Bản án 37/2018/DS-PT ngày 01/02/2018 về tranh chấp quyền tưới nước, tiêu nước trong canh tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 37/2018/DS-PT NGÀY 01/02/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN TƯỚI NƯỚC, TIÊU NƯỚC TRONG CANH TÁC

Ngày 01 tháng 02 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 329/2017/TLPT-DS ngày 11 tháng 12 năm 2017 về việc Tranh chấp về quyền tưới nước, tiêu nước trong canh tác”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 67/2017/DS-ST ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 252/2018/QĐPT-DS ngày 15 tháng 01 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Chị Nguyễn Thị Bích L, sinh năm 1970;

Địa chỉ cư trú: Số 44, tổ 5, ấp Bưng Rò, xã HH, huyện CT, tỉnh TN2; có mặt.

2. Bị đơn: Bà Võ Thị S, sinh năm 1957.

Địa chỉ cư trú: Tổ 6, ấp Xóm Ruộng, xã TB, huyện CT, tỉnh TN2; có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1953; Hộ khẩu thương trú: Số 230 khu phố Ninh Trung, phường NS, thành phố TN1, tỉnh TN2; Trú tại: Số 96, đường Nguyễn Văn Rốp, Khu phố 1, Phường 4, thành phố TN1, tỉnh TN2 (theo văn bản ủy quyền ký ngày 03/7/2017); có mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Anh Nguyễn Thanh T2, sinh năm 1977; vắng mặt.

3.2. Chị Phạm Thị C, sinh năm 1981; vắng mặt.

Cùng địa chỉ cư trú: ấp Bưng Rò, xã HH, huyện CT, tỉnh TN2.

3.3. Anh Trương Khắc H, sinh năm 1978; vắng mặt.

3.4. Chị Huỳnh Ngọc B, sinh năm 1984; có mặt.

Cùng địa chỉ cư trú: Tổ 6, ấp Xóm Ruộng, xã TB, huyện CT, tỉnh TN2.

4. Người kháng cáo: Bị đơn bà Võ Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 01/3/2017 và quá trình tham gia tố tụng, nguyên đơn chị Nguyễn Thị Bích L trình bày:

Năm 2003 chị có sang nhượng 3 phần đất của bà Nguyễn Thị Tranh, ông Trần Văn Liềng, bà Trần Thị Dự. Tổng diện tích 28.697,9 m2 tọa lạc tại ấp Xóm Mới 2, xã TB, huyện CT, tỉnh TN2. Các chủ cũ đã có giấy chứng nhận QSDĐ. Chị làm thủ tục chuyển nhượng và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số CH00938 cấp ngày 19/10/2012. Khi sang nhượng giáp ranh đất phía đông có một mương nước công cộng. Các chủ đất cũ đều xác định mương nước là của chung, không nằm trong diện tích đất của chị mua và con mương đã được thể hiện trong bản đồ địa chính. Sau khi chuyển nhượng xong, chị cho vợ chồng anh T2, chị C mượn sử dụng phần đất phía trong, chị sử dụng diện tích đất phía ngoài giáp với sông Vàm Cỏ, nhưng QSDĐ vẫn thuộc của riêng chị.

Hiện tại khi chị sang nhượng đất thì con mương chỉ còn lại chiều ngang khoảng 80cm; hai bên là bờ bao, chiều dài từ bờ sông Vàm Cỏ vào hết phần đất của chị khoảng 280m. Anh T2, chị C tiếp tục sử dụng con mương đến năm 2015 thì bà S và anh H, chị B lấp một đoạn mương trong cùng, nhưng vẫn còn tạm sử dụng lấy nước được nên gia đình chị không có ý kiến, hai bên có đến nói chuyện nhưng cãi nhau nhiều nên bỏ qua. Đến năm 2016 bà S lấp tiếp một đoạn giữa con mương. Do không thể lấy được nước tưới tiêu nên ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình chị. Gia đình chị có ngăn cản, nhưng gia đình bà S vẫn ngang nhiên lấp mương, không cho gia đình chị sử dụng đoạn mương phía trong. Hiện tại con mương chỉ còn một đoạn đầu từ bờ sông vào chiều ngang 5 mét dài khoảng 100m, hai gia đình vẫn đang sử dụng chung.

Chị làm đơn đến UBND xã giải quyết, bà S không thừa nhận mương nước công cộng, cho rằng con mương của nhà mình. Do UBND hòa giải không thành; Chị khởi kiện đến Tòa án. Yêu cầu bà S và anh H, chị B chấm dứt hành vi ngăn cản gia đình chị sử dụng mương nước công cộng. Yêu cầu bà S và anh H, chị B khôi phục lại mương nước chiều ngang 0,8m; sâu 0,6m, chiều dài 167 m để sử dụng là mương nước chung. Chị cam kết không khiếu nại vụ việc trên tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền.

Ngày 27 tháng 9 năm 2017 chị làm đơn thay đổi yêu cầu gia đình bà S, anh H, chị B khôi phục lại hiện trạng đoạn mương nước đã lấp (trả lại hiện trạng mương nước công cộng) theo bản đồ địa chính đã xác định.

Quá trình hòa giải chị L tự nguyện chịu khoản chi phí móc và cải tạo lạiđoạn mương nước (ngang 0,8m; sâu 0,6m, chiều dài 167 m). Tại phiên tòa sơ thẩm, chị L thay đổi và không đồng ý chịu khoản chi phí này.

Đại diện theo ủy quyền của bà S, ông Nguyễn Văn T1 trình bày:

Nguồn gốc đất của bà S trước kia là của cha mẹ bà S (là cụ Nghỉ, cụ Trước) sang nhượng của cụ Phạm Thị Ngỡi từ năm 1960. Khi sang nhượng hai bên có làm giấy tờ sang nhượng đất, có chứng thực Hội đồng xã TB, khi sang nhượng không có mương nước. Sau khi sang nhượng cụ Trước sử dụng một phần đất để làm mương nước có diện tích 1.186 m2 (dài 263,6 mét rộng 4,5 mét), độ sâu khoảng 0,4 mét để rửa phèn và canh tác trên đất, có bà Nguyễn Lệ An và ông Trần Văn Liềng, ông Nguyễn Văn Long biết và xác nhận mương nước là của cụ Trước tự tạo. Bà Trần thị Dự (người bán đất cho chị L) cũng thừa nhận mương nước là của gia đình cụ Trước, sau này cụ Trước mất để lại cho bà S.

Theo giấy xác nhận ngày 01/8/2017 của Xí nghiệp thủy nông huyện CT xác nhận mương nước này không nằm trong danh mục của nhà nước thiết kế, quy hoạch bỏ tiền ra xây dựng. Nhà nước không quản lý. Như vậy mương nước là của hộ gia đình, cá nhân, không phải của nhà nước. Bản đồ của Nhà nước thể hiện đường mương là không đúng theo hiện trạng sử dụng đất. Mục đích gia đình bà S đào mương nước là tưới nước rửa phèn để ổn định sản xuất lúa. Tứ cận con mương: Phía bắc giáp đất bà Bình, ông Long có chiều dài 167 mét, ngang 0,8m; Phía nam giáp sông vàm cỏ rộng 0,8m; Phía đông giáp đất bà S chiều dài 280m; Phía tây giáp đất chị L chiều dài 280m; Sau khi cải tạo phèn xong gia đình bà S lấp một phần con mương phía trong có chiều dài 180m. Còn lại diện tích con mương chiều dài 100m phía ngoài giáp sông Vàm cỏ, gia đình bà S không lấp vẫn đang sử dụng chung với chị L. Việc để lại một phần mương nước và cho sử dụng chung là do tình nghĩa đất liền kề nhau.

Việc lấp một phần mương nước phía trong của bà S không ảnh hưởng đến việc tưới tiêu nước của gia đình chị L, vì vẫn còn một đoạn mương nước bên ngoài dài 100m để bơm nước lên, đất của chị L là đất bằng phẳng không phải đất bậc thang nên không ảnh hưởng. Gia đình chị L muốn có mương nước thì tự tạo trong phạm vi QSDĐ của mình.

Năm 1998 UBND huyện CT đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà S diện tích đất 14.750m2. Khi cấp đất cho bà S không có diện tích mương nước vì Luật đất đai năm 1993 không quy định việc cấp mương nước thủy lợi cho hộ gia đình cá nhân. Mương nước này gia đình bà S bắt đầu lấp từ năm 1993 cho đến năm 2015 thì đất bằng phẳng như hiện trạng, sử dụng đất trồng lúa ổn định, liên tục từ đó đến nay. Quá trình lấp mương nước không có hộ gia đình, cá nhân cơ quan nào từ ấp, xã huyện, tỉnh ngăn cản lập biên bản xử lý việc lấp mương. Diện tích đất 14.750m2 do bà S đứng tên QSDĐ được cấp đất liền kề mương nước, đất hiện tại bà S và vợ chồng chị B, anh H đang sử dụng và canh tác lúa trên đất.

Nay chị L khởi kiện; gia đình bà S vẫn cho chị L sử dụng đoạn mương nước từ bờ sông vào 100m (đoạn 1 hiện còn mương nước cũ), nhưng chị L sử dụng phải đúng mục đích không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của gia đình bà S. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị L về yêu cầu bà S khôi phục lại đoạn mương nước phía trong dài 167 mét .

Nội dung chị L khởi kiện bà S về hành vi lấp mương nước, nên đây là hành vi hành chính; đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án, hướng dẫn chị L khiếu nại về UBND giải quyết theo thẩm quyền.

* Bà Võ Thị S thống nhất với lời trình bày của ông T1.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh T2, chị C, trình bày trong hồ sơ: Anh T2 là em ruột của chị L. Hiện tại vợ chồng anh đang trực tiếp sản xuất 1,6 ha lúa trên phần đất do chị L cho mượn ruộng để làm. (Chị L đứng tên QSDĐ) phần đất này kế mương nước chị L và bà S đang tranh chấp.

Khi vợ chồng anh bắt đầu canh tác đã có mương nước có sẵn chiều rộng khoảng 0,8m chiều dài từ bờ sông Vàm Cỏ vào đến hết đất của chị L. Bên kia mương nước là đất của bà S, do bà S và anh H, chị B đang canh tác trồng lúa. Hai gia đình vẫn thoát nước bằng con mương này, nhưng cách nay hai năm gia đình bà S lấp mương nước và đã canh tác lúa, không cho anh thoát nước ra ngoài gây ngập, úng làm ảnh hưởng lớn đến việc canh tác của anh. Ba vụ lúa gần đây anh không canh tác được vì không có mương thoát nước. Anh có gặp gia đình bà S nói chuyện yêu cầu bà S móc lại mương nước, nhưng bà S và anh H, chị B không đồng ý, cho rằng mương nước của riêng gia đình bà S, nên gia đình bà lấp lại lấy đất để canh tác.

Nay chị L khởi kiện đến Tòa án. Anh, chị thống nhất yêu cầu của chị L buộc gia đình bà S chấm dứt hành vi ngăn cản việc sử dụng mương nước này của chị em anh. Buộc bà S và anh H, chị B khôi phục lại mương nước công cộng như hiện trạng theo bản đồ địa chính Nhà nước, để chị em anh được tiếp tục sử dụng mương nước công cộng, tưới tiêu nước trong canh tác. Anh không còn yêu cầu gì thêm. Anh T2, chị có đơn yêu cầu hòa giải xét xử vắng mặt

* Chị B, anh H trình bày: Anh chị là người trực tiếp cùng canh tác trên phần đất của bà S được cấp QSDĐ, kế mương nước hiện tại chị L đang khởi kiện. Anh chị thống nhất với lời trình bày và yêu cầu của ông T1, bà S, không đồng ý yêu cầu khởi kiện của chị L, anh T2 và chị C. Anh H có đơn yêu cầu hòa giải xét xử vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 67/2017/DS-ST ngày 25-10-2017 của Tòa án nhân dân huyện CT, tỉnh TN2 tuyên xử:

Căn cứ khoản 1 Điều 228, Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 159, 164, 169, 253 Bộ luật dân sự 2015; khoản 2 Điều 24; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí lệ phí;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích L.

Buộc bà Nguyễn Thị S, anh Trương Khắc H, chị Huỳnh Ngọc B chấm dứt hành vi cản trở chị L, anh T2 và chị C quyền sử dụng mương nước công cộng trong việc tưới nước, tiêu nước trong canh tác; đối với diện tích đất ruộng 28.697,9m2 thuộc giấy chứng nhận QSDĐ số CH00938 cấp ngày 19/10/2012 do chị Liễu đứng tên, tọa lạc tại ấp Xóm Mới 2, xã TB, huyện CT, tỉnh TN2 liền kề mương nước công cộng.

Bà S, anh H, chị B có nghĩa vụ khôi phục lại đoạn mương nước công cộng đã lấp dài 167 mét tính từ phần tiếp giáp với đoạn 1 mương nước (đang sử dụng) theo hiện trạng mương nước ban đầu trong bản đồ địa chính 299 và bản đồ đo lưới 2010 có tứ cận cụ thể như sau:

Đông giáp: đất bà Võ Thị S: 167 mét.

Tây giáp đất chị Nguyễn Thị Bích L 167 mét.

Nam giáp với đoạn 1 mương nước hiện đang sử dụng rộng 4,8 mét.

Bắc giáp đất bà Trần Thị Bình và đất Nguyễn Văn Long rộng 4 mét.

Tổng diện tích đất đoạn 2 của mương nước là 737m2.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về chi phí đo đạc, định giá, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 07-11-2017, bị đơn bà Võ Thị S có đơn kháng cáo yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, công nhận diện tích con mương dài 263,6 mét, trong đó có cả diện tích 167 mét x 4,5 mét mà chị Liễu tranh chấp cho gia đình bà tiếp tục quản lý, sử dụng. Ngày 25-01-2018, có đơn kháng cáo bổ sung, nội dung khẳng định diện tích mương tranh chấp là của cha mẹ bà S là cụ Nghỉ, cụ Trước mua của cụ Ngởi từ năm 1960. Sau khi mua có làm mương nước rửa phèn đất từ năm 1978. Đến năm 1993, đất sạch phèn đã lấp một đoạn, nhưng Nhà nước và các hộ xung quanh cũng không có ý kiến gì. Các nhân chứng là Trần Thị Dự, Nguyễn Văn Long, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Lê An, Trần Văn Lùng là những người làm ruộng gần đất tranh chấp cũng xác nhận là đất của gia đình bà. Xí nghiệp thủy lợi cùng cơ quan thủy lợi CT cũng xác định đất tranh chấp Nhà nước không có đầu tư, xây dựng, không nằm trong quản lý của cơ quan thủy lợi CT. Nên đất tranh chấp là thuộc đất của gia đình bà, yêu cầu được tiếp tục sử dụng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Các đương sự không cung cấp chứng cứ mới.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TN2 phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Về tố tụng: Việc chấp hành pháp luật của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn bà Võ Thị S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

 [1] Theo yêu cầu kháng cáo của bà Võ Thị S cho rằng, nguồn gốc mương nước là do cha mẹ tự đào từ năm 1978, mục đích là để rửa phèn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Xét thấy, tại thời điểm bà S kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, mương nước này đã hình thành từ trước. Năm 1998 gia đình bà S cũng không kê khai đăng ký đối với diện tích đất đã làm mương nước, và cũng không được cấp trong quyền sử dụng đất của bà. Bà S được cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất từ năm 1998 đến nay gần 20 năm gia đình bà S cũng không khiếu nại việc cấp đất này. Hiện trạng mương nước sử dụng chung giữa các hộ dân, gia đình bà cũng không ngăn cản. Mặt khác, căn cứ vào bản đồ địa chính 299 do Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện CT cung cấp, thể hiện có con mương nước bắt đầu từ sông Vàm Cỏ Đông đi qua hết chiều dài đất của chị Liễu, và đất bà S vào phần đất của ông Long và đất bà Bình sau đó chia 2 hướng theo hình chữ T. Theo bản đồ đo lưới năm 2010, thể hiện đoạn mương phía trong (đất  của ông Long, bà Bình và một số hộ khác có một số đoạn đã bị lấp, nhưng đoạn mương nước từ sông Vàm Cỏ đến hết phần đất của chị L (hai bên tranh chấp) thì vẫn được thể hiện trong bản đồ năm 2010. Việc bà S khai sau khi rửa phèn đã tự lắp một đoạn mương từ năm 1993 là không phù hợp vì: Năm 1998, gia đình bà được cấp giấy không có diện tích mương nước. Mương nước vẫn được thể hiện trong bản đồ năm 299 và bản đồ năm 2010. Lời khai các nhân chứng xác nhận mương nước tranh chấp là thuộc đất của gia đình bà, phù hợp với lời khai của bà S, nhưng mương nước đã được hình thành từ trướckhi nhà nước xem xét cấp giấy cho các hộ. Mương nước là nhu cầu chung của khu vực canh tác nên Nhà nước không cấp diện tích mương nước cho các hộ.

 [2] Tại xác nhận của Văn phòng đăng ký đất chi nhánh CT: Diện tích mương nước tranh chấp, chiết tính trên bản đồ phân theo 02 đoạn:

Đoạn 1: Từ sông vàm cỏ vào dài 96,6 mét chiều rộng giáp sông vàm cỏ là 5 mét, chiều rộng giáp đoạn 2 là 4,8 mét.

Đoạn 2: Mương nước đã bị lấp toàn bộ có chiều dài 167 mét (trong đó có bờ đất của gia đình bà S đã lấp dài 76 mét diện tích 78 m2, bỏ hoang cỏ mọc,đoạn cuối dài 91m, ngang 0,4m là một bờ ruộng, giáp ranh hai bên diện tích 56,3m2 phần đất còn lại gia đình bà S đã san lấp hiện đang trồng lúa. Tổng diện tích 02 đoạn là 737 m2 (bút lục 129).

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện CT xác định: Mương nước nội đồng là có thể hiện trong bản đồ địa chính, không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì mương được xác định là mương nước công cộng do chính quyền địa phương quản lý. Đối với mương nước dù trước kia do hộ gia đình cá nhân tự đào, mà khi Nhà nước ban hành bản đồ địa chính, mương nước đã hình thành thì khi lập bản đồ phải thể hiện trên bản đồ địa chính. Diện tích này không được cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình hay cá nhân và mương nước đó là thuộc mương nước công cộng, do Nhà nước quản lý, cụ thể là do Ủy ban nhân dân xã trực tiếp quản lý (bút lục 128).

 [3] Như vậy đoạn mương nước hai bên đang tranh chấp, đều được thể hiện trong bản đồ 299 và bản đồ 2010, không thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình cá nhân, nên thuộc mương nước nội đồng, do nhà nước trực tiếp quản lý, cho các hộ gia đình cá nhân có nhu cầu sử dụng để phục vụ tưới tiêu đảm bảo việc sản xuất nông nghiệp. Việc bà S, chị B, anh H tự ý lấp đoạn mươngnước công cộng này, là hành vi cản trở trái pháp luật đối với chị L và anh T2, trong  việc thực hiện quyền về tưới nước tiêu nước trong canh tác nông nghiệp. Cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Liễu là có căn cứ. Bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ chứng minh nên không chấp nhận.

 [4] Từ những nhận định trên, xét thấy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 [5] Chấp nhận ý kiến đề xuất giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh TN2 về việc không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

 [6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bà S phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo của bà Võ Thị S.

Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 1 Điều 228, Điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 159, 164, 169, 253 Bộ luật Dân sự 2015; khoản 2 Điều 24; Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án phí lệ phí;

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Nguyễn Thị Bích L.

Buộc bà Nguyễn Thị S, anh Trương Khắc H, chị Huỳnh Ngọc B chấm dứt hành vi cản trở chị Nguyễn Thị Bích L, anh Nguyễn Thanh T2 và chị Phạm Thị C quyền sử dụng mương nước công cộng trong việc tưới nước, tiêu nước trong canh tác; đối với diện tích đất ruộng 28.697,9m2 thuộc giấy chứng nhận QSDĐ số CH00938 cấp ngày 19/10/2012 do chị Liễu đứng tên, tọa lạc tại ấp Xóm Mới 2, xã TB, huyện CT, tỉnh TN2 liền kề mương nước công cộng.

Bà S, anh H, chị B có nghĩa vụ khôi phục lại đoạn mương nước công cộng đã lấp dài 167 mét tính từ phần tiếp giáp với đoạn 1 mương nước (đang sử dụng) theo hiện trạng mương nước ban đầu trong bản đồ địa chính 299 và bản đồ đo lưới 2010 có tứ cận cụ thể như sau:

Đông giáp: đất bà Võ Thị S: 167 mét.

Tây giáp đất chị Nguyễn Thị Bích L 167 mét. 

Nam giáp với đoạn 1 mương nước hiện đang sử dụng rộng 4,8 mét.

Bắc giáp đất bà Trần Thị Bình và đất Nguyễn Văn Long rộng 4 mét.

Tổng diện tích đất đoạn 2 của mương nước là 737m2.

2. Án phí, chi phí tố tụng:

2.1. Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Võ Thị S, anh Trương Khắc H và chị Huỳnh Ngọc B phải liên đới chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng.

- Chị Nguyễn Thị Bích L, anh Nguyễn Thanh T2, chị Phạm Thị C không phải chịu án phí sơ thẩm dân sự. Chi cục Thi hành án dân sự huyện CT hoàn trả cho chị L số tiền tạm ứng án phí là 300.000 (ba trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tiền số 0017511 ngày 01-3-2017.

2.2. Chi phí tố tụng: Ghi nhận chị L tự nguyện chịu 1.492.000 đồng chi phí đo đạc thẩm định, định giá tài sản (đã nộp xong).

3. Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Võ Thị S phải chịu 300.000 (ba trăm ngàn) đồng. Được khấu trừ 300.000 đồng vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0018491 ngày 08-11-2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CT, tỉnh TN2 (ghi nhận bà S đã nộp xong).

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

928
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 37/2018/DS-PT ngày 01/02/2018 về tranh chấp quyền tưới nước, tiêu nước trong canh tác

Số hiệu:37/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 01/02/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về