TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUY PHONG, TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 35/2019/HS-ST NGÀY 24/04/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH HOẠT ĐỘNG KHÁC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Trong ngày 24 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 14/2019/HSST, ngày 21/02/2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 25/2019/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 4 năm 2019, đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Trương A, sinh năm 1979 tại tỉnh Bình Thuận;
Nơi ĐKNKTT: thôn S6, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận; Chỗ ở hiện nay: thôn S4, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận; Nghề nghiệp: Chăn nuôi; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trương A1 và mẹ: Nguyễn Thị A2; Vợ: Nguyễn Thị Bích A3; Con: 02 người. Lớn nhất (sinh năm 2005), nhỏ nhất (sinh năm 2012); Tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 21.5.2018. Có mặt.
2. Họ và tên: Phạm Thị Thanh B, sinh năm 1985 tại tỉnh Bình Thuận;
Nơi ĐKNKTT và chỗ ở: Xóm 2, thôn S7, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận; Nghề nghiệp: Nhân viên quỹ tín dụng S; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Phạm Thanh B1 và mẹ: Võ Thị B2; Chồng: Phan Thanh B3, con: 02 người. Lớn nhất (sinh năm 2012), nhỏ nhất (sinh năm 2016); Tiền án, tiền sự: không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 21.5.2018. Có mặt.
Bị hại: Quỹ tín dụng nhân dân S
Đại diện theo pháp luật của bị hại: Ông Huỳnh Bá N, sinh năm 1978
Nơi cư trú: thôn S5, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Nguyễn Văn F1, sinh năm 1957.
Nơi cư trú: thôn S1, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.
2. Ông Đào Xuân F2, sinh năm 1978.
Nơi cư trú: Thôn S2, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận. Có mặt.
3. Bà Trần Thị Xuân F3, sinh năm 1985.
Nơi cư trú: Thôn S2, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận. (có đơn xin xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào tháng 12/2013 ông Phạm Văn X, trú tại xã S có vay vốn Qũy tín dụng nhân dân S viết tắc là (QTDND) với số tiền 20.000.000 đồng và tài sản thế chấp là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Ông Trương A, sinh năm 1979, trú tại thôn S6, xã S, huyện W khi đó là Giám đốc QTDND S đã chỉ đạo bà Phạm Thị Thanh B, sinh năm 1985, trú tại thôn S7, xã S, huyện W là phó giám đốc QTDND S xác lập hồ sơ số 13/1303/HĐTD mang tên người vay là Phạm Văn X để vay thêm số tiền 230.000.000 đồng và nâng tổng mức vay vốn với số tiền là 250.000.000 đồng, kỳ hạn vay là 12 tháng, sau khi được giải ngân bà B nhận tiền và đưa cho ông A 230.000.000 đồng.
Đến tháng 9/2014, ông X đến QTDND S tất toán số tiền vay 20.000.000 đồng và nhận lại tài sản đảm bảo, bà B sợ bị bại lộ nên gọi điện thoại liên lạc cho ông A khi đang học lớp nâng cao tại tỉnh Phú Yên biết. Qua trao đổi, ông A chỉ đạo cho bà B tự lập 01 hồ sơ khống khác và vay vốn với số tiền tương ứng để tất toán trả, bà B tự lấy thông tin khách hàng cũ đã quen biết là bà Trần Thị Xuân F3 sinh năm 1985, cư trú: xóm 22, xã S, huyện W, tỉnh Bình Thuận để làm hồ sơ đề nghị vay vốn. B tự lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 194999 của vợ chồng bà đứng tên là đất ở nông thôn có diện tích 84,16m2 tại xã T (qua kết luận định giá tài sản số 168 ngày 29/12/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự huyện Tuy Phong xác định thửa đất trên trị giá 48.392.000 đồng). B tự ý nâng khống giá trị thửa đất lên số tiền là 437.632.000 đồng để làm tài sản thế chấp và lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình tự làm báo cáo thẩm định tài sản và mức vay cho phù hợp lên tổng số tiền vay vốn là 300 triệu đồng và lập nên 01 hồ sơ số 14/0985/HĐTD ngày 29/9/2014 mang tên Trần Thị Xuân F3 để vay vốn, thời hạn vay là 12 tháng kể từ ngày 02.10.2014 đến ngày 02.10.2015, lãi suất cho vay là 1,28% tháng. B đưa hồ sơ đề nghị vay vốn và hợp đồng tín dụng số 14/0985/HĐTD cho ông Đào Xuân F2 là cán bộ Quỹ tín dụng thẩm định cùng ông Nguyễn Văn F1 là Chủ tịch Hội đồng quản trị QTDND S để ký xét duyệt. Do quen biết và nể nang nhau nên ông F2 và ông F1 không thẩm định, không thành lập hội đồng xét duyệt mà ký xác nhận để giải ngân số tiền 300.000.000 đồng. Ngày 02.10.2014 Quỹ tín dụng nhân dân S giải ngân số tiền 300.000.000 đồng, bà B nhận số tiền 50.000.000 đồng dùng vào việc sử dụng cá nhân, A nhận số tiền 250.000.000 đồng bà B tự tất toán trên hồ sơ vay vốn của ông Phạm Văn X dùm cho ông A. Sau khi giải ngân đến khi hết hạn trên hợp đồng vay vốn và quá hạn hợp đồng ông A và bà B không thực hiện trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng.
Đến ngày 27/2/2016, bà B biết QTDND S mời bà Trần Thị Xuân F3 làm việc để xác nhận món vay của bà Trần Thị Xuân F3 nên đã liên hệ ông A để tìm gặp bà F3 vào buổi sáng và trao đổi nhờ bà F3 đứng ra xác nhận món nợ vay. Vì quen biết bà B, bà F3 đồng ý đứng ra nhận lời khoản vay trên, qua hai lần lần làm việc tại QTDND S, bà F3 chịu nhận món nợ vay và cam kết sẽ khắc phục hoàn trả số tiền gốc và lãi. Do làm ăn thua lỗ dẫn đến ông A, bà B không có khả năng chi trả số tiền trên hồ sơ vay vốn mang tên bà F3, vì vậy QTDND S gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong yêu cầu khắc phục. Bà F3 đã khai nhận mình không phải là người đứng ra vay trên hồ sơ số 14/0985/HĐTD mà do bà B tự ý làm toàn bộ và Tòa án nhân dân huyện Tuy Phong đã chuyển hồ sơ đến Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Phong để điều tra làm rõ.
Quá trình điều tra Trương A và Phạm Thị Thanh B đã khai nhận toàn bộ hành vi nêu trên.
Tại phiên tòa sơ thẩm:
- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong vẫn giữ nguyên Quyết định truy tố theo Cáo trạng số 21/CT/VKSTP-HS ngày 18/2/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong.
Đề nghị Hội đồng xét xử:
Tuyên bố các bị cáo Trương A, Phạm Thị Thanh B phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Áp dụng: điểm d khoản 1 Điều 206; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58, Điều 38 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đề nghị xử phạt bị cáo Trương A mức án từ 09 (chín) đến 12 (mười hai) tháng tù.
Áp dụng: điểm d khoản 1 Điều 206; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đề nghị xử phạt bị cáo Phạm Thị Thanh B mức án từ 06 (sáu) đến 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 12 (mười hai) đến 18 (mười tám) tháng.
- Ý kiến của đại diện bị hại: đại diện bị hại chấp nhận bãi nại cho bị cáo Phạm Thị Thanh B và không yêu cầu bị cáo B bồi thường gì thêm về phần dân sự. Đối với bị cáo Trương A, đại diện bị hại yêu cầu bị cáo A phải tiếp tục bồi thường theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các chứng cứ và các tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Viện kiểm sát, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, trình tự thủ tục tố tụng cũng như các quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong: Trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, trình tự thủ tục tố tụng cũng như các quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, trình tự thủ tục tố tụng cũng như các quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đúng quy định pháp luật.
[2] Về chứng cứ buộc tội bị cáo: Tại phiên tòa, các bị cáo Trương A, Phạm Thị Thanh B đã thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung Cáo trạng số 21/CT/VKSTP-HS ngày 18/2/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong đã truy tố. Các bị cáo khẳng định những lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra là hoàn toàn tự nguyện, đúng sự thật, các bị cáo không bị bức cung và Cáo trạng truy tố là đúng, không oan cho các bị cáo. Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra cũng như các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.
Như vậy, có đủ cơ sở kết luận đây là vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” do các bị cáo Trương A và Phạm Thị Thanh B thực hiện, A đã chỉ đạo cho bị cáo Phạm Thị Thanh B lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để lập khống hồ sơ vay vốn số 14/0985/HĐTD ngày 29.9.2014 mang tên Trần Thị Xuân F3 và tự ý nâng giá trị tài sản bảo lãnh thế chấp của B là thửa đất nông thôn có diện tích 84,16m2 tại xã Ttừ 48.392.000 đồng lên 437.623.000 đồng để làm hồ sơ vay số tiền 300.000.000 đồng nhằm sử dụng vào mục đích cá nhân, đến hết thời hạn hợp đồng các bị cáo A và B không có khả năng trả gốc và lãi suất theo hợp đồng. Tính đến ngày 20.01.2019 các bị cáo Trương A và Phạm Thị Thanh B đã hoàn trả cho Quỹ tín dụng nhân dân S số tiền gốc vay là 156.500.000 đồng, số tiền gốc còn lại là 143.500.000 đồng được quy vào nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) quy định tại khoản 6 Điều 2 quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành theo quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 của Thống đốc ngân hàng nhà nước.
Vì vậy, Cáo trạng số 21/CT/VKSTP-HS ngày 18/2/2019 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong truy tố các bị cáo Trương A, Phạm Thị Thanh B về tội “Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
[3] Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo:
Các bị cáo Trương A, Phạm Thị Thanh B là công dân có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Các bị cáo nhận biết được hành vi cố ý lập hồ sơ khống, nâng mức giá trị tài sản lớn hơn so với tài sản bảo đảm thực tế để vay vốn đã dẫn đến tài sản bảo đảm không đủ giá trị để thu hồi nợ khi xảy ra nợ quá hạn gây thiệt hại tài sản cho Quỹ tín dụng S 251.608.000 đồng là hành vi trái pháp luật nhưng các bị cáo vẫn cố tình thực hiện. Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm tới các quy định của pháp luật về đảm bảo sự hoạt động đúng đắn và an toàn của các tổ chức tín dụng nói chung và sự hoạt động đúng đắn của QTDND S nói riêng. Vì vậy, cần phải có chế tài để xử lý các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Đây là vụ án có đồng phạm nhưng không có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ nên chỉ là đồng phạm giản đơn. Trong đó bị cáo Trương A là người chỉ đạo nên cần phải xử lý nặng hơn so với bị cáo Phạm Thị Thanh B tham gia với vai trò giúp sức tích cực và trực tiếp thực hiện hành vi.
[4] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo Trương A và Phạm Thị Thanh B không có các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 52 bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Bị cáo Trương A trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo, nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả gây ra nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Đối với bị cáo Phạm Thị Thanh B đến ngày 28/3/2019 bị cáo đã khắc phục được toàn bộ phần hậu quả do bị cáo gây ra và được bị hại làm đơn xin bãi nại; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải, nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) nhưng được xem xét với mức độ cao hơn so với bị cáo A.
Với tính chất mức độ phạm tội của các bị cáo, trên cơ sở cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thấy rằng cần phải cách ly bị cáo Trương A ra khỏi xã hội một thời gian để giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội, đồng thời phòng ngừa tội phạm chung.
Riêng bị cáo Phạm Thị Thanh B có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 bị cáo đã khắc phục được toàn bộ phần hậu quả do bị cáo gây ra, bị cáo có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng nên xét thấy không cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà để bị cáo tự cải tạo lấy bản thân cũng đủ để răn đe, giáo dục.
[6] Về ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong: Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tuy Phong về tội danh, điều luật áp dụng, mức hình phạt là tương xứng với mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
[7] Về trách nhiệm bồi thường dân sự:
Tại phiên tòa, đại diện bị hại yêu cầu bị cáo Trương A phải có trách nhiệm tiếp tục hoàn trả 357.054.292đ (Ba trăm năm mươi bảy triệu không trăm năm mươi bốn nghìn hai trăm chín mươi hai đồng) trong đó số tiền gốc là 135.500.000đ (Một trăm ba mươi lăm triệu năm trăm nghìn đồng) và lãi suất phát sinh là 221.554.292đ (Hai trăm hai mươi mốt triệu năm trăm năm mươi bốn nghìn hai trăm chín mươi hai đồng).
Đối với bị cáo Phạm Thị Thanh B đã hoàn trả toàn bộ số nợ nên đại diện bị hại không yêu cầu bị cáo B bồi thường gì thêm.
Qua yêu cầu của đại diện bị hại, bị cáo Trương A đồng ý tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền theo yêu cầu của đại diện bị hại, Hội đồng xét xử nhận thấy sự thỏa thuận của các bên là tự nguyện, phù hợp với quy định của pháp luật nên công nhận sự thỏa thuận.
[8] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Tuyên bố: Các bị cáo Trương A, Phạm Thị Thanh B đều phạm tội “Vi phạm quy định về hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Áp dụng: điểm d khoản 1 Điều 206; điểm b, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58, Điều 38 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Trương A mức án 07 (bảy) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Áp dụng: điểm d khoản 1 Điều 206; điểm b,i,s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58, Điều 65 Bộ Luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Phạm Thị Thanh B mức án 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng tính từ ngày tuyên án 24/4/2019.
Giao bị cáo Phạm Thị Thanh B cho UBND xã Chí Công giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
[2] Biện pháp tư pháp:
Áp dụng: Điểm b khoản 1 Điều 46, Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 357, Điều 463, Điều 466, Điều 468, Điều 584, Điều 585, Điều 586, Điều 589 Bộ luật dân sự.
Buộc bị cáo Trương A phải hoàn trả cho QTDND S số tiền 357.054.292đ (Ba trăm năm mươi bảy triệu không trăm năm mươi bốn nghìn hai trăm chín mươi hai đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của bên được thi hành án, nếu bên phải thi hành án chưa thi hành xong khoản tiền phải thi hành thì phải chịu thêm khoản tiền lãi chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự.
[3] Về án phí: Bị cáo Phạm Thị Thanh B phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo Trương A phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 17.852.000đ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
[4] Về quyền kháng cáo: Án xử công khai có mặt các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Báo cho họ biết có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Trần Thị Xuân F3 vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Đã giải thích chế định án treo cho bị cáo được biết.
Bản án 35/2019/HS-ST ngày 24/04/2019 về tội vi phạm quy định hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng
Số hiệu: | 35/2019/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tuy Phong - Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 24/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về