TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 352/2018/DSPT NGÀY 06/04/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY VÀ CẦM CỐ TÀI SẢN
Ngày 29 tháng 3 năm 2018 và ngày 06 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai Vụ án dân sự thụ lý số 42/2018/TLPT-DS ngày 26 tháng 01 năm 2018 về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay và cầm cố tài sản”;
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 2324/2017/DS-ST ngày 19 tháng 12 năm2017 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo và kháng nghị;
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 793/2018/QĐPT-DS ngày 28 tháng 02 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 1575/2018/QĐHPT-DS ngày 20 tháng 3 năm 2018 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Trịnh Ngọc A, sinh năm 1971
Địa chỉ: Số 199/8 H, Phường T, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đinh Thanh T, sinh năm 1979, địa chỉ: Số 29 T, phường T, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
Bị đơn:
1/ Công ty Cổ phần B
Địa chỉ: Số 58 N, phường Đ, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh
Người Đại diện hợp pháp của bị đơn – Công ty Cổ phần B: Ông Nguyễn Thế N, sinh năm 1990, địa chỉ: Phòng 202, số 12 M, phường Đ, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
2/ Ông Nguyễn Minh C, sinh năm 1976
Địa chỉ: T2, phường V, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn – ông Nguyễn Minh C: Ông Nguyễn Mạnh Hoàng S, sinh năm 1987, địa chỉ: Phòng 202, số 12 M, phường Đ, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1/ Ông Phan Tấn D, sinh năm 1970
Địa chỉ: 22/2 khu phố M, phường A, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh
2/ Ông Lê Ngọc Khánh E, sinh năm 1984
Địa chỉ: Số 232 Đ, Phường P, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh
Người đại diện hợp pháp của ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E: Ông Vũ Văn Đ, sinh năm 1988, địa chỉ: Phòng 202, số 12 M, phường Đ, Quận M, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt)
3/ Công ty Cổ phần L
Địa chỉ: Số 25 T, Phường B, Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng
Người đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần L: Ông Đinh Thanh T, sinh năm 1979, địa chỉ: Số 29 T, phường T, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 02/3/2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn là ông Trịnh Ngọc A có người đại diện là ông Đinh Thanh T trình bày:
Ngày 29/9/2015, ông Trịnh Ngọc A, ông Nguyễn Quang Q – đại diện Công ty CP B (sau đây gọi tắt là B) và ông Nguyễn Minh C ký kết thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB, đây là hợp đồng vay được thế chấp toàn bộ cổ phiếu của Công ty Cổ phần L (L) mà ông A đang sở hữu. Sau khi ký thỏa thuận trên ông A còn ký giấy cam kết với ông C ngày 29/9/2015, giấy ủy quyền cho ông C và B được quyền bán/chuyển nhượng, xử lý tài sản thế chấp theo thỏa thuận ngày 29/9/2015 và giấy đề nghị phong tỏa chứng khoán ngày 29/9/2015.
Nội dung của thỏa thuận ba bên ngày 29/9/2015 như sau: Ông A vay của ông C 7.000.000.000 đồng; mục đích vay: mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần L; thời hạn vay là 03 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; tỷ lệ giải ngân: 50% giá trị tài sản bảo đảm; phương thức giải ngân: tiền vay sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản số 046C38xxxx của ông A mở tại B; lãi suất vay trong thời hạn 21%/năm, lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn; tài sản bảo đảm: là cổ phiếu của Công ty Cổ phần L, bao gồm: tài sản đã hình thành (900.000 cổ phiếu tương ứng với 20% vốn điều lệ của Công ty) và cả tài sản hình thành trong tương lai từ vốn vay nêu tại hợp đồng, toàn bộ cổ tức, lợi tức… phát sinh từ tài sản bảo đảm.
Sau khi mọi thủ tục vay hoàn tất, ông C đã chuyển tiền vào tài khoản lưu ký số 046C38xxxx của ông A mở tại B để thực hiện thủ tục chuyển nhượng 423.036 cổ phiếu L tương ứng 9,4% vốn điều lệ của Công ty cụ thể như sau:
- Ngày 12/10/2015, trích từ tài khoản lưu ký số 046C38xxxx của ông A để thỏa thuận mua 134.346 cổ phiếu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền giao dịch là 1.679.325.000 đồng.
- Ngày 16/10/2015, trích từ tài khoản lưu ký số 046C38xxxx của ông A để thỏa thuận mua 288.690 cổ phiếu với giá 12.500 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền giao dịch là 3.608.625.000 đồng.
Tổng cộng số tiền chuyển nhượng 423.036 cổ phiếu L tương ứng 9.4% vốn điều lệ Công ty là 5.287.950.000 đồng. Tổng số lượng cổ phiếu của ông Trịnh Ngọc A trong Công ty Cổ phần L sau khi nhận chuyển nhượng là 1.323.036 cổ phiếu, tương ứng 29,4% vốn điều lệ Công ty.
Tuy nhiên, sau khi ông Thanh nhận chuyển nhượng thêm số lượng cổ phiếu nói trên, giữa ông A, ông C và ông Q có mâu thuẫn với nhau vì không thống nhất được trong số tiền đã vay 7.000.000.000 đồng đã sử dụng hết bao nhiêu tiền để mua 423.036 cổ phiếu L và số tiền còn lại bao nhiêu, vì vậy ông A không đồng ý thanh toán số tiền 7.000.000.000 đồng theo thỏa thuận ba bên.
Ông C và B đã phong tỏa 1.323.036 cổ phiếu của ông A và số tiền còn dư trong tài khoản lưu ký số 046C38xxxx, tự ý bán toàn bộ 1.323.036 cổ phiếu của ông A cho ông Phan Tấn D 650.000 cổ phiếu và Lê Ngọc Khánh E 673.036 cổ phiếu.
Trước và sau khi ông C xử lý tài sản thế chấp của ông A, ông C và B không thông báo cho ông A biết số tiền mua bán cổ phiếu là bao nhiêu, cho đến khi Ủy ban chứng khoán phát hành văn bản xử lý vi phạm về chứng khoán đối với ông A thì ông A mới biết ông C đã bán số cổ phiếu nêu trên.
Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa ông A trình bày: Vì rất tin tưởng ông Nguyễn Quang Q là đại diện theo pháp luật của B và ông Q cũng là thành viên Công ty Cổ phần L, nên ông A đã ký trước tất cả giấy tờ liên quan đến số cổ phiếu L, giao cho ông A mua thêm 9,4% cổ phiếu L và cả việc ông A ký khống giấy rút tiền vào các ngày: 19/10, 13/11, 04/12 và 23/12/2015 tại B. Việc ông Nguyễn Minh C và ông Nguyễn Quang Q đại diện B tự ý phong tỏa 1.323.036 cổ phiếu L của nguyên đơn cùng số tiền còn dư trong tài khoản lưu ký, sau đó còn tự ý bán toàn bộ 1.323.036 cổ phiếu L của nguyên đơn cho ông Phan Tấn D và Lê Ngọc Khánh E là hoàn toàn sai trái. Hơn nữa, ông A đã có văn bản đề nghị B phong tỏa các chứng khoán trên, nhưng B đã không thực hiện phong tỏa.
Thỏa thuận ba bên ngày 29/9/2015 bị vô hiệu vì các lý do sau: B là Công ty chứng khoán thì không được phép môi giới chứng khoán, tuy nhiên B lại đứng ra môi giới chứng khoán; tài sản thế chấp tại thời điểm thế chấp không được phép giao dịch do bị đưa vào diện bị kiểm soát theo Thông báo số 353/TB-SGDHN ngày 07/9/2015 của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội; Đồng thời, khi xử lý tài sản thế chấp, B và ông C không thông báo cho ông A biết.
Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015 bị vô hiệu do không được công chứng, chứng thực hợp lệ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 74/2011/TT-BTC ngày 01/6/2011 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, đồng thời tại thời điểm ký giấy ủy quyền, pháp luật dân sự không cho phép cá nhân ủy quyền cho pháp nhân, việc ông A ký giấy ủy quyền cho B là vi phạm pháp luật dân sự; trong trường hợp giấy ủy quyền có hiệu lực, theo giấy ủy quyền này ông A ủy quyền đồng thời cho ông C và B, do đó việc chỉ có ông C ký giấy bán chứng khoán cho ông E và ông D cũng là vi phạm pháp luật dân sự.
Do đó, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện:
- Hủy thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015;
- Hủy giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa chứng khoán ngày 29/9/2015;
- Hủy giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015;
- Hủy giấy cam kết của ông Trịnh Ngọc A ngày 29/9/2015;
- Hủy giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho ông Phan Tấn D, ông Lê Ngọc Khánh E, yêu cầu ông C và B hoàn trả lại tài sản cho nguyên đơn là 1.323.036 cổ phiếu L;
- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại, nguyên đơn không có yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về yêu cầu phản tố của ông C: Nguyên đơn không đồng ý với yêu cầu của ông C. Nguyên đơn chỉ đồng ý trả tiền vay và tiền lãi với điều kiện hủy toàn bộ các giao dịch trên theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Trong đơn yêu cầu phản tố ngày 24/5/2017 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn là ông Nguyễn Minh C trình bày:
Qua giới thiệu của B, ông được biết ông A có nhu cầu vay vốn để mua cổ phiếu của Công ty Cổ phần L, nên ngày 29/9/2015 ông đã ký với ông Trịnh Ngọc A (bên vay) và B (là đơn vị đang quản lý tài khoản lưu ký chứng khoán của ông A) thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB, nội dung của thỏa thuận ba bên về khoản tiền vay, thời hạn vay, mục đích vay và tài sản bảo đảm như phía nguyên đơn trình bày là đúng.
Cùng ngày 29/9/2015, ông A ký Giấy ủy quyền cho ông và B được quyền bán/ chuyển nhượng, xử lý theo các phương thức quy định tại thỏa thuận ba bên 001/2015/TTBB đối với 1.350.000 cổ phiếu do Công ty Cổ phần L phát hành đã được lưu ký tại B; Giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa chứng khoán gửi cho B, yêu cầu xác nhận và phong tỏa tài khoản số 046C38xxxx, được B xác nhận đồng ý và Giấy cam kết do ông A ký tên.
Ngay sau khi ký kết thỏa thuận, ông C đã chuyển vào tài khoản của ông A 7.000.000.000 đồng như cam kết, sau đó, ông A đã dùng số tiền này để mua cổ phiếu L và chuyển 1.350.000 cổ phiếu L thuộc quyền sở hữu của ông A vào tài khoản lưu số 046C38xxxx mở tại B.
Tuy nhiên, hết thời gian 03 tháng kể từ ngày giải ngân cuối cùng, ông Trịnh Ngọc A không thanh toán cho bị đơn bất cứ khoản tiền gốc và lãi nào. Ông C và B đã liên tục nhắc nhở, yêu cầu ông A trả nợ nhưng ông A vẫn không thực hiện. Do ông Trịnh Ngọc A vi phạm cam kết trả nợ theo Điều 8 của thỏa thuận ba bên ngày 29/9/2015, sau khi thông báo cho B đã ký lệnh yêu cầu bán toàn bộ 1.323.036 cổ phiếu L trong tài khoản số 046C38xxxx của ông A, cụ thể:
- Ngày 18/8/2016, ông C đặt lệnh bán 673.036 cổ phiếu L với giá 6.000 đồng/cổ phiếu, ông Phan Tấn D đã mua và chuyển 3.900.000.000 đồng vào tài khoản của ông A ngày 22/8/2016
- Ngày 18/8/2016, ông C đặt lệnh bán 650.000 cổ phiếu L với giá 6.000 đồng/cổ phiếu, ông Lê Ngọc Khánh E đã mua chuyển 4.038.216.000 đồng vào tài khoản ông A ngày 22/8/2016.
Việc mua bán này đã thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E đã chuyển tiền vào tài khoản số 046C38xxxx của ông A mở tại Công ty Cổ phần B. Trước và sau khi bán chứng khoán ông C, B đã thông báo cho ông A bằng tin nhắn và gọi điện theo số điện thoại các bên nêu tại Thỏa thuận ba bên. Số tiền bán cổ phiếu L vẫn đang nằm trong tài khoản số 046C38xxxx của ông A mở tại B, phía ông C vẫn chưa thu hồi được nợ. Ông C đã nhiều lần yêu cầu B chuyển trả tiền nợ gốc và lãi ông A còn nợ cho bị đơn nhưng B không thực hiện với lý do việc ký rút tiền từ tài khoản của ông A thì ông A phải ký, ông C không được ký rút tiền. Đến nay, số tiền ông A đang nợ ông C là 7.000.000.000 đồng nợ gốc và tiền lãi.
Việc ông A khởi kiện yêu cầu hủy Thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015, hủy Giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa chứng khoán ngày 29/9/2015; hủy Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015, hủy Giấy cam kết của ông Trịnh Ngọc A ngày 29/9/2015 và hủy giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho ông Phan Tấn D, ông Lê Ngọc Khánh E, đồng thời yêu cầu ông C và B hoàn trả lại tài sản cho nguyên đơn là 1.323.036 cổ phiếu L là không có căn cứ nên ông C không chấp nhận.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, B trình bày: B xác nhận nội dung của Thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015, Giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa chứng khoán ngày 29/9/2015; Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015; Giấy cam kết của ông Trịnh Ngọc A ngày 29/9/2015 như ông A và ông C trình bày là đúng.
Do ông Trịnh Ngọc A vi phạm nghĩa vụ thanh toán số tiền vay 7.000.000.000 đồng cho ông Nguyễn Minh C theo Thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015 nên vào ngày 18/8/2016 ông C đã ký lệnh bán chứng khoán và chuyển cho phía B, B đã đứng ra thực hiện lệnh bán toàn bộ 1.323.036 cổ phiếu của ông A tại Công ty Cổ phần L cho ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E, việc mua bán này đã thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và được thực hiện đúng theo quy trình mua bán chứng khoán do pháp luật quy định. Ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E đã chuyển tiền vào tài khoản số 046C38xxxx của ông A mở tại công ty CP B, cụ thể như sau:
- Ông Phan Tấn D đã chuyển 3.900.000.000 đồng (6.000/cổ phiếu x 650.000 cổ phiếu) vào ngày 22/8/2016.
- Ông Lê Ngọc Khánh E đã chuyển 4.038.216.000 đồng (6.000/cổ phiếu x 673.036 cổ phiếu) vào ngày 22/8/2016.
Toàn bộ số tiền bán chứng khoán vẫn còn trong tài khoản số 046C38xxxx của ông A mở tại B, sở dĩ B không thực hiện việc chuyển tiền mua bán chứng khoán cho ông C theo đúng thỏa thuận ba bên là vì ông A không ủy quyền cho C được rút tiền, nên ông C không được rút tiền từ tài khoản trên. Vai trò của B khi tham gia vào thỏa thuận ba bên là làm trung gian của giao dịch và quản lý tài sản cầm cố, B đã nhiều lần nhắc nhở ông A về ngày trả nợ và việc quá hạn trả nợ thông qua số điện thoại mà các bên đăng ký theo thỏa thuận ba bên, cũng như yêu cầu ông A ký giấy rút tiền trả tiền vay theo thỏa thuận ba bên nhưng ông A không thực hiện, do đó yêu cầu khởi kiện của ông A, B không đồng ý, đối với yêu cầu phản tố của ông C, B đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E có ông Vũ Văn Đ – người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ngày 18/8/2016, ông Lê Ngọc Khánh E đã mua mã chứng khoán là L, số lượng: 673.036 cổ phiếu, với giá 6.000 đồng/cổ phiếu tại B, tổng cộng là 4.038.216.000 đồng và đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản 046C38xxxx vào ngày 22/8/2016.
Ngày 18/8/2016, ông Phan Tấn D đã mua mã chứng khoán là L, số lượng: 650.000 cổ phiếu, với giá 6.000 đồng/cổ phiếu tại B, tổng cộng là 3.900.000.000 đồng và đã chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản 046C38xxxx vào ngày 22/8/2016.
Việc mua bán chứng khoán của ông E và ông D hoàn toàn hợp pháp, đúng theo trình tự thủ tục, đã thông qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội xác nhận các phiếu lệnh đã khớp lệnh và được Ngân hàng thực hiện việc thanh toán vốn, hiện các số cổ phiếu này do ông E và ông D đứng tên, đồng thời ông D và ông E không biết gì về việc vay mượn tiền giữa ông A và ông C. Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ông E và ông D cho rằng việc ông A yêu cầu hủy giao dịch mua bán chứng khoán với ông D và ông E là không có căn cứ, ông D và ông E không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị Tòa án công nhận giao dịch trên.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần L có ông Đinh Thanh T – người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Việc giao dịch chứng khoán của Công ty Cổ phần L giữa ông A và các bên liên quan là giao dịch cá nhân, không liên quan đến Công ty L, nên Công ty không có ý kiến gì khác, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 2324/DSST ngày 19/12/2017 của Tòa án nhân dân Quận 1 đã tuyên xử:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Trịnh Ngọc A về việc yêu cầu Tòa án hủy Thỏa thuận ba bên số 001/2015/TTBB ngày 29/9/2015; hủy Giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa chứng khoán ngày 29/9/2015; hủy Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015; hủy Giấy cam kết của ông Trịnh Ngọc A ngày 29/9/2015; hủy giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho ông Phan Tấn D, ông Lê Ngọc Khánh E và hoàn trả lại tài sản cho ông Trịnh Ngọc A là 1.323.036 cổ phiếu L.
2. Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Minh C.
Buộc ông Trịnh Ngọc A trả cho ông Nguyễn Minh C số tiền nợ gốc 7.000.000.000 đồng (bảy tỷ đồng) và tiền lãi 1.206.250.000 đồng (một tỷ, hai trăm lẽ sáu triệu, hai trăm năm mươi ngàn đồng), tổng cộng là 8.206.250.000 đồng (tám tỷ, hai trăm lẽ sáu triệu, hai trăm năm mươi ngàn đồng) ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Đến hạn trả nợ mà ông Trịnh Ngọc A không trả cho ông Nguyễn Minh C số tiền nợ nêu trên thì số tiền bán tài sản cầm cố là 7.938.216.000 đồng trong tài khoản số 046C38xxxx của ông Trịnh Ngọc A mở tại Công ty Cổ phần B được sử dụng để thi hành án.
Các bên thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật dưới sự giám sát của cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày ông Nguyễn Minh C có đơn yêu cầu thi hành án nếu ông Trịnh Ngọc A không trả số tiền như trên thì hằng tháng ông A còn phải trả thêm một khoản tiền lãi trên số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả.
Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ- KCTT ngày 21/4/2017 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên phần án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 19/12/2017, nguyên đơn là ông Trịnh Ngọc A có đơn kháng cáo yêu cầu xem xét lại bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ngày 16/01/2018, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị số 11/QĐKNPT-VKS-DS.
Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn không rút đơn khởi kiện và đơn kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không rút quyết định kháng nghị, các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Nguyên đơn ông Trịnh Ngọc A có người đại diện theo ủy quyền là ông Đinh Thanh T đề nghị hủy bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn Công ty cổ phần B có người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Thế N và ông Nguyễn Minh C có người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Mạnh Hoàng S đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh:
- Về thủ tục tố tụng: Hội đồng xét xử, những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Ngọc A, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hủy bản án sơ thẩm với các căn cứ sau:
+ Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 74/2011/TT-BTC ngày 01/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán thì ủy quyền của ông Trịnh Ngọc A cho Công ty cổ phần B là pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật dân sự năm 2005.
+ Căn cứ Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán năm 2010, ông Trịnh Ngọc A đã vi phạm khi mua 134.346 cổ phiếu L ngày 12/10/2015 và 288.690 cổ phiếu L ngày 16/10/2015 khi không công bố thông tin chào mua công khai, việc này Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội có Công văn số 1993/SGDHN-QLNY ngày 03/11/2015 yêu cầu ông A giải trình xử lý. Việc ông C và Công ty cổ phần B bán 1.323.036 cổ phiếu có trong tài khoản của ông A mở tại Công ty cổ phần B cho ông D và ông E cũng không công bố thông tin chào bán chứng khoán công khai với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
+ Căn cứ Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2005, khi ông C chuyển nhượng cổ phiếu của ông A cho ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E chưa báo tình hình bán số lượng cổ phiếu, giá cổ phiếu L trong ngày 18/8/2016 cho ông A bằng văn bản.
Như vậy, Giấy ủy quyền ngày 29/9/2015 ông A ủy quyền cho ông C và Công ty cổ phần B bán cổ phiếu vô hiệu cả về hình thức và nội dung. Án sơ thẩm nhận định giấy ủy quyền này hợp pháp và áp dụng các văn bản về xử lý tài sản bảo đảm theo Bộ luật dân sự 2005 để lập luận ông C và Công ty Cổ phần B có quyền bán 1.323.036 cổ phiếu mà không cần văn bản ủy quyền của ông A là không có căn cứ.
Tòa án cấp sơ thẩm còn thiếu sót khi chưa xác minh làm rõ tình tiết việc ông C và Công ty Cổ phần B tự ý bán cổ phiếu giá 6000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá thị trường 6200 đồng/cổ phiếu để có cơ sở xem xét bồi thường, nhưng đã nhận định ông A không yêu cầu nên không giải quyết.
Về án phí, Tòa án cấp sơ thẩm tính án phí có giá ngạch đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí Tòa án.
Ngoài ra, bản án đã tuyên hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ-KCTT ngày 21/4/2017, nhưng sau đó Thẩm phán thay mặt Hội đồng xét xử tiếp tục ban hành Quyết định số 85/2017/QĐ-BPKCTT ngày 19/12/2017 trong khi án chưa có hiệu lực pháp luật là chưa phù hợp với Điểm g Khoản 1, Khoản 3 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Sau đó, ông D và ông E đã bán toàn bộ số cổ phiếu trên cho bảy nhà đầu tư khác. Để đảm bảo quyền lợi cho những nhà đầu tư này cần phải đưa họ vào tham gia tố tụng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi nghe các đương sự trình bày ý kiến tranh luận và ý kiến của kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
Xét, kháng cáo của ông Trịnh Ngọc A và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngày 29/9/2015, ông Trịnh Ngọc A ủy quyền cho ông Nguyễn Minh C và Công ty Cổ phần B thực hiện chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu của ông A tại Công ty Cổ phần L. Tại thời điểm ký ủy quyền, về hình thức giấy ủy quyền không được công chứng, chứng thực theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 74/2011/TT- BTC ngày 01/6/2011 hướng dẫn về giao dịch chứng khoán: “Ủy quyền giao dịch bằng văn bản cho cá nhân khác thực hiện giao dịch thay cho mình phải đảm bảo: có xác nhận việc ủy quyền của chính quyền địa phương hoặc công chứng chứng thực theo quy định của pháp luật”. Về nội dung, ông A ủy quyền cho Công ty Cổ phần B là pháp nhân thực hiện giao dịch dân sự không đúng quy định tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật dân sự năm 2005. Về tài sản bảo đảm là 1.323.036 cổ phiếu L của ông A sở hữu tại Công ty Cổ phần L, trong số 423.036 cổ phiếu có 134.346 cổ phiếu L ngày 12/10/2015 và 288.690 cổ phiếu L ngày 16/10/2015 ông A mua không công bố thông tin chào mua công khai đã vi phạm Khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật chứng khoán năm 2010. Việc này Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội có Công văn số 1993/SGDHN-QLNY ngày 03/11/2015 (BL 25) yêu cầu ông A báo cáo giải trình xử lý, nên ông A đang bị hạn chế quyền sở hữu về cổ phiếu.
Xét, việc ông Nguyễn Minh C và Công ty Cổ phần B bán 1.323.036 cổ phiếu có trong tài khoản của ông Trịnh Ngọc A mở tại Công ty Cổ phần B cho ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E. Khi ông C và Công ty cổ phần B thực hiện lệnh bán cổ phiếu cũng không công bố thông tin chào bán chứng khoán công khai với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội theo quy định tại Điều 103 Luật Chứng khoán; Khoản 1 Điều 28 Thông tư 155/TT-BTC ngày 06/10/2015 hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán; Công văn số 6522/UBCK-TT ngày 29/9/2017 của Ủy ban chứng khoán Nhà nước (BL 183). Mặt khác, khi giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu của ông A cho ông Phan Tấn D và ông Lê Ngọc Khánh E, ông Nguyễn Minh C chưa báo cáo tình hình bán số lượng cổ phiếu, giá cổ phiếu L trong ngày 18/8/2016 nêu trên cho ông A bằng văn bản theo quy định tại Khoản 1 Điều 584 Bộ luật dân sự 2005. Như vậy, Giấy ủy quyền ngày 29/9/2015 ông Trịnh Ngọc A ủy quyền cho ông Nguyễn Minh C và Công ty Cổ phần B bán cổ phiếu vô hiệu cả về hình thức và nội dung, nên ông C và Công ty Cổ phần B không được quyền bán 1.323.036 cổ phiếu L cho ông D và ông E theo Luật Chứng khoán năm 2006; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 và các văn bản pháp luật về giao dịch chứng khoán nêu trên. Bản án sơ thẩm nhận định Giấy ủy quyền ngày 29/9/2015 hợp pháp và áp dụng các văn bản về xử lý tài sản bảo đảm theo Bộ luật dân sự 2005 để lập luận ông C và Công ty Cổ phần B có quyền bán 1.323.036 cổ phiếu L mà không cần có văn bản ủy quyền của ông A là không có căn cứ.
Xét, ngoài yêu cầu hủy Thỏa thuận ba bên, Giấy cam kết, Giấy đề nghị xác nhận và phong tỏa tài khoản chứng khoán ngày 29/9/2015, hủy Giấy ủy quyền bán chứng khoán ngày 29/9/2015, hủy giao dịch chuyển nhượng chứng khoán cho ông D và ông E thì ông A còn yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không hỏi nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại vấn đề gì và cũng không hướng dẫn cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu của mình, nhưng đã nhận định ông A không yêu cầu nên không giải quyết. Nay nguyên đơn vẫn yêu cầu bồi thường thiệt hại nên Tòa án cấp phúc thẩm không thể xem xét được.
Về án phí, Tòa án cấp sơ thẩm tính án phí có giá ngạch đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Ngoài ra, trong bản án sơ thẩm Hội đồng xét xử đã tuyên hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 20/2017/QĐ-KCTT ngày 21/4/2017, nhưng sau đó Thẩm phán thay mặt Hội đồng xét xử tiếp tục ban hành Quyết định số 85/2017/QĐ-BPKCTT ngày 19/12/2017 trong khi án chưa có hiệu lực pháp luật là chưa phù hợp với Điểm g Khoản 1, Khoản 3 Điều 138 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Sau khi Tòa án nhân dân Quận 1 hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ngày 08/01/2018 ông E và ông D đã chuyển nhượng lại toàn bộ số cổ phiếu trên cho 7 nhà đầu tư khác gồm các ông bà: Hoàng Trung P1, Hoàng Đình P2, Nguyễn Lê Quỳnh P3, Phan Vũ Minh P4, Phạm Công P5, Văn Thị Tú P6, Đặng Lâm P7. Do giấy ủy quyền giữa ông A với ông C và Công ty Cổ phần B vô hiệu, nên việc chuyển nhượng này cũng bị vô hiệu. Để giải quyết toàn diện và triệt để vụ án cần hủy án sơ thẩm để đưa những người này vào tham gia tố tụng. Tại cấp phúc thẩm, nguyên đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được chấp nhận, nên Hội đồng xét xử tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 25/2018/QĐ-BPKCTT ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án sau này.
Án sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, không đúng pháp luật.
Để đảm bảo hai cấp xét xử quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật, cần hủy bản án sơ thẩm như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo của ông A được chấp nhận, nên ông A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
Chấp nhận kháng cáo của ông Trịnh Ngọc A.
Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 2324/2017/DSST ngày 19/12/2017 của Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 25/2018/QĐ-BPKCTT ngày 17 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án sau này.
Hoàn trả cho ông Trịnh Ngọc A 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tiền số AA/2017/0022487 ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Chi cục Thi hành án Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./
Bản án 352/2018/DSPT ngày 06/04/2018 về tranh chấp hợp đồng vay và cầm cố tài sản
Số hiệu: | 352/2018/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/04/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về