Bản án 34/2017/HS-PT ngày 24/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 34/2017/HS-PT NGÀY 24/07/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 24/7/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 27/2017/HSPT ngày 22/6/2017 đối với bị cáo Lê Phúc H, do có kháng cáo của bị cáo Lê Phúc H đối với bản án hình sự sơ thẩm  08/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện C.

Bị cáo có kháng cáo: Lê Phúc H, sinh năm: 1996; Trú tại: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm rẫy; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: kinh; Tôn giáo : không ; Trình độ văn hóa: 12/12; con ông Lê Văn U (sống) và bà Trần Thị D (sống); Anh chị em ruột có 02 người (lớn nhất là bị cáo, nhỏ nhất sinh năm 2000); Có vợ là Dương Thảo Q, sinh năm 1998; Có con sinh năm 2016; Tiền án: không; Tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (bị cáo có mặt).

Người bào chữa cho bị cáo: Luật sư Nguyễn Thanh D - Luật sư của Văn  phòng luật sư Quang D thuộc Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng (có mặt).

- Các bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, không bị kháng nghị, Hội đồng xét xử không triệu tập gồm: Phạm Minh D, Trần Tấn P, Trương Hoàng T.

Những người không kháng cáo, không liên quan đến kháng cáo Hội đồng xét xử phúc thẩm không triệu tập gồm: Bị hại ông Võ Văn N, ông Nguyễn Văn B; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 06/01/2016 trong đám cưới nhà ông Ngô Văn H tại A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng thì giữa Trần Văn Đ có mâu thuẫn với Trương Văn C nên cả hai cự cãi qua lại với nhau thì dùng tay chân đánh nhau, do bênh vực C nên Nguyễn Văn B dùng tay đánh vào mặt Đ một cái làm Đ bị chảy máu mũi sau đó B đưa C về nhà. Khoảng 30 phút sau, thì B trở lại đám cưới uống rượu xin lỗi và giải hòa với Đ. Vì có mối quan hệ quen thân với Đ nên Trần Tấn P điện thoại cho Phạm Minh D thì P nói cho D biết là “Có chuyện ở đám cưới” và hỏi D có dao không mang đến đám cưới mục đích là chém B để trả thù cho Đ, sau khi nhận được điện thoại của P thì D điện thoại cho Trương Hoàng T, hỏi T có dao không cho D mượn 01 cây và nói cho T biết là P có chuyện ở đám cưới thì T trả lời là ở nhà có dao chặt mía và đồng ý đem dao cho D và P. Khi điện thoại cho T xong thì D đến nhà T lấy một cây dao chặt mía và để trong yên xe mô tô hiệu Exciter, biển số 83D1-01684 chạy đến đám cưới. Đến khoảng 21 giờ 30 phút, D kêu P ra ngã tư Tha La đợi B về, P và D mỗi người chạy một xe về đến nhà P, P mang xe vào nhà cất rồi quay ra cho D chở ra Tha La. Trên đường đi D lấy cây dao trong yên xe đưa cho P và điện thoại cho T hỏi còn dao không thì T nói còn 02 cây thì D kêu T đem đến Tha La có chuyện và D tiếp tục điện thoại cho Lê Phúc H đi đến Tha La gặp D và P, do thường chơi chung với nhau nên H biết D và P có cự cãi và sắp đánh nhau với người khác nên H đồng ý đi, khi H điều khiển xe mô tô đi ngang nhà T thì T đứng trong lề đường kêu H chở T ra Tha La gặp D và P, nghe tiếng T kêu H dừng xe lại và cũng cho T biết việc D có điện thoại cho H, khi lên xe T đem theo 02 cây dao chặt mía và 01 ty phuộc xe Honda cả hai cùng đi đến Tha La gặp D và P. Tại đây T đưa cho D 01 ty phuộc xe, đưa cho H 01 cây dao nhưng H kêu T cầm dùm vì H chạy xe không cầm được, lúc này D nói cho H và T biết việc P có mâu thuẫn với B và tất cả đón đường đánh và chém B nên kêu H chạy xe chở T chạy theo xe của D và P. Sau đó D chạy xe chở P chạy trước, H chở T chạy phía sau khi đến cua quẹo khu vực nhà ông Phan Văn T thì Võ Văn N và Nguyễn Văn T mỗi người điều khiển một xe mô tô đi từ đám nhà ông H về, còn Nguyễn Văn Q điều khiển xe mô tô chở B chạy phía sau đi ngược chiều với xe mô tô của D và P, thấy Q chở B vừa qua mặt nên P la: “Nó kìa, nó kìa” thì D quay xe lại đuổi theo khoảng 30 mét, do thấy nhóm của P đuổi theo phía sau nên khi đến ao tôm của bà Phạm Thị T thì B kêu Q dừng xe lại, Q cùng B xuống xe đi đến chỗ D, P, T và H đang đứng thì B nói “Hồi nãy tôi xin lỗi Đ rồi mà sao còn rượt theo xe của tôi”, B vừa nói xong thì P dùng dao đốn mía chém B theo hướng từ trên xuống, B đưa tay lên đỡ thì trúng vào ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải, tiếp theo P chém dao thứ hai trúng vào cẳng tay phải của B một dao nữa, D cầm ty phuộc xe vào đánh B thì Q từ phía sau lưng của B nhảy vào đánh nhau với D, còn T cầm dao chém B nhưng chưa chém được thì B đạp T té ngã, B chạy lại hướng nhà ông T được khoảng 07 mét thì vấp ngã trên lộ đal tư thế nằm ngửa, đầu quay ra hướng lộ 933B, chân quay theo hướng cua quẹo, hai tay ôm vùng đầu và mặt, hai chân co lên đạp liên tục. Lúc này, P chạy đến đứng bên trái người của B, T đứng dưới chân bên trái của B, H đứng trên đầu cách đầu B khoảng 02 mét thì T cầm dao chém trúng vào chân B một cái, P chém vào đùi phải của B một cái làm trúng cái điện thoại hiệu Masstel bị hỏng và tiếp tục trúng vào đùi của B. Riêng H đứng trên đầu của B nhưng do thấy B nằm trên lộ bị P và T chém mà không có khả năng chống đỡ nên H không chém B.

Cùng lúc này, D dùng ty phuộc xe đánh vào đầu Q và Q cầm cây đèn pin nhỏ khoảng ngón tay cái đánh vào đầu, vai của D và giật D xuống lộ đal làm rơi ty phuộc xe D đang cầm, D chạy vào chòi tôm của bà T lấy cây dao nhưng bà Thơ giật lại và ôm không cho D ra ngoài, lúc này Q dùng ty phuộc xe đập phá xe của D và đạp xe ngã xuống lề lộ. Sau đó, Q chạy lại chỗ B thì P và T bỏ chạy. B chạy vào hàng ba nhà ông T thì Võ Văn N và Nguyễn Văn T quay xe lại, T đưa B đi cấp cứu ở trạm y tế xã A, N chạy xe của Q chạy phía sau gọi đèn cho Q chạy trước về chợ R thuộc ấp A, xã A.

Khoảng 05 phút sau, D chạy ra lộ thấy xe mình bị đập hư hỏng và ngã trên lề đường nên D kêu T đưa cây dao cho D và D điều khiển xe mô tô Exciter biển số 83D1-016.84 chở P đuổi theo nhóm của B, khi qua khỏi ngã tư Tha La khoảng 16 mét thì D và P đuổi kịp N, P ngồi sau dùng sóng dao chém vào sau gáy của N một cái thì N dừng xe quay lại và bị ngã xe thì P tiếp tục dùng sóng dao chém vào lưng của N một cái nữa và D dùng sóng dao chém liên tiếp vào người của N nhiều cái, vừa chém D vừa la “Mày dám đập xe tao hả”, thấy N bị ngất xỉu nên D dừng lại và quay sang đập phá xe mô tô của N, lúc này T và H chạy xe đến nên D và P đưa dao cho T mang về nhà cất và tất cả lên xe về, còn Q cầm ty phuộc xe đi lại ngã tư Tha La nhưng không gặp ai nên Q cũng đi về nhà trên đường về Q ném cây ty phuộc xe vào rẫy mía của bà Thạch Thị Pha N. Riêng Nguyễn Văn B sau khi bị gây thương tích được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng điều trị từ ngày 07/01/2016 đến 15/01/2016 thì xuất viện, còn Võ Văn N được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện C cấp cứu và điều trị từ ngày 07/01/2016 đến 12/01/2016 thì xuất viện.

Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 81/TgT-PY, ngày06/5/2016 của  Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận Võ Văn N bị tổn hại sức khỏe 13%, tổn thương vùng cổ, vành tai phải, góc hàm trái và cẵng tay phải do  vậtsắc gây nên, tổn thương vùng ngực trái do vật tày gây nên. Còn tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 82/TgT-PY, ngày 06/5/2016 của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng kết luận Nguyễn Văn B bị tổn hại sức khỏe 24%, tổn thương do vật sắc gây nên.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 08/2017/HSST ngày 12/5/2017 của Tòa án nhân dân huyện C, quyết định:

- Tuyên bố các bị cáo Phạm Minh D, Trần Tấn P (Hải Tặc), Trương Hoàng T, Lê Phúc H phạm tội “Cố ý gây thương tích”

- Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20, điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều46; điểm n khoản 1 Điều 48, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Phạm Minh D.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20, điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Trần Tấn P.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 53, Điều 69, Điều 74 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, Điều 91, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Trương Hoàng T.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20, điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Lê Phúc H.

Tuyên xử

Xử phạt bị cáo Phạm Minh D 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12/8/2016.

Xử phạt bị cáo Trần Tấn P (Hải Tặc) 02 (Hai) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 12/8/2016.

Xử phạt bị cáo Trương Hoàng T 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Xử phạt bị cáo Lê Phúc H 01 (Một) năm 03 (Ba) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt đi chấp hành án.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên phần án phí và quyền kháng cáo của các bị\ cáo, người bị hại và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Ngày 24/5/2017 bị cáo Lê Phúc H kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo với lý do: Bị cáo tự giác ngăn chặn, làm bớt tác hại của tội phạm, bị cáo tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, bị cáo phạm tội gây thiệt hại không lớn; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, bị cáo là lao động chính trong gia đình, gia đình có công với cách mạng. Sau khi án tuyên bị cáo tiếp tục bồi thường, khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa phúc thẩm :

Tại phiên tòa bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng giữ quyền công tố Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự và áp dụng điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự, chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bịcáo và giảm án cho bị cáo. Đối với kháng cáo xin hưởng án treo thì đề nghị hội đồng xét xử cấp phúc thẩm áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận vì bị cáo phạm tội với tình tiết côn đồ theo Nghị quyết 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phám Tòa án nhân dân tối cao tại mục 2 điểm a Điều 2  thì bị cáo không đủ điều kiện.

Người bào chữa cho bị cáo đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên về hình phạt. Còn về kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo thì đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận vì bị cáo có vai trò giúp sức, có nhân thân tốt chưa tiền án tiền sự và khắc phục toàn bộ số tiền mà bản án sơ thẩm buộc bị cáo bồi thường. Theo tinh thần Nghị Quyết thì bị cáo đủ điều kiện cho hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị cáo, bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về tính hợp pháp của đơn kháng cáo: Đơn kháng cáo của bị cáo Lê Phúc H nộp trực tiếp đến Tòa án nhân dân huyện C ngày 23/5/2017 theo qui định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự, nên coi là đơn kháng cáo hợp pháp và Hội đồng xét xử chấp nhận xem xét giải quyết đơn kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

[2] Tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo Phạm Minh D; Trần Tấn P; Trương Hoàng T và Lê Phúc H thừa nhận vào tối ngày 06/01/20017 các bị cáo dùng dao, phuộc xe honda gây thương tích cho bị hại Nguyễn Văn B với tỷ lệ thương tật của bị hại B là 24%. Sau khi thương tích cho bị hại B thì các bị cáo D và P còn dùng dao gây thương tích cho N với tỷ lệ thương tật là 13%. Tại phiên tòa sơ thẩm các bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của các bị cáo, khai nhận của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ. Như vậy, tòa án sơ thẩm đã áp dụng khoản 2 Điều 104 Bộ hình sự năm 1999 xét xử các bị cáo về tội cố ý gây thương tích là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

Hành vi phạm tội của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe hợp pháp của bị hại và đồng thời xâm phạm đến trật tự công cộng và làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự ở địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, cần xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tù của bị cáo Lê Phúc H: Xét thấy, cấp sơ thẩm đã xem xét cho bị cáo các tình tiết giảm nhẹ như bị cáo có nhân thân tốt chưa tiền án, tiền sự; bị cáo thật thà khai báo và ăn năn hối cải; khắc phục 01 phần hậu quả; gia đình bị cáo có công với cách mạng, được quy định tại các điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Cấp sơ thẩm áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ nói trên là chính xác là phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên, sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã khắc phục toàn bộ số tiền mà bản án sơ thẩm đã buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại B, đây là tình tiết giảm nhẹ mới tại điểm b khoản 01 Điều 46 Bộ luật hình sự. Do vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên, luật sư bào chữa cho bị cáo là áp dụng điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự giảm án cho bị cáo là phù hợp với pháp luật.

[4] Xét kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Phúc H thì cấp phúc thẩm nhận thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; có nhân thân tốt; hoàn cảnh gia đình khó khăn, con còn nhỏ, là lao động chính và sau khi xét xử sơ thẩm đã nộp đủ số tiền bồi thường cho bị hại tại Chi cục thi hành án dân sự huyện C. Tuy nhiên, Bị cáo và các đồng phạm khác bị cấp sơ thẩm truy tố và xét xử có tính côn đồ và theo mục 2 điểm a Điều 2 của Nghị Quyết số 01 ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì bị cáo không đủ điều kiện được hưởng án treo. Do vậy, Hội đồng xét xử chấp nhận sự đề nghị của Kiểm sát viên và không chấp nhận sự đề nghị của luật sư bào chữa cho bị cáo là không chấp kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo.

[5] Án phí Hình sự phúc thẩm bị cáo không phải nộp vì đơn kháng cáo của bị cáo được cấp phúc thẩm chấp nhận một phần.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự

- Căn cứ vào điểm a Khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự.

[1] Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lê Phúc H. [2] Không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo Lê Phúc H.

Áp dụng khoản 2 Điều 104; Điều 20, điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 144/2016/QH13, ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo Lê Phúc H.

Tuyên xử:

Xử phạt bị cáo Lê Phúc H: 01 năm tù (một năm tù). Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện thi hành án hoặc bắt đi chấp hành án.

[3] Án phí hình sự phúc thẩm bị cáo không phải chịu.

[4] Các phần quyết định khác của quyết định bản án hình sự sơ thẩm không kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

365
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 34/2017/HS-PT ngày 24/07/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:34/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:24/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về