TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 39/2017/HS-PT NGÀY 28/11/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI
Trong ngày 28 tháng 11 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 68/2017/TLPT-HS ngày 02 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo Phạm C về tội “Giết người”. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 20/09/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
- Bị cáo có kháng cáo:
PHẠM C (CB), sinh ngày 03/9/1979; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở phường PM, quận ST, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: buôn bán; Trình độ văn hóa: 6/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: không; Con ông: Phạm L và bà Trịnh Thị L (chết). Có vợ là Nguyễn Thị Y, có 01 con sinh năm 2017; Tiền sự: không.
Tiền án: Ngày 17/5/2005 bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.
Ngày 30/11/2005 bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xử phạt 03 năm tù về tội “Cướp tài sản”.
Ngày 15/8/2011 bị Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng xử phạt 04 năm 03 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 19/9/2014.
Bị cáo bị bắt tạm giam ngày 22/3/2017. Có mặt.
* Người bào chữa: Ông VVT - Luật sư Văn phòng Luật sư T và Cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng bào chữa cho bị cáo Phạm C theo yêu cầu của Tòa án. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 17 giờ 30 phút ngày 21/3/2017, Phạm C đến quán bánh mỳ của bà Đặng Thị Ngọc A tại ngã ba đường VVK - LH thuộc phường PM, quận ST, thành phố Đà Nẵng để mua bánh mỳ, nhưng khi đến quán không thấy bà A nên C tự làm bánh mỳ, trong lúc ngồi ăn tại quán của bà A, C nghe tiếng nhạc lớn phát ra từ loa quán nước mía bên cạnh của anh Trần Quang T, C yêu cầu tắt nhạc thì anh T cho nhỏ tiếng nhạc lại.
Khoảng 05 phút sau bà A quay trở lại quán bánh mỳ thấy C đang ngồi trước quán của mình nên hỏi C: “đến quán làm gì? Có quậy phá hay không”, C có nói lại với bà A: “Ai nói với mi là tao quậy quán mi? Bà bán xôi bên cạnh đúng không?” Bà A nói lại: “không phải, nhìn là biết anh đến quậy rồi”, bà A tiếp tục đôi co với C nên C tức giận ném chiếc điện thoại di động đang cầm trên tay vào người bà A và nghĩ anh T là người gọi điện thoại báo bà A là C đến quán quậy phá, nên C chạy đến tủ bánh mỳ lấy 01 con dao nhọn dài khoảng 15 cm, cán dao màu đỏ, lưỡi bằng kim loại của bà A dùng để xẻ bánh mỳ và đi đến chỗ anh T đang đứng làm nước mía. Khi đến nơi, thì anh T xoay người lại đứng trong tư thế đối diện với C, bất ngờ C cầm dao bằng tay phải đâm anh T 01 nhát vào vùng hông trái anh T, theo phản xạ anh T vung tay đỡ, C tiếp tục đâm thêm 02 nhát nữa đều vào vùng hông bên trái của anh T. Anh T bỏ chạy vào hướng bên trong nhà của mình thì C đuổi theo đến bậc thềm thang cấp rồi dừng lại, quay ra tủ bánh mỳ bà A để con dao lại chỗ cũ rồi bỏ đi, còn anh T được mọi người đưa đi cấp cứu.
Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 156/TgT ngày 25/5/2017 của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng kết luận:
- Dấu vết chính qua giám định: vết thương thấu ngực - bụng trái:
+ Đứt động mạch liên sườn, rách cơ hoành, tổn thương màng phổi gây tràn máu khoang màng phổi trái, đã được phẫu thuật khâu cơ hoành và động mạch, dẫn lưu khoang màng phổi. Hiện tại lồng ngực hai bên cân xứng, không biến dạng, di động đều theo nhịp thở, nạn nhân không ho, không khó thở, rì rào phế nang nghe rõ ở hai phế trường, không phát hiện dày dính màng phổi và xẹp phổi.
+ Rách lách gây tràn máu ổ bụng, đã được phẩu thuật cắt lách, dẫn lưu. Hiện tại bụng mềm, không đau, không chướng, không có phản ứng thành bụng, nạn nhân ăn uống và đại tiện bình thường, da và niêm mạc nhạt màu.
Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 51%.
Theo Kết luận giám định số 324/C54C(Đ5) ngày 31/5/2017 của Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng, dấu vết màu nâu dính trên con dao là máu của anh Trần Quang T.
* Tang vật thu giữ: 01 con dao dài 15cm, cán dao màu đỏ, bằng nhựa dài khoảng 7cm, lưỡi dao một đầu nhọn, bằng kim loại màu trắng bạc dài khoảng 08cm.
* Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Anh Trần Quang T yêu cầu bồi thường 40.000.000 đồng, gồm 20.000.000 đồng chi phí điều trị và 20.000.000 đồng tổn thất tinh thần. Gia đình Phạm C đã bồi thường cho anh T 17.000.000 đồng.
* Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 20/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định: Tuyên bố: Bị cáo Phạm C phạm tội “Giết người”.
Áp dụng: điểm n, p khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999; điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 2 Điều 46, Điều 18, Điều 52 Bộ luật Hình sự; Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015.
Xử phạt: Phạm C 11 (Mười một) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giam 22/3/2017.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi án xử sơ thẩm, ngày 02/10/2017 bị cáo Phạm C có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: Án sơ thẩm xử phạt bị cáo 11 năm tù là quá nặng nên đề nghị được giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo và nêu rõ lý do xin giảm nhẹ hình phạt là: Bị cáo nhất thời phạm tội, hậu quả chưa xảy ra, bị cáo có con còn nhỏ, lao động chính của gia đình. Kiểm sát viên đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, giữ nguyên hình phạt 11 năm tù đối với bị cáo. Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết mà bị cáo đã nêu để giảm hình phạt cho bị cáo.
Sau khi nghe bị cáo trình bày ý kiến về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; quan điểm của Kiểm sát viên về việc giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo; lời bào chữa của Luật sư bào chữa cho bị cáo và tranh luận tại phiên tòa. Sau khi thảo luận và nghị án.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1]. Theo lời khai của bị cáo và các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm thì có cơ sở để kết luận: Khoảng 17giờ 30 ngày 21/3/2017, tại quán bánh mỳ của bà Đặng Thị Ngọc A (phường PM, quận ST, thành phố Đà Nẵng) do nghi ngờ anh Trần Quang T là người báo cho bà A là C đến quán quậy phá nên C đã dùng dao đâm 3 nhát liên tiếp vào hông trái của anh Trần Quang T. Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 156/TgT ngày 25/5/2015 của Trung tâm pháp y thành phố Đà Nẵng kết luận: “Dấu vết chính qua giám định: Vết thương thấu ngực –bụng trái:
+ Đứt động mạch liên sườn, rách cơ hoành, tổn thương màng phổi gây tràn máu khoang màng phổi…
+ Rách lách gây tràn máu ổ bụng, đã được phẫu thuật cắt lách, dẫn lưu…
- Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 51% ”.
Với hành vi và hậu quả như trên, Án sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 20/09/2017 của TAND thành phố Đà Nẵng đã tuyên bố bị cáo Phạm C phạm tội: “Giết người”. Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2]. Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm C và lời bào chữa của Luật sư bào chữa đề nghị giảm hình phạt cho bị cáo thì thấy: Chỉ vì nghi ngờ anh Trần Quang T là người báo cho bà A là C đến quán quậy phá nên C đã dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm 3 nhát liên tiếp vào hông trái của anh Trần Quang T gây nên vết thương thấu ngực - bụng trái, đứt động mạch liên sườn, rách lách... Hành vi của bị cáo là nguy hiểm do dùng dao đâm liên tiếp vào chỗ hiểm yếu của bị hại, anh T không bị tử vong là do được cấp cứu kịp thời. Hành vi phạm tội của bị cáo “có tính chất côn đồ”, trước khi phạm tội bị cáo đã bị kết án nhiều lần nhưng chưa được xóa án tích nên lần phạm tội này của bị cáo là tái phạm nguy hiểm nên bị truy tố và xét xử theo 2 tình tiết định khung được quy định tại các điểm n và p khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khi quyết định hình phạt đối với bị cáo, án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ và hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, nhân thân của bị cáo để cho bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ được quy đinh tại các điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo 11 năm tù là không nặng đã tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo, cũng như Luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra các tình tiết xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: Bị cáo có con nhỏ, là lao động chính của gia đình, các tình tiết này cấp sơ thẩm đã xem xét nên không có tình tiết nào mới để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do không có tình tiết giảm nhẹ nào mới nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
[3]. Do kháng cáo không được chấp nhận, nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Từ những nhận định trên;
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm C. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
1. Áp dụng điểm n, p khoản 1 Điều 93; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 18 và Điều 52 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Phạm C (CB) 11 (Mười một) năm tù về tội: “Giết người”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22 tháng 03 năm 2017.
2. Án phí phúc thẩm: Bị cáo Phạm C phải nộp 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của Bản sơ thẩm về: Trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí sơ thẩm, quy định về thi hành án, chậm thi hành án được thực hiện theo Quyết định tại Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2017/HSST ngày 20/9/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 39/2017/HS-PT ngày 28/11/2017 về tội giết người
Số hiệu: | 39/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/11/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về