TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 353/2018/HS-ST NGÀY 27/09/2018 VỀ TỘI TỔ CHỨC NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP
Ngày 27/9/2018 tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự về phần dân sự thụ lý số 335/2018/TLST-HS ngày13/8/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 498/2018/QĐXXST-HS ngày 04/9/2018 giữa:
Nguyên đơn:
1. Anh Phạm Văn M, sinh năm 1982; người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Văn B, sinh năm 1954 (Là bố đẻ anh M); đều ĐKNKTT và trú tại: Thôn KX, xã Đ, huyện G, tỉnh Hải Dương. Có mặt.
2. Anh Vũ Thanh T, sinh năm 1993; người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Văn M, sinh năm 1967 (Là bố đẻ anh T); đều ĐKNKTT và trú tại: Thôn Phú An, xã CA, huyện G, tỉnh Hải Dương. Có mặt.
3. Anh Đỗ Văn D, sinh năm 1979; ĐKNKTT và trú tại: Số nhà A, ngõ B phố VT, phường T, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Có mặt.
4. Anh Nguyễn Khắc Đ, sinh năm 1993; người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Khắc G, sinh năm 1961 (Là bố đẻ anh Đ); đều ĐKNKTT và trú tại: Thôn CX, xã CA, huyện G, tỉnh Hải Dương. Có mặt.
5. Chị Lâm Hải H, sinh năm 1979; ĐKNKTT và trú tại: Phòng G1 khu tập thể X, thuộc tổ AD, phường TL, quận Đ, thành phố Hà Nội. Vắng mặt.
6. Anh Phạm Đình T, sinh năm 1989; người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Đình S, sinh năm 1963 (Là bố đẻ anh T); đều ĐKNKTT và trú tại: Thôn MX, xã MH, huyện LT, tỉnh Bắc Ninh. Có mặt.
7. Anh Vũ Đình C, sinh năm 1980; ĐKNKTT và trú tại: Thôn KX, xã Đ, huyện G, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.
8. Anh Vũ Xuân T, sinh năm 1990; ĐKNKTT và trú tại: Thôn KX, xã Đ, huyện G, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.
Bị đơn:
1. Chị Nguyễn Thị Tuyết M (Tên gọi khác: Nguyễn Dịu H), sinh 1982; ĐKNKTT: Số AB ngõ KL đường ĐM, phường M 1, quận TL, thành phố Hà Nội; hiện tạm trú tại: Phòng B Tòa nhà 5, số 20A đường Đ, phường CV, quận Q, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
2. Anh Trịnh Văn H, sinh năm 1985; ĐKNKTT và trú tại: Số AB ngõ KL đường ĐM, phường M 1, quận TL, thành phố Hà Nội; hiện đang chấp hành án tại Trại tạm giam số 02 của Công an thành phố Hà Nội. Có mặt.
3. Anh Đỗ Mạnh Q, sinh năm 1970; ĐKNKTT và trú tại: Thôn CX, xã CA, huyện G, tỉnh Hải Dương. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Trong các ngày 06/11/2012 và 06/02/2013, Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ công an (A72) đã chuyển Cơ quan An ninh điều tra - Công an thành phố Hà Nội điều tra theo thẩm quyền việc 02 người là anh Hoàng Văn Toàn (Sinh năm 1985; ĐKNKTT: Xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) và anh Phạm Ngọc Đại (Sinh năm 1988; ĐKNKTT: Xã CA, huyện G, tỉnh Hải Dương) bị Cảnh sát Hàn Quốc phát hiện là lao động bất hợp pháp và buộc phải quay về Việt Nam và anh Nguyễn Văn Sơn (Sinh năm 1978; ĐKNKTT: Số 69/383 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) xuất cảnh sang Nhật Bản bằng giấy tờ visa giả bị phát hiện tại cửa khẩu sân bay Nội Bài. Cơ quan An ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành điều tra, xác minh, xác định hành vi tổ chức đưa người khác ra nước ngoài của Nguyễn Thị Tuyết M, Trịnh Văn H, Đỗ Mạnh Q như sau:
Đợt1: Tháng 8/2011, vợ chồng Nguyễn Thị Tuyết M và Trịnh Văn H thành lập Công ty TNHH thương mại dịch vụ Rodon, đăng ký ngành nghề kinh doanh là nhà hàng và dịch vụ ăn uống; mẹ đẻ của Mai là bà Đỗ Thị Kim Dung là Giám đốc; Nguyễn Thị Tuyết M là Phó Giám đốc kinh doanh và Trịnh Văn H là Phó Giám đốc điều hành. Do lên mạng internet tìm hiểu các món ăn Hàn Quốc và Nhật Bản, chị Mai quen biết Daniel Gray là nhân viên kinh doanh của Trường O’ngo Food Communication (Trường O’ngo), trụ sở tại Seoul - Hàn Quốc. Qua trao đổi với Daniel, Mai biết Trường O’ngo thường tổ chức các tua du lịch, hội thảo kinh nghiệm về các món ăn cho người nước ngoài trong thời gian ngắn (thường là 01 tuần). Mai trao đổi với Nguyễn Văn Việt (Là bố dượng của Mai) và thống nhất tìm người xuất cảnh sang Hàn Quốc dưới hình thức học nấu ăn nhưng thực chất sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, người lao động sẽ trốn ra ngoài để lao động bất hợp pháp. Mai và Việt thỏa thuận: Mai làm các thủ tục cho người lao động nhập cảnh được vào Hàn Quốc, còn Việt liên hệ với đối tượng Giang ở Thái Bình, có quen biết với mẹ đẻ Mai hiện đang lao động ở Hàn Quốc để nhờ Giang đón, bố trí công việc và nơi ở cho các lao động. Việt trao đổi lại với Đỗ Mạnh Q - Nhân viên bảo vệ Nhà hàng Rodon và thỏa thuận Quyền có trách nhiệm tìm người có nhu cầu xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động bất hợp pháp, thu tiền của lao động, các thủ tục do Mai, Việt lo, lệ phí cho mỗi lao động là 6.500USD. Quyền đồng ý. Quyền đã thu hồ sơ, thu tiền (Có viết giấy biên nhận) của các lao động sau: Anh Phạm Ngọc Lâm (Sinh năm 1977; ĐKNKTT: Thị trấn Lai Cách, huyện G, tỉnh Hải Dương); anh Phạm Ngọc Đại (Sinh năm 1988; ĐKNKTT: Xã CA, huyện G, tỉnh Hải Dương) và anh Trần Văn Ngọc (Sinh năm 1992; ĐKNKTT: Xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang).
Tại Cơ quan điều tra, Quyền khai: Sau khi nhận tiền của người lao động, Quyền đã chuyển cho Việt 17.500USD làm nhiều lần và nợ lại Việt 2.000USD. Việt khai thỏa thuận với Quyền chi phí trọn gói cho 01 lao động là 6.000USD và đã nhận của Quyền 16.000USD, Quyền nợ lại 2.000USD. Việt đã chuyển 16.200USD làm nhiều lần cho Mai nhưng không có giấy tờ biên nhận. Sau khi nhận tiền từ Việt, Mai liên lạc với Trường O’ngo để làm thủ tục tham dự khóa học thời gian 01 tuần cho các lao động và chuyển tiền học phí 1.250USD/người qua cổng thanh toán trực tuyến Paypal.
Do người lao động phải chờ đợi lâu và bị nhỡ hẹn nhiều lần nên quyết định không đi nữa, đòi lại tiền và hồ sơ, trong khi Mai đã nộp học phí cho Trường O’ngo, còn số tiền chống trốn 1.000USD/người chưa nộp. Lo mất số tiền đã chuyển cho trường, Mai nhờ Hồng làm giả vé và visa Hàn Quốc, sau đó đưa vé giả và hộ chiếu có dán visa giả này cho Việt mang về cho người lao động yên tâm. Việc làm giả visa và vé Quyền, Việt không biết.
Do phải nộp thêm 1.000USD/người là chi phí phát sinh so với thỏa thuận ban đầu giữa Việt và Quyền nên Việt yêu cầu Quyền nộp thêm tiền nhưng Quyền không đồng ý, Quyền yêu cầu Việt phải chịu 50%, Việt không đồng ý nên quyết định rút lui để Quyền và Mai làm tiếp. Thấy nhiều lần không xuất cảnh được nên anh Trần Văn Ngọc đã lấy lại hồ sơ và tiền đã nộp cho Quyền, Quyền đã thay thế anh Hoàng Văn Toàn vào chỗ của anh Ngọc, thu 7.000USD của anh Toàn. Đồng thời, Mai bổ sung thêm anh Nguyễn Văn Tiến (Sinh năm 1988; ĐKNKTT: Xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là em họ Mai, Mai trực tiếp thu hồ sơ và 8.000USD của anh Tiến.
Sau khi Quyền nộp cho Mai tiền chống trốn của 03 lao động Lâm, Đại, Toàn, Mai tiếp tục liên lạc với Trường O’ngo và hoàn tất các thủ tục đưa 04 lao động sang Hàn Quốc. Mai đã ký quyết định cử 04 lao động trên sang Hàn Quốc tham gia khóa đào tạo ở Trường O’ngo và danh sách cán bộ đi công tác tại Hàn Quốc (04 người). Mai chỉ đạo Trịnh Văn H ký và đóng dấu Phó Giám đốc điều hành vào Hợp đồng lao động cho 04 cá nhân trên. Sau đó, Hồng và Tiến mang 04 hồ sơ đến nộp tại sứ quán Hàn Quốc và Hồng là người làm các tờ khai xin visa và ký tên nộp hồ sơ cho người lao động tại sứ quán. Do ông Việt bỏ không tiếp tục hợp tác với Mai và Quyền nên Mai nhờ bà Đỗ Thị Kim Dung điện thoại cho đối tượng Giang nhờ Giang tiếp tục đón, bố trí công việc, chỗ ở cho các lao động và hứa hẹn trả công Giang 800USD/1 lao động. Để tạo niềm tin cho người lao động, ngày 02/02/2012, Mai làm cam kết với nội dung Công ty chịu trách nhiệm việc bố trí việc làm cũng như sinh hoạt của học viên. Ngày 03/02/2012, 04 lao động (Lâm, Đại, Đoàn, Tiến) nhập cảnh vào Hàn Quốc, Mai nhờ Tiến giao cho Giang 2.400USD tiền công Giang đón và bố trí công việc cho Tiến, Đại, Toàn; anh Lâm được vợ (Đang lao động ở Hàn Quốc) đón. Tháng 7/2012, Cảnh sát Hàn Quốc phát hiện các anh Đại và Toàn là lao động bất hợp pháp nên trục xuất về Việt Nam.
Ngày 20/7/2012, anh Đại và anh Toàn nhập cảnh về Việt Nam, cả hai cùng đến nhà Quyền đòi tiền, Quyền đồng ý trả lại Toàn 2.500USD và Quyền đưa đến gặp Mai để yêu cầu Mai đền bù việc phải trở về Việt Nam. Ngày 26/7/2012, bà Dung ký biên bản thỏa thuận với Toàn sẽ tiếp tục bố trí công việc cho Toàn đi lao động tại Nhật Bản. Bà Dung khai không biết về nội dung, Mai viết sẵn nhờ bà ký hộ. Mai cũng viết giấy hứa hẹn đưa Đại đi Nhật, nhưng sau đó Mai không thực hiện được. Tại Cơ quan điều tra, Toàn khai phù hợp với lời khai của Quyền, Mai, Ngọc và giao nộp các giấy tờ tài liệu liên quan. Anh Trần Văn Ngọc khai: Quyền nói cho Ngọc biết sẽ sang lao động dưới hình thức đi du lịch. Ngọc đồng ý và đã nộp hồ sơ 3.000USD cho Quyền. Do chờ đợi lâu và bị lỡ hẹn nhiều lần nên Ngọc quyết định không đi nữa, Quyền đã trả lại Ngọc 3.000USD. Các anh Phạm Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Tiến sau khi xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 03/02/2012 đến nay chưa có thông tin nhập cảnh, do đó Cơ quan điều tra không lấy được lời khai. Xác minh tại gia đình, ông Nguyễn Văn Tám (Bố đẻ anh Tiến) khai đã giao cho Mai 8.000USD và bà Trần Thị Phố (Mẹ đẻ anh Lâm) khai đã giao 9.000USD cho Quyền để chi phí cho con xuất cảnh sang Hàn Quốc. Họ đều biết việc đi học chỉ là hình thức để nhập cảnh được vào Hàn Quốc sau đó ở lại bất hợp pháp. Anh Phạm Ngọc Đại sau khi về Việt Nam đã tiếp tục làm thủ tục xuất cảnh lao động sang Ma Cao - Trung Quốc nên Cơ quan điều tra không tiến hành lấy lời khai được. Xác minh tại gia đình, ông Phạm Ngọc Đài (Bố đẻ anh Đại) cho biết đã giao cho Quyền 4.600USD và 100.000.000 đồng (Có giấy biên nhận). Quyền hứa sẽ trả lại 3.000USD nhưng vẫn chưa thanh toán số tiền trên. Mai cũng viết giấy thỏa thuận đưa Đại đi lao động ở Nhật Bản nhưng không thực hiện.
Tại Cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Tuyết M, Đỗ Mạnh Q khai phù hợp với nội dung trên. Xác minh tại Cục lãnh sự - Bộ ngoại giao và Đại sứ quán Hàn Quốc xác định đã cấp visa cho Phạm Ngọc Lâm, Phạm Ngọc Đại, Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Văn Tiến. Những người này được cấp thị thực nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích thương mại, thời hạn từ ngày 02/02/2012 đến ngày 02/5/2012 và thời gian ở lại Hàn Quốc là 30 ngày.
Xác định tại Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ công an xác định thời gian, cửa khẩu, số hộ chiếu sử dụng để nhập cảnh của số người đã tham gia xuất cảnh trên phù hợp với tài liệu do Cục quản lý xuất nhập cảnh theo dõi. Văn phòng Interpol Việt Nam yêu cầu phía Hàn Quốc xác minh làm rõ một số thông tin liên quan đến Trường O’ngo nhưng đến nay chưa có kết quả trả lời.
Đợt2: Sau khi Mai đưa thành công các anh Lâm, Đại, Toàn, Tiến sang Hàn Quốc, tháng 7/2012, Quyền đặt vấn đề tiếp tục hợp tác với Mai đưa 04 người sang Hàn Quốc lao động là: Anh Phạm Đình T; chị Lâm Hải H; anh Vũ Thanh T; anh Đỗ Văn D. Ngày 12/9/2012, Quyền đưa bổ sung thêm hồ sơ của 02 lao động nữa cho Mai là anh Phạm Văn M và anh Nguyễn Khắc Đ. Mai và Quyền thỏa thuận: Mai có trách nhiệm lo các thủ tục đưa lao động nhập cảnh Hàn Quốc; công việc là đứng máy ép nhựa hoặc thợ cơ khí; mức lương 900USD/người/tháng; chi phí cho mỗi lao động là 7.000USD; Quyền giao tiền cho Mai làm nhiều lần và thanh toán hết khi các lao động sang tới Hàn Quốc và nhận công việc. Quyền đã thu của các lao động số tiền 38.000USD và viết giấy biên nhận cho từng người, cụ thể: Phạm Văn M 6.000USD; Lâm Hải H 8.000USD; Vũ Thanh T 4.000USD; Đỗ Văn D 8.000USD; Nguyễn Khắc Đ 6.000USD; Phạm Đình T 6.000USD.
Do không thể tiếp tục đưa lao động nhập cảnh Hàn Quốc dưới hình thức đi học như đợt 1 nên Mai tìm hiểu qua internet và hỏi thăm người bạn của em ruột Mai là Koo Hee Che và Ji Hye (Quốc tịch Hàn Quốc), Mai biết nếu sang đảo Jeju
- Hàn Quốc du lịch (Đi theo tour du lịch hoặc có người Hàn Quốc bảo lãnh) thì sẽ được miễn visa nhập cảnh. Thông qua Koo Hee Che, Mai nhờ bố của Koo Hee Che bảo lãnh cho Mai và người lao động. Ông Koo đồng ý giúp đỡ, Mai dự kiến sau khi nhập cảnh Jeju - Hàn Quốc sẽ nghỉ qua đêm ở đảo, sáng hôm sau sẽ nhờ ông Koo dùng thuyền đánh cá chở cả đoàn về Bussan, Giang sẽ đón ở Bussan và bố trí công việc cho người lao động.
Để người lao động tin tưởng, Mai lên mạng internet lấy mẫu hợp đồng lao động, điền các thông tin ở mục “Người sử dụng lao động” như ông Jang Dong Seok, chức vụ Phó giám đốc điều hành, đại diện cho Tổng Công ty dệt may và nhựa SeNim; địa chỉ: 1.2F PAC b/d 1362 Gonghang-dong Kangseo-gu Seoul, Korea; nội dung hợp đồng: thời gian làm việc 03 năm, thử việc 03 tháng, mức lương từ 900USD - 1.000USD, công việc thợ cơ khí hoặc đứng máy ép nhựa như thông tin mà Giang cung cấp cho Mai. Về chữ ký ở mục “Người sử dụng lao động”, Mai đã nhờ một khách hàng thường đến quán của vợ chồng Mai có biệt danh “Béo Oppa”, quốc tịch Hàn Quốc ký và đóng dấu tên cá nhân của người đó là Jang Dong Seok. Mai cũng chỉ đạo Hồng lên mạng internet để tải về hình mẫu visa Hàn Quốc, thay tên, năm sinh, số hộ chiếu của người lao động; sau đó in ra trên khổ giấy A4 rồi đưa cho Quyền để mang về cho người lao động xem visa photo, ký hợp đồng và họ giữ lại 01 bản. Khi nhận các hợp đồng, visa trên giấy A4, Quyền và người lao động đều tin tưởng là thật.
Sau khi thống nhất như vậy, Mai yêu cầu Quyền đưa tiền mua vé máy bay. Ngày 10/9/2012, Quyền đưa cho Hồng 3.500USD để mua vé máy bay cho 4 người (Duyệt, Hà, Tùng, Tuấn) tại Phòng vé số 1 Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội theo lịch trình: Hà Nội - Seoul - Jeju, ngày bay 14/9/2012. Tuy nhiên, sau khi mua vé Mai biết nếu đi lịch trình trên khi qua Seoul thì phải có visa Hàn Quốc, do đó ngày 11/9/2012, Mai bảo Hồng đi hoàn hủy 4 vé đã mua. Ngày 14/9/2012, Mai và Hồng đến đặt vé tại phòng vé Phương Nam - Trung Quốc tại số 1 Liễu Giai, Hà Nội đặt vé một chiều lịch trình bay Hà Nội - Quảng Châu (Trung Quốc) - Thẩm Dương (Trung Quốc) - Jeju (Hàn Quốc), ngày bay 16/9/2012 cho 08 người lớn và 01 trẻ em (gồm 6 lao động, Mai, Hồng và cháu Giang Anh). Sau khi có vé, Mai liên lạc và nhờ ông Koo đón và đặt phòng nghỉ. Sáng ngày 16/9/2012, Hồng, Mai, Quyền, cháu Giang Anh và 06 lao động gặp nhau tại Sân bay Nội Bài. Tại đây, Quyền giới thiệu Mai là Phó Giám đốc của Công ty sẽ trực tiếp đưa mọi người sang Hàn Quốc lao động; Mai đưa lại cho 6 lao động hộ chiếu, người lao động thắc mắc hộ chiếu không có visa thì Mai, Hồng giải thích “Sang đảo Jeju không cần visa, đến sân bay sẽ có người bảo lãnh và công ty của Mai - Hồng sẽ lo mọi thủ tục khi sang đến Hàn Quốc”.
Khi máy bay đến Quảng Châu - Trung Quốc, Công an Trung Quốc yêu cầu cả đoàn phải tuân thủ quy định của đoàn khách du lịch là phải có vé chiều về mới cho nhập cảnh. Mai điện thoại yêu cầu Quyền đem 100.000.000 đồng và 1.000USD đến đưa cho Nguyễn Thị Yến Hoa (Em ruột Mai) để đặt mua vé chiều về cho 09 người; sau khi có vé chiều về, cả đoàn được nhập cảnh. Do quá muộn, không còn chuyến bay nên cả đoàn phải nghỉ đêm tại Quảng Châu; sáng 17/9/2012 mới bay đến Thẩm Dương - Trung Quốc sau đó bay tiếp tới đảo Jeju - Hàn Quốc. Chiều ngày 17/9/2012, cả đoàn tới Jeju và bị Công an cửa khẩu Hàn Quốc giữ thẩm vấn về thủ tục, mục đích nhập cảnh.
Mai khai do cả đoàn bị nhỡ chuyến bay nên ông Koo không đợi được đã ra khơi đánh cá, không làm thủ tục bảo lãnh cho đoàn nên cả đoàn không được nhập cảnh vào Hàn Quốc và phải quay về Việt Nam. Ngày 20/9/2012, cả đoàn bay về Việt Nam theo lịch trình Jeju (Hàn Quốc) - Thẩm Dương (Trung Quốc) - Quảng Châu (Trung Quốc) - Nội Bài (Việt Nam). Ngày 22/9/2012, cả đoàn nhập cảnh vào Việt Nam. Sau khi không xuất cảnh sang Hàn Quốc được, các lao động đã đến gặp Quyền đòi tiền, Quyền đã trả một số người tổng số 8.000USD và 15.000.000 đồng, cụ thể trả anh Vũ Thanh T 2.000USD; anh Đỗ Văn D 1.000USD; anh Nguyễn Khắc Đ 3.000USD; chị Lâm Hải H 15.000.000 đồng; anh Phạm Đình T 2.000USD. Đối với anh Phạm Văn M chưa được Quyền khắc phục. Quyền và vợ chồng Mai, Hồng thống nhất về số tiền đã chi phí cho chuyến đi. Ngày 25/9/2012, Hồng ký vào biên bản thanh toán, bảo lãnh trả nợ thay cho Mai số tiền đã nhận của Quyền là 23.800USD và 285.400.000 đồng, nhưng đến nay vợ chồng Hồng, Mai chưa trả đồng nào cho các lao động cũng như Đỗ Mạnh Q.
Ngoài 06 lao động trên, Quyền còn thu 4.000USD của anh Vũ Đình C và 4.000USD của anh Vũ Xuân T để dự kiến đi đợt tiếp theo. Đến nay Quyền chưa trả lại tiền cho 02 người này. Tại Cơ quan điều tra, các lao động khai do đều quen biết Quyền nên khi Quyền giới thiệu, cam kết, hứa hẹn đưa họ đi lao động Hàn Quốc hợp pháp thì rất tin tưởng, khi nhận hợp đồng lao động và visa phô tô càng yên tâm và không nghi ngờ gì.
Quyền cũng khai nhận việc vợ chồng Hồng, Mai làm các hợp đồng lao động và visa photo thế nào Quyền hoàn toàn không biết, các thông tin Quyền nói với người lao động là do Mai nói với Quyền, Quyền tin tưởng việc xuất cảnh lần này là hợp pháp. Hồng khai nhận hành vi tải mẫu visa trên internet, chuyển hợp đồng lao động và mẫu visa photo cho Quyền là do Mai chỉ đạo, Hồng không biết việc Mai nhờ ông Koo bảo lãnh cho 06 lao động nhập cảnh vào đảo Jeju và bố trí công việc cho các lao động như thế nào. Mai và Hồng đều khai nhận mục đích làm giả các giấy tờ như hợp đồng lao động, photo visa giả là tạo tâm lý tin tưởng cho người lao động mà không nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người lao động. Việc các lao động không nhập cảnh được vào Hàn Quốc rồi bị trục xuất về Việt Nam là ngoài mong muốn của Mai, Hồng.
Đợt3: Khoảng tháng 7/2012, Quyền giới thiệu cho Mai 02 người có nhu cầu đi Nhật Bản lao động là anh Nguyễn Văn Sơn và anh Trương Công Thức. Mai nhận lời. Anh Sơn chuyển cho Mai hộ chiếu, 1.500USD và 60.000 Yên Nhật, anh Thức chuyển cho Quyền 2.000USD và hộ chiếu, Quyền chuyển cho Mai hộ chiếu của Thức còn tiền thì giữ lại. Quyền khai: Giới thiệu các anh Sơn, Thức với Mai, còn việc Mai tổ chức cho Sơn, Thức xuất cảnh sang Nhật Bản như thế nào Quyền không rõ. Anh Nguyễn Văn Sơn khai: Trước đây có thời gian lao động ở Nhật Bản, sau khi về Việt Nam có nguyện vọng quay lại Nhật Bản lao động, qua giới thiệu của Quyền, Mai nhận làm thủ tục đưa anh Sơn xuất cảnh Nhật Bản với chi phí 7.000USD; việc Mai làm thế nào để có visa Sơn không biết. Anh Trương Công Thức khai: Do có nhu cầu đi lao động nước ngoài nên được Quyền giới thiệu gặp Mai, Mai hứa hẹn đưa Thức đi lao động tại Nhật Bản với chi phí 9.000USD. Sau 02 tháng, Mai yêu cầu nộp trước 7.000USD để mua vé máy bay và làm thủ tục, Thức không yên tâm nên quyết định không đi nữa. Quyền đã trả lại anh Thức 40.000.000 đồng.
Mai khai: Qua người bạn học tên là Tamagi Yogi, Mai đã liên hệ với Công ty rượu Osaka, sau đó Công ty đã gửi thư mời Sơn, Thức sang Nhật làm việc. Mai chỉ đạo Hồng đến sứ quán Nhật Bản để làm thủ tục xin cấp visa. Sứ quán Nhật Bản yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh tài chính của Sơn, Thức và thư bảo lãnh của Công ty Osaka, vợ chồng Hồng, Mai không làm được việc này nên đã thuê đối tượng tên Phong làm thủ tục xin visa. Mai, Hồng thỏa thuận trả tiền công cho Phong 1.500USD. Việc Phong làm thủ tục thế nào, Mai, Hồng không biết. Đến cuối tháng 10/2012, Phong thông báo đã có visa rồi chuyển cho Hồng. Hồng báo cho Sơn, Thức đến lấy hộ chiếu, visa. Do Thức không đồng ý nên Mai đã bóc, hủy thị thực Nhật Bản dán trong hộ chiếu của Thức. Ngày 09/01/2013, anh Sơn làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay Nội Bài thì bị phát hiện visa giả, không được xuất cảnh; Mai đã trả lại tiền cho anh Sơn.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 536/2014/HS-ST ngày 29/12/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt Nguyễn Thị Tuyết M 07 năm tù, Trịnh Văn H 05 năm tù, Đỗ Mạnh Q 02 năm tù đều về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo Điều 275 của Bộ luật Hình sự năm 1999; buộc Nguyễn Thị Tuyết M phải truy nộp 31.800 USD và 285.000.000 đồng để sung công quỹ Nhà nước; ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.
Bản án hình sự phúc thẩm số 444/2016/HS-PT ngày 04/8/2016 của Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy Bản án hình sự sơ thẩm số 536/2014/HS-ST ngày 29/12/2014 của Toà án nhân dân thành phố Hà Nội về phần buộc Nguyễn Thị Tuyết M phải truy nộp số tiền 31.800 USD và 285.000.000 đồng để điều tra lại theo hướng buộc các bị cáo phải hoàn trả cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Người lao động).
Đến nay những người đã nộp tiền vẫn giữ nguyên yêu cầu buộc anh Quyền, chị Mai, anh Hồng phải hoàn trả lại số tiền còn thiếu hoặc chưa trả.
Tại phiên tòa: Anh Duyệt và những người đại diện theo ủy quyền của các nguyên đơn khác yêu cầu được hoàn trả lại số tiền đã nộp. Chị Nguyễn Thị Tuyết M thừa nhận số tiền còn lại chưa trả cho những người lao động như Cơ quan điều tra đã kết luận là chính xác; toàn bộ số tiền này chị Mai đã nhận từ anh Quyền và sử dụng để chi phí. Anh Trịnh Văn H cho rằng mình không được bất cứ số tiền nào nhưng anh tự nguyện cùng với vợ là chị Mai sẽ chịu trách nhiệm trả lại toàn bộ số tiền còn thiếu đó cho 08 người lao động.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị: Buộc chị Nguyễn Thị Tuyết M và anh Trịnh Văn H phải liên đới bồi hoàn: Cho chị Lâm Hải H 8.000USD – 15.000.000 đồng; anh Vũ Thanh T 2.000USD; anh Đỗ Văn D 7.000USD; anh Nguyễn Khắc Đ 3.000USD; anh Phạm Đình T 4.000USD; anh Phạm Văn M 6.000 USD; anh Vũ Xuân T và anh Vũ Đình C mỗi người 4.000USD; buộc phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Quá trình khởi tố, điều tra và truy tố, điều tra lại vụ án, các Cơ quan và người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự; những người tham gia tố tụng không ai có ý kiến, khiếu nại. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 536/2014/HS-ST ngày 29/12/2014 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã kết án đối với chị Nguyễn Thị Tuyết M, anh Trịnh Văn H và anh Đỗ Mạnh Q về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép”; phần tội danh và hình phạt của bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Tại phiên tòa hôm nay, Hội đồng xét xử chỉ xem xét, giải quyết lại phần dân sự đã bị hủy theo quyết định của Bản án hình sự phúc thẩm số 444/2016/HS-PT ngày 04/8/2016 của Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội và theo yêu cầu của các nguyên đơn.
[2] Đối với số tiền đã thu của những người lao động: Vào thời điểm năm 2012, đã có 08 người đã nộp tiền cho anh Đỗ Mạnh Q để được đi lao động tại HànQuốc; cụ thể là các anh Phạm Văn M nộp 6.000USD, anh Vũ Thanh T nộp 4.000USD, anh Đỗ Văn D nộp 8.000USD, anh Nguyễn Khắc Đ nộp 6.000USD, chị Lâm Hải H nộp 8.000USD, anh Phạm Đình T nộp 6.000USD, anh Vũ Xuân T và anh Vũ Đình C mỗi người nộp 4.000USD. Những người này và thân nhân trong gia đình họ tin tưởng là chị Mai, anh Hồng và anh Quyền sẽ làm các thủ tục đưa họ đi lao động xuất khẩu ở Hàn Quốc một cách hợp pháp nên mới nộp tiền chứ không biết là Mai, Hồng, Quyền tổ chức cho họ đi du lịch và trốn lại ở Hàn Quốc; họ không có lỗi nên số tiền đã nộp cần phải trả lại cho họ. Về nguyên tắc, chị Mai, anh Hồng và anh Quyền phải liên đới bồi hoàn toàn bộ số tiền còn lại cho các lao động. Tuy nhiên, sau khi thu được tiền, anh Quyền đều đưa lại cho chị Nguyễn Thị Tuyết M để chị Mai chi phí, sử dụng; trong đó có sử dụng, chi phí cho chồng là anh Trịnh Văn H; anh Hồng cũng xác nhận và tự nguyện cùng với chị Mai chịu trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho những người trên; đối trừ số tiền anh Quyền đã trả lại cho một số người, Hội đồng xét xử buộc chị Nguyễn Thị Tuyết M và anh Trịnh Văn H phải liên đới hoàn trả cho 08 người lao động số tiền còn thiếu bằng tiền đồng Việt Nam quy đổi theo tỷ giá mua vào đồng USD của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam ngày 27/9/2018 (1USD=23.295 đồng).
Cụ thể, trả cho chị Lâm Hải H 8.000USD x 23.295 đồng = 186.360.000 đồng, trừ 15.000.000 đồng anh Quyền đã trả, còn lại 171.360.000 đồng; trả cho anh Vũ Thanh T 4.000USD, được trừ 2.000USD anh Quyền đã trả, còn lại 2.000USD = 46.590.000 đồng; trả cho anh Đỗ Văn D 8.000USD, được trừ 1.000USD anh Quyền đã trả, còn lại 7.000USD = 163.065.000 đồng; trả cho anh Nguyễn Khắc Đ 6.000USD, được trừ 3.000USD anh Quyền đã trả, còn lại 3.000USD = 69.885.000 đồng; trả cho anh Phạm Đình T 6.000USD, được trừ 2.000USD anh Quyền đã trả, còn lại 4.000USD = 93.180.000 đồng; trả cho anh Phạm Văn M 6.000 USD = 139.770.000 đồng; trả anh Vũ Xuân T 4.000USD = 93.180.000 đồng; trả anh Vũ Đình C 4.000USD = 93.180.000 đồng. Tổng cộng, chị Nguyễn Thị Tuyết M và anh Trịnh Văn H phải liên đới hoàn trả cho 08 người tổng số tiền là 870.090.000 đồng; chia phần theo lỗi thì chị Nguyễn Thị Tuyết M phải chịu 500.000.000 đồng, anh Trịnh Văn H phải chịu 370.090.000 đồng.
[3] Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án, buộc chị Nguyễn Thị Tuyết M và anh Trịnh Văn H phải nộp án phí dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015; các Điều 274 và 288 của Bộ luật Dân sự; Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án: Buộc chị Nguyễn Thị Tuyết M (Tên gọi khác: Nguyễn Dịu H) và anh Trịnh Văn H phải liên đới hoàn trả cho 08 người tổng cộng là 870.090.000 đồng; chia phần, chị Nguyễn Thị Tuyết M phải hoàn trả 500.000.000 đồng, anh Trịnh Văn H phải hoàn trả 370.090.000 đồng;
3. Về biện pháp bảo đảm thi hành án: Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, người phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi suất phát sinh trên số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Về án phí: Chị Nguyễn Thị Tuyết M phải nộp 24.0000.000 đồng (Hai bốn triệu đồng) án phí dân sự sơ thẩm; anh Trịnh Văn H phải nộp 18.504.500 đồng (Mười tám triệu năm trăm linh bốn ngàn năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
4. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; những người vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân nơi cư trú.
Bản án 353/2018/HS-ST ngày 27/09/2018 về tội tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép
Số hiệu: | 353/2018/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về