Bản án 37/2020/HS-PT ngày 28/05/2020 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

BẢN ÁN 37/2020/HS-PT NGÀY 28/05/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 28 tháng 5 năm 2020, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 98/2019/TLPT-HS ngày 25/11/2019 đối với bị cáo Trương Văn Đ và Phạm Trường P do có kháng cáo của người bị hại, đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện B.

Các bị cáo bị kháng cáo:

1. Trương Văn Đ, sinh năm 1990; Tên gọi khác: Không; Nơi sinh: Bình Thuận; Nơi cư trú: Thôn 1, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình Đ văn hóa (học vấn): 8/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trương Thanh L, sinh năm 1954 (Đã chết) và bà: Phan Thị N, sinh năm 1955; Vợ, con: Chưa có.

Tiền án: Ngày 13.12.2013 bị Tòa án nhân dân huyện Bắc Bình xử phạt 15 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, ngày 26.11.2014 đã chấp hành xong hình phạt tù, nhưng chưa chấp hành việc bồi thường cho người bị hại, nên chưa được xóa án tích; Tiền sự: Không.

Bị bắt tạm giam từ ngày 26/3/2019 cho đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận.

2. Phạm Trường P, sinh năm 1981; Tên gọi khác: Không; Nơi sinh: Bình Thuận; Nơi cư trú: Thôn H, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình Đ văn hóa (học vấn): 5/12; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Phan Văn Q, sinh năm 1956 và bà: Đặng Thị H, sinh năm 1959; Vợ: Ịp Sùi Ng, sinh năm 1981, hiện đang ở tại Thôn H, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận. Con: Có 02 người, lớn nhất sinh năm 2004, nhỏ nhất sinh năm 2009. Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân:

- Ngày 19.11.2003, bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích“ đã thi hành xong bản án.

- Ngày 22.9.2011, bị Tòa án nhân dân quận 2, TP. Hồ Chí Minh xử phạt 05 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích“, đã thi hành xong bản án.

Bị bắt tạm giam từ ngày 29/5/2019 cho đến nay, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận.

Người bị hại: Ông Phùng Thanh D, sinh năm 1987 Nơi cư trú: Thôn 1, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Trần Văn Đ thuộc Công ty Luật BT.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/ Ông Phạm Văn Q, sinh năm: 1956 Nơi cư trú: Thôn 2, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận.

2/ Ông Trương Quốc S, sinh năm 1980 Nơi cư trú: Khu phố L, thị trấn S, huyện B, tỉnh Bình Thuận.

Tại phiên tòa phúc thẩm có mặt các bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại; vắng mặt người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2018 đến tháng 01 năm 2019, Trương Văn Đ, sinh năm 1990 và Phùng Thanh D (tức Ly), sinh năm 1987 cùng ở thôn 01, xã S, huyện B, tỉnh Bình Thuận có liên quan với nhau trong việc bảo vệ và thi công một phần của công trình Dự án điện năng lượng mặt trời thuộc xã S, huyện B và phát sinh mâu thuẫn. Vì vậy, Đ đã tìm cơ hội để đánh D nhằm mục đích trả thù.

Khong 16 giờ chiều ngày 26/02/2019, Trương Văn Đ lấy tại nhà 01 cây rựa có lưỡi rựa dài khoảng 30 cm, đầu lưỡi cong quắp, bản rộng 05cm, cán tròn màu trắng làm bằng Inox dài khoảng 10cm và 01 cây dao tự tạo (cây mã tấu) dài khoảng 60cm, để lên ba ga xe mô tô hiệu AirBlade màu đen (không rõ biển số) mượn của người bạn tên Khình (không rõ họ và địa chỉ), rồi điều khiển xe mô tô chạy đến công trình Dự án điện năng lượng mặt trời ở xã S, huyện B kiểm tra công việc; sau đó, Đ chạy xe mô tô đến Quán 333 ở thị trấn S nhậu với bạn thì gặp Phạm Trường P, sinh năm 1981 là người quen cùng xã, Đ chở P ra đường Quốc lộ 1A, rồi chạy hướng từ thị trấn Lương Sơn về xã S (lúc này cả Đ và P đều đeo khẩu trang che mặt). Trên đường đi, khi chạy ngang qua quán Gia Hân của nhà D (nằm bên trái đường QL1A theo hướng xe Đ chạy) thuộc khu vực thôn Suối Nhuôm, xã S, huyện B thì Đ phát hiện thấy xe ô tô bán tải của Phùng Thanh D đậu trước quán nên Đ chạy xe mô tô chở P thêm 01 đoạn ngắn nữa đến đầu đoạn đường mở của dải phân cách đường Quốc lộ 1A thì quay đầu xe lại chạy đến cách quán Gia Hân khoảng 30 mét thì dừng xe lại dựng bên lề đường và thông báo cho P biết mục đích của Đ là tìm gặp D để giải quyết mâu thuẫn. Sau đó Đ lấy 01 cây rựa trên ba ga xe mô tô cầm trên tay đi vào quán Gia Hân. Nhận thức được ý định của Đ là sẽ đánh D trả thù và với mục đích hỗ trợ cho Đ nên P vội lấy 01 cây dao mã tấu còn lại trên ba ga xe mô tô của Đ và đi theo phía sau Đ.

Khi đi đến trước cổng quán Gia Hân, Trương Văn Đ nhìn thấy Phùng Thanh D đang nằm trên võng trong sân cách đó khoảng 2,5 m thì Đ cầm cây rựa xông đến chém hướng từ trên xuống 02 nhát trúng vào mạn sườn trái, cẳng cổ tay trái của D gây thương tích. Bị chém bất ngờ D phản ứng bật dậy chui qua võng bỏ chạy vào phía trong thì Đ tiếp tục cầm cây rựa chém 01 nhát trúng vào mặt sau cánh tay trái của D thì cán rựa bị gãy dính theo lưỡi rựa rớt xuống đất; Đ cầm phần cán rựa còn lại vừa quay người chạy ngược ra lại ngoài đường thì lập tức lúc này Phạm Trường P cầm cây dao mã tấu xông tới chém 01 nhát từ phía sau vào người của D, nhưng do dao vướng vào võng và D chạy ra ngoài tầm với của cây dao nên không bị chém trúng. Ngay sau đó, thấy nhiều người trong nhà chạy ra thì P bỏ chạy theo Đ ra đứng ngoài đường ngay trước quán và cầm cây dao mã tấu chỉ thẳng vào trong quán đe dọa những người có ý định xông ra. Thấy P chạy ra thì Đ đến nổ máy xe mô tô chở P bỏ chạy về hướng Trạm thu phí S về đến nhà của P thì Đ lấy lại cây dao mã tấu P đang cầm. Theo Đ khai thì sau đó Đ chạy xe mô tô đến sông S cầm cây dao mã tấu ném xuống Sông, còn cán rựa ném vào bụi cây gần đó, nhằm phi tang vật chứng; sau đó Đ trả xe mô tô hiệu AirBlade, màu đen lại cho Khình và đi về nhà.

Phùng Thanh D bị thương, được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa khu vực B Thuận cấp cứu và chuyển đến Bệnh viện An Phước điều trị vết thương. Sau khi xuất viện về nhà, Phùng Thanh D làm đơn tố cáo, yêu cầu xử lý hình sự đối với Trương Văn Đ và Phạm Trường P và yêu cầu giám định thương tích.

Tại nơi xảy ra vụ án trước đó đã được gia đình bị hại Phùng Thanh D lắp đặt Camera quan sát có kèm theo đầu ghi (bộ nhớ) đang hoạt động cho nên diễn biến hành vi phạm tội của Đ và P đã bị Camera ghi lại toàn bộ. Sau khi vụ án xảy ra thì anh D đã trích xuất dữ liệu (lưu vào USB) có ghi lại diễn biến hành vi phạm tội của Đ và P giao nộp cho Cơ quan điều tra.

Tại bản kết luận số: 147/2019/TgT ngày 15/3/2019 của Trung tâm pháp y tnh Bình Thuận (BL: 20) kết luận thương tích về Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái của Phùng Thanh D như sau:

- Chấn thương mạn sườn trái, gãy kín xương sườn số VII bên trái, đã được điều trị hiện chưa ổn định, để lại dấu bầm tím không liên tục, kích thước: 07cm x 06cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 5% - Sẹo vết thương phần mềm 1/3 dưới mặt sau cánh tay trái hiện chưa ổn định, kích thước: 6 x 1,5cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 3%.

- Vết thương 1/3 dưới mặt ngoài sau cẳng - cổ bàn tay trái hiện còn 08 mũi chỉ chưa ổn định, kích thước: 8cm. Tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 7%.

- Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái không có trong giấy chứng nhận thương tích nên không tính tỷ lệ tổn thương cơ thể.

- Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 14% - Vết thương cánh – cẳng tay trái do vật sắc gây ra.

- Vết thương vùng ngực do vật tày gây ra.

Tại Công văn số: 212/2019/CV-PY ngày 01/7/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận xác định: Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái của Phùng Thanh D là tổn thương cũ xảy ra trước ngày 27/02/2019. Vì vậy, Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận không tính tỷ lệ tổn thương này và vẫn giữ nguyên kết quả của bản kết luận số: 147/2019/TgT ngày 15/3/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận.

Về vật chứng của vụ án: Cơ quan điều tra đã thu giữ một lưỡi rựa dài khoảng 30 cm, đầu lưỡi cong quắp, bản rộng 05cm, cán tròn màu trắng làm bằng Inox dài 10cm là hung khí Đ cầm chém D rớt lại tại hiện trường ở quán Gia Hân (là nơi Đ cầm rựa chém D) hiện đang tạm giữ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện B Đối với 01 cán rựa và 01 cây mã tấu (dao tự tạo) dài khoảng 60cm mà Trương Văn Đ và Phạm Trường P dùng để chém Phùng Thanh D; sau khi gây án xong trên đường tẩu thoát Đ đã vứt cán rựa vào bụi rậm trên đường và vứt bỏ cây dao tự tạo xuống sông Cầu Móng thuộc xã S; Cơ quan Công an đã tiến hành truy tìm nhưng không tìm thấy, nên không có căn cứ xem xét, xử lý.

Về phần dân sự: Bị hại Phùng Thanh D yêu cầu Trương Văn Đ và Phạm Trường P bồi thường tiền điều trị thương tích và các chi phí khác với tổng số tiền là 530.000.000 đồng. Trương Văn Đ đã tác động gia đình giao nộp số tiền 30.000.000 đồng (do Trương Quốc Sỹ là anh của Đ giao nộp) và Phạm Trường P tác động gia đình giao nộp số tiền 15.000.000 đồng (do Phạm Văn Quý là cha ruột của P giao nộp), để bồi thường cho ông D, nhưng ông D không nhận, nên đã chuyển và nộp vào tài khoản tiền gửi của Chi cục thi hành án dân sự huyện B để xử lý theo quy định pháp luật.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 61/2019/HS-ST, ngày: 14.10.2019 Tòa án nhân dân huyện B đã quyết định:

Căn cứ vào: Điểm đ Khoản 2 Điều 134; Điều 17, Khoản 1 Điều 38, Khoản 1 Điều 50, Điểm b, s Khoản 1 Điều 51, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Trương Văn Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Trương Văn Đ 24 (Hai mươi bốn) tháng tù.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 26/3/2019.

Căn cứ vào: Điểm đ Khoản 2 Điều 134; Điều 17, Khoản 1 Điều 38, Khoản 1 Điều 50, Điểm b, s Khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Trường P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Trường P 12 (Mười hai) tháng tù.Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam từ ngày 29/5/2019.

Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 357, Điều 584, Điều 585, Điều 687, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải bồi thường cho ông Phùng Thanh D số tiền 50.000.000đ, nhưng đựơc khấu trừ vào số tiền 30.000.000đ gia đình bị cáo đã nộp, số tiền còn lại 20.000.000đ bị cáo Đ phải tiếp tục bồi thường.

Buộc bị cáo Phạm Trường P phải bồi thường cho ông Phùng Thanh D 23.000.000đ, nhưng được khấu trừ vào số tiền 15.000.000 đ gia đình bị cáo đã nộp, số tiền còn lại 8.000.000đ bị cáo P phải tiếp tục bồi thường.

Biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm c khoản 01 Điều 47 Bộ luật hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy đối với một lưỡi rựa dài khoảng 30 cm, đầu lưỡi cong quắp, bản rộng 05cm, cán tròn màu trắng làm bằng Inox dài 10cm là hung khí Đ cầm chém D rớt lại tại hiện trường ở quán Gia Hân đã chuyển vào kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự huyện B.

- Đối với 01 ổ chứa dữ liệu USB hiệu Apacer, màu đen, có lưu nội dung video clip thể hiện việc Trương Văn Đ cầm cây rựa và Phạm Trường P cầm cây mã tấu chém Phùng Thanh D gây thương tích vào ngày 26/02/2019 (do D giao nộp) đây là chứng cứ nên giữ lại theo hồ sơ vụ án.

Về án phí: Áp dụng Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.000.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Buộc bị cáo Phạm Trường P phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 400.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo, các quy định về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 26.10.2019, người bị hại ông Phùng Thanh D làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng:

- Các bị cáo đều có nhân thân xấu, phạm tội có tính chất côn đồ; mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử các bị cáo là quá nhẹ so với tính chất, mức Đ, hành vi phạm tội của các bị cáo;

- Việc điều tra, truy tố có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; cụ thể:

+ Vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái của ông được điều trị tại Bệnh viện An Phước, nhưng khi cấp Giấy chứng nhận thương tích cho ông thì lại không ghi thương tích này, dẫn đến việc Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận không giám định vết thương này, trong khi thương tích này là thướng tích nặng nhất, gây nhiều đau đớn cho ông và làm mất khả năng làm việc của ông. Ngày 05.7.2019, ông có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B trưng cầu giám định về vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái tại Viện pháp y Quốc gia, Phân viện TP. Hồ Chí Minh, nhưng không được Cơ quan điều tra giải quyết là vi phạm Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự.

+ Ông có nhiều đơn tố cáo và nhiều file ghi âm cuộc gọi để chứng minh Đ, P và đồng bọn cưỡng đoạt tài sản của ông nhưng không được giải quyết và tại phiên tòa sơ thẩm ông đã yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng Tòa án huyện B không thực hiện là vi phạm điểm b khoản 1 Điều 5, điểm p khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22.12.2017.

Do đó, ông đề nghị hủy án sơ thẩm và chuyển hồ sơ về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của người bị hại.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận phát biểu ý kiến và đề nghị hội đồng xét xử Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của người bị hại, sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện B về phần hình phạt.

Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 17, khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 50, Điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Trương Văn Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”. Xử phạt: Bị cáo Trương Văn Đ từ 2 năm 06 tháng tù đến 03 năm tù; Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 26/3/2019.

Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 17, khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 50, điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Trường P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Trường P từ 01 năm 03 tháng đến 01 năm 06 tháng năm tù;

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam từ ngày 29/5/2019.

Về trách nhiệm dân sự: Giữ nguyên như bản án sơ thẩm;

- Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại phát biểu ý kiến và đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người bị hại.

- Các bị cáo đề nghị hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[I] Về thủ tục tố tụng:

Xét việc người bị hại kháng cáo cho rằng: Vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái của ông được điều trị tại Bệnh viện An Phước, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, nhưng khi cấp Giấy chứng nhận thương tích cho ông thì lại không ghi thương tích này, dẫn đến việc Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận không giám định vết thương này, trong khi thương tích này là thướng tích nặng nhất, gây nhiều đau đớn cho ông và làm mất khả năng làm việc của ông. Ngày 05.7.2019, ông có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B trưng cầu giám định về vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái tại Viện pháp y Quốc gia, Phân viện TP. Hồ Chí Minh, nhưng không được Cơ quan điều tra giải quyết là vi phạm Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự; Hội đồng xét xử xét thấy:

[1]Trong quá trình điều tra vụ án Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B, Bình Thuận với Bệnh viện An Phước tại TP Phan Thiết là nơi điều trị thương tích cho người bị hại đã có nhiều văn bản trao đổi về “vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái”;

Tại Văn bản số 80/CV-CQĐT ngày 20.3.2019, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B, Bình Thuận yêu cầu Bệnh viện An Phước bổ sung Giấy chứng nhận thương tích“vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái” của Phùng Thanh D (BL: 25);

Tại Văn bản số 85/CV-BVAP ngày 26.3.2019 , Bệnh viện An Phước xác định... “không thấy hình ảnh bất thường tại mỏm trâm trụ cổ tay (T)”(BL: 28);

Tại Văn bản số 99/CV-BVAP ngày 08.4.2019, Bệnh viện An Phước xác định: Kết quả chụp X Quang xương cẳng tay (T) của ông Phùng Thanh D ngày 03.4.2019 : “Hình ảnh tạo diện khớp vùng mỏm trâm trụ tay (T)” (BL: 26).

[2] Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B, Bình Thuận cũng đã trưng cầu giám định bổ sung đối với “vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái” của Phùng Thanh D (BL: 31);

Tại Văn bản số 175/CV-PY ngày 24.5.2019 Trung tâm pháp y tỉnh Bình Thuận đề nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B xác định rõ thời gian điều trị vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái.

Sau đó Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B yêu cầu Bệnh viện An Phước cung cấp bổ sung Giấy chứng nhận thương tích đối với “vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái” của Phùng Thanh D; đồng thời xác định“vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái” của Phùng Thanh D là vết thương vết thương cũ hay vết thương mới có cùng với thời điểm Phùng Thanh D nhập viện vào ngày 27.02.2019 và có phải do vết thương gây nên hay không (BL: 47.

Tại Văn bản số 159/CV-BVAP ngày 27.6.2019, Bệnh viện An Phước, TP Phan Thiết xác định:

“1. Kết quả X- Quang xương cẳng tay thẳng nghiêng ngày 03.4.2019: hình ảnh tạo diện khớp vùng mỏm trâm trụ tay (T) (Tổn thương cũ);

2. Đính chính kết quả X- Quang ngày 27.02.2019 như sau:

- Kết quả: Hình ảnh tạo diện khớp vùng mỏm trâm trụ tay (T) (Tổn thương cũ);

- Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay (T) là tổn thương cũ trước ngày 27.02.2019.

Công văn này thay cho giấy chứng nhận thương tích bổ sung”.

[3] Như vậy, căn cứ vào các văn bản, tài liệu do Bệnh viện An Phước là nơi điều trị thương tích cho người bị hại cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B, Bình Thuận thì “vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái” của Phùng Thanh D là vết thương cũ.

Nên, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B không trưng cầu giám định vết thương Vỡ mỏm trâm trụ cổ tay trái tại Viện pháp y Quốc gia, Phân viện TP. Hồ Chí Minh theo yêu cầu của người bị hại là có căn cứ.

[4] Tuy nhiên, việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện B, Bình Thuận không làm văn bản trả lời cho người bị hại biết là vi phạm Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nhưng vi phạm này không đến mức phải hủy án sơ thẩm như đề nghị của người bị hại, mà chỉ cần rút kinh nghiệm với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng vụ án này của huyện B, Bình Thuận là đủ.

[5] Đối với yêu cầu xử lý các bị cáo và đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản” của người bị hại; hội đồng xét xử xét thấy:

Căn cứ vào các tài liệu do phía người bị hại cung cấp thể hiện có việc Đ, Thiện có ghi giấy nhận tiền của người bị hại; nhưng Cơ quan Điều tra Công an huyện B chưa chứng minh được hành vi của các bị cáo và đồng phạm, nên Tòa án cấp sơ thẩm chưa xử lý là có căn cứ; sau này điều tra làm rõ sẽ xử lý sau. Nên hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

[II] Về nội dung:

[1] Về phần hình phạt: Xét, việc người bị hại kháng cáo cho rằng: Các bị cáo đều có nhân thân xấu, phạm tội có tính chất côn đồ; mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã đã xử các bị cáo là quá nhẹ so với tính chất, mức Đ, hành vi phạm tội của các bị cáo; Hội đồng xét xử xét thấy:

[a] Đối với bị cáo Trương Văn Đ:

[a 1] Tại phần đầu Bản án sơ thẩm xác định lý lịch bị cáo Trương Văn Đ “ Tiền án, tiền sự: Không” và trong phần nhận định của Bản án sơ thẩm cũng xác định bị cáo Đ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

[a 2] Nhưng căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án do Cơ quan Điều tra Công an huyện B thu thập thể hiện: Ngày 13.12.20113, bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện B xử phạt 15 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, bị cáo đã chấp xong hình phạt chính, chưa bồi thường cho người bị hại. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Đ cho rằng do người bị hại trong vụ án đó không yêu cầu bị cáo bồi thường nên bị cáo chưa bồi thường. Theo quy định tại điều 70 Bộ luật Hình sự thì bị cáo không được đương nhiên xóa án tích.

[a 3] Nay bị cáo bị Tòa án nhân dân huyện B xử về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự có mức hình phạt từ 2 đến 6 năm tù. Theo quy định khoản 1 điều 53 Bộ luật Hình sự quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì bị cáo đã phạm tội trong trường hợp tái phạm, là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h khoản 1 điều 52 Bộ luật Hình sự.

Nên, hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là “tái phạm” quy định tại điểm h khoản 1 điều 52 Bộ luật Hình sự.

[a 4] Xét thấy, bị cáo đang có tiền án cũng về tội cố ý gây thương tích; đáng lẽ ra bị cáo phải lấy đó làm bài học để tự tu dưỡng bản thân, chấp hành pháp luật. Nhưng ngược lại, bị cáo lại tiếp tục phạm tội; điều đó thể hiện bị cáo là người rất xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác, thể hiện bản tính côn đồ hung hãn, thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực;

Hành vi phạm tội của bị cáo không chỉ xâm phạm sức khỏe của người bị hại, gây mất trật tự trị an tại địa phương; mà còn gây bất bình, hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân.

Do đó phải xử lý nghiêm khắc, tăng mức hình phạt đối với bị cáo, tương xứng với tính chất, mức Đ và hậu quả của hành vi phạm tội, cũng như tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà bị cáo phạm phải; nhằm răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm tương tự phát sinh trong xã hội, như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tại phiên tòa phúc thẩm.

[b] Đối với bị cáo Phạm Trường P:

[b 1] Mặc dù trong quá trình tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm các bị cáo không thừa nhận có việc Đ rủ P đi đánh người bị hại. Nhưng với Đ tuổi, kinh nghiệm cuộc sống của P đã 2 lần phạm tội Cố ý gây thương tích và diễn biến sự việc từ khi P gặp Đ thì Đ đã để 02 hung khí gây án trên ba ga xe do Đ điều khiển và Đ đã dùng xe này chở P đi gây án thì không phải vô tình mà P đi cùng Đ đến nhà người bị hại và không có việc P bộc phát cầm dao chạy theo Đ vào nhà chém người bị hại; mà phải có sự rủ rê lôi kéo của Đ và phải có sự tiếp nhận ý chí cùng đi đánh người bị hại của bị cáo P. Tòa án cấp sơ thẩm xác định bị cáo P phạm tội với vai trò giúp sức là có căn cứ; nhưng phải là người giúp sức tích cực, đã giúp cho bị cáo Đ tự tin cùng P đến nhà người bị hại gây án.

[b 2] Trước đó bị cáo P đã 02 lần bị xét xử cũng về tội “Cố ý gây thương tích”, cụ thể: Vào ngày 19-11- 2003 bị Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh xử phạt 05 năm tù và ngày 22-9- 2011 bị Tòa án nhân dân quận 2, TP. Hồ Chí Minh xử phạt 05 năm tù. Nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học để tự tu dưỡng bản thân, mà lại tiếp tục phạm tội. Điều đó thể hiện bị cáo P là người rất xem thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe của người khác, thể hiện bản tính côn đồ hung hãn, không chỉ gây mất trật tự trị an tại địa phương; mà còn gây bất bình, hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân.

[b 3] Tòa án cấp sơ thẩm đã không đề cập nhân thân của bị cáo P trong bản án, không xem xét đến nhân thân xấu của bị cáo P như đã phân tích ở trên.

Nên hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần phải xử lý nghiêm và tăng mức hình phạt đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tại phiên tòa phúc thẩm; nhằm răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa tội phạm tương tự phát sinh trong xã hội.

[c] Do đó, việc người bị hại kháng cáo và ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại cho rằng tòa án cấp sơ thẩm xử các bị cáo là quá nhẹ so với tính chất, mức Đ, hành vi phạm tội của các bị cáo là có căn cứ; bản án sơ thẩm vì vậy sẽ bị sửa về phần hình phạt, như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tại phiên tòa phúc thẩm.

[2] Về phần dân sự:

Tại phiên tòa sơ thẩm, người bị hại yêu cầu 02 bị cáo Trương Văn Đ và Phạm Trường P bồi thường: Chi phí điều trị thương tích 20.000.000đ, tiền xe đi lại 10.000.000 đồng, tiền ăn và bồi dưỡng sức khỏe 20.000.000 đồng, tiền mất thu nhập của người nuôi bệnh 30.000.000đ, riêng tiền mất thu nhập của người bị hại, người bị hại đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do người bị hại cung cấp, căn cứ vào thời gian điều trị thương tích của người bị hại và ngày công của người nuôi bệnh, ngày công mất thu nhập của người bị hại… và buộc 02 bị cáo Đ và P phải bồi thường tổng cộng 73.000.000 đồng là có căn cứ.

Người bị hại kháng cáo, nhưng không đưa ra được chứng cứ nào mới, nên phần dân sự của Bản án sơ thẩm được giữ nguyên như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tại phiên tòa phúc thẩm.

[3]Về thu thập chứng cứ của vụ án: Trong hồ sơ vụ án có 01 ổ chứa dữ liệu USB hiệu Apacer, màu đen do người bị hại giao nộp trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, mà theo người bị hại khai nội dung video clip thể hiện việc Trương Văn Đ cầm cây rựa và Phạm Trường P cầm cây mã tấu chém Phùng Thanh D gây thương tích vào ngày 26/02/2019.

Đây là 01 trong các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo, nên về nguyên tắc phải được lưu trong hồ sơ vụ án; không phải là vật chứng của vụ án nên không cần tuyên xử lý trong phần quyết định như Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên.

Sau khi thụ lý phúc thẩm, Tòa án tỉnh Bình Thuận có mở ổ chứa dữ liệu USB do người bị hại giao nộp cho Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện B, nhưng trong USB không có nội dung gì. Do đó, để việc lưu giữ tài liệu, chứng cứ là hình ảnh được an toàn, thì các Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự huyện B cần rút kinh nghiệm khi thu thập chứng cứ loại này thì cần sao chép ra ổ đĩa cứng hoặc yêu cầu người cung cấp sao chép ra ổ đĩa cứng.

[4] Về án phí: Do sửa án sơ thẩm, nên người bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm; án phí sơ thẩm được giữ nguyên.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào: Điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự ;

Chấp nhận 01 phần yêu cầu kháng cáo của bị hại Phùng Thanh D. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 61/2019/HSST ngày 14/10/2019 của Tòa án nhân dân huyện B về phần hình phạt.

- Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 17, khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 50, Điểm b, s khoản 1 Điều 51, điểm h khoản 1 Điều 52, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Trương Văn Đ phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Trương Văn Đ 03 (ba) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 26/3/2019.

- Căn cứ vào: Điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 17, khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 50, điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 54, Điều 58 Bộ luật hình sự;

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Trường P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Trường P 01(một) năm 06 (sáu) tháng tù; thời hạn tù tính từ ngày 29/5/2019.

- Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 357, Điều 584, Điều 585, Điều 687, Điều 590 Bộ luật Dân sự.

+ Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải bồi thường cho người bị hại ông Phùng Thanh D 50.000.000 đồng, nhưng đựơc khấu trừ 30.000.000 đồng đã đưa trước, còn lại 20.000.000 đồng bị cáo Đ phải tiếp tục bồi thường cho người bị hại.

+ Buộc bị cáo Phạm Trường P phải bồi thường cho người bị hại ông Phùng Thanh D 23.000.000 đồng, nhưng được khấu trừ 15.000.000 đồng đã nộp, còn lại 8.000.000 đồng bị cáo P phải tiếp tục bồi thường cho người bị hại.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự:

Tịch thu tiêu hủy một lưỡi rựa dài khoảng 30 cm, đầu lưỡi cong quắp, bản rộng 05cm, cán tròn màu trắng làm bằng Inox dài 10cm là hung khí Đ cầm chém D rớt lại tại hiện trường ở quán Gia Hân đã chuyển vào kho vật chứng của Chi cục thi hành án dân sự huyện B.

- Về án phí: Áp dụng: Điều 135 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm a, c, g khoản 1, điểm h khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

+ Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

+ Buộc bị cáo Phạm Trường P phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 400.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

+ Ông Phùng Thanh D không phải chịu án phí phúc thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ Động ra quyết định thi hành án); kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp Bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

369
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2020/HS-PT ngày 28/05/2020 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:37/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Thuận
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về