Bản án 36/2018/HS-PT ngày 14/09/2018 về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 36/2018/ HS–PT NGÀY 14/09/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 14 tháng 9 năm 2018 tại Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 43/2018/TLPT - HS ngày 26 tháng 7 năm 2018 đối với các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D, do có kháng cáo của các bị cáo và có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2018/HS-ST ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Doanh Đức T, sinh ngày 27/11/1986 tại huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nơi cư trú: thôn C, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Doanh Thiêm V và bà Nông Thị D; bị cáo có vợ là Hà Thị H và 02 con (con lớn sinh năm 2011, con nhỏ sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 05/01/2018 (có mặt).

2. Bàn Thế D, sinh ngày 16/9/1991 tại huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nơi cư trú: thôn N, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: làm ruộng; trình độ học vấn: lớp 9/12; dân tộc: Dao; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Bàn Ngọc S và bà Hứa Thị N; vợ là Bàn Thị T và có 01 con sinh năm 2010; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 05/01/2018 (có mặt).

* Nguyên đơn dân sự (không có kháng cáo): Ủy ban nhân dân huyện N

-Địa chỉ: Khu I, xã Vân T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Người đại diện hợp pháp: Bà Chu Thị H, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hà Tấn T, chức vụ: Phó Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện N, tỉnh Bắc Kạn (có mặt).

* Những người làm chứng:

- Ông Hoàng Văn N, sinh năm 1966 - Nơi cư trú: Thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. (Vắng mặt).

- Ông Bàn Văn M, sinh năm 1978 - Nơi cư trú: Khu I, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. (Có mặt).

- Anh Lý Văn T, sinh năm 1994 - Nơi cư trú: Thôn P, xã B, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.(Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 23/9/2016, Hạt kiểm lâm huyện N phối hợp với Ủy ban nhân dân xã T tiến hành kiểm tra, phát hiện một phần diện tích rừng phòng hộ tại thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn do hộ gia đình ông Hoàng Văn N, trú tại thôn N, xã T khoanh nuôi, bảo vệ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 878123 ngày 14/12/2009 do Ủy ban nhân dân huyện N cấp với mục đích sử dụng đất là đất rừng phòng hộ và ký kết thực hiện hợp đồng khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên số 17/HĐ-BQL ngày 14/7/2014 với Hạt Kiểm lâm huyện N trong thời hạn từ ngày 10/7/2014 đến ngày 31/12/2018, đã bị người khác san ủi cây cối để làm nương rẫy.

Ngày 03/10/2016, Hạt Kiểm lâm phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N, chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, xác định diện tích rừng bị phá thuộc thửa đất số 265, khoảnh 4, tiểu khu 114 thuộc thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Thiệt hại được tính bằng máy định vị toàn cầu (GPS) để đo đạc, thống kê. Kết quả xác định diện tích rừng bị hủy hoại là 1,14ha (11.400m2) và số cây bị đào bới, dồn đống bỏ lại tại hiện trường qua đo, đếm xác định được tổng là 182 cây = 23,033m3, gỗ thuộc nhóm V đến nhóm VIII thuộc trạng thái rừng IIa, theo bản đồ quy hoạch 03 loại rừng năm 2005 của Ủy ban nhân dân huyện N thì phần diện tích rừng bị phá thuộc rừng phòng hộ do Ủy ban nhân dân huyện N quản lý. Ngày 03/11/2016, Hạt Kiểm lâm huyện N đã tiến hành giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện N để tiến hành điều tra theo quy định. Qua điều tra xác định các đối tượng Doanh Đức T, sinh năm 1986, trú tại thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn và Bàn Thế D, sinh năm 1991, trú tại thôn N, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn thuê máy xúc của ông Bàn Văn M để san ủi diện tích đất rừng trên, thời gian khoảng đầu tháng 9 năm 2016, với mục đích để lấy đất canh tác.

Tại cơ quan điều tra, Doanh Đức T và Bàn Thế D khai nhận: Do trước đó được bố vợ của D là ông Bàn Văn T, sinh năm 1965, trú tại thôn K, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (đã chết ngày 12/3/2016) có nói với T và D là khu rừng ở thôn N, xã T, ngày xưa ông thường được canh tác (trồng ngô) nếu T, D có nhu cầu thì cải tạo lại làm nương rẫy. Vào đầu tháng 9 năm 2016, do cần lấy đất canh tác nên T, D đã bàn nhau cải tạo diện tích đất tại khu rừng trên để trồng trọt và chăn nuôi. Lúc này, khi thấy có máy xúc của ông Bàn Văn M do Lý Văn T lái đang làm thuê (múc đất ruộng) cho các hộ dân ở gần đó thì D trực tiếp gọi điện cho M hỏi để thuê máy xúc lên cải tạo, san ủi đất cho mình và được M đồng ý và hai bên thỏa thuận, thống nhất giá thuê máy xúc là 600.000đ (sáu trăm nghìn đồng)/giờ. Sau đó, M gọi điện cho Lý Văn T nói khi nào làm xong cho các hộ dân ở thôn K thì mang máy lên làm cho D, T. Khi T điều khiển máy xúc lên vị trí khu rừng để san ủi thì D, T là người trực tiếp chỉ dẫn về diện tích, ranh giới cho T. Thời gian san ủi khoảng 02 ngày tổng là 10 (mười) tiếng đồng hồ với tổng số tiền thuê là 6.000.000đ (sáu triệu đồng). T, D thống nhất mỗi người chịu một nửa với số tiền là 3.000.000đ (ba triệu đồng) và D là người bỏ tiền ra thanh toán hết cho ông M trước. Sau đó, T đã trả cho D số tiền 3.000.000đ (ba triệu đồng). Khi thuê máy và chỉ dẫn T san ủi thì T, D có nói với T đây là khu rừng của gia đình mình cần cải tạo lại để làm nương trồng ngô và chăn nuôi. Sau khi san ủi xong đến ngày 23/9/2016 thì bị cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản sự việc.

Tiến hành xác minh:

Ông Hoàng Văn N, sinh năm 1966, trú tại thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn trình bày: Năm 2009, gia đình ông được Nhà nước giao khoán, khoanh nuôi bảo vệ 169.608m2 đất rừng phòng hộ tại thửa đất số 265 thuộc thôn N, xã T. Đến năm 2014, ông ký với Hạt kiểm lâm huyện N hợp đồng khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên để nhận hỗ trợ tiền công chăm sóc, bảo vệ. Bản thân ông không biết ai phá diện tích rừng trên, chỉ đến khi Cơ quan chức năng mời làm việc ông mới biết Doanh Đức T và Bàn Thế D thuê máy xúc san ủi một phần diện tích khu rừng trên.

- Anh Bàn Văn M, sinh năm 1978, trú tại khu 1, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn trình bày: Khoảng đầu tháng 9 năm 2016, anh Bàn Thế D nhà ở xã V, huyện N có gọi điện cho anh hỏi thuê máy xúc để cải tạo đất làm nương tại thôn N thì được anh đồng ý. Thời điểm này, máy xúc của anh đang múc đất ruộng thuê cho các hộ dân tại khu vực xã T do anh Lý Văn T, trú tịa thôn P, xã B, huyện N, tỉnh Bắc Kạn là người điều khiển (lái máy thuê cho anh). Bản thân anh không được trực tiếp gặp D mà chỉ trao đổi qua điện thoại giá thuê máy là 600.000đ/giờ và sau đó anh bảo Tuấn mang máy đến làm cho D, T với tổng số thời gian là 10 giờ và tổng số tiền là 6.000.000đ (sáu triệu đồng). Hiện D đã thanh toán hết số tiền thuê máy.

- Anh Lý Văn T, sinh năm 1994 trú tại thôn P, xã B, huyện N, tỉnh Bắc Kạn trình bày: Khoảng tháng 8 năm 2016, khi anh đang lái máy xúc thuê cho ông Bàn Văn M để múc đất ruộng cho các hộ dân tại khu vực thôn K, xã T, huyện N, thì anh Doanh Đức T và Bàn Thế D tiếp tục thuê máy xúc của ông M. Ông M gọi điện thoại cho T báo khi nào làm xong phần các hộ thì sang làm cho D, T. Sau đó, T điều khiển máy xúc lên khu vực rừng do T, D trực tiếp thay nhau chỉ dẫn đào bới, san ủi cây cối với tổng thời gian máy làm là 10 giờ đồng hồ, còn việc thanh toán tiền thuê máy thì bản thân T không biết. Trong quá trình san ủi thì T, D có nói đây là khu vực rừng của gia đình, cần cải tạo để làm nương trồng trọt, chăn nuôi.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu định giá tài sản. Tại bản kết luận định giá tài sản số 05/BB-HĐĐG ngày 03/3/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện N Sơn kết luận: “23,033m3 gỗ các loại từ nhóm V đến nhóm VIII có giá trị tại thời điểm xảy ra vụ việc là 18.145.500đ (mười tám triệu một trăm bốn mươi năm nghìn năm trăm đồng”

Tại cơ quan điều tra các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của các bị cáo là hoàn toàn phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 10/2018/HSST ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn đã: Tuyên bố các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D phạm tội: “Hủy hoại rừng”.

Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 189, Điều 20, Điều 33, Điều 41, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt bị cáo Doanh Đức T 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo vào trại thụ hình.

Xử phạt bị cáo Bàn Thế D 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo vào trại thụ hình.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, 13/6/2018 các bị cáo Doanh Đức T, Bàn Thế D có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo

Ngày 22/6/2018 bị cáo Doanh Đức T thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan;

Ngày 26/6/2018 bị cáo Bàn Thế D kháng cáo kêu oan.

Ngày 13/7/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định kháng nghị 05/QĐ-VKSTBK, kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm số 10/2018/HSST ngày 13/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Kạn xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm điều tra lại với lý do cho rằng cấp sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, đánh giá chưa toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội; xác định sai tư cách tham gia tố tụng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; xử lý vật chứng chưa phù hợp; không áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội và Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xét xử đối với các bị cáo là chưa thực hiện nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Đại diện Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị bao gồm các nội dung: “1.Cấp sơ thẩm điều tra, đánh giá chưa toàn diện, có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội; 2.Xác định sai tư cách tham gia tố tụng; 3.Xử lý vật chứng chưa đúng quy định của pháp luật” giữ nguyên nội dung kháng nghị về việc đề nghị áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo.

- Các bị cáo trình bày: Sau khi xét xử sơ thẩm, 13/6/2018 các bị cáo có đơn kháng cáo xin được hưởng án treo. Đến ngày 22/6/2018 các bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo kêu oan. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo xin rút nội dung kháng cáo kêu oan và giữ nguyên nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo.

- Đại diện hợp pháp của Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương. Vì nguyên nhân các bị cáo phạm tội là do nhận thức pháp luật còn hạn chế các bị cáo là người dân tộc thiểu số và một phần cũng là lỗi do các cơ quan có thẩm quyền chưa tuyên truyền sâu rộng đến người dân về việc giao đất giao rừng và phân loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… để người dân hiểu nghĩa vụ, trách nhiệm của mình về việc chăm sóc bảo vệ rừng.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tội danh đối với các bị cáo: Tại phiên tòa các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình: Khoảng đầu tháng 9 năm 2016, do có nhu cầu lấy đất canh tác nên Doanh Đức T, sinh năm 1986, trú tại thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn và Bàn Thế D, sinh năm 1991, trú tại thôn N, xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất thuê máy xúc để đào bới, san ủi đất rừng trái phép với mục đích cải tạo để lấy đất canh tác nông nghiệp chung. Tổng diện tích bị hủy hoại là 1,14ha (11.400m2) rừng phòng hộ, gây thiệt hại 23,033m3 gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII thuộc thửa đất số 265, khoảnh 4, tiểu khu 114 thuộc thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Diện tích đất này đã được Ủy ban nhân dân huyện N cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AG 878123 ngày 14/12/2009 cho hộ gia đình ông Hoàng Văn N, sinh năm 1966, trú tại thôn N, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn để khoanh nuôi, bảo vệ.

Hành vi thuê máy xúc san ủi 1,14ha diện tích rừng phòng hộ của các bị cáo để lấy đất làm nương rẫy đã vượt quá khung xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 5 Điều 20 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại rừng”. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 3 Điều 189/BLHS 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2]. Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn Hội đồng xét xử thấy rằng: Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị là đúng quy định của pháp luật nên HĐXX không xem xét các nội dung đã rút kháng nghị. Về nội dung đề nghị áp dụng Bộ luật hình sự năm 2015 theo hướng có lợi cho bị cáo HĐXX thấy: Trong vụ án này các bị cáo đã có hành vi hủy hoại 11.400m2 diện tích rừng phòng hộ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189/BLHS năm 1999 để xét xử các bị cáo là có căn cứ. Đối chiếu với quy định mới tại điểm c khoản 3 Điều 243/BLHS năm 2015 thì hai khoản của 2

Điều luật đều có khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù. Tuy nhiên, điểm c khoản 3 Điều 243 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định cụ thể hơn “c) Rừng phòng hộ có diện tích 10.000 mét vuông trở lên”. Như vậy luật mới có lợi hơn vì diện tích rừng mà các bị cáo hủy hoại là khởi điểm của khung hình phạt quy định tại điểm c khoản 3 Điều 243/BLHS năm 2015 nhưng cấp sơ thẩm không áp dụng điểm c khoản 3 Điều 243 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) để xét xử với các bị cáo là chưa phù hợp với Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội và Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Đây là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.

[2] Xét kháng cáo của các bị cáo, HĐXX thấy rằng: Sau khi xét xử sơ thẩm, các bị cáo đều có đơn kháng cáo kêu oan và cho rằng việc Tòa án cấp sơ thẩm gộp tổng cả diện tích rừng bị hủy hoại để xử lý là chưa phù hợp. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo đã thay đổi nội dung kháng cáo xin được hưởng án treo.

Xét nhân thân các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D thấy rằng: Tòa án cấp sơ thẩm nhận định các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đã trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của các bị cáo gây ra. Hiện nay, theo văn bản của Ủy ban nhân xã T, huyện N diện tích rừng nêu trên cây cối đã được trồng lại, cây đã phát triển xanh tốt; các bị cáo cũng đã nộp đủ số tiền bồi thường cho phía nguyên đơn dân sự. Vì vậy, các bị cáo được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p Điều 46/BLHS năm 1999 là “thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải” và 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b Điều 46/BLHS năm 1999 “bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả”. Đại diện nguyên đơn dân sự có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, bị cáo Doanh Đức T có ông ngoại là ông Nông Văn C là người có công với nước được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất. Do đó, các bị cáo được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46/BLHS và áp dụng Điều 47/BLHS khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo là đúng quy định của pháp luật.

Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo cung cấp thêm đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt của đại diện chính quyền địa phương nơi các bị cáo cư trú và nhân dân các thôn lân cận đều xin cho các bị cáo được cải tạo tại địa phương với lý do trước khi phạm tội các bị cáo đều là người lao động chân chính chấp hành tốt mọi chủ trương, nội quy, quy chế của Nhà nước và chính quyền địa phương. HĐXX thấy rằng trong vụ án này, các bị cáo phạm tội một phần là do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế. Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, cư trú ở nơi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vì điều kiện mưu sinh nên phải khai phá đất đai để trồng hoa màu nuôi sống gia đình. Trước đó, các bị cáo được bố là ông Bàn Văn T (đã mất) chỉ cho đấy là đất của gia đình vẫn thường trồng ngô nhưng lại không được biết đất đó đã được cơ quan có thẩm quyền quy hoạch là đất rừng phòng hộ do Nhà nước quản lý. Do đó, các bị cáo đã bàn bạc, thống nhất thuê máy xúc để san đất trồng hoa màu và chăn nuôi. Các bị cáo không hề có mục đích khai phá rừng để lấy gỗ. Đến khi sự việc bị phát hiện các bị cáo rất ăn năn về hành vi của mình nên đã tự nguyện trồng lại rừng và chăm sóc cây xanh tốt để trả lại hiện trạng ban đầu thể hiện ý thức chấp hành pháp luật. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện N (Nguyên đơn dân sự) tại phiên tòa cũng thừa nhận việc quy hoạch đất rừng địa phương chưa tuyên truyền kịp thời đến người dân nên người dân không nắm được việc quy hoạch các loại đất đã dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật một phần là lỗi của Chính quyền địa phương do vậy mong HĐXX cho các bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật và được hưởng án treo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được HĐXX phúc thẩm xem xét áp dụng khoản 2 Điều 46 BLHS khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đối chiếu với các quy định tại Điều 60/ BLHS thấy rằng các bị cáo có đủ điều kiện để hưởng án treo theo quy định. Do đó kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo được HĐXX chấp nhận.

* Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Mặc dù các bị cáo và đại diện hợp pháp của Nguyên đơn dân sự không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường cho ủy ban nhân dân huyện N mỗi bị cáo: 9.072.570đ (chín triệu không trăm bảy mươi hai nghìn năm trăm bảy mươi đồng) mà không tuyên rõ để nộp ngân sách Nhà nước là thiếu xót và gây khó khăn cho cơ quan Thi hành án trong việc chuyển tiền nộp vào Ngân sách Nhà nước. Vì vậy cấp phúc thẩm thấy cần phải xem xét bổ sung.

Từ những phân tích ở trên HĐXX thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và chấp nhận một phần kháng nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

[3] Về án phí: Kháng cáo của các bị cáo được chấp nhận do vậy các bị cáo không phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 355; điểm e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Doanh Đức T, Bàn Thế D và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Kạn sửa bản án sơ thẩm số: 10/2018/HSST ngày 13 tháng 6 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009; Nghị quyết số 41/2017/QH 14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội khoản 3 Điều 7; điểm c khoản 3 Điều 243 BLHS năm 2015 xử phạt:

Bị cáo Doanh Đức T 03 (Ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Hủy hoại rừng”. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự năm 2010.

Xử phạt bị cáo Bàn Thế D 03 (Ba) năm tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 05 (Năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội “Hủy hoại rừng”.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã V, huyện N, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự năm 2010. 

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 585, 587 và Điều 589 Bộ luật dân sự.

Buộc bị cáo Bàn Thế D phải có trách nhiệm bồi thường cho Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn số tiền 9.072.750đ (Chín triệu không trăm bảy mươi hai nghìn bảy trăm năm mươi đồng) để nộp ngân sách Nhà nước. Xác nhận số tiền này các bị cáo đã nộp đủ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn theo biên lai số 07922 ngày 06/6/2018.

Buộc bị cáo Doanh Đức T phải có trách nhiệm bồi thường cho Ủy ban nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn số tiền 9.072.750đ (Chín triệu không trăm bảy mươi hai nghìn bảy trăm năm mươi đồng) để nộp ngân sách Nhà nước. Xác nhận số tiền này các bị cáo đã nộp đủ tại Chi cục thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn theo biên lai số 07923 ngày 06/6/2018.

Án phí: Căn cứ Điều 136 BLTTHS 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Các bị cáo Doanh Đức T và Bàn Thế D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

433
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 36/2018/HS-PT ngày 14/09/2018 về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:36/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 14/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về