Bản án 37/2021/HS-PT ngày 14/01/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 37/2021/HS-PT NGÀY 14/01/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 14 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 505/2020/TLPT-HS ngày 28 tháng 9 năm 2020 đối với bị cáo Trần Tiến Đ; Do có kháng cáo của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2020/HSST ngày 19 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

- Bị cáo:

Trần Tiến Đ, sinh năm 1993 tại tỉnh Lâm Đồng; Thường trú: thôn Thanh X 2, xã L, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng; Cư trú: đường H, phường L1, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: Làm nông; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Trần Đức D (sinh năm 1969) và bà Danh Thị Y (Sinh năm 1972); Có vợ là Phạm Thị Y (sinh năm 1993) và 02 con (lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2016); Tiền án, tiền sự: Không; Nhân thân: Bản án phúc thẩm số 01/2020/HS-PT ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Bị cáo bị tạm giam ngày 19/7/2019. (có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Văn Ng – Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng. (có mặt) - Người bị hại có kháng cáo: Ông Phạm Ngọc L, sinh năm 1979. (có mặt) Địa chỉ: thôn 4, xã Đ, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có liên quan đến kháng cáo: Chị Phạm Thị Y, sinh năm 1993. (có mặt) Địa chỉ: đường H, tổ 13, phường L1, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng (Trong vụ án còn có 05 bị hại, 01 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bị cáo Trần Tiến Đ làm nghề tự do, làm thuê cho Công ty V kinh doanh lĩnh vực xây dựng tại thành phố B, đến khoảng cuối năm 2017, đầu năm 2018, bị cáo Đ bàn bạc và cùng anh Phạm Bảo Tr làm trang trại nuôi gà đá tại thôn Thanh X 2, xã L, thành phố B; theo đó anh Tr góp mặt bằng (đất), bị cáo Đ góp tiền để xây dựng trại nuôi gà. Khi thi công trại gà, bị cáo Đ còn nợ tiền của anh Tr nên vật liệu xây dựng phải mua chịu của các cửa hàng tại thành phố B.

Khoảng cuối tháng 01/2018, do không có tiền để trả công cho thợ, thanh toán các khoản nợ trước đây cho một số cửa hàng vật liệu xây dựng, nên bị cáo Đ nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt lấy tiền của người khác để trả nợ và tiêu xài cá nhân, cụ thể:

Vụ thứ nhất: Vào khoảng cuối tháng 01/2018, bị cáo Đ gặp ông Phạm Ngọc L (mẹ vợ ông L là chị ruột mẹ vợ của Đ) tại đám cưới, bị cáo Đ nói với ông L rằng bị cáo làm Công ty xuất nhập khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, có cảng nhập hàng ở Bình Dương, chuyên nhập hàng sắt, thép phế liệu, hàng điện lạnh, điện tử, xe máy đã qua sử dụng về bán có lời nhiều, đồng thời đề nghị ông L nếu có tiền hỗ trợ vốn để kinh doanh, bị cáo hứa sau khi bán hàng sẽ trả lại tiền vốn cho ông L chậm nhất là cuối tháng 04/2018 và sẽ chia cho ông L một phần lợi nhuận. Ông L tin là thật nên về nhà bàn với vợ là bà Trần Thị Kiều O, sau đó ông L và bà O chuyển, giao tiền cho bị cáo Đ nhiều lần cụ thể như sau:

Lần thứ 1: Ngày 23/01/2018, ông L, bà O đưa cho bị cáo Đ số tiền 300.000.000 đồng tại quán cà phê S (đường Ng, phường L1), việc giao nhận tiền không có giấy tờ, sau đó bị cáo Đ chỉ hứa miệng chậm nhất đến cuối tháng 4/2018 sẽ trả lại tiền cho ông L.

Lần thứ 2: Ngày 23/01/2018, Đ gọi điện thoại cho ông L và nói đang ở cảng tại Bình Dương, thấy hàng đẹp, còn nhiều, cần tiền mua thêm, đề nghị ông L chuyển vào tài khoản cho bị cáo Đ để đỡ mất công về B nhận và hứa đến cuối tháng 4/2018 sẽ trả đủ. Do tin là thật, ông L cùng anh Lữ Văn T đến Ngân hàng S, phòng giao dịch B chuyển vào tài khoản của bị cáo Đ số tiền 200.000.000đ.

Lần thứ 3: Ngày 24/01/2018, bị cáo Đ đề nghị ông L chuyển thêm tiền để lấy hết lô hàng còn lại, đồng thời hứa sẽ trả hết tiền cho ông L vào cuối tháng 04/2018. Tin là thật, ông L cùng với anh Lữ Văn T đến ngân hàng S phòng giao dịch B chuyển vào tài khoản của Đ số tiền 300.000.000 đồng.

Lần thứ 4: Ngày 30/01/2018, bị cáo Đ nói cần thêm tiền để mua hết lô hàng, nên ông L cùng với anh T tiếp tục đưa cho bị cáo Đ số tiền 350.000.000 đồng tại trại nuôi gà đá của Đ.

Lần thứ 5: Ngày 06/02/2018, bị cáo Đ nói với ông L gần tết rồi nên cần số tiền 100.000.000 đồng để lo thủ tục hải quan, giải phóng hàng cho nhanh, hiện bị cáo Đ chỉ có 40.000.000 đồng, cần ông L giúp cho Đ thêm 60.000.000 đồng nữa và hứa đến cuối tháng 4/2018 sẽ trả đủ. Tin là thật, ông L cùng anh T đưa số tiền 60.000.000 đồng cho bị cáo Đ tại nhà của bị cáo Đ mà không có giấy tờ.

Lần thứ 6: Ngày 16/3/2018, bị cáo Đ tiếp tục nói như các lần trước cần tiền và đề nghị ông L giúp đỡ thêm. Ông L cùng với anh T đưa số tiền 200.000.000 đồng đến nhà giao cho Đ không làm giấy tờ, bị cáo Đ hứa đến cuối tháng 04/2018 sẽ trả.

Lần thứ 7: Ngày 22/3/2018, ông L cùng với anh T đưa số tiền 200.000.000 đồng cho bị cáo Đ tại trại nuôi gà đá của Đ theo yêu cầu của Đ.

Lần thứ 8: Ngày 29/3/2018, bị cáo Đ điện thoại và nói ông L nói cần tiền để nhập xe máy Thái Lan và hàng điện lạnh bị lỗi về bán, nên ông L cùng với anh T đã đưa cho bị cáo Đ số tiền 100.000.000 đồng tại trại nuôi gà đá của Đ.

Lần thứ 9: Ngày 02/4/2018, bị cáo Đ tiếp tục nói cần tiền nhập hàng điện lạnh bị lỗi từ Thái Lan; đề nghị ông L giúp thêm vốn càng nhiều càng tốt và hứa một hai tuần sau sẽ trả. Ông L cùng với anh T đã đến trại nuôi gà đá đưa cho bị cáo Đ số tiền 140.000.000 đồng.

Không chỉ dừng lại ở việc đưa những thông tin gian dối để chiếm đoạt tiền của ông L. Bị cáo Đ tiếp tục tạo thêm lòng tin với ông L vì thời điểm này ông L liên tục yêu cầu Đ phải trả tiền, bị cáo Đ nói với ông L Công ty mà Đ đang làm tặng thưởng cho bị cáo Đ chiếc xe máy, nhưng nhà đã có xe nên bị cáo Đ cho ông L sử dụng. Đến ngày 07/5/2018, bị cáo Đ dẫn ông L đến cửa hàng xe máy T tại thành phố B mua một chiếc xe máy nhãn hiệu YAMAHA EXCITER màu trắng - đỏ giá 50.000.000 đồng và đăng ký biển số 49K 1-549.31 cho ông L đứng tên là chủ sở hữu.

Lần thứ 10: Do đã quá hẹn nhiều ngày nhưng bị cáo Đ không trả tiền như lời hứa, ông L gọi điện thoại thì Đ đưa ra nhiều lý do và tránh mặt. Ngày 30/5/2018, bị cáo Đ nói với ông L khi rút tiền từ ngân hàng ra để trả ông L thì bị Công an kinh tế B lập biên bản niêm phong, nên cần tiền nộp phạt mới lấy được tiền ra trả cho ông L, đề nghị ông L cho Đ mượn thêm tiền. Ông L vẫn tin là thật nên đã mang chiếc xe mô tô YAMAHA EXCITER biển số 49K1-549.31 đi cầm cố được số tiền 30.000.000 đồng. Tuy nhiên, khi ông L cùng anh T gọi điện thoại hẹn gặp để giao tiền thì bị cáo Đ nói đang bận việc, cứ đưa tiền cho vợ của Đ cũng được nên ông L giao tiền cho vợ Đ.

Mấy ngày sau ông L vẫn không thấy Đ trả tiền, đi tìm thì không gặp, gọi điện thoại thì bị cáo chỉ hứa sẽ trả. Sau đó bị cáo Đ giả giọng và tự xưng tên Phạm Tuấn Đ là nhân viên Ngân hàng S gọi đến máy điện thoại của ông L thông báo có Trần Tiến Đ đã chuyển 04 tỷ đồng vào tài khoản của ông L nhưng tài khoản đang bị treo, chiều hoặc mai sẽ nhận được tiền.

Đến tháng 10/2018, do vẫn không thấy bị cáo Đ trả tiền mà chỉ hứa, nên vợ chồng ông L đến nhà yêu cầu trả tiền và yêu cầu vợ chồng Đ viết giấy nhận tiền để ông L giữ. Chị Phạm Thị Y (vợ Đ) đã viết “giấy nhận tiền” với nội dung “Có nhận của vợ chồng ông L, bà O số tiền 1.880.000.000đ do anh chị đưa từ đầu năm 2018 để làm ăn chung” và hứa sẽ trả đầy đủ. Tuy nhiên do bị cáo Đ không trả tiền theo cam kết, nên ông L làm đơn tố cáo hành vi của bị cáo Đ đến Công an tỉnh Lâm Đồng.

Như vậy tổng số tiền bị cáo Đ đã chiếm đoạt của ông L là 1.880.000.000 đồng.

 Vụ thứ hai: Khoảng đầu năm 2018, biết được ông Danh S (bác ruột của bị cáo Đ) có ý định mua xe ô tô vận tải nhẹ để sử dụng. Do cần tiền để tiêu xài cá nhân nên Đ đến nhà ông S nói với vợ chồng ông S rằng Công ty Đ làm việc có tặng thưởng cho Đ 01 chiếc xe ô tô tải loại 1,25 tấn, nếu ông S cần thì bán lại với giá rẻ vì Đ không có nhu cầu sử dụng. Ông S hỏi Đ Công ty nào thì bị cáo Đ không nói tên, nhưng Đ hứa một tháng sau sẽ có xe. Tin bị cáo Đ là cháu ruột trong gia đình nói thật nên đồng ý và đưa cho bị cáo Đ 200.000.000 đồng không ghi giấy tờ.

Một tháng sau, ông S thấy chưa có xe nên hỏi thì Đ nói “hiện chưa có xe, quý sau mới có” nhưng ông S không đồng ý, yêu cầu trả tiền; Đ vẫn tiếp tục khẳng định với ông S chắc chắn là có xe vì Đ là người lớn, sau đó Đ dẫn ông S xuống Thành phố Hồ Chí Minh vào một cửa hàng bán xe ô tô hiệu Ford để xem, tại đây Đ nói với ông S thôi không có xe tải thì lấy chiếc xe ô tô Ford Ranger màu cam giá 950.000.000 đồng mà hai người vừa mới xem vì trong tài khoản của Đ có 900.000.000 đồng, ông S chỉ cần bù thêm 50.000.000 đồng nữa là đủ, nhưng do ông S không có tiền nên hai người ra về.

Khoảng 03 ngày sau, Đ gọi điện thoại nói ông S đưa cho Đ 50.000.000 đồng để xuống thành phố Hồ Chí Minh lấy xe về, ông S nói hiện chỉ có 20.000.000 đồng; Đ nói ông S đưa bao nhiêu cũng được, còn thiếu bao nhiêu thì Đ sẽ bù. Ông S đồng ý và đưa số tiền 20.000.000 đồng cho Đ không ghi giấy tờ, sau khi nhận tiền Đ hứa hai ngày sau sẽ có xe giao cho ông S tại Trạm đăng kiểm xe thành phố B. Đúng hẹn, ông S đến Trạm đăng kiểm xe thành phố B chờ nhưng mãi cũng không thấy Đ đến, gọi điện thoại thì Đ nói ông S cứ về chòi ở rẫy chờ, Đ sẽ mang xe vào cho, nhưng cũng không thấy Đ mang xe đến. Lúc này ông S biết mình đã bị lừa nên đến ngày 24/9/2019 ông S làm đơn tố cáo bị cáo Đ đến Công an tỉnh Lâm Đồng.

Vụ thứ ba: Anh Danh Đức T1 (con ông S, bà Th, anh em chú - bác với bị cáo) có nhu cầu mua xe máy để sử dụng. Biết được thông tin này, khoảng tháng 01/2018, Đ gặp, nói với bà Th, anh T1 rằng Đ được Công ty hỗ trợ 20.000.000 đồng, tương đương với chiếc xe máy Yamaha Sirius, nếu anh T1 cần mua xe thì Đ bán rẻ cho. Anh T1 đồng ý, Đ nói anh T1 là thanh niên đi Exciter thì đẹp và thời trang hơn, nhưng phải bù thêm 30.000.000 đồng mới đủ. Tin tưởng Đ là người nhà nói là thật nên bà Th đã đưa cho bị cáo Đ số tiền 30.000.000 đồng để Đ mua xe cho anh T1.

Đến tháng 04/2018, Đ vẫn chưa mua xe cho anh T1 như đã hứa; khi bà Th hỏi thì Đ nói từ từ có. Thời điểm này Đ cũng đang bị ông L liên tục tìm để đòi tiền nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của anh T1 để sử dụng cho cá nhân. Do vậy, ngày 18/5/2018, bị cáo Đ đưa anh T1 đến cửa hàng xe máy T tại thành phố B mua 01 chiếc xe máy nhãn hiệu Yamaha Exciter màu trắng-đỏ-đen với giá 44.500.000 đồng. Anh T1 đưa chứng minh nhân dân cho Đ để cửa hàng làm thủ tục đăng ký tên chủ sở hữu và nhận biển số 49K1-550.09. Anh T1 sử dụng xe được hơn 01 tuần thì có giấy chứng nhận đăng ký ghi tên Danh Đức T1; chứng minh nhân dân của anh T1 thì Đ vẫn giữ.

Buổi trưa cùng ngày lấy cà vẹt xe và lắp biển số, Đ nói với anh T1 số seri trên giấy đăng ký xe bị lỗi nên đưa lại cho Đ mang ra cửa hàng sửa lại. Khoảng 16 giờ cùng ngày, Đ gọi cho anh T1 nói đưa xe cho Đ để đối chiếu cho khớp, anh T1 đã giao xe 49K1-550.09 cho Đ tại sân bóng đá mini L1 thuộc thành phố B. Hai ngày sau, Đ gọi điện thoại cho anh T1 nói xe của T1 phải độ cho đẹp, gắn thêm phụ kiện đồ chơi nhưng chưa xong. Ba ngày sau, anh T1 tiếp tục gọi điện thoại hỏi Đ xe xong chưa thì Đ trả lời đang độ phuộc xe nên chưa xong. Khoảng 01 tuần sau, Đ nói với anh T1 xe bị trục trặc khung sườn nên để Đ đổi lại cho anh T1 chiếc xe khác.

Đến ngày 08/6/2018, Đ mang chiếc xe máy Yamaha Exciter của anh T1 đến tiệm cầm đồ T tại thành phố B cầm cho anh Nguyễn Văn Đ được 35.000.000 đồng. Hết thời hạn ghi trong hợp đồng cầm cố nhưng không thấy người cầm xe quay lại trả tiền để chuộc nên chủ cửa hàng đã thanh lý bán xe thu hồi vốn; đến nay anh Đức không nhớ đã bán xe cho ai, ở đâu; Cơ quan điều tra không thu giữ được.

Tại Kết luận số 575/KL-HĐĐG ngày 20/3/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Lâm Đồng kết luận xe mô tô Yamaha Exciter BKS 49K1-550.09 giá trị tại thời điểm giám định là 44.968.000 đồng.

Trong quá trình điều tra, xác minh đơn tố giác đối với Đ, Cơ quan điều tra còn xác định Đ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông Nguyễn Hồng C như sau: Đ có quen biết ông C vào tháng 5/2018, trong một lần đến ngân hàng và cùng nhau đi uống cà phê và nói chuyện làm ăn. Do cần tiền tiêu xài cá nhân và trả nợ nên bị cáo Đ nói với ông C rằng Đ không làm sơn nước nữa mà chuyển sang buôn hàng container, nhập máy cày đã qua sử dụng từ Nhật về. Đ rủ ông C hùn 50.000.000 đồng để nhập máy cày về bán kiếm lời, do lúc này ông C cũng có ý định mua một chiếc máy cày nên khi nghe bị cáo Đ nói đã đồng ý. Khoảng nửa tháng sau, ông C gặp và giao cho bị cáo Đ số tiền 50.000.000 đồng không ghi nhận giấy tờ, Đ hứa một tuần hoặc 10 ngày nữa thì máy cày về sẽ giao cho ông C. Quá thời gian mà không thấy Đ giao máy cày nên ông C gọi điện hỏi thì Đ hứa với ông C cho qua chuyện. Đến khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10/2018 vẫn chưa thấy Đ giao máy cày, Đ đồng ý để ông C lấy chiếc máy cày Kobuta của ông Danh S gửi tại trại gà của Đ để trừ nợ.

Như vậy, tổng số tiền Đ đã chiếm đoạt của các bị hại ông L, ông S, ông C, anh T1 là 2.194.500.000 đồng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2020/HSST ngày 19 tháng 8 năm 2020, Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Trần Tiến Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174, điểm g khoản 1 Điều 52, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Trần Tiến Đ 15 (mười lăm) năm tù. Áp dụng khoản 1 Điều 56 của BLHS năm 2015; tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt 03 năm tù Bản án phúc thẩm số 01/2020/HS-PT ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 19/7/2019.

Căn cứ Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 2015; các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Trần Tiến Đ có nghĩa vụ bồi thường cho ông Phạm Ngọc L, bà Trần Thị Kiều O số tiền 1.850.000.000 đồng; bồi thường cho ông Danh S, bà Nguyễn Thị Thi số tiền 220.000.000 đồng; bồi thường cho anh Danh Đức T1 số tiền 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 01/9/2020, bị hại ông Phạm Ngọc L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phạm Ngọc L vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo; đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại do bỏ lọt người phạm tội là chị Phạm Thị Y; cần buộc chị Phạm Thị Y liên đới với bị cáo Trần Tiến Đ bồi thường cho ông L, bà O số tiền 1.850.000.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án: Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì ông Phạm Ngọc L đưa tiền cho chị Phạm Thị Y 01 lần, số tiền 30.000.000 đồng do bị cáo Đ không có nhà và nhờ chị Y nhận giùm. Việc đưa ra thông tin gian dối và nhận tiền chiếm đoạt của bị hại là do bị cáo Đ trực tiếp thực hiện; không có chứng cứ chứng minh có sự tham gia của chị Y. Bản án sơ thẩm xét xử là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Ngọc L; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bị hại ông Phạm Ngọc L cho rằng chị Y biết việc bị cáo Đ lừa ông và cùng với bị cáo Đ nhận tiền của ông nên mới viết giấy nhận nợ cho ông. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm để điều tra xét xử lại, xử lý hành vi phạm tội của chị Phạm Thị Y.

Bị cáo Trần Tiến Đ và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Phạm Thị Y đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Ngọc L; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Đơn kháng cáo của ông Phạm Ngọc L làm trong hạn luật định, hợp lệ nên được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nêu. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác trong vụ án, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, có đủ cơ sở kết luận:

Do cần tiền tiêu xài và trả nợ, Trần Tiến Đ nói với ông Phạm Ngọc L rằng Công ty nơi Đ làm việc có nhập hàng sắt, thép, phế liệu, điện tử… đã qua sử dụng ở cảng Bình Dương về bán lợi nhuận cao; Đ đề nghị ông L góp vốn cùng Đ để kinh doanh nhưng thực tế không có việc nhập hàng về như Đ đã nói. Tin tưởng Đ, trong khoảng thời gian từ tháng 01/2018 đến tháng 5/2018 ông L đã 10 lần chuyển tiền cho bị cáo Đ, tổng cộng 1.880.000.000 đồng.

Cũng trong khoảng thời gian từ đầu năm 2018, Đ biết ông Danh S có nhu cầu mua xe tải nên nói dối ông S rằng bị cáo được Công ty tặng chiếc xe tải 1,25 tấn, nếu ông S cần thì bán rẻ lại cho ông S. Tin tưởng Đ, ông S, bà bà Th giao cho Đ số tiền 220.000.000 đồng để mua xe. Sau khi nhận tiền, Đ không thực hiện mua xe như đã hứa mà sử dụng tiêu xài cá nhân. Tương tự, bị cáo Đ nói với anh Danh Đức T1 rằng mình được Công ty hỗ trợ 20.000.000 đồng, tương ứng giá trị 1 chiếc xe máy hiệu Sirius và nói anh T1 bù thêm 30.000.000 đồng để mua chiếc xe máy hiệu Exciter. Sau khi anh T1 đưa tiền, bị cáo vẫn thực hiện việc mua xe, đăng ký tên anh T1 nhưng bị cáo nói với anh T1 số seri trên giấy đăng ký xe bị lỗi và cần phải độ lại một số bộ phận xe; anh T1 tin tưởng giao lại xe cho bị cáo thì bị cáo đem đi cầm cố, hiện không thu hồi được tài sản.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Tiến Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và buộc bị cáo bồi thường tiền chiếm đoạt cho các bị hại là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

[3] Xét kháng cáo của bị hại ông Phạm Ngọc L:

Ông L kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt người phạm tội là chị Phạm Thị Y (vợ của bị cáo Trần Tiến Đ); cần buộc chị Y liên đới với bị cáo Đ bồi thường số tiền 1.850.000.000 đồng cho ông L, bà O.

Hội đồng xét xử xét thấy mặc dù chị Y có ký tên vào giấy biên nhận nợ ông L tổng số tiền 1.880.000.000 đồng nhưng trong suốt quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm cả bị cáo Trần Tiến Đ và ông Phạm Ngọc L đều có lời khai xác định quá trình thỏa thuận góp vốn, giao dịch chuyển tiền đều do ông L và bị cáo Đ thực hiện trực tiếp với nhau; không có sự tham gia của chị Phạm Thị Y. Ông L giao tiền cho bị cáo tổng cộng 10 lần, trong đó có 08 lần đưa bằng tiền mặt và 02 lần gửi vào tài khoản ngân hàng của bị cáo Đ. Trong 08 lần đưa bằng tiền mặt thì chỉ có 01 lần ông L giao cho cho chị Y số tiền 30.000.000 đồng; nhưng giao do yêu cầu của bị cáo Đ vì bị cáo Đ vắng nhà. Chị Y nhận số tiền 30.000.000 đồng trên cơ sở nhận thay cho bị cáo Đ, không biết việc bị cáo đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông L. Do đó, không đủ cơ sở để xác định chị Phạm Thị Y đồng phạm với bị cáo Trần Tiến Đ trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền của ông Phạm Ngọc L, bà Trần Thị Kiều O.

Ông Phạm Ngọc L kháng cáo yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với chị Y và buộc chị Y liên đới bồi thường là không có cơ sở chấp nhận; cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo của bị hại ông Phạm Ngọc L.

Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 29/2020/HSST ngày 19 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Tuyên bố bị cáo Trần Tiến Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174, điểm g khoản 1 Điều 52, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Trần Tiến Đ 15 (mười lăm) năm tù. Áp dụng khoản 1 Điều 56 của BLHS năm 2015; tổng hợp hình phạt của bản án này với hình phạt 03 năm tù Bản án phúc thẩm số 01/2020/HS-PT ngày 08/01/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng; buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 18 (mười tám) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 19/7/2019.

Căn cứ Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 2015; các Điều 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Trần Tiến Đ có nghĩa vụ bồi thường cho ông Phạm Ngọc L, bà Trần Thị Kiều O số tiền 1.850.000.000 đồng; bồi thường cho ông Danh S, bà Nguyễn Thị Thi số tiền 220.000.000 đồng; bồi thường cho anh Danh Đức T1 số tiền 30.000.000 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thi hành khoản tiền nêu trên thì còn phải chịu tiền lãi phát sinh đối với số tiền chậm thi hành án theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chậm thi hành án.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

341
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2021/HS-PT ngày 14/01/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:37/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/01/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về