TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 39/2019/HS-PT NGÀY 24/06/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong ngày 24-6-2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 27/2019/TLPT-HS ngày 18-4-2019 đối với bị cáo Nguyễn Văn T do có kháng cáo của bị cáo T đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2019/HS-ST ngày 14-3-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng.
- Bị cáo có kháng cáo: Nguyễn Văn T; Sinh năm: 1982: Nơi sinh: Sóc Trăng; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ văn hoá: 8/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Nguyễn Văn N và bà Trần Thị T; Vợ, con: Chưa có; Tiền án: Không; Có 02 tiền sự: 1. Vào ngày 29-7-2018, Nguyễn Văn T bị Ủy ban nhân dân xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 2.500.000 đồng về hành vi “Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan tổ chức”; 2. Vào ngày 08-8-2018, Nguyễn Văn T bị Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 3.500.000 đồng về hành vi “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác” (Bị cáo chưa chấp hành nộp phạt); Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 11-8-2018 đến ngày 20-8-2018 chuyển tạm giam cho đến nay; (có mặt).
- Bị hại không kháng cáo, có liên quan đến kháng cáo: Bà Lý Thị V; Sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt, có đơn xin Tòa án xét xử vắng mặt)
- Người làm chứng có liên quan đến kháng cáo:
1. Bà NLC1; Sinh năm: 1976; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt)
2. Bà NLC2; Sinh năm: 1956; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (vắng mặt)
3. Bà NLC3; Sinh năm: 1965; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng (có mặt)
4. Bà NLC4; Sinh năm: 1964; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
5. Bà NLC5; Sinh năm: 1968; Nơi cư trú: Ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
6. Ông NLC6; Sinh năm: 1952; Nơi cư trú: Ấp K, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
7. Bà NLC7; Sinh năm: 1969; Nơi cư trú: Ấp X, xã M, huyện MT, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
8. Ông NLC8; Sinh năm: 1976; Nơi cư trú: Ấp G, xã M, huyện MT, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Niệm phật đường TL thuộc khu vực ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng được thành lập vào năm 1978, do bà Lê Thị Đ (pháp danh Thích Nữ TT) xây dựng trên phần đất của gia đình (bà Đ là bà nội của bị cáo Nguyễn Văn T). Năm 2013, bà Trần Thị T (là mẹ ruột của bị cáo T) cùng những người trong gia đình tự nguyện hiến đất và tài sản gắn liền trên đất (Niệm phật đường) với diện tích 1.560 m2 cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng để làm nơi thờ tự. Đến ngày 06-02-2015, Niệm phật đường TL được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng công nhận là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến ngày 16-7-2015, bà Lý Thị V (Pháp danh Thích Nữ MH) được Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Sóc Trăng bổ nhiệm làm trụ trì Niệm phật đường TL. Sau khi làm trụ trì, bà V thay đổi vị trí di ảnh của bà Lê Thị Đ để thờ cúng trong Niệm phật đường nên bị cáo T không đồng ý, từ đó giữa bị cáo T và bà V xảy ra mâu thuẫn với nhau. Trong tháng 7-2018, bà V mở lớp tu hành cho phật tử tại Niệm phật đường TL và có dùng thùng loa (thùng bass) mở kinh lớn tiếng nên bị cáo T cho rằng đã ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của gia đình mình, từ đó bị cáo T đã nhiều lần đến Niệm phật đường TL phản đối, gây rối và phá hoại tài sản của Niệm phật đường, nên đã bị Ủy ban nhân dân xã A và Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. nhưng T vẫn không nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình mà còn nảy sinh ý định gây thương tích cho bà V.
Vào lúc khoảng 11 giờ ngày 10-8-2018, bị cáo Nguyễn Văn T đi đến cây xăng thuộc khu vực ấp G, xã M, huyện MT, tỉnh Sóc Trăng mua 10.000 đồng xăng (khoảng 0,5 lít) mang về pha với nhớt rồi đổ vào ca nhựa để sẵn trong nhà.
Đến vào lúc khoảng 18 giờ 20 phút cùng ngày, bị cáo T thấy bà V đi từ trong Niệm phật đường TL đến phía trước khu vực thờ tượng Phật bà Quan Âm (cạnh bờ kênh) để thắp nhang, thì bị cáo T vào nhà lấy ca xăng và 01 quẹt gas đi đến đứng gần nơi bà V đang thắp nhang. Sau khi thắp nhang xong, bà V đi vào Niệm phật đường, thì liền lúc này bị cáo T bật quẹt gas châm lửa đốt vào ca xăng rồi tạt xăng vào người bà V làm bốc cháy, gây bỏng ở vùng đầu, mặt, cổ, vai trái và hai tay của bà V. Bà V nhảy xuống con kênh gần đó để dập lửa và được một số phật tử đưa đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ để cấp cứu và điều trị. Sau đó, bà V đã làm đơn yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án hình sự và xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi của bị cáo Nguyễn Văn T theo quy định của pháp luật.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 173/TCT-PY ngày 07-9-2018 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, kết luận đối với thương tích của bị hại Lý Thị V kết luận:
1. Dấu hiệu chính qua giám định:
- Sẹo vùng đầu, mặt, cổ trên 3% diện tích da cơ thể gây rối loạn sắc tố ảnh hưởng thẩm mỹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 21%.
- Sẹo vùng tay trái 4% diện tích da cơ thể gây rối loạn sắc tố ảnh hưởng thâm mỹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 08%.
- Sẹo vùng tay phải 3% diện tích da cơ thể gây rối loạn sắc tố ảnh hưởng thẩm mỹ. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 06%.
- Sẹo vùng vai trái 1% diện tích da cơ thể. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 01%.
2. Căn cứ Thông tư số: 20/2014/TT-BYT, ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế: Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 32%.
3. Kết luận khác:
- Tổn thương bỏng độ II, III do bỏng lửa gây nên.
- Tổn thương vùng đầu, mặt, cổ và hai tay gây ảnh hưởng thẩm mỹ.
- Tổn thương không gây ảnh hưởng chức năng.
- Diện tích bỏng II, III dưới 15% diện tích da cơ thể không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2019/HS-ST ngày 14-3-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng quyết định:
- Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 07 (Bảy) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 11-8-2018.
- Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và quyền kháng cáo của bị cáo và bị hại.
Đến ngày 15-3-2019, bị cáo Nguyễn Văn T kháng cáo kêu oan.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Nguyễn Văn T giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về sự vắng mặt của người tham gia tố tụng tại phiên tòa: Bị hại Lý Thị V vắng mặt nhưng có đơn yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt; người làm chứng NLC1, NLC2, NLC5, NLC6, NLC7, NLC8 vắng mặt khi đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai. Xét sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào các điều 351, 354, 293 và 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[2] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo và phạm vi xét xử phúc thẩm: Xét Đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T được Nhà tạm giữ Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng xác nhận vào ngày 15-3-2019 là đúng quy định về người kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức, nội dung kháng cáo theo quy định của các điều 331, 332 và 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T về việc kêu oan. [3] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn T: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T cho rằng không có thực hiện hành vi gây thương tích cho bị hại V. Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo T không có khiếu nại về quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Cơ quan điều tra, điều tra viên, Viện kiểm sát, kiểm sát viên. Như vậy, hoạt động tố tụng của Cơ quan điều tra, điều tra viên, Viện kiểm sát, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đều hợp pháp và có giá trị chứng minh sự thật khách quan của vụ án.
[4] Theo lời khai của người làm chứng NLC1 tại Biên bản ghi lời khai ngày 18-9-2018 (Bút lục số 154-157), lời khai của người làm chứng NLC2 tại Biên bản ghi lời khai ngày 18-9-2018 (Bút lục số 158-161) và lời khai của người làm chứng NLC8 tại Biên bản ghi lời khai ngày 18-9-2018 (Bút lục số 170-173) đều thể hiện bà NLC1, bà NLC2 và ông NLC8 là những người không có mâu thuẫn với bị cáo T và vào lúc khoảng 18 giờ 20 phút ngày 10-8-2018 tại Niệm phật đường TL, họ đã trực tiếp chứng kiến sự việc bị cáo Nguyễn Văn T thực hiện hành vi dùng bật lửa đốt xăng được đựng trong ca nhựa rồi tạt vào người của bị hại Lý Thị V làm bị hại bị bốc cháy và bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ, vai và tay của bị hại V. Lời khai của những người làm chứng trên là phù hợp với lời khai nhận của bị cáo T trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm và hoàn toàn phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản thực hiện điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án mà cơ quan điều tra đã thu thập được.
[5] Như vậy, đã có đủ căn cứ để xác định: Vào lúc khoảng 18 giờ 20 phút ngày 10-8-2018, tại Niệm phật đường TL thuộc ấp H, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng, bị cáo Nguyễn Văn T đã dùng bật lửa đốt xăng (là hóa chất nguy hiểm) được đựng trong ca nhựa rồi tạt vào người của bị hại Lý Thị V làm bị hại bị bốc cháy và bỏng nặng vùng đầu, mặt, cổ, vai và tay của bị hại V. Theo kết luận giám định, tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại V do thương tích gây nên hiện tại là 32%. Xét chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo T đã dùng bật lửa đốt cháy xăng được đựng trong ca nhựa rồi tạt vào người bị hại V gây thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 32% là thuộc trường hợp “Dùng hóa chất nguy hiểm” và “Có tính chất côn đồ” theo quy định tại các điểm b và điểm i khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Do đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm kết luận bị cáo Nguyễn Văn T phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo T.
[6] Xét khi lượng hình, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo T không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bị cáo T là người có nhân thân xấu, có hai tiền sự về hành vi “Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”. Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) do bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải trong quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm và tác động gia đình nộp số tiền 5.000.000 đồng để bồi thường cho bị hại V. Việc Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo T như trên là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định bị cáo T có tình tiết giảm nhẹ ở khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là không chính xác, nhưng không có kháng cáo hoặc kháng nghị về tình tiết này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm nêu lên để cấp sơ thẩm rút kinh nghiệm. Mặc dù vậy, Hội đồng xét xử sơ thẩm xử phạt bị cáo T 07 năm tù là phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo T, cũng như đặc điểm về nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo T được áp dụng. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo T.
[7] Về án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, do kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo Nguyễn Văn T phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng.
[8] Các phần khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Văn T. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 05/2019/HS-ST ngày 14-3-2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng.
2. Căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 134; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T 07 (Bảy) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 11-8-2018.
3. Về án phí hình sự phúc thẩm:
- Căn cứ vào khoản 2 Điều 135, khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điểm b khoản 2 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
- Xử buộc bị cáo Nguyễn Văn T chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng).
4. Các phần khác của bản án hình sự sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 39/2019/HS-PT ngày 24/06/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 39/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về