Bản án 355/2018/HSPT ngày 28/08/2018 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 355/2018/HSPT NGÀY 28/08/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 28 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 332/2018/TLPT-HS ngày 26/07/2018 đối với bị cáo Phan Thị TH do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án hình sự số 86/2018/HSST ngày 20/06/2018 của Tòa án nhân dân Huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị cáo có kháng cáo và bị kháng nghị:

Họ và tên: Phan Thị TH, sinh ngày 10/11/1980 tại Hà Tĩnh; Giới tính: nữ; Hộ khẩu thường trú: 43/41/2A ấp 3, xã ĐT, huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: buôn bán; trình độ văn hóa (học vấn) 09/12; dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Văn Lưu và bà Nguyễn Thị Hòa; có chồng và 03 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh ngày 28/6/2018; tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo tại ngoại (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 26/01/2018, Phan Thị TH đã mua của 02 đối tượng nam (chưa xác định lai lịch) một cá thể rắn hổ mang về ngâm rượu với giá 600.000 đồng. Sau đó Phan Thị TH đem cá thể rắn hổ mang vừa mua về nhà tại địa chỉ 43/41/2A ấp 3, xã ĐT, huyện HM thì bị Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an huyện HM phối hợp cùng Công an xã Bà Điểm phát hiện bắt quả tang cùng tang vật.

Tại kết luận giám định mẫu vật số 27/BB-SHNĐ ngày 05/2/2018 của Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định vật chứng có tên gọi là rắn hổ chúa – Ophiophagus Hannah, họ rắn hổ: Elapidae; bộ có vảy: Squamata; lớp bò sát: Reptilia; 01 cá thể còn sống; khối lượng là 1,3 kg thuộc danh mục loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện HM, Phan Thị TH khai nhận hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 86/2018/HSST ngày 20/6/2018 của Tòa án nhân dân Huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Phan Thị TH phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”;

Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 244; Điểm s, n Khoản 1 Khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Xử phạt bị cáo Phan Thị TH 01 (một) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Ngày 22/6/2018, bị cáo Phan Thị TH kháng cáo với lý do hình phạt quá nặng, xin được giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện chăm sóc con còn nhỏ.

Ngày 19/7/2018, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng cho bị cáo Phan Thị TH được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình bày:

Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến môi trường nói chung và hoạt động quản lý Nhà nước về động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm cần được bảo vệ. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét xét xử bị cáo 01 năm tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điểm a Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999 là có căn cứ.

Tuy nhiên xét thấy bị cáo thực hiện hành vi phạm tội khi đang có thai; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Đây là 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm n, s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, bị cáo còn có các tình tiết giảm nhẹ khác như: phạm tội lần đầu; gây thiệt hại không lớn; nhân thân tốt. Do đó không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội vẫn có khả năng giáo dục, răn đe bị cáo.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 355, Điểm e Khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm theo hướng cho bị cáo hưởng án treo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo tranh luận: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điểm a Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự 1999 là có căn cứ nhưng mức hình phạt là quá nghiêm khắc. Trong vụ án này bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét để cho bị cáo được hưởng án treo, cụ thể như sau: Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, phạm tội khi đang có thai, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là các tình tiết được quy định tại Điểm h,i,n,s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. Ngoài ra, hiện nay bị cáo đang nuôi con nhỏ 02 tháng tuổi, gia đình hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng án treo.

Bị cáo nói lời sau cùng: Mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Về hình thức: Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 22/6/2018, bị cáo Phan Thị TH kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt để có điều kiện chăm sóc con còn nhỏ và ngày 19/7/2016, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 86/2018/HSST ngày 20/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh. Xét kháng cáo của bị cáo và quyết định kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được làm trong thời hạn luật định là hợp lệ, cần chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

 [2] Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được có trong hồ sơ vụ án, căn cứ kết quả xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm có đủ cơ sở để xác định:

Khoảng 12 giờ 30 phút ngày 26/01/2018, bị cáo Phan Thị TH đã mua của 02 đối tượng nam (chưa xác định lai lịch) một cá thể rắn hổ mang về ngâm rượu với giá 600.000 đồng. Tại kết luận giám định mẫu vật số 27/BB-SHNĐ ngày 05/2/2018 của Viện sinh học nhiệt đới thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam xác định vật chứng có tên gọi là rắn hổ chúa – Ophiophagus Hannah, họ rắn hổ: Elapidae; bộ có vảy: Squamata; lớp bò sát: Reptilia; 01 cá thể còn sống; khối lượng là 1,3 kg thuộc danh mục loài động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thị TH về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo Điểm a Khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Tuy nhiên, áp dụng hình phạt 01 năm tù là quá nghiêm khắc.

Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy trong vụ án này bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại, và thực hiện tội phạm khi đang có thai. Đây là cáctình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm h, i, n, s của Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 cần xem xét khi lượng hình đối với bị cáo. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm khi xét xử chỉ  xem xét 02 tình tiết quy định tại Điểm n, s Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 đối với bị cáo là có phần thiếu sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.

Ngoài ra, tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo trình bày hiện đang nuôi con nhỏ dưới 03 tháng tuổi, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, gia đình bị cáo thuộc gia đình có công với cách mạng. Đồng thời do hiện nay bị cáo đang tại ngoại, có nơi cư trú ổn đinh, có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, để tạo điều kiện cho bị cáo chăm sóc con nhỏ (dưới 03 tháng tuổi) khi lượng hình cần xem xét vận dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 đối với bị cáo, không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội, như vậy cũng đủ tác dụng răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại phiên tòa. Vì vậy, cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sửa bản án sơ thẩm.

Xét lập luận của luật sư bào chữa cho bị cáo về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo là có căn cứ, nghĩ nên chấp nhận.

 [3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 355; Điểm e Khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 244; Điểm h,s, i, n Khoản 1 Khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Thị TH và Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Sửa Bản án sơ thẩm số 86/2018/HSST ngày 20/6/2018 của Tòa án nhân dân huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Tuyên bố bị cáo Phan Thị TH phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”;

Xử phạt bị cáo Phan Thị TH 01 (một) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 02 năm kể từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Phan Thị TH cho Uỷ ban nhân dân xã ĐT, Huyện HM, Thành phố Hồ Chí Minh giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú sẽ được thực hiện theo Điều 69 luật Thi hành án hình sự 2010.

Bị cáo không phải đóng án phí hình sự phúc thẩm.

Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm về các vấn đề không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. (Đã giải thích chế định án treo).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

801
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 355/2018/HSPT ngày 28/08/2018 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:355/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:28/08/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về