Bản án 336/2018/DS-PT ngày 19/11/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 336/2018/DS-PT NGÀY 19/11/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong các ngày 01/11/2018, ngày 13/11/2018, 19/11/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 189/2018/TLPT-DS, ngày 21 tháng 9 năm 2018, về việc “Tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 28/2018/DS-ST ngày 12/06/2018 của Toà án nhân dân huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 332/2018/QĐ-PT, ngày 12 tháng 10 năm 2018 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Lê Thị S, sinh năm 1954;

Địa chỉ: ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

Người đại diện theo ủy quyền là anh Nguyễn Thành Q, sinh năm 1988; địa chỉ: ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

2. Bị đơn:

2.1. Lê Văn T, sinh năm 1966;

2.2. Lê Thị T1, sinh năm 1946;

2.3. Đỗ Thị H, sinh năm 1969;

Cùng địa chỉ: ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

2.4. Lê Văn T2, sinh năm 1963;

Địa chỉ: ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, Đồng Tháp.

Đại diện theo ủy quyền của bà T1, bà H và ông T2 là ông Lê Văn T, sinh năm 1966; địa chỉ: ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Lê Văn Đ, sinh năm 1941 (có mặt);

Địa chỉ: ấp Bình H, xã Bình T, huyện Cao L, Đồng Tháp.

3.2. Lê Thị N, sinh năm 1950;

Địa chỉ: ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, Đồng Tháp.

3.3. Lê Thị B, sinh năm 1955;

Địa chỉ: ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, Đồng Tháp.

3.4. Lê Thị N1, sinh năm 1957;

3.5. Nguyễn Thị M, sinh năm 1968 (có mặt);

3.6. Lê Phước T3, sinh năm 1992;

3.7. Nguyễn Thị N2, sinh năm 1990;

3.8. Lê Khắc T4, sinh năm 1995;

3.9. Lê Văn T5, sinh năm 1969;

3.10. Trần Thị T6, sinh năm 1974;

3.11. Lê Thị Kim Yến, sinh năm 1995;

3.12. Lê Thị Trúc G, sinh năm 1997;

3.13. Lê Thị Quế T7, sinh năm 2004;

3.14. Trần Thanh T8, sinh năm 1968;

3.15. Trần Thanh L, sinh năm 1993;

3.16. Trần Thị Ngọc T9, sinh năm 1994;

3.17. Trần Hoàng P, sinh năm 2003;

Cùng địa chỉ: ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

3.18. Nguyễn Thị B1, sinh năm 1959;

3.19. Lê Thị Kiều D, sinh năm 1986;

3.20. Lê Chí T10, sinh năm 1992;

3.21. Lê Văn S, sinh năm 1994;

3.22. Lê Thị Ngọc G1, sinh năm 1995;

3.23. Lê Trường G2, sinh năm 2001;

Cùng địa chỉ: ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

Đại diện theo ủy quyền của bà N, bà Lê Thị B, bà N1, anh T3, chị N2, anh T4, anh T5, chị T6, chị Y, chị G, chị Quế T7, anh T8, anh L, chị T9, anh P, bà Nguyễn Thị B1, chị Kiều D, anh T10, anh S, chị G1 và anh G2 là ông Lê Văn T, sinh năm 1966; địa chỉ: ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp (có mặt).

4. Người kháng cáo: Bà Lê Thị S là nguyên đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bà Lê Thị S trình bày:

Nguồn gốc đất là của ông Lê Văn T sinh năm 1887 (chết năm 1945) và bà Nguyễn Thị M sinh năm 1889 (chết năm 1952) (ông nội, bà nội của bà S) để lại cho ông Lê Văn H (cha bà S) sinh năm 1925 (chết năm 2011) và bà Đỗ Thị A (mẹ bà S) sinh năm 1926 (chết năm 1997) canh tác, sử dụng.

Ông Lê Văn H chết để lại phần đất có diện tích 20.912,6m2 thuộc các thửa 979 diện tích 900m2, thửa 978 diện tích 4.700m2, thửa 977 diện tích 1.780m2, thửa 592 diện tích 9.800m2, thửa 1678 diện tích 5.060m2 cùng tờ bản số 04, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 20/12/1995, đất tọa lạc tại xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

Ông H chết không để lại di chúc, không để lại bất kỳ một nghĩa vụ về tài sản nào mà những người thừa kế của ông H phải thực hiện. Ông H và bà A có 09 (chín) người con ruột, gồm: Lê Văn Đ, Lê Thị T1, Lê Thị N, Lê Thị S, Lê Thị B, Lê Thị N1, Lê Văn T2, Đỗ Thị H (lấy họ mẹ) và Lê Văn T.

Sau khi ông H chết, ông T cùng với các anh chị em khác làm hồ sơ phân chia tài sản thừa kế của ông Hộ để lại nhưng không có tên bà là Lê Thị S là con ruột của ông H thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Phần đất ông H chết để lại cho các con, các anh chị em khác đều đã được chia. Riêng bà S thì chưa được chia phần đất của mình. Hiện phần đất này ông T, bà T1, bà H, ông T2 đang canh tác và sử dụng (chưa sang tên).

Năm 2010, Nhà nước thu hồi một phần thửa 592 diện tích 1.936,3m2, tờ bản đồ 04 (bản đồ 299) để thực hiện dự án Đường ĐT 850 và ông H được bồi thường số tiền 730.221.600d. Do lúc đó ông H bị bệnh nên ông T và ông T2 đã thay mặt ông H nhận số tiền bồi thường nhưng đến nay ông T và ông T2 không chia cho bà S và các chị em khác phần tiền nói trên.

Phần đất của ông H, bà A chết có để lại, trong đó: Ông Lê Văn Đ được nhận và sử dụng là 12 công, bà Lê Thị TI nhận và sử dụng 04 công, bà Lê Thị N nhận và sử dụng 02 công, bà Lê Thị B nhận và sử dụng 01 công, bà Lê Thị N1 nhận và sử dụng 01 công, ông Lê Văn T2 nhận và sử dụng 05 công, ông Lê Văn T nhận và sử dụng 20.912,6m2, bà Đỗ Thị H nhận và sử dụng 1.780m2.

Nay bà S yêu cầu ông Lê Văn T, bà Lê Thị T1, bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn T2 và bà Lê Thị N chia thừa kế cho bà S với diện tích 2.200m2 trong phần diện tích 20.912,6m2, thuộc các thửa 592, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp B, xã Bình T; thửa 977, 978, 979, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp Bình T, xã Bình T; thửa 1678, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp Bình H, xã Bình T, đất do ông H đứng tên quyền sử dụng,

Đồng thời, bà Lê Thị S yêu cầu ông Lê Văn T và ông Lê Văn T2 chia cho bà S số tiền 80.000.000đ trong tổng số tiền 730.221.600đ do Nhà nước đền bù từ việc thu hồi diện tích 3.406,4m2 thuộc thửa 592, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp B, xã Bình T, huyện Cao L.

Bị đơn ông Lê Vãn T, bà Lê Thị T, bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn T2 và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị N, bà Lê Thị B, bà Lê Thị N1 cùng trình bày:

Năm 1992, cha mẹ của chúng tôi là ông H và bà A (cha mẹ) có họp tất cả các con lại để chia đất, khi chia đất ông H chỉ nói miệng, không có lập biên bản, tất cả các anh em đều được nhận đất (09 người con), riêng bà S được chia một phần nhưng bà S không nhận đất mà bà S yêu cầu được nhận 09 chỉ vàng (vàng 24kra) tương đương 04 công đất để thay cho việc nhận đất và tất cả các anh em đều biết sự việc nói trên. Các ông, bà đều thống nhất xác định sau khi bà A chết (1997), các đồng thừa kế của bà A không tranh chấp chia thừa kế đối với phần di sản của bà A, đồng thời đồng ý nhập phần di sản của bà A chết để lại là tài sản thuộc quyền sử dụng của ông H.

Phần đất bà S yêu cầu chia thừa kế thì hiện nay ông T, ông T2, bà H, bà N, bà T1 đang quản lý, sử dụng mỗi người một phần, cụ thể là 22.240m2 trừ đi diện tích Nhà nước lấy làm đường 3.404,6m2 còn lại là 18.833,6m2 trong đó ông T sử dụng diện tích khoảng 13.500m2, ông T2 sử dụng khoảng 2.000m2, bà H sử dụng khoảng 2.000m2, bà N sử dụng khoảng 1.000m2 và bà T1 sử dụng khoảng 500m2; bà N1, ông Đ và bà B thì không có quản lý, sử dụng đối với phần đất này.

Đối với số tiền 730.221.600đ từ việc nhận bồi thường diện tích đất bị thu hồi 3.406,4m2 thuộc thửa 592, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, bà S yêu cầu ông T và ông T2 chia thừa kế cho bà S số tiền 80.000.000đ. Số tiền 730.221.600d được Nhà nước bồi thường là diện tích đất thuộc thửa 592 đi qua đất của ông T và ông T2 nên ông T và ông T2 được hưởng số tiền này, các ông bà không có ý kiến gì. Việc này được ông H và các anh em của các ông, bà đều thống nhất chỉ trừ một mình bà S không đồng ý. Còn việc bà S cho rằng bà S được cha mẹ cho vàng vào năm 1977 lúc bà S đi lấy chông là không đúng. Nay các ông, bà không đồng ý theo yêu cầu chia thừa kế của bà S vì bà S đã nhận 09 chỉ vàng thay cho nhận đất. Trong vụ kiện này, các ông, bà cũng không có yêu cầu gì và cũng không trình bày gì thêm.

Ông Lê Văn Đ trình bày:

Ông thống nhất với nội dung trình bày của ông T. Ông cũng được cha mẹ chia đất vào năm 1992 và đã nhận đất. Phần đất hiện nay bà S yêu cầu chia thừa kế ông không quản lý, sử dụng. Trong vụ kiện này, ông không yêu cầu gì và cũng không trình bày gì thêm.

Bà Nguyễn Thị M trình bày:

Bà là vợ của ông Lê Văn T, bà thống nhất với nội dung trình bày của ông T. Trong vụ kiện này, bà không yêu cầu gì và cũng không trình bày bổ sung gì thêm.

Anh T3, chị N2, anh T4, anh T5, chị T6, chị Y, chị G, chị Quế T7, anh T8, anh L, chị T9, anh P, bà B1, chị Kiều D, anh T10, anh S, chị G và anh G2 cùng ủy quyền cho ông Lê Văn T đều thống nhất với nội dung trình bày của ông T. Trong vụ kiện này, họ không yêu cầu gì.

Bản án sơ thẩm số 28/2018/DS-ST ngày 12/6/2018 của Toà án nhân dân huyện Cao L tuyên xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị S về việc yêu cầu ông Lê Văn T, bà Lê Thị T1, bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn T2 và bà Lê Thị N chia thừa kế cho bà Lê Thị S diện tích 2.092m2, thuộc các thửa 592, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp B, xã Bình T; thửa 977, 978, 979, tờ bản đồ số 04, đất tọa lạc tại ấp Bình T, xã Bình T; thửa 1678, tờ bản đồ số 02, đất tọa lạc tại ấp Bình H, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị S về việc yêu cầu ông Lê Văn T và ông Lê Văn T2 chia thừa kế cho bà Lê Thị S số tiền 80.000.000đ (Tám mươi triệu đồng).

- Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Bà Lê Thị S phải chịu 3.528.000đ (đã nộp và chi xong).

- Về án phí: Bà Lê Thị S phải chịu 27.441.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền và thời hạn kháng cáo, quyền, nghĩa vụ và thời hiệu thi hành án của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 25/6/2018 nguyên đơn Lê Thị S kháng cáo đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 28/2018/DS-ST ngày 12/6/2018 của Toà án nhân dân huyện Cao L.

+ Yêu cầu ông Lê Văn T, bà Lê Thị T1, bà Đỗ Thị H, ông Lê Văn T2, bà Lê Thị N phải chia thừa kế cho bà S diện tích là 2.200m2 trong phần đất 20.912,6m2 do ông Lê Văn H đứng tên trên các thửa số: thửa 592 tờ bản đồ số 4 tọa lạc ấp B, xã Bình T, huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp; thửa 979, 978, 977 tờ bản đồ số 4 tọa lạc ấp Bình T, xã Bình T, huyện Cao L, Đồng Tháp; thửa 1678 tờ bản đồ số 4 tọa lạc ấp Bình H, xã Bình T, Cao L, Đồng Tháp.

+ Yêu cầu ông Lê Văn T và ông Lê Văn T2 chia cho bà S số tiền đền bù trong dự án ĐT 850 đoạn từ sông Cái Nhỏ - phà Miễu Trắng mà năm 2010 UBND huyện có thu hồi một phần đất diện tích 3406,4m2 số thửa 592 tờ bản đồ số 4 (bản đồ 299) số tiền 730.221.600đ. Bà S yêu cầu được nhận số tiền là 80.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn, bà Lê Thị S giữ nguyên nội dung khởi kiện và kháng cáo, yêu cầu được chia thừa kế tài sản là QSDĐ và tiền đền bù về đất của cha Lê Văn H đã chết để lại, yêu cầu Tòa phúc thẩm xử sửa án sơ thẩm và có thay đổi 1 phần về yêu cầu cụ thể là yêu cầu chấp nhận chia cho bà S hưởng thừa kế giá trị bằng tiền của 2.000m2 đất trong tổng diện tích đất 20.912m2 và 80.000.000đ trên tổng số tiền 730.221.600đ Nhà nước thu hồi đền bù của cha H để lại.

Bị đơn và những người đồng thừa kế khác ủy quyền cho bị đơn Lê Văn T xác định giữ nguyên ý kiến như đã trình bày ở sơ thẩm là không đồng ý chia thừa kế theo yêu cầu của bà S, yêu cầu Tòa phúc thẩm xử y như án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn Đ trình bày ông Đ thống nhất theo lời trình bày của ông T, phần đất cha H để lại hiện nay ông Đ không có sử dụng và ông Đ không yêu cầu chia thừa kế đất này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị M trình bày thống nhất với ý kiến của chông là Lê Văn T.

Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh đã phát biểu về tố tụng của Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đều chấp hành đúng quy định của pháp luật; về nội dung Kiểm sát viên nhận định tài sản là QSDĐ hiện do ông T, ông T2, bà T1, bà N, bà H đang sử dụng do cụ H là cha các đương sự đứng tên giấy chứng nhận QSDĐ, cụ H đã chết, không để lại di chúc, nên đã phát sinh di sản thừa kế, bà S yêu cầu chia là có căn cứ, về phần tiền Nhà nước thu hồi đất đền bù lúc cụ H còn sống, cụ H định đoạt, sử dụng, đến lúc cụ chết không có chứng cứ chứng minh còn số tiền này, nên bà S yêu cầu chia là không có cơ sở; đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận 1 phần kháng cáo của bà S về yêu cầu thừa kế phần đất, không chấp nhận phần yêu cầu chia tiền đền bù.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Tài sản mà bà S yêu cầu chia hưởng thừa kế có đủ cơ sở xác định là: QSDĐ theo giấy chứng nhận của cụ Lê Văn H được cấp ngày 20/12/1995 là 22.240m2, gồm: Bản đồ số 4 có các thửa số 979=900m2 đất T; thửa số 978=4.700m2 đất Q; thửa số 977=1780m2 đất Q; thửa 592=9800m2 đất T và bản đồ số 2 thửa số 1678=5.060m2 đất cói; năm 2010 Nhà nước mở đường giao thông ĐT850 thu hồi 3.404,6m2 đất của thửa 592 và ngày 17/4/2013 Nhà nước đã có ghi chú trang 4 điều chính và xác định diện tích thửa 592 của Lê Văn H còn sử dụng là 8.472,6m2, trong đó có 7.863,7m2 đất ONT và 608,7m2 đất CLN; như vậy sau thu hồi và điều chính thì đất cụ H còn trên giấy là 20.912,6m2; theo kết quả thẩm định của Tòa sơ thẩm và đo đạc thì đất hiện trạng là 22.888,2m2; nhưng trong đó việc đo đạc thửa 592 là không chính xác vì đã đo chông lấn lên thửa đất số 119 của bà Nguyễn Thị B vợ ông T2 đứng tên giấy, do đó diện tích thực tế của thửa 592 phải được xác định diện tích theo như ghi trên giấy chứng nhận (7.863,7m2đất ONT và 608,7m2 đất CLN) và kết quả đo thực tế thửa 1678 chỉ có 4.378,4m2, do đó diện tích của thửa đất này là phải tính theo diện tích thực tế, không lấy theo như ghi trên giấy chứng nhận. Vì vậy, tổng diện tích đất được xác định của cụ H còn lại đến nay để xem xét xét xử là 20.240m2.

[2]. Tuy rằng, vào năm 1992 cụ H đã có cho một số người con của cụ một số diện tích đất, họ đã nhận đất, được cấp giấy và sử dụng riêng, đây là quan hệ giao dịch tặng cho, không liên quan hay ràng buộc gì đến quan hệ về thừa kế; số diện tích đất còn lại được xác định trên là của cụ H, cụ đã kê khai, đăng ký được cấp giấy là chủ sử dụng đất từ năm 1995, đến năm 2011 cụ H chết, cụ không để lại di chúc, chứng tỏ diện tích QSDĐ này cụ H chưa định đoạt, cho nên đã làm phát sinh thừa kế, QSDĐ của cụ H đã trở thành di sản; ông T cho rằng đất này cha H đăng ký, sử dụng để dành phần riêng cho ông T, nhưng ông T chỉ nói bằng lý lẽ, không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ý chí của cụ H cho ông T, cho nên di sản là QSDĐ này phải được phân chia theo pháp luật, tất cả các người là đồng hàng thừa kế thứ nhất của cụ H gồm; Cha, mẹ, vợ, con của cụ H đều được chia hưởng như nhau theo quy định tại các Điều 649, Điều 650, Điều 651 của Bộ luật dân sự 2015.

[3]. Cụ thể là cha, mẹ và vợ cụ H đều đã chết, cụ H có tất cả 09 người con, hiện đều còn sống là các đương sự trong vụ án, gồm: Ông Đ, bà T1, bà N, bà S(nguyên đơn), bà B, bà N1, ông T2, bà H và ông T, cho nên đồng thừa kế di sản của cụ H hiện nay được xác định là 09 người con của cụ H có tên nêu trên.

[4]. Cụ H lúc còn sống ở chung với ông T, phần lớn do ông T chăm sóc, tổ chức lễ tang và thờ cúng, nên dành một phần di sản tương ứng một kỷ phần thừa kế cho ông T hưởng riêng là thỏa đáng. Do đó, nên chia di sản là đất của cụ H nêu trên thành 10 kỷ phần bằng nhau, cho các đồng thừa kế, trong đó ông T được hưởng 02 kỷ phần. Cụ thể là 20.240m2 đất di sản được chia làm 10 phần, cho mỗi người thừa kế một phần, (riêng ông Thảo là 02 phần), một kỷ phần tương ứng diện tích là 2.024m2; tuy nhiên, do bà S tự nguyện yêu cầu nhận 2.000m2 là ít hơn một kỷ phần, là có lợi cho bị đơn và các đồng thừa kế khác, nên được chấp nhận.

[5]. Do bà S yêu cầu được nhận di sản QSDĐ bàng tiền, nên phải dựa vào giá trị QSDĐ tương ứng của từng loại đất đã được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự đã định trong vụ án này ngày 18/7/2016 để xác định giá trị tài sản thuộc kỷ phần thừa kế của bà Sáu. Cụ thể kỷ phần di sản của bà S được hưởng là: Thửa đất số 592 = 780m2 đất T x 585.000đ = 456.300.000đ + 60m2 đất CLN x 90.000đ = 5.400.000đ; thửa 977 = 170m2 đất Q x 90.000đ = 15.300.000đ; thửa 978 = 470m2 đất Q x 90.000đ = 42.300.000đ; thửa 979 = 90m2 đất T x 195.000đ = 17.550.000đ; thửa 1678 = 430m2 x 66.000đ = 28.380.000đ. Tổng cộng bằng 2.000m2 đất, bằng tiền là 565.230.000đ.

[6]. Do di sản là đất hiện trạng như ông T và các đồng thừa kế khác khai nhận là có những người thừa kế đang sử dụng gồm: Ông T2 2.000m2; bà T1 500m2; bà N 1.000m2; bà H 2.000m2, số còn lại do ông T sử dụng. Như vậy, các đồng thừa kế có đang sử dụng di sản, nhưng mỗi người sử dụng không vượt quá kỷ phần họ được hưởng, cho nên phần QSDĐ thuộc kỷ phần di sản của bà S có đủ cơ sở xác định hiện do ông T đang quản lý sử dụng trồng cây ăn trái lâu năm, vậy nên tiếp tục giao QSDĐ thuộc kỷ phần của bà S cho ông T sở hữu, ông T có nghĩa vụ thanh toán giá trị bằng tiền theo giá trị đã xác định trên cho bà S là phù hợp.

[7]. Các đồng thừa kế khác như bà T1, bà N, bà H, ông T2 có đang sử dụng đất di sản, nhưng số lượng ít hơn kỷ phần thừa kế, nhưng các đương sự, cũng như ông T đều thống nhất tự nguyện sẽ chuyển tách giấy tờ riêng cho từng người, và các người thừa kế khác như ông Đ, bà N1, bà B cũng đều không có yêu cầu chia di sản thừa kế này, do vậy, các bên đương sự tự thực hiện giao dịch theo thủ tục hành chính đất đai theo quy định của pháp luật là được, Tòa án không đặt thành vấn đề giải quyết, không cần phải phán quyết chung trong vụ án này.

[8]. Đối với số tiền 730.221.600đ thuộc khoản tiền Nhà nước đền bù thu hồi đất của cụ H, thời điểm bồi thường là tháng 9/2010 cụ H còn sống mạnh khỏe, cụ H đã định đoạt cho ông T2 1/2, giao cho ông T quản lý 1/2 để sử dụng nuôi dưỡng, chăm sóc cụ H và nhiều tháng sau, đến tháng 01/2011 cụ H mới chết, tại thời điểm cụ H chết bà S không có căn cứ chứng minh số tiền đền bù này còn đang tồn tại thuộc sở hữu của cụ H, cho nên không có cơ sở chứng minh số tiền này là di sản, bà S yêu cầu chia hưởng 80.000.000đ trong số tiền đền bù nầy là không phù hợp pháp luật.

[9]. Ý kiến của Kiểm sát viên đề nghị chấp nhận 1 phần yêu cầu kháng cáo của bà S, sửa một phần án sơ thẩm là có căn cứ, được chấp nhận.

[10]. Từ những tình tiết, nội dung nhận định trên, có đủ cơ sở kết luận cấp sơ thẩm quyết định tuyên xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu chia thừa kế của bà S là không đúng pháp luật, mà cấp phúc thẩm phải chấp nhận 1 phần kháng cáo, chấp nhận yêu cầu chia di sản là QSDĐ bằng tiền cho bà S theo hướng nhận định trên.

[11]. Do sửa án sơ thẩm, nên người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; án phí sơ thẩm cũng được điều chính lại theo hướng bà S phải nộp tương ứng giá trị thừa kế được hưởng và phần tiền đền bù xác định không phải là di sản, bà S không được chấp nhận yêu cầu, nên bà S phải chịu án phí sơ thẩm phần này. Tuy nhiên, do bà S đã 64 tuổi đời, thuộc người cao tuổi, bà S đã có đơn xin miễn nộp tiền án phí, nên bà S được chấp nhận miễn nộp án phí theo pháp luật.

[12]. Các phần khác của quyết định án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2, Điều 148 và khoản 2, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Áp dụng: Điều 623, Điều 649, Điều 650, Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015; Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/12/2009 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của bà Lê Thi S; sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số: 28/2018/DS-ST ngày 12/6/2018, của Tòa án nhân dân huyện Cao L, tỉnh Đồng Tháp.

2. Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế bằng giá trị quyền sử dụng đất thuộc di sản là quyền sử dụng đất của cụ Lê Văn H để lại, của bà Lê Thị S đối với ông Lê Văn T. Buộc ông Lê Văn T phải thanh toán giá trị một kỷ phần thừa kế cho bà Lê Thị S được nhận hưởng số tiền là 565.230.000đ (năm trăm sáu mươi lăm triệu, hai trăm, ba mươi nghìn đồng).

3. Ông Lê Văn T được quyền sử dụng, làm chủ quyền sử dụng đất đối với phần đất thuộc kỷ phần thừa kế của bà Lê Thị S gồm: Diện tích 780m2 loại đất T + 60m2 loại đất CLN, cùng thửa số 592; diện tích 170m2 loại đất Q, thuộc thửa số 977; diện tích 470m2 loại đất Q, thuộc thửa số 978; diện tích 90m2 loại đất T, thuộc thửa số 979 (các thửa đất này cùng tờ bản đồ số 4) và diện tích 430m2, thuộc thửa số 1678, loại đất cói, tờ bản đồ số 2; tất cả các diện tích, của các thửa đất nêu trên tọa lạc tại xã Bình T, huyện Cao L, tình Đồng Tháp, trong giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 20/12/1995, do cụ Lê Văn H đứng tên chủ sử dụng, hiện trạng đất đang do ông Lê Văn T quản lý, sử dụng chung trong các thửa đất nêu trên.

4. Không chấp nhận yêu cầu chia hưởng 80.000.000đ trong tổng số tiền đền bù 730.221.600đ của bà Lê Thị S đối với ông Lê Văn T và Lê Văn T2.

5. Kể từ ngày bà S có đơn yêu cầu thi hành án mà ông T chưa thanh toán số tiền nói trên cho bà S, thì ông T còn phải chịu lãi cho bà S theo mức lãi bằng 50% quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật dân sự 2015, tương ứng số tiền và thời gian chậm thi hành án cho đến khi thi hành án xong.

6. Về án phí: Bà Lê Thị S được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm và không phải nộp án phí phúc thẩm; tiền tạm ứng án phí đã nộp 22.725.000đ bà S nộp ngày 07/6/2017, theo biên lai số 13232 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cao L được hoàn trả lại cho bà Lê Thị S.

7. Về chi phí tố tụng: Các chi phí về thẩm định, đo đạc và định giá tổng cộng 3.528.000đ bà S phải chịu, bà S đã nộp, chi xong, không phải nộp thêm.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, có quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

426
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 336/2018/DS-PT ngày 19/11/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đất

Số hiệu:336/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:19/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về