Bản án 39/2017/HSST ngày 28/08/2017 về tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 39/2017/HSST NGÀY 28/08/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Ngày 28 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 33/2017/HSST ngày 19 tháng 7 năm 2017, Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 36/2017/HSST – QĐ ngày 18 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:

Giang Công N – sinh năm 1957; nơi cư trú: thôn B, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình; dân tộc: Kinh; giấy Chứng minh nhân dân số  151671784; trình độ văn hoá: 10/10; nghề nghiệp: khám chữa bệnh tư nhân; con ông Giang Công T và bà Vũ Thị V (đều đã chết); vợ: Vũ Thị C, sinh năm 1963; Có 03 con, con lớn sinh năm 1987, con nhỏ sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại, có mặt.

*Người bị hại:

1. Anh Nguyễn Văn V, sinh năm 1979 (có mặt)

Trú tại: Số 9/887 N, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng.

2. Anh Phạm Đức T (đã chết)

Người đại diện hợp pháp của anh Phạm Đức T

2.1. Chị Vũ Thị R, sinh năm 1976 (vợ anh T)

2.2. Cháu Phạm Thị T, sinh năm 1996 (con anh T)

Cùng trú tại: thôn T, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình

(Cháu T vắng mặt,  uỷ quyền cho chị R tham gia tố tụng tại phiên toà, chị R có mặt).

* Người có quyền lợi liên quan

Cháu Phạm Thành L, sinh năm 2000 (con anh Phạm Đức T) Người đại diện theo pháp luật cho cháu L: Chị Vũ Thị R Cùng trú tại: thôn T, xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình

(Cháu L vắng mặt, chị R có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong tháng 4 và tháng 5 năm 2016, Công an tỉnh Thái Bình và các Công an huyện Q, T nhận được đơn tố giác của công dân về việc họ hoặc người nhà họ đến khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh của bị cáo Giang Công N thời gian sau phải đi cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện tỉnh, Trung ương, có bệnh nhân phát bệnh nặng dẫn đến tử vong. Quá trình điều tra xác định như sau:

Bị cáo Giang Công N được Giám đốc Sở y tế Thái Bình cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh ngày 29/6/2012 và cơ sở khám, chữa bệnh của bị cáo tại nhà ở xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngày 03/7/2013. Chuyên môn trên giấy phép là: Thực hiện tiêm, thay băng theo đơn của bác sỹ; đếm mạch, đo huyết áp. Theo bị cáo trình bày: Do được đào tạo y tá đa khoa trong quân đội, sau đó công tác tại trạm y tế xã T nên bị cáo đã dùng kinh nghiệm của bản thân để chữa bệnh cho nhiều người. Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh được bị cáo thăm khám bệnh, sau đó đoán bệnh, chỉ định dùng thuốc, phương pháp điều trị. Những người đến khám, điều trị các bệnh như đau lưng, đau vai, đau khớp, đau thần kinh cánh tay … thì bị cáo dùng thuốc Lidocain pha với thuốc B1, B6, B12 và Strychnin tiêm vào các huyệt đạo cách đốt sống một ngón tay, vào mông, sau gối và mắt cá chân. Những người mà được chẩn đoán viêm khớp mãn tính thì bị cáo pha một ống Lidocain và ½ ống Sivkort retard tiêm vào mông, vào bắp tay. Hàng ngày cơ sở khám chữa bệnh chữa cho khoảng 50 người, không có sổ theo dõi nên không nhớ đã khám và chữa cho ai. Mỗi bệnh nhân chỉ tiêm từ 3 đến 5 ngày, mỗi ngày chỉ tiêm một lần vào buổi sáng, mỗi lần tiêm, bị cáo thu số tiền là 50.000 đồng. Việc khám, chữa bệnh không được ghi chép lại, đối với các bệnh nhân bị bệnh nặng, do tuyến y tế Trung ương trả về thì bị cáo yêu cầu ký cam đoan vào sổ do bị cáo cất giữ. Khi có đông bệnh nhân, bà Vũ Thị C (là vợ bị cáo) được bị cáo nhờ phụ giúp như vệ sinh dụng cụ, vê bông cồn, bẻ ống thuốc trong quá trình bị cáo khám, chữa bệnh.

Ngày 21/4/2016, anh Phạm Đức T, sinh năm 1973, trú tại xã A, huyện Q, tỉnh Thái Bình có đến cơ sở khám chữa bệnh của bị cáo Giang Công N để điều trị bệnh đau chân. Sau khi khám bệnh, từ ngày 21/4/2016 đến ngày 24/4/2016 anh T được bị cáo điều trị bằng hình thức tiêm thuốc vào huyệt xương cụt, mông và cẳng chân. Sáng 25/4/2016, anh T bị sưng bầm tím ở vùng mông, được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện P, sau đó chuyển bệnh viện Đa khoa Thái Bình, tiếp đó chuyển lên các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới, Viện bỏng Lê Hữu Trác chữa trị. Đến 18 giờ ngày 12/6/2016, anh T chết do suy đa tạng/sốc nhiễm trùng, nhiễm độc do viêm mô tế bào lan tỏa. Cùng thời điểm đó, bị cáo còn khám bệnh cho nhiều người, trong đó có chị Trần Thị Đ, sinh năm 1976, trú tại xã T, huyện T; chị Trần Thị T, sinh năm 1978, trú tại xã S, huyện T, tỉnh Thái Bình; bà Đặng Thị Đ, sinh năm 1950, trú tại xã H, huyện T, tỉnh Nam Định và anh Nguyễn Văn V sinh năm 1979 trú tại số 9/887, đường N, phường Đ, quận H, thành phố Hải Phòng. Hậu quả các chị Đ, chị T, bà Đ, anh V đều bị áp xe vùng vết tiêm do nhiễm khuẩn vết tiêm và phải điều trị tại các Trung tâm y tế tỉnh, Trung ương. Trong đó anh V qua giám định tổn hại sức khỏe 25%, còn các chị Đ, chị T và bà Đ từ chối giám định tổn hại sức khỏe.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà bị cáo Giang Công N đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên.

Bản cáo trạng số 33/KSĐT ngày 19/7/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình đã truy tố bị cáo Giang Công N về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo quy định tại  khoản 1 điều 242 Bộ luật hình sự.

Tại phiên toà, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vẫn giữ nguyên quan điểm như Cáo trạng đã truy tố. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 điều 242; điểm b, p khoản 1 + khoản 2 điều 46; điều 45; điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Giang Công N từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 04 đến 05 năm.

Áp dụng khoản 4 điều 242 Bộ luật hình sự: cấm bị cáo Giang Công N không được thực hiện các hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

Về trách nhiệm dân sự: Đã thoả thuận bồi thường xong, không ai có yêu cầu gì khác, do đó vấn đề trách nhiệm dân sự không đặt ra giải quyết.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên tịch thu tiêu huỷ 02 hộp giấy còn nguyên niêm phong bên trong chứa thuốc (các vật chứng theo biên bản niêm phong ngày 22/7/2016 của Công an huyện T; trả lại bị cáo Giang Công N số tiền 30 triệu đồng bị cáo đã nộp tại Cục thi hành án tỉnh Thái Bình và 02 quyển sổ (01 quyển sổ màu xanh đen, 01 quyển sổ bìa màu nâu).

Bị cáo Giang Công N đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo để cho bị cáo được hưởng án treo .

Người bị hại là anh Nguyễn Văn V và đại diện hợp pháp của người bị hại là chị Vũ Thị R không có yêu cầu gì khác về vấn đề trách nhiệm dân sự; anh V đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo; chị R đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình. Bao nhiêu năm bị cáo chữa bệnh cứu người, không may xảy ra hậu quả gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người khác, đây là điều không ai mong muốn. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét đến việc bị cáo tuổi đã cao, sức khoẻ yếu và đã tích cực bồi thường khắc phục toàn bộ hậu quả cho những người bị hại để cho bị cáo được hưởng án treo cải tạo tại địa phương.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo và những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời khai nhận tội của bị cáo Giang Công N tại phiên toà phù hợp với lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra (bút lục 778 – bút lục 785); phù hợp với lời khai của những người bị hại là anh Phạm Đức T trong quá trình điều trị, trước khi chết (bút lục 230-231), anh Nguyễn Văn V (bút lục 324 - 327); phù hợp với lời khai của những người làm chứng. Ngoài ra, còn được chứng minh bằng các tài liệu như biên  bản khám nghiệm tử thi ngày 13/6/2016 do cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T, tỉnh Thái Bình lập tại gia đình nạn nhân Phạm Đức T; bản kết luận giám định pháp y tử thi số 2989/C54-TT1 ngày 25/7/2016 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận nguyên nhân cái chết của anh Phạm Đức T; các văn bản trả lời của Cơ quan chuyên môn: văn bản số 576/SYT-NVY ngày 07/7/2016 (Bút lục số 119a-119b); văn bản số 992/SYT-NVY ngày 29/12/2016 (Bút lục số 118-119) của Sở y tế tỉnh Thái Bình; văn bản số 1335/C54(TT1) ngày 21/10/2016 của Viện khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát (Bút lục số 321-322); văn bản số 1458/KCB-HN ngày 12/12/2016 của Cục quản lý khám, chữa bệnh – Bộ y tế (Bút lục số 115); văn bản số 18/CV-TTPY ngày 11/5/2017 của Trung tâm Pháp y Sở Y tế tỉnh Thái Bình (Bút lục số 365) cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà. Do đó Hội đồng xét xử có đủ căn cứ để kết luận:

Từ tháng 6/2012, cơ sở khám chữa bệnh của bị cáo Giang Công N được Sở Y tế tỉnh Thái Bình cấp giấy phép hoạt động chuyên môn là thực hiện tiêm, thay băng theo đơn của bác sỹ, đếm mạch, đo huyết áp. Tuy nhiên bị cáo không hành nghề đúng theo quy định trên giấy phép mà trực tiếp bán thuốc, pha thuốc và tiêm cho những người đến khám bệnh. Trong khoảng thời gian tháng 4/2016, bị cáo đã trực tiếp khám, pha thuốc và tiêm vào các vị trí huyệt xương cụt, mông và cẳng chân của anh Phạm Đức T và anh Nguyễn Văn V. Hậu quả anh T bị suy đa tạng, sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong; anh V bị áp xe vết tiêm do nhiễm khuẩn vết tiêm gây tổn hại 25% sức khỏe.

Hành vi nêu trên của bị cáo Giang Công N đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo quy định tại khoản 1 điều 242 Bộ luật hình sự như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố là hoàn toàn đúng pháp luật.

Điều 242: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người khác hoặc đã bị xử lý kỉ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

...

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

[3] Hành vi phạm tội của bị cáo Giang Công N là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến chế độ quản lý về dịch vụ y tế của Nhà nước, xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của công dân được pháp luật bảo vệ. Bị cáo đã có thời gian làm y tá trong quân đội sau đó công tác tại Trạm y tế xã, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề với chuyên môn là thực hiện tiêm, thay băng theo đơn của bác sỹ, đếm mạch, đo huyết áp. Tuy nhiên, bị cáo không hành nghề theo đúng quy định trên giấy phép mà dùng kinh nghiệm của bản thân để chữa các bệnh khác nhau như đau lưng, đau vai, đau khớp, đau thần kinh cánh tay... cho nhiều người dẫn đến hậu quả 01 người tử vong, 01 người bị tổn hại sức khoẻ 25%. Với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng với bị cáo một mức hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo, có như vậy mới có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo đồng thời còn là bài học răn đe, phòng ngừa chung.

Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo Giang Công N không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

Về tình tiết giảm nhẹ: Tại các giai đoạn tố tụng bị cáo đã thành khẩn khai báo và tỏ thái độ ăn năn hối cải; trước khi xét xử sơ thẩm đã tự nguyện bồi thường khắc phục toàn bộ hậu quả cho những người bị hại, người bị hại cũng xin giảm hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo; bị cáo có thời gian tham gia quân đội; anh trai bị cáo là liệt sỹ và bị cáo hiện đang là người duy nhất thờ cúng liệt sỹ do đó bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, p khoản 1 và khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự.

Xét thấy bị cáo Giang Công N là người có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo vì vậy khi quyết định hình phạt với bị cáo cần áp dụng điều 60 Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng án treo, ấn định thời gian thử thách, giao bị cáo cho chính quyền địa phương giám sát cũng đủ điều kiện để cải tạo, giáo dục bị cáo thành công dân có ích cho xã hội.

Hình phạt bổ sung: Bị cáo Giang Công N đã vi phạm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh gây thiệt hại đến tính mạng và sức khoẻ của người khác. Do đó Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng khoản 4 điều 242 Bộ luật hình sự cấm bị cáo không được thực hiện các hoạt động về khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà là phù hợp.

[4] Về trách nhiệm dân sự: Các bên đã thoả thuận bồi thường xong, cụ thể: bị cáo đã bồi thường cho gia đình anh Phạm Đức T số tiền 130.000.000 đồng (người đại diện nhận là chị Vũ Thị Ruyên - vợ anh Tuân); bồi thường cho anh Nguyễn Văn V số tiền 80.000.000 đồng. Không ai có yêu cầu gì khác do đó vấn đề trách nhiệm dân sự Hội đồng xét xử không đặt ra giải quyết.

[5] Vật chứng vụ án: Cơ quan điều tra đã thu giữ:

- 02 hộp còn nguyên niêm phong (các vật chứng theo biên bản niêm phong ngày 22/7/2016 của Công an huyện T). Trong đó:

01 hộp niêm phong được sử dụng bằng vỏ bìa thùng sữa Vinamilk trên các mép được dán băng dính màu trắng có dán giấy niêm phong đóng 12 dấu tròn của cơ quan CSĐT công an huyện T: bên trong chứa vỏ thuốc, bơm kim tiêm đã sử dụng do bị cáo Giang Công N giao nộp để phục vụ công tác điều tra.

01 hộp niêm phong được sử dụng bằng bìa cat tông màu nâu trên các mép hộp được dán băng dính màu trắng có dán giấy niêm phong, có đóng 10 dấu tròn của cơ quan CSĐT công an huyện Thái T: bên trong chứa các loại thuốc chưa sử dụng do bị cáo Giang Công N giao nộp để phục vụ công tác điều tra.

02 hộp niêm phong chứa thuốc nêu trên hiện không còn giá trị sử dụng cần áp dụng khoản 2 điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu, tiêu huỷ.

- 02 quyển sổ trong đó 01 quyển sổ màu xanh đen, 01 quyển sổ bìa màu nâu là sổ ghi chép việc khám chữa bệnh của bị cáo Giang Công N, cần tuyên trả lại cho bị cáo.

- Số tiền 30.000.000 đồng bị cáo tạm nộp tại Cục thi hành án tỉnh Thái Bình theo biên lai thu số 0008540 ngày 21/7/2017 được tuyên trả lại cho bị cáo theo quy định của pháp luật.

[6] Trong hồ sơ còn thể hiện ông Phạm Đức C, sinh năm 1955, trú tại thôn T, xã A, huyện Q và một số người khác cũng đến khám và điều trị tại cơ sở Giang Công N từ ngày 19/4 đến ngày 23/3/2016. Hậu quả ông Phạm Đức C bị chết, một số người khác phải đi cấp cứu tại các bệnh viện cấp tỉnh và Trung ương. Do gia đình ông C từ chối giám định nguyên nhân chết, những người đi cấp cứu từ chối giám định thương tích và không có yêu cầu bồi thường dân sự nên không có căn cứ xử lý hình sự những hành vi trên của Giang Công N.

[7] Về án phí: Bị cáo Giang Công N phải nộp án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. 

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

[1] Tuyên bố: Bị cáo Giang Công N phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

[2] Hình phạt: Áp dụng khoản 1, khoản 4 điều 242; điểm b, p khoản 1 + khoản 2 điều 46; điều 45; điều 60 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Giang Công N 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Giang Công N cho Uỷ ban nhân dân xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo Giang Công N không được thực hiện các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh trong thời gian 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt tù.

[3] Xử lý vật chứng: Áp dụng điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự

- Tịch thu tiêu huỷ 02 hộp còn nguyên niêm phong (các vật chứng theo biên bản niêm phong ngày 22/7/2016 của Công an huyện T). Trong đó: 01 hộp niêm phong được sử dụng bằng vỏ bìa thùng sữa Vinamilk trên các mép được dán băng dính màu trắng có dán giấy niêm phong đóng 12 dấu tròn của cơ quan CSĐT công an huyện T: bên trong chứa vỏ thuốc, bơm kim tiêm đã sử dụng do bị cáo Giang Công N giao nộp để phục vụ công tác điều tra.

01 hộp niêm phong được sử dụng bằng bìa cat tông màu nâu trên các mép hộp được dán băng dính màu trắng có dán giấy niêm phong, có đóng 10 dấu tròn của cơ quan CSĐT công an huyện T: bên trong chứa các loại thuốc chưa sử dụng do bị cáo Giang Công N giao nộp để phục vụ công tác điều tra.

- Trả lại bị cáo Giang Công N 02 quyển sổ (01 quyển màu xanh đen, 01 quyển bìa màu nâu) và số tiền 30.000.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0008540 ngày 21/7/2017 của Cục thi hành án Thái Bình.

[4] Án phí: Áp dụng điều 98; 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội: Bị cáo Giang Công N phải nộp 200.000đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[5] Quyền kháng cáo: Bị cáo Giang Công N, người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1402
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 39/2017/HSST ngày 28/08/2017 về tội vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh

Số hiệu:39/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về