Bản án 393/2017/HSPT ngày 25/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 393/2017/HSPT NGÀY 25/12/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 25/12/2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 398/2017/HSPT ngày 07/11/2017 đối với bị cáo Châu Ngọc P, về tội “Cố ý gây thương tích”, do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 205/2017/HSST ngày 27/09/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.

- Bị cáo có kháng cáo:

Họ và tên: CHÂU NGỌC P (Tên gọi khác: X) - Sinh năm 1995, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Thôn N, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Nông; Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: Sinh viên; Con ông Châu Ngọc H, sinh năm 1969; Con bà Bùi Thị Tường V, sinh năm 1973, hiện đều trú tại Thôn N, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Nông; Tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo hiện đang tại ngoại – Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Đặng T – Luật sư, Công ty Luật TNHH MTV G, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk (Có mặt).

- Người bị hại: Anh Hoàng Ngọc K – Sinh năm 1996 (Có mặt) Nơi cư trú: Thôn D, xã S, huyện M, tỉnh Đắk Nông.

Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại: Ông Nguyễn Chí Đ, Luật sư Văn phòng Luật sư V, thuộc đoàn Luật sư Tp. Hà Nội (có mặt).

Địa chỉ: Đường T, phường K, thành phố C, tỉnh Lai Châu.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Huỳnh Anh D - Sinh năm 1996 (Có mặt)

Nơi cư trú: Đường L, phường E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

2. Anh Nguyễn Thành L (T) - Sinh năm 1995 (Có mặt)

Nơi cư trú: Đường Y, phường E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3. Anh Phạm Trọng Đ - Sinh năm 1995 (Vắng mặt)

Nơi cư trú: Đường Y, phường E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

4. Anh Ngô Trường T - Sinh năm 1995 (Vắng mặt)

Nơi cư trú: Đường Y, phường E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

5. Anh Cao Đình H - Sinh năm 1996 (Có mặt)

Nơi cư trú: Thôn A, thị trấn E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk.

6. Anh Phạm Vũ H - Sinh năm 1995 (Vắng mặt) Nơi cư trú: Thôn N, xã D, huyện K, tỉnh Đắk Nông.

- Người làm chứng:

1. Anh Mạc Văn H - Sinh năm 1996 (Có mặt)

Nơi cư trú: Đường H, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

2. Anh Biện Văn H - Sinh năm 1992 (Có mặt)

Nơi cư trú: Thôn B, xã H, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3. Anh Nguyễn Quốc C - Sinh năm 1996 (Có mặt)

Nơi cư trú: Đường P, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Châu Ngọc P, chị Nguyễn Thị Thùy L và anh Hoàng Ngọc K đều là sinh viên Trường Đại học T, địa chỉ tại phường E, thành phố B. Sau khi chia tay với Châu Ngọc P, chị Nguyễn Thị Thùy L có quan hệ tình cảm với anh Hoàng Ngọc K nên giữa anh Hoàng Ngọc K và Châu Ngọc P phát sinh mâu thuẫn.

Vào tối ngày 22/3/2017, anh Hoàng Ngọc K cùng các anh Nguyễn Thành L, Ngô Trường T và Phạm Trọng Đ đến phòng trọ của Châu Ngọc P, ở đường Y, phường E, thành phố B để nói chuyện, do sợ bị nhóm của anh K đánh nên P đã không ra gặp và đóng cửa ở trong phòng. Trước khi ra về, anh K có nói với P “Mày không ra đây nói chuyện với tao thì mày đừng đi học nữa”. Đến khoảng 06 giờ 45 phút ngày 23/3/2017, sợ bị nhóm anh K chặn đánh, nên trước khi đi học P cầm theo 01 con dao loại dao Thái Lan, dài 22 cm, cán dao bằng nhựa màu vàng, dài khoảng 10 cm, lưỡi dao bằng kim loại sắc nhọn dài khoảng 12cm, bỏ vào trong túi quần. Đến khoảng 08 giờ 30 phút cùng ngày, các anh K, L, T và Đ đến Giảng đường 8, Trường Đại học T để tìm P nói chuyện. Khi đến phòng học số 8.4.30 thuộc tầng 4 Giảng đường 8, Trường Đại học T, thì anh T đi vào gọi P ra để nói chuyện với anh K. Sau đó, P và anh K đi ra khu vực cầu thang giữa tầng 3 và 4 để nói chuyện, còn các anh T, L và Đ thì đứng trước cửa lớp nói chuyện với các bạn trong lớp của P. Trong lúc nói chuyện, giữa P và anh K xảy ra cãi nhau, anh K dùng tay đấm 01 phát vào mặt của P, rồi cả hai xông vào dùng tay chân đánh nhau. Lúc này, anh L đi đến thấy anh K và P đang đánh nhau thì cũng xông vào cùng với anh K đánh P, do bị đánh nên P đã lấy con dao Thai Lan để trong túi quần ra, cầm trên tay phải, hướng mũi dao về phía trước và lưỡi dao hướng xuống dưới rồi đâm liên tiếp khoảng 04 nhát trúng vào vùng lưng của anh K, trong đó có 02 nhát trúng vào cặp xách anh K đeo sau lưng và 02 nhát xuyên qua áo gây thương tích cho anh K. Do nghe thấy tiếng ồn ào đánh nhau, nên các anh Huỳnh Anh D và Cao Đình H, là bạn học cùng lớp với P; các anh T; Đ cùng một số bạn sinh viên khác chạy đến khu vực cầu thang. Khi đến nơi, D có cầm theo 01 cây gậy sắt, loại gậy sắt 03 khúc, dài khoảng 60cm, xông vào đánh 01 phát trúng vào tay của L, Đ chạy vào can ngăn ôm D lại, thì cũng bị D cầm gậy sắt đánh 01 phát trúng vào vùng lưng. Sau đó, hai bên giằng co và xô xát qua lại thì được mọi người can ngăn. L bỏ chạy lên tầng 4, còn K, T và Đ chạy hướng xuống tầng 3. Sau đó, anh K phát hiện phía sau lưng bị thương tích, chảy máu nhiều nên nói với các anh L, T và Đ đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện D tỉnh Đắk Lắk, đến ngày 03/4/2017 thì ra viện. Quá trình P dùng dao Thái Lan đâm K thì con dao này bị gãy mất phần lưỡi dao, còn cán dao P đã vứt lại ở khu vực cầu thang nơi xảy ra vụ việc và bỏ chạy về phòng trọ. Ngày 04/4/2017, anh Hoàng Ngọc K có đơn đề nghị giám định thương tích và yêu cầu khởi tố vụ án.

Tại bản Kết luận pháp y thương tích số 486, ngày 11/4/2017, của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: anh Hoàng Ngọc K, bị vết thương phần mềm ở vai, lưng. Tỷ lệ thương tích 06%. Vật tác động: Sắc, nhọn.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 205/2017/HSST ngày 27/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột đã quyết định: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; Xử phạt bị cáo Châu Ngọc P (X) 06 (Sáu) tháng tù, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/9/2017, bị cáo Châu Ngọc P có đơn kháng cáo với nội dung: Xin được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Ngày 09/10/2017, người bị hại Hoàng Ngọc K kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm vì cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm và xử phạt bị cáo mức hình phạt quá nhẹ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Châu Ngọc P đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án hình sự sơ thẩm đã được tóm tắt nêu trên.Quá trình tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã

phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Châu Ngọc P và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội "Cố ý gây thương tích” theo điểm khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Kháng cáo của người bị hại cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm là không có căn cứ. Xét mức hình phạt 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Tuy nhiên, bị cáo hiện đang là sinh viên, là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự nên không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cần cho bị cáo được hưởng án treo. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 248; điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của người bị hại, chấp nhận kháng cáo của bị cáo, xử phạt bị cáo Châu Ngọc P 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Người bào chữa cho bị cáo cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Châu Ngọc P về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, bị cáo là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng, hiện đang là sinh viên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là người bị hại gây sự và đánh bị cáo trước, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, đã bồi thường số tiền 5.000.000 đồng khắc phục hậu quả nên đề nghị Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì, chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cho rằng thương tích của người bị hại không phải do bị cáo Châu Ngọc P gây ra. Bởi lẽ, các lời khai của bị cáo Châu Ngọc P mâu thuẫn với nhau; bị cáo P đứng đối diện với người bị hại nên không thể đâm về phía sau lưng của người bị hại; bị cáo khai đâm 4 nhát nhưng thực tế chỉ có 3 nhát, 2 nhát trúng người và 1 nhát trúng cặp; tất cả lời khai của những người liên quan và làm chứng đều không thấy bị cáo đâm bị hại; Tại các bút lục 107, 110, Ngô Trường T khai nhận thấy Cao Đình H là người cầm dao lao vào. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và làm oan người không phạm tội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

[1] Lời khai của bị cáo Châu Ngọc P tại phiên toà phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Vào khoảng 08 giờ 30 phút ngày 23/3/2017, tại giảng đường 8 Trường Đại học T, do có mâu thuẫn trong chuyện tình cảm, anh Hoàng Ngọc K tìm Châu Ngọc P để nói chuyện, quá trình nói chuyện, K dùng tay đánh vào người P, sau đó, hai bên đánh nhau, P đã dùng dao Thái Lan đâm trúng vào lưng của K, hậu quả làm anh K bị thương tích 06%. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Châu Ngọc P về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ pháp lý, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[2] Xét kháng cáo của người bị hại về việc cấp sơ thẩm bỏ lọt người phạm tội, Hội đồng xét xử xét thấy:

Bị cáo P không có sự bàn bạc, thống nhất, rủ rê những người khác tham gia đánh anh K. Khi thấy bị cáo P và anh K đánh nhau ở cầu thang, Nguyễn Thành L đã lao vào cùng với anh K đánh bị cáo P. Sau đó, Huỳnh Anh D xông vào đánh nhau với L, Cao Đình H và những người khác vào can ngăn. Như vậy, khi thấy bị cáo P bị K và L đánh thì Huỳnh Anh D, Cao Đình H và một số người khác trong lớp bị cáo P mới lao vào đánh và can ngăn phía bị hại, không cho đánh bị cáo. Ngoài ra, thương tích của người bị hại chỉ do bị cáo P dùng dao gây ra.

Việc người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cho rằng bị cáo P đứng đối diện với người bị hại nên không thể đâm về phía sau lưng của người bị hại là không có cơ sở. Bởi lẽ, quá trình đánh nhau diễn ra nhanh chóng, lộn xộn, bị cáo và người bị hại đánh nhau, giằng co, những người khác vào đánh nhau, can ngăn nên không có căn cứ để cho rằng bị cáo P luôn đứng đối diện với người bị hại.

Trong quá trình điều tra, một số lời khai của Ngô Trường T thể hiện việc T thấy Cao Đình H cầm dao đâm anh K, cụ thể: “…thấy K đang bị P đánh, bạn L kéo hai bạn ra thì bị bạn D và bạn H cầm dao và cây sắt đánh hai bạn…. Bạn H thấy vậy cũng cầm dao đâm K hai phát vào lưng…” (Bút lục 107), “…bạn K thoát ra được trong đám hỗn loạn chạy xuống cầu thang và tôi chạy theo thì K bảo “Tao bị đâm T ơi” tôi nhìn sau lưng bạn K bị rách áo và bị chảy máu thì tôi nhìn lên cầu thang thì thấy bạn H đang cầm con dao Thái Lan có cán chuôi dài, con dao dài khoảng 20cm đứng trên bậc thang…” (Bút lục 110). Tuy nhiên, các lời khai trên của anh T lại mâu thuẫn với các lời khai khác cụ thể, T khai: “…còn K chạy xuống tầng, tôi chạy theo thì K nói tao bị đâm rồi mày ơi, rồi tôi nhìn thấy H nhảy lên đạp vào Đ và Đ té xuống tầng thì có 01 tiếng “Keng” vung lên tôi nhìn lên ngay sát mép cầu thang có một lưỡi dao đầu có dính máu và thấy tay của H đè lên một phần lưỡi dao. H đứng dậy, phủi bụi quần áo rồi nhìn con dao rồi bỏ đi…”(bút lục 109) và các bút lục 112-113 (anh T đều khai nhận không thấy ai cầm dao đâm anh K, sau khi K bị đâm, T chạy xuống cầu thang theo K thì T thấy lưỡi dao rơi xuống đất), mâu thuẫn với lời khai của người bị hại Hoàng Ngọc K (tại bút lục 72 - sau khi bị đâm và chạy xuống cầu thang khoảng 4 bậc thì K thấy lưỡi dao bị gãy rơi xuống đất) và mâu thuẫn với vật chứng thu giữ của vụ án. Như vậy, không có cơ sở xác định anh Cao Đình H cầm dao đâm anh K.

Do đó, không có căn cứ để xác định D, H và những người khác là đồng phạm của bị cáo P nên kháng cáo của người bị hại là không có cơ sở để chấp nhận.

[3] Xét mức hình phạt 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Châu Ngọc P là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của bị cáo là do người bị hại nhiều lần đến tìm, gây sự và đánh bị cáo trước; thương tích của người bị hại chỉ 06%; bị cáo hiện đang là sinh viên; là người có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng; phạm tội nhưng có nhiều tình tiết giảm nhẹ như: Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường số tiền 5.000.000 đồng cho người bị hại thể hiện sự ăn năn hối cải, hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn. Do vậy, Hội đồng xét xử thấy không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà cho bị cáo được tự cải tạo ngoài xã hội dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và gia đình cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và răn đe phòng ngừa chung trong xã hội.

[4] Về án phí: Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo Châu Ngọc P không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm. Người bị hại Hoàng Ngọc K không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a, b khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

[1] Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Châu Ngọc P; Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại Hoàng Ngọc K - Sửa bản án sơ thẩm về biện pháp chấp hành hình phạt.

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 104; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999;

Xử phạt: Bị cáo CHÂU NGỌC P (X) 06 (Sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách là 01 (Một) năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân xã D, huyện K, tỉnh Đắk Nông giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú được áp dụng theo khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

[2] Về án phí: Bị cáo Châu Ngọc P và người bị hại Hoàng Ngọc K không phải chịu án phí Hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

248
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 393/2017/HSPT ngày 25/12/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:393/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về