Bản án 35/2020/DS-ST ngày 02/06/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HIỆP H, TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 35/2020/DS-ST NGÀY 02/06/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 29 tháng 5 và 02 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 146/2019/TLST - DS ngày 30 tháng 7 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09A/2020/QĐXX-DS ngày 30 tháng 01 năm 2020 về "Tranh chấp quyền sử dụng đất", giữa:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị T, sinh năm 1964 Địa chỉ: thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang Do anh Đặng Văn C, sinh năm 1984 Địa chỉ: thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang là đại diện theo ủy quyền – có mặt

Bị đơn:  Ông Đặng Văn L, sinh năm 1965 (có mặt) Bà Nguyễn Thị Ch, sinh năm 1968 (có mặt) Cùng địa chỉ: thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Anh Đặng Văn C, sinh năm 1984 (có mặt) - Chị Đặng Thị V (có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án) Đều địa chỉ: thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang - Cụ Đinh Thị H, sinh năm 1940 (có mặt) - Cụ Đặng văn B, sinh năm 1933 (có mặt khi xét xử, vắng mặt khi tuyên án) Cùng địa chỉ: thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, tỉnh Bắc Giang - UBND xã Đoan Bái, huyện Hiệp H, do Chủ tịch UBND xã đại diện theo pháp luật (vắng mặt) - UBND huyện Hiệp H, do Chủ tịch UBND huyện đại diện theo pháp luật (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, nguyên đơn là bà Trần Thị T và đại diện theo ủy quyền của bà T trình bày: Hộ gia đình bà T được giao đất nông nghiệp từ năm 1992, trong đó có thửa ruộng 480m2 tại xứ đồng Đầu Đình, thuộc thôn Bái Thượng, huyện Hiệp H. Năm 1999, để thuận tiện cho việc canh tác, gia đình bà T có thỏa thuận đổi thửa ruộng này cho gia đình cụ Đinh Thị H – cụ Đặng Văn B (là bố mẹ đẻ ông L), cụ thể gia đình cụ H sử dụng thửa ruộng này, còn gia đình bà T sử dụng thửa ruộng của gia cụ H ở xứ đồng khác. Hai bên chỉ thỏa thuận đổi miệng và thỏa thuận khi nào 1 trong hai bên cần thì đổi trả lại. Năm 2002, gia đình bà T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, thửa ruộng mà gia đình bà T đổi cho gia đình cụ H sử dụng vẫn nằm trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà T, thuộc thửa 758, tờ bản đồ 06, diện tích 480m2. Đến năm 2017, khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa thì gia đình bà T phát hiện diện diện tích thửa ruộng này vợ chồng cụ H đã cho vợ chồng con trai là ông Đặng Văn L – bà Nguyễn Thị Ch sử dụng. Vợ chồng ông L đã xây dựng nhà ở kiên cố, sử dụng làm đất ở, đất vườn và sinh sống trên đó. Gia đình bà T đã nhiều lần sang nói chuyện để yêu C gia đình ông L đổi trả lại nhưng gia đình ông L không trả. Vì vậy, nay bà T khởi kiện yêu C gia đình ông L – bà Tranh trả lại thửa ruộng canh tác 758m tờ bản đồ 06, diện tích 480m2 thuộc quyền sử dụng của gia đình bà T theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Hiệp H đã cấp cho gia đình bà T.

Tại các bản tự khai, bị đơn là ông L và bà Ch trình bày, bố mẹ ông L là cụ B – cụ H có thửa ruộng tại xứ đồng C Cau, còn gia đình cụ Đức (là bố đẻ bà T) có thửa ruộng tại xứ đồng Đầu Đình, hai gia đình thỏa thuận đổi cho nhau từ khoảng năm 1992- 1993. Sau khi hai gia đình đổi cho nhau, ông bà được bố mẹ (cụ H-cụ B) đổi cho ra sử dụng diện tích ruộng mà hai cụ nhận đổi của gia đình cụ Đức ở xứ đồng Đầu Đình. Ông bà sử dụng đến năm 2003 thì được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, ông bà đã nộp tiền theo quy định. Đến năm 2009, ông bà đã xây dựng nhà ở kiên cố và sinh sống trên đất đó mà không có vướng mắc gì. Ngày 30/6/2014, vợ chồng ông bà được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với diện tích được sử dụng sau khi trừ hành lang giao thông là 312,7m2, trong đó 300m2 là đất ở, còn lại là đất vườn. Vì vậy, nay bà T khởi kiện, ông bà không đồng ý trả.

Cụ Đinh Thị H có lời khai thống nhất nội dung, ý kiến mà bị đơn là ông L, bà Ch đã trình bày. Cụ xác định thửa ruộng mà gia định cụ nhận đổi cho gia đình cụ Đức (đổi từ khoảng 30 măm trước) hiện bà T khởi kiện đòi, vợ chồng cụ đã đổi cho con trai là Đặng Văn L được sử dụng, còn vợ chồng cụ sử dụng thửa ruộng khác của vợ chồng ông L. Vì vậy, vợ chồng ông L được sử dụng thửa ruộng mà cụ nhận đổi của gia đình cụ Đức, không còn liên quan đến vợ chồng cụ nữa.

Tại Biên bản làm việc ngày 20/01/2020, đại diện UBND xã Đoan Bái, huyện Hiệp H trình bày việc tự đổi đất nông nghiệp giữa hai gia đình là có thật, đổi từ khoảng năm 1992-1993 nhưng không thông qua chính quyền địa phương. Sau khi đổi hai bên sử dụng ruộng của nhau ổn định, phía gia đình cụ H là vợ chồng ông L – bà Ch đã sử dụng làm nhà ở trên đất nông nghiệp nhận đổi của gia đình bà T – ông Hồng từ lâu, đã xây dựng nhà kiên cố mà không xảy ra tranh chấp gì, đề nghị Tòa án xem xét chấp nhận việc chuyển đổi dất giữa đôi bên.

Tại phiên tòa, phía nguyên đơn do anh Đặng Văn C đại diện giữ nguyên yêu C khởi kiện về việc xác định thửa đất nông nghiệp số 758, tờ bản đổ 06 tại thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái mà hiện nay vợ chồng ông L đang sử dụng thuộc quyền sử dụng của bà T (mẹ đẻ anh), đồng thời yêu C ông L – bà Ch trả lại. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là chị Đặng Thị V nhất trí với ý kiến, yêu C mà anh C đưa ra. Bị đơn là ông L, bà Ch và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đứng về phía bị đơn là cụ H, cụ B cũng giữ nguyên ý kiến mà cụ H, ông L, bà Ch đã trình bày. UBND xã Đoan Bái và UBND huyện Hiệp H vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Hiệp H tham gia phiên tòa nhận xét quá trình tiến hành tố tụng, xét xử vụ án, Tòa án và Hội đồng xét xử thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự có ý thức chấp hành pháp luật.

Đề nghị HĐXX: Áp dụng Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Khoản 9 Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 147; Điều 149; Điều 227; Điều 228; Điều 271, Điều 273 BLTTDS; Điều 26, 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thi miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án Xử: Không chấp nhận toàn bộ yêu C của nguyên đơn bà Trần Thị T về yêu C ông Đặng Văn L và bà Nguyễn Thị Ch trả lại diện tích đất 480 m2 đất nông nghiệp thuộc thửa 758, tờ bản đồ số 06 tại thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái.

- Về án phí: Đề nghị buộc bà Trần Thị T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm

- Về lệ phí: Bà Trần Thị T phải chịu chi phí thẩm định, định giá tài sản.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa Hội đồng xét xử thấy:

[1]. Về sự vắng mặt của đương sự: Mặc dù những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND xã Đoan Bái, UBND huyện Hiệp H vắng mặt nhưng đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nên cần áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự để xét xử vắng mặt đối với họ.

[2]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Theo đơn khởi kiện của bà T và các tài liệu kèm theo, bà T cho rằng ông L và bà Ch đang sử dụng diện tích đất là thửa 758, tờ bản đồ 06 tại thôn Bái Thượng, Đoan Bái thuộc quyền sử dụng của gia đình bà theo Quyết định số 21/QĐ-UB ngày 04/9/2002 của UBND huyện Hiệp H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ ông Đặng Văn Hồng (chồng bà). Phía ông L, bà Ch thì cho rằng thửa đất này thuộc quyền sử dụng của ông bà do trước đó cụ Đức (bố chồng bà T) đã đổi cho cụ H và cụ B, sau đó hai cụ đổi cho vợ chồng ông bà. Sau khi được bố mẹ là cụ H, cụ B đổi cho, ông Bà đã xây nhà ở, nộp tiền chuyển mục đích sử dụng sang đất thổ cư, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc quyền sử dụng của ông bà. Do đó, cần xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp quyền sử dụng đất” và áp dụng các quy định pháp luật tương ứng để giải quyết là đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền.

[3]. Xét về nguồn gốc của đối tượng tranh chấp, ban đầu là 480m2 đất nông nghiệp, hiện nay ông L đang sử dụng làm đất thổ cư, sau khi đã trừ hành lang đường giao thông nông thôn, còn lại là 312,7m2. Căn cứ sự thừa nhận của các bên đương sự, ý kiến trình bày của UBND xã Đoan Bái và lợi khai của cụ Lập (mẹ chồng bà T), có đủ cơ sở xác định nguồn gốc thửa đất này ban đầu là của gia đình cụ Đức – cụ Lập (bố mẹ đẻ ông Hồng và là bố mẹ chồng bà T). Gia đình cụ Đức sử dụng thửa ruộng này trước thời điểm địa phương giao tiến hành giao ruộng cho các hộ (trước năm 1992), khi tiến hành giao ruộng thì chủ trương ruộng của gia đình nào đang sử dụng thì vẫn giao cho gia đình đó. Trong quá trình sử dụng, để thuận tiện cho việc canh tác, gia đình Đức đã thỏa thuận đổi cho gia định cụ H, cụ B để được sử dụng thửa ruộng của cụ H, cụ B ở xứ đồng C Cau. Việc đổi này do cụ Đức (bố chồng bà T) đứng ra đổi như lời khai của cụ H và ý kiến của tổ H giải UBND xã Đoan Bái, chứ không phải do bà T, ông Hồng đổi như bà T và anh C trình bày. Điều đó cho thấy việc đổi ruộng trước khi gia đình cụ Đức tách và giao cho vợ chồng bà T – ông Hồng nên vợ chồng bà T sau khi được gia đình cụ Đức tách chia ruộng (và được địa phương giao cho theo việc chia tách của gia đình) đã đồng thuận với việc đổi ruộng đó (không sử dụng, không quan tâm đến việc người khác sử dụng thửa đất đó như thế nào) hoặc không biết gia đình còn có thửa ruộng này hay không. Điều đó phù hợp với ý kiến trình bày của bà T tại đơn khởi kiện cho rằng năm 2017, khi dồn điền đổi thửa mới biết vợ chồng ông L đã làm nhà ở trên đất nông nghiệp của gia đình mình, thuộc thửa 758, tờ bản đồ 06 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất UBND huyện Hiệp H cấp cho hộ bà T. Bởi nếu biết gia đình có thửa ruộng đó thì vợ chồng ông L không thể ra đó ở, xây dựng nhà kiên cố và sinh sống cho đến năm 2017 mà không bị gia đình bà T phản đối, tranh chấp.

Do việc thỏa thuận đổi ruộng (bằng miệng) cho nhau, không kê khai đầy đủ và tiến hành các thủ tục theo quy định nên mặc dù tại thời điểm hộ bà T, hộ cụ H kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (năm 2000 và năm 2002), gia đình bà T sử dụng ruộng của vợ chồng cụ H ở xứ đồng C Cau, còn vợ chồng cụ H sử dụng thửa ruộng của gia đình cụ Đức ở Đầu Đình (lúc này cụ H đã đổi cho vợ chồng ông L ra sử dụng) thì diện tích ruộng nhà nước giao cho hộ nào vẫn nằm trong Giấy chứng nhận của hộ nhà đó, thửa ở Đầu Đình vẫn nằm trong Giấy chứng nhận của hộ bà T (do địa phương giao trên cơ sở gia đình cụ Đức sử dụng trước đây, sau đó tiếp tục giao trên sổ sách mà không biết việc đổi giữa các bên), còn thửa ở C Cau (vợ chồng ông L đã sử dụng làm nhà ở) vẫn nằm trong Giấy chứng nhận của hộ cụ H, cụ B.

[4]. Xem xét về căn cứ xác lập, chấm dứt quyền sử dụng đất: Như đã nêu ở trên, mặc dù nguồn gốc thửa đất tranh chấp là của gia đình cụ Đức, cụ Lập nhưng sau đó, vào trước thời điểm địa phương tiến hành chia ruộng lại (năm 1992 trở về trước) cụ Đức đã thỏa thuận đổi cho vợ chồng cụ H hay tách cho vợ chồng bà T – Hồng (khi vợ chồng bà T- Hồng ra ở riêng) thì đều là căn cứ chấm dứt quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã đổi hoặc tách cho, đồng thời là căn cứ xác lập quyền sử dụng của người nhận đổi hoặc người được tách cho, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật đất đai năm 1987 và khoản 2 Điều 170 Bộ luật dân sự năm 2005. Do đó, việc cụ Lập (mẹ đẻ ông Hồng và là mẹ chồng bà T) xác định gia đình cụ không còn liên quan và không có yêu C gì đối với thửa đất này là có căn cứ.

Đối với vợ chồng bà T – Hồng, tuy gia đình bà T đã kê khai, được cấp Giấy chứng chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 04/9/2002, trong đó có thửa 758 là thửa mà vợ chồng ông L đã làm nhà và ở tại đó từ trước do việc thỏa thuận đổi giữa các bên nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà T đối với thửa đất này là sai sót, không đúng quy định, chỉ dựa vào sổ sách từ trước, dựa vào việc kê khai mà không tiến hành giao trên thực địa dẫn đến việc đất đang có người ở nhưng lại chứng nhận là đất nông nghiệp của người khác. Cho đến năm 2017, khi địa phương tiến hành dồn điền đổi thửa, tức là sau khoảng 25 năm kể từ khi địa phương chia ruộng lại và sau 15 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bà T mới tranh chấp và cho rằng thửa đất mà vợ chồng ông L đang ở là thửa đất nông nghiệp của gia đình mình với lý do lúc này mới biết gia đình có thửa ruộng đó là không thể chấp nhận được. Gia đình bà T đã chấm dứt quyền sử dụng đối với thửa đất này do việc thỏa thuận đổi ruộng nêu trên, sau khi đổi hai bên đã sử dụng ổn định, vợ chồng cụ H đã đổi cho vợ chồng ông L (con trai) ra ở từ năm 1999, vợ chồng ông L đã chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, đã xây nhà kiên cố mà gia đình bà T không phản đối, ngăn cản hay tranh chấp gì nên việc bà T khởi kiện đòi vợ chồng ông L 480m2 đất nông nghiệp là không thể thực hiện được (đối tượng bị khởi kiện không còn là đất nông nghiệp mà là đất thổ cư).

Mặt khác, quá trình sử dụng thửa đất này, vợ chồng ông L đã kê khai và được UBND huyện Hiệp H cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 795667 ngày 30/6/2014, thửa 271, tờ bản đồ 03 với diện tích 312,7m2, trong đó 300m2 là đất ở, đất trồng cây lâu năm là 12,7m2 (không còn là thửa đất nông nghiệp 758, tờ bản đồ 06 nữa).

Nay, tuy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này bị thu hồi, hủy bỏ nhưng lý do thu hồi là do “Cấp không đúng nguồn gốc sử dụng đất và quy trình lập hồ sơ không đúng quy định” chứ nhưng không phải thu hồi vì cấp sai đối tượng. Bởi lẽ, trong Quyết định giải quyết khiếu nại của UBND huyện Hiệp H cũng nêu rõ “Giao Chủ tịch UBND xã Đoan Bái chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn gia đình ông Đặng Văn L lập hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật (nếu có nhu C)”.

Như vậy, tuy việc đổi đất giữa các bên không tuân thủ về mặt hình thức nhưng xét về thời điểm các bên chuyển đổi cho nhau, quá trình sử dụng ổn định, hiện 1 bên nhận chuyển đổi (vợ chồng bà H) đã chuyển đổi cho người thứ 3 là vợ chồng ông L, hiện vợ chồng ông L đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đã làm nhà ở kiên cố và sinh sống ổn định từ lâu mà không bị phản đối hay tranh chấp. Đây được coi là căn cứ xác lập quyền sử dụng đất của vợ chồng ông L đối với thửa đất nhận chuyển đổi lại của vợ chồng cụ H. Vì vậy, không thể hủy bỏ các giao dịch mà các bên đã thực hiện để buộc vợ chồng ông L phải tháo dỡ nhà cửa, tài sản để trả lại đất nông nghiệp cho bà T được, điều đó sẽ gây xáo trộn không cần thiết việc sử dụng đất của các đương sự. Cần áp dụng Án lệ số 15/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để không chấp nhận yêu C khởi kiện của bà T.

Tuy nhiên, Vợ chồng ông L phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa, anh C có xuất trình “Biên bản giao đất cho hộ nông dân sau dồn điền đổi thửa” ghi ngày 15/01/2019 về việc giao đất nông nghiệp sau khi dồn điền đổi thửa cho hộ ông Đặng Văn L với tổng diện tích là 1393m2 tại xứ đồng C Cau. Tuy nhiên, việc hộ ông L được giao đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nếu có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của hộ bà T thì bà T có quyền kiến nghị đến UBND xã Đoan Bái để được xem xét giải quyết theo thẩm quyền.

Kiến nghị UBND huyện Hiệp H xem xét, điều chỉnh Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đã cấp cho hộ ông Hồng (bà T) đối với thửa 758, tờ bản đồ 06 diện tích 480m2 do hiện nay đã chuyển đổi thành đất thổ cư, thuộc thửa 271, tờ bản đồ 03 với diện tích 312,7 m2 và thuộc quyền sử dụng của hộ ông L – bà Ch.

[5]. Về án phí: Bà T phải nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm.

[6].Về chi phí thẩm định, định giá tài sản: Bà T phải chịu chi phí thẩm định, định giá là 1.400.000đ, bà T đã nộp đủ.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng Điều 26, 147, 149, 227, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Án lệ số 15/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 12 năm 2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28 tháng 12 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Khoản 2 Điều 16 Luật đất đai năm 1987; Khoản 2 Điều 170 Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, xử:

Bác yêu C của bà Trần Thị T về việc đòi ông Đặng Văn L – bà Nguyễn Thị Ch trả quyền sử dụng 480m2 đất nông nghiệp thuộc thửa 758, tờ bản đồ 06 tại thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái.

Xác nhận thửa đất số 271, tờ bản đồ 03 với diện tích 312,7 m2 thuộc quyền sử dụng của ông Đặng Văn L và bà Nguyễn Thị Ch nhưng phải thực hiện các trình tự, thủ tục và nghĩa vụ theo quy định để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Về án phí: Bà Trần Thị T phải nộp 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền 2.500.000đ mà anh Đặng Văn C (là người đại diện theo ủy quyền của bà T) đã nộp tạm ứng án phí theo Biên lai thu số 0000231 ngày 30/7/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Hiệp H. Trả lại cho bà Thị T (do anh Đặng Văn C đại diện) số tiền 2.200.000đ còn lại.

- Về chi phí định giá: Bà Trần Thị T phải nộp 1.400.000đ tiền chi phí định giá (bà T đã nộp đủ).

Báo cho các đương sự có mặt biết được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niên yết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

855
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 35/2020/DS-ST ngày 02/06/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:35/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hiệp Hòa - Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 02/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về