khi tôi mất, di sản này sẽ thừa kế lại cho con trai tôi là anh T.N.D (tức D) sinh năm 1960 hiện đang thường trú tại địa chỉ nói trên nhưng với điều kiện sau đây: Nếu trong trường hợp có biến cố khách quan xảy ra anh Doanh phải giao lại căn nhà này cho các đồng thừa kế khác của tôi hoặc nếu trong … … … … .”; Bản di chúc có chữ ký của người làm chứng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Lâm - là người làm chứng thứ nhất lại có ý kiến tại BL 543: ông có ký vào bản di chúc của cụ M, nhưng ông không chứng kiến về việc cụ M lập di chúc và cũng không chứng kiến cụ M ký di chúc. Còn ông N.Đ.H - là người làm chứng thứ hai thì có ý kiến tại BL 555: ông cũng không biết và không chứng kiến cụ M lập di chúc. Như vậy, xác định di chúc của cụ M không có người làm chứng. Thời điểm cụ M lập di chúc cụ đã 87 tuổi (là người cao tuổi), bản di chúc lại đánh máy sẵn, không có căn cứ để khẳng định cụ M ký di chúc còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép theo quy định tại khoản 1 Điều 652 của BLDS năm 2005. Các nguyên đơn yêu cầu hủy bản di chúc của cụ M.

Như phân tích trên, bản di chúc của cụ M đã lập không phù hợp với quy định pháp luật, nên hủy di chúc của cụ M là có căn cứ. Tòa án sơ thẩm đã lập luận di chúc của cụ M không đúng pháp luật nên mở thừa kế chia di sản của cụ M theo quy định pháp luật. Nhưng Tòa án sơ thẩm không tuyên hủy bản di chúc của cụ M lập năm 2005 là thiếu sót cần rút kinh nghiệm.

[4.2]. Mở thừa kế chia di sản của cụ M theo quy định pháp luật theo Điều 674, 675 BLDS 2005:

* Xác định di sản của cụ M: bao gồm tài sản được chia với cụ N là 2.493.000.000đ + kỷ phần thừa kế di sản của cụ N 277.000.000đ = 2.770.000.000đ.

* Xác định hàng thừa kế thứ I của cụ M (theo điểm a, khoản 1 Điều 676 BLDS 2005) gồm các con của cụ M và cụ N, và con riêng của cụ M là: bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, ông T.N.D, bà T.T.O, bà T.T.Y, bà T.T.Y.

Gia đình ông D có công sức chăm sóc cụ M, cùng các anh chị em lo ma cho cụ M và quản lý di sản của cụ M từ năm 2007. Tuy nhiên, quá trình quản lý di sản gia đình ông D đã cho thuê nhà đất và số tiền thu được từ việc cho thuê nhà các đồng thừa kế khác không yêu cầu mà để gia đình ông D hưởng cả để bù vào tiền công sức trên. Tại phiên tòa, ông D cũng có lời khai công nhận về việc gia đình ông cho người khác thuê nhà đất, lời khai của ông D phù hợp với kết quả xác minh của Tòa án sơ thẩm. Vì vậy di sản thừa kế của cụ M chia cho 07 thừa kế ở hàng thừa kế thứ I, mỗi thừa kế hưởng 1/7 = 395.714.286đ.

[5]. Kết quả sau 02 lần mở thừa kế, mỗi thừa kế được chia những kỷ phần thừa kế như sau:

5.1. Ông V.K.T và ông V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) được chia 277.000.000đ.

5.2. Ông T.N.H, bà T.T.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, ông T.N.H1 (nhận kỷ phần thừa kế của ông T.N.B) được chia 277.000.000đ [kỷ phần mỗi ông bà được chia là (277.000.000đ :6) = 41.666.666đ]. Ghi nhận sự tự nguyện của bà H, ông H để ông D hưởng kỷ phần thừa kế, nên ông D được hưởng 02 kỷ phần thừa kế là (46.166.666đ x 2)= 92.333.333đ.

5.3. Bà T.T.T được chia : [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

5.4. Bà T.K.C được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

5.5. Ông T.N.D được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M) + 92.333.333đ (kỷ phần thừa kế do bà H và ông Hcho] = 765.047.618đ.

Gia đình ông D được sở hữu tài sản riêng là nhà 03 tầng xây năm 2000 có giá trị 724.613.712đ.

Tổng cộng: (765.047.618đ + 724.613.712đ)= 1.489.661.330đ.

5.6. Bà T.T.O được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

5.7. Bà T.T.Y được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

5.8. Bà T.T.Y được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

5.9. Bà T.T.K.T được chia: 395.714.286đ (thừa kế của cụ M).

5.10. Các bà: bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y đề nghị kỷ phần thừa kế của các bà Ca chung một khối là (672.714.286đ + 395.714.286đ + 672.714.286đ + 672 714.286đ + 672.714.286đ) = 3.086.571.430đ nên ghi nhận.

[6]. Hướng chia thừa kế bằng hiện vật cho các bà T.T.O, T.T.Y, T.K.C, T.T.K.T, T.T.T và ông T.N.D. Có chênh lệch thì thanh toán bằng tiền.

[7]. Phần diện tích đất thừa so với GCNQSD đất là đất tập thể, và do vợ chồng cụ M và các con cụ lấn ra trong quá trình ở tại nhà đất, không là tài sản hợp pháp của gia đình ông D. Tòa án sơ thẩm đã chia thừa kế và giao bàng hiện vật cho một số đồng thừa kế; đồng thời tạm giao cho các bên sử dụng phần đất lấn ra liền kề với DT đất được giao và sử dụng theo quy định của Nhà nước quản lý đất đai là đúng.

[8]. Từ những phân tích trên, không có căn cứ để chấp nhận đơn kháng cáo của ông T.N.D. Nhưng do quá trình giải quyết vụ án, có 1 số nội dung mà Tòa án sơ thẩm đã nhận định nhưng chưa quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm đã bổ sung xem xét để giải quyết vụ án toàn diện và triệt để. Những lỗi sơ suất này, Tòa án sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Về án phí dân sự sơ thẩm: các thừa kế cùng phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với kỷ phần thừa kế được chia theo quy định pháp luật. Bà O, bà Y’, bà T, bà T1, ông D, bà Y đều là người cao tuổi (được tính từ 60 tuổi trở lên) nên được miễn toàn bộ án phí theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”. Các bà: Bà O, bà Y’, bà Y , bà T, bà T1, và bà C đã nộp tạm ứng án phí sơ thẩm 46.000.000đ (theo kỷ phần mỗi bà 7.666.666đ) do bà T.T.O đại diện nộp tại Biên lai thu số 8722 ngày 20/9/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận B.Đ, nay hoàn trả cho các bà O, bà Y’, bà Y, bà T, bà T1 tiền tạm ứng án phí đã nộp là: (5 x 7.666.666đ) = 38.333.000đ. Còn phần tạm ứng án phí của bà C là 7.667.000đ để lại để đối trừ vào tiền án phí bà C phải chịu.

Nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm, đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên giữ nguyên.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 BLTTDS: Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 08/2020/DS-ST ngày 26/2/2020 của Tòa án nhân dân quận B.Đ, TP. Hà Nội.

Căn cứ Điều 5; Điều 24; Điều 25; Điều 26 và Điều 34 Pháp lệnh thừa kế năm 1990.

Căn cứ Khoản 1 Điều 652; Điều 674 và Điều 675 của Bộ luật dân sự  2005.

Căn cứ Điều 623 của BLDS năm 2015.

Căn cứ Luật đất đai năm 1993 và năm 2003.

Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án”.

Tuyên xử:

[1]. Chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện chia di sản thừa kế của bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.T.O, và bà T.T.Y, bà T.K.C đối với ông T.N.D.

Tuyên hủy “Bản di chúc” do cụ N.T.M lập ngày 14 tháng 01 năm 2005.

Tuyên hủy “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” lập ngày 29/8/2009 của các ông bà: bà T.T.Y, bà T.T.Y, bà T.T.O, ông T.N.D và bà T.K.C có số công chứng 44; quyển số 01 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 29/8/2009 của Văn phòng Công chứng H.T.

[2]. Xác định tài sản chung của cụ T.N.N và cụ N.T.M là quyền sử dụng đất 55,4m2 đất có giá trị là 4.986.000.000đ tại địa chỉ số 16 P.X, phường P.X, quận B.Đ, TP. Hà Nội (trước đây là số 33, đường 18, phường P.X...), theo GCNQSHNO và QSD đất ở số 10101011022 do UBND TP. Hà Nội cấp ngày 03/11/2000 đứng tên cụ N.T.M (chồng là T.N.N đã chết). Xác định 32m2 nhà ở (cấp 4 đã phá dỡ) không còn giá trị.

Xác định nhà 3 tầng xây năm 2000 có giá trị 724.613.712đ là tài sản riêng của gia đình ông D.

[3]. Mở thừa kế và chia di sản thừa kế của cụ T.N.N theo quy định pháp luật:

[3.1] . Chia tài sản chung của cụ T.N.N và cụ N.T.M, mỗi cụ hưởng 1/2 giá trị 4.986.000.000đ là 2.493.000.000đ nay là di sản thừa kế.

[3.2]. Thời điểm mở thừa kế chia di sản của cụ N là năm cụ N chết 1993.

[3.3]. Xác định hàng thừa kế thứ I của cụ N:

+ Vợ là cụ N.T.M.

+ Các con của cụ N và cụ M là bà O, bà Y, bà Y’, bà C, ông D; còn ông N là liệt sỹ năm 1975 không vợ con nên không chia.

+ Các con riêng của cụ N là bà N và ông B. Bà N chết năm 1983 (chết trước cụ N), theo quy định tại Điều 26 Thừa kế thế vị Pháp lệnh về thừa kế thì con của bà N được hưởng thừa kế thế vị là V.K.T, V.K.T, V.K.S(đã chết năm 1972 không vợ con) nên không chia thừa kế cho Vũ Kim Sinh). Ông B chết năm 2002, kỷ phần thừa kế của ông do các con ông B hưởng là bà T.T.T, T.T.L và T.N.N (vợ ông B cũng đã chết).

+ Con riêng của cụ M là T.T.T được cụ N nhận là con năm 1957.

3.4. Chia thừa kế di sản của cụ N cho hàng thừa kế thứ I, mỗi thừa kế được chia 1/9 di sản = 277.000.000đ.

[4]. Mở thừa kế và chia di sản thừa kế của cụ N.T.M theo quy định pháp luật:

[4.1]. Di sản của cụ M gồm có: bao gồm tài sản được chia với cụ N là 2.493.000.000đ + kỷ phần thừa kế di sản của cụ N 277.000.000đ = 2.770.000.000đ.

[4.2]. Thời điểm mở thừa kế chia di sản của cụ M là năm cụ M chết 2007.

[4.3]. Xác định hàng thừa kế thứ I của cụ M: gồm các con của cụ M và cụ N, và con riêng của cụ M là: bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, ông T.N.D, bà T.T.O, bà T.T.Y, bà T.T.Y.

[4.4]. Chia thừa kế di sản của cụ M theo quy định pháp luật cho hàng thừa kế thứ I, mỗi thừa kế được chia 1/7 = 395.714.286đ.

[5]. Kết quả sau 02 lần mở thừa kế, mỗi thừa kế được chia những kỷ phần thừa kế như sau:

[5.1]. Ông V.K.T và ông V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) được chia 277.000.000đ.

[5.2]. Ông T.N.H, bà T.T.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, ông T.N.H1 (nhận kỷ phần thừa kế của ông T.N.B) được chia 277.000.000đ [ kỷ phần mỗi ông bà được chia là (277.000.000đ :6)=46.166.666đ].

Ghi nhận sự tự nguyện của bà H, ông H để ông D hưởng kỷ phần thừa kế. Nên ông D được hưởng 02 kỷ phần thừa kế là (46.166.666đ x 2) = 92.333.332đ.

[5.3]. Bà T.T.T được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

[5.4]. Bà T.K.C được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

[5.5]. Ông T.N.D được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M) + 92.333.332đ (kỷ phần thừa kế do bà H và ông H cho] = 765.047.618đ.

Gia đình ông D được sở hữu tài sản riêng là nhà 03 tầng xây năm 2000 có giá trị 724.613.712đ.

Tổng cộng: (765.047.618đ + 724.613.712đ)= 1.489.661.330đ.

[5.6]. Bà T.T.O được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

[5.7]. Bà T.T.Y được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

[5.8]. Bà T.T.Y được chia: [277.000.000đ (thừa kế của cụ N) + 395.714.286đ (thừa kế của cụ M)] = 672.714.286đ.

[5.9]. Bà T.T.K.T được chia: 395.714.286đ (thừa kế của cụ M).

[5.10]. Ghi nhận sự tự nguyện của các bà: bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y kỷ phần thừa kế của các bà Ca chung một khối là (672.714.286đ + 395.714.286đ + 672.714.286đ + 672.714.286đ + 672.714.286đ) = 3.086.571.430đ.

[6]. Chia kỷ phần thừa kế bằng hiện vật như sau:

[6.1]. Chia cho các bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y cùng sử dụng quyền sử dụng 38,7m2 đất trị giá 3.483.000.000đ (được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,5,8’,9’,C,1) + và sở hữu công trình trên diện tích đất được chia gồm các phòng tầng 1 (được giới hạn bởi các điểm 1,2,3,4,5,8’,8,9,10,G,1) + cầu thang lên tầng 2,3 + phòng vệ sinh tầng 2 + phòng giặt có tổng diện tích sử dụng 128,1m2 có giá trị xây dựng là 428.348.023đ. Tổng cộng = 3.911.348.023đ. So với kỷ phần thừa kế các bà được chia 3.086.571.430đ, còn thừa là : (3.911.348.023đ - 3.086.571.430đ) = 824.776.593đ.

Tạm giao cho các bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y quản lý sử dụng diện tích đất dư ra được giới hạn bởi các điểm 8’,8,9,10,G,9’,8’ và chấp hành Quyết định của cơ quan quản lý đất đai theo quy định pháp luật.

[6.2]. Chia cho ông T.N.D quyền sử dụng 16,7m2 đất (giới hạn bởi các điểm 5,E,F,8’,5 trên sơ đồ kèm bản án) có giá trị 1.503.000.000đ. Và sở hữu công trình trên diện tích đất được chia là: phòng tầng 1 có diện tích sử dụng 23,5m2 (được giới hạn bởi các điểm 5,E,6,7,8,8’,5 trên sơ đồ kèm bản án) + Phòng ngủ tầng 2 + phòng thờ tầng 3 có giá trị xây dựng là 296.265.689đ. Tổng cộng giá trị quyền sử dụng đất được chia và công trình trên diện tích đất được chia là 1.799.265.689đ. So với kỷ phần thừa kế được chia là 1.490.661.330đ, còn thừa là (1.799.265.689đ - 1.489.661.330đ.) = 309.604.359đ. Ông D tự tạo lập cầu thang, nhà vệ sinh để sử dụng riêng biệt.

Tạm giao cho ông T.N.D quản lý sử dụng diện tích đất dư ra được giới hạn bởi các điểm E,6,7,8,8’,F,E trên sơ đồ kèm bản án và chấp hành Quyết định của cơ quan quản lý đất đai theo quy định pháp luật.

[7]. Thanh toán chênh lệch:

[7.1]. Các bà: bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.K.C, bà T.T.O và bà T.T.Y có trách nhiệm liên đới thanh toán cho bà T.T.Y số tiền 672.714.286đ (Sáu trăm bảy mươi hai triệu, bảy trăm mười bốn nghìn, hai trăm sáu mươi tám đồng); thanh toán cho ông V.K.T và ông V.K.T (thừa kế thế vị của bà T.T.N) số tiền 152.062.307đ (Một trăm lăm mươi hai triệu, sáu mươi hai nghìn, ba trăm linh bảy đồng).

[7.2]. Ông T.N.D có trách nhiệm thanh toán cho ông V.K.T và ông V.K.T ( thừa kế thế vị của bà T.T.N) số tiền 124.937.693đ; và thanh toán cho các ông bà: Ông T.N.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N, (nhận kỷ phần thừa kế của ông T.N.B) số tiền 184.666.666đ (Một trăm tám mươi bốn triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng).

Kể từ ngày người có đơn yêu cầu thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành.

[8]. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Ông V.K.T và ông V.K.T cùng liên đới chịu án phí là 13.850.000đ (Mười ba triệu, tám trăm năm mươi nghìn đồng).

Ông T.N.H, bà T.T.T, bà T.T.L, ông T.N.N cùng liên đới chịu án phí là 9.233.333đ (Chín triệu, hai trăm ba mươi ba nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng).

Bà T.K.C phải chịu án phí là 30.908.571đ (Ba mươi triệu, chín trăm linh tám nghìn, năm trăm bảy mươi mốt đồng) và được đối trừ số tiền tạm ứng án phí là 7.667.000đ do bà T.T.O đại diện nộp tại Biên lai thu số 8722 ngày 20/9/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận B.Đ, TP. Hà Nội. Số tiền còn thiếu sau khi đối trừ là: 23.241.500đ bà C phải nộp tiếp.

Hoàn trả các bà T.T.T, bà T.T.K.T, bà T.T.O, bà T.T.Y, bà T.T.Y (do bà T.T.O đại diện nhận) số tiền tạm ứng án phí (5 x 7.666.666đ)= 38.333.000đ do bà T.T.O đại diện nộp tại Biên lai thu số 8722 ngày 20/9/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận B.Đ, TP. Hà Nội.

[9]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Hoàn trả ông T.N.D số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000đ tại Biên lai thu số 24313 ngày 10/3/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự quận B.Đ, TP. Hà Nội.

[10]. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người dược thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, điều 7, và điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

373
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 398/2020/DS-PT ngày 30/09/2020 về tranh chấp chia thừa kế

Số hiệu:398/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về