Bản án 36/2020/HS-ST ngày 03/09/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN36/2020/HS-ST NGÀY 03/09/2020 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 03 tháng 09 năm 2020 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 25/2020/TLST- HS ngày 22 tháng 05 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2020/QĐXXST-HS ngày 18 tháng 6 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số: 40/2020/HSST-QĐ ngày 03/7/2020; đối với bị cáo:

Lâm Nguyễn Thị Bích T, sinh ngày 07 tháng 6 năm 1993 tại Đà Nẵng; Nơi cư trú: Số 10 H, phường A, quận L, thành phố Đà Nẵng; Nghề nghiệp: Buôn bán; Trình độ học vấn:12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Phật giáo; Quốc tịch:Việt Nam; Con ông Lâm Văn C và bà Nguyễn Thị Bích V (đều còn sống); chưa có chồng, con:

Tiền án:Ngày 31/12/2014 bị Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng xử phạt: 02 (hai) năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng intenet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 48 (bốn tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm (Bản án số: 55/2014/HSST ngày 31/12/2014); Tiền sự: Chưa.

Bị bắt tạm giam ngày 20/12/2019.Bị cáo hiện đang tạm giam. Có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa: Ông Bùi Xuân N - Luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của Tòa án. Có mặt.

* Người bị hại:

1. Anh: Lê Cảnh C, sinh ngày: 06/02/1991; Nơi cư trú: Số 05/24 đường V, phường T, quận K, thành phố Đà Nẵng.Vắng mặt.

2. Chị:Mai Nguyễn Quỳnh A, sinh ngày: 20/10/1982; Nơi cư trú: Số 581/36C đường C, phường N, quận P, thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Văn T, sinh năm: 1979; Nơi cư trú: Thôn L, H, L, Vĩnh Phúc, (Văn bản Giấy ủy quyền ngày 29/5/2018).Vắng mặt.

3. Chị:Phùng Trúc L, sinh ngày: 11/9/1984; Nơi cư trú: Số 131/22 đường L, phường 3, quận V, thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt.

4. Chị:Mạch Thanh T, sinh ngày: 06/02/1984; Nơi cư trú: Số 80/9C đường Đ, phường 14, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt.

5.Công ty TNHH Thực Phẩm Đ; Địa chỉ: Lô Vb.17b-19-21A, đường số 22A, Khu công nghiệp trong khu chế xuất T, phường Đ, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông M, Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị Thanh H, sinh năm 1978, Nơi cư trú: Số 16 T 7, quận T, TP. Đà Nẵng, (Văn bản Giấy ủy quyền ngày 03/3/2020).Vắng mặt.

6. Ông:Từ Nhật T, sinh ngày: 20/3/1984; Nơi cư trú: K31/3 đường L, phường P, Q. C, TP. Đà Nẵng. Vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông:Lâm Văn C, sinh năm: 1952 và bà Nguyễn Thị Bích V, sinh năm: 1962; Cùng nơi cư trú: Số 14/25 đường C, quận C, TP. Đà Nẵng. Có mặt.

- Bà Nguyễn Thị L, sinh năm: 1958; Nơi cư trú : Số 52-54 đường N, phường N, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.Vắng mặt - Ông Trương Minh C, sinh năm: 1990; Trú tại: Chung cư A2 Nam Cầu L, TP. Đà Nẵng. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Lâm Nguyễn Thị Bích T có tham gia vào nhóm bán nguyên liệu làm bánh trên mạng xã hội facebook. Để có tiền sử dụng cá nhân, T liên hệ với những người có nhu cầu mua các mặt hàng nguyên liệu làm bánh như : Whipping (kem sữa), cream cheese (phô mai kem), bơ, moza (phô mai tảng), kem bơ thương hiệu Anchor và nói mình có người thân ở nước ngoài có nguồn cung cấp hàng giá rẻ hơn giá thị trường tại Việt Nam khoảng 30% -40% với điều kiện phải đặt cọc số tiền lớn để nhập hàng về. Sau khi thống nhất giá cả, số lượng, bên mua đặt cọc trước tiền để T lấy hàng. T dành một phần tiền liên hệ một số đại lý của nhãn hàng Anchor tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng mua hàng với giá thị trường, sau đó về giao lại cho những người mua để người mua tin tưởng tiếp tục đặt cọc tiền thực hiện các đơn hàng mới. Sau nhiều lần giao hàng cho người mua, T đưa ra nhiều thông tin như có nguồn hàng rất lớn công ty đang giảm giá, cần nộp tiền đặt cọc để nhập về số lượng lớn, qua đó các bị hại tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản số 0041000281648 mang tên Nguyễn Thị Bích V tại Ngân hàng ngoại thương - CN Đà Nẵng (tài khoản của mẹ T) rồi chiếm đoạt.

Quá trình điều tra xác định bằng thủ đoạn nêu trên, T thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại như sau :

1. Ông:Lê Cảnh C :

Khoảng từ tháng 9.2017, T và anh C ký kết 08 hợp đồng đặt cọc mua bán các mặt hàng kem sữa, bơ, phô mai tảng, phô mai kem hiệu Anchor qua đó chiếm đoạt số tiền cụ thể như sau :

+ Lần thứ nhất : Ngày 13.9.2017, T lập hợp đồng bán cho anh C 4.800 hộp kem sữa loại 250ml, 1000kg bơ Anchor loại 5kg, 500kg bơ Anchor loại 25kg, 500kg phô mai kem, 500kg phô mai tảng với tổng trị giá 485.100.000 đồng (Bốn trăm tám mươi lăm triệu, một trăm ngàn đồng). T yêu cầu anh C đặt cọc trước 339.570.000 đồng (Ba trăm ba mươi chín triệu, năm trăm bảy mươi ngàn đồng) tương đương 70% trị giá lô hàng và hẹn đến ngày 10.11.2017 sẽ bắt đầu giao hàng.

+ Lần thứ hai : Trong lúc chờ giao hàng của đơn hàng lần 1, T gọi điện cho anh C thông báo có mặt hàng bơ Anchor loại 5kg giá chỉ 105.000 đồng/kg có sẵn ở kho, giá rẻ hơn giá thị trường (giá thị trường thời điểm này là 184.500 đến 192.000 đồng/kg). Anh C đặt mua 10 tấn với giá 1.050.000.000 đồng(Một tỷ, không trăm năm mươi triệu đồng). Ngày 06.11.2018, T và anh C ký hợp đồng, anh C đặt cọc 735.000.000 đồng(Bảy trăm ba mươi lăm triệu đồng), T hẹn 10 ngày sau giao hàng. Tuy nhiên đến cuối tháng 11.2017, T chỉ giao 300kg bơ Anchor loại 5kg, anh C trực tiếp đến nhà T nhận hàng.

+ Lần thứ ba : Gần đến thời hạn giao hàng của đơn hàng lần thứ nhất, T tiếp tục nói đang có lô hàng kem sữa Anchor giảm giá chỉ còn 75.000đ/lít, trong khi giá thị trường là 128.000 - 138.000 đồng/lít. Anh C đặt mua 12.000lít với giá 900.000.000 đồng(Chín trăm triệu đồng), đặt cọc 300.000.000 đồng(Ba trăm triệu đồng) T hẹn vài ngày sau giao hàng. T giao cho anh C được 4.000 lít.

+ Lần thứ tư : Giữa tháng 11.2017, T nói có lô hàng phô mai kem giá giảm còn 85.000 đồng/kg, giá thị trường là 192.500 đồng/kg. Ngày 18.11.2017, T và anh C lập hợp đồng mua 3.600kg trị giá 306.000.000 đồng(Ba trăm không sáu triệu đồng), đặt cọc 153.000.000 đồng(Một trăm năm mươi ba triệu đồng), T hẹn 2 ngày sau giao hàng, tuy nhiên sau đó T chỉ giao 30-40kg và giao kèm một ít hàng của các đơn hàng trước.

+Lần thứ năm : Khoảng cuối tháng 11.2017, T nói có lô hàng phô mai tảng giảm giá còn 85.000 đồng/kg, giá thị trường là 192.500 đồng/kg. T và anh C lập hợp đồng mua bán 7.000kg trị giá 595.000.000 đồng(Năm trăm chín mươi lăm triệu đồng), đặt cọc 300.000.000 đồng(Ba trăm triệu đồng), T hẹn ngày 16.12.2017 giao hàng. Tuy nhiên sau đó T nói lô hàng bị hỏng, sẽ giao bù kem sữa nhưng T không giao.

+ Lần thứ sáu : Đầu tháng 12.2017, T nói có lô hàng kem sữa Anchor giá giảm còn 60.000 đồng/lít, giá thị trường là 138.000 đồng/lít. T và anh C lập hợp đồng mua 12.000 lít trị giá 720.000.000 đồng(Bảy trăm hai mươi triệu đồng), đặt cọc 300.000.000 đồng(Ba trăm triệu đồng).

+ Lần thứ bảy : Giữa tháng 11.2017, T nói với anh C kho trữ hàng bơ Anchor loại 5kg và loại 25kg ở Hải Phòng đang cần trả kho nên cần chuyển hàng về Đà Nẵng. T và anh C lập hợp đồng mua bán 15.700kg loại 5kg giá 93.000 đồng/kg (giá thị trường 170.000 đồng/kg) và 9.000kg bơ loại 25kg giá 88.000 đồng/kg (Giá thị trường 167.000 đồng/kg), tổng trị giá 2.252.100.000 đồng (Hai tỷ, hai trăm năm mươi hai triệu, một trăm ngàn đồng). Anh C đặt cọc 300.000.000 đồng (Ba trăm triệu đồng)vào ngày 12.12.2017, T hẹn 10 ngày sau giao hàng nhưng không giao.

+ Lần thứ tám : Ngày 18.12.2017, anh C đặt cọc cho T 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng)mua kem bơ Anchor đủ loại, trị giá đơn hàng là 1.000.000.000 đồng(Một tỷ đồng). T hẹn đến tháng 4.2018 giao hàng nhưng đến tháng 3.2018, T bỏ đi khỏi địa phương.

Để có hàng giao cho anh C, sau khi nhận tiền đặt cọc, T liên hệ với anh Trương Minh C là nhân viên bán hàng kem bơ Anchor của Công ty Fonterra Bankds Việt Nam và anh Từ Nhật T để liên hệ mua kem bơ Anchor theo giá thị trường, vận chuyển hàng về nhà mình tại số 10 H, TP Đà Nẵng hoặc 47 T, TP Đà Nẵng để anh C đến nhận.

Tổng cộng anh C chuyển khoản cho T 2.527.570.000 đồng(Hai tỷ, năm trăm hai mươi bảy triệu, năm trăm bảy mươi ngàn đồng). T giao cho anh C số hàng trị giá 577.150.000 đồng(Năm trăm bảy mươi bảy triệu, một trăm năm mươi ngàn đồng), chiếm đoạt số tiền 1.950.420.000 đồng(Một tỷ, chín trăm năm mươi triệu, bốn trăm hai mươi ngàn đồng). Ngày 24.01.2018, sau nhiều lần anh C yêu cầu, T viết “Giấy cam kết” hẹn đến tháng 4.2018 hoàn trả hết tiền, nhưng đến nay chưa trả.

Cơ quan điều tra trưng cầu giám định mẫu chữ viết, chữ ký trên các tài liệu như “Giấy cam kết” ngày 24.01.2018 (Ký hiệu A1), các hợp đồng mua bán, Biên bản xác nhận đặt cọc, Hợp đồng đặt cọc (Ký hiệu A2 đến A14).

Theo Kết luận giám định số 84/GĐ-TL ngày 20.7.2018 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP Đà Nẵng kết luận :

- Chữ viết (Trừ chữ ký, chữ viết dưới mục Đà Nẵng, ngày 24.01.2018) trên “Giấy cam kết” ghi ngày 24.01.2018 (Ký hiệu A1) so với chữ viết đứng tên Lâm Nguyễn Thị Bích T trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu từ M1 đến M5) do cùng một người viết ra.

- Chữ ký mang tên Lâm Nguyễn Thị Bích T dưới mục “Đại diện bên A”; dưới mục “Bên A” và dưới mục “Bên B”(Ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)” trên các tài liệu cần giám định (Ký hiệu từ A2 đến A8) so với chữ ký đứng tên Lâm Nguyễn Thị Bích T trên tài liệu mẫu so sánh(Ký hiệu M1 và M2) do cùng một người ký ra.

- Chữ viết có nội dung “Lâm Nguyễn Thị Bích T” trên các tài liệu cần giám định (Ký hiệu từ A2 đến A14) so với chữ viết đứng tên Lâm Nguyễn Thị Bích T trên tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu từ M1 đến M5) do cùng một người viết ra.

- Không đủ cơ sở kết luận chữ ký, chữ viết mang tên Lâm Nguyễn Thị Bích T dưới mục “Đà Nẵng, ngày 24.01.2018” trên tài liệu cần giám định (Ký hiệu A1) so với chữ ký, chữ viết của Lâm Nguyễn Thị Bích T trên các tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu từ M1 đến M5) có phải do cùng một người ký và viết ra hay không.

- Không đủ cơ sở kết luận chữ ký dưới mục “Bên B ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên” mang tên Lâm Nguyễn Thị Bích T trên tài liệu cần giám định (Ký hiệu từ A9 đến A14) so với chữ ký của Lâm Nguyễn Thị Bích T trên các tài liệu mẫu so sánh (Ký hiệu từ M1 đến M5) có phải do cùng một người ký và viết ra hay không.

2.Chị:Mai Nguyễn Quỳnh A:

Từ tháng 9.2016 đến tháng 6.2017, chị A nhiều lần mua mặt hàng phô mai kem, kem sữa, bơ của T, T giao hàng đúng thoả thuận. Đến tháng 9.2017, T nói có hàng giá rẻ nhưng phải mua số lượng lớn nên ngày 17.9.2017, T và chị Quỳnh A ký kết Hợp đồng mua bán số TPHCM-11/2017 đặt mua lô hàng gồm kem sữa, phô mai kem, bơ, phô mai tảng hiệu Anchor. Chị Quỳnh A nhiều lần chuyển tiền đặt cọc cho T tổng cộng 637.000.000 đồng (Sáu trăm ba mươi bảy triệu đồng) để mua hàng. Các lần chuyển tiền đặt cọc, chị Quỳnh A và T ký Biên bản xác nhận đặt cọc ghi rõ số tiền đặt cọc cho T để mua hàng, cụ thể như sau :

- Ngày.9.2017, chị Quỳnh A đặt cọc số tiền 161.500.000 đồng(Một trăm sáu mươi mốt triệu, năm trăm ngàn đồng), thỏa thuận ngày 8.12.2017 giao hàng.

- Ngày 01.11.2017 chị Quỳnh A đặt cọc số tiền 192.500.000 đồng(Một trăm chín mươi hai triệu, năm trăm ngàn đồng), thỏa thuận ngày 01.12.2017 giao hàng.

- Ngày 18.11.2017, chị Quỳnh A đặt cọc số tiền 70.000.000 đồng(Bảy mươi triệu đồng), thỏa thuận ngày 01.12.2017 giao hàng.

- Ngày 28.11.2017, chị Quỳnh A đặt cọc 69.000.000 đồng(Sáu mươi chín triệu đồng), thỏa thuận ngày 01.12.2017 giao hàng.

- Ngày 04.12.2017, chị Quỳnh A đặt cọc số tiền 44.000.000 đồng(Bốn mươi bốn triệu đồng), thỏa thuận ngày 12.12.2017 giao hàng.

T lấy lý do hàng có nguồn gốc nước ngoài nên phải chuyển tiền trước 3 tháng mới có hàng để chị Quỳnh A tin tưởng đặt cọc tiền nhiều đợt để chờ hàng về. Sau khi nhận số tiền 637.000.000 đồng(Sáu trăm ba mươi bảy triệu đồng)của chị Quỳnh A, để tạo lòng tin, T liên hệ Công ty C (địa chỉ tại số 52 N, Q.1, TP Hồ Chí Minh), mua hàng với giá thị trường hết 148.472.000 đồng (Một trăm bốn mươi tám trệu, bốn trăm bảy hai ngàn đồng), trả tiền trước và báo cho chị Quỳnh A đến nhận hàng về, nói là hàng T gởi. Số tiền còn lại 488.528.000 đồng(Bốn trăm,tám mươi tám triệu, năm trăm hai tám ngàn đồng) T chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Sau nhiều lần chị Quỳnh A đòi tiền, T trả được 20.000.000 đồng(Hai mươi triệu đồng), số tiền còn lại đến nay chưa trả.

3.Chị:Phùng Trúc L:

Từ tháng 12.2016 đến tháng 9.2017, chị L nhiều lần mua mặt hàng phô mai kem, bơ, kem sữa của T, T giao hàng đúng hẹn.

Đến tháng 9.2017, T nói phải mua số lượng lớn mới có hàng giá rẻ nên từ ngày 12.9.2017 đến ngày 12.12.2017, chị L nhiều lần chuyển tiền đặt cọc cho T, tổng cộng 1.598.500.000 đồng(Một tỷ, năm trăm chín mươi tám triệu, năm trăm ngàn đồng). Sau khi nhận tiền, T trích số tiền 840.362.000 đồng (Tám trăm bốn mươi triệu, ba trăm sáu hai ngàn đồng) đặt mua hàng tại Cửa hàng C và Công ty Đ (số 17, đường 12, P. A, Q.2, TP Hồ Chí Minh) và bảo chị L đến các địa chỉ nêu trên nhận hàng. Còn lại số tiền 758.138.000 (Bảy trăm năm mươi tám triệu, một trăm ba tám ngàn đồng)T chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Sau khi chị L nhiều lần yêu cầu, T trả lại được 50.000.000 đồng(Năm mươi triệu đồng), còn lại hiện chưa trả.

4.Chị:Mạch Thanh T:

Chị T mua mặt hàng bơ, kem sữa, kem bơ của T từ tháng 8.2017 đến tháng 9.2017 và được T giao hàng đúng hẹn.

Đến tháng 10.2017, do tin tưởng T có nguồn hàng giá rẻ từ nước ngoài nhập về nên chị T nhiều lần chuyển tiền đặt cọc mua hàng.Từ tháng 10.2017 đến tháng 12.2017, chị T chuyển khoản cho T tổng cộng 1.478.000.000 đồng(Một tỷ, bốn trăm bảy mươi tám triệu đồng), đặt cọc mua hàng. T liên hệ Cửa hàng C đặt mua số hàng trị giá 1.359.244.000 đồng (Một tỷ, ba trăm năm mươi chín triệu, hai trăm bốn bốn ngàn đồng)giao cho chị T. Số tiền còn lại 118.756.000 đồng (Một trăm mười tám triệu, bảy trăm năm sáu ngàn đồng)T chiếm đoạt. Ngoài ra, do biết chị T có nguồn hàng kem bơ nhãn hiệu Zelachi, Maccaphone, kem sữa nhãn hiệu Tatua, T nói chị T mua giúp số hàng trị giá 58.532.000 đồng (Năm mươi tám triệu, năm trăm ba hai ngàn đồng)rồi không trả. Tổng cộng T chiếm đoạt của chị T số tiền 118.756.000 đồng(Một trăm mười tám triệu, bảy trăm năm sáu ngàn đồng)đến nay chưa trả lại.

5.Công ty Đ:

T mua hàng của Công ty Đ từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, mỗi lần mua số lượng ít và thanh toán đầy đủ. Do các bị hại hối thúc giao hàng nhưng không có để giao, T liên hệ chị Phạm Phương T - nhân viên bán hàng để xin mua nợ. Do T có lịch sử giao dịch tốt nên chị Phạm Phương T tin tưởng cho T mua nợ. Từ ngày 02.01.2018 đến ngày 04.01.2018, T nhiều lần mua hàng, khi Công ty yêu cầu thanh toán tiền nợ các đơn hàng trước, T đưa ra nhiều lý do trì hoãn việc trả tiền để tiếp tục lấy thêm hàng như do điền thông tin tài khoản Công ty sai nên Ngân hàng chưa thực hiện lệnh chuyển tiền được hoặc do Ngân hàng yêu cầu chủ tài khoản (mẹ T) phải trực tiếp đến chuyển tiền, không cho người nhà đi thay…Tổng cộng T mua số hàng trị giá 497.217.600 đồng(Bốn trăm chín mươi bảy triệu, hai trăm mười bảy ngàn đồng). Sau khi Công ty nhiều lần đòi nợ, T trả được 127.991.500 đồng (Một trăm hai mươi bảy triệu, chín trăm chín mốt ngàn, năm trăm đồng) còn 369.226.100 đồng (Ba trăm sáu mươi chín triệu, hai trăm hai sáu ngàn, một trăm đồng)đến nay chưa trả.

6. Anh:Từ Nhật T: Quá trình mua nguyên liệu làm bánh của anh Từ Nhật T bán cho anh Lê Cảnh C, do sử dụng hết số tiền anh C đặt cọc, để có hàng giao cho anh C, T mua của anh T số hàng trị giá 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) rồi chiếm đoạt, đến nay không trả lại.

Tổng cộng T nhận và chiếm đoạt của 06 người bị hại tổng số tiền 4.071.379.600 đồng(Bốn tỷ, không trăm bảy mươi mốt triệu, ba trăm bảy mươi chín ngàn, sáu trăm đồng).

Sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, T bỏ đi khỏi địa phương. Đến ngày 20.12.2019 thì bị bắt theo quyết định truy nã số 04/QĐ-VPCQCSĐT ngày 29.8.2018 của Cơ quan CSĐT - Công an TP Đà Nẵng.

Với nội dung trên: Tại Bản cáo trạng số 16/CT-VKS-P3 ngày 19/05/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã truy tố bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tại phiên tòa:Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tham gia phiên tòa giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như nội dung Bản cáo trạng số16/CT-VKS-P3ngày 19/05/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng. Trên cơ sở phân tích đánh giá tính chất vụ án, hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân bị cáo. Qua đó, đề nghị Hội đồng xét xử:

Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” Về hình phạt:Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g, h khoản 1 Điều 52 và điểm b, s khoản 1, khoản 2Điều 51Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) xử phạt Lâm Nguyễn Thị Bích T từ 13 (mười ba)năm tùđến 14 (mười bốn) năm tù.

Căn cứ khoản 5 Điều 65 và Điều 56 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) buộc bị cáo chấp hành hình phạt 02 (hai) năm tù của Bản án số: 55/2014/HSST ngày 31/12/2014 của Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Năng xét xử đã có hiệu lực pháp luật, để tổng hợp hình chung cho cả hai bản án theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: mặt dù tại phiên tòa các người bị hại vắng mặt, tuy nhiên tại hồ sơ vụ án thể hiện các người bị hại đều có yêu cầu buộc bị cáo trả lại số tiền chiếm đoạt. Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 48 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các Điều 463,466 BLDS năm 2015 buộc bị cáo bồi thường trả lại cho bị hại theo yêu cầu.

Về xử lý vật chứng: Đề nghị HĐXX căn cứ Điều 47 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và Điều 106 BLTTHS.

Tịch thu lưu giữ tại hồ sơ vụ án các tài liệu, chứng cứ là vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo do các người bị hại nộp.

Tiếp tục quy trữ, tạm giữ số tiền 5.700.000đ (Năm triệu, bảy trăm ngàn đồng) do gia đình bị cáo tự nguyện nộp để đảm bảo việc thi hành án.

Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T đã thành khẩn, khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như nội dung Bản cáo trạng số 16/CT-VKS-P3 ngày 19/05/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Bị cáo xin HĐXX xem xét cho hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện tại cha mẹ già yếu, ốm đau để xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Luật sư Bùi Xuân N người bào chữa cho bị cáo có quan điểm luận cứ bào chữa như sau: Thống nhất về tội danh, điểm khoản và điều luật mà cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã truy tố đối với bị cáo, nên không có tranh luận về tội danh. Tuy nhiên, luật sư cho rằng khi quyết định hình phạt đối với bị cáo cần xem xét đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà bị cáo được hưởng như, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tuy hoàn cảnh gia đình bị cáo thuộc diện khó khăn, nhưng cũng đã tác động cha, mẹ nộp số tiền 5.700.000đ (Năm triệu, bảy trăm ngàn đồng) khắc phục hậu quả, gia đình bị cáo thuộc diện có công cách mạng, có bà nội được Nhà nước phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, trên cơ sở đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) áp dụng cho bị cáo mức hình phạt thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định, nhằm thể hiện tính khoan hồng của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Những người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (đương sự) trong vụ án, có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ Điều 292 BLTTHS, HĐXX tiến hành xét xử vụ án theo luật định.

[2]Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác không ai có ý kiến khiếu nại gì. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo: Qua xem xét lời khai nhận tội của bị cáo trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, quan điểm luận tội của đại diện VKS nhân dân thành phố Đà Nẵng, luận cứ bào chữa của luật sư người bào chữa cho bị cáo, lời khai của những người bị hại, người có quyền lợi, liên quan, cùng với các tài liệu, chứng cứ khác đã được điều tra thu thập có tại hồ sơ vụ án. HĐXX có đủ cơ sở khẳng định:Lâm Nguyễn Thị Bích T tham gia nhóm bán nguyên liệu làm bánh trên mạng xã hội facebook. Để có tiền sử dụng cá nhân, T đưa ra những thông tin gian dối có người thân ở nước ngoài và có nguồn cung cấp các mặt hàng nguyên liệu làm bánh hiệu Anchor giá rẻ hơn so với giá thị trường tại Việt Nam từ 30% - 40%, nhưng với điều kiện người mua phải đặt cọc trước số tiền lớn để nhập hàng về. Sau khi các bị hại thống nhất về giá cả, số lượng và đặc cọc trước tiền để lấy hàng, bị cáo sử dụng một phần tiền đặt cọc liên hệ mua hàng tại một số đại lý, nhà phân phối tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo giá thị trường rồi giao cho các bị hại để làm cho các người bị hại tin tưởng tiếp tục đặt cọc tiền thực hiện cho các đơn hàng mới tiếp theo. Sau nhiều lần giao hàng cho các bị hại, bị cáo tiếp tục đưa ra nhiều thông tin không có thật như có nguồn hành lớn Công ty đang giảm giá, cần nộp tiền đặt cọc, qua đó làm cho các bị hại càng tin tưởng chuyển tiền vào tài khoản đứng tên mẹ ruột Nguyễn Thị Bích Vân tại Ngân hàng ngoại thương - Chi nhánh Đà Nẵng. Trong quá trình thực hiện việc mua bán với các nhà phân phối, do sử dụng hết số tiền đặt cọc,nên không có hàng giao cho các bị hại, bị cáo tiếp tục xin mua nợ tiền hàng rồi chiếm đoạt.

Với thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2017 bị cáo đã nhận tiền đặc cọc, qua đó chiếm đoạt của 06 người bị hại với tổng số tiền là 4.071.379.600 đồng (Bốn tỷ, không trăm bảy mươi mốt triệu, ba trăm bảy mươi chín ngàn, sáu trăm đồng). Trong đó chiếm đoạt của ông Lê Cảnh C 1.950.420.000đ(Một tỷ, chín trăm năm mươi triệu, bốn trăm hai mươi ngàn đồng), bà Mai Nguyễn Quỳnh A 488.528.000đ (Bốn trăm,tám mươi tám triệu, năm trăm hai tám ngàn đồng); bà Phùng Trúc L 758.138.000đ(Bảy trăm năm mươi tám triệu, một trăm ba tám ngàn đồng);bà Mạch Thanh T 118.756.000 đồng(Một trăm mười tám triệu, bảy trăm năm sáu ngàn đồng); anh Từ Nhật T 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng)và Công ty Đ 369.226.100 đồng(Ba trăm sáu mươi chín triệu, hai trăm hai sáu ngàn, một trăm đồng) rồi bỏ trốn đến ngày 20/12/2019 thì bị bắt giữ. Với hành vi nêu trên bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như bản Cáo trạng số 16/2020/VKS-CT ngày 19/5/2020 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đã truy tố đối với bị cáo là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan.

[3] Xét tính chất vụ án,hành vi phạm tội củabị cáo thì thấy: Đây là vụ án có tính chất đặt biệt nghiêm trọng, bởi lẻ: Quyền sở hữu về tài sản luôn được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu với mục đích trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng đều bị pháp luật trừng trị và xử lý, tùy theo tính chất, mức độ do hành vi trái pháp luật đó gây ra, bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T có đầy đủ nhận thức được điều đó, song để có tiền chi tiêu cho nhu cầu mục đích bản thân, bị cáo bất chấp sự trừng trị của pháp luật, chỉ trong một thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 12/2018 lợi dụng vào sự nhẹ dạ, cả tin của những người bị hại, bị cáo đã thực hiện hành vi gian dối, bằng thủ đoạn đưa ra những thông tin có nguồn hàng nguyên liệu làm bánh hiệu Anchor do người thân ở nước ngoài nhập về bán với giá rẻ hơn so với giá thị trường tại Việt Nam, nhưng với điều kiện người mua phải đặt cọc số tiền lớn mới nhập hàng về. Sau khi người mua hàng chuyển tiền đặt cọc, bị cáo sử dụng tiền cọc mua hàng theo giá thị trường tại một số nhà phân phối và đại lý để giao cho người mua hàng với số lượng ít, đồng thời mua nợ tiền hàng của nhà phân phối và đại lý rồi chiếm đoạt của 06 người bị hại với tổng số tiền là:

4.071.379.600 đồng (Bốn tỷ, không trăm bảy mươi mốt triệu, ba trăm bảy mươi chín ngàn, sáu trăm đồng)khi không có khả năng giao hàng và trả lại tiền chiếm đoạt cho người bị hại, thì bỏ trốn.Rõ ràng hành vi phạm tội của bị cáo không những xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an xã hội, gây bất bình trong quần chúng nhân dân nên việc các cơ quan tiến hành tố tụng bắt điều tra, truy tố bị cáo ra trước pháp luật xử lý là thích đáng. Xét thấy số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại trên 500.000.000đ(Năm trăm triệu đồng) là thuộc tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt tù, từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân, đồng thời khi thực hiện hành vi phạm tội này bị cáo đang trong thời gian chấp hành án treo của Bản án số: 55/2014/HSST ngày 31/12/2014 do Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng xét xử đã có hiệu lực pháp luật khi chưa hết hạn thời gian thử thách 04 (bốn) năm theo quyết định của Bản án. Vì vậy, ngoài hình phạt được áp dụng cho Bản án này bị cáo còn phải chịu chấp hành hình phạt 02 (hai) năm tù của Bản án 55/2014/HSST ngày 31/12/2014 theo quy định của pháp luật.Do đó, đối với bị cáo còn phải được xử lý nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội do bị cáo gây ra và việc tiếp tục cách ly bị cáo ra ngoài xã hội một thời gian nhất định, để cải tạo, giáo dục, răn đe đối với bị cáo và phòng ngừa chung là cần thiết.

[4] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

[4.1] Về tình tiết tặng nặng: Bị cáo phạm tội thuộc các trường hợp “Phạm tội 02 lần trở lại”và “Tái phạm”là các tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại g và điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) để áp dụng khi lượng hình đối với bị cáo.

[4.2] Về tình tiết giảm nhẹ:Trong quá trình điều tra, truy tố và phiên tòa tuy bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, trong giai đoạn Tòa án chuẩn bị xét xử vụ án, bị cáo có tác động gia đình nộp số tiền 5.570.000đ (Năm triệu, bảy trăm ngàn đồng) nhằm khắc phục một phần hậu quả, gia đình bị cáo thuộc diện khó khăn và có công cách mạng, có bà nội được Nhà nước phong tặng, “Bàmẹ Việt nam anh hùng”, đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)mà bị cáo được hưởng để xem xét khi lượng hình.

[5] Đối với đề nghị của đại diện VKS nhân dân thành phố Đà Nẵng và luận cứ bào chữa của luật sư tại phiên tòa về việc áp dụng hình phạt cho bị cáo, HĐXX xét thấy bị cáo có 02 (hai) tình tiết tăng nặng,số tiền bị cáo chiếm đoạt là tương đối lớn, trong khi đó số tiền bị cáo tác động gia đình tự nguyện nộp khắc phục hậu quả không đáng kể so với số tiền bị cáo chiếm đoạt, do vậy, mức hình phạt của VKS đề nghị là chưa tương xứng với tính chất, hậu quả do hành vi phạm tội mà bị cáo gây. Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo như đã nêu trên. Tuy nhiên, về mức hình phạt theo đề nghị của đại diện VKS và luật sư HĐXX không chấp nhận.

[6] Những vấn đề có liên quan trong vụ án:

[6.1] Đối với bà Nguyễn Thị Bích V cho bị cáo mượn tài khoản mở tại Ngân hàng để bị cáo sử dụng vào việc nhận, chuyển tiền rồi chiếm đoạt, tuy nhiên, việc thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo bà không biết, và bà cũng không có hưởng lợi gì trong vụ án này, do vậy, việc cơ quan Cảnh sát diều tra Công an Thành phố Đà Nẵng không đề cập xử lý trách nhiệm hình sự là có cơ sở nên HĐXX không đề cập đến.

[6.2] Đối với ông Lâm Văn C là người có giúp bị cáo giao nhận hàng cho các bị hại, nhưng ông không biết việc làm của bị cáo là vi phạm pháp luật, việc cơ quan điều tra không xử lý là có cơ sở nên cũng không đề cập đến.

[6.3] Đối với đối tượng tên Chánh theo lời khai của bị cáo là người có liên quan, tuy nhiên do không xác định được họ tên và địa chỉ cụ thể ở đâu, nên không có căn cứ để xử lý là phù hợp, nên HĐXX cũng không đề cập đến.

[7]Về trách nhiệm dân sự: Bị cáo T có hành chiếm đoạt của ông Lê Cảnh C 1.950.420.000đ(Một tỷ, chín trăm năm mươi triệu, bốn trăm hai mươi ngàn đồng), bà Mai Nguyễn Quỳnh A 488.528.000đ (Bốn trăm,tám mươi tám triệu, năm trăm hai tám ngàn đồng); bà Phùng Trúc L 758.138.000đ(Bảy trăm năm mươi tám triệu, một trăm ba tám ngàn đồng);bà Mạch Thanh Trúc 118.756.000 đồng(Một trăm mười tám triệu, bảy trăm năm sáu ngàn đồng); anh Từ Nhật T 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng)và Công ty Đ 369.226.100 đồng(Ba trăm sáu mươi chín triệu, hai trăm hai sáu ngàn, một trăm đồng). Trong đó đã khắc phục trả được cho bà Quỳnh A số tiền 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng), bà Trúc L 50.000.000đ (Năm mươi triệu đồng),số tiền còn lại cho đến nay bị cáo chưa trả lại. Tại phiên tòa các người bị hại tuy vắng mặt, nhưng tại hồ sơ vụ án họ đều có yêu cầu HĐXX buộc bị cáo bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Xét thấy yêu cầu của cácngười bị hại là chính đáng phù hợp với quy định của pháp luật nên chấp nhận. Do vậy, căn cứ vào Điều 48 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các Điều 463, 466 Bộ luật dân sự năm 2015 Buộc bị cáo Tbồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho các người bị hại là phù hợp.

[8]Về xử lý vật chứng:

[8.1] Đối với vật chứng là những tờ giấy cam kết, hợp đồng đặc cọc,hợp đồng mua bán, biên bản xác nhận đặt cọc, phiếu giao hàng do bị cáo ghi và ký với những người bị hại trong việc thỏa thuận mua bán hàng, do các bị hại cung cấp trong quá trình điều tra vụ án, xét đây là tài liệu chứng cứ truy tố đối với bị cáo, do đó, HĐXX căn cứ vào Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS tịch thu lưu giữ tại hồ sơ vụ án.

[8.2] Đối với số tiền 5.700.000đ (Năm triệu, bảy trăm ngàn đồng) do gia đình bị cáo nộp thay cho bị cáo tại Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng thì tiếp tục quy trữ tạm giữ nhằm đảm bảo cho việc thi hành án.

[9]Về án phí và quyền kháng cáo: Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích Tphạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

1. Căn cứ: Điểm a khoản 4 Điều 174; các điểm g, h khoản 1 Điều 52 và các Điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Xử phạt: Lâm Nguyễn Thị Bích T:15 (mười lăm) năm tù.

2. Căn cứ: Khoản 5 Điều 65 và Điều 56 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Buộc bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T phải chấp hành hình phạt 02(hai)năm tù của Bản án số 55/2014/HSST ngày 31/12/2014 do Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng xét xử đã có hiệu lực pháp luật. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai Bản án bị cáo phải chấp hành là:

17(mười bảy)năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị bắt tạm giam, ngày 08/01/2019.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) và các Điều 463, 466 BLDS năm 2015.

* Buộc bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích Tphải có trách nhiệm bồi thường trả lại cho các người bị hại gồm:

- Ông Lê Cảnh C số tiền: 1.950.420.000đ(Một tỷ, chín trăm năm mươi triệu, bốn trăm hai mươi ngàn đồng) - Bà Mai Nguyễn Quỳnh A số tiền: 468.528.000đ(Bốn trăm,sáumươi tám triệu, năm trăm hai tám ngàn đồng):

- Bà Phùng Trúc L số tiền: 708.138.000đ(Bảy trăm không tám triệu, một trăm ba tám ngàn đồng):

- Bà Mạch Thanh T số tiền 118.756.000 đồng(Một trăm mười tám triệu, bảy trăm năm sáu ngàn đồng):

- Anh Từ Nhật T số tiền: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng) - Công ty Đ số tiền: 369.226.100 đồng(Ba trăm sáu mươi chín triệu, hai trăm hai sáu ngàn, một trăm đồng) Kể từ ngày bảnán có hiệu lực người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ chậm bồi thường thì phải chịu thêm khoản tiền lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất chậm trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS; Nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015.

3.Về xử lý vật chứng: Áp dụng điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tịch thu lưu giữ tại hồ sơ vụ án các vật chứng gồm: 01(một) giấy cam kết ngày 24/01/2018; 08(tám) bản hợp đồng đặt cọc giữa ông Lê Cảnh C và Lâm Nguyễn Thị Bích T; 01(một) hợp đồng mua bán ngày 17/9/2017; 05 (năm) biên bản xác nhận đặt cọc gồm các ngày 18/9/2017, 01/11/2017, 18/11/2017, 28/11/2017, 04/12/2017 giữa Lâm Nguyễn Thị Bích T với bà Mai Nguyễn Quỳnh A và 05 (năm) phiếu giao hàng của Công ty C; do ông Lê Cảnh C và bà Mai Nguyễn Quỳnh A giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng ngày 01/6/2018 và ngày 11/6/2018.

Tiếp tục quy trữ tạm giữ số tiền 5.700.000đ (Năm triệu, bảy trăm ngàn đồng) do gia đình bị cáo T nộp tại Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng theo các BL thu tiền ngày 16/6/2020 và ngày 26/6/2020 nhằm đảm bảo cho việc thi hành án.

4.Về án phí: Căn cứ vào Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Buộc bị cáo Lâm Nguyễn Thị Bích T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 108.301.362đ án phí dân sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hôm nay.

Riêng người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày niêm yết bản án hoặc nhận được bản sao bản án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điều 6, 7, 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

259
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 36/2020/HS-ST ngày 03/09/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:36/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đà Nẵng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về