TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 383/2019/HS-PT NGÀY 12/07/2019 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG
Ngày 12 tháng 7 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 719/2018/HSPT-TL ngày 10 tháng 12 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L đối với bản án hình sự sơ thẩm số 33/2018/HSST ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.
Bị cáo có kháng cáo, không bị kháng cáo, không bị kháng nghị: Nguyễn Thị Mỹ L, sinh năm 1993, tại Tiền Giang. Nơi cư trú: Ấp 6, xã M, huyện C, tỉnh Tiền Giang; Chỗ ở hiện nay: ấp T, xã T1, huyện C1, tỉnh Tiền Giang; Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 11/12; Dân tộc: kinh; Giới tính: nữ; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị Hồng H; Bị cáo có chồng tên: Nguyễn Tấn L1 (đã ly hôn) và 02 con; Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo được tại ngoại (có mặt).
NHẬN THẤY
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Nguyễn Thị Mỹ L là công nhân của Công ty TNHH túi xách S TG1 thuộc khu công nghiệp T1 (tọa lạc xã T1, huyện C1, tỉnh Tiền Giang). Khoảng 08 giờ 30 phút ngày 13/6/2018 khi đang làm việc tại phân xưởng thì được công ty thông báo cho tất cả công nhân ngừng làm việc để ra về do bên ngoài có nhiều nhóm người biểu tình. L đi đến nhà để xe định lấy xe về thì thấy một nhóm khoảng trên 200 người đang tụ tập bên ngoài công ty biểu tình, kêu gọi kích động công nhân nghỉ việc nên L không lấy xe mà ra khỏi công ty cùng tham gia vào nhóm người này. Khi gia nhập vào nhóm người này, L nhìn thấy 02 người phụ nữ ( Không xác định họ, tên, địa chỉ cụ thể) đang bẻ nhánh cây làm cán cờ tra vào lá cờ Tổ quốc Việt Nam thì L đi đến phụ giúp, sau đó cùng với nhóm người này biểu tình trên các tuyến đường trong khu công nghiệp có trụ sở công ty của người nước ngoài đầu tư với khẩu hiệu “Phản đối Việt Nam không cho Trung Quốc thuê đất, dù chỉ một ngày”; “Nghỉ làm việc đi mọi người ơi, đừng làm cho công ty của Trung Quốc”.
Trong lúc tham gia biểu tình, L được một người phụ nữ lạ mặt (không xác định họ, tên, địa chỉ cụ thể) đưa một lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Theo L khai khi cầm lá cờ thì trong nhóm có người nói (không xác định được người nói) "Cầm cờ thì phải lên trước đi đầu” nên L tiến lên trước và dẫn nhóm người này đi đến Công ty TNHH H1 TG do B, sinh năm 1964, quốc tịch Hàn Quốc làm tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty hô hào, kích động với khẩu hiệu “Phản đối Việt Nam không cho Trung Quốc thuê đất, dù chỉ một ngày”. Khi đến trước cổng ra vào của Công ty H1, do cửa đang đóng (cửa rào bằng nhôm) nên một số người đi lại dùng tay xô đẩy, yêu cầu bảo vệ công ty mở cửa để vào phía trong nhưng bảo vệ của công ty không đồng ý thì nhóm người này tiếp tục xô đẩy làm ngã cửa cổng ( chưa xác định được đối tượng). L cầm cờ dẫn đầu nhóm người đi vào phía trong khuôn viên công ty ( khoảng 100 người) khi đi ngang nhà ăn và đến xưởng C1 của Công ty L cầm cờ quơ qua, quơ lại và kêu gọi nhiều lần cùng với nhóm người đi theo khấu hiệu “Nghỉ làm đi mọi người ơi, đừng làm cho công ty này nữa vì công ty này của Trung Quốc”. Khoảng 10 phút sau, L gặp một nhóm công nhân của Công ty TNHH H1 TG từ trong phân xưởng C1 đi ra nói “Công ty thông báo cho công nhân về hết rồi, mọi người đi về đi” nên L cùng nhóm người tham gia biểu tình đi trở ra ngoài.
Sau khi ra khỏi Công ty TNHH H1 TG, L tiếp tục cầm cờ dẫn đầu nhóm người này kéo đến trước cửa cổng Khu C của Công ty TNHH D do L2, sinh năm 1968, quốc tịch Trung Quốc (Đài Loan) làm Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty, yêu cầu bảo vệ Công ty mở cửa cổng để vào phía trong Công ty đồng thời có một số người xô đẩy cửa cổng rào nên bảo vệ công ty nói “Đừng xô đẩy làm hư cửa cổng, để mở cửa cho vào”. Sau khi bảo vệ mở cửa, L cùng với khoảng 60 người đi vào phía trong khuôn viên khu C của công ty và dẫn đầu nhóm người đi đến các phân xưởng C5, C6, C7, C8 kêu gọi khẩu hiệu “Nghỉ làm đi mọi người ơi, đừng làm cho công ty này nữa vì công ty này của Trung Quốc” thì được bảo vệ của công ty cho biết Công ty đã cho công nhân nghỉ và về trước đó rồi nên L cùng nhóm người này đi ra ngoài. L tiếp tục cầm cờ dẫn đầu nhóm người đi đến trước cổng Công ty TNHH túi xách S TG2 biểu tình thì bị lực lượng Công an áp giải về trụ sở Công an xã T1 đế làm việc.
Vật chứng vụ án:
- 01 (một) đĩa DVD lưu trữ các đoạn video ghi nhận hình ảnh Nguyễn Thị Mỹ L cùng nhóm người biểu tình có hành vi gây rối trật tự xảy ra vào ngày13/6/2018 tại Công ty TNHH H1 TG, Công ty TNHH D và trên các tuyến đường thuộc khu công nghiệp T1.
- 01 (một) USB ghi nhận hình ảnh một số đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 13/6/2018 tại Công ty TNHH H1 TG do Bùi Thanh V, sinh năm 1984 là người được công ty ủy quyền cung cấp.
- 01 (một) USB ghi nhận hình ảnh một số đối tượng có hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra ngày 13/6/2018 tại Công ty TNHH D do Trương Tấn Z, sinh năm 1988 là người được công ty ủy quyền cung cấp.
Qua kết quả điều tra, Nguyễn Thị Mỹ L khai nhận việc L tham gia tụ tập đông người biểu tình, gây rối là do thấy có đông người nên L cùng tham gia, không ai xúi dục, kêu rủ hay bàn bạc trước đó. Mục đích của việc L tham gia nhóm người biểu tình là để kêu gọi công nhân đang làm việc ở các công ty thuộc khu công nghiệp T1 đình công, nghỉ việc nhằm phản đối việc Nhà nước đang có chủ trương xem xét, thông qua dự thảo Luật đặc khu kinh tế chứ không vì mục đích chống đối hay phá hoại cách mạng Việt Nam.
Đối với Công ty TNHH H1 TG: Khi L cùng nhóm người biểu tình kéo đến gây rối và kêu gọi công nhân nghỉ việc, lãnh đạo Công ty TNHH H1 TG đã ra thông báo cho tất cả công nhân nghỉ việc ra về nhằm đảm bảo vấn đề an ninh trật tự vào thời điểm đó ở tại công ty, mặc dù công ty vẫn phải trả đầy đủ tiền lương làm việc trong ngày cho các công nhân.
Đối với Công ty TNHH D Việt Nam: quá trình điều tra xác minh có cơ sở xác định sau khi L cùng nhóm người biểu tình kéo đến gây rối và kêu gọi công nhân nghỉ việc tại Khu C thì không gây ra thiệt hại gì vì trước đó công ty đã ra thông báo cho tất cả công nhân tại Khu C được nghỉ làm việc trong ngày 13/6/2018 và chỉ còn lại khoảng 50 (năm mươi) người là cán bộ quản lý các phân xưởng và nhân viên Văn phòng ở lại vào thời điểm L cùng nhóm người biểu tình kéo đến tại Khu C.
Đối với các đối tượng khác có liên quan đã tham gia gây rối trật tự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh sẽ tiếp tục cũng cố hồ sơ xác minh làm rõ hành vi nếu có căn cứ sẽ xem xét xử lý sau.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 33/2018/HSST ngày 23/10/2018 Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L phạm tội “Gây rối trật tự công cộng". Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; điều 50; điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L 09 ( chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án. Ngoài ra, bản án cón tuyên về xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo và thi hành án theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/11/2018 bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L có đơn kháng cáo xin hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa nêu quan điểm: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo vẫn giữ nguyên kháng cáo xin hưởng án treo nhưng bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ gì mới. Hành vi của bị cáo ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây ảnh hưởng không tốt về tình hình chính trị. Bị cáo không biết về chủ trương đặc khu kinh tế và chủ trương cho thuê đất của Nhà nước. Bị cáo là người cầm lá cờ Tổ quốc Việt Nam đi đầu nhóm người biểu tình. Hành vi của bị cáo gây dư luận không tốt, thế giới sẽ đánh giá không đúng về tình hình chính trị tại Việt Nam. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.
XÉT THẤY
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L khai nhận hành vi của mình đúng như nội dung Bản án sơ thẩm đã nêu. Khoảng 8 giờ 30 phút ngày13/6/2018 Nguyễn Thị Mỹ L là công nhân của Công ty S TG1 được Công ty thông báo nghỉ việc để ra về do có nhiều nhóm người biểu tình. Nhưng L không ra về mà tham gia tụ tập đông người đến Công ty TNHH H1 TG (gọi tắt là Công ty H1) và Công ty TNHH D (gọi tắt là Công ty D) để biểu tình, kêu gọi kích động công nhân nghỉ việc. Trên đường đi L gặp người 01 người phụ nữ lạ mặt đưa L một lá cờ Tổ quốc Việt Nam. L cầm cờ đi đầu nhóm người tham gia biểu tình vào 02 Công ty trên quơ và kêu gọi, hô hào mọi người nghỉ việc nhiều lần đến khi bảo vệ thông báo công nhân về hết rồi thì L cùng nhóm người trở ra ngoài thì bị lực lượng chức năng phát hiện mời về làm việc.
[2] Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai những người làm chứng và các tài liệu khác đã có trong hồ sơ.
[3] Xét kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
[3.1] Về tội danh: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L tội “Gây rối trật tự công cộng" theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội.
[3.2] Về hình phạt:
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo có cung cấp thêm các chứng cứ là đơn xin xác nhận có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã M, huyện C, tỉnh Tiền Giang ngày 05/11/2018 có cha ruột bị cáo là Nguyễn Văn N bị tật câm, điếc bẩm sinh, được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; bị cáo có nơi cư trú rõ ràng tại ấp 6, xã M, huyện C, tỉnh Tiền Giang. Bị cáo có việc làm ổn định, làm công nhân cho Công ty TNHH túi xách S Việt Nam; tại địa phương, bị cáo chấp hành chính sách pháp luật, chưa có tiền án tiền sự hay vi phạm hành chính gì. Bị cáo là lao động chính trong gia đình, bị cáo và chồng đã ly hôn, bị cáo là người chăm sóc và nuôi dưỡng hai con; Giấy xác nhận của Chi Cục Thi hành án dân sự huyện Tân Phước ngày 05/11/2018; Phụ lục hợp đồng của bị cáo với Công ty TNHH túi xách S VN TG; bản án ly hôn số 06/2018/HNST ngày 08/02/2018 của Tòa án nhân dân huyện Tân Phước- tỉnh Tiền Giang; đơn xác nhận hoàn cảnh gia đình khó khăn. Đây không phải là tình tiết giảm nhẹ mới.
Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các Công ty tại khu công nghiệp. Bản thân bị cáo nhận thức được rằng tại khu công nghiệp T1 có rất nhiều Công ty nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh. Hành vi của bị cáo làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của các Công ty nước ngoài vào Tiền Giang nói chung và Khu công nghiệp T1 nói riêng, đồng thời ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương. Tòa án cấp sơ thẩm đã cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng với bị cáo là phù hợp.
[4] Bị cáo kháng cáo xin hưởng án treo nhưng không có tình tiết giảm nhẹ mới. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên án sơ thẩm như đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa đề nghị.
[5] Do không được chấp nhận kháng cáo, bị cáo L phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L. Giữ nguyên án sơ thẩm.
Áp dụng khoản 1 Điều 318; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 50; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L 09 ( chín) tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng". Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
2. Các nội dung khác trong quyết định Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2018/HSST ngày 23/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Bị cáo Nguyễn Thị Mỹ L phải chịu án phí hình sự phúc thẩm là 200.000 đồng.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 383/2019/HS-PT ngày 12/07/2019 về tội gây rối trật tự công cộng
Số hiệu: | 383/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/07/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!