Bản án 358/2017/HS-PT ngày 18/07/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 358/2017/HS-PT NGÀY 18/07/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Trong ngày 18 tháng 7 năm 2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 17/2017/HSPT-TL ngày 01 tháng 01 năm 2017 đối với bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A, Phạm Công T do có kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Ph, Phạm Công T và đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 400/2016/HSST ngày 30/11/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo:

1/. Nguyễn Văn Ph; giới tính: nam; sinh năm 1992 tại Bình Định; thường trú: thôn V, xã C, huyện Ph1, tỉnh Bình Định; những nơi đã cư trú: đường Đ, phường Đ1, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: nhân viên pha chế; con ông Nguyễn Văn Tr (chết) và bà Nguyễn Thị T1; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 30/11/2015 (có mặt).

Người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo: Luật sư Vũ Thanh Q – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

2/. Phạm Công T; giới tính nam; sinh năm 1994 tại Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: đường D2, Phường Y, Quận X2, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 8/12; nghề nghiệp: làm thuê; con ông Huỳnh Công M và bà Phạm Thị Thu H; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 30/11/2015 (có mặt).

Người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo: Luật sư Trương Minh H1 – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo không kháng cáo:

Nguyễn Đức A; giới tính: nam; sinh năm 1994 tại Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú: đường A1 (nối dài), Phường Y1, Quận X2, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: làm thuê; con ông Nguyễn Đức Nam T2 và bà Phạm Thị T3; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 30/11/2015 (có mặt)

Người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Thị B – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ông Đào Minh M (nhân viên quán cháo mực tại địa chỉ: đường Đ, phường Đ1, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng bị cáo Nguyễn Văn Ph (nhân viên quán CG tại địa chỉ đường Đ1, phường T4, Quận X) và bà Lê Hiếu Th (nhân viên quán ăn số 189 đường Đ, phường Đ1, Quận X) là bạn bè quen biết. Do buồn bực vì cãi nhau với ông Trần Trung Đ2 khi làm việc, bà Th xin nghỉ việc và có kể lại cho bà Bùi Thị Ngọc B (bạn gái bị cáo Ph), bà B kể lại cho Ph biết.

Khoảng 19 giờ 00 ngày 29/11/2015, Nguyễn Văn Ph kêu bà Th đến quán CG gặp bị cáo Ph và bà B. Sau khi nghe bà Th trực tiếp kể về mâu thuẫn giữa bà với ông Trần Trung Đ2, bị cáo Ph rủ Nguyễn Đức A, Phạm Công T (cùng là nhân viên quán CG) đi gặp ông Đ2 để nói chuyện. Trước khi đi, bị cáo Đức A lấy 01 con dao Thái Lan (dài khoảng 20 cm, lưỡi dao dài khoảng 13 cm, bản rộng khoảng 2 cm, mũi dao nhọn) ở quầy pha chế trong quán CG đem ra đưa cho Ph. Nguyễn Văn Ph đồng ý việc mang dao khi đi gặp ông Đ2 nên mở giỏ xách đang đeo bên người cho Đức A bỏ dao vào vì bị co Ph cho rằng quán 189 có đông người làm nên nhóm của Ph có thể bị đánh.

Khoảng 23 giờ 00 cùng ngày, Nguyễn Văn Ph chạy xe gắn máy hiệu Honda Airblade biển số 51N4-4995 chở bà Lê Hiếu Th, còn Nguyễn Đức A chạy xe gắn máy hiệu Yamaha Nouvo biển số 59L1-219.86 chở Phạm Công T từ quán CG đến quán cháo mực. Khi đến đây, bị cáo Ph treo túi xách (bên trong có 01 con dao Thái Lan) trên xe Honda Airblade của Ph, rồi nhờ M đến quán 189 kêu ông Trần Trung Đ2 qua nói chuyện. Ông M đến quán tìm nhưng không gặp được ông Đ2 nên quay về nói cho Ph biết. Sau đó, các bị cáo Ph, T, Đức A và bà Th đi đến quán 189 tìm ông Đức. Ông Đ2 đứng trước quán nói “Ở đây khách đông không tiện nói chuyện” và đi bộ đến trước nhà số 181 đường Đ nên các bị cáo đi theo. Tại đây, Nguyễn Văn Ph và ông Đ2 cãi nhau về việc do ông Đ2 mà bà Th xin nghỉ việc, Phạm Công T liền dùng tay tát vào mặt ông Đ2 thì bị ông Đ2 dùng tay đánh lại. Bị cáo Ph và Đức A thấy vậy nên cùng xông vào đánh ông Đ2. Lúc này, ông Lê Tấn N (nhân viên làm cùng ông Đ2) thấy Đ2 bị đánh nên tri hô cho các nhân viên trong quán biết. Bị cáo Đức A quay lại xe Honda Airblade của Ph (dựng trước quán 175 đường Đ), lấy từ trong túi xách treo trên xe con dao Thái Lan, cầm trên tay và quay lại nơi Ph và T đang đánh nhau với ông Đ2. Cùng lúc đó, Phạm Công T cũng chạy về phía Nguyễn Đức A nên Đức A đưa con dao cho T. Bị cáo T cầm dao trên tay phải chạy về phía bị cáo Ph và ông Đ2 đang đánh nhau, T dùng tay trái kéo và đẩy Ph ra, tay phải cầm dao đâm liên tục 03 nhát vào lưng ông Đ2. Các ông Lê Tấn N, Trần Nguyễn H1 và Vũ Tuấn C (nhân viên quán 189 đường Đ) thấy ông Đ2 bị đánh liền lấy ghế nhựa của quán ven đường đuổi đánh các bị cáo Ph, T, Đức A nhưng cả ba bị cáo bỏ chạy bộ thoát, riêng bà Th không tham gia đánh nhau. Ông Đ2 được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, đến 0 giờ 00 ngày 30/11/2015 thì chết.

Ngày 30/11/2015, Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A và Phạm Công T ra đầu thú và khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu.

Tại bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 46-16/KLGĐ-PY ngày 07/01/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thnh phố Hồ Chí Minh thể hiện:

1. Các kết quả chính:

- Không tụ máu dưới da và cơ vùng đầu. Xương sọ và xương hàm mặt không tổn thương. Nhu mô não không tổn thương và không xuất huyết.

- Vết thương ở liên sườn 4 vùng lưng trái cách cột sống 5 cm dạng hình bầu dục, bờ mép sắc gọn, kích thước 1,6 cm x 0,7 cm làm thủng khe liên sườn 4 vùng lưng trái, xuyên thủng thùy trên phổi trái, thủng động mạch chủ ngực hình khe dài 1,5 cm. Chiều hướng vết thương đi từ sau ra trước, từ trái sang phải, từ trên xuống dưới sâu khoảng 8 cm. Tim và phổi phải không tổn thương. Khoang ngực trái chứa đầy máu đông và không đông.

- Các vết thương khách chỉ gây tổn thương da và cơ, không xuyên thấu vào khoang ngực.

- Các tạng trong ổ bụng không tổn thương.

- Không tìm thấy thành phần cồn trong máu.

- Máu Trần Trung Đ2 thuộc nhóm máu O.

2. Kết luận:

- Nguyên nhân chết: Trần Trung Đ2 chết do sốc mất máu cấp bởi vết thương đâm thủng phổi trái và động mạch chủ ngực.

- Không tìm thấy thnh phần cồn trong mu.

- Máu Trần Trung Đ2 thuộc nhóm máu O.

Ngày 24/3/2016, cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1047/CV-PC45 (Đ 7) đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh giải thích các vấn đề liên quan đến pháp y tử thi, cụ thể:

- Cơ chế hình thành các vết thương trên người ông Trần Trung Đ2?

- Con dao Thái Lan có kích thước dài khoảng 20 cm, lưỡi dao dài khoảng 13 cm, bản rộng khoảng 02 cm, mũi nhọn có gây ra được vết thương của ông Đ2 không?

- Theo Phạm Công T khai cầm con dao trên bằng tay phải quơ qua quơ lại trúng vào người ông Đ2, vậy với theo lời khai của Tín có gây ra được các vết thương và gây tử vong cho ông Đ2 không?

Ngày 29/4/2016, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thnh phố Hồ Chí Minh có Công văn số 413/PC54 (Đ 4) trả lời như sau:

- Các vết thương: ở liên sườn 4 vùng lưng trái gần sát cột sống, kích thước 1,5 cm x 0,5 cm; ở liên sườn 4 lưng trái cách cột sống 05 cm, kích thước 1,6 cm x 0,7 cm; ở ngay sau nách trái trên đường nách sau, kích thước 2 cm x 0,8 cm. Các vết thương này đều có dạng hình bầu dục, bờ mép sắc gọn là do vật sắc nhọn gây ra. Cơ chế hình thành các vết thương nêu trên là vết thương đâm trực tiếp. Con dao Thái Lan như mô tả trong công văn và hình vẽ kèm theo (con dao dài khoảng 20 cm, lưỡi dao dài khoảng 13 cm, bản lưỡi chỗ rộng nhất khoảng 2 cm, mũi nhọn) có thể gây ra được các vết thương nêu trên.

- Vết trầy xước da dạng mài mịn ngắn 1, 2 chân phải, kích thước 4 cm x 3 cm và vết trầy xước da dạng mài mịn ngắn 1, 2 chân tri, kích thước 5 cm x 4 cm là do tiếp xúc với vật tày gây ra (kéo lê trên đường khi chở đi cấp cứu).

- Tín khai cầm con dao nêu trên bằng tay phải quơ qua quơ lại trúng vào người ông Đ2 có gây ra được các vết thương và gây tử vong cho ông Đ2 không? Vấn đề này (thuộc lĩnh vực tình huống diễn biến sự việc) Cơ quan giám định không trả lời. 

Vật chứng: 02 xe gắn máy hai bánh; 01 cái tái xách…

Tại bản Cáo trạng số 328/CT-VKS-P2 ngày 03/8/2016 của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A và Phạm Công T về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A, Phạm Công T khai nhận thực hiện hành vi phạm tội như đã nêu. Tuy nhiên, bị cáo Ph không đồng ý với tội danh “Giết người” mà Cáo trạng truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét phần tội danh đối với bị cáo.

Đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Phạm Công T, đồng thời xem xét trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A theo đúng pháp luật.

Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị mức hình phạt đối với các bị cáo, cụ thể: Nguyễn Văn Ph từ 14 đến 16 năm tù; Nguyễn Đức A từ 14 đến 16 năm tù; Phạm Công T tù chung thân.

Ngoài ra, kiểm sát viên còn đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết phần dân sự và xử lý tang vật theo quy định pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Ph không thống nhất tội danh Cáo trạng truy tố. Luật sư cho rằng mục đích Ph gặp ông Đ2 chỉ để hòa giải mâu thuẫn giữa người bị hại và bà Th; Ph mang dao đến hiện trường chỉ nhằm hù dọa, còn việc ông Đ2 chết là ngoài ý muốn của bị cáo, do đó, không thể hiện tính đồng phạm về tội “Giết người”; cơ quan điều tra có thiếu sót khi không thu thập con dao thứ hai có thể có tại hiện trường, không lập biên bản kiểm tra túi xách để xác định con dao Ph mang theo có còn hay không, không thu thập tin nhắn Ph gửi cho Th trước thời điểm xảy ra vụ án… Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo đã thực hiện nghĩa vụ quân sự, là lao động chính, gia đình có công cách mạng… để áp dụng Điều 245 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Văn Ph về tội “Gây rối trật tự công cộng” cũng đủ tác dụng giáo dục và cải tạo.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Công T thống nhất tội danh Cáo trạng truy tố nhưng đề nghị xem xét nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ án là do T bị kích động chứ bị cáo không quen biết và không có mâu thuẫn với ông Đ2. Luật sư đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo đầu thú, lần đầu phạm tội do nhận thức pháp luật kém, đại diện gia đình người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho T… để xử phạt bị cáo mức án tù có thời hạn.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức A thống nhất tội danh và điều luật Cáo trạng truy tố nhưng đề nghị xem xét nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ án và vai trị thứ yếu, mang tính bột phát của bị cáo trong vụ án. Luật sư đề nghị xem xét các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo đầu thú, thành khẩn khai báo… để giảm nhẹ cho Đức A một phần hình phạt.

Người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại Trần Trung Đ2 thống nhất tội danh và điều luật Cáo trạng truy tố, nhận định mức hình phạt Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Tín là phù hợp nhưng yêu cầu xử phạt mức án nghiêm đối với các bị cáo Ph, Đức A do mức hình phạt Viện kiểm sát đề nghị là quá nhẹ, chưa tương xứng với mức độ, tính chất của hành vi phạm tội.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 400/2016/HSST ngày 30/11/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A, Phạm Công T phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (đối với các bị cáo Ph, Đức A, Tín).

Xử phạt:

1. Nguyễn Văn Ph 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/11/2015.

2. Nguyễn Đức A 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/11/2015.

3. Phạm Công Tín tù chung thân.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 30/11/2015.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 610 Bộ luật Dân sự:

Buộc các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A, Phạm Công T có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền 224.114.000 (hai trăm hai mươi bốn triệu một trăm mười bốn nghìn) đồng cho bà Nguyễn Thị Hường. Phần của mỗi bị cáo (sau khi cấn trừ số tiền bà Hường đã nhận trước đó) như sau:

- Bị cáo Nguyễn Văn Ph bồi thường số tiền: 69.704.667 (sáu mươi chín triệu bảy trăm linh bốn nghìn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng.

- Bị cáo Nguyễn Đức A bồi thường số tiền: 74.704.667 (bảy mươi bốn triệu bảy trăm linh bốn nghìn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng.

- Bị cáo Phạm Công T bồi thường số tiền: 24.704.667 (hai mươi bốn triệu bảy trăm linh bốn nghìn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng.

Ngoài ra bản án hình sự sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

Ngày 12/12/2016, bị cáo Nguyễn Văn Ph kháng cáo kêu oan, cho rằng bị cáo không phạm tội “Giết người”.

Ngày 12/12/2016, bị cáo Phạm Công Tín kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 07/12/2016, bà Nguyễn Thị Hường là đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, lý do các bị cáo đã khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm: Các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Đại diện hợp pháp của người bi hại bà Hường giữ nguyên yêu cầu kháng cáo và trình bày thêm là sau khi xét xử sơ thẩm tính đến nay bà đã nhận đủ tiền bồi thường thiệt hại cho của gia đình các bị cáo và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Sau quá trình xét hỏi bị cáo Ph trình bày bị cáo thấy bị cáo có tội và xin giảm nhẹ hình phạt và mong HĐXX xem xét tội danh của bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm giải quyết vụ án: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo T, Đức A và các chứng cứ khác đủ cơ sở kết luận bị cáo Ph đồng phạm với T, Đức A về tội “Giết người” như án sơ thẩm đã xét xử là có cơ sở pháp luật. Các bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt với tình tiết mới là gia đình bị cáo đã khắc phục hậu quả nhưng xét tính chất mức độ và các tình tiết giảm nhẹ mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử là phù hợp nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của người bị hại.

Người bào chữa cho bị cáo T trình bày: Bị cáo phạm tội do không kìm chế được bản thân, bị ban bè rủ rê, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, sau khi xử sơ thẩm gia đình bị cáo đã bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bị cáo, bị cáo có nhân thân tốt, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Ph trình by: Ph rủ T, Đức A đi gặp anh Đ2 để nói chuyện, gia đình bị cáo đã bồi thường cho bị hại, bị cáo thuộc gia đình có công với cách mạng, bị cáo Ph nhận thức chưa đầy đủ về mức độ liên đới với T trong tội “Giết người”, đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Đức A trình by: Bị cáo không kháng cáo nhưng đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo , xét thấy sau khi xét xử sơ thẩm gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại là tình tiết mới để đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm. Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, luật sư bào chữa và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Về hình thức đơn kháng cáo của các bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại làm trong hạn luật định nên chấp nhận xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

Về nội dung kháng cáo của bị cáo Ph, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy: Tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, bị cáo Ph không thừa nhận phạm tội “Giết người” nhưng cho rằng có tội. Tuy bị cáo thừa nhận là người khởi xướng rủ bị cáo T và Đức A đi gặp Đ2 để giải quyết mâu thuẫn giữa Đ2 và Th (bạn gái Ph). Trước khi đi bị cáo Ph biết Đức A chuẩn bị một con dao bỏ vào túy xách của Ph. Ph cũng thừa nhận cùng T và A trực tiếp đánh nhau với Đ2, trong đó T đã dùng dao đâm chết Đ2. Hậu quả cái chết của Đ2 do T đâm có sự giúp sức, đồng phạm của Ph và Đức A (Biên bản phiên tòa sơ thẩm, bút lục số 464;465;466). Phù hợp lời khai của Đức A là Ph thấy Đức A mang dao và Ph mở túi xách cho A bỏ dao vào.

Tại phiên tòa phúc thẩm cả hai bị cáo T và Đức A đều xác nhận lời khai trên. Bị cáo Ph nhìn nhận là bị cáo có tội nhưng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm về tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.

Xét án sơ thẩm đă xét xử các bị cáo về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung tăng nặng “Có tính chất côn đồ” là có cơ sở phù hợp luật định. Kháng cáo kêu oan của bị cáo Ph không có cơ sở để Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận.

Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo T và bà H1, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy: Án sơ thẩm cũng đã áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: Các bị cáo Nguyễn Đức A, Nguyễn Văn Ph và Phạm Công T có thái độ khai báo thành khẩn, tỏ ra ăn năn hối cải. Sau khi vụ án xảy ra, các bị cáo Đức A, Ph và T ra đầu thú; gia đình bị cáo T, Ph đã bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại; gia đình bị co T, Ph có công mạng; Ph là quân nhân xuất ngũ nên Hội đồng xét xử áp dụng điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự để giảm cho các bị cáo một phần hình phạt. Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 2/12/2016 bà H1 đã nhận số tiền 226.600.000đ của gia đình các bị cáo Đức A, Ph và T và bà H1 đã ký xác nhận bãi nại cho các bị cáo. Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy cấp sơ thẩm xét xử phù hợp theo quy định của pháp luật nên không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự: Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 02/12/2016 bà H1 đã nhận số tiền 226.600.000đ của gia đình các bị cáo Đức A, Ph và T và bà H1 đã ký xác nhận bãi nại cho các bị cáo. Đây là tình tiết mới, hội đồng xét xử cấp phúc thẩm ghi nhận và sửa án sơ thẩm về vấn đề này.

Tại phiên tòa ngày hôm nay vị đại diện Viện kiểm sát cấp cao đề nghị không chấp nhận đơn kháng cáo của các bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại và giữ y bản án sơ thẩm phù hợp với nhận định trên của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

Do kháng cáo của bị cáo Ph và T không được chấp nhận nên phải chịu tiền án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng điểm a, b khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự

1/ Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn Ph và Phạm Công T.

2/ Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 400/2016/HS-ST ngày 30/11/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phần hình phạt.

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Văn Ph, Nguyễn Đức A, Phạm Công T phạm tội “Giết người”.

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (đối với các bị cáo Ph, Đức A, T).

Xử phạt:

2.1. Nguyễn Văn Ph 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/11/2015.

2.2. Nguyễn Đức A 15 (mười lăm) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 30/11/2015.

2.3. Phạm Công T tù chung thân.

Bị cáo bị tạm giam từ ngày 30/11/2015.

3/ Sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

Áp dụng Điều 42 Bộ luật Hình sự; Điều 610 Bộ luật Dân sự:

Ghi nhận việc đại diện hợp pháp gia đình bị hại là bà H1 ngày 02/12/2016 đã nhận số tiền 226.600.000đ của gia đình các bị cáo Đức A, Ph và T và bà H1 đã ký xác nhận bãi nại cho các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Văn Ph và Phạm Công T mỗi người phải nộp 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

309
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 358/2017/HS-PT ngày 18/07/2017 về tội giết người

Số hiệu:358/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:18/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về