Bản án 36/2019/DSPT ngày 13/06/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH

BẢN ÁN 36/2019/DSPT NGÀY 13/06/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 13 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 40/2019/TLPT-DS ngày 04 tháng 5 năm 2019 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2018/DS-ST ngày 10 tháng 12 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 51/2019/QĐ-PT ngày 04 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Chị Phan Thị T; cư trú tại Thôn K, xã Â, huyện H, tỉnh Bình Định (có mặt).

Bị đơn: Chị Nguyễn Thị N; cư trú tại Thôn K, xã Â, huyện H, tỉnh Bình Định (có mặt).

Người kháng cáo: Chị Nguyễn Thị N - Bị đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn chị Phan Thị T trình bày:

Nhà chị ở sát cạnh nhà chị Nguyễn Thị N. Hai gia đình đều mở cửa hàng buôn bán tại nhà vì nhà ở trước chợ K, xã Â. Chị bán quần áo may sẵn còn chị N bán tạp hóa. Quá trình mua bán, chị phát hiện quần áo trưng bày tại cửa hàng bị mất nhiều lần sau đó chị thấy mẹ con chị N mặc những loại quần áo mà trước đây chị đã mất nên chị nghi ngờ chị N lấy trộm nhưng vì không có chứng cứ nên gia đình chị theo dõi để bắt quả tang.

Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 24.12.2014 chị đang dọn hàng trong nhà thì nghe có tiếng động ở gian hàng treo quần áo đang bày bán bên phải phía trước nhà chị, chị đi đến nơi phát ra tiếng động và nhìn qua khe hở cửa sắt thì thấy chị N dùng tay lấy trộm 01 áo khoác. Chị vào nhà kể cho anh Phạm Ngọc Nh (anh Nh đến nhà chị chơi trước đó) nghe sau đó hai chị em ra phục để bắt quả tang. Năm phút sau, chị N đến gian hàng bên phải tiếp tục lấy 03 áo khoác nữ. Chị và anh Nh định chạy ra để bắt tận tay nhưng do cửa sắt khó mở nên khi mở được cửa thì chị N đã ôm áo vào nhà. Chị và anh Nh tiếp tục đứng tại cửa sắt canh. Khoảng 10 phút sau chị và anh Nh thấy chị N đi đến gian hàng bên phải của chị tiếp tục lấy trộm áo khoác. Chị và anh N đã bắt quả tang chị N trong tay đang cầm áo khoác mà chị trưng bày lúc đó vào khoảng 21 giờ cùng ngày. Chị và anh Nh giữ tay chị N (trên tay chị N đang cầm áo khoác lấy trộm của chị). Khi anh Nh buông tay phải của chị N ra thì chị N liền dùng tay phải giật sợi dây chuyền chị đang đeo nên chị la to: “ăn trộm, ăn trộm mất sợi dây chuyền của tôi rồi” nhưng hai tay chị vẫn giữ tay trái của chị N. Lúc này, Nguyễn Văn C (sinh năm 1996) là con chị N từ trong nhà xông ra trên tay cầm 03 lon sữa bò loại đậm đặc chưa khui ném chị, một lon sữa đã trúng vào vùng thái dương bên phải của chị khiến chị bị choáng váng nên chị đã buông tay chị N ra. Tiếp theo anh C xông vào đánh chị. Lúc này có ông Phạm Ngọc L ôm anh C lại không cho đánh chị. Sau đó, được một số người dân có mặt can ngăn nên mẹ con chị N vào nhà. Công an xã Â đến làm việc và lập biên bản tạm giữ 03 chiếc áo khoác mà chị N vứt trên đường bê tông trước nhà chị cùng với một phần sợi dây chuyền của chị bị chị N giật đứt còn chị được gia đình đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện H sau đó chuyển viện điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định.

Vì vậy, chị yêu cầu chị Nguyễn Thị N phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị gồm 03 cái áo khoác trị giá 700.000 đồng; 03 cái áo khoác Công an đang tạm giữ giá 420.000 đồng và một phần sợi dây chuyền bị chị N giật đứt trị giá 4.230.000 đồng.

Bị đơn chị Nguyễn Thị N trình bày:

Tối ngày 24.12.2014 chị đang dọn hàng. Lúc này chị Phan Thị T ở sát bên cạnh nhà chị đã đóng cửa. Khi đó chị nghe hô “ăn trộm” nên quay qua xem thử thì bị chị T và anh Phạm Ngọc Nh (con ông Phạm Ngọc L) người cùng địa phương nhào vô người và lôi chị ngược về phía nhà ông L, vừa lôi kéo vừa hô ăn trộm. Con gái chị là cháu H cùng với một số người hàng xóm chạy theo gỡ ra. Lúc này chị thấy ông L ôm anh C giữ lại phía trước nhà; chị cũng nghe chị T hô chị ăn cướp dây chuyền của chị T. Sau đó chị về nhà. Chị thấy ông Ch là Trưởng công an xã đến nhưng không thấy làm việc gì cả. Công an huyện có báo chị đến làm việc 02 lần từ đó đến nay chị không nhận được thông báo hay thông tin gì khác. Chị không đồng ý bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị T. Vì chị không lấy trộm áo khoác của chị T và gây thiệt hại về tài sản của chị T.

Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2018/DS-ST ngày 10.12.2018 của Tòa án nhân dân huyện H đã xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của chị Phan Thị T.

Buộc chị Nguyễn Thị N phải bồi thường thiệt hại cho chị Phan Thị T các khoản: 03 cái áo khoác nữ (02 áo khoác vải kaki; 01 áo khoác vải thun) có giá trị 700.000 đồng và 01 chỉ 09 phân 08 ly 02 dem vàng tây có giá trị 4.230.000 đồng và 500.000 đồng tiền công sửa chữa sợi dây chuyền tổng trị giá là 5.430.000 đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí dân sự sơ thẩm và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 13 tháng 3 năm 2019 bị đơn chị Nguyễn Thị N kháng cáo toàn bộ nội dung của bản án sơ thẩm, không chấp nhận bồi thường về tài sản theo yêu cầu của chị Phan Thị T.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án đề nghị: Chấp nhận một phần kháng cáo của chị N; sửa bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Do nghi ngờ chị Nguyễn Thị N lấy trộm tài sản của mình nên chị Phan Thị T đã theo dõi để bắt quả tang. Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 24.12.2014 chị T đang dọn hàng trong nhà thì nghe có tiếng động ở gian hàng treo quần áo đang bày bán bên phải phía trước nhà chị, chị đi đến nơi phát ra tiếng động và nhìn qua khe hở cửa sắt thì thấy chị N dùng tay lấy trộm 01 áo khoác của chị đang bày bán. Chị vào nhà kể cho anh Phạm Ngọc Nh (anh Nh đến nhà chị chơi trước đó) nghe sau đó hai chị em ra phục để bắt quả tang.

Năm phút sau, chị N đến gian hàng bên phải tiếp tục lấy 03 áo khoác nữ. Chị và anh Nh định chạy ra để bắt tận tay nhưng do cửa sắt khó mở nên khi mở được cửa thì chị N đã ôm áo vào nhà. Chị và anh Nh tiếp tục đứng tại cửa sắt canh. Khoảng 10 phút sau chị và anh Nh thấy chị N đi đến gian hàng bên phải của chị tiếp tục lấy trộm áo khoác. Chị và anh Nh đã bắt quả tang chị N trong tay đang cầm áo khoác mà chị trưng bày (lúc đó vào khoảng 21 giờ cùng ngày). Chị và anh Nh giữ tay chị N (trên tay chị N đang cầm áo khoác lấy trộm của chị). Khi anh Nh buông tay phải của chị N ra thì chị N liền dùng tay phải giật sợi dây chuyền chị đang đeo nên chị la to: “ăn trộm, ăn trộm mất sợi dây chuyền của tôi rồi” nhưng hai tay chị vẫn giữ tay trái của chị N. Lúc này, có anh Nguyễn Văn C là con chị N từ trong nhà xông ra trên tay cầm 03 lon sữa bò loại đậm đặc chưa khui ném chị, một lon sữa đã trúng vào vùng thái dương bên phải của chị khiến chị bị choáng váng nên chị đã buông tay chị N ra. Sau đó được mọi người can ra và đưa chị đến Trung tâm y tế huyện H để điều trị. Việc anh C gây thương tích cho chị, chị đã khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Chị yêu cầu chị N phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị gồm 03 chiếc áo khoác nữ do chị N lấy trộm của chị và 01 chỉ 09 phân 08 ly 02 dem vàng 18k (một phần của sợi dây chuyền của chị đã bị chị N giật đứt).

Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, chị N đều không thừa nhận đã lấy trộm tài sản của chị T và giật đứt sợi dây chuyền của chị T. Sự việc xảy ra giữa chị T và chị N vào đêm 24.12.2014, chị T cho rằng có ông Nguyễn Minh Ch là Trưởng công an xã  đến hiện trường lập biên bản nhưng trong hồ sơ vụ án không có biên bản hiện trường, không có lời khai của ông Nguyễn Minh Ch. Cả chị T và chị N đều khai có nhiều người làm chứng như bà H, bà V, chị D, anh Nh, ông L… nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ lấy lời khai một người làm chứng duy nhất là ông Lê Hồng C là thu thập chứng cứ không đầy đủ, thiếu khách quan. Chị T cho rằng chị bắt quả tang chị N lấy trộm tài sản của chị nhưng chị N đã ném tài sản trên đường, tang vật không do người có thẩm quyền thu giữ mà do chị M (chị ruột của chị T) tự cho vào túi ni lông đem đến công an; Chị T còn cho rằng chị bị chị N giật đứt dây chuyền nhưng chị N không thừa nhận, cũng không có ai nhìn thấy chị N giật đứt dây chuyền của chị T mà chỉ nghe chị T la lên rằng chị N lấy cắp dây chuyền của chị, sau đó mọi người cùng đi tìm và nhặt được một phần của sợi dây chuyền, chị đã nộp ngay cho Công an xã  nhưng theo Biên bản tạm giữ đồ vật, tài liệu (Bút lục 52) do ông Nguyễn Thanh Tr – Phó trưởng công an xã  lại lập vào hồi 22 giờ 40 phút ngày 24.12.2015 tức là việc tạm giữ được tiến hành sau một năm điều này cũng phù hợp với “Biên bản về việc xác định đặc điểm, trọng lượng, giá trị của tài sản” do Công an huyện H lập vào ngày 25.8.2015 có chữ ký và chữ viết của chị T. Tại Biên bản ghi lời khai hồi 08 giờ 00 ngày 10 tháng 02 năm 2015 do Công an huyện H lập (Bút lục số 26), chị Nở không hề thừa nhận việc chị lấy trộm tài sản của chị T và giật đứt sợi dây chuyền của chị T nên Thông báo số 245a/TB ngày 01.12.2016 của Công an huyện H đã kết luận: “Công an huyện H tỉnh Bình Định chỉ có đủ căn cứ chứng minh bà Nguyễn Thị N đã có hành vi hai lần trộm cắp 06 cái áo khoác nữ của bị hại Phan Thị T” là chưa đủ cơ sở nhưng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Thông báo số 245a/TB ngày 01.12.2016 của Công an huyện H để xác định rằng chị N có hành vi trộm cắp tài sản của chị T nhưng do tài sản trộm cắp qua định giá chỉ có 1.120.000 đồng nên chưa đủ điều kiện để xử lý theo pháp luật hình sự do đó Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc chị N phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị T gồm: 03 cái áo khoác nữ (02 áo khoác vải kaki; 01 áo khoác vải thun); 01 chỉ 09 phân 08 ly 02 dem vàng tây và 500.000 đồng tiền công sửa chữa sợi dây chuyền tổng trị giá là 5.430.000 đồng là chưa có căn cứ vững chắc.

Từ những phân tích tại [1], Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập chứng cứ không đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được vì vậy phải hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

[2] Về án phí dân sự sơ thẩm sẽ được quyết định khi vụ án được giải quyết lại.

[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do Bản án sơ thẩm bị hủy nên theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội chị N không phải chịu.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án đề chấp nhận một phần kháng cáo của chị Nguyễn Thị N; sửa bản án sơ thẩm là chưa phù hợp với nhận định của Tòa.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 3 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30.12.2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Hủy bản án sơ thẩm.

1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 95/2018/DS–ST ngày 10.12.2018 của Tòa án nhân dân huyện H về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” giữa nguyên đơn chị Phan Thị T với bị đơn chị Nguyễn Thị N.

Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện H giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.

2. Án phí dân sự phúc thẩm: Chị Nguyễn Thị N không phải chịu. Hoàn lại cho chị N 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai số 0007895 ngày 25.3.2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện H.

Án xử phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

798
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 36/2019/DSPT ngày 13/06/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:36/2019/DSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Định
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:13/06/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về