Bản án 34/2018/HS-PT ngày 17/04/2018 về tội cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG

BẢN ÁN 34/2018/HS-PT NGÀY 17/04/2018 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 37/2018/TLPT-HS ngày 14 tháng 3 năm 2018 đối với bị cáo Lâm Đức N. Do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HS-ST ngày 31 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố T.

Họ và tên bị cáo có kháng cáo:

Lâm Đức N (tên gọi khác: Lâm N), sinh năm 1983 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Số X, khu phố B, phường T, thị xã T1, tỉnh Bình Dương; nơi tạm trú: Tổ M, khu N, phường P, thành phố T, tỉnh Bình Dương; nghề nghiệp: Kinh doanh; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lâm Văn H, sinh năm 1959 và bà Lâm Thị H1, sinh năm 1964; có vợ là Lưu Hồng Q, sinh năm 1984 (đã ly hôn) và 01 người con (sinh năm 2008); tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Năm 2009, có hành vi “Cố ý gây thương tích” nhưng bị hại có đơn bãi nại nên Tòa án nhân dân huyện T ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo; bị bắt tạm giam từ ngày 10/11/2017 đến nay; có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, trong vụ án còn có 02 bị cáo, 01 bị hại và 02 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Hoàng A và ông Vũ Văn H2 là bạn quen biết nhau. Ngày 15/3/2016, Hoàng A dẫn ông H2 đi xem và giới thiệu mua một nền đất tại phường T, thị xã B, tỉnh Bình Dương với thỏa thuận là nếu ông H2 mua đất thì cho Hoàng A bao nhiêu tiền giới thiệu cũng được, nếu không mua thì ông H2 giới thiệu cho người khác mua và tiền hoa hồng của khu đất mà chủ đất cho từ việc bán đất Hoàng A và ông H2 sẽ chia đôi. Ngày 30/3/2016, ông H2 đến khu đất mà Hoàng A đã giới thiệu thì gặp chủ đất là ông Nguyễn Thanh X, ông H2 thương lượng với ông X mua nền đất trên với giá 1.425.000.000 (một tỷ bốn trăm hai mươi lăm triệu) đồng, ông H2 đặt cọc trước cho ông X số tiền 100.000.000 (một trăm triệu) đồng. Ngày 31/3/2016, Hoàng A đến khu đất trên để xem đất và giới thiệu cho người khác mua thì nghe ông X nói lại là có người đã mua mảnh đất trên và đặt cọc tiền rồi nên Hoàng A hỏi ông X đặc điểm của người mua đất thì được ông X miêu tả lại đặc điểm của ông H2. Cùng ngày, Hoàng A đến nhà ông H2 hỏi chuyện thì ông H2 nói cho Hoàng A biết đã đặt cọc và sẽ mua khu đất mà Hoàng A đã giới thiệu. Ông H2 nói với Hoàng A “Chủ đất cho anh bao nhiêu tiền thì tôi không biết, nhưng tôi sẽ cho anh 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng tiền công mà anh đã giới thiệu, còn nếu chủ đất không cho thì tôi sẽ cho anh 02% trên tổng giá trị nền đất mà tôi đã mua”. Sau khi nghe ông H2 nói vậy thì Hoàng A cho rằng ông H2 đã cố tình qua mặt mình để mua đất nên lớn tiếng chửi ông H2 và không đồng ý. Hoàng A yêu cầu ông H2 rút lại tiền cọc không mua nền đất nữa nhưng ông H2 không đồng ý nên Hoàng A bỏ về và nói sẽ quay lại gặp ông H2 để nói chuyện. Sau khi Hoàng A ra về thì ông H2 đoán được Hoàng A sẽ tìm đến để gây sự nên ông H2 kể lại sự việc cho bà Nguyễn Thị T biết và nhờ bà T đứng ra nói chuyện khi Hoàng A đến gây sự với ông H2 thì bà T đồng ý. Ngày 01/4/2016, Hoàng A kể lại toàn bộ sự việc giữa Hoàng A và ông H2 cho Lâm Đức N, Lê Sỹ C, Nguyễn Văn T1 biết sự việc. Cùng ngày, Hoàng A dẫn N, C và T1 đến khu đất mà Hoàng A đã giới thiệu cho ông H2 mua. Sau khi xem đất Lâm Đức N nói với Hoàng A “Sao ông ngu quá, có miếng đất ngon vậy mà không dẫn tôi mua, chiều ông dẫn tôi đến nhà nó nói chuyện xem sao?”. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày, Hoàng A dẫn N, C và T1 đến nhà của ông H2 để nói chuyện. Khi thấy Hoàng A dẫn theo nhiều người đến nhà mình, ông H2 điện thoại nhờ bà T đến gặp Hoàng A, N, C, T1. Tại đây, Hoàng A nói cho bà T biết sự việc, bà T nói với ông H2 “Mày đã bậy rồi còn kêu tao đến làm gì”. Lúc này, N gọi ông H2 đến ngồi gần rồi dùng tay nắm cổ áo và chỉ vào mặt ông H2 nói “Mày có biết tao là ai không, tao là Lâm N đây, mày có tin tao lấy pha (mắt) mày không?”. Nghe vậy, ông H2 hoảng sợ, N nói tiếp “Bây giờ tao cho mày 03 phương án, một là mày mua đất trên thì đưa tụi tao số tiền 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng, hai là rút tiền cọc về để tao mua, ba là nếu mày cố tình mua đất mà không đưa tiền cho tụi tao thì tao chôn mày trên mảnh đất đó”. Lúc này, bà T gọi ông H2 ra ngoài nói chuyện rồi đi vào nhà nói với N là ông H2 đồng ý đưa cho N số tiền 100.000.000 (một trăm triệu) đồng nhưng N không đồng ý mà yêu cầu ông H2 phải đưa cho N số tiền 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng. Ông H2 sợ bị đánh nên nói với N qua ngày hôm sau sẽ trả lời, N đồng ý rồi cùng Hoàng A, C, T1 đi về. Ngày 02/4/2016, Hoàng A và N có công việc đi tỉnh Đắk Lắk nên N nói Hoàng A gọi C và T1 đến nhà ông H2 tiếp tục đe dọa buộc ông H2 phải đưa tiền. Khoảng 17 giờ ngày 02/4/2016, C và T1 thuê xe taxi đến nhà ông H2 để lấy tiền nhưng ông H2 không có ở nhà, C và T1 gặp bà T đang đứng trước nhà ông H2. Khi ông H2 về nhà, C hỏi ông H2 “Mày chọn phương án nào rồi?”, ông H2 trả lời sẽ rút tiền cọc lại để Hoàng A tự mua bán đất thì C và T1 không đồng ý, C nói: “Khách không mua nữa, mày phải mua miếng đất đó và trả cho tụi tao số tiền 200.000.000 (hai trăm triệu) đồng”, C và T1 đe dọa ông H2 nếu không đưa tiền thì sẽ không bảo toàn tính mạng. Ông H2 sợ nên xin giảm bớt số tiền thì C gọi điện thoại cho N hỏi ý kiến thì N đồng ý và giảm từ số tiền 300.000.000 (ba trăm triệu) đồng xuống còn số tiền 150.000.000 (một trăm năm mươi triệu) đồng. Ông H2 đồng ý nhưng do không có đủ tiền nên lấy số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng của ông H2 và vay của bà T số tiền 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng, tổng cộng là 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng đưa cho C, T1 và hẹn 10 ngày sau sẽ đưa hết số tiền 110.000.000 (một trăm mười triệu) đồng còn lại. Lúc này, C và T1 gọi điện thoại xin ý kiến của N thì N đồng ý nên C và T1 lấy số tiền 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng của ông H2 rồi đi về. Ngày 04/4/2016, C đem số tiền 40.000.000 (bốn mươi triệu) đồng đến nhà N đưa cho N thì N cho C số tiền 1.000.000 (một triệu) đồng để C trả tiền taxi và nạp thẻ cào điện thoại. Ngày 13/4/2016, ông H2 gọi điện thoại cho Hoàng A nói chưa có tiền và sẽ đưa cho Hoàng A sau nhưng Hoàng A không chịu và đe dọa ông H2 “Tụi giang hồ sẽ không để yên cho mày đâu ”. Ông H2 sợ nên nói Hoàng A đến nhà ông H2 lấy tiền. Hoàng A báo cho N biết nhưng do N đi nước ngoài nên gọi Hoàng A đến nhà ông H2 lấy tiền. Đến khoảng 20 giờ 35 phút ngày 13/4/2016, Hoàng A điều khiển xe mô tô hiệu Nouvo biển số 36B2– 031.X đến nhà ông H2 viết 01 tờ giấy cam kết sẽ không gây cản trở gì liên quan đến khu đất mà ông H2 đã mua và lấy số tiền 110.000.000 (một trăm mười triệu) đồng. Khi Hoàng A đang đếm số tiền 110.000.000 (một trăm mười triệu) đồng thì bị Công an thành phố T phát hiện bắt quả tang, thu giữ: Tiền Việt Nam 110.000.000 (một trăm mười triệu) đồng, 01 xe mô tô hiệu Nouvo biển số 36B2 – 031.X, 01 điện thoại di động hiệu Philips màu đen, 01 tờ giấy có nội dung cam kết không gây cản trở đến việc mua đất của ông Vũ Văn H2 do Hoàng A ký tên.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HS-ST ngày 31 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố T đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Lâm Đức N phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Về hình phạt:

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2

Điều 46; Điều 47; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt: Bị cáo Lâm Đức N 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/11/2017.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn xử phạt bị cáo Hoàng A 01 (một) năm 09 (chín) tháng 18 (mười tám) ngày tù, bị cáo Lê Sỹ C 01 (một) năm 08 (tám) tháng 05 (năm) ngày tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; tuyên về trách nhiệm dân sự, về biện pháp tư pháp, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/02/2018, bị cáo N có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt với lý do mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là quá nặng. Ngày 23/3/2018, bị cáo N có đơn kháng cáo bổ sung với nội dung xin được hưởng án treo với lý do bị cáo phạm tội lần đầu; bị cáo là con của thương binh, bị cáo là lao động chính trong gia đình, phải nuôi cha mẹ già, con nhỏ; bị cáo có nhiều đóng góp cho xã hội; đã khắc phục hậu quả cho bị hại và được bị hại có đơn xin bãi nại.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương tham gia phiên tòa phúc thẩm phát biểu ý kiến: Tội danh, điều luật mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử và áp dụng đối với bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo. Tại Tòa án cấp phúc thẩm, bị cáo cung cấp thêm tình tiết mới bị cáo có nhiều thành tích trong quá trình kinh doanh là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo đủ điều kiện hưởng án treo theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, sửa bản án sơ thẩm, xử phạt bị cáo N 02 (hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Bị cáo nói lời sau cùng: Thời gian bị tạm giam, bị cáo nhận thức được hành vi của mình là sai trái, mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo để về với gia đình và cống hiến cho xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, lời khai của bị cáo thống nhất với nội dung vụ án đã nêu trên, phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã đủ cơ sở kết luận: Xuất phát từ quan hệ giữa bị cáo Hoàng A và bị hại Vũ Văn H2 trong việc môi giới chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bị cáo Lâm Đức N đã cùng với các bị cáo Hoàng A, Lê Sỹ C và Nguyễn Văn T1 (không rõ nhân thân, lai lịch) thực hiện hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần bị hại H2 làm bị hại H2 lo sợ nên phải giao cho các bị cáo số tiền 150.000.000 (một trăm năm mươi triệu) đồng. Thực tế, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền trên.

[2]. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu đối với tài sản hợp pháp của cá nhân được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương. Bị cáo nhận thức được hành vi uy hiếp tinh thần của bị hại làm cho bị hại lo sợ để giao tài sản nhằm chiếm đoạt là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện, thể hiện ý thức xem thường pháp luật và bất chấp hậu quả, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Bị cáo có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm mà bị cáo đã thực hiện. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 135 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

 [3]. Xét kháng cáo của bị cáo:

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm, cha ruột của bị cáo là ông Lâm Văn H đã nộp các tài liệu thể hiện bị cáo được nhiều cơ quan, đơn vị khen thưởng trong quá trình kinh doanh nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu cung cấp bản chính để đối chiếu làm cơ sở xem xét tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo là thiếu sót. Tòa án cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ này theo quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho bị cáo. Mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo là không nặng và tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với bị cáo là đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với bị cáo. Do đó, không có cơ sở giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo là phù hợp.

Đối với kháng cáo xin được hưởng án treo: Căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nơi cư trú rõ ràng. Tuy nhiên, bị cáo có nhân thân xấu, là người chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo cho các bị cáo khác thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bị hại nên cần xử phạt tù để đảm bảo tính trừng trị đối với người chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, việc không bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù sẽ ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương, đặc biệt là các tội về xâm phạm quyền sở hữu tài sản đang gia tăng như hiện nay. Xét thấy, bị cáo N không đủ điều kiện để được hưởng án treo theo quy định tại Điều 60 của Bộ luật Hình sự và điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự về án treo. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không cho bị cáo hưởng án treo là đúng quy định của pháp luật. Kháng cáo của bị cáo xin được hưởng án treo là không có cơ sở chấp nhận. Đại diện Viện Kiệm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đề nghị cho bị cáo hưởng án treo là chưa phù hợp nên không được chấp nhận.

 [4]. Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

 [5]. Án phí hình sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015,

1. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lâm Đức N. Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 30/2018/HS-ST ngày 31 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố T:

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; các điểm b, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Xử phạt: Bị cáo Lâm Đức N 02 (hai) năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 10/11/2017.

2. Án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng Điều 135; khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Bị cáo Lâm Đức N phải nộp 200.000 (hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

443
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2018/HS-PT ngày 17/04/2018 về tội cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:34/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bình Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:17/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về