TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
BẢN ÁN 39/2018/HS-PT NGÀY 18/09/2018 VỀ TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 18 tháng 9 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 110/2018/TLPT – HS ngày 05 tháng 7 năm 2018 đối với các bị cáo Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S do có kháng cáo của H và S đối với bản án hình sự sơ thẩm số 92/2018/HS-ST ngày 28 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
* Các bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Sỹ H, sinh năm 1995; hộ khẩu thường trú: thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Sỹ H1, sinh năm 1971 và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1976; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017; hiện tại ngoại; có mặt.
2. Nguyễn Nam S, sinh năm 1997; hộ khẩu thường trú: thôn D, xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh; nghề nghiệp: Công nhân; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Đương Y, sinh năm 1969 và bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1974; vợ, con: Chưa có; tiền án, tiền sự: Không; tạm giữ, tạm giam từ ngày 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017; hiện tại ngoại; có mặt.
* Bị hại không kháng cáo được triệu tập đến phiên tòa: Công ty Cổ phần Th; Địa chỉ trụ sở tại: Khu thủ công nghiệp 63/42 L, phường T, quận H, thành phố Hà Nội.
Nhà máy sản xuất tại: Khu Công nghiệp Đ, xã H, huyện T, tỉnh Bắc Ninh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Văn T, sinh năm 1950 – Chức vụ: Giám đốc ủy quyền cho ông Lưu Công Tr - Trưởng ban giám sát công trình thay mặt; có mặt.
Trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Đương T1; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không có kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lợi dụng sơ hở của Công ty cổ phần Th, trong khoảng thời gian từ đêm 17, rạng sáng ngày 18/7/2017 đến đêm ngày 8, rạng sáng ngày 09/3/2017, T1, S là công nhân Công ty và H đã thực hiện 03 vụ trộm cắp tài sản là nguyên liệu hạt nhựa dùng để sản xuất phao cứu sinh của Công ty tổng cộng là 34 bao có trọng lượng là 850 kg, trị giá 29.078.500 đồng, cụ thể như sau:
* Vụ thứ nhất: Khoảng 17h ngày 17/02/2017, trong lúc Nguyễn Đương T1 đang ở nhà thì nhận được điện thoại của anh Vi Văn H là trưởng ca nhờ T1 đi làm thay ca cho mình, thời gian từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. T1 đồng ý.
Theo giờ làm việc, đúng 22h ngày 17/02/2017, T1 có mặt tại kho hàng số 7
- Công ty Cổ phần Th để nghiền, trộn nhựa sản xuất phao cứu sinh. Trong ca làm việc của T1 còn có Nguyễn Nam S và một số người khác. T1 làm việc đến khoảng 22h30’ cùng ngày, quan sát thấy xung quanh vắng vẻ, không có người quản lý trông coi. Thấy điều kiện thuận lợi, T1 liền nảy sinh ý định trộm cắp hạt nhựa của công ty mang ra ngoài bán lấy tiền chi tiêu.
T1 lấy 01 thanh sắt xoắn loại phi 20; dài 1,15m có sẵn ở trong kho cầm đi ra vị trí cửa phụ số 02 bẩy cánh cửa để mở nhưng không được. Sau đóT1 nhờ S cùng T1 ra đẩy cửa để vào trộm cắp hạt nhựa, S đồng ý. Sau khi cả hai đẩy được cửa tạo ra một khe hở một người có thể đi lại được thì cả hai lại quay lại vị trí tiếp tục làm việc.
Một lúc sau, T1 gọi điện thoại cho Nguyễn Sỹ H, rủ H cùng cùng tham gia trộm cắp hạt nhựa. H đồng ý. Khoảng 00h30’ cùng ngày 18/02/2017, H điều khiển xe máy nhãn hiệu Piagio Liberty màu trắng, BKS 99B1 đến khu vực tường rào gần kho số 07 của Công ty cổ phần Th và gọi điện báo cho T1 biết. Biết H đến, T1 đi ra cửa phụ số 02 đẩy cửa rộng khoảng 40cm rồi lần lượt bê từng bao hạt nhựa nguyên liệu nhãn hiệu EL-LENE HDPE (mỗi bao nặng khoảng 25kg) ra khu vực tường rào, rồi chuyển ra bên ngoài cho H đón. Sau khi chuyển cho H được 02 bao thì T1 quay lại vị trí tiếp tục làm việc còn H chở 02 bao hạt nhựa đến cửa hàng thu mua phế liệu bán cho chị Vũ Thị M, sinh năm 1985, hiện ở tại thôn P, xã P, thị xã T, tỉnh Bắc Ninh được 800.000đ. Bán xong, H quay lại, T1 tiếp tục chuyển thêm 02 lần, mỗi lần 03 bao hạt nhựa cho H chở đến bán cho chị M được 2.400.000đ. Khi hết ca làm việc, trên đường đi về nhà T1 gặp H, H chia cho T1 1.600.000đ. Số tiền này, T1 và H đã sử dụng chi tiêu cá nhân hết.
Tại Kết luận định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Tiên Du kết luận: 08 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL-LENE HDPE, tổng khối lượng 200kg, trị giá 6.842.000 đồng.
* Vụ thứ hai: Khoảng 16h ngày 27/02/2017, T1 nhận được điện thoại của anh H nhờ đi làm thay ca 3 cho mình, T1 đồng ý. T1 gọi điện rủ H tiếp tục trộm cắp hạt nhựa của Công ty cổ phần Th. H đồng ý. Quá trình thực hiện trộm cắp như lần trước T1 nhờ S đẩy giúp cánh cửa phụ số 02. Đến khoảng 23h30’, T điện thoại gọi H lên Công ty, T1 sử dụng xe đẩy hàng chở 02 chuyến mỗi chuyến 08 bao hạt nhựa, tổng số 16 bao mang ra cửa phụ số 02 rồi sau đó bê từng bao hạt nhựa chuyển qua hàng rào cho H đứng ngoài đón. T1 chuyển cho H 04 lần, mỗi lần 04 bao để H chở đi tiêu thụ. H tiếp tục mang bán cho chị M được tổng số tiền 6.400.000đ, H chia cho T1 3.200.000 đồng.
Tại Kết luận định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Tiên Du kết luận: 16 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL-LENE HDPE, tổng khối lượng 400kg, trị giá 13.684.000đ.
* Vụ thứ ba: Cũng với phương thức, thủ đoạn như hai lần trước. Ngày 08/3/2017, T1 đi làm ca 03 thay cho anh H. Trước khi đi làm, T1 gọi điện cho H, cả hai bàn bạc trộm cắp của Công ty 10 bao hạt nhựa. Khoảng 01h ngày 09/3/2017, T1 lại nhờ S mở cửa phụ số 02. Đến khoảng 02h cùng ngày, T1 bê 10 bao hạt nhựa đặt lên xe đẩy của Công ty chuyển ra cửa phụ số 02. Sau đó T1 bê 04 bao chuyển ra cho H đem bán. Khi H đang chở các bao hạt nhựa đi tiêu thụ thì bị tổ công tác Công an huyện Tiên Du phát hiện, đuổi theo. H bỏ chạy và gọi điện thoại báo cho T1 biết. T1 liền chuyển 06 bao hạt nhựa đến vị trí gần chỗ T1 làm việc và ra cửa phụ số 02 đẩy cánh cửa vào như cũ. H đem bán 04 bao hạt nhựa cho chị M được 1.600.000 đồng.
Tại Bản kết luận định giá tài sản ngày 20/3/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Tiên Du kết luận: 10 bao hạt nhựa, nhãn hiệu EL- LENE HDPE, tổng khối lượng 250kg, trị giá 8.552.000đ.
Quá trình điều tra và giai đoạn truy tố, đại diện gia đình của ba bị cáo đã tự nguyện nộp tổng số tiền 20.526.000đ để bồi thường, khắc phục hậu quả. Cụ thể, chị Nguyễn Thị M, sinh năm 1990 (là vợ của bị cáo T1) và chị Nguyễn Thị Th, sinh năm 1976 (là mẹ của bị cáo H) mỗi chị nộp 9.500.000đ; anh Nguyễn Đương Y, sinh năm 1969 (là bố của bị cáo S) nộp 1.526.000đ. Tuy nhiên phía Công ty Th tự nguyện không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường.
Về phía chị Vũ Thị M, quá trình điều tra chị M chỉ thừa nhận mua 04 bao hạt nhựa của H vào ngày 09/3/2017 với giá là 1.600.000đ, H không nói là hàng trộm cắp và chị cũng không biết đó là hàng trộm cắp.
Với nội dung nêu trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 100/2017/HSST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử và tuyên bố các bị cáo Nguyễn Đương T1, Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự, xử phạt: Nguyễn Đương T1 16 (mười sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án những được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam từ 10/3/2017 đến 08/5/2017.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt:
- Bị cáo Nguyễn Sỹ H 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Bị cáo Nguyễn Nam S 08 (tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S cho UBND xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên trách nhiệm dân sự, tuyên xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/8/2017, bị cáo Nguyễn Đương T1 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 14/9/2017, Nguyên đơn dân sự là Công ty cổ phẩn Th kháng cáo với các nội dung: Đề nghị xác định Công ty cổ phần Th là người bị hại chứ không phải là Nguyên đơn dân sự như cấp sơ thẩm xác định; yêu cầu tăng mức hình phạt đối với các bị cáo; yêu cầu các bị cáo phải bồi thường 590.006.186đ tương ứng với 17.246,6kg nhựa đã mất chứ không phải 20.526.000đ tương ứng với
850kg nhựa như án sơ thẩm đã tuyên và đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự đối với chị Vũ Thị M.
Trong các ngày 15 và 20/11/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tại bản án số 53/2017/HSPT ngày 20/11/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 100/2017/HSST ngày 03/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không đưa chị Vũ Thị M vào tham gia tố tụng, ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đối với chị M về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” nhưng Tòa án không trả hồ sơ, VKS không truy tố.
Sau khi chuyển hồ sơ, tiến hành điều tra theo thủ tục chung. Tại bản cáo trạng số 36/CT-VKS ngày 07/4/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Du xác định do H không nói là tài sản trộm cắp nên chị M không biết và cũng không nhận thức được đây là tài sản các bị cáo trộm cắp mà có nên không có căn cứ xác định chị M phạm tội ‘Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, đồng thời truy tố các bị cáo T1, H, S về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999.
Với nội dung nêu trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 92/2018/HS-ST ngày 28 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã xét xử và tuyên bố các bị cáo Nguyễn Đương T1, Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S phạm tội “Trộm cắp tài sản”.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt Nguyễn Sỹ H 12 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 33 Bộ luật hình sự năm 1999, xử phạt: Nguyễn Nam S 08 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ 10/3/2017 đến ngày 08/5/2017.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn xử phạt đối với bị cáo T1, xử lý vật chứng, tuyên án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/6/2018, các bị cáo Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S đều kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.
Ngày 10/7/2018, bị hại công ty Cổ phần Th có đơn kháng cáo về hình phạt đối với các bị cáo, trách nhiệm dân sự và đề nghị xử lý hình sự đối với đối tượng tiêu thụ.
Ngày 13/7/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên họp xét kháng cáo quá hạn của công ty Cổ phần Th và quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của Công ty.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và thừa nhận Bản án sơ thẩm xét xử bị cáo là đúng người, đúng tội, không oan. Cả hai bị cáo đều trình bày do là lao động chính trong gia đình, nhận thức hạn chế bị rủ rê lôi kéo, nhân thân tốt; bị cáo S không được hưởng lợi, nên đề nghị HĐXX cho các bị cáo được hưởng án treo để cải tạo tại địa phương.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Công ty cổ phần Th trình bày: Công ty không có ý kiến gì về các vấn đề nêu trong đơn kiến nghị nữa. Đối với hai bị cáo H và S, do tuổi đời còn trẻ, nhận thức hạn chế nên nhất thời phạm tội, về trách nhiệm dân sự Công ty không yêu cầu các bị cáo phải bồi thường. Vì vậy đề nghị HĐXX phúc thẩm chiếu cố khoan hồng cho các bị cáo được hưởng án treo cải tạo tại địa phương.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phát biểu ý kiến: S 3 lần giúp T1 đẩy cửa để T1 trộm cắp, nên đề nghị HĐXX áp dụng thêm tình tiết tăng nặng tại điểm g khoản 1 Điều 48. Đại diện Công ty xin giảm nhẹ nên áp dụng thêm tình tiết tại khoản 2 Điều 46 BLHS. Đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bị cáo S, giữ nguyên hình phạt của Bản án sơ thẩm. Đối với bị cáo H, đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm, chuyển hình phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Các bị cáo không tham gia tranh luận về tội danh, chỉ đề nghị HĐXX xem xét cho hưởng án treo, cải tạo tại địa phương.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo H và S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo T1, lời khai của bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vật chứng thu giữ được và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do vậy có đủ cơ sở kết luận: Lợi dụng sơ hở của Công ty Cổ phần Th, trong các đêm ngày 17/02; 27/2 và 08/3/2017, T1 đã rủ H và S 03 lần trộm cắp được 34 bao hạt nhựa của Công ty với tổng trọng lượng là 850kg, trị giá là 29.078.500 đồng. Vì vậy Bản án sơ thẩm xét xử các bị cáo T1, H và S phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội.
[2]. Xét kháng cáo của bị cáo H và S, HĐXX nhận thấy: Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu của Công ty Th, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trị an tại địa phương. Do vậy, cần xử lý bằng pháp luật hình sự để giáo dục, răn đe. Tuy nhiên xét thấy, cả hai bị cáo tuổi đời còn trẻ, có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự; phạm tội ít nghiêm trọng; cả hai đều do bị rủ rê lôi kéo nên phạm tội. Đối với bị cáo S chỉ có hành vi đẩy cửa giúp bị cáo T1, không được hưởng lợi, do vậy bị cáo chỉ là vai trò thứ yếu. Cả hai bị cáo đều thành khẩn, ăn năn hối cải và gia đình các bị cáo đều đã tự nguyện nộp tiền để bồi thường thiệt hại nhưng phía Công ty tự nguyện không yêu cầu. Tại phiên tòa phát sinh tình tiết giảm nhẹ mới đó là đại diện Công ty Th xin giảm nhẹ hình phạt cho cả hai bị cáo, vì vậy các bị cáo thêm tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 46 BLHS. Xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ ở khoản 1, khoản 2 Điều 46, có nhân thân tốt nên cần chiếu cố khoan hồng phạt các bị cáo mức án treo, cải tạo tại địa phương cũng đủ giáo dục thành người lương thiện.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.
1. Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Sỹ H và Nguyễn Nam S, sửa Bản án sơ thẩm.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 53; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999:
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Sỹ H 12 (mười hai) tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Nam S 08 (tám) tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 16 tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao các bị cáo Nguyễn Sĩ H và Nguyễn Nam S cho UBND xã Đ, huyện T, tỉnh Bắc Ninh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.
Trong trường hợp bị cáo được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.
2. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 39/2018/HS-PT ngày 18/09/2018 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 39/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bắc Ninh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/09/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về