TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THẠNH PHÚ, TỈNH BẾN TRE
BẢN ÁN 38/2019/HS-ST NGÀY 12/12/2019 VỀ TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 12 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 39/2019/TLST-HS ngày 19 tháng 11 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 2854/2019/QĐXXST-HS ngày 19 tháng 11 năm 2019, Quyết định hoãn phiên tòa số: 07/2019/HSST-QĐ ngày 30 tháng 11 năm 2019, đối với bị cáo:
Phạm Văn T, sinh năm 1966, tại Bến Tre; Nơi cư trú: ấp A, xã AQ, huyện P, tỉnh B; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ học vấn: 02/12; Con ông Phạm Văn Đ (chết) và bà Nguyễn Thị K (chết); Tiền án, tiền sự: không; bị cáo được điều tra tại ngoại. Bị cáo có mặt tại tòa.
Bị hại: Lê Thị H, sinh năm 1968; nơi cư trú: ấp A, xã An AQ, huyện P, tỉnh B (có mặt).
Nhân chứng: Nguyễn Văn L, sinh năm 1963; Nơi cư trú: ấp AN, xã AQ, huyện P, tỉnh B (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 07/7/2018 vào lúc 16 giờ 30 phút tại nhà ông Phạm Văn T, ông T cùng ông Nguyễn Văn L uống rượu. Bà Lê Thị H (là vợ ông T đã ly hôn) vừa cầm chổi quét nhà vừa chửi ông T nên bà H và ông T có lời qua tiếng lại. Ông T cầm ghế mũ định đánh bà H được ông L can ngăn nên ông T bỏ ghế xuống. Lúc đó, bà H đang cầm chổi tàu dừa giơ lên đánh ông T thì ông T chụp chổi hai tay nắm hai đầu chổi, bà H hai tay cầm giữa chổi. Trong lúc ông T, bà H giằng co qua lại bà H bị gãy tay phải. Bà H được đưa đi điều trị tại Trung tâm y tế huyện P sau chuyển đến bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.
Tại bản giám định pháp y về thương tích số 279-918/TgT ngày 05/10/2018 của trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích là 53%.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 10/19/TgT ngày 11/01/2019 Phân viện Pháp y quốc gia tại TP.HCM kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của Lê Thị H là 41%. Thương tích gãy nát nhiều mảnh 1/3 dưới xương cách tay phải của bà Lê Thị H là 41%. Thương tích gãy nát nhiều mảnh 1/3 dưới xương cánh tay phải của bà Lê Thị H là do tác đồng của ngoại lực (chấn thương) gây nên, không phải do bệnh lý.
Tại bản kết luận giám định pháp y số 85/19/TgT ngày 19/4/2019 Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế kết luận: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Lê Thị H là 41%; gãy 1/3 dưới xương cánh tay pải là do tác động của ngoại lực gây nên, bà Lê Thị H không có bệnh lý về xương.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 223/19/TgT ngày 08/10/2019 của Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế kết luận:
Trường hợp bà H cầm cây chổi, đối tượng nắm cây chổi vặn/bẻ khó có khả năng gây nên được thương tích gãy cánh tay phải của bà H.
Trường hợp đối tượng cầm vào tay bà H khi bà H đang cầm chổi vặn/bẻ hoặc vừa vặn/bẻ và tác động vào vùng cánh tay phải đều có khả năng gây nên được gãy xương cánh tay phải của bà H.
Tại bản cáo trạng số 41/CT-VKS ngày 18/11/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện P truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện P để xét xử đối với bị cáo Phạm Văn T về tội “Vô ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015.
Tại phiên tòa bị hại bà Lê Thị H trình bày: Vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 07/7/2018 tại nhà ông Phạm Văn T và ông Nguyễn Văn L uống rượu, bà H cầm chổi quét xung quanh thì nghe ông T nói với ông L đã ly hôn với bà H và ông T kêu ông L bán bò nên bà H có lên tiếng là không đồng ý. Sau đó giữa bà H và ông T có lời qua tiếng lại, ông T cầm ghế mũ định đánh bà H thì được ông L can ngăn nên ông T bỏ ghế xuống. Lúc đó bà H đang cầm chổi ông T giật chổi quăng ra sân rồi cầm tay bà H bẽ nên tay bà H gãy. Nay bà H yêu cầu xử lý hình sự ông T và yêu cầu bồi thường tiền thuốc, tiền điều trị, tiền bồi dưỡng, tiền mất thu nhập và tiền tổn thất tinh thần là 148.800.000 đồng. Tiền ăn và tiền công người nuôi bệnh 10 ngày là 2.000.000 đồng.
Nhân chứng ông Nguyễn Văn L trình bày: Vào ngày 07/7/2018 tôi đi công chuyện thì gặp anh T nên anh T rủ tôi đến nhà chơi. Khi đến nhà anh T khoảng 03 đến 04 giờ chiều, tôi và anh T mỗi người có uống rượu được khoảng 03 ly thì chị H về cầm chổi quét và chửi anh T về việc lấy xe hon đa chở ghệ đi. Anh T có với chị H có chuyện gì thì để mai nói hôm nay có khách nhưng chị H vẫn còn nói. Tôi thấy vậy nên nói với anh T tôi nghĩ và về cắt cỏ. Tôi đứng dậy chồng chén thì thấy anh T cầm ghế mũ định đánh chị H nên tôi có nói chuyện gì thì từ từ nên anh T bỏ ghế xuống. Lúc đó, chị H và anh T đứng gần nhau, chị H cầm chổi giơ lên đầu, anh T lấy tay cầm đuôi chổi, tay còn lại cầm cán chổi, chị H hai tay cầm ở giữa thân cây chổi, tôi thấy hai bên giựt qua, giựt lại và có xoay cây chổi khoảng 02 đến 03 phút thì chị H buông cây chổi, anh T đi ra ngoài và cầm chổi quăng ra sân. Sau đó, tôi thấy chị H cầm tay và la lên tôi gãy tay rồi anh L ơi nên tôi mới chậy đến xem và thấy tay chị H bị gãy, tôi kêu anh T chẻ tre để cặp tay chị H. Theo tôi tay chị H bị gãy là do giữa anh T và chị H cầm chổi giựt qua, giựt lại và có xoay cây chổi.
Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về vụ án, bảo lưu toàn bộ nội dung bản cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Văn T về tội “Vô ý gây thương tích”.
Áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b, i, s khoản 1 Điều 51, Điều 36 Bộ luật hình sự 2015 xử phạt bị cáo Phạm Văn T 01 năm cải tạo không giam giữ.
Do bị cáo Phạm Văn T chưa bồi thường cho bị hại Lê Thị H nên không buộc bị cáo nộp khấu trừ thu nhập.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Phạm Văn T bồi thường cho bị hại Phạm Thị H tiền thuốc 2.180.000 đồng, tiền tàu xe 1.800.000 đồng, tiền mất thu nhập 480 ngày mỗi ngày 100.000 đồng, tiền tổn thất tinh thần 10.000.000 đồng, tiền mất thu nhập và tiền ăn của người nuôi bệnh 2.000.000 đồng.
Tại phiên tòa bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo có lỗi gây thương tích cho bị hại Lê Thị H, xin Hội đồng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện P, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện P, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bị cáo, bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện điều hợp pháp.
[2] Tại phiên tòa bị cáo Phạm Văn T khai nhận ngày 07/7/2018 tại nhà bị cáo Phạm Văn T, ông T và ông L cùng uống rượu. Bà Lê Thị H chửi ông T nên bà H và ông T có lời qua tiếng lại. Ông T cầm ghế mũ định đánh bà H được ông L can ngăn nên ông T bỏ ghế xuống, lúc đó bà H đang cầm chổi tàu dừa giơ lên định đánh ông T thì ông T chụp chổi, một tay nắm đuôi chổi, một tay nắm đầu chổi, bà H cầm ở giữa thân chổi. Trong lúc ông T, bà H giằng co qua lại bà H bị gãy tay phải. Còn bà H cho rằng ông T hai tay cầm tay bà H bẻ gãy tay mà không phải hai bên giằng co cây chổi như ông T trình bày. Trong quá trình điều tra Cơ quan điều tra Công an huyện P đã trưng cầu giám định tại trung tâm pháp y tỉnh Bến Tre kết luận số 279- 918/TgT ngày 05/10/2018 kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do chấn thương là 53%. Sau đó yêu cầu giám định lại tại Phân viện pháp y quốc gia tại TP.HCM kết luận số 10/19/TgT ngày 11/01/2019: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời đểm giám định của Lê Thị H là 41%. Thương tích gãy nát nhiều mảnh 1/3 dưới xương cách tay phải của bà Lê Thị H là 41%. Thương tích gãy nát nhiều mảnh 1/3 dưới xương cánh tay phải của bà Lê Thị H là do tác đồng của ngoại lực gây nên, bà Lê Thị H không có bệnh lý về xương. Do mâu thuẫn giữa hai kết luận nên trưng cầu giám định lại lần 3 tại Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế kết luận số 85/19/TgT ngày 19/4/2019: Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên tại thời điểm giám định của nạn nhân Lê Thị H là 41%; gãy 1/3 dưới xương cánh tay pải là do tác động của ngoại lực gây nên, bà Lê Thị H không có bệnh lý về xương. Do kết luận mâu thuẫn với lời khai của bị cáo và bị hại nên Cơ quan điều tra Công an huyện P tiếp tục yêu cầu giám định bổ sung tại Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế theo kết luận số 223/19/TgT ngày 08/10/2019: Trường hợp bà H cầm cây chổi, đối tượng nắm cây chổi vặn/bẻ khó có khả năng gây nên được thương tích gãy cánh tay phải của bà H; Trường hợp đối tượng cầm vào tay bà H khi bà H đang cầm chổi vặn/bẻ hoặc vừa vặn/bẻ và tác động vào vùng cánh tay phải đều có khả năng gây nên được gãy xương cánh tay phải của bà H. Theo kết luận giám định của Viện pháp y quốc gia Bộ Y tế theo kết luận số 223/19/TgT ngày 08/10/2019 không khẳng định do hành vi nào gây nên vết thương. Bị cáo Phạm Văn T không thừa nhận ông bẻ tay bà H và bà H không chứng minh được bị cáo T dùng hai tay cầm tay bà H bẻ gãy tay của bà H. Vì vậy, ông Nguyễn Văn L là nhân chứng trực tiếp và duy nhất chứng kiến sự việc xảy ra, tại tòa ông Nguyễn Văn L trình bày khoảng cách từ chỗ ngồi của ông L đến chỗ bị cáo T và bị hại H giằng co khoảng 04 mét đến 05 mét, không có vật che khuất tầm nhìn, ông L chứng kiến bà H cầm chổi tàu dừa giơ lên bị cáo cầm được đuôi chổi tay còn lại cầm cán chổi, bà H hai tay cầm giữa thân chổi, bị cáo T và bà H giựt qua, giựt lại cây chổi, ông T có xoay cây chổi qua lại khoảng từ 02 đến 03 phút, sau đó bà H buông chổi ra. Ông L khẳng định bà H gãy tay là do bị cáo T và bị hại H giằng co cây chổi nên hành vi của bị cáo Phạm Văn T vô ý làm gãy tay của bà Lê Thị H nên đã cấu thành tội “Vô ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015.
[3] Tình tiết giảm nhẹ: Xét thấy bị cáo Phạm Văn T trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã thành thật khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo đã nộp 20.000.000 đồng để bồi thường cho bà H, bị cáo có nhân thân tốt phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên đây là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được quy định tại điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
[4] Về lượng hình: Bị cáo Phạm Văn T đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, trong vụ án lỗi của bị cáo T là vô ý. Mặc dù, bị cáo Phạm Văn T không cố ý làm gãy tay của bà Lê Thị H, nhưng buộc bị cáo T phải biết hành vi của mình sẽ gây thương tích cho bị hại H. Bị cáo T mặc nhiên thực hiện hành vi nên đã gây ra thương tích cho bị hại H và tỷ lệ thương tật qua giám định là 41%. Hội đồng xét thấy hành vi của bị cáo đã xâm hại đến sức khỏe của bị hại Lê Thị H nên phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Văn T có nhân thân tốt phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên xử phạt bị cáo cải tạo không giam giữ cũng đủ cải tạo bị cáo thành công dân có ích cho xã hội.
Buộc bị cáo Phạm Văn T nộp khấu trừ thu nhập mỗi tháng 600.000 đồng trong một năm chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 591 Bộ luật dân sự, Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015:
Bị hại Lê Thị H yêu cầu bị cáo Phạm Văn T bồi thường tiền thuốc, điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là 18.620.000 đồng xét thấy phần điều trị này bà Lê Thị H được miễn toàn bộ do bà thuộc diện có nơi cư trú bãi ngang nên không có căn cứ để chấp nhận.
Phần toa thuốc ngày 10/10/2019 là 490.000 đồng, toa thuốc ngày 10/11/2019 là 490.000 đồng. Tổng cộng là 980.000 đồng, đơn thuốc ngày 20/6/2019 có số tiền là 1.200.000 đồng của trạm y tế xã AQ tại phiên tòa bị cáo T đồng ý bồi thường nên tòa ghi nhận.
Đối với yêu cầu tiền sữa theo hóa đơn ngày 16/10/2019 với số tiền là 4.200.000 đồng bị cáo T không đồng ý bồi thường. Tại tòa, bà H không yêu cầu bị cáo phải bồi thường số tiền này nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Tiền tàu xe đi điều trị và tái khám 1.800.000 đồng, bị cáo đồng ý bồi thường nên tòa ghi nhận.
Đối với yêu cầu mất thu nhập của bà H, bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường từ ngày gãy tay đến ngày 05/11/2019 tổng cộng là 480 ngày, mỗi ngày 150.000 đồng, bị cáo không đồng ý. Hội đồng xét xử xét thấy tại phiên tòa bà H trình bày trước khi bị thương tích bị hại không có nghề nghiệp ổn định, hằng ngày phụ mua bán thủy sản với chị em, thu nhập không ổn định nên bị hại yêu cầu tiền mất thu nhập mỗi ngày 150.000 đồng là cao so với thực tế thu nhập của bị hại nên Hội đồng xét xử xét mức thu nhập bình quân tại địa phương là 100.000 đồng/ ngày là phù hợp. Bị hại H yêu cầu số ngày mất thu nhập từ ngày xảy ra thương tích đến ngày 05/11/2019 là 480 ngày, tại phiên tòa bị hại trình sau khi xuất viện chỉ đi tái khám một lần và sau khi điều trị 04 tháng bị hại tự chăm sóc bản thân. Hiện tại bị hại đang sống tại nhà và nuôi cháu ngoại. Mặt khác theo kết luận giám định thì xương cánh tay của bị hại đã bình phục. Do bị hại Lê Thị H không tái khám theo chỉ định của bác sĩ và không có kết luận của cơ sở y tế kết luận bị hại Lê Thị H mất khả năng lao động đến ngày 05/11/2019 nên Hội đồng xét xử xem xét thời gian mất thu nhập của bị hại Lê Thị H là 06 tháng từ ngày bị thương tích. Số tiền mất thu nhập của bà Lê Thị H được tính như sau: (06 tháng x 30 ngày) x 100.000 đồng = 18.000.000 đồng.
Tiền tổn thất tinh thần bị hại yêu cầu 50.000.000 đồng, xét thấy trong vụ án bị hại cũng có một phần lỗi dẫn đến việc giằng co cây chổi làm gãy tay của bị hại và yêu cầu mức bồi thường 50.000.000 đồng là mức cao theo quy định của pháp luật. Do đó, chỉ chấp nhận mức bồi thường tổn thất tinh thần của bị hại Lê Thị H là 10.000.000 đồng.
Yêu cầu tiền ăn và mất thu nhập của người nuôi bệnh khi bà H điều trị tại bệnh viện là 10 ngày mỗi ngày 200.000 đồng thành tiền là 2.000.000 đồng. Xét thấy tại phiên tòa bà Hồng trình bày người nuôi bệnh làm nghề bán bánh xèo nên mức thu nhập mỗi ngày 200.000 đồng là phù hợp nên bị cáo phải bồi thường tiền công người nuôi bệnh là 200.000 đồng x 10 ngày = 2.000.000 đồng.
Như vậy, tổng số tiền bị cáo Phạm Văn T phải bồi thường cho bà Lê Thị Hlà 2.180.000 đồng + 1.800.000 đồng + 18.000.000 đồng + 10.000.000 đồng + 2.000.000 đồng = 33.980.000 đồng.
Số tiền 20.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện P để bồi thường cho bị hại Lê Thị H nên tiếp tục tạm giữ khi bản án có hiệu lực pháp luật bồi thường cho bị hại.
[6] Án phí hình sự sơ thẩm: Căn cứ vào điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 bị cáo Phạm Văn T phải nộp án phí sơ thẩm là 200.000 đồng. Án phí dân sự giá ngạch (33.980.000 - 20.000.000 đồng) x 5% = 699.000 đồng.
[7] Luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên đã cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để đề nghị mức hình phạt là phù hợp nên chấp nhận.
Đề nghị phần bồi thường về mất thu nhập của bị hại số ngày bị mất thu nhập nhiều hơn nhận định của Hội đồng xét xử và đề nghị không áp dụng buộc bị cáo khấu trừ thu nhập do bị cáo chưa bồi thường cho bị hại. Xét thấy bị hại Lê Thị H bị thương tích là gãy xương cánh tay phải và sau khi điều trị xương đã bình phục nên số ngày mất thu nhập 480 ngày là quá dài; bị cáo có tài sản, có công việc và có thu nhập hàng tháng nên bị cáo có khả năng bồi thường cho bị hại và nộp khấu trừ thu nhập nên đề nghị của đại diện Viện kiểm sát Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Vô ý gây thương tích”.
1. Áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 2015, điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 36 Bộ luật hình sự 2015.
Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 01 (một) năm cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Giao bị cáo Phạm Văn T cho Ủy ban nhân dân xã AQ, huyện P, tỉnh B giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành cải tạo.
Buộc bị cáo Phạm Văn T mỗi tháng nộp 600.000 đồng vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 01 năm tính từ ngày bị cáo T chấp hành án.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 590 Bộ luật dân sự, Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015.
Buộc bị cáo Phạm Văn T bồi thường cho bị hại Lê Thị Hồng 33.980.000 đồng. Kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, có đơn yêu cầu của người được thi hành án (đối với khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.
Tiếp tục tạm giữ số tiền 20.000.000 đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện P theo biên lai thu số 0003167 ngày 25 tháng 11 năm 2019 đến khi bản án có hiệu lực pháp luật để bồi thường cho bị hại Lê Thị H.
3. Án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, buộc bị cáo Phạm Văn T phải nộp là 200.000 đồng.
Án phí dân sự giá ngạch: Bị cáo Phạm Văn T phải nộp là 699.000 đồng.
4. Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để yêu cầu tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 38/2019/HS-ST ngày 12/12/2019 về tội vô ý gây thương tích
Số hiệu: | 38/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Thạnh Phú - Bến Tre |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 12/12/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về