Bản án 37/2020/HS-PT ngày 06/03/2020 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 37/2020/HS-PT NGÀY 06/03/2020 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Trong các ngày 20 và 25 tháng 02, ngày 03 và 06 tháng 3 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 03/2020/TLPT-HS ngày 03 tháng 01 năm 2020 đối với bị cáo Nguyễn Ngọc G cùng đồng phạm do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 61/2019/HS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kiên Giang.

- Bị cáo có kháng cáo:

1/ Nguyễn Ngọc G, sinh năm 1990 tại Phú Quốc – Kiên Giang.

Nơi thường trú: Khu phố 4, thị trấn A, huyện P, tỉnh Kiên Giang; Chỗ ở hiện nay: Ấp R, xã B, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 3/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Văn N và bà Nguyễn Thị H; vợ: Trần Thị Tuyết M (chưa đăng ký kết hôn); con 02 người lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2014, tiền sự: Không, tiền án: không. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 08/4/2019 cho đến nay (có mặt).

2/ Lê Hùng H, sinh năm 1989 tại Hòn Đất – tỉnh Kiên Giang.

Nơi thường trú: Tổ 3, ấp R, xã G, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang; Tạm trú: Tổ 4, ấp S, xã T, huyện Đ, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ học vấn: 7/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Hùng S và bà Thị T; vợ: Thị Vẹn; con 03 người lớn nhất sinh năm 2012, nhỏ nhất sinh năm 2017, tiền sự: Không, tiền án: Không. Bị cáo bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 21/6/2019 cho đến nay (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo Lê Hùng H: Ông Hoàng Quốc V – Luật sư cộng tác viên, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước (có mặt).

- Bị hại:

1. Ông Phạm Trọng T1 – Sinh năm: 1989 (có mặt)

2. Ông Phạm Ngọc T2 – Sinh năm: 1967 (có mặt)

3. Bà Nguyễn Kim Y – Sinh năm: 1962 (có mặt) Cùng địa chỉ: Ấp P, thị trấn H, huyện S, tỉnh An Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 18 giờ ngày 07/4/2019 Lê Hùng H và cùng với Nguyễn Ngọc G đi săn bắt cá và rắn ở khu vực xã Đ, huyện K, đến khoảng 21 giờ H và G đi ngang nhà anh Phạm Trọng T1 thuộc tổ 5, ấp Hòa Lạc, xã Hòa Điền, huyện K, tỉnh Kiên Giang, phát hiện nhà anh T1 đang bán lúa có tiền nên H bàn bạc với G, đột nhập vào nhà anh T1 để trộm cắp, G đồng ý. Đến khoảng 00 giờ 30 phút ngày 08/4/2019, G và H điều khiển vỏ máy composite đến đậu cách nhà anh T1 khoảng 200m, cả hai đi bộ đến nhà anh T1, H canh đường và bẻ khóa cửa, còn G đột nhập vào nhà lục soát tìm tài sản trộm cắp, G dùng dùng kéo cắt rách mùng và phát hiện 01 túi sách bên trong có 217.500.000 đồng tiền bán lúa của anh T1 đang cất giữ và 01 điện thoại di động nhãn hiệu LG G6 nên G lấy điện thoại và túi xách đi ra ngoài.

Khi ra khỏi nhà thì ông Phạm Ngọc T2 (cha ruột anh T1) phát hiện tri hô, khi bị phát hiện G và H bỏ chạy, trên đường chạy G làm rơi chiếc điện thoại và tiếp tục cầm chiếc túi xách chạy. G đến bờ kênh thì H chạy vỏ đến rước, lúc này anh T1 và ông T2 ngăn cản không cho G và H tẩu thoát, khi bị ngăn cản H dùng con dao tự chế đe dọa, chống đối và chém trúng vào người anh T1 gây thương tích nhẹ nhằm mục đích tẩu thoát, anh T1 và ông T2 tiếp tục ngăn cản dẫn đến chiếc vỏ bị chìm xuống kênh cùng với chiếc túi xách, khi vỏ bị chìm thì H bỏ trốn, còn G bị anh T1 và ông T2 bắt giao cho Công an xã Đ, huyện K để xử lý. Đến ngày 21/6/2019 H bị bắt tạm giữ.

Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật, xử lý vật chứng:

- Việc thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật: Cơ quan cảnh sát Điều tra công an huyện K, tỉnh Kiên Giang đã thu giữ:

+ 01 (một) vỏ máy Composite dài 4,9m màu trắng xanh, trên mũi vỏ có chữ cơ sở “T2 TÂN” đã qua sử dụng.

+ 01 (một) máy dùng để chạy vỏ, màu đỏ đen, trên T2 máy có dãn MODEL GM391LE-600; E/NO.035877 đã qua sử dụng.

+ 01 (một) cây dao tự chế bằng kim loại dài 70cm, có cán và nắp đậy màu đen.

+ 01 (một) chiếc cặp xách màu xám, đen, đã qua sử dụng.

+ 01 (một) ổ khóa loại dây dài 60cm, đã qua sử dụng.

+ 01 (một) điện thoại di dộng nhãn hiệu LG G6, màu xanh đã qua sử dụng.

* Vật chứng vụ án không thu giữ:

- Tiền Việt Nam 217.500.000 đồng.

Cơ quan cảnh sát Điều tra công an huyện K đã tiến hành truy tìm nhưng không thu giữ được.

* Theo Bản kết luận định giá tài sản số: 10/BKL-HĐĐGTS ngày 06/5/2019 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện K kết luận:

01 (một) chiếc điện thoại di dộng nhãn hiệu LG G6, màu xanh đã qua sử dụng có giá trị 3.000.000 đồng.

* Tại bản án sơ thẩm số: 61/2019/HSST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

- Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Ngọc G – 07 (bảy) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Thời điểm chấp hành hình phạt tính từ ngày 08/4/2019.

- Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).

- Xử phạt: Bị cáo Lê Hùng H – 07 (bảy) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Thời điểm chấp hành hình phạt tính từ ngày 21/6/2019.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, xử lý vật chứng và báo quyền kháng cáo theo luật định.

* Ngày 02 tháng 12 năm 2019 các bị cáo Nguyễn Ngọc G và Lê Hùng H có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt.

Tại phiên tòa:

* Hai bị cáo G và H đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cả 02 có vào chòi bị hại trộm tài sản là 01 chiếc điện thoại và cái túi xách của gia đình bị hại, tuy nhiên hai bị cáo cho rằng không biết trong túi xách có tiền hay không nên yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền 217.500.000 đồng mà bị hại cho rằng các bị cáo đã lấy trộm.

* Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang giữ quyền công tố phát biểu quan điểm giải quyết vụ án như sau:

- Thứ nhất, đối với số tiền bị hại khai để trong túi xách bị bị cáo lấy trộm, qua lời khai của bị hại và bị cáo có nhiều mâu thuẫn, không xác định rõ số tiền đó mất vào thời điểm nào, các bị cáo có lấy được số tiền mà bị hại bỏ vào túi đó hay không ? bị cáo G thừa nhận có vào trộm điện thoại và túi xách nhưng bị cáo không biết trong túi xách có gì hay không, bị cáo vừa lấy xong thì bị phát hiện và bị truy đuổi. Mặt khác, lời khai của bị hại tại giai đoạn điều tra, phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cũng không có sự thống nhất. Sau khi bắt bị cáo thì phía bị hại chính là người vớt túi xách lên, bị cáo G thì khai không biết trong túi có tiền hay không, bị cáo H thì không biết G trộm được tài sản gì. Cấp sơ thẩm không thu giữ được số tiền mà chỉ căn cứ vào lời khai của các bị hại để xác định các bị cáo lấy số tiền 217.500.000 để định khung hình phạt là chưa khách quan.

- Thứ hai, Cấp sơ thẩm không tiến hành định giá giá trị chiếc túi xách là vi phạm tố tụng, tại phiên tòa bị hại Y có khai trong túi xách còn có sợ dây chuyền sophia.

- Thứ ba, cấp sơ thẩm xác định ông T2 và bà Y là người liên quan là chưa chính xác, mà cần phải đưa họ vào tham gia với tư cách là bị hại nếu xác định được số tiền 217.500.000đ là do các bị cáo trộm.

- Thứ tư, về xử lý vật chứng đối với túi xách và ổ khóa loại dây dài là vật chứng của vụ án cũng là tài sản của bi hại nhưng cấp sơ thẩm không tuyên trả lại cho các bị hại mà tuyên tịch thu tiêu hủy là vi phạm pháp luật.

Từ những nhận định trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm c khoản 1 Điều 355; điiểm b, c khoản 1 Điều 358 Bộ luật tố tụng hình sự hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án theo thủ tục chung.

* Luật sư V phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo H như sau: Luật sư hoàn toàn thống nhất với quan điểm đề nghị giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát. Ngoài ra, Luật sư còn có ý kiến đối với nội dung Biên bản bắt người phạm tội quả tang cơ quan điều tra ghi còn mang tính chủ quan và cần làm rõ thêm, từ đó đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy toàn bộ án án sơ thẩm để điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo:

Xét đơn kháng cáo của các bị cáo về nội dung, quyền kháng cáo, thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo đã đúng quy định tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật tố tụng hình sự. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo của các bị cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về quyết định của bản án sơ thẩm:

Vào khoảng 00 giờ 30 phút ngày 08/4/2019 Nguyễn Ngọc G và Lê Hùng H bàn bạc và đột nhập vào nhà anh Phạm Trọng T1 thuộc tổ 5, ấp L, xã Đ, huyện K, tỉnh Kiên Giang lấy trộm tài sản. Bị cáo H giật dây khóa vòng cửa chòi của ông T1 và đứng ngoài để canh chừng. Bị cáo G đi vào trong chòi lấy kéo cắt rách mùng ngủ của bị hại và lấy tài sản là 01 túi xách bên trong có 217.500.000 đồng và 01 điện thoại di động nhãn hiệu LG G6, màu xanh có giá trị theo định giá là 3.000.000đ rồi tẩu thoát thì bị chủ nhà phát hiện đuổi theo, bắt được bị cáo G giao cho công an, bị cáo H trốn thoát đến ngày 21/6/2019 bị bắt giữ. Tổng giá trị tài sản các bị cáo lấy trộm là 220.500.000 đồng. Do đó, cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo Nguyễn Ngọc G và Lê Hùng H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[3] Xét kháng cáo của hai bị cáo:

[3.1] Tại đơn kháng cáo hai bị cáo G và H thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên cấp sơ thẩm xử phạt 02 bị cáo mức án 07 năm tù là quá nghiêm khắc, xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa, 02 bị cáo thừa nhận mục đích vào chòi bị hại là trộm cắp tiền bán lúa của bị hại, các bị cáo vào chòi lấy trộm tài sản gồm 01 chiếc thoại và 01 chiếc túi xách, nhưng không biết trong túi có tiền không và có bao nhiêu tiền nên yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại đ ối với số tiền 217.500.000 đồng mà bị hại bị mất trộm. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:

Tại Biên bản ghi lời khai ngày 07/11/2019 (bút lục 122, 123) bị cáo G khai rằng: Khi hai bị cáo đi bắt rắn, cá đến khu vực kênh 5, thuộc tổ 5, ấp L, xã Đ, huyện K, bị cáo H vừa điều khiển vỏ máy vừa rọi đèn pin thì thấy trên bờ có một số người đang đưa tiền mua bán lúa với nhau và H nói lại với G là người ta đang chồng tiền bán lúa; sau đó cả hai tiếp tục đi bắt rắn đến khoảng 00 giờ thì H bàn với G là tối nay vô nhà đó để lấy tiền bán lúa, nghe vậy thì G đồng ý. Tại Biên bản ghi lời khai bị cáo H khai rằng: …Lúc này G rủ tôi lên gần căn chòi để trộm gà về nhậu, sau đó chúng tôi leo lên bờ nhưng do không thấy có con gà nào nên tôi và G bàn bạc với nhau là đột nhập vào căn chòi để lấy trộm tiền, vì lúc chiều tối họ mới bán lúa, trước sau gì cũng có tiền cất giấu trong nhà …” (bút lục 130, 131) và còn rất nhiều biên bản ghi lời khai cũng như biên bản hỏi cung đều thể hiện các bị cáo đã có ý thức chiếm đoạt tiền bán lúa của người bị hại từ trước, ngay khi các bị cáo đi qua chòi nhìn thấy bị hại nhận tiền bán lúa. Tất cả các lời khai này của các bị cáo tại Cơ quan điều tra là do các bị cáo tự khai, không bị ai ép cung, nhục hình.

Lời khai của các bị hại ông T1, T2 và bà Y đều khai rằng: Thời gian nhận tiền bán lúa là vào khoảng 21 giờ tối, người giao tiền cũng đắn đo kêu bị hại tới một căn chòi khác có đèn sáng hơn để giao tiền nhưng bị hại nghĩ đêm tối lại vắng người, sợ không an toàn nên đã yêu cầu giao nhận tiền tại căn chòi của bị hại. Nhận tiền xong, ông T1 chia tiền thành 5 cọc cột chung lại và bỏ vào túi xách, thời điểm này trong nhà chỉ có ba người, không ai đi đâu hết và cũng không có ai tới căn chòi của họ vì xung quanh chòi rất hoang vắng, cách mấy trăm mét mới có một cái chòi khác, các bị hại không thường xuyên sống tại đây mà khi nào tới mùa thu hoạch lúa mới về làm; Do đêm tối, sợ nguy hiểm nên gia đình bị hại không thể đưa tiền về nhà trong đêm, nên đã bỏ tiền vào túi xách và để trên đầu giường khi ngủ. Đến khoảng sau 00 giờ ngày hôm sau thì các bị cáo đột nhập vào căn chòi lấy trộm túi xách và 01 chiếc điện thoại. Như vậy, cho thấy khoảng thời gian từ lúc các bị hại nhận tiền bán lúa đến lúc các bị cáo vào trộm chỉ cách 3 giờ đồng hồ, trong thời gian này gia đình bị hại không đi đâu ra khỏi căn chòi và cũng không có ai tới căn chòi, do đó các bị hại bỏ tiền ở trong túi xách để trên đầu giường khi ngủ là phù hợp với diễn biến xảy ra vụ án cũng như lời khai nhận của các bị cáo đã thực hiện hành vi lấy trộm chiếc túi xách và điện thoại của bị hại. Mặt khác, từ khi ông T2 phát hiện có kẻ trộm vào chòi khi nhìn thấy mùng bị cắt thủng, sau đó ông T2 có chạy ra theo hướng tiếng động của các bị cáo, trong thời gian ông chạy đuổi theo có khoảng 10 phút đến 15 phút mất dạng không nhìn thấy các bị cáo; quá trình ông T2 phát hiện bị cáo G vào trộm tài sản và đuổi theo truy bắt bị cáo G diễn ra liên tục.

Mặt khác, lời khai của người mua lúa ông Vương Bá T khai rằng: Ngày 07/4/2018 ông có đến mua lúa ở khu vực chòi của gia đình ông T1, tổng số tiền mà ông mua lúa là 228.761.000 đồng, khấu trừ số tiền ông đã đưa trước đó 10.000.000 đồng, số tiền mua lúa còn lại ông trực tiếp đưa cho ông T1 là 218.761.000 đồng; Như vậy, lời khai này của ông T là phù hợp lời khai của ông T1, là người trực tiếp nhận tiền từ ông T, (sau khi nhận tiền, ông T 1 đưa cho bà Y một số tiền lẻ để xài, trả tiền bốc vác lúa 1.000.000 đồng...) số tiền còn lại 217.500.000 đồng anh chia làm 5 cọc buộc dây thun mỗi cọc và bỏ vào trong túi xách) là đúng sự thật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, cả 02 bị cáo đều thừa nhận mục đích các bị cáo vào chòi bị hại là để lấy trộm tiền bán lúa của họ. Như vậy, có thể xác định ý thức chiếm đoạt tài sản của bị hại đã có từ trước ở 02 bị cáo và cả hai đã thống nhất cùng thực hiện hành vi lấy trộm ngay sau đó. Như vậy, hành vi vào chòi của bị hại lấy trộm tiền của các bị cáo đã thể hiện rõ, từ hành vi các bị cáo đột nhập vào nhà bị hại lấy trộm và lấy đi số tiền mà các bị hại có được từ việc bán lúa và bị hại đã bỏ số tiền bán lúa này trong chiếc túi xách, bị hại để trên đầu nằm ngay gần bên, hai bị cáo đã lấy được chiếc túi xách và điện thoại chạy ra khỏi chòi của bị hại là tội phạm đã hoàn thành, việc các bị cáo không lấy được số tiền mà các bị hại để trong túi xách là ngoài ý muốn của các bị cáo, các bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với số tiền này của bị hại. Do đó, cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 173 Bộ luật hình sự là chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng là có căn cứ, không oan cho các bị cáo.

Đối với việc các bị hại không yêu cầu hai bị cáo phải bồi thường lại số tiền đã mất, theo bị hại là do thương cảm với hoàn cảnh gia đình hai bị cáo quá khó khăn, còn con nhỏ, cha mẹ bị bệnh tật, các bị cáo cũng không có tiền để bồi thường, nếu yêu cầu thì tạo gánh nặng cho con cái và cha mẹ của hai bị cáo nên bị hại không yêu cầu.

[3.2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo, HĐXX thấy rằng:

Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xử phạt hai bị cáo mức án 07 năm tù là đầu khung hình phạt và tương xứng với hành vi phạm tội của hai bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, hai bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của hai bị cáo.

[3.3] Đối với việc sai sót của cấp sơ thẩm như không tiến hành định giá chiếc túi xách, xác định tư cách tham gia tố tụng của ông T2 và bà Y là người liên quan là chưa chính xác, không làm rõ sợi dây chuyền bằng đá sophia của bị hại nằm trong túi xách mà các bị cáo lấy trộm, cũng như tuyên tịch thu tài sản của bị hại là chiếc ổ khóa dây mà không hỏi ý kiến bị hại...là có sai sót nhưng việc sai sót này cũng không làm thay đổi bản chất của vụ án, cũng như về nguyên tắc có lợi cho bị cáo (định giá chiếc túi xách và sợi dây chuyền để tính tổng số tiền chiếm đoạt để làm căn cứ định khung) . Mặt khác, tại phiên tòa phía bị hại khai rằng, chiếc túi xách mua lại đồ cũ, sợi dây chuyền bằng đá đã mua thời gian lâu, giá trị không đáng kể (hai tài sản này chỉ một vài trăm nghìn đồng) nên cũng không có ý kiến gì...Từ những phân tích trên, HĐXX nhận thấy không cần thiết phải hủy án sơ thẩm như đề nghị của Vị đại diện Viện kiểm sát. Đối với việc sai sót này như đã nói trên của cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[4] Về quan điểm của Kiểm sát viên: Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm cho rằng lời khai của bị hại và bị cáo về số tiền bị mất trộm có nhiều mâu thuẫn, không xác định rõ số tiền mất vào thời điểm nào, việc cấp sơ thẩm không thu giữ được số tiền 217.500.000 đồng mà chỉ căn cứ vào lời khai của các bị hại để xác định các bị cáo lấy số tiền trên để định khung hình phạt cho các bị cáo là chưa khách quan. Hội đồng xét xử xét thấy, quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát nêu trên là không có căn cứ chấp nhận, bởi: Mặc dù, khi vụ án xảy ra không thu giữ được số tiền 217.500.000 đồng, tuy nhiên căn cứ vào lời khai của hai bị cáo tại các biên bản ghi lời khai và biên bản hỏi cung đều thể hiện hai bị cáo đã có ý thức lấy trộm số tiền bán lúa của người bị hại ngay khi hai bị cáo đi ngang qua chòi của bị hại, nhìn thấy trên chòi đang có người giao tiền mua lúa; sau khi đi qua chòi, hai bị cáo bàn bạc với nhau và quay lại vào lấy trộm tiền bán lúa. Việc các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm nại ra là các bị cáo chỉ có ý định bắt trộm gà về nhậu, nhưng khi lên chòi không có gà nên nảy sinh ý định trộm tài sản, có tài sản gì thì lấy cái đó là không có căn cứ. Mặt khác, căn cứ vào lời khai của bị hại và người mua lúa để xác định ngày hôm đó khoảng 21 giờ hai bên có giao nhận tiền bán lúa, số tiền này bị hại cất trong túi xách, không mang đi chỗ khác cất giấu được vì xung quanh chòi nơi bị hại ngủ rất hoang vắng, trời rất tối và cũng không có ai tới căn chòi của bị hại. Việc các bị cáo không lấy được tiền là ngoài ý muốn của các bị cáo, mục đích của các bị cáo khi đột nhập vào căn chòi của người bị hại là để lấy trộm tiền bán lúa mà bị cáo đã nhìn thấy bị hại nhận tiền lúa trước đó. Do đó, cấp sơ thẩm xác định trong túi xách mà bị cáo lấy trộm là có tiền và số tiền là 217.500.000 đồng là có căn cứ.

Đối với quan điểm của Kiểm sát viên cho rằng, cấp sơ thẩm không tiến hành định giá chiếc túi xách, xác định tư cách tham gia tố tụng của ông T2 và bà Y là người liên quan là chưa chính xác, không làm rõ sợi dây chuyền bằng đá sophia của bị hại nằm trong túi xách mà các bị cáo lấy trộm, cũng như tuyên tịch thu tài sản của bị hại là chiếc ổ khóa dây mà không hỏi ý kiến bị hại... là có thiếu sót, tuy nhiên thiếu sót này không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết hủy án sơ thẩm, mà cần rút kinh nghiệm đối với cấp sơ thẩm như Hội đồng xét xử đã nhận định nêu trên.

[4] Về quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo H: Xét thấy quan điểm của Luật sư thống nhất với quan điểm của Kiểm sát viên là đề nghị hủy án, giao về cho cấp sơ thẩm điều tra, xét xử lại là không có căn cứ chấp nhận như HĐXX đã nhận định nêu trên, nên không chấp nhận đề nghị của vị Luật sư.

[5] Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 12, 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban thường vụ Quốc hội.

Hai bị cáo kháng cáo không được chấp nhận nên mỗi bị cáo phải chịu án phí phúc thẩm là 200.000 (hai trăm nghìn) đồng. Tuy nhiên, đối với bị cáo H thuộc diện hộ nghèo, có đơn xin miễn án phí nên áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 miễn án phí hình sự phúc thẩm cho bị cáo H.

[6] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự;

- Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Ngọc G và Lê Hùng H.

- Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 61/2019/HSST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kiên Giang.

2. Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Ngọc G 07 (bảy) năm tù về tội Trộm cắp tài sản”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 08/4/2019.

- Áp dụng: Điểm a khoản 3 Điều 173, điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

- Xử phạt: Bị cáo Lê Hùng H 07 (bảy) năm tù về tội Trộm cắp tài sản”.

Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 21/6/2019.

3. Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 12, 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của y ban thường vụ Quốc hội.

Bị cáo G phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo H không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.

4. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số 61/2019/HSST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện K, tỉnh Kiên Giang không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

209
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2020/HS-PT ngày 06/03/2020 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:37/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/03/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về