Bản án 356/2017/HS-PT ngày 18/07/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 356/2017/HS-PT NGÀY 18/07/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 18 tháng 7 năm 2017 tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 750/2016/TLPT- HS ngày 15 tháng 12 năm 2016 đối với bị cáo Lê Văn C. Do có kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2016/HS-ST ngày 03 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Bị cáo không có kháng cáo, nhưng bị kháng cáo:

Lê Văn C, sinh năm 1972 tại tỉnh Bến Tre; nơi đăng ký thường trú: ấp 3, xã TM, huyện BT, tỉnh Bến Tre; nghề nghiệp: Ngư phủ; trình độ văn hóa: lớp 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; conông Lê Văn R và bà Nguyễn Thị K; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án: không; tiền sự: không; bị bắt tạm giam ngày 14/04/2012 (có mặt tại phiên tòa).

Người đại diện hợp pháp của người bị hại có kháng cáo:

Bà Trần Thị Y, sinh năm 1971; nơi đăng ký thường trú: 351/TA, ấp TA, xã TX, huyện BT, tỉnh Bến Tre.

Người bị hại: Ông Trần Văn Đ, sinh năm 1965 (đã chết).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 11/4/2012, anh Trần Văn Đ, điều khiển ghe BT-2060TS chở Lê Văn C cùng các thuyền viên Phan Văn M, Nguyễn Văn L, Phan Văn H, Trần Văn T đi đến vùng biển cách huyện CĐ khoảng 30 hải lý để câu mực.

Đến khoảng 13 giờ ngày 14/4/2012, sau khi ngủ dậy, các thuyền viên nấu hủ tiếu ăn. Trong khi mọi người quay quần bên nhau ăn uống thì Lê Văn C cầm tô ra chỗ khác ăn xong trước và tự rửa tô cất. Sau đó, C đi vào trong cabin làm mồi câu mực. Anh T đi rửa tô cho mọi người còn anh L và anh M đi nấu nước pha trà. Anh Đ và anh H ngồi phía trước ghe chờ uống nước.

Trong khi chờ nước sôi, anh L đi vào cabin nằm và hỏi C làm được mấy con mồi rồi C nói làm được 02 con. Vừa nói xong, C rút một con dao bản rộng khoảng 05 cm, dài khoảng 35 cm giấu sẵn dưới mền nhằm vào anh L chém. Do bị vướng vào võng vắt trên đầu anh L nên chỉ có sống dao trúng vai anh L. Anh L bỏ chạy rồi hô hoán mọi người. Anh Đ chạy vào cabin thì bị C cầm dao đuổi chém. Anh Đ bỏ chạy lòng vòng rồi nhảy xuống biển. C cầm dao nhảy xuống thúng để bơi đuổi theo chém anh Đ. Anh H cầm dây để giữ thúng lại nhưng C đã dùng dao chặt đứt dây và tiếp tục chèo thúng đuổi theo anh Đ. Khi đuổi kịp anh Đ, C cầm dao bằng tay phải từ trên thúng chém nhiều nhát vào đầu, người anh Đ đang bơi dưới biển. Sau đó, C tiếp tục nhảy xuống biển dùng dao chém anh Đ, rồi bỏ dao xuống biển. Thấy vậy, anh L chèo một cái thúng khác ra vớt anh Đ đưa lên ghe, Lê Văn C cũng bám vào dây thúng phía sau theo vào ghe. Khi lên ghe, C rất lo sợ và tham gia cấp cứu cho anh Đ bình thường như mọi người. Sau đó, tất cả mọi người đưa anh Đ vào CĐ cấp cứu, nhưng anh Đ đã chết.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 162 ngày 11/05/2012 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, kết luận: Ông Trần Văn Đ chết do choáng chấn thương sọ não, choáng mất máu kéo dài và ngạt nước.

Vật tác động gây choáng chấn thương sọ não, choáng mất máu kéo dài là vật có cạnh sắc, tác động trực tiếp vào vùng đầu mặt một lực rất mạnh, hướng từ trước ra sau, từ sau ra trước và từ trên xuống dưới (BL 64, 64).

Tại Cơ quan CSĐT, Lê Văn C khai nhận:

Trong quá trình làm việc ở trên ghe, C luôn nghe thấy mọi người bàn bạc ném mình xuống biển. Vào ngày hôm trước, trong lúc mọi người đang ngủ, C đã lấy một số vật dụng cá nhân nhảy xuống biển bỏ trốn nhưng sau đó mọi người phát hiện vớt lên ghe. Để đề phòng bị giết, C đã lấy dao dưới mền thủ sẵn. Khi anh L vào hỏi thăm, C tưởng anh L giả vờ để tiếp cận nên đã chém anh L.

Ngày 07/5/2012, Cơ quan CSĐT đã trưng cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giám định pháp y tâm thần cho Lê Văn C. Tại biên bản giám định pháp y tâm thần số ngày 31/05/2012 của cầu Trung tâm giám định pháp y tâm thần tỉnh bà Rịa – Vũng Tàu kết luận:

a/ Về y học:

- Trước, trong và sau khi gây án:

+ Trước: ảo giác, hoang tưởng;

+ Trong: Rối loạn tâm thần;

- Sau: ảo giác.

- Hiện nay: Rối loạn tâm thần/nhiễm HIV.

b/ Về pháp luật: Đủ năng lực trách nhiệm hành vi. Tình tiết giảm nhẹ trên cơ địa nhiễm HIV.

c/ Đề nghị điều trị bắt buộc tại Bệnh viện tâm thần khoa nhiễm cách ly(BL 69, 70).

Ngày 24/7/2012, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh số 05/VKS đối với Lê Văn C tại Viện giám định pháp y tâm thần TW phân viện phía Nam - BH.

Ngày 24/5/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu ra Quyết định trưng cầu giám định số 40/QĐ-PC45 Trưng cầu Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định pháp y tâm thần lại đối với Lê Văn C sau thời gia điều trị bệnh bắt buộc.

Ngày 01/07/2016, Viện pháp y tâm thần Trung ương BH ra kết luận số 254/KLBB-VPYTW, kết luận: Bị bệnh Rối loạn tâm thần/nhiễm HIV. Hiện tại bệnh đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật (BL 71).

Căn cứ vào kết quả giám định sau thời gian chữa bệnh bắt buộc, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra Quyết định phục hồi điều tra bị can đối với Lê Văn C để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Chị Trần Thị Y là vợ của anh Trần Văn Đ yêu cầu bị  can  Lê Văn  C bồi thường toàn bộ tiền chi phí  mai  táng  cho  anh  Đ là 54.419.000 đồng; tiền cấp dưỡng hàng tháng để nuôi cháu Trần Thị K, sinh ngày 25/02/1996 (con anh Đ với chị Y) đến năm 18 tuổi; bồi thường khoản thiệt hại thu nhập hàng tháng của gia đình từ khi anh Đ chết và tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật. Hiện bị can Lê Văn C chưa bồi thường theo yêu cầu của đại diện người bị hại.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 62/2016/HS-ST ngày 03 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã quyết định:

1/ Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn C phạm tội “Giết người”.

Áp dụng khoản 2 Điều 93, điểm p, n khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt Lê Văn C 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 14/04/2012.

2/ Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

Áp dụng Điều 610 Bộ luật dân sự, tuyên xử: Buộc Lê Văn C phải bồi thường cho đại diện bị hại Trần Thị Y là 100.000.000 đồng tiền chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm hại.

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về án phí, trách nhiệm phải chịu lãi suất đối với số tiền bồi thường thiệt hại, quyền kháng cáo của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Ngày 15/11/2016, bà Trần Thị Y là vợ của nạn nhân Trần Văn Đ kháng cáo, yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn C và tăng mức bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Lê Văn C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như bản án sơ thẩm đã xét xử.

Đại diện hợp pháp của gia đình người bị hại rút kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn C.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến như sau:

Bị cáo Lê Văn C đã thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân. Sau khi gây án, bị cáo đã không tỏ ra ăn năn, hối cải. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 7 năm tù là quá nhẹ, chưa tương xứng với hành vi của bị cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt đối với bị cáo C từ 2 đến 3 năm tù.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét lời khai nhận tội của các bị cáo Lê Văn C tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với các tài liệu chứng cứ mà án sơ thẩm đã quy kết buộc tội, phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án đã chứng minh tại phiên tòa. Từ đó đã có cơ sở để xác định:

Vào khoảng 13 giờ ngày 14/4/2012, do bị ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tâm thần, luôn nghĩ có người hại mình, nên khi anh Nguyễn Văn L vào cabin hỏi việc làm mồi câu, Lê Văn C đã dùng con dao bản rộng khoảng 05 cm, dài khoảng 35 cm giấu sẵn dưới mền, chém vào vai anh L. Sau đó, C dùng dao chém đuổi chém anh Trần Văn Đ. Anh Đ nhảy xuống biển, Cây dùng xuồng thúng đuổi theo chém nhiều nhát vào đầu, người anh Đ đang bơi dưới biển. Sau đó, C tiếp tục nhảy xuống biển dùng dao chém anh Đ, rồi bỏ dao xuống biển. Anh Đ được đưa vào CĐ cấp cứu, nhưng đã chết, do choáng chấn thương sọ não, choáng mất máu kéo dài và ngạt nước.

Với hành vi nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Văn C về tội “Giết người” được quy định tại khoản 2 Điều 93 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét các tình tiết như: Tại thời điểm phạm tội qua giám định thì Lê Văn C bị rối loạn về tâm thần nên hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi của mình, lúc nào bị cáo cũng tưởng tượng là có người sẽ giết mình nên chuẩn bị sẵn dao để chống trả. Chứng tỏ bị cáo không có ý định giết người từ trước mà một phần do bệnh lý dẫn đến việc tước đoạt mạng sống của người khác, nên lỗi của bị cáo là cố ý gián tiếp. Tại Cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn hối cải; hành vi của bị cáo xuất phát từ việc trước khi phạm tội có hạn chế về nhận thức và điều khiển hành vi của mình; bị cáo có nhân thân tốt đang mắc bệnh nan y là nhiễm HIV; đã từng có 2 năm phục vụ trong quân ngũ, gia đình bị cáo đang trực tiếp nuôi bà mẹ Việt Nam anh hùng co xác nhận của địa phương. Nên đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm p, n khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự, để tuyên phạt bị cáo 7 năm tù là thỏa đáng, có căn cứ.

Do đó, kháng cáo của đại diện gia đình nạn nhân và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa, về việc tăng nặng hình phạt đối với bị cáo là không có căn cứ. Cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[2] Đối với kháng cáo của gia đình nạn nhân về yêu cầu tăng số tiền bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hợp pháp của gia đình nạn nhân đã tự nguyện rút kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định đình xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu này.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 238, điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bà Trần Thị Y, là người đại diện hợp pháp của người bị hại, về việc yêu cầu tăng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo Lê Văn C.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Trần Thị Y, là người đại diện hợp pháp của người bị hại, về việc yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo Lê Văn C. Giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 62/2016/HS-ST ngày 03 tháng 11 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

1/ Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn C phạm tội “Giết người”.

Áp dụng khoản 2 Điều 93, điểm p, n khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Lê Văn C 07 (bảy) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày 14 tháng 04 năm 2012.

2/ Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 610 Bộ luật dân sự. Buộc Lê Văn C phải bồi thường cho bà Trần Thị Y, là người đại diện hợp pháp của người bị hại Trần Văn Đ 100.000.000 (một trăm triệu) đồng tiền chi phí mai táng và tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm hại.

Kể từ ngày bà Trần Thị Y có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo Lê Văn C chưa thanh toán số tiền nêu trên, thì ngoài số tiền này, bị cáo còn phải thanh toán thêm cho bà Y số tiền lãi, theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian và số tiền chưa thanh toán.

3/ Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Lê Văn C phải nộp 200.000 (hai trăm ngàn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

4/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

5/ Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Văn C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

502
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 356/2017/HS-PT ngày 18/07/2017 về tội giết người

Số hiệu:356/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:18/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về