TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LẠNG GIANG, TỈNH BẮC GIANG
BẢN ÁN 35/2017/HSST NGÀY 31/07/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN VÀ TIÊU THỤ TÀI SẢN DO NGƯỜI KHÁC PHẠM TỘI MÀ CÓ
Ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 41/2017/HSST ngày18/7/2017 đối với các bị cáo:
1. Hà Văn H1, sinh năm 1986; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: 8/12; con ông Hà Văn V1và bà Hoàng Thị N; có vợ là Hà Thị L và 03 con, lớn sinh năm 2010, nhỏ sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không;
Nhân thân: Năm 2007 bị cáo bị Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt 12 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Trộm cắp tài sản” theo bản án số 16/2007/HSST ngày 19/3/2007. Bị cáo chấp hành xong tiền án phí vào ngày 04/6/2007.
Bị cáo đầu thú, tạm giữ từ ngày 02/4/2017 đến ngày 08/4/2017, được thay thế biện pháp ngăn chặn, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).
2. Nguyễn Văn V2, sinh năm 1968; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: 5/10; con ông Nguyễn Văn D1(Đã chết) và bà Hà Thị H2; có vợ là Hà Thị Th1và 02 con, lớn sinh năm 1995, nhỏ sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 01/4/2017 đến ngày 07/4/2017 được thay thế biện pháp ngăn chặn, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).
3. Trần Văn Tr1, sinh năm 1994; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh BắcGiang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: 12/12; con ông Trần Văn Yvà bà Nguyễn Thị H3; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 01/4/2017 đến ngày 07/4/2017 được thay thế biện pháp ngăn chặn, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).
4. Hà Văn Q, sinh năm 1982; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: 7/12; con ông Hà Văn V1và bà Hoàng Thị N; có vợ là Nguyễn Thị O và 02 con, lớn sinh năm 2005, nhỏ sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 01/4/2017 đến ngày 07/4/2017 được thay thế biện pháp ngăn chặn, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).
5. Hà Văn Ph, sinh năm 1963; nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Văn hóa: 10/10; con ông Hà Văn Kvà bà Trần Thị Tr2; có vợ là Nguyễn Thị Th2 và 04 con, lớn sinh năm 1987, nhỏ sinh năm 2004; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt khẩn cấp, tạm giữ từ ngày 01/4/2017 đến ngày 07/4/2017 được thay thế biện pháp ngăn chặn, hiện bị cáo tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).
* Người bị hại: Anh Đào Văn Th3, sinh năm 1988 (vắng mặt);
Nơi cư trú: Thôn Đ, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Giáp Văn T, sinh năm 1964 (có mặt).
2. Bà Nguyễn Thị Tr3, sinh năm 1965 (có mặt);
3. Ông Giáp Văn B, sinh năm 1936 (vắng mặt).
4. Chị Nguyễn Thị H3, sinh năm 1975 (có mặt);
5. Anh Nguyễn Văn Th, sinh năm 1971 (vắng mặt);
6. Ông Hà Văn D, sinh năm 1957 (có mặt);
7. Bà Nguyễn Thị Th2, sinh năm 1968 (có mặt);
8. Bà Hà Thị Th1, sinh năm 1972 (vắng mặt);
Cùng nơi cư trú: Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang
NHẬN THẤY
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1, Hà Văn Q là người cùng thôn và đều làm thợ xây. Sáng ngày 30/3/2017, các bị cáo xây nhà cho gia đình ông Nguyễn Văn H4là người cùng thôn. Thấy ở vườn nhà bà Vũ Thị T1, để nhiều thùng ong nuôi lấy mật của anh Đào Văn Th3, khi nghỉ giải lao H1 đề xuất đến tối sẽ lấy trộm ong của anh Th3, các bị cáo V1, Tr1, Q đồng ý. Khoảng 19 giờ cùng ngày, H1 sang nhà V2 rồi gọi điện thoại bảo Tr1 sang nhà H1 để đi trộm cắp ong. V2 điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Wave mầu xanh, biển kiểm soát 98L8- 8647, chở H1 về nhà H1 ngồi đợi Tr1. Tr1 sang nhà H1 thì thấy H1 và V2 đang ngồi uống nước, không thấy có Q nên Tr1 gọi điện thoại bảo Q sang nhà H1. Q sang nhà H1 thì Tr1 rủ Q đi trộm cắp ong ở vườn nhà bà T1 cùng Tr1, V2 và H1, Q đồng ý. H1 bảo V2, Tr1, Q ở nhà để H1 ra cổng nhà bà T1 xem anh Th3 là chủ ong đang ở ngoài vườn hay ở trong nhà thì sẽ bảo mọi người sang trộm cắp. H1 đi ra khu vực cổng nhà bà T1, thấy anh Th3 đang ở trong nhà nên H1 đi ra khu vực tường bao nhà T1, trèo qua tường bao vào trong vườn trộm cắp 01 thùng ong rồi trèo ra ngoài bê thùng ong về cất giấu ở cửa chuồng bò nhà H1. Cất giấu thùng ong xong, H1 vào nhà bảo Tr1, V2, Q sang vườn nhà bà T1 tiếp tục trộm cắp ong. H1, Q, Tr1 và V2 cùng nhau đi lên khu vực vườn nhà bà T1 rồi H1 đi ra khu vực cổng nhà bà T1 để cảnh giới chủ nuôi ong, Q đi lại khu vực tường bao để cảnh giới, Tr1 trèo qua tường bao vào trong vườn trộm cắp 03 thùng ong chuyển ra ngoài cho V2 và Q đỡ rồi Tr1 trèo ra ngoài cùng Q, V2 mỗi người bê 01 thùng ong về cất giấu ở cửa chuồng bò nhà H1. Cất giấu xong, Q ở lại nhà H1 còn H1, V2 và Tr1lên khu vực vườn nhà bà T1 để trộm cắp ong. H1 trèo qua tường bao vào vườn trộm cắp 03 thùng ong chuyển ra ngoài cho Tr1, V2 đỡ rồi H1 trèo ra ngoài cùng Tr1 và V2 mỗi người bê 01 thùng ong về cất giấu ở cửa chuồng bò nhà H1. Sau đó H1, V2 và Tr1 lại tiếp tục lên khu vực vườn nhà bà T1 để trộm cắp ong, lần này V2 là người trèo qua tường bao vào trong vườn trộm cắp 03 thùng ong chuyển ra ngoài cho Tr1, H1 đỡ. Tr1 bê 02 thùng ong về nhà H1 cất giấu ở cửa chuồng bò, H1 ở lại trèo qua tường bao vào vườn trộm cắp thêm 01 thùng ong rồi cùng V2 trèo ra ngoài, mỗi người bê 01 thùng ong về cất giấu ở cửa chuồng bò nhà H1. Sau đó các bị cáo cùng nhau chuyển 11 thùng ong từ cửa chuồng bò ra cất giấu ở vườn nhà H1. H1 bảo Q và Tr1 ở lại trông ong, H1 và V2 đi sang nhà Hà Văn Ph bán ong. Sau đó bị cáo V2 điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 98L8- 8647 chở H1 sang nhà Ph và vào trong nhà ngồi uống nước. Trong khi ngồi uống nước, V2 hỏi Ph “Có ăn ong không”? Ph trả lời là “Có” và bảo “Chúng mày có thì tao chỉ mua một, hai trăm nghìn một thùng thôi”. Thấy H1 và V2 không nói gì, Ph hỏi V2 “Bây giờ có chưa, chúng mày để ở đâu”. Sợ Ph biết H1, V2 đã trộm cắp được ong và sẽ trả giá mua ong rẻ nên H1 nói với Ph là “Nếu được giá thì bây giờ mới đi nhẩy”. H1, V2 ngồi uống nước một lát rồi cả hai đi về. Về đến nhà H1 gọi điện thoại cho ông Giáp Văn T hỏi xem ông T có mua ong không nhưng không thấy ông T nghe điện thoại mà người nghe điện thoại là bà Nguyễn Thị Tr3 (là vợ ông T). Qua điện thoại, H1 hỏi ông T có mua ong không thì bà Tr3 bảo mua 04 thùng. Đến khoảng 24 giờ cùng ngày, H1 gọi điện thoại cho ông T thì bà Tr3 nghe điện thoại, H1 bảo bà Tr3 bảo ông T ra vườn lấy ong. Ông T ra vườn thì thấy Q ngồi trên tường bao, Q bảo ông T đỡ hộ Q mấy thùng ong để xuống vườn nhà ông Giáp Văn B (ông B là bố đẻ T, vườn nhà ông B và vườn nhà T liền nhau), ông T đồng ý. Sau đó H1, Tr1 và V2 ở vườn nhà H1 bê từng thùng ong đưa lên cho Q đỡ rồi chuyển cho ông T đặt xuống vườn nhà ông B. Sau khi chuyển 11 thùng ong sang vườn nhà ông B thì H1 cùng Tr1, V2 và Q cùng nhau cất giấu 07 thùng ong ở những gốc vải nhà ông B và mang 04 thùng ong để ở những gốc vải nhà ông T rồi đi về nhà ngủ.
Đến khoảng 7 giờ ngày 31/3/2017, V2 gọi điện thoại hỏi Ph là “Cái kia cómua không”, Ph bảo V2 là “Có”. Ph và V2 thống nhất giá mua bán mỗi thùng ong là 300.000 đồng và hẹn nhau đến tối cùng ngày sẽ giao nhận ong. Sau khi thống nhất với Ph về việc mua bán ong, V2 nói chuyện cho H1 biết việc Ph đồng ý mua ong với giá 300.000 đồng/thùng, H đồng ý. Khoảng 19 giờ cùng ngày, Ph điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Hoda Dream mầu nâu, biển kiểm soát 98N5- 3049 (chiếc xe mô tô Ph mượn của anh Nguyễn Văn Th4, sinh năm 1971 ở Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang) sang nhà V2 để giao nhận ong thì V2 bảo Ph là có 7 thùng ong và bảo Ph sang cổng nhà ông T chờ. Ph điều khiển xe mô tô quay về nhà lấy giá chở hàng và dây chằng rồi đi sang cổng nhà ông T thì thấy V2 và Tr1 đang ở nhà ông T. Sau đó V2 và Ph bê 07 thùng ong ở vườn nhà ông B ra ngoài cổng rồi đặt lên xe mô tô của Ph 04 thùng ong, xe mô tô của V2 03 thùng ong để chở về nhà Ph. Ph và V2 thống nhất với nhau là chở ong về đến nhà Ph thì Ph sẽ thanh toán tiền mua ong cho V2. Sợ bị chủ ong và mọi người phát hiện nên Ph và V2 điều khiển xe mô tô chở những thùng ong đi vòng qua đường thôn Ng- T để về nhà Ph. Khi Ph và V2 chở 07 thùng ong về đến Thôn Đ- T thì bị anh Th3 và quần chúng nhân dân phát hiện rồi đưa Ph, V2 cùng vật chứng về Công an xã T giải quyết. Công an xã T lập biên bản sự việc và thu giữ: 07 thùng bằng gỗ đều có kích thước (28x 28x 40) cm (gồm có 02 thùng sơn mầu xanh lá cây, 01 thùng sơn mầu đỏ, 04 thùng không sơn mầu gì), kiểm tra trong thùng thấy có 03 thùng có 3 cầu ong, 04 thùng có 4 cầu ong và có nhiều con ong đậu ở cầu ong; 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda Dream mầu nâu, biển kiểm soát 98N5- 3049, trên xe có 02 thanh tre mỗi thanh dài 79,5 cm và 01 dây chạc mầu vàng dài 3,68 m; 01 xe mô tô nhãn hiệu Hoda Wave mầu xanh, biểm kiểm soát 98L8- 8647, trên xe có 01 giá thồ hàng bằng sắt; 01 điện thoại nhãn hiệu BAVAPEN và 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia mầu tím.
Ngày 01/4/2017, anh Đào Văn Th3 gửi đơn đến Cơ quan Công an huyện L trình báo về việc ngày 28/3/2017 anh bị kẻ gian trộm cắp 04 thùng ong nuôi lấy mật và ngày 30/3/2017 anh tiếp tục bị trộm cắp mất 11 thùng ong nuôi lấy mật. Cùng ngày, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L ra lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Văn V2, Hà Văn Q, Trần Văn Tr1, Hà Văn Ph, Hà Văn H1 và thu giữ của Tr1 01 điện thoại di động nhãn hiệu Masstel C128 mầu đen, thu giữ của Q 01 điện thoại di động nhãn hiệu Viettel mầu xám. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của V2, Q, H1, Tr1 và Phúc, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện L không phát hiện và thu giữ gì.
Cùng ngày 01/4/2017 tại Công an xã T, ông Giáp Văn T tự nguyện giao nộp 04 thùng nuôi ong bằng gỗ sơn mầu xanh đều có kích thước (28x 28x 40) cm, bên trong mỗi thùng nuôi ong đều có 05 cầu ong. Ngày 02/4/2017, Hà Văn H1 đến Cơ quan Công an huyện L đầu thú và giao nộp 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia mầu đen.
Tại kết luận định giá tài sản số 19/KL- HĐ ngày 01/4/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện L, kết luận: 04 thùng nuôi ong lấy mật có 05 cầu nuôi ong có giá trị 5.000.000 đồng, 04 thùng nuôi ong lấy mật có 04 cầu nuôi ong có giá trị 4.120.000 đồng, 03 thùng nuôi ong lấy mật có 03 cầu nuôi ong có giá trị 2.430.000 đồng, 04 thùng nuôi ong lấy mật còn lại chưa xác định được đặc điểm có giá trị 4.120.000 đồng. Tổng giá trị tài sản định giá là 15.670.000 đồng.
Với nội dung trên, tại bản cáo trạng số 38/KSĐT ngày 28/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện L đã truy tố các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q về tội “Trộm cắp tài sản”, quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật hình sự; Hà Văn Ph về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật hình sự.
Ngày 17/7/2017, Tòa án nhân dân huyện Lạng Giang đã trả hồ sơ để điều trabổ sung vì: Hành vi của Giáp Văn T có dấu hiệu của tội chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Sau khi nhận hồ sơ, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang đã giữ nguyênCáo trạng.
Tại phiên tòa hôm nay các bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình giống như cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang truy tố.
Bị cáo H1 còn khai: Khi bị cáo gọi điện cho ông T, bà Tr3 vợ ông T là người nghe điện thoại, bị cáo có nói với bà Tr3 là đã lấy trộm được ong rồi hỏi ông Tcó mua không? Bị cáo không biết là bà Tr3 có nghe được toàn bộ câu nói của bị cáo không. Khi đó còn có các bị cáo V2, Tr1, Q, đứng cạnh bị cáo nhưng bị cáo không biết 03 bị cáo còn lại có nghe thấy không?
Các bị cáo V2, Tr1, Q khẳng định không nghe thấy H1 nói với bà Tr3 nhưvậy.
Bà Tr3 và ông T khẳng định tối ngày 30/3/2017, khi bị cáo H1 gọi điện thoại cho ông T, bị cáo không nói với bà Tr3 rằng bị cáo đã lấy trộm được ong. Cả ông T và bà Tr3 đều khẳng định nếu biết số ong đó là do trộm cắp mà có thì ông T sẽ không mua.
Qua đối chất tại phiên tòa giữa bị cáo H1 với ông T, bà Tr3. Bà Tr3 và ông T vẫn khẳng định bị cáo H1 không nói và ông bà cũng không biết số ong mà bị cáo H1 bán cho ông T là do bị cáo H1 trộm cắp được. Ông T không giúp các bị cáo chứa chấp tài sản do trộm cắp mà có.
Sau phần xét hỏi, tại phần tranh luận Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang phát biểu lời luận tội đối với các bị cáo, phân tích tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi mà các bị cáo đã thực hiện, giữ nguyên quan điểm như Cáo trạng đã truy tố. Đề nghị Hội đồng xét xử:
Tuyên bố các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q phạm tội “Trộm cắp tài sản”; tuyên bố bị cáo Hà Văn Ph về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33 Bộ luật hình sự xử phạt Hà Văn H1 từ 08 đến 10 tháng tù.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 60 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q.
Xử phạt Nguyễn Văn V2 từ 07 đến 09 tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 14 đến 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Xử phạt Trần Văn Tr1 từ 07 đến 09 tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 14 đến 18 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Xử phạt Hà Văn Q từ 06 đến 08 tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 12 đến 16 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; Nghị quyết 109/2015/QH13, ngày 27/11/2015; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; Khoản 3 Điều 7, điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Hà Văn Ph từ 06 đến 08 tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo. Thời gian thử thách từ 12 đến 16 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Ngoài ra còn đề nghị tuyên xử lý vật chứng, án phí, quyền kháng cáo.
Bị cáo H1 tranh luận với đại diện Viện kiểm sát: Mức hình phạt của bị cáo như vậy là cao. Bị cáo xin được hưởng án treo vì hoàn cảnh gia đình, bố bị cáo mắc bệnh ung thư, bị cáo có 03 con nhỏ.
Các bị cáo V2, Tr1, Q, Ph đồng ý với luận tội và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát không có ý kiến tranh luận gì.
Đại diện Viện kiểm sát đối đáp với bị cáo H1: Bị cáo có vai trò cao nhất trong vụ án lại có nhân thân xấu, đã từng bị kết án về tội “Trộm cắp tài sản”. Bị cáo không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự. Nên mức hình phạt đã đề nghị là phù hợp. Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyênđề nghị.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, lời khai nhận tội của các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Tại phiên tòa hôm nay các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q khai nhận: Tối ngày 30/3/2017, tại vườn nhà bà Vũ Thị T1 ở Thôn Đ, xã T, huyện L, tỉnh Bắc Giang, lợi dụng lúc trời tối, chủ ong không có ở chỗ để ong, bốn bị cáo cùng nhau có hành vi chiếm đoạt 11 thùng ong nuôi lấy mật của anh Đào Văn Th3, sinh năm 1988 ở Thôn Đ, xã M, huyện V, tỉnh Hưng Yên rồi mang bán cho Hà Văn Ph và Giáp Văn T.
Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Hà Văn Ph khai nhận biết 07 thùng ong mà bị cáo H1 và V2 bán cho bị cáo là tài sản do trộm cắp mà có nhưng bị cáo vì hám lời vẫn mua số ong này với giá 300.000đ/thùng.
Hội đồng xét xử thấy rằng: Lời khai của các bị cáo về thời gian, địa điểm, diễn biến hành vi phạm tội, thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội, tài sản chiếm đoạt được và ý thức chủ của các bị cáo khi thực hiện hành vi hoàn toàn phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vật chứng mà cơ quan điều tra thu giữ và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.
Các bị cáo H1, V2, Tr1, Q đã lén lút chiếm đoạt 11 thùng nuôi ong của anh Th3, trị giá tài sản mà các bị cáo chiếm đoạt của anh Th3 là 11.550.000đ.Bị cáo Ph biết rõ số ong mà H1 và V2 bán cho bị cáo là tài sản do trộm cắp mà có vẫn đồng ý mua số tài sản trị giá 6.550.000đ.
Hành vi của các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q đã xâm phạm khách thể là quyền sở hữu về tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi của bị cáo Hà Văn Ph đã xâm phạm trật tự công cộng. Khi thực hiện hành vi các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội.
Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Hành vi của các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q đã cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Hành vi của bị cáo Hà Văn Ph đã cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, quy định tại khoản 1 Điều 250 của Bộ luật hình sự.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang đã truy tố các bị cáo là đúng người đúng tội.
Xét vai trò của các bị cáo: Bị cáo H1 là người đề xuất và thực hiện hành vi phạm tội cũng như tiêu thụ tài sản một cách tích cực nhất, bị cáo H1 có vai trò đầuvụ. Tiếp đến là bị cáo V2, Tr1 những bị cáo thực hiện hành vi tích cực cùng bị cáoH1. Bị cáo Q có vai trò sau cùng trong vụ án.
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.
Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay các bị cáo thành khẩn khai báo; các bị cáo V2, Q, Tr1, Ph đều phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; sau khi phạm tội các bị cáo cùng góp tiền để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho người bị hại; người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo; sau khi phạm tội bị cáo Hà Văn H1 ra đầu thú. Bị cáo Hà Văn Ph có bố là ông Hà Văn Klà người có công được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng 3. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, h p khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự và là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Dù bộ luật hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực nhưng đây là tình tiết có lợi cho bị cáo, theo Nghị quyết 109/2015/QH13, ngày 27/11/2015; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc Hội thì cần áp dụng cho bị cáo Ph được hưởng tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cần áp dụng điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 đối với bị cáo H1.
Áp dụng các điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 đối với các bị cáo V2, Q, Tr1, Ph như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp. Áp dụng điểm x khoản1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Ph.
Về hình phạt: Xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, vai trò, nhânthân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm hình sự. HĐXX thấy rằng:
Bị cáo H1 có nhân thân xấu đã bị xét xử về tội “Trộm cắp tài sản”, mặc dù bị cáo đã được xoá án tích nhưng bản thân bị cáo không lấy đó làm bài học để tu dưỡng thành công dân tốt. Bị cáo còn có vai trò đầu vụ, đề xuất việc phạm tội, lôi kéo các bị cáo khác, thực hiện hành vi tích cực nhất. Bị cáo H1 không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự và Điều 2 Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự. Nên lần phạm tội này cần áp dụng hình phạt tù, cách ly bị cáo ra kỏi xã hội để giáo dục riêng đối với bị cáo và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp. Không chấp nhận đề nghị xin được hưởng án treo của bị cáo H1.
Các bị cáo V2, Tr1, Q, Ph đều phạm tội do sự lôi kéo của bị cáo H1. Cả 04 bịcáo đều phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải, đều có nhân thân tốt và chỗ ở rõ ràng. Các bị cáo đủ điều kiện để áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự. Hội đồng xét xử thấy rằng: Không cần thiết phải cách ly các bị cáo khỏi đời sống xã hội, mà để các bị cáo tự khắc phục sửa chữa sai lầm đã phạm phải trong thời gian nhất định dưới sự giám sát giáo dục của chính quyền địa phương vừa thể hiện tính nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa vừa tạo điều kiện để các bị cáo có cư hội sửa sai. Do đó cần áp dụng hình phạt tù, cho các bị cáo được hưởng án treo theo đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp.
Hình phạt bổ sung: Các bị cáo phạm tội có động cơ vụ lợi lẽ ra cần áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền để sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên xét thấy tài sản đã bị thu hồi, các bị cáo chưa được hưởng lợi nên miễn hình phạt bổ sung cho các bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự: Đã thực hiện xong, người bị hại không có yêu cầu
nên không đặt ra xem xét.
Xử lý vật chứng:
Đối với 01 xe mô tô nhãn hiệu Honda Dream mầu nâu, biển kiểm soát 98N5-3049; 01 xe mô tô nhãn hiệu Hoda Wave mầu xanh, biển kiểm soát 98L8- 8647 và 01 điện thoại di động nhãn hiệu Masstel C128 mầu đen mà V2, Ph, Tr1 dùng làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Qua điều tra xác định những tài sản trên do các bị cáo mượn của anh Nguyễn Văn Th4, ông Hà Văn Dvà bà Nguyễn Thị H3. Anh Th4, ông D, chị H3 không biết Ph, V2, Tr1 sử dụng làm phương tiện phạm tội nên ngày 26/6/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạng Giang đã trả 02 chiếc xe mô tô và 01 chiếc điện thoại di động trên cho chủ sở hữu là anh Th4, ông D và chị H3 là phù hợp, nên không đặt ra xem xét xử lý.
01 điện thoại di động nhãn hiệu BAVAPEN; 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia mầu đen; 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia mầu tím; 01 điện thoại nhãn hiệu Viettel mầu xám; 01 sim điện thoại Viettel có số thuê bao là 01669772570. Các bị cáo sử dụng điện thoại để liên lạc với nhau khi chuẩn bị phạm tội và tiêu thụ tài sản nên cần tịch thu sung quỹ nhà nước.
02 thanh tre mỗi thanh dài 79,5 cm; 01 dây chạc mầu vàng dài 3,68 m và 01 giá thồ hàng bằng sắt mà V2, Ph sử dụng làm phương tiện vận chuyển ong không còn giá trị sử dụng cần tịch thu tiêu hủy.
Vần đề khác có liên quan đến vụ án: Lời khai của bị cáo H1 tại phiên tòa hôm nay về việc tối ngày 30/3/2017, bị cáo có nói qua điện thoại với bà Tr3 vợ ông T là đã lấy trộm được ong, hỏi ông Tcó mua không. Nhưng qua đối chất ông Tvà bà Tr3 không thừa nhận lời khai của bị cáo H1. Nhưng việc ông T có hành vi mua 04 thùng ong của các bị cáo vào lúc 24 giờ ngày 30/3/2017 và đỡ hộ bị cáo Q một số thùng ong để xuống vườn nhà ông B. Xét thấy hành vi của ông Tcó dấu hiệu chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại khoản 1 Điều 250 Bộ luật hình sự. Toà án nhân dân huyện Lạng Giang đã trả hồ sơ điều tra bổ sung về vấn đề này nhưng Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm. Kiến nghị Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang xem xét đối với hành vi của ông Giáp Văn T.
Đối bà Nguyễn Thị Tr3: Bà Tr3 không phải là người mua ong của các bị cáo, tại phiên tòa bà cũng không thừa nhận lời khai của bị cáo H1 nên cơ quan điều tra Công an huyện Lạng Giang không xem xét xử lý đối với bà Tr3 là phù hợp.
Ông Giáp Văn B không biết việc H1 và đồng bọn trộm cắp và cất giấu những thùng ong ở vườn nhà mình nên Cơ quan điều tra Công an huyện Lạng Giang không đề cập xử lý là phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Th là vợ của bị cáo Hà Văn Ph không biết việc mua bán ong của bị cáo Ph, nên Cơ quan điều tra Công an huyện Lạng Giang không đề cập xử lý là phù hợp.
Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và được quyền kháng cáo theo quy định.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố:
Các bị cáo Hà Văn H1, Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q phạm tội “Trộm cắp tài sản”.Bị cáo Hà Văn Ph phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
2. Áp dụng điều luật:
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 33 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Hà Văn H1.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 20; Điều 53; Điều 60 Bộ luật hình sự đối với các bị cáo Nguyễn Văn V2, Trần Văn Tr1 và Hà Văn Q.Áp dụng khoản 1 Điều 250; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60Bộ luật hình sự; Nghị quyết 109/2015/QH13, ngày 27/11/2015; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc Hội; Khoản 3 Điều 7, điểm x khoản 1Điều 51 BLHS năm 2015 đối với bị cáo Hà Văn Ph.
3. Xử phạt:
Xử phạt bị cáo Hà Văn H1 08 (tám) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ vào thời gian tạm giữ từ ngày 02/4/2017 đến ngày 08/4/2017 vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn V2 07 (bẩy) tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo thời gian thử thách 14 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã T, huyện L giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.
Xử phạt bị cáo Trần Văn Tr1 07 (bẩy) tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo thời gian thử thách 14 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã T, huyện L giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.
Xử phạt bị cáo Hà Văn Q 06 (sáu) tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo thời gianthử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã T, huyện L giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.
Xử phạt bị cáo Hà Văn Ph 06 (sáu) tháng tù, cho bị cáo hưởng án treo thời gian thử thách 12 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho UBND xã T, huyện Lgiám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 điều 69 Luật thi hành án hình sự.
4. Về các vấn đề khác:
Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự; các điểm a, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tịch thu sung quỹ nhà nước 01 điện thoại di động nhãn hiệu BAVAPEN; 01điện thoại nhãn hiệu Nokia mầu đen; 01 điện thoại nhãn hiệu Nokia mầu tím; 01 điện thoại nhãn hiệu Viettel mầu xám; 01 sim điện thoại Viettel có số thuê bao là01669772570.
Tịch thu tiêu hủy 02 thanh tre mỗi thanh dài 79,5 cm; 01 dây chạc mầu vàng dài 3,68 m và 01 giá thồ hàng bằng sắt.
Án phí: Mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Các bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa cóquyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Người có quyền lợi và nghĩa vu liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt bản án.
Trường hợp bản án được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 9 Luât thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử công khai sơ thẩm.
Bản án 35/2017/HSST ngày 31/07/2017 về tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Số hiệu: | 35/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lạng Giang - Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/07/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về