Bản án 342/2017/HSPT ngày 20/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 342/2017/HSPT NGÀY 20/11/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 20 tháng 11 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 341/2017/HSPT ngày 18/10/2017, đối với bị cáo Đặng Hồng S về “Tội cố ý gây thương tích”. Do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại anh Nguyễn Quốc P đối với bản án hình sự sơ thẩm số 59/2017/HSST ngày 12/09/2017, của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo, bị kháng cáo:

Họ và tên: Đặng Hồng S, sinh năm 1998, tại tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Xã Cư H, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 9/12; con ông Đặng Văn C và bà Nguyễn Thị N; tiền án, tiền sự: không. Bị cáo hiện đang tại ngoại (có mặt tại phiên tòa).

Người bị hại: Ông Nguyễn Quốc P; sinh năm: 1997; địa chỉ: Xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Krông Pắc và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 19 giờ ngày 28/5/2017, Đặng Hồng S, Lê Minh A, Nguyễn Công A, Hồ Văn D và một số người khác đi dự sinh nhật bạn tại quán Karaoke T ở  xã E, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày, trong lúc hát Karaoke thì D rủ S qua phòng D cạnh đó giao lưu với bạn của D thì S, D, Công A và một số người sang hát và nhảy được khoảng 05 phút thì Nguyễn Quốc P nói nhóm bạn của S: “Bọn mày là bạn của ai mà vào đây” và chê D nhảy như thằng què. Nghe vậy, D dùng tay đánh P, A cũng vừa lao đến thì bị vấp ngã. Đặng Hồng S cầm dao đâm hai nhát vào vùng lưng (dưới bả vai phải) của P, sau đó nhóm của S bỏ về. P được đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh. Ngày 29/5/2017 Đặng Hồng S ra đầu thú tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Pắc và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Tại bản Kết luận pháp y thương tích số: 714/PY-TgT, ngày 30/5/2017 và kết luận pháp y bổ sung số 907 ngày 17/7/2017 của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận tỷ lệ thương tích của anh Nguyễn Quốc P 20%, vật tác động sắc bén.

Quá trình điều tra Đặng Hồng S đã tự nguyện bồi thường toàn bộ các khoản chi phí điều trị cho anh Nguyễn Quốc P với số tiền 67.000.000 đồng.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số: 59/2017/HSST ngày 12/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội khóa 14, khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Đặng Hồng S 02 năm 03 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo bị bắt thi hành án, được khấu trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 29/5/2017 đến ngày 28/6/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí và tuyên quyền kháng cáo.

Ngày 18/9/2017 bị cáo Đặng Hồng S có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo

Ngày 22/9/2017 người bị hại anh Nguyễn Quốc P có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo Đặng Hồng S được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Đặng Hồng S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo khai rằng: Do nhóm bạn của bị cáo sang phòng của P để giao lưu thì P thách thức và đuổi nhóm của bị cáo, bị cáo nghe P còn nói với D là mày nhảy như thằng què, vì cha của bị cáo bị bại liệt nên bị cáo nghĩ là P nói đía mình nên bị cáo bức xúc cầm dao đâm P gây thương tích.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với hành vi phạm tội của bị cáo và khẳng định: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Đặng Hồng S về tội cố ý gây thương tích theo khoản 2, Điều 104 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Xét mức hình phạt 02 năm, 03 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo là tương xứng. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, p khoản 1 khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bị cáo là lao động chính trong gia đình có cha bị bại liệt. Sau khi gây án bị cáo ra đầu thú, bồi thường toàn bộ thiệt hại, người bị hại kháng cáo xin khoan hồng cho bị cáo. Bị cáo có nơi cư trú ổn định rõ ràng nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và người bị hại. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Đặng Hồng S 02 năm 03 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 04 năm 06 tháng về tội “Cố ý gây thương tích”. Giao bị cáo cho chính quyền địa phương cùng gia đình giám sát giáo dục bị cáo.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật.

Bị cáo không tranh luận gì với quan điểm của Viện kiểm sát, chỉ xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[1] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập, đánh giá trong hồ sơ vụ án. Xét thấy, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo S đã có hành vi dùng dao gây thương tích cho anh P 20% sức khỏe nên Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về “Tội cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[2] Xét mức hình phạt 02 năm, 03 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo S là thỏa đáng và phù hợp. Tuy nhiên, việc bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù là không cần thiết. Bởi lẽ, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự, bị cáo là lao động chính trong gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ bị cáo già yếu, cha bị bại liệt. Sau khi gây án bị cáo đã ra đầu thú, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng đã cố gắng tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại. Mặt khác, người bị hại có đơn kháng cáo xin khoan hồng cho bị cáo. Bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng nên cần chấp nhận toàn bộ quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Áp dụng điểm b, khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo và người bị hại để sửa bản án sơ thẩm theo hướng giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do được chấp nhận một phần kháng cáo nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 248, điểm đ khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự;

[1] Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Đặng Hồng S và người bị hại Nguyễn Quốc P – sửa bản án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật hình sự; Nghị quyết số 41 của Quốc hội khóa 14; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 và điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 đã sửa đổi bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Đặng Hồng S 02 (hai) năm, 03 (ba) tháng tù nhưng cho hưởng án treo về “Tội cố ý gây thương tích”, thời gian thử thách 04 (bốn) năm, 06 (sáu) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Đặng Hồng S cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện E, tỉnh Đắk Lắk là nơi bị cáo thường trú để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

[2] Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

420
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 342/2017/HSPT ngày 20/11/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:342/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:20/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về