Bản án 35/2020/DS-PT ngày 28/08/2020 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

BẢN ÁN 35/2020/DS-PT NGÀY 28/08/2020 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 28 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 33/2020/TLPT - DS ngày 10/8/2020 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 41/2020/QĐXXPT-DS ngày 12 tháng 8 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Phạm Thị Q, sinh năm 1973;

Người đại diện theo ủy quyền của bà Q: Ông Hoàng Văn Â, sinh năm 1968. Cùng địa chỉ: Thôn A, xã P, huyện H, tỉnh Tuyên Quang.

(Bà Q và ông  đều có mặt tại phiên tòa) Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Thành M– Luật sư văn phòng luật sư số 54- Đoàn luật sư tỉnh Tuyên Quang. (Có mặt tại phiên tòa)

2. Bị đơn: Bà Phạm Thị V, sinh năm 1970;

Địa chỉ: Thôn A, xã P, huyện H, tỉnh Tuyên Quang. (Có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các bản khai, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Phạm Thị Qúy - ông Hoàng Văn  trình bày:

Ngày 25/9/2019, bà Phạm Thị V điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 22B1- 137.37 đi từ trong ngõ của gia đình ông Đặng Đình L để ra đường ĐT 189 Bình Xa - Yên Thuận, khi ra đến đường ĐT 189, tại Km 24 + 170 thì gây tai nạn cho bà Phạm Thị Q hậu quả làm Bà Q bị thương phải đi điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang từ ngày 25/9/2019 đến ngày 09/10/2019. Bệnh viện xác định Bà Q bị đa chấn thương, gãy xương sườn, gãy xương đòn và xương bả vai, phổi bị tràn khí, tràn dịch phổi. Kết quả giám định thương tật bị thiệt hại 35% sức khỏe. Vụ tai nạn giao thông đã được cơ quan điều tra giải quyết theo quy định, nhưng từ khi gây tai nạn đến nay, bà V chưa bồi thường dân sự cho Bà Q. Nay Bà Q đề nghị bà V có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho Bà Q các khoản chi phí hợp lý điều trị thương tích bao gồm: Tiền thuê xe ô tô 3.900.000 đồng; tiền mua thuốc điều trị theo hóa đơn 2.108.000 đồng; tiền mua thuốc nam điều trị trong 02 tháng là 3.000.000 đồng; tiền giám định thương tật 1.896.000 đồng; tiền mua dụng cụ y tế 1.060.000 đồng; tiền mất thu nhập của Bà Q là 105 ngày x 200.000 đồng/ngày = 21.000.000 đồng; tiền mất thu nhập của người chăm sóc Bà Q là 105 ngày x 200.000 đồng/ngày = 21.000.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 59.600.000 đồng. Tổng cộng là 110.554.000 đồng (Một trăm mười triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn đồng).

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Hoàng Văn  rút phần yêu cầu bồi thường đối với khoản tiền chi phí giám định sức khỏe vì ông sẽ thanh toán với cơ quan công an và ông rút phần yêu cầu bồi thường đối với khoản tiền mua thuốc nam, khoản tiền thuê xe đi mua thuốc nam. Nếu bà V muốn hòa giải thì ông chỉ yêu cầu bồi thường tổng số tiền là 40.000.000đ, trường hợp bà V không nhất trí thỏa thuận bồi thường thì ông đề nghị Tòa án căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ ông đã giao nộp cho Tòa án để giải quyết theo pháp luật.

- Bị đơn bà Phạm Thị V trình bày:

Bà xác định bà cũng có lỗi trong việc gây ra tai nạn giao thông làm thiệt hại sức khỏe cho Bà Q. Tuy nhiện hiện nay hoàn cảnh của bà không đủ điều kiện để bồi thường số tiền trên cho bà Phạm Thị Q. Bà chỉ nhất trí bồi thường cho Bà Q các khoản chi phí có hóa đơn khi điều trị tại bệnh viện, gồm: Tiền mua thuốc điều trị theo hóa đơn 2.108.000 đồng; tiền giám định thương tật 1.896.000 đồng; tiền mua dụng cụ y tế 1.060.000 đồng. Tổng số tiền bà chỉ nhất trí bồi thường cho bà Phạm Thị Q là 5.064.000 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Phạm Thị V nhất trí bồi thường cho Bà Q số tiền là 15.000.000đ, nếu ông Ất không nhất trí thì đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Vụ án trên đã được Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; không hòa giải được và đưa ra xét xử. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang quyết định: Căn cứ vào các Điều 26, 147, 235, 266, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 584, 585, 590 và 468 Bộ luật dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm” của bà Phạm Thị Q đối với bà Phạm Thị V.

Buộc bà Phạm Thị V có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà Phạm Thị Q với tổng số tiền là 48.000.000đ (Bốn mươi tám triệu đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất chậm thi hành án, quyền kháng cáo bản án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 10/7/2020 bị đơn bà Phạm Thị V có đơn kháng cáo không nhất trí bản án dân sự sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện H với lý do Bà Q là người có lỗi, bà đã đi ra khỏi cổng nhà anh Luận được khoảng 5m thì Bà Q đi đường thẳng bị nón úp vào mặt nên đâm ngang sang trước mặt xe của bà mới xảy ra tai nạn. Tòa án cấp sơ thẩm buộc bà chịu hết những khoản bồi thường thiệt hại, bà không nhất trí bồi thường tiền thuê xe và tiền thu nhập của hai người, tiền bồi dưỡng sức khỏe 90 ngày x 200.000đ/ngày và tiền bồi thường tổn thất về tinh thần 20 tháng lương cho bà Phạm Thị Q, bà chỉ nhất trí bồi thường tiền viện phí cho Bà Q, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Phạm Thị Q và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Phạm Thị Q cho rằng căn cứ vào các tài liệu điều tra của Công an huyện H cung cấp cho Tòa án có đủ căn cứ xác định bà Phạm Thị V có lỗi trong vụ tai nạn gây ra thương tích cho bà Phạm Thị Q, đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện H.

Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về phiên tòa phúc thẩm, sự có mặt của các thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự thực hiện đúng các quy định tại Điều 70; Điều 71; Điều 72 của Bộ luật tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo bị đơn bà Phạm Thị V hợp lệ trong hạn luật định, nội dung kháng cáo nằm trong nội dung bản án sơ thẩm.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị V, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện H.

Về án phí: Bà V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo khoản 1 Điều 148 BLTTDS năm 2015, tuy nhiên do bà V thuộc hộ nghèo nên được miễn án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Phạm Thị V trong thời hạn luật định, do bà V là hộ nghèo nên Tòa án cấp sơ thẩm có quyết định miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho bà V. Do đó đơn kháng cáo của bà V là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2]. Về nội dung kháng cáo:

Xét nội dung kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị V, Hội đồng xét xử xét thấy: Theo các tài liệu thu thập được tại cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện H xác định: Hồi 10 giờ 50 phút ngày 25/9/2019, bà Phạm Thị V điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 22B1-137.37 đi từ trong ngõ của gia đình ông Đặng Đình L để ra đường ĐT 189 Bình Xa - Yên Thuận, khi ra đến đường ĐT 189, tại Km 24 + 170, cách mép đường phải 1m20cm (hướng Bình Xa - Yên Thuận) thuộc địa phận Thôn A, xã P đã xảy ra tai nạn giao thông với xe mô tô biển kiểm soát 22Y1- 114.26 do bà Phạm Thị Q điều khiển. Hậu quả: Bà Phạm Thị Q bị thương nặng được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang điều trị từ ngày 25/9/2020 đến ngày 09/10/2019 ra viện. Hai xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.

Kết quả điều tra đã xác định do bà Phạm Thị V điều khiển xe mô tô không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau, nên để xảy ra tai nạn với xe mô tô do Bà Q điều khiển, đã vi phạm khoản 3, Điều 24, chương II Quy tắc giao thông đường bộ - Luật giao thông đường bộ năm 2008 đó là: “Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới”. Cơ quan công an đã xác định bà V phạm các lỗi: Không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại đoạn đường giao nhau. Bà Q vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe máy.

Tại bản kết luận pháp y về thương tích số 252/2019/TgT, ngày 28/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Tuyên Quang đối với bà Phạm Thị Q xác định dấu hiệu chính qua giám định gồm: Gãy 07 xương sườn, đụng dập nhu mô phổi hai bên không để lại di chứng, gãy xương đòn bên trái, vỡ xương bả vai bên trái. Cơ chế, vật gây thương tích là do tác động trực tiếp với vật tày gây nên. Tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 35% (Ba mươi lăm phần trăm).

Do tỷ lệ tổn hại sức khỏe của Bà Q không đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về giao thông đường bộ nên Công an huyện H không chuyển hồ sơ vụ tai nạn giao thông đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện H để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Phạm Thị V mà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà V và bà Q theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngày 26/5/2016 của Chính phủ. Về phần dân sự, hướng cho các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự.

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, bà Phạm Thị V thừa nhận việc không quan sát khi điều khiển xe từ trong cổng nhà anh L ra đường ĐT 189 Bình Xa - Yên Thuận và nhất trí bồi thường dân sự cho người bị thiệt hại, nhưng chỉ bồi thường số tiền là 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm Bà V cho rằng vụ việc tai nạn xảy ra Bà Q là người có lỗi do nón úp vào mặt nên đâm ngang sang trước xe của bà mới xảy ra tai nạn. Bà cho rằng sự việc có người làm chứng là một người đàn ông sau này bà mới đi tìm để xin xác nhận và xuất trình giấy xác nhận nhân chứng. Bà chỉ nhất trí bồi thường cho Bà Q số tiền viện phí có hóa đơn chứng từ là 2.108.250đ còn các khoản tiền bồi thường khác Bà Q yêu cầu bồi thường bà không nhất trí. Hội đồng xét xử xét thấy: Căn cứ vào các tài liệu thu thập của Cơ quan CSĐT công an huyện H thể hiện bà V là người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau. Bà Q không đội mũ bảo hiểm, ngày 04/12/2019, Công an huyện H đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Phạm Thị Q và bà Phạm Thị V. Bà V cũng thừa nhận hành vi của mình khi tham gia giao thông nên gây tai nạn, bà nhất trí bồi thường tiền viện phí cho Bà Q. Công an huyện H đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà V số tiền là 1.240.000đ và Bà Q là 150.000đ, bà V và Bà Q đã nộp phạt xong (BL 132, 136). Như vậy có đủ cơ sở để xác định bà Phạm Thị V là người có lỗi gây ra vụ tai nạn giao thông, làm thiệt hại sức khỏe của bà Phạm Thị Q, bà V là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, do đó bà V phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho Bà Q.

Căn cứ vào các tài liệu, hóa đơn, chứng từ phía nguyên đơn giao nộp bao gồm: Khoản tiền chi phí hợp lý cho việc cấp cứu, điều trị (bao gồm viện phí, mua thuốc men, dụng cụ y tế) là 2.708.250đ. Tiền thuê xe 02 lượt (Hàm Yên - Tuyên Quang và ngược lại) là 2.400.000đ. Tiền mất thu nhập của Bà Q (20 ngày x 150.000đ/ngày) là 3.000.000đ. Tiền mất thu nhập của người chăm sóc (20 x 150.000đ/ngày) là 3.000.000đ. Tiền bồi thường tổn thất tinh thần bằng 20 tháng lương cơ sở x 1.490.000đ/tháng là 29.800.000đ. Tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe (90 ngày x 200.000đ/ngày) là 18.000.000đ. Tổng cộng 58.908.250đ. Căn cứ theo quy định tại Điều 590 BLDS năm 2015 thì đây là các khoản chi phí hợp lý và thực tế, bên nguyên đơn có đầy đủ căn cứ chứng minh. Việc Tòa án cấp sơ thẩm giảm mức bồi thường cho bà V là do việc xảy ra vụ tai nạn là do lỗi vô ý và gia đình bà V thuộc hộ nghèo (BL 149), phải bồi thường thiệt hại cho Bà Q quá lớn so với khả năng kinh tế của bà V, nên Tòa án cấp sơ thẩm giảm mức bồi thường cho bà V theo quy định tại khoản 2 Điêu 585 Bộ luật dân sự. Hội đồng xét xử thấy rằng việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, số tiền bồi thường thiệt hại và việc giảm mức bồi thường như cấp sơ thẩm xác định là phù hợp với quy định của pháp luật, do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị V, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về số tiền bồi thường thiệt hại là phù hợp pháp luật.

[2] Về án phí: Bà V phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo khoản 1 Điều 148 BLTTDS năm 2015, do bà V thuộc hộ nghèo nên được miễn án phí phúc thẩm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTVQH.

Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các Điều 584, 585, 590 và Điều 357, 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị V, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 15/2020/DS-ST ngày 29/6/2020 của Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh Tuyên Quang như sau:

1. Xử buộc bà Phạm Thị V có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm cho bà Phạm Thị Q với tổng số tiền chi phí hợp lý là 48.000.000 đồng (Bốn mươi tám triệu đồng).

Khoản tiền phải bồi thường, kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và bà Phạm Thị Q có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bà Phạm Thị V còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Miễn toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm cho bà Phạm Thị V.

Các phần khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 28/8/ 2020).

Trưng hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

303
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 35/2020/DS-PT ngày 28/08/2020 về yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:35/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tuyên Quang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về