Bản án 34/2018/HSST ngày 27/03/2018 về tội giết người và che giấu tội phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 34/2018/HSST NGÀY 27/03/2018 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI VÀ CHE GIẤU TỘI PHẠM

Ngày 27/3/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 11/2018/HSST ngày 05 tháng 02 năm 2018 đối với các bị cao có họ và tên như sau:

1. Nguyễn Doãn K; tên gọi khác: Không; sinh ngày 24/6/1998; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở : Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo : Không ; Con ông Nguyễn Doãn V, sinh năm 1957 và bà Đinh Thị Th, sinh năm1961; anh chị em ruột có 03 người, bị cáo là con thứ 03; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 08/8/2017 đến nay; có mặt.

2. Nguyễn Doãn L; tên gọi khác: Không; sinh ngày 09/12/1985; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở : Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo : Không ; Con ông Nguyễn Doãn V, sinh năm 1957 và bà Đinh Thị Thanh, sinh năm 1961; anh chị em ruột có 03 người, bị cáo là con đầu; Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 01/8/2017 đến ngày 29/12/2017; có mặt.

3. Nguyễn Doãn V; tên gọi khác: Không; sinh ngày 01/01/1957; NơiĐKHKTT và chỗ ở : Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: 7/10; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo : Không ; Con ông Nguyễn Doãn V, chết và bà Nguyễn Thị D, chết; anh chị em ruột có 04 người, bị cáo là con thứ 2; Vợ Đinh Thị Thanh, sinh năm 1961; Con: có 03 con, lớn 32 tuổi, nhỏ 20 tuổi; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại có mặt.

4. Nguyễn Đình H; tên gọi khác: Không; sinh ngày 10/01/1981; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở : Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An; Nghề nghiệp: Lái xe; Trình độ văn hóa: 9/12; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo : Không ; Con ông Nguyễn Đình Canh, sinh năm 1953 và bà Hoàng Thị Bích, sinh năm 1950; anh chị em ruột có 05 người, bị cáo là thứ 4; Vợ Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1982; Con: có 03 con, lớn nhất 09 tuổi, nhỏ 01 tuổi; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 09/8/2017 đến ngày 09/10/2017; có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Doãn K: Luật sư Thái Hồng Hạnh, Văn phòng luật sư Thái Hồng Hạnh thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An; có mặt.

+ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Doãn L: Luật sư Phan Thị Sự, Văn phòng luật sư Dung Sự và cộng sự, đoàn luật sư Nghệ An; có mặt.

+ Đại diện hợp pháp của người bị hại: chị Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1990 – có mặt. Ông Nguyễn Tú Minh, sinh năm 1949- có mặt; bà Đinh Thị Sơn, sinh năm 1950 – vắng mặt.

Đều trú tại: Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An.

+ Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cháu Nguyễn Tú Trung Hiếu, sinh năm 2013; cháu Nguyễn Thị Thảo Nguyên, sinh năm 2017- Có mặt

Đều trú tại: Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An.

+ Người làm chứng:

Anh Nguyễn Viết Thanh, sinh năm 1997 – vắng mặt Địa chỉ: Xóm 2B, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1982 – có mặt.

Địa chỉ: Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị L, sinh năm 1972 – có mặt.

Địa chỉ: Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An. Chị Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1988 – có mặt. Địa chỉ: Xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An. Cháu Nguyễn Thị Thảo, sinh năm 2005 – vắng mặt.

Người giám hộ cho cháu Thảo chị Nguyễn Thị Xoan (Mẹ ruột cháu Thảo)- vắng mặt.

Địa chỉ: Xóm 1, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 21 giờ ngày 31/7/2017, Nguyễn Doãn K, một mình đi bộ từ nhà đến Nhà văn hóa xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An để chơi. Tại cổng Nhà văn hóa xóm 3A, K gặp Nguyễn Viết Thanh, sinh năm 1997 và Đào Văn Chung, sinh năm 1987 đều trú cùng xóm với K. Tại đây, K và Thanh trêu đùa anh Chung: “Dừ ta đi tán gái hay ăn chè”, anh Chung trả lời: “Tau không tin bây, bây toàn lừa tau”. K nói: “Anh không tin thì thôi”, anh Chung trả lời: “Tau không tin”. Cùng lúc này, anh Nguyễn Tú Hùng, sinh năm 1985 trú cùng xóm 3A một mình điều khiển xe máy đến và nói với K: “Mi là cấy đồ mấy dạy”, K trả lời: “Em nói gì anh mà anh nói em rứa”, anh Hùng nói: “Hai anh em bây đã chập còn nói họ”, K nói: “Chập chập cái l…”. Anh Hùng liền xuống xe máy và đánh K. Bị đánh, K bỏ chạy về nhà lấy một con dao, loại dao bấm ở dưới đầu giường của mình nằm rồi chạy ra phía Nhà văn hóa xóm 3A. Khi đến ngã tư gần Nhà văn hóa xóm 3A, K gặp Thanh đang đi bộ. Thanh can ngăn và nói với K: “Chấp chi thằng say rượu”; Đòng thời, Thanh ôm K đi về nhà của K. Trên đường đi, K nói với Thanh: “Có phải say thích đập ai là đập à, răng không đập thằng khác mà đập tau”. Quá trình đi về đến cổng nhà mình, K chửi: “C…, l… thằng Hùng Minh”. Vừa lúc này, Nguyễn Doãn L, trú cùng xóm 3A (Anh trai của K) từ trong nhà đi ra gặp K và hỏi: “Chuyện chi rứa”, K kể lại sự việc bị đánh, L nói: “Để tau xuống nói chuyện cho”. Nói xong, L đi bộ đến gặp Hùng, K cầm dao bấm đi theo đến ngã tư nhìn về phía cổng Nhà văn hóa xóm 3A. Lúc này, L đến đứng trước xe máy của anh Hùng, L nói: “Khi nãy mi mần chi em tau đó”, anh Hùng đó: “Anh em bây đến đập tau à”. Đồng thời, anh Hùng dùng tay đánh vào mặt của L. Lúc này, K cầm dao bấm chạy đến. Thấy vậy, anh Hùng xuống xe máy tiến đến phía K định đánh K liền bị K bật bấm lưỡi dao ra rồi cầm ở tay phải đâm một nhát trúng vào cổ của anh Hùng. Sau khi đâm anh Hùng, K rút dao ra quay người bỏ chạy, L chạy theo K về nhà. Đến cổng nhà mình, K cầm con dao bấm vứt qua bờ tường rào vào trong vườn rồi cùng với L vào nhà tắt điện khóa cửa. Còn anh Hùng bị đâm đi lùi lại khoảng 02 bước chân rồi ngã gục ngay xuống mặt đường bê tông, được mọi người đưa đi cấp cứu. Hậu quả anh Hùng bị chết trên đường đi cấp cứu.

Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, Nguyễn Đình H, sinh năm 1981 trú tại xóm 3A,xã Y B, huyện H , tỉnh Nghệ An điều khiển xe máy đi đến nhà Nguyễn Doãn V, sinh năm 1957 (Bố đẻ của L và K) ở cùng xóm 3A. Khi đi đến ngã tư gần Nhà văn hóa xóm 3A, H gặp V một mình điều khiển xe máy đi ngược chiều, điều khiển xe máy sau V là Nguyễn Thị L, sinh năm 1972 trú cùng xóm 3A, xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An. H và V dừng xe máy, H nói: “Tình hình thằng Hùng chết rồi, nói quân nớ ra đầu thú”. V, H và Nguyễn Thị L điều khiển xe máy đi về nhà V. Tại cổng nhà V, H gọi: “L ơi ra anh hỏi”. Đang nằm trong nhà, nghe tiếng H gọi, Nguyễn Doãn L dậy bật điện và đứng ở cửa phòng khách. H và V điều khiển xe máy đi vào trong sân. V và H đi đến đứng ở thềm phòng khách (phía trên sát với bậc tam cấp). H thấy Nguyễn Doãn L đứng ở cửa phòng khách liền nói: “L ơi ra đầu thú đi em ạ, đường mô hắn cũng chết rồi”. Vừa lúc này, Nguyễn Thị L đến và đứng cùng với H và V ở thềm phòng khách. Nghe thấy H nói với Nguyễn Doãn L, K nằm trong giường ở phòng khách nói: “Ai làm kẻ đó chịu để em đi đầu thú cho”. V liền gọi K: “Con ra đây”, K từ trong giường đi ra đứng ở thềm phòng khách cùng với L, H, Nguyễn Thị L và V. V liền hỏi K và Nguyễn Doãn L: “Xảy ra án mạng cha hỏi, hai đứa bây đứa mô đâm anh Hùng”, K trả lời: “Con đâm, người mô làm thì người đó chịu, để con đi tự thú”. V nói: “Con ra tự thú đi”. Nguyễn Doãn L nghe vậy liền nói: “Để anh đi tự thú cho, em ở nhà mần công việc giúp cha mẹ trả nợ”. H nói với Nguyễn Doãn L: “Thôi em ra đầu thú đi, để thằng K ở nhà làm ăn giúp cha mẹ mà trả nợ”. K nói: “Con làm thì con chịu”/. H nói với Nguyễn Doãn L: “L vô mặc đồ dài, anh chở đi tự thú”. Đồng thời, H xuống sân quay xe máy, đầu xe hướng ra cổng để chờ L. Tại thềm phòng khách, V nói với Nguyễn Doãn L: “Con đi nhận tội thay em thì đi tự thú, cha cảm ơn con”. Nguyễn Doãn L đi vào phòng mặc quần áo dài, Nguyễn Thị L nói với V: “Con mô cũng là con, anh đi nhận tội thay em cũng được”. Lúc này, Nguyễn Doãn L mặc quần áo dài ra ngồi sau xe máy của H. H điều khiển xe máy chở Nguyễn Doãn L đi đầu thú. Đến khoảng 00 giờ ngày 01/8/2017, khi K đang nằm ngủ. V gọi K dậy và nói: “Con dùng dao chi mà đâm người ta chết rứa”, K trả lời: “Con đâm bằng dao bấm”, V nói: “Dừ mô rồi”, K nói: “Quăng ngoài vườn”, V nói: “Con ra tìm con dao nớ vô đây cho cha”. K đi ra vườn tìm khoảng 10 phút thấy và nhặt con dao mà lúc đầu K đã vứt rồi đưa vào dơ cho V xem. V nói: “Anh đi nhận hộ rồi, con đi rửa con dao rồi đưa lại cho cha”. K im lặng không nói gì cầm con dao đi ra nhà tắm, K dùng nước rửa sạch con dao rồi cầm vào đưa cho V. V nói K đi ngủ, còn mình thì ngồi tại bàn ghế phòng khách. Đến khoảng 02 giờ ngày 01/8/2017, V cầm theo con dao bấm mà K đưa đi ra đến gần hiện trường rồi ném con dao qua hàng cây dứa dại vào trong vườn nhà bà Huệ Biện. Sau khi ném con dao mà K dùng để đâm anh Hùng chết, V đi đến nhà anh Hùng. Đến khoảng 06giờ cùng ngày, V về nhà gọi K dậy và nói: “Anh đi nhận hộ rồi thì con tuyệt đối không được nói cho ai biết”.

Ngày 01/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã trưng cầu Giám định viên Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An giám định nguyên nhân chết và giám định dấu vết sinh vật đối với vật chứng của vụ án.

Tại bản kết luận giám định pháp y về tử thi số: 186/KL-PC54(PY) ngày09/8/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận nguyên nhân chết của anh Nguyễn Tú Hùng: Suy tuần hoàn cấp do vết thương làm đứt động mạch thân cách tay đầu bên trái.

Tại bản kết luận giám định số: 38/KL-PC54(SV) ngày 10/8/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An kết luận: Mẫu máu thu của tử thi Nguyễn Tú Hùng gửi tới giám định thuộc nhóm máu AB.

Trên con dao nhọn gửi giám định có dính máu, do lượng dấu vết quá ít nênkhông thể xác định được loài máu và nhóm máu.

Các vết chấm màu nâu dính trên chiếc áo phông gửi giám định không phải là dấu vết máu.

Ngày 15/11/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An có Công văn số 1234/HS( Đ 3) đề nghị Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An biện luận dấu vết như sau: Tất cả các vết thương thể hiện ở điểm 1.3; 1.4; 1.5 và 1.6 mục khám ngoài, phần giám định – Bản kết luận giám định pháp y về tử thi số 186/KL- PC54(PY) đề ngày 09/8/2017 của Phòng KTHS Công an tỉnh Nghệ An, là do sự tác động qua lại giữa cơ thể với vật tày có bề mặt không nhẵn tạo nên”.

Ngày 15/8/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định trưng cầu giám định số 172 trưng cầu Giám định viên Viện pháp y tâm thần Trung ương giám định tâm thần đối với Nguyễn Doãn L.

Tại kết luận giám định pháp y tâm thần số 426/KLGĐ ngày 07/12/2017 của Viện pháp y tâm thần Trung Ương – Bộ y tế kết luận: Trước, trong khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định bị can Nguyễn Doãn L bị bệnh chậm phát triển tâm thần nhẹ. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 có mã số F70. Tại các thời điểm trên bị can hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Vật chứng vụ án: 01 (Một) con dao, loại doa bấm gập, một lưỡi sắc, mũi nhọn. Phần lưỡi và cán dao làm bằng kim loại, dài 23cm, phần lưỡi dao dài 11cm, chỗ rộng nhất của lưỡi dao là 2,4cm. 01 (Một) chiếc áo phông ngắn tay cổ tròn màu xanh, loại áo nam. Mặt trước áo có các chữ cái A, W, E, S, O, M, E ở hàng trên và S, H, T, R, T ở hàng dưới.

Về trách nhiệm dân sự: Chị Nguyễn Thị Hạnh (Vợ nạn nhân) là người đại diện hợp pháp cho người bị hại yêu cầu bị can Nguyễn Doãn K bồi thường chi phí mai táng với số tiền là 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng); đền bù tổn thất về mặt tinh thần và tiền khắc phục hỗ trợ nuôi hai con nhỏ của anh Hùng và chị Hạnh đến đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật; hỗ trợ trong việc chăm sóc nuôi dưỡng bố mẹ đẻ của anh Hùng và đề nghị xử lý đối với Nguyễn Doãn K theo quy định của pháp luật. Hiện gia đình của Nguyễn Doãn K đã bồi thường cho gia đình chị Hạnh 80.000.000đ (Tám mươi triệu đồng).

Với nội dung trên, Bản cáo trạng số 30/VKS- P2 ngày 31 tháng 01 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An quyết định truy tố bị cáo Nguyễn Doãn K về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999; Nguyễn Doãn L, Nguyễn Doãn V, Nguyễn Đình H về tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự 1999.

Tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên nội dung Cáo trạng đã truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm n khoản 1 điều 93, điểm p, b khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn K từ 18 đến 19 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 08/8/2017.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm p, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn V từ 09 đến 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo thử thách từ 18 đến 24 tháng.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn L từ 06 đến 09 tháng tù.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình H từ 09 đến 12 tháng tù.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 tịch thu tiêu hủy 01 con dao là hung khí gây án.

Về trách nhiệm dân sự: áp dụng Điều 585, Điều 591, Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015 buộc bị cáo bồi thường chi phí tiền mai táng phí từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Tiền tổn thất tinh thần cho chị Hạnh, ông Minh bà Nga từ 80 triệu đến 90 triệu đồng. Tổng cộng 02 khoản từ 100 triệu đến 120 triệu đồng nhưng được trừ 80 triệu đồng đã bồi thường. Tiền cấp dưỡng nuôi con của anh Hùng, chị Hạnh cháu Nguyễn Tú Trung Hiếu, cháu Nguyễn Thị Thảo Nguyên mỗi cháu một tháng từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng kể từ ngày 31/7/2017 cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Luật sư bào chữa cho bị cáo K: Về hành vi phạm, tội danh không có ý kiến tranh luận. Nhưng mức án mà Viện kiểm sát đưa ra là nặng đối với bị cáo. Trong vụ án này, có một phần lỗi của người bị hại, thiếu kiềm chế, đã đánh K và L nên bị cáo K phần nào bị bức xúc. Sau khi phạm tội bị cáo muốn đi tự thú nhưng bị H, V ngăn cản. Quá trình điều tra và tại phiên tòa khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải. Gia đình bị cáo đã cố gắng khắc phục thiệt hại được 80 triệu đồng. Đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo mức án đầu khung hình phạt là 12 năm.

Luật sư bào chữa cho bị cáo L: Không tranh luận về tội danh. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo khai báo thành khẩn, năn năn hối cải. Bị cáo bị tâm thần nhẹ, chậm phát triển đã có kết luận giám định. Tại thời điểm phạm tội bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Bị cáo có nhân thân tốt, nhận thức pháp luật hạn chế, gia đình bị cáo bố có công với Nhà nước. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét về hình phạt cho bị cáo L, xét xử mức thấp nhất của khung hình phạt.

Các bị cáo không có ý kiến tranh luận, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Về bồi thường dân sự, bị cáo Nguyễn Doãn K đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo pháp luật.

Đại diện hợp pháp của người bị hại chị Nguyễn Thị Hạnh, ông Nguyễn Tú Minh đề nghị xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và đề nghị giải quyết trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về các quyết định và hành vi tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, người bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung: Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Doãn K, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Doãn V và Nguyễn Đình H thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An truy tố là đúng, không oan. Bị cáo K khai chính bị cáo là người dùng dao đâm anh Nguyễn Tú Hùng vào lúc hơn 21 giờ ngày 31/7/2017 tại khu vực Nhà văn hóa xóm 3A xã Y B, huyện H, tỉnh Nghệ An làm anh Hùng tử vong. Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H khai do xuất phát từ quan hệ huyết thống cha, con, anh, em và quan hệ hàng xóm, láng giềng nên đã bàn bạc Nguyễn Doãn L nhận tội thay. Cũng vì tình cảm anh em nên Nguyễn Doãn L đã ra đầu thú nhận tội thay. Xét thấy lời nhận tội của các bị cáo là phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai các nhan chứng, kết quả giám định và các tài liệu chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Đối chiếu hành vi của các bị cáo với các quy định của Bộ luật hình sự có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Doãn K phạm tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999. Các bị cáo Nguyễn Doãn L, Nguyễn Doãn V, Nguyễn Đình H phạm tội “Che giấu tội phạm” theo khoản 1 điều 313 Bộ luật hình sư năm 1999 như Cáo trạng truy tố.

[3] Vụ án có hai loại tội danh bị truy tố, Nguyễn Doãn K bị truy tố về tội “Giết người”, Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H bị truy tố về tội “Che giấu tội phạm”. Vì vậy cần đánh giá tính chất hành vi, tội danh truy tố, vai trò, nhân thân đối với các bị cáo tương ứng với từng loại tội cho phù hợp.

[4] Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Doãn K thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, vụ án xảy ra gây hoang mang dư luận trong quần chúng nhân dân. Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lời ăn tiếng nói mà bị cáo đã có hành vi dùng dao đâm anh Nguyễn Tú Hùng, tước đoạt tính mạng của anh Hùng gây đau thương mất mát cho gia đình bị hại, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an ninh xã hội. Vì vậy, cần áp dụng hình phạt nghiêm minh, tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo. Cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong thời gian dài nhằm cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người có ích, đồng thời răn đe phòng ngừa chung trong xã hội. Tuy nhiên xét, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo muốn đi đầu thú nhưng bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H và chị Nguyễn Thị L ngăn cản với mục đích để Nguyễn Doãn L đi đầu thú nhận tội thay cho K về hành vi dùng dao đâm chết anh Hùng. Nhưng, do ăn năn hối hận về việc làm của mình nên K đã đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đầu thú và khai báo toàn bộ hành vi phạm tội. Bản thân bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, về nguyên nhân xảy ra vụ án có một phần lỗi của nạn nhân. Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, thực sự ăn năn hối cải, đã tác động gia đình khắc phục một phần hậu quả cho gia đình người bị hại. Đây là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999. Ngoài ra, bị cáo có bố là người có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương. Đây là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 nên cũng cần xem xét lượng hình cho bị cáo để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, xử bị cáo dưới mức khởi điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát cũng đủ nghiêm. Về tình tiết tự thú tại điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 như Cáo trạng truy tố; Hội đồng xét xử thấy, vụ án phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra nhiều người biết. Sau hơn 01 tuần kể từ lúc xảy ra vụ án Nguyễn Doãn K mới đến cơ quan Công an khai báo về hành vi phạm tội của mình. Vì vậy, bị cáo chỉ được hưởng tình tiết đầu thú ở khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999.

[5] Đối với tội “Che giấu tội phạm: Các bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H biết rõ Nguyễn Doãn K là người dùng dao đâm chết anh Hùng nhưng đã trao đổi, bàn bạc, phân tích thiệt hơn để Nguyễn Doãn L đi nhận thay cho Nguyễn Doãn K. Hành vi của các bị cáo L, V và H là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng, gây khó khăn và kéo dài cho công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử vụ án. Mặt khác, còn làm ảnh hưởng xấu, xâm phạm đến trật tự, an toàn xã hội.

[6] Đối với Nguyễn Doãn V: Bị cáo là bố ruột của bị cáo K và bị cáo L trong vụ án. Sau khi K đâm chết anh Hùng bị cáo là người biết rõ L không pH là người gây ra cái chết cho anh Hùng, nhưng vì bị cáo L là người có hạn chế về nhận thức và hành vi nên V đã trao đổi bàn bạc với bị cáo Nguyễn Đình H, chị Nguyễn Thị L để bị cáo L đứng ra nhận tội giết anh Hùng thay cho bị cáo K. Sau khi bị cáo L đồng ý đi nhận tội thay cho K, V nói K đi tìm dao đem đi rửa sạch rồi cầm con dao đó vứt ở khu vực sát hiện trường xảy ra vụ án. Hành vi của bị cáo V đã phạm vào tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999. Đáng lẽ ra khi bị cáo biết K là người đâm chết anh Hùng bị cáo pH đưa K ra đầu thú nhưng lại động viên L đi nhận tội thay K, gây khó khăn và kéo dài thời gian điều tra vụ án. Cần xét xử nghiêm đối với bị cáo. Tuy nhiên, cũng cần xem xét bị cáo nguyên là quân nhân Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại nước CHDCND Lào. Sau khi phục viên đến nay đều sinh sống và sinh hoạt tại chi bộ xóm 3A, Đảng bộ cơ sở xã Y B, huyện H. Bị cáo luôn là người Đảng viên gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi công tác của tập thể. Bị cáo có 04 người con nhưng con gái đầu đã chết, người con trai thứ 3 là Nguyễn Doãn L bị bệnh tâm thần nên tất cả hy vọng đều mong chờ vào người con trai út là Nguyễn Doãn K. Cũng vì tình cảm gia đình, lại được sự bàn bạc của Nguyễn Đình H, Nguyễn Thị L và sự đồng ý đi nhận tội thay em của Nguyễn Doãn L nên bị cáo V mới đồng tình che giấu tội phạm. Bị cáo là người có nhân thân tốt, có công với Đảng và Nhà nước, được tặng thưởng huân, huy chương. Quá trình điều tra và tại phiên tòa hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

[6] Đối với bị cáo Nguyễn Doãn L: L là anh trai ruột của K, tối ngày 31/7/2017 sau khi biết K bị anh Hùng đánh, L đã nói: “Để tau xuống nói chuyện cho”. Sau khi biết K dùng dao đâm chết anh Hùng, K đã nhận với bố đẻ là Nguyễn Doãn V và muốn đi đầu thú. Nhưng Nguyễn Doãn L đã ngăn cản. Đồng thời được sự bàn bạc và trao đổi của Nguyễn Đình H và Nguyễn Thị L nên L đã đi nhận tội thay em ruột của mình là K về hành vi dùng dao đâm chết anh Hùng. Hành vi của Nguyễn Doãn L đã phạm tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự 1999. Cần xét xử nghiêm minh đối với bị cáo. Tuy nhiên, cũng vì tình cảm anh em trai ruột, lại được sự bàn bạc của V, H và Nguyễn Thị L và biết rõ bản thân L không thể giúp đỡ nhiều cho gia đình bằng K nên L mới đi nhận tội thay K. Bị cáo có nhân thân tốt, gia đình bị cáo có bố là người có công với Nhà nước được tặng thưởng Huân, Huy chương. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bên cạnh đó, bị cáo là người bị bệnh tâm thần dạng nhẹ theo quy định Quốc tế là F70. Bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình. Đây là các tình tiết giảm nhẹ tại điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999.

[7] Đối với Nguyễn Đình H: H là người có mối quan hệ họ hàng với các bị cáo V, K và L. Sau khi đến nhà V, bị cáo trực tiếp nghe rõ câu chuyện giữa V, K và Nguyễn Doãn L về việc K đã dùng dao đâm chết anh Hùng. Mặc dù vậy, H đã trực tiếp bàn bạc với bị cáo V, bị cáo L và Nguyễn Thị L về những thiệt hơn trong việc lo toan kinh tế gia đình giữa K và L. Dẫn đến việc L đi đầu thú nhận tội thay cho K về hành vi đâm chết anh Hùng và chính H là người chở L đến công an. Hành vi của H đã phạm tội “Che giấu tội phạm” quy định tại khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự năm 1999. Cũng cần xét xử nghiêm minh để làm gương cho những người khác. Tuy nhiên, cũng chỉ vì thấy thương cảm với hoàn cảnh của gia đình bị cáo Nguyễn Doãn V, lại được sự đồng ý của Nguyễn Doãn L đi nhận tội thay K nên mới phạm tội. Bị cáo có nhân thân tốt, gia đình bị cáo anh em nội ngoại có công với Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các tài liệu bị cáo cung cấp tại hồ sơ vụ án không đủ căn cứ để áp dụng khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Quá trình tham gia công tác Đoàn ở địa phương có nhiều thành tích góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Do vậy, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Các bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn V, Nguyễn Đình H đều có nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng. Vì vậy cần xử phạt nghiêm minh đối với các bị cáo nhưng xét thấy chưa cần cách ly ra khỏi đời sống xã hội mà cho các bị cáo cải tạo tại địa phương và ấn định thời gian thử thách đối với các bị cáo cũng đủ nghiêm.

[8] Đối với Nguyễn Thị L, mặc dù có dấu hiệu che giấu tội phạm, nhưng hành vi của L không có yếu tố quyết định việc Nguyễn Doãn L đi đầu thú nhận tội thay cho Nguyễn Doãn K. L không chứa chấp, nuôi dưỡng K đang trốn tránh pháp luật, đưa K đi trốn hoặc tìm nơi cho K ẩn náu cũng như không có hành vi cất giấu, thủ tiêu tang vật vụ án. Xét thấy tính nguy hiểm về hành vi của Nguyễn Thị L không cao nên Cơ quan điều tra không khởi tố và Viện kiểm sát không truy tố L về tội “Che giấu tội phạm” là đúng pháp luật.

[9] Về trách nhiệm dân sự: Quá trình điều tra và tại phiên tòa đại diện hợp pháp của bị hại chị Nguyễn Thị Hạnh yêu cầu bị cáo bồi thường tiền mai táng phí 45.000.000đ (Bốn mươi lăm triệu đồng). Tiền bồi thường tổn thất tinh thần, cấp dưỡng nuôi hai con của anh Hùng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi và tiền cấp dưỡng nuôi bố mẹ theo quy định của pháp luật. Quá trình điều tra và tại phiên tòa hai bên không thỏa thuận được, đề nghị xem xét theo quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử thấy rằng yêu cầu của chị Nguyễn Thị Hạnh là chính đáng nhưng căn cứ các quy định của pháp luật thì chỉ chấp nhận được các khoản sau:

- Tiền mai táng phí: chấp nhận ở mức 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng).

- Tiền tổn thất tinh thần: chấp nhận ở mức tối đa đề nghị của Viện kiểm sát là 90.000.000đ (Chín mươi triệu đồng). Khoản tiền này những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị hại được hưởng.

- Tiền cấp dưỡng nuôi con: Đối với 02 con của chị Hạnh và anh Hùng: Hội đồng xét xử xét thấy, trách nhiệm nuôi con là của hai người. Vì vậy, cần chấp nhận ở mức khởi điểm như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát 1.000.000đ (Một triệu đồng)/1 tháng kể từ khi tháng 8/2017 cho đến khi các con đủ 18 tuổi.

- Đối với yêu cầu cấp dưỡng bố mẹ của bị hại, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ông Nguyễn Tú Minh, bà Đinh Thị Sơn nghề nghiệp làm ruộng, không có lương hưu. Ông Nguyễn Tú Minh được hưởng tiền trợ cấp thương binh mỗi tháng 1 triệu đồng. Hiện ông Minh bà Nga nay đã già yếu nhưng tất cả các con của ông bà đều có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ. Ông Minh bà Sơn có 7 người con, anh Hùng mất còn lại 6 người, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi bố mẹ anh Hùng buộc bị cáo pH thực hiện. Vì vậy chấp nhận ở mức 200.000đ/tháng/1 người cho đến khi ông Minh bà Nga chết.

[10] Về vật chứng: 01 (Một) con dao, loại dao bấm gập, một lưỡi sắc, mũi nhọn hiện có tại Cục thi hành án tỉnh Nghệ An. Phần lưỡi và cán dao làm bằng kim loại, dài 23cm, phần lưỡi dao dài 11cm, chỗ rộng nhất của lưỡi dao là2,4cm thu giữ của bị cáo Nguyễn Doãn K là công cụ bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nên cần tịch thu tiêu hủy. 01 (Một) chiếc áo phông ngắn tay cổ tròn màu xanh, loại áo nam. Mặt trước áo có các chữ cái A, W, E, S, O, M, E ở hàng trên và S, H, T, R, T ở hàng dưới thu giữ của bị cáo không có giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.

Án phí: Buộc các bị cáo pH chịu án phí Hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm và án phí cấp dưỡng theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Nguyễn Doãn K phạm tội “Giết người”; các bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H phạm tội “Che giấu tội phạm”.

Áp dụng điểm n khoản 1 điều 93, điểm p, b khoản 1, khoản 2 điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017. Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn K 17 (Mười bảy) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam 08/8/2017.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn V 9 (Chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm n, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Doãn L 06 (Sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 12 tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Áp dụng khoản 1 Điều 313; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình H 9 (Chín) tháng tù cho hưởng án treo, thử thách 18 tháng. Thời hạn thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao các bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H cho chính quyền địa phương quản lý giáo dục trong thời gian thử thách án treo. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc theo dõi, giám sát bị cáo.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 Bộ luật hình sự; Điều 591; Điều 593 Bộ luật dân sự năm 2015, buộc bị cáo Nguyễn Doãn K pH bồi thường cho đại diện hợp pháp của người bị hại, cụ thể:

+, Tiền mai táng phí: 25.000.000đ (Hai mươi lăm triệu đồng)

+, Tiền tổn thất tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bị hại là vợ chồng ông Nguyễn Tú Minh bà Đinh Thị Sơn, chị Nguyễn Thị Hạnh và hai con cháu Nguyễn Tú Trung Hiếu, cháu Nguyễn Thị Thảo Nguyên số tiền 90.000.000đ (Chín mươi triệu đồng). Cụ thể mỗi người được hưởng 18.000.000đ (Mười tám triệu đồng).

Tổng cộng 02 khoản là 115.000.000đ (Một trăm mười lăm triệu đồng), bị cáo đã bồi thường được 80.000.000 (Tám mươi triệu đồng) nay còn pH bồi thường tiếp cho gia đình bị hại 35.000.000đ (Ba mươi lăm triệu đồng).

Buộc bị cáo Nguyễn Doãn K cấp dưỡng nuôi hai con chung của anh Hùng chị Hạnh mỗi con 1.000.000 (Một triệu đồng)/ tháng kể từ tháng 8/2017 cho đến khi các con đủ 18 tuổi. Cấp dưỡng nuôi ông Minh, bà Sơn mỗi người mỗi tháng200.000đ thi hành kể từ tháng 8/ 2017 cho đến khi ông Minh và Sơn mất.

Về vật chứng: Áp dụng 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tịch thu tiêu hủy 01 con dao, 01 áo phông có đặc điểm như biên bản giao nhận vật chứng giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An và Cục thi hành án dân sự tỉnh Nghệ An ngày 05/02/2018.

Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án, lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Nguyễn Doãn K pH chịu 200.000 đồng tiền án phí Hình sự sơ thẩm; 1.750.000đ (Một triệu bảy trăm năm mươi nghìn) án phí dân sự sơ thẩm và 300.000đ (Ba trăm nghìn) án phí cấp dưỡng. Buộc bị cáo Nguyễn Doãn V, Nguyễn Doãn L, Nguyễn Đình H mỗi bị cáo pH chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án. Nếu bên phải thi hành án không thi hành các khoản phải thi hành thì hàng tháng phải chịu khoản lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà Nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các bị cáo, người đại diện hợp pháp của người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

754
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2018/HSST ngày 27/03/2018 về tội giết người và che giấu tội phạm

Số hiệu:34/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:27/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về