TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 34/2021/HS-PT NGÀY 15/03/2021 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong các ngày 03, 10 và 15 tháng 3 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 221/2020/TLPT-HS ngày 22 tháng 10 năm 2020 đối với bị cáo Lê Phước T. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 234/2020/HS-ST ngày 15/09/2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương.
- Bị cáo có kháng cáo:
Lê Phước T, sinh năm 1990 tại tỉnh L. Nơi cư trú: Thôn 6, xã Q, huyện Đ, tỉnh L. Nơi ở: Khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 10/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê Phú V (chết) và bà Lê Thị H; có vợ Ngô Thị Minh N và có 02 con (lớn sinh năm 2014, nhỏ sinh năm 2019); tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 27/10/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Đ xử phạt 03 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” theo Bản án hình sự phúc thẩm số 341/2014/HSPT. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 10/7/2019 đến nay. Bị cáo tại ngoại, có mặt.
- Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Văn H, Luật sư Công ty Luật TNHH Một thành viên Thành V, Chi nhánh Bình Dương thuộc Đoàn Luật sư Thành phố H, có mặt.
- Bị hại: Ông Ngô Đăng T1, sinh năm 1979. Địa chỉ: Số 131, đường B, Khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương, có mặt.
- Người làm chứng: Ông Ngô Quang Đ, bà Ngô Thị Minh N, bà Nguyễn Thị Ánh T, bà Ngô Thị D, ông Nguyễn Quang H, ông Ngô Đăng L, có mặt.
Ông Phạm Duy T3, ông Nguyễn Võ Nguyên B, ông Trần Văn B2, có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Giám định viên: Ông Thái Minh C, ông Nguyễn Công S, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lê Phước T là người thuê nhà trọ để ở tại Khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương. Khu nhà trọ trên do ông Nguyễn Quang H, sinh năm 1973, cư trú tại nhà số 131, đường 110B, Khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương làm quản lý.
Khoảng 16 giờ ngày 25/11/2018, khi Lê Phước T đang ngồi trong nhà trọ ăn cơm thì trời mưa to, gió lớn làm trần nhà bị sập xuống và nước mưa chảy vào trong nhà, T gọi điện thoại cho ông Nguyễn Quang H để kêu ông H đến sửa chữa thì ông H trả lời là không đến ngay được do trời đang mưa. Lúc này, do bực tức nên T rủ anh vợ của T tên là Ngô Quang Đ, sinh năm 1985, cư trú tại tổ 5, khu phố T, phường P, thành phố B, tỉnh Đ cùng T sang nhà số 131, đường 110B, khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương để tìm anh H nói chuyện. Tại đây, giữa ông H và T xảy ra mâu thuẫn cự cãi lớn tiếng với nhau, lúc này em rể của ông Htên là Ngô Đăng T1, sinh năm 1979, hiện cùng cư trú tại nhà số 131, đường 110B, khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương đang ở trên lầu 1 của nhà số 131 nghe ông H lớn tiếng cự cãi với người khác ở khu vực cửa ra vào nên ông T1 từ trên lầu 1 đi xuống thì nhìn thấy T đang dùng tay trái nắm cổ ông H, T1 đi đến dùng hai tay kéo tay T ra thì bị T dùng tay phải đánh trúng mặt ông T1 02 cái vào trán và bên trái vùng mắt. Tiếp đó, T dùng hai tay chụp lấy cái giá dùng để giày dép, bằng inox đang được để ở phía ngoài, bên phải trước nhà số 131 (Theo hướng từ ngoài đường nhìn vào) rồi đánh giơ lên đánh xuống trúng vào đầu ông T1 01 cái thì ông T1 bỏ chạy. Thấy vậy, T dùng tay phải cầm 01 cục gạch ống bằng đất nung, màu đỏ, đuổi theo ông T1 và đánh trúng vào bả vai phải của ông T1 01 cái làm ông T1 té xuống đất. Ông H thấy vậy chạy đến ôm T để ngăn cản không cho T đánh ông T1 nữa. Sau đó, do được mọi người can ngăn nên T bỏ đi về nhà trọ còn ông T1 được ông H11òa đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương để cấp cứu và điều trị từ 19 giờ cùng ngày 25/11/2018 đến 00 giờ 30 phút ngày 26/11/2018 thì xuất viện.
Đến 08 giờ 30 phút ngày 26/11/2018, ông Ngô Đăng T1 đến Công an phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương tố cáo Lê Phước T về hành vi dùng hung khí đánh gây thương tích cho ông T1 và ngày 27/11/2018 giao nộp vật chứng là một số mảnh gạch vụn (Loại gạch ống bằng đất nung, màu đỏ). Sau khi tiến hành kiểm tra, xác minh nội dung đơn tố giác về tội phạm của ông T1, đến ngày 29/11/2018 Công an phường P chuyển hồ sơ vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố T để thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 24/12/2018, Ngô Đăng T1 giao nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố T 01 cái giá dùng để giày dép, bằng inox (kích thước cao 0,46m; ngang 0,5m; rộng 0,3m) và xác định đây là hung khí Lê Phước T sử dụng để đánh ông T1 vào ngày 25/11/2018.
Ngày 28/01/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố T ra Quyết định trưng cầu giám định số 179 trưng cầu Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Bình Dương giám định tỷ lệ phần trăm thương tích và cơ chế hình thành vết thương của bị hại Ngô Đăng T1.
Ngày 28/01/2019, Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh Bình Dương có Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 47/2019/GĐPY kết luận đối với bị hại Ngô Đăng T1 như sau:
1. Tỷ lệ tổn thương do thương tích gây nên hiện tại là: 15% theo bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12/6/2014. Trong đó:
- Chấn thương đầu: Bầm tím vùng trán, sưng nề vùng chẩm, đã lành. Được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 00%;
- Trật khớp vai phải đã lành + gãy mấu động lớn xương cánh tay phải đã cal. Được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 15% 2. Cơ chế hình thành vết thương:
- Chấn thương đầu: Bầm tím trán, sưng nề chẩm, không để lại dấu tích, nên không xác định được cơ chế gây thương tích;
- Chấn thương trật khớp vai phải + gãy mấu động lớn xương cánh tay phải: Gãy kín không có vết thương ngoài da, khả năng do vật tày gây ra (ví dụ: Cây, cục đá, té ngã v.v...).
Ngô Đăng T1 yêu cầu Lê Phước T bồi thường chi phí điều trị thương tích và tổn thất về tinh thần với tổng số tiền là 188.884.400 đồng (Một trăm tám mươi tám triệu tám trăm tám mươi bốn nghìn bốn trăm đồng).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 234/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương đã quyết định: Căn cứ vào các Điều 136, 260, 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
Về trách nhiệm hình sự: Tuyên bố bị cáo Lê Phước T phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Về hình phạt: Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 134; Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Lê Phước T 03 (ba) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017; Điều 586, 590 của Bộ luật Dân sự 2015. Buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 40.584.400 đồng (bốn mươi triệu năm trăm tám mươi bốn nghìn bốn trăm đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về biện pháp tư pháp, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 29/9/2020, bị cáo Lê Phước T có đơn kháng cáo với nội dung đề nghị hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại do bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quyết định.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án thể hiện cấp sơ thẩm có thiếu sót, vi phạm trong việc thu giữ vật chứng (gạch vụn, kệ inox) nhưng không được niêm phong, chụp ảnh đưa vào hồ sơ vụ án, là vi phạm Điều 105 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Lê Phước T không thừa nhận hành vi dùng tay đánh vào trán và bên trái vùng mắt bị hại, dùng gạch đánh vào vai phải của bị hại gây thương tích mà thương tích của bị hại là do bị hại té ngã. Các nhân chứng Ngô Quang Đ (anh vợ bị cáo), Ngô Thị Minh N (vợ bị cáo) có mặt tại nơi xảy ra sự việc khai nhận không thấy bị cáo đánh bị hại, bị hại tự té ngã. Tại cấp sơ thẩm bị hại khai nhận bị bị cáo dùng kệ inox đánh trúng trán và bên trái vùng mắt bị hại. Khi bị hại bỏ chạy thì bị cáo đánh bị hại từ phía sau lưng và làm bị hại té ngã nằm nghiêng bên trái, hậu quả là làm cho bị hại bị thương tích với tỷ lệ thương tổn thương cơ thể là 15%. Tuy nhiên, các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện có sự mâu thuẫn, không thống nhất về đối tượng đánh gây thương tích cho bị hại; vị trí bị đánh gây thương tích; hung khí mà bị cáo dùng để gây thương tích cho bị hại hay bị cáo có dùng tay đánh bị hại hay dùng chân đá bị hại khi bị hại té ngã hay không. Lời khai của các nhân chứng Nguyễn Thị Ánh T (vợ bị hại), Nguyễn Quang H (anh rể bị hại) có sự mâu thuẫn trong chính lời khai của mình về đối tượng gây thương tích cho bị hại, về hung khí dùng để gây thương tích, vị trí gây thương tích; mâu thuẫn với lời khai nhân chứng ông Ngô Đăng L (cha ruột bị hại), Ngô Thị D (chị ruột bị hại) nhưng chưa được điều tra làm rõ các mâu thuẫn này cũng như chưa làm rõ vị trí, khoảng cách các nhân chứng đứng chứng kiến sự việc xảy ra? Khi thực nghiệm điều tra, cấp sơ thẩm chưa cho đầy đủ các nhân chứng tham gia thực nghiệm điều tra để làm rõ hành vi phạm tội. Tại phiên tòa hôm nay, lời khai của bị cáo, bị hại có sự mâu thuẫn về hướng di chuyển của bị hại, bị cáo khi xảy ra sự việc, vị trí để xe ô tô so với bản ảnh thực nghiệm điều tra. Ngoài ra, tại bản án sơ thẩm số 123/2014/HSST ngày 12/8/2018 của TAND huyện N, tỉnh Đ và Bản án hình sự phúc thẩm số 341/2014/HSPT ngày 27/10/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Đ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “gia đình có công với cách mạng” đối với bị cáo do có ông Lê Thọ T3 (là liệt sĩ), Lê Hồng S (được tặng kỷ niệm chương vì có nhiều cống hiến trong xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng). Nhưng cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu chứng cứ làm rõ mối quan hệ của bị cáo với ông Lê Thọ T3, Lê Hồng S để có cơ sở xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định pháp luật. Nhận thấy cấp sơ thẩm có vi phạm trong thủ tục tố tụng, lời khai của bị cáo, bị hại và các nhân chứng có nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được điều tra làm rõ để có cơ sở xác định ai là người gây thương tích cho bị hại, hung khí nào được sử dụng để gây thương tích, vị trí cơ thể bị hại bị tác động gây thương tích. Chưa làm rõ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Do đó, kháng cáo của bị cáo là có cơ sở chấp nhận, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố T để giải quyết theo thủ tục chung.
Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo: Quá trình tiến hành tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có vi phạm về thời hạn giải quyết tin báo tố giác tội phạm, về việc thu thập chứng cứ (gạch, giá inox). Những lời khai của bị hại, người làm chứng ông Nguyễn Quang H, bà Nguyễn Thị Ánh T, ông Ngô Đăng L, bà Ngô Thị D trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn về diễn biến hành vi, sự việc không phù hợp với vị trí, khoảng cách và sự di chuyển của bị cáo và bị hại, mâu thuẫn về hung khí gây thương tích và vị trí cơ thể bị hại bị thương tích nhưng cấp sơ thẩm lại dùng những lời khai đó làm chứng cứ buộc tội là chưa có cơ sở. Kết quả đọc Xquang tại Bệnh viện Medic Bình Dương thì bị hại không bị trật khớp vai phải, không gãy mấu động lớn vai phải, trong khi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương kết quả đọc Xquang thì bị hại bị trật khớp vai phải, gãy mấu động lớn vai phải, việc xác định thời điểm bị hại bị gãy mấu động lớn, làm rõ sự khác nhau về kết quả khám tại hai bệnh viện là cần thiết nhưng sơ thẩm chưa tiến hành. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo dùng gạch ống đánh vào vai phải của bị hại là mâu thuẫn với thương tích của bị hại do tại phiên tòa phúc thẩm, giám định viên xác định: Nếu bị đánh bằng viên gạch ống vào vai phải, với lực viên gạch ống bị vỡ và gây gãy mấu động lớn, thì phải gây tổn thương phần cơ và da, cụ thể phải để lại dấu vết như rách da, bầm tím, sưng nề tại vị trí cục gạch tác động vào vai, nhưng giấy chứng nhận thương tích không thể hiện bị hại bị tổn thương cơ, da tại vị trí vai phải.
Việc thực nghiệm điều tra không phản ánh đúng tình tiết khách quan của vụ việc, tại phần tranh tụng (xét hỏi) của phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm người làm chứng T từ chối nhiều câu hỏi của người bào chữa nhưng không có lý do chính đáng, gây cản trở cho quá trình xét xử và làm rõ sự thật khách quan của vụ án, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Để nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật. Do việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa đầy đủ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, có nhiều vi phạm thủ tục tố tụng. Do vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo, hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo khai nhận: Khoảng 16 giờ ngày 25/11/2018, bị cáo đang ăn cơm tại phòng trọ thì trời mưa làm trần nhà bị sập xuống và nước mưa chảy vào trong nhà. Lúc này bị cáo gọi điện thoại cho ông Nguyễn Quang Hđể kêu ông H đến xem hiện trạng, sửa chữa thì ông H trả lời là không đến ngay được do trời đang mưa. Nghe như vậy bị cáo bực tức nên đi bộ sang nhà số 131, đường 110B, khu phố 2, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương đề tìm ông H nói chuyện, thấy vậy anh vợ của bị cáo tên là Ngô Quang Đ cũng đi theo. Tại nhà ông H, giữa ông H và bị cáo xảy ra mâu thuẫn cự cãi lớn tiếng với nhau. Lúc này, bị hại là em rể của ông H tên là Ngô Đăng T1 nhìn thấy bị cáo đang dùng tay trái nắm cổ áo của ông H nên đã dùng cái giá để giày dép bằng inox đánh bị cáo, bị cáo dùng tay đỡ được và chụp giá inox, hai bên giằng co và làm bị hại bị té ngã, sau đó được ông H và mọi người can ngăn, bị hại bỏ chạy vào nhà cầm 01 con dao, thấy vậy bị cáo cầm 01 viên gạch ở gốc cây đứng ở ngoài sân, sau đó mọi người đến can ngăn thì bị cáo bỏ ra về phòng trọ.
Bị hại khai: Khi bị hại đang ở trên lầu 1 của căn nhà nghe tiếng cự cãi lớn tiếng nên đi xuống thì nhìn thấy bị cáo đang nắm cổ áo ông H, bị hại đến can ngăn thì bị bị cáo dùng giá để giày dép bằng inox để phía bên ngoài đánh vào đầu và mặt của bị hại, lúc này bị hại bỏ chạy ra ngoài sân thì bị bị cáo đuổi theo, sau đó bị hại bị đánh 01 cái vào vai làm cho bị hại té ngã về phía trước nghiêng người về phía bên trái, do bị hại bỏ chạy mặt hướng về phía trước nên không nhìn thấy ai là người đánh và dùng vật gì để đánh chỉ xác định là một vật cứng. Sau đó được mọi người can ngăn, bị hại đứng dậy chạy vào trong nhà.
Những người làm chứng Ngô Quang Đ, Ngô Thị Minh N khai thống nhất với lời khai của bị cáo.
Người làm chứng ông Nguyễn Quang H, bà Nguyễn Thị Ánh T khai thống nhất là có nhìn thấy bị cáo dùng gạch ống đánh vào lưng bị hại dẫn đến bị hại bị té ngã, bà Ngô Thị D và ông Ngô Đăng L khai không nhìn thấy bị cáo dùng gạch đánh bị hại.
Trong lời nói sau cùng, bị cáo xác định không thực hiện hành vi như bản án sơ thẩm đã tuyên mong Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Đơn kháng cáo của bị cáo thực hiện trong thời hạn luật định nên đủ điều kiện để Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.
[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo:
Tại phiên tòa phúc thẩm và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện lời khai của bị cáo, bị hại mâu thuẫn với nhau về việc ai là người dùng giá inox đánh trước, mâu thuẫn về việc xác định bị cáo dùng cục gạch ống đánh vào vai của bị hại hay do bị cáo và bị hại giằng co dẫn đến bị hại bị té ngã. Lời khai của người làm chứng ông Ngô Quang Đ, bà Ngô Thị Minh N khai thống nhất và phù hợp với lời khai của bị cáo; lời khai của người làm chứng bà Nguyễn Thị Ánh T, bà Ngô Thị D, ông Nguyễn Quang H, ông Ngô Đăng L khai có sự mâu thuẫn với nhau và có sự mâu thuẫn giữa chính những lời khai của từng người trong các lần lấy lời khai, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên từ những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[2.1] Bị cáo và bị hại khai nhận thống nhất giữa bị cáo và bị hại không có mâu thuẫn từ trước nhưng khi bị cáo nắm cổ áo ông H thì dẫn đến bị cáo và bị hại xô xát với nhau. Bị cáo và bị hại, người làm chứng khai mâu thuẫn nhau về việc ai là người dùng giá inox đánh trước, tuy nhiên sự việc đánh bằng giá inox không dẫn đến thương tích cho bị hại cũng như bị cáo.
[2.2] Quá trình điều tra bị hại cho rằng bị cáo là người cầm cục gạch ống đánh vào vai phải của bị hại làm bị hại té ngã dẫn đến thương tích gãy tay phải, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm bị hại xác định không nhìn thấy ai đánh, đánh bằng vật gì, chỉ xác định là vật cứng và ngoài bị cáo không có ai đánh bị hại. Lời khai của người làm chứng ông Đ, bà N xác định không có việc bị cáo dùng gạch đánh bị cáo; người làm chứng bà T, ông H, ông L khai còn nhiều mẫu thuẫn đối với việc bị cáo dùng gạch đánh bị hại. Mặt khác, theo lời trình bày của người giám định tại phiên tòa, trường hợp bị hại bị đánh bằng cục gạch dẫn đến gãy tay như vậy thì ngay vị trí bị tấn công phần da, cơ sẽ bị chấn thương, phù nề tuy nhiên theo giấy chứng nhận thương tích của bị hại không ghi nhận vết thương này. Do đó không có cơ sở xác định bị cáo là người dùng gạch ống hoặc hung khí nào khác đánh người bị hại gây thương tích.
[2.3] Lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa xác định khi giữa bị cáo và bị hại xô xát giằng co nhau giá inox thì bị hại bị té ngã gãy tay, lời khai này của bị cáo phù hợp với lời khai của ông Đ, bà N và phù hợp một phần lời khai của ông H và bà T, phù hợp với kết luận giám định thương tích và cơ chế hình thành vết thương (do bị té ngã...). Ngay sau khi sự việc xảy ra, bị hại đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và xác định thương tích bị chấn thương đầu, trật khớp vai, gãy mấu động lớn xương cánh tay.
[2.4] Như vậy, Bản án hình sự sơ thẩm số 234/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T xác định bị cáo dùng cục gạch ống là hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích cho bị hại là không có căn cứ. Chỉ có cơ sở xác định: Khoảng 16 giờ ngày 25/11/2018, bị cáo T đang ngồi trong nhà trọ ăn cơm thì trời mưa to gió lớn làm trần nhà bị sập xuống và nước mưa chảy vào trong nhà nên T gọi điện thoại cho ông Nguyễn Quang H để kêu ông H đến sửa chữa thì ông H trả lời là không đến ngay được do trời đang mưa. Lúc này, do bực tức nên T cùng ông Ngô Quang Đ tìm ông H nói chuyện. Tại nơi ở của ông H thì bị cáo và ông H xảy ra mâu thuẫn cự cãi lớn tiếng với nhau. Lúc này, bị hại Ngô Đăng T1 đang ở trên lầu 1 đi xuống thì nhìn thấy bị cáo đang dùng tay trái nắm cổ ông H từ đó xảy ra việc bị cáo và bị hại xô xát và giằng co nhau giá inox dẫn đến bị hại bị té ngã, hậu quả bị hại bị thương tích trật khớp vai (P), gãy mấu động lớn xương cánh tay (P), tỷ lệ tổn thương cơ thể là: 15%.
[3] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe người khác một cách trái pháp luật, hậu quả từ hành vi giằng co nhau giá inox dẫn đến bị hại bị té ngã gây ra thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể 15%, bản thân bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự do đó hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý gây thương tích, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 134 của Bộ luật Hình sự.
Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” là phù hợp. Tuy nhiên xét xử bị cáo theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật Hình sự là chưa chính xác nên cần sửa bản án hình sự sơ thẩm số 234/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T đúng theo quy định của pháp luật.
[4] Về tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi xô xát giằng co giá inox làm cho bị hại té ngã gây thương tích nên áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường tổng số tiền 188.884.400 đồng, gồm: Chi phí điều trị: 20.104.400 đồng; Chi phí phục hồi sức khỏe: 7.580.000 đồng; Chi phí thuê tài xế chở đi làm: 20.800.000 đồng; Chi phí dự kiến mổ lại: 15.000.000 đồng; Tiền bồi thường tổn thất về tinh thần:
125.400.000 đồng.
Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào các Điều 586, Điều 590 của Bộ luật Dân sự, các hóa đơn, chứng từ do bị hại cung cấp, buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại các chi phí: Chi phí điều trị: 18.104.400 đồng; Chi phí phục hồi sức khỏe: 7.580.000 đồng; Tiền bồi thường tổn thất tinh thần: 14.900.000 đồng (10 tháng lương tối thiểu x 1.490.000 đồng). Tổng số tiền là 40.584.400 đồng là phù hợp.
[6] Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu kháng cáo của bị cáo chỉ có cơ sở chấp nhận một phần, không có căn cứ xác định bị cáo dùng gạch đánh gây thương tích cho bị hại, tuy nhiên đề nghị hủy án sơ thẩm để điều tra lại là không phù hợp.
[7] Ý kiến của người bào chữa cho bị cáo là có cơ sở chấp nhận một phần đối với việc xem xét hành vi của bị cáo dùng gạch ống đánh vào vai của bị hại , riêng đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là không phù hợp.
[8] Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là chưa phù hợp vì các lời khai của người làm chứng ông H, bà T, bà D, ông L có sự mâu thuẫn và những người làm chứng đều có quan hệ thân thích với bị hại do đó không sử dụng chứng cứ này để xác định bị cáo có dùng gạch đánh bị hại. Đối với những thiếu sót của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát trong quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm; thiếu sót trong điều tra thu giữ vật chứng là những mảnh vụn do cục gạch ống bị vỡ, tuy nhiên những sai sót này không khắc phục được và như đã phân tích ở trên không có căn cứ xác định bị cáo dùng cục gạch đánh người bị hại, những sai sót này không làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án. Đối với tình tiết giảm nhẹ gia đình bị cáo có công với cách mạng thì tại phiên tòa bị cáo trình bày các ông Lê Thọ T3, Lê Hồng S là những người có công với cách mạng có quan hệ là chú ruột của bị cáo nên có đủ cơ sở xác định đây không phải là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Do đó không cần thiết phải hủy bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát.
[9] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[10] Án phí: Án phí hình sự phúc thẩm: Do án sơ thẩm bị sửa về phần trách nhiệm hình sự nên bị cáo không phải nộp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 và Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Phước T. Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 234/2020/HS-ST ngày 15 tháng 9 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh Bình Dương như sau:
1. Về trách nhiệm hình sự: Áp dụng khoản 1 Điều 134; điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự;
Tuyên bố bị cáo Lê Phước T phạm tội Cố ý gây thương tích.
Xử phạt bị cáo Lê Phước T 01 (một) năm 03 (ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật Hình sự; Điều 586, 590 của Bộ luật dân sự 2015. Buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 40.584.400 đồng (bốn mươi triệu năm trăm tám mươi bốn nghìn bốn trăm đồng).
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
3. Về biện pháp tư pháp: Áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự; Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự: Tịch thu tiêu hủy 01 (một) bịch nylon đựng một số mảnh gạch vụn; 01 (một) cái giá dùng để giày dép bằng inox, kích thước cao 0,46m, ngang 0,5m, rộng 0,3m.
(Theo Biên bản giao nhận vật chứng số 047.20 ngày 09/12/2020 giữa Công an thành phố T và Chi cục Thi hành án dân sự thành phố T)
4. Về án phí: Áp dụng Điều 135; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 23, Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Lê Phước T phải nộp 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 2.029.220 đồng (hai triệu không trăm hai mươi chín nghìn hai trăm hai mươi đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Lê Phước T không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 34/2021/HS-PT ngày 15/03/2021 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 34/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 15/03/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về