TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
BẢN ÁN 39/2018/HS-PT NGÀY 06/02/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 06 tháng 02 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 03/2018/TLPT-HS ngày 02 tháng 01 năm 2018 đối với bị cáo Mai Ngọc C do có kháng cáo của bị cáo và những người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 138/2017/HS-ST ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Xuân Lộc.
- Bị cáo: Mai Ngọc C, sinh năm: 1989, tại Đồng Nai; Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Ấp S1, xã S, huyện X, tỉnh Đồng Nai. Trình độ học vấn: 12/12; Nghề nghiệp: công nhân; Con ông Mai Văn T, sinh năm: 1960 và bà Nguyễn Thị Hồng L, sinh năm: 1967; Vợ: Thái Lâm Cẩm N, sinh năm: 1989; có 01 con chung sinh ngày 31/7/2017; Tiền án, tiền sự: Không; Bắt tạm giam ngày 17/6/2017; Hủy bỏ tạm giam ngày 29/6/2017. Hiện bị cáo tại ngoại. (Có mặt)
- Những người bị hại:
+ Anh Nguyễn Hoàng T, sinh năm 1987. Địa chỉ: Ấp S1, xã S, huyện X, tỉnh Đồng Nai. (Có mặt)
+ Anh Trần Nguyên B, sinh năm: 1985. Địa chỉ: Ấp S2, xã S, huyện X, tỉnh Đồng Nai. (Có mặt)
- Người bào chữa cho bị cáo C: Ông Thiêm Diên T - Luật sư thuộc Văn phòng luật sư Thiêm Diên T - Đoàn luật sư tỉnh Đ. (Có mặt)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị hại: Bà ĐàmThị Thu P - Luật sư thuộc Công ty luật MTV L, Đoàn luật sư tỉnh Đ. (Có mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 02/02/2017 (mùng 06 tết Đinh Dậu), bị cáo Mai Ngọc C và Nguyễn Hoàng T, Mai Văn T1, Đặng Văn H đến quán kinh doanh trò chơi bi da và buôn bán nước giải khát của ông Mai Văn P đánh bạc bằng hình thức chơi bi da dù thắng thua bằng tiền. Đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, tất cả chơi được 12 trận thì nghỉ, tổng số tiền đánh bạc thấp nhất là 1.440.000 đồng, cao nhất là 3.360.000 đồng. Anh T thua không đủ tiền trả, nên nợ bị cáo C số tiền 100.000 đồng, bị cáo nhắc anh T trả tiền thì anh T nói sẽ trả sau rồi tất cả đi về.
Đến khoảng 16 giờ 20 ngày 03/02/2017, anh T điều khiển xe mô tô hiệu honda Airblade, biển số 54K1-3691 chở L (chưa rõ lai lịch) đến quán ông P và gặp bị cáo C đang ở đây, lúc này anh T đang trong tình trạng đã uống bia say. Anh T dựng xe trước quán, L đứng đợi ở ngoài rồi anh T đi về phía bị cáo C đang ở trong quán, vừa đi anh T vừa chỉ vào mặt bị cáo lớn tiếng hỏi với thái độ bực tức: “tao nợ mày một trăm ngàn phải không?”, thì bị cáo C trả lời “ừ”, anh T tiếp tục hỏi “mày muốn lấy một trăm ngàn không?”, bị cáo C trả lời “có”. Vừa dứt lời, anh T liền lấy cây cơ bida tại quán xông vào đánh, bị cáo C dùng tay đỡ được, đồng thời dùng một tay kẹp cổ của anh T, tay còn lại đấm vào vùng đầu và mặt của anh T khoảng 02 cái. Do được mọi người can ngăn nên anh T chở anh L về và bị cáo C cũng ra về.
Bức xúc vì bị cáo C đã đánh mình, anh T điều khiển xe chở L đến nhà của anh Trần Nguyên B, kể cho B nghe sự việc bị đánh và rủ B đi đánh bị cáo C. Thấy T đã say và thương tích không đáng kể nên anh B can ngăn, nhưng T điều khiển xe chở L đi tìm bị cáo C để đánh. Thấy T chở L đi, anh B nghĩ T đi đánh C nên điều khiển xe mô tô chạy theo để can ngăn. Đến khoảng 16 giờ 40 cùng ngày, anh T chở L đến khu vực trước nhà bị cáo thì thấy bị cáo C đang ngồi tại khu vực sân trước nhà.
Anh T dựng xe trước nhà cách vị trí bị cáo C ngồi khoảng 04m, cách lề đường QL1A khoảng 07m, lúc này anh B cũng đến và cùng với L đứng tại vị trí dựng xe, còn anh T xông về phía bị cáo C để đánh. Thấy anh T xông đến, bị cáo C đứng dậy bỏ vào nhà, anh T lấy bình bông chưng tết tại cổng ném bị cáo C nhưng không trúng, đồng thời xông đến đạp bị cáo C một cái trúng hông, làm C ngã vào khu vực để nước ngọt tại sân. Bị cáo C liền lấy dao dùng để chặt dừa dài khoảng 36cm, cán gỗ, lưỡi dao bằng kim loại sắt đang để trên các lốc nước ngọt, cầm dao bằng tay phải chém về hướng anh T trúng vào thành ngực trái gây thương tích. Anh T bỏ chạy ra khỏi sân nhà, dùng tay kéo ngã cái dù đang để ở tại vị trí sân không có mái che để cản bị cáo C đuổi theo. Bị cáo C liền đuổi theo T để đánh tiếp nhưng khi đến khu vực sân không có mái che, lúc này anh B đi vào với mục đích can ngăn. Khi thấy anh B đi về phía mình, bị cáo C nghĩ là đồng bọn của anh T đến đánh mình, nên liền cầm dao xông đến anh B để đánh. Thấy vậy, anh B quay lưng bỏ chạy, thì bị C dùng dao chém 01 nhát trúng lưng gây thương tích, rồi bị cáo C tiếp tục xông đến chém anh L 01 nhát trúng chân gây thương tích nhẹ và tiếp tục rượt đuổi B và L để đánh, nhưnganh B và L chạy thoát.
- Tại Bản kết luận giám định pháp y số 0245/GĐPY/2017 ngày 18/4/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận về thương tích của anh Nguyễn Hoàng T:
Vết thương ngực trái gây thấu ngực tràn khí màng phổi trái đã phẩu thuật dẫn lưu màng phổi trái, hiện tại để lại xơ ở thùy trên phổi trái, dày dính màng phổi đáy phổi trái (Áp dụng Chương 4, điều III, mục 4). Tỷ lệ 25%.
Vết thương ngực trái để lại sẹo kích thước 8,5x0,2cm (Áp dụng Chương 9, điều I, mục 1). Tỷ lệ: 02%.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể (Áp dụng theo phương pháp cộng lùi) do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 27%.
- Tại bản kết luận giám định pháp y số 0244/GĐPY/2017 ngày 18/4/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai kết luận về thương tích của anh Trần Nguyên B:
Vết thương vùng lưng để lại sẹo kích thước 15x0,3cm (Áp dụng Chương 9, điều I, mục 2). Tỷ lệ: 07%.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định là 7%.
Vật chứng: 01 (Một) con dao chặt dừa cán gỗ dài 30cm, cán bằng gỗ dài 14cmx3cm, lưỡi dao bằng sắt dài 16cmx0,6cm, đầu lưỡi dao bằng và có cấu tạo 01 lỗ tròn đường kính 1,5cm; 01 (Một) cây cơ bi da dài 1,4m đã bị gãy làm đôi.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 138/2017/HSST ngày 21/11/2017 của TAND huyện Xuân Lộc đã áp dụng điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự 1999; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS 1999; Điều 60 BLHS 1999 xử phạt: bị cáo
Mai Ngọc C 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 27/11/2017, người bị hại Trần Nguyên B và Nguyễn Hoàng T kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và chuyển từ hình phạt tù cho hưởng án treo sang hình phạt tù đối với bị cáo Mai Ngọc C và đề nghị tăng mức bồi thường dân sự.
Ngày 29/11/2017, bị cáo Mai Ngọc C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và thời gian thử thách.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo C và các anh B, anh T tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kháng cáo của mình.
Đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa nêu quan điểm cho rằng: Hành vi của bị cáo C là nguy hiểm cho xã hội, đã gây thương tích cho hai người, xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Do đó, cần giành cho bị cáo mức án nghiêm, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến vụ án này hoàn toàn là lỗi của người bị hại Nguyễn Hoàng T đã gây sự với bị cáo trước, sau đó còn rủ rê người khác đến đánh bị cáo. Bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 46 BLHS năm 1999 nên cấp sơ thẩm áp dụng Điều 60 BLHS để xử phạt bị cáo là phù hợp, đúng quy định, không vi phạm Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Do đó, kháng cáo của các bị hại về việc không cho bị cáo được hưởng án treo và tăng hình phạt là không có căn cứ chấp nhận, đề nghị HĐXX bác kháng cáo. Đối với kháng cáo về tăng bồi thường dân sự, xét thấy cấp sơ thẩm khi xem xét các khoản tiền bồi thường dân sự đã căn cứ Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết là đúng quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, anh B yêu cầu bồi thường thêm 32.000.000 đồng (bao gồm tiền tổn thất tinh thần là 7.000.000 đồng, tiền thu nhập bị giảm sút là 25.000.000 đồng). Đề nghị HĐXX chấp nhận tiền tổn thất tinh thần cho anh B vì chưa được xem xét. Riêng đối với yêu cầu của bị hại T tại phiên tòa là 101.000.000 đồng (bao gồm tiền lương bị mất trong 03 tháng là 36.000.000 đồng và tiền tổn thất tinh thần là 65.000.000 đồng) không có căn cứ, đề nghị HĐXX không chấp nhận.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Mai Ngọc C nêu quan điểm cho rằng: Xuất phát từ lỗi của người bị hại đã gây sự đánh bị cáo trước, sau đó còn rủ nhiều người đến nhà bị cáo đánh nhau. Tại nhà bị cáo, anh T đã ném bình bông và dùng chân đạp vào người bị cáo C. Sau đó còn xô xát với ông Mai Văn T (cha bị cáo C) làm ông T té ngã nên bị cáo mới cầm dao quơ về phía người bị hại, gây hậu quả làm cho hai người bị thương. Sau khi gây án, bị cáo đã rất ăn năn hối cải, mặc dù hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, vợ bị cáo lại vừa mới sinh con nhỏ nhưng đã bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo cũng đã cố gắng nộp hết số tiền còn lại (theo bản án sơ thẩm tuyên) để bồi thường cho các hại. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo, tạo điều kiện cho bị cáo chăm sóc gia đình. Về mức bồi thường mà anh T và anh B yêu cầu tại phiên tòa là không có căn cứ, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của người bị hại.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại nêu quan điểm cho rằng: Bị cáo Mai Ngọc C dùng dao chặt dừa là hung khí nguy hiểm để chém nhiều người, gây hậu quả làm anh B bị thương tích 7%, anh T 27% là hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của bị cáo mang tính chất côn đồ vì người bị hại đã bỏ chạy nhưng bị cáo vẫn rược đuổi theo để chém, bị cáo có hai tình tiết tăng nặng là “côn đồ” và “cố tình thực hiện đến cùng” nhưng cấp sơ thẩm lại cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ để xử phạt và cho bị cáo được hưởng án treo là không có căn cứ, không đúng với Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Đối với phần dân sự, đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu của người bị hại tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
Vào khoảng 16 giờ ngày 03/02/2017, anh Nguyễn Hoàng T gặp bị cáo Mai Ngọc C tại quán bida của ông Mai Văn P ngụ tại ấp S1, xã S, huyện X. Tại đây, Ttự nhắc lại việc còn thiếu bị cáo C 100.000 đồng trước đó rồi cầm cây cơ bida đánh vào người bị cáo C (trúng vào tay phải). C liền dùng tay kẹp cổ và đánh vào vùng đầu, mặt của anh T hai cái. Do được mọi người can ngăn nên cả hai ra về. Sau khi rời khỏi quán bida nhà ông P, do vẫn còn bực tức nên T đã chở L đến nhà của anh Trần Nguyên B (ngụ tại ấp S2) để rủ anh B đi tìm C đánh nhưng anh B không đồng ý, T đã bỏ đi. Do muốn can ngăn việc đánh nhau giữa T và C nên anh B đã đi theo T đến nhà của bị cáo C. Đến nơi, khi vừa nhìn thấy C đang ngồi trước sân nhà, T liền cầm bình bông (ở bàn thiên nhà bị cáo C) ném vào người C, đồng thời xông đến đạp vào hông C, làm C té ngã xuống đất. Ngay lúc đó, bị cáo C liền lấy con dao chặt dừa (dài khoảng 36cm) để gần đó chém vào người anh T (trúng vào vùng ngực trái). Hậu quả làm anh T bị thương với tỷ lệ là 27%. Sau khi chém anh T, bị cáo C nhìn thấy anh B đi về phía mình , bị cáo nghĩ anh B là người của anh T đến đánh mình nên đã dùng dao chém vào người anh B, gây thương tích cho anh B với tỷ lệ là 7%. (Theo Bản kết luận giám định pháp y số 0245/GĐPY/2017 và số 0244/GĐPY/2017 ngày 18/4/2017 của Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai).
Với hành vi phạm tội nêu trên, bị cáo Mai Ngọc C đã bị tòa án cấp sơ thẩm xử phạt về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Về hình phạt: Nguyên nhân dẫn đến hậu quả của vụ án này đều xuất phát từ lỗi của người bị hại Nguyễn Hoàng T đã gây sự và đánh bị cáo trước, được người bị hại thừa nhận tại phiên tòa phúc thẩm, phù hợp với lời khai, tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ và phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Cụ thể: Tại quán bida của ông P, anh T đã gây sự và dùng cây cơ bida đánh bị cáo C trước. Dù được mọi người can ngăn ra về, anh T vẫn tiếp tục chở L đến nhà anh B để rủ thêm người đi đánh nhau. Cho thấy bị hại là người cố chấp, đã sai không sửa mà còn rủ nhiều người đi đánh nhau. Khi đến nơi, cũng chính anh T là người có hành động xâm phạm đến sức khỏe của bị cáo trước, xông vào nhà lấy bình bông (bằng sứ) chọi và còn dùng chân đạp vào người C, làm bị cáo C té ngã. Cho thấy, hành vi của anh T (người bị hại) “mang tính côn đồ”, xem thường sức khỏe của người khác, xem thường pháp luật. Dẫn đến bị cáo thiếu kiềm chế mà thực hiện hành vi phạm tội. [Hành vi đánh bị cáo C của anh T cũng đã bị công an huyện Xuân Lộc ra quyết định xử lý hành chính với hình thức phạt tiền 2.000.000 đồng (bút lục 172)].
Về nhân thân của bị cáo: xét thấy bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là lao động chính trong gia đình và có con nhỏ (sinh ngày 31/7/2017); đã khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại cho bị hại. (Việc người bị hại không nhận là ngoài ý muốn của bị cáo). Trong giai đoạn phúc thẩm, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bị cáo vẫn cố gắng bồi thường hết số tiền còn lại theo bản án sơ thẩm. Do đó, mức án 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo Mai Ngọc C là có căn cứ, đúng pháp luật, đủ để giáo dục bị cáo; tạo điều kiện cho bị cáo được chăm sóc gia đình và cũng thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người đã biết ăn năn, hối cải.
Về trách nhiệm dân sự: Qua xem xét các hóa đơn, chứng từ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy khoản tiền mà những người bị hại được tòa cấp sơ thẩm chấp nhận (đối với anh T là 36.113.640 đồng, anh B là 7.178.260 đồng) là hợp lý, đúng quy định pháp luật. Kháng cáo yêu cầu bồi thường thêm các khoản tiền khác của hai bị hại là không có cơ sở chấp nhận.
Tuy nhiên, đối với số tiền được chấp nhận của anh Nguyễn Hoàng T là 36.113.640 đồng, cấp sơ thẩm xác định người bị hại có lỗi nên phải chịu 1/3 thiệt hại, bị cáo chịu 2/3 thiệt hại là không đúng quy định. Bởi lỗi của người bị hại đã được HĐXX xem xét, đánh giá và cân nhắc khi lượng hình. Do đó, cần sửa bản án hình sự sơ thẩm về phần dân sự. Buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền 36.113.640 đồng cho anh T. Trong quá trình điều tra, bị cáo C đã trực tiếp bồi thường cho anh T 5.000.000 đồng, cho anh B 2.000.000 đồng. Như vậy, bị cáo C còn phải bồi thường cho anh T số tiền 31.113.640 đồng (36.113.640 – 5.000.000 đồng), bồi thường cho anh B số tiền 5.178.260 đồng (7.178.260 – 2.000.000 đồng). Tổng cộng: 36.291.900 đồng (31.113.640 đồng + 5.178.260 đồng). Trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, bị cáo C đã nộp 24.254.020 đồng (13.000.000 + 11.254.020 đồng). Như vậy, bị cáo còn phải bồi thường thêm 12.037.880 đồng (36.291.900 - 24.254.020 đồng).
Ngoài ra, trong giai đoạn điều tra, bị cáo C đã nộp số tiền 13.000.000 đồng cho cơ quan điều tra để khắc phục một phần hậu quả, số tiền này cũng đã được chuyển đến Chi cục thi hành án dân sự huyện X (Biên bản giữ, bút lục 65 và Biên lai thu tiền số 04917 ngày 05/9/2017). Khi tính án phí dân sự, cấp sơ thẩm quyết định tổng số tiền bị cáo phải bồi thường là 24.254.020 đồng (19.075.760 +5.178.260 đồng) nhưng không trừ đi số 13.000.000 đồng bị cáo đã nộp trước đó là sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Do đó, cấp phúc thẩm xác định lại số tiền bị cáo phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 562.701 đồng [5% x 11.254.020 đồng (24.254.020 đồng – 13.000.000 đồng)].
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về hình phạt phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận. Riêng đối với đề nghị xem xét tiền tổn thất tinh thần đối với người bị hại B là không có căn cứ nên không chấp nhận.
Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo C đối với phần dân sự là phù hợp nên được chấp nhận, đối với đề nghị giảm nhẹ hình phạt là không có cơ sở nên không chấp nhận. Đối với quan điểm bảo vệ quyền lợi cho hai người bị hại của luật sư không phù hợp nhận định của HĐXX và quy định của pháp luật nên không được chấp nhận.
Về án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm; 562.701 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Mai Ngọc C, kháng cáo của người bị hại Trần Nguyên B. Chấp nhận một phần kháng cáo của người bị hại Nguyễn Hoàng T về bồi thường dân sự. Sửa bản án hình sự sơ thẩm.
Áp dụng điểm a khoản 1, 2 Điều 104 BLHS năm 1999; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 BLHS năm 1999; Điều 60 BLHS năm 1999.
Xử phạt: bị cáo Mai Ngọc C 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội ”Cố ý gây thương tích”. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Giao bị cáo Mai Ngọc C cho UBND xã S, huyện X giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Áp dụng Điều 42 BLHS; các Điều 584, 585, 586, 590 BLDS 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Buộc bị cáo Mai Ngọc C bồi thường cho anh Nguyễn Hoàng T số tiền 36.113.640 đồng, đã bồi thường 5.000.000 đồng nên còn phải bồi thường 31.113.640 đồng; bồi thường cho anh Trần Nguyên B số tiền 7.178.260 đồng, đã bồi thường 2.000.000 đồng nên còn phải bồi thường 5.178.260 đồng.
Bị cáo C đã nộp 24.254.020 đồng (Biên lai thu tiền số 04917 ngày 05/9/2017 và số 04939 ngày 25/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện X) nên buộc bị cáo C tiếp tục nộp số tiền 12.037.880 đồng.
Về án phí:
Bị cáo Mai Ngọc C phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm; 562.701 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 39/2018/HS-PT ngày 06/02/2018 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 39/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đồng Nai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 06/02/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về