Bản án 357/2017/HC-PT ngày 21/12/2017 về khởi kiện quyết định hành chính

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 357/2017/HC-PT NGÀY 21/12/2017 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH 

Ngày 21 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý 11/2016/TLPT-HC ngày 23 tháng 3 năm 2016, do có kháng cáo của người khởi kiện, người bị kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2016/HCST ngày 20 tháng 01 năm 2016 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 4126/2017/QĐ-PT ngày 05 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:

* Người khởi kiện: Công ty C;

Trụ sở: Số 16, đường H, Suite 304, thành phố Belize, nước Belezie.

Đại diện theo pháp luật của người khởi kiện: Ông Loh Mun S – Giám đốc; địa chỉ: Số 15 C1, 10 – 01 H1, Singapore 229.815.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Phan Thị Hương T4 – Luật sư Công ty Luật TNHH H2 thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội;

Địa chỉ: 768 M, phường V, quận B, thành phố Hà Nội.

* Người bị kiện: Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải Quan.

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn T1 - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện:

1. Bà Tống Thị Hoa Q – Phó trưởng phòng Xử lý vi phạm – Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

2. Bà Lê Thị Phương T2 – Công chức đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc – Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

3. Bà Phạm Thị Thu T3 – Công chức phòng Xử lý vi phạm – Cục Đièu tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty TNHH Q1; địa chỉ: Số 7 Lê Quý Đ, thành phố H3, tỉnh Quảng Ninh.

Ngưi đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Đình H4 và bà Lương Thu H5.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Vụ án có nội dung như sau:

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ B1 (Công ty B1) tại Hải Phòng ký hợp đồng mua bán với 2 đối tác nước ngoài: Mua của Công ty P có trụ sở tại Hongkong 38 kiện rượu Martell Cordon Blue và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP của Công ty S1 (Belize) trị giá 176.869,58 USD, điều kiện giao hàng CFR Hải Phòng. Công ty B1 đã ký hợp đồng thuê kho với Công ty Q1 (lần thứ 1) để nhập lô hàng vào kho ngoại quan của Công ty Q1 rồi tái xuất sang nước thứ 3.

Ngày 17/6/2013,  Công ty Q1 mở tờ khai nhập kho ngoại quan số 310/ KNQ/C20D tại Chi cục Hải quan C2, tỉnh Quảng Ninh. Nội dung khai báo lô hàng gồm: 38 kiện rượu Martell Cordon Blue và 311 kiện rượu Remy Martin tổng giá trị 176.869,58 USD. Tuy nhiên, tờ khai này đã không được Hải quan cảng Hải Phòng KV3 chấp nhận cho phép chuyển từ Hải phòng về C2 với lý do: Công ty B1 không có mã kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt nên không được phép thuê kho ngoại quan của Công ty Q1 để gửi hàng.

Công ty B1 đã yêu cầu Công ty Q1 hủy tờ khai số 310 để đàm phán với 2 đối tác nước ngoài. Ngày 18/6/2013, Công ty B1 ký 2 phụ lục hợp đồng với 2 đối tác nước ngoài thay đổi điều khoản giao hàng từ CFR Hải Phòng thành giao hàng tại kho ngoại quan của Công ty Q1 và giới thiệu đối tác cho Công ty Q1 để ký hợp đồng thuê kho ngoại quan. Ngày 19/6/2013, Công ty Q1 đã ký 2 hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-06WI/NS-BW và số 13-05WI/NS - BW với Công ty P và Công ty S1 (lần thứ 2) đề ngày 14/6/2013.

Ngày 19/6/2013, Công ty Q1 mở 2 tờ khai số 311/KNQ/C20D và số 312/ KNQ/C20D (lần thứ 2) tại chi cục Hải quan C2. Tuy nhiên, khi Công ty Q1 đến cảng Hải Phòng làm thủ tục chuyể n hàng vào kho ngoại quan của mình thì cả 2 tờ khai 311 và 312 đều bị Hải Quan Đội giám sát tàu và kho bãi thuộc chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV3 từ chối vì lý do: Lô hàng chỉ có 1 vận đơn nên không thể mở 2 tờ khai được.

Công ty Q1 đã liên hệ với Hải quan cảng C2 nơi tiếp nhận 2 tờ khai 311 và 312 để huỷ 2 tờ khai này đồng thời thông báo cho cả 2 đối tác nước ngoài về sự việc. Hai đối tác nước ngoài đã thống nhất: Vì Công ty S1 có tên trên vận đơn số CSPU3121880 với tư cách là Người gửi hàng nên Công ty S1 INC sẽ đại diện ký 1 hợp đồng thuê kho duy nhất với Công ty Q1 để gửi toàn bộ lô hàng 349 kiện rượu vào kho ngoại quan Công ty Q1. Ngày 19/6/2013, Công ty P lập giấy ủy quyền cho Công ty S1 thay mặt làm thủ tục ký hợp đồng thuê kho với Q1 đối với 38 kiện rượu của mình và giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 20/6/2013, Công ty Q1 mở tờ khai 313/KNQ/C20D thể hiện: Chủ hàng là Công ty S1; Chủ kho ngoại quan là Công ty Q1. Hàng hóa gồm: 38 kiện rượu Martel Cordon Blue và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP trị giá 176.869,58 USD. Tờ khai số 313 đã được Hải quan C2 tiếp nhận và cho phép Công ty Q1 làm các thủ tục chuyển hàng từ cảng Hải Phòng về nhập kho.

Ngày 21/6/2013, khi Công ty Q1 nhập hàng vào kho thì có Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc - Cục Điều tra chống buôn lậu, T ổng cục Hải quan (Đội 1) đến kiểm tra và cùng với cán bộ Hải quan cảng C2. Đại diện Công ty Q1 ký Biên bản xác nhận hàng vào kho đúng như khai báo tại tờ khai số 313.

Ngày 22/6/2013, theo ủy quyền của Công ty S1, Công ty Q1 làm thủ tục tái xuất lô hàng rượu theo vận đơn số CSPU3121880 như ng không được Chi cục Hải quan C2 chấp nhận vì lý do theo yêu cầu của Đội 1 do có nghi vấn làm giả bộ hồ sơ xuất trình khi làm thủ tục hải quan để mở tờ khai 313. Đến ngày 14/10/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu mới ra Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL về việc tạm dừng việc làm thủ tục đối với lô hàng thuộc tờ khai 313.

Ngày 24/10/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định khởi tố vụ án số 14/QĐ-ĐTCBL chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an (C46) để tiến hành điều tra vì có dấu hiệu giả mạo chứng từ của tờ khai số 313 để nhập lô hàng vào kho ngoại quan của Công ty Q1.

Ngày 22/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định số 09/C46-P10 đình chỉ điều tra vụ án hình sự Buôn lậu rượu xảy ra tại Kho ngoại quan của Công ty Q1 do: “Hành vi không cấu thành tội phạm” và ra Công văn số 2431/C46-P10 ngày 09/12/2014, V/v chuyển tài liệu và tang vật vụ án cho Cục Điều tra chống buôn lậu để xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 06/02/2015, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan ra Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan đối với Công ty TNHH Q1.

Ngày 22/4/2015, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan ra Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL về việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu, theo đó tịch thu 38 kiện rượu Martel Cordon Bl ue và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP được lưu tại kho ngoại quan của Công ty Q1.

Đến ngày 08/5/2015, Công ty C với tư cách là chủ hàng được Công ty Q1 thông báo cho biết về quyết định 01/QĐ -ĐTCBL ngày 22/4/2015.

Ngày 26/5/2015, ông Loh Mun S là người đại diện theo ủy quyền của Công ty C (tên cũ là S1) đã nộp đơn khởi kiện Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan (sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 01/9/2015 và 14/12/2015), yêu cầu Tòa án hủy Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan đối với Công ty TNHH Q1 và Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 về việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu và yêu cầu Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phải bồi thường thiệt hại số tiền 20.042.800đ. Lý do khởi kiện:

Công ty S1 INC (Công ty S1) có giấy chúng nhận thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật công ty thương mại Quốc tế do phòng đăng ký Công ty thương mại quốc tế tại thành phố Belize, nước Belize cấp số 118, 370 ngày 14/5/2012. Giấy chứng nhận đổi tên thành C được Phòng đăng ký Công ty thương mại quốc tế tại thành phố Belize, nước Belize cấp ngày 13/11/2014.

Các Quyết định hành chính nêu trên được ban hành dựa trên các văn bản đã hết hiệu lực pháp luật. Cụ thể là: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ sung năm 2008) đã hết hiệu lực vào ngày 01/7/2013. Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ hết hiệu lực thi hành vào ngày15/12/2013 khi Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quyđịnh xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan có hiệu lực. Như vậy, việc ban hành 2 quyết định hành chính số 01/QĐ-ĐCBL ngày 06/02/2015 và số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu phải căn cứ vào Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 127 nêu trên đế xử lý (nếu có).

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ, thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu không có thẩm quyền ra Quyết định số 01/QĐ -ĐTCBL ngày 22/4/2015 để tịch thu lô hàng của Công ty C, vì giá trị toàn bộ lô hàng rượu thuộc vận đơn CSPU3121880 ngày 09/6/2013 là 176.869,58 USD (tương đương 3,7 tỷ đồng).

Căn cứ Điều 77 Luật Hải quan quy định về kiểm tra sau thông quan thì việc Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm tra xác minh sau khi thông quan đối với bộ hồ sơ hải quan thuộc Tờ khai số 313 ngày 20/6/2013 là không đúng thẩm quyền vì lô hàng thuộc vận đơn nói trên đ ã hoàn thành thủ tục hải quan để được nhập kho ngoại quan.

Căn cứ khoản 1 Điều 18 Nghị định 127, phía Công ty C cho rằng cả 02 quyết định số 01 đều không được ban hành đúng thời hạn luật định. Tại Công văn 830/HQCL-TT của Chi cục Hải quan cảng C2 thể hiện: Ngày 21/6/2013, tham gia thực hiện quá trình giám sát kiểm tra hải quan khi nhập lô hàng thuộc tờ khai số 313/KNQ/C20D vào kho ngoại quan của Công ty TNHH Q1, nhưng đến ngày29/01/2015 Cục Điều tra chống buôn lậu mới tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Quốc tế Q1 về hành vi giải mạo chứng từ trong hồ sơ hải quan và đến ngày 22/4/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu mới ban hành Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL tịch thu lô hàng, như vậy là không tuân thủ về thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính.

Đại diện theo ủy quyền của người bị kiện trình bày:

Về việc mở tờ khai làm thủ tục nhập khẩu cho lô hàng theo vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013 của Công ty TNHH Q1: Ngày 17/6/2013, Công ty TNHH Q1 (Công ty Q1) mở tờ khai số 310/KNQ/C20D cho lô hàng rượu thuộc vận đơn số CSPU3121880 tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng C2, theo Công ty khai báo và xuất trình Hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-04WI/ SB-BT ngày 14/6/2013, thì chủ hàng là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ B1 (Công ty B1), hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Blue và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP trị giá 176.869,58 USD.

Do Công ty B1 không có mã số tạm nhập tái xuất mặt hàng rượu nên không được phép nhập kho ngoại quan và cũng không được thuê doanh nghiệp khác mở tờ khai nên Hải quan Hải Phòng (cảng III) từ chối tiếp nhận hồ sơ là đúng quy định tại Thông tư 05/2013/TT-BTC ngày 18/02/2013 của Bộ Tài chính.

Sau khi tờ khai số 310/KNQ/C20D không được chấp nhận, Công ty Q1 vàCông ty B1 đã sửa lại  hồ sơ để tiếp tục mở tờ khai số 311/KNQ/C20D và312/KNQ/C20D ngày 19/6/2013 để nhập lô hàng rượu. Cụ thể: Công ty B1 đã thay đổi hồ sơ, ký thêm 02 phụ lục hợp đồng với 02 đối tác nước ngoài vào ngày 18/6/2013 thay đổi điều kiện giao hàng (Giao hàng tại kho ngoại quan của Công ty Q1). Như vậy, kể cả trong trường hợp 02 phục lục hợp đồng này có giá trị và lô hàng được chuyển quyền sở hữu thì ít nhất cũng phải từ ngày 18/6/2013, thì Công ty S1 INC mới trở thành chủ sở hữu của lô hàng và mới có đủ tư cách ký hợp đồng thuê kho ngoại quan. Tuy nhiên, hợp đồng thuê kho ngoại quan của Công ty S1 INC lại thể hiện được ký từ ngày 14/6/2013.

Sau đó, Công ty Q1 lại sửa hồ sơ và ký hợp đồng với hai công ty nước ngoài như sau: Hợp đồng số 13-06WI/NS-BW ngày 14/6/2013, chủ hàng là Công ty P, hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Blue trị giá 48,184 USD và Hợp đồng số 13-05WI/NS-BW ngày 14/6/2013 chủ hàng là Công ty S1 INC, hàng hóa gồm 311 kiện rượu Remy Martin VSOP trị giá 128,685.58 USD.Mặc dù phụ lục hợp đồng Công ty B1 ký với 02 đối tác nước ngoài ngày 18/6/2013 nhưng hợp đồng thuê kho ngoại quan lại ký ngày 14/6/2013 và Công ty Q1 tiếp tục sử dụng vận đơn số CSPU3121880 cùng và 02 Hợp đồng ký với hai đối tác nước ngoài ngày 14/6/2013 để mở tờ khai số 311/KNQ/C20D vả 312/KNQ/C20Dngày19/6/2013 nhập kho ngoại quan cho lô hàng rượu.

Tuy nhiên, khi Công ty Q1 đến Hải Phòng làm thủ tục để đưa hàng vào kho ngoại quan thì Hải quan Hải Phòng (Cảng III) vẫn không chấp nhận với lý do cùng một vận đơn (cùng một Container) không được mở 2 tờ khai.

Công ty Q1 tiếp tục sửa hồ sơ để nộp cho cơ quan Hải quan để nhập kho ngoại quan lô hàng, cụ thể: Ngày 20/6/2013, Công ty Q1 tiếp tục mở tờ khai số 313/KCQ/C20D để nhập kho ngoại quan cho lô hàng trên, xuất trình hợp đồn g thuê kho ngoại quan số 13-07WI/NS-BW ngày 14/6/2013, trên Hợp đồng thế hiện chủ hàng là Công ty S1, hàng hóa gồm 38 kiện rượu Martell Cordon Blue và 311 kiện rượu Remy Martin VSOP trị giá 176,869.58USD, nộp vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013 nhưng không thể hiện thông tin về người nhận thông báo, điều kiện thanh toán cước vận tải như vận đơn do hãng tàu xác nhận phát hành. Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng KV3 đã đồng ý cho Công ty Q1 lấy hàng ra khỏi Cảng theo hình thức chuyển cửa khẩu. Lô hàng hiện đang được lưu giữ tại Kho ngoại quan của Công ty Q1 tại cảng C2, thành phố H3, tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả làm việc của Cục Điều tra chống buôn lậu với Công ty Q1 liên quan đến các chứng từ của lô hàng thuộc vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013, Giám đốc Công ty Q1 khẳng định: Hợp đồng thuê kho ngoại quan giữa Công ty Q1 và chủ hàng là S1 INC được ký qua fax do bị lỗi không đầy đủ thông tin nên hai bên đã ký lại qua mail (Sau 2-3 ngày Công ty xóa đi để tránh nhầm lẫn với các lô hàng hóa khác); invoice, packing list, vận đơn để làm thủ tục mở tờ khai số 313/KNQ/C20D ngày 20/6/2013 do chủ hàng nước ngoài gửi cho Công ty Q1.

Ngày 15/6/2013, chủ hàng là S1 Inc có văn bản ủy quyền cho Công ty TNHH Q1 để làm thủ tục nhận hàng tại cảng Hải Phòng và thủ tục hải quan để gửi hàng vào kho ngoại tại Cảng C2; Công ty S1 INC gửi văn bản ủy quyền qua mail cho Công ty Q1. Ngày 21/6/2013, chủ hàng là S1 Inc có văn bản ủy quyền Công ty Q1 xuất hàng cho công ty D. Tuy nhiên Công ty Q1 không xuất trình được bản chính các tài liệu, chứng từ nêu cho cơ quan điều tra theo yêu cầu.

Ngày 24/10/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định số 14/QĐ - ĐTCBL khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại Kho ngoại quan của Công ty Q1 và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra- Bộ Công an (C46) để tiếp tục thụ lý điều tra theo quy định.

Ngày 22/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra quyết định số 09/C46-P10 đình chỉ điều tra vụ án hình sự Buôn lậu rượu xảy ra tại Kho ngo ại quan Công ty TNHH Q1, Hạ Long, Quảng Ninh.

Ngày 25/12/2014, hồ sơ và vật chứ ng của vụ án được chuyển trả về Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan theo công văn số 2431/C46 -P10 ngày 09/12/2014 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để xử lý hành chính theo thẩm quyền.

Căn cứ tài liệu điều tra xác minh có trong hồ sơ vụ việc và ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1); Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ công an (C46) có đủ căn cứ khẳng định Công ty Q1 đã có hành vi giả mạo hồ sơ hải quan để nhập khẩu hàng hóa nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Do vậy, Quyết định xử phạt số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015 của Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày06/02/2015 xử phạt Công ty Q1 về hành vi giả mạo giấy tờ thuộc hồ sơ Hải quan để nhập khẩu hàng hóa mà không phải là tội phạm.

Căn cứ các chứng từ do Công ty Q1 nộp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục nhập khẩu theo các tờ khai 310, 311, 312, 313 thấy rằng: Khi mở tờ khai số 310/KNQ ngày 17/6/2013, Công ty Q1 khai chủ hàng là Công ty B1; khi mở tờ khai số 311 và 312 ngày 20/9/2013 Công ty Q1 khai chủ hàng là Công ty P và Công ty S1; khi mở tờ khai 313 Công ty Q1 khai chủ hàng là Công ty S1. Như vậy, hợp đồng thuê kho do Công ty Q1 nộp cho cơ quan hải quan cùng một lô hàng trong 01 ngày thay 03 chủ, mỗi một lần mở tờ khai Công ty Q1 lại khai một chủ hàng khác nhau. Căn cứ kết quả làm việc với hãn g tàu và kết quả giám định tại Viện khoa học hình sự - Bộ Công an thì toàn bộ hồ sơ Công ty nộp cho cơ quan hải quan làm thủ tục mở tờ khai 313 ngày 20/6/2013 là giả mạo. Do đó, không có cơ sở để xác định Công ty S1 là chủ sở hữu lô hàng.

Quá trình điều tra xác minh, Cục Điều tra chống buôn lậu đã yêu cầu hãng tàu, Công ty Q1 thông báo cho chủ hàng và đã gửi giấy mời cho Công ty S1 đến làm việc với Cơ quan Hải quan trong thời hạn điều tra để cung cấp các chứng từ chứng minh là chủ hàng, đồng thời giải trình về việc gửi hàng. Tuy nhiên, Công ty S1 không cử người đến làm việc theo yêu cầu.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra thông báo về việc tìm chủ sở hữu lô hàng rượu thuộc vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013 đang được lưu giữ tại kho ngoại quan của Công ty Q1 trên báo Lao Động và báo Hải Quan số ra ngày 30/12/2014. Quá thời hạn 30 ngày theo quy định của pháp luật mà vẫn không có cá nhân, tổ chức nào đến liên hệ làm việc với Cục Điều tra chống buôn lậu để chứng minh l à chủ sở hữu lô hàng.

Căn cứ kết quả điều tra xác minh và các tài liệu có trong hồ sơ vụ việc, căn cứ ý kiến Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; kết quả thông báo tìm chủ sở hữu của lô hàng quá thời hạn theo quy định của pháp luật không có người đến nhận là chủ sở hữu. Ngày 22/4/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đã ra Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL tịch thu toàn bộ lô hàng trên do không xác định được chủ sở hữu theo đúng quy định của pháp luật.

Do toàn bộ hồ sơ Công ty Q1 nộp cho cơ quan hải quan để làm thủ tục giả mạo, không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh Công ty S1 INC là chủ hàng. Do đó, Công ty S1 INC không có quyền khởi kiện đối với Quyết định số 01/QĐ - ĐTCBL ngày 22/4/2015 của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục hải quan.

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Công ty C không phải là tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính bởi quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015 của Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục hải quan, không chứng minh được là chủ hàng nên không có quyền khởi kiện đối với quyết định này.

Về các giấy tờ do ông Loh Mun S cung cấp chứng minh việc Công ty S1 INC có tồn tại và đổi tên thành C đều được cơ quan chứng năng của Belize cấp tại Belize; Giấy ủy quyền được lập tại Belize, do đó, để được xem xét và công nhận sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ ngoại giao Belize chứng nhận, sau đó được Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico kiêm nhiệm Belize hợp pháp hóa lãnh sự (chứng nhận chữ ký, chức danh và con dấu của Bộ ngoại giao Belize ). Như vậy, căn cứ ý kiến của Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao, căn cứ quy định tại Nghị định 111/NĐ-CP ngày 16/6/2015, Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan thấy các tài liệu được cấp tại Belize, tuy nhiên lại được đóng dấu giáp lai  tại Canada nên không có cơ sở để được chấp nhận và sử dụng tại Việt Nam.

Từ những căn cứ nêu trên, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan đề nghị Tòa án Hành chính - Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bác đơn khởi kiện của Công ty C.

Phía đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH Q1 trình bày:

Về nội dung sự việc, Công ty Q1 thống nhất với nội dung trình bày của Công ty C.Công ty Q1 đồng ý với việc Công ty C khởi kiện Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu và kiến nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên hủy 02 quyết định hành chính gồm: Quyết định 01/QĐ -ĐTCBL ngày 06/02/2015 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan đối với Công ty TNHH Q1 và Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 về việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan do các văn bản luật làm căn cứ để ban hành 02 quyết định hành chính nêu trên đã hết hiệu lực pháp luật, vi phạm thẩm quyền, thời hạn và trình tự ban hành các quyết định là không hợp pháp.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2016/HC-ST ngày 20/01/2016, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty C do Ông Loh Mun S - Giám đốc; Địa chỉ: số 15 C1, 10-01 H1, Singapore 229.815 là người đại diện. Hủy Quyết định số 01/QĐ- ĐTCBL ngày 22/4/2015 về việc: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sử hữu” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

2. Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty C do Ông Loh Mun S - Giám đốc là người đại điện đề nghị hủy Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan.

3. Đình chỉ việc giải quvết vụ án đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong vụ án hành chính của Công ty C do ông Loh Mun S - Giám đốc là người đại diện.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo về quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 10/02/2016, người khởi kiện ông Loh Mun S kháng cáo một phần bản án

Ngày 02/02/2016, người bị kiện là Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải Quan kháng cáo một phần bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện cho người khởi kiện rút kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị kiện giữ nguyên quan điểm trình bày như đơn kháng cáo, nhưng đề nghị hủy bản án sơ thẩm do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Đại diện của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhất trí như trình bày và đề nghị của người đại diện cho người khởi kiện. Công ty Q1 không kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của người đại diện cho người khởi kiện, bác kháng cáo của người bị kiện, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Căn cứ chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến trình bày của các bên đương sự, của Kiểm sát viên,

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1]. Về tố tụng:

Đại diện Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng, Đại diện Công ty C không có quyền khởi kiện, vì thời điểm ký văn bản khởi kiện ông Loh Mun S không có ở Việt nam. Như vậy, ông Loh Mun S ký đơn khởi kiện là sai. Hội đồng xét xử thấy:

Căn cứ Giấy chứng nhận thành lập Công ty S1  INC số 118, 370 ngày 14/5/2012; Giấy chứng nhận thay đổi tên ngày 13/11/2014; Giấy ủy quyền của Công ty C được lập ngày 26/02/2015 (đều được Hợp pháp hóa lãnh sự ngày 06/4/2015) bà A có quyền làm đơn khởi kiện tại Tòa án Việt Nam với tư cách là đại diện của Công ty C. Ông Loh Mun S là người đại diện theo ủy quyền của Công ty C ký đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết hủy Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan; Quyết định 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/ 2015 về việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan và yêu cầu bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định hành chính trái pháp luật, là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 105 LTTHC 2015. Tuy nhiên, hiện nay Ông Loh Mun S đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty C đề nghị tiếp tục giải quyết vụ án. Do vậy, sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự. Căn cứ quy định tại Điều 30, Điều 32 và Điều 116 LTTHC 2015, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, đảm bảo điều kiện và thời hiệu khởi kiện. Do đó, không cần thiết hủy Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà nội.

[2]. Việc áp dụng văn bản pháp luật giải quyết vụ án

Thời điểm sự việc xảy ra là tháng 6/2013, khi đó văn bản quy phạm pháp luật xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan có hiệu lực thi hành là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ).

Kể từ ngày 01/7/2013, thì Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành và Chính phủ ban hành Nghị định số 127/ 2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan, theo đó đã bãi bỏ các Nghị định 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 và Nghị định 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ.

Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 83 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật: “Điều 83. Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật:

Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực.

Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đổi với hành vi được xảy ra tại thời điểm mà văn bàn đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp văn bản có hiệu lực trở về t rước thì áp dụng theo quy định đó.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng Văn bản mới”.

So sánh quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thì quy định trách nhiệm pháp lý tại Luật xử lý vi phạm hành chính là nhẹ hơn quy định theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (phạt tiền 50.000.000đ so với 70.000.000đ; tịch thu vật, phương tiện vi phạm theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thì mức giá trị không vượt quá mức tiền phạt). Như vậy, Đại diện Cục Hải quan chống buôn lậu cho rằng, việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan thực hiện theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ thuộc thẩm quyền xử lý của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải là không đúng, trái quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp này thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

[3]. Việc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng to àn bộ số rượu thuộc vận đơn CSPU3121880 ngày 09/6/2013 không xác định được chủ sở hữu nên bị tịch thu theo quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 là không đủ căn cứ vững chắc, bởi lẽ:

- Toàn bộ số rượu này là hàng tạm nhập, tái xuất được Công ty TNHH Q1 ký hợp đồng thuê kho ngoại quan với đối tác nước ngoài; vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố vụ án hình sự và cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau khi điều tra xác định hành vi không cấu thành tội phạm nên đã ra Quyết định Đình chỉ điều ta vụ án hình sự.

- Việc Công ty Q1 lập từ khai các số 310, 311, 312 và 313/KNQ/C20D đều dựa trên hợp đồng và các văn bản do bên đối tác cung cấp; việc cung cấp các văn bản này đã được phía người khởi kiện xác nhận tại cơ quan điều tra và Tòa án.

- Trước khi Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan ban hành quyết định tịch thu lô hàng thì Công ty Q1 đã nhiều lần làm việc với Cục Điều tra chống buôn lậu và cung cấp các tài liệu, chứng cứ xác nhận Công ty C là chủ sở hữu đối với lô hàng này; hơn nữa, từ ngày 04/02/2015 đến ngày 20/4/2015, phía đại diện Công ty C đã hơn 10 lần trao đổi qua thư điện tử với cán bộ phòng Hợp tác đối ngoại Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin và đề nghị xử lý đối với lô hàng rượu mà Cục Điều tra chống buôn lậu đang xử lý và được lưu giữ tại kho ngoại quan Công ty TNHH Q1.

- Theo các tài liệu chứng từ liên quan đến lô hàng do Công ty TNHH Q1 nộp cho cơ quan Hải quan đều thể hiện chủ sở hữu lô hàng là Công ty S1 INC, cụ thể: Tờ khai Hải quan số 313/KNQ/C20D ngày 20/6/2013 do Công ty TNHH Q1 mở cho lô hàng rượu gồm 349 kiện đóng trong container còn nguyên xi kẹp chì thuộc vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013, thể hiện ngưòi thuê kho ngoại quan là Công ty S1 INC, Vận đơn đường biển số CSPU3121880 do người vận chuyển là Công ty F phát hành ngày 09/6/2013 cho lô hàng gồm 349 kiện chứa trong Container số EMCU329788S tại cảng xếp hàng Singapore, được chở trên con tàu VIN ALINES 0 PIONEER V.028N cũng ghi rõ ngươi gửi hàng: Công ty S1 INC. Việc xác định tư cách chủ hàng của Công ty S1 còn thể hiện trên hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói và không có ai tranh chấp về tư cách chủ sở hữu của lô hàng.

- Qua xem xét công văn số 1563/LS-HPH ngày 04/6/2015 và công văn số2177/CV- LS-HPH ngày 28/7/2015 của Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao, Hội đồngxét xử xét thấy: Trả lời của Cục Lãnh sự - Bộ ngoại giao tại 02 công văn này hoàn toàn không hề mâu thuẫn. Toàn bộ các văn bản đã được Đại sứ quán V iệt Nam tại Canada chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự ngày 21/11/2013 và ngày 06/4/2015 (Bộ ngoại giao, thương mại và phát triển Canada xác thực chữ ký của đại diện A & p Intertrust Corporation chứng nhận xác nhận Công ty S1 INC được thành lập, đổi tên theo Luật Công ty thương mại quốc tế của Belize ngày 14/11/2013 và ngày 20/3/2015) liên quan đến Công ty S1 INC gồm: bản sao Giấy chứng nhận thànhlập, bản sao giấy chứng nhận thay đổi tên, bản sao giấy ủy quyền, bản sao Giấy chứng nhận hoạt động tốt, Cục Lãnh sự đều kết luận việc Hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ trên là phù hợp với quy định về trình tự, thủ tục họp pháp hóa lãnh sự tại Điều 15.d Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ.

Công ty C xuất trình giấy chứng nhận đổi tên từ Công ty S1 INC thành Công ty C, tài liệu này được Đại sứ quán Việt nam tại Canada chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại điều 15d Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ nên có căn cứ để xác định Công ty C chính là Công ty S1 trước đây.

Tại công văn số 161/ĐTCBL-P4 ngày 13/2/2015 của Cục Điều tra chống buôn lậu, thể hiện Cục đã biết ông Loh Mun S đại diện cho Công ty C khiếu nại về lô hàng thuộc vận đơn CSPU3121880. Ngày 06/3/2015, ông Loh Mun S đã cung cấp hồ sơ pháp nhân và giấy chứng nhận đổi tên từ Công ty S1 thành Công ty C cho Cục Điều tra chống buôn lậu. Ngày 27/4/2015, Công ty Q1 đã trao một bộ hồ sơ gốc trong đó có giấy chứng nhận thay đổi tên được Đại sứ quán V iệt Nam tại Canada chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự.

Như vậy, đến ngày 20/4/2015 hai bên vẫn đang trao đổi q uan điểm liên quan đến yêu cầu của đại diện của Công ty C xin được tái xuất lô hàng đang lưu giữ trong kho ngoại quan của Công ty TNHH Q1.

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan quyết định về việc tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sở hữu vi phạm về thẩm quyền ban hành và chưa có căn cứ vững chắc để xác định số tang vật bị tịch thu là không xác định được chủ sở hữu. Tòa án cấp sơ thẩm hủy Quyết định số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 về việc: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sử hữu” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan là có cơ sở. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng Hành chính năm 2015 không đúng nhưng có thể khắc phục được tại cấp phúc thẩm nên không cần thiết hủy bản án sơ thẩm.

[4]. Về việc lập biên bản vi phạm hành chính.

Ngày 24/10/2013, Cục Điều tra chống buôn lậu ra quyết định số 14/QĐ - ĐTCBL khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu xảy ra tại Kho ngoại quan của Công ty Q1 và chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an (C46) để tiếp tục thụ lý điều tra theo quy định.

Ngày 22/10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an ban hành quyết định số 09/C46-P10 đình chỉ điều tra vụ án hình sự Buôn lậu rượu xảy ra tại Kho ngoại quan Công ty TNHH Q1, Hạ Long, Quảng Ninh.

Ngày 17/12/2014 và ngày 25/12/2014, hồ sơ và vật chứng của vụ án được chuyển trả về Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan theo công văn số 2431/C46-P10 ngày 09/12/2014 của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an để xử lý hành chính theo thẩm quyền. Ngày 29/01/2015 Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực Miền Bắc lập biên bản vi phạm hành chính. Như vậy, thời hạn từ ngày nhận hồ sơ đến ngày lập biên bản vi phạm là 01 tháng 04 ngày. Đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho rằng, do thời gian thực hiện thông báo tìm chủ sở hữu là 01 tháng, nên không vi phạm thời hạn lập biên bản theo khoản 3 Điều 63 Luật  xửlý vi phạm hành chính 2012 là có cơ sở.

[5]. Tòa án cấp sơ thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của Công ty C do Ông Loh Mun S - Giám đốc là người đại diện đề nghị Hủy Quyết định số 01/QĐ- ĐTCBL ngày 06/02/2015 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan. Đại diện của Công ty C kháng cáo yêu cầu hủy quyết định nêu trên. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện của Công ty C rút đơn kháng cáo về vấn đề này. Căn cứ Điều 218 và điểm c khoản 1 Điều 229 Luật tố tụng hành chính cần đình chỉ xét xử kháng cáo của đương sự.

[6]. Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người khởi kiện

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là ông Loh Sang thông qua người phiên dịch và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mình tự nguyện rút toàn bộ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc người khởi kiện rút phần yêu cầu khởi kiện này là tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận việc rút yêu cầu khởi kiện này của đương sự và Đình chỉ việc giải quyết vụ án đối với yêu cầu này là đúng pháp luật.

[7]. Án phí phúc thẩm: D o kháng cáo của Công ty C được chấp nhận nên Công ty C không phải chịu án phí phúc thẩm. Cục trưởng Cục Hải quan chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan phải chịu án phí phúc thẩm 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 241 luật Tố tụng hành chính; Điều 218 và điểm c khoản 1 Điều 229 Luật tố tụng hành chính. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

[1]. Sửa một phần bản án sơ thẩm, cụ thể:

Bác kháng cáo của Cục trưởng Cục Hải quan chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan và giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về việc:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty C do Ông Loh Mun S - Giám đốc; Địa chỉ: số 15 C1, 10-01 H1, Singapore 229.815 là người đại diện. Hủy Quyết định số 01/QĐ- ĐTCBL ngày 22/4/2015 về việc: “Tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định được chủ sử hữu” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan.

Cục trưởng Cục Hải quan chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

[2]. Chấp nhận rút đơn kháng cáo của Công ty C . Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty C yêu cầu hủy Quyết định số 01/QĐ- ĐTCBL ngày 06/02/2015 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan” của Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan. Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2016/HC-ST ngày 20/01/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty C do Ông Loh Mun S-Giám đốc là người đại điện đề nghị Hủy Quyết định số 01/QĐ - ĐTCBL ngày 06/02/2015 về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Hải quan” của Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan có hiệu lực pháp luật.

[3]. Các quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[4]. Án phí phúc thẩm: Công ty C không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn trả lại Công ty C số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 200.000đ tại Biên lai số 04367 ngày 19/02/2016 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội.

Cục trưởng Cục Hải quan chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan phải chịu án phí phúc thẩm 200.000đ, số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 200.000đ ông Nguyễn Phi H6 đã nộp tại Biên lai số 4963 ngày 05/02/2016 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội được đối trừ đi số tiền án phí phải nộp.

Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

2204
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 357/2017/HC-PT ngày 21/12/2017 về khởi kiện quyết định hành chính

Số hiệu:357/2017/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 21/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về

Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!