Bản án 333/2017/HS-PT ngày 03/07/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 333/2017/HS-PT NGÀY 03/07/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ CỐ Ý LÀM TRÁI QUY ĐỊNH CỦA NHÀ NƯỚC QUẢN LÝ KINH TẾ GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG

Trong các ngày từ 26 đến 30 tháng 6 và ngày 03 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử công khai phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 79/2017/TLPT-HS ngày 23 tháng 02 năm 2017, đối với bị cáo Huỳnh Văn Th và các bị cáo khác; do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2017/HSST ngày 12/01/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

* Các bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:

1/ Huỳnh Văn Th, sinh năm 1974; Trú tại: ấp Đ, xã T1, thành phố S, tỉnh Đồng Tháp; Chỗ ở hiện nay: xã P, huyện N2, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh - Công ty VL; trình độ học vấn: 12/12; con ông Huỳnh Quốc P1 (chết) và bà Trần Thị T2 (chết); vợ: Võ Thị Linh C1 và 02 con, lớn: sinh năm 2002, nhỏ sinh năm 2007; Tiền án; tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 11/11/2014 cho đến ngày 04/02/2016 được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; Bị cáo tại ngoại có mặt.
 
2/ Trần Thị Diễm Th1, sinh năm: 1973. Trú tại: đường X, phường Y, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; Chỗ ở hiện nay: ấp T3, xã T4, huyện L1, tỉnh Vĩnh Long; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán trưởng - Công ty VL; trình độ học vấn: 12/12; con ông Trần Văn Ng2 và bà Nguyễn Thị T5; chồng: Dương Hữu T6 và 01 con: sinh năm 2001; Tiền án; tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 11/11/2014 cho đến ngày 12/8/2016 được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại có mặt.

3/ Phạm Anh Th2, sinh năm: 1963. Trú tại: đường M1, khóm X1, phường Y1, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; Chỗ ở hiện nay: đường P2, khóm X2, phường Y2, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; Nghề nghiệp: Nguyên Tổ trưởng tổ nông sản - Công ty VL; trình độ học vấn: 12/12; con ông Phạm Duy Ch và bà Phạm Thị Thúy Đ1; vợ: Phan Thị Bích Ph và 02 con, lớn: sinh năm 1989, nhỏ sinh năm 2002; Tiền án; tiền sự: không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 05/10/2015 cho đến ngày 26/10/2016 được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại có mặt.

4/ Võ Minh Kh, sinh năm: 1989. Trú tại: đường P2, khóm X2, phường Y2, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long; Nghề nghiệp: Nguyên nhân viên phòng Kế hoạch kinh doanh - Công ty VL; trình độ học vấn: 12/12; con ông Võ Anh K và bà Hồ Thị Thu L2; chưa có vợ con. Tiền án; tiền sự: không. Bị cáo tại ngoại có mặt.

5/ Nguyễn Thị Tuyết Ng, sinh năm: 1962. Trú tại: đường H1, phường T3, thành phố K1, tỉnh Kon Tum; Chỗ ở hiện nay: đường S1, phường D, thành phố K1, tỉnh Kom Tum. Nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TP; trình độ học vấn: 12/12; con ông Nguyễn Đình L3 và bà Hứa Thị B1; chồng: Nguyễn Kim H2 (đã ly hôn năm 1993) và 05 con, lớn: sinh năm 1979, nhỏ sinh năm 1986. Tiền án; tiền sự: không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 05/10/2015 đến ngày 04/5/2017 được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại có mặt.

6/ Nguyễn Ngọc Th3, sinh năm: 1981. Trú tại: đường T4, phường Q, thành phố K1, tỉnh Kon Tum; Nghề nghiệp: Nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty TP; trình độ học vấn: 12/12; con ông Nguyễn Kim H2 và bà Nguyễn Thị Tuyết Ng (bị cáo cùng vụ án); vợ: Phạm Thị Lan Ch1 và 02 con, lớn: sinh năm 2008, nhỏ sinh năm 2013. Tiền án; tiền sự: không. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 05/10/2015 cho đến ngày 23/6/2016 được thay thế bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo tại ngoại có mặt.

* Luật sư bào chữa cho các bị cáo:

- Bào chữa cho bị cáo Th có luật sư: Nguyễn Thị Huyền Tr – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).
 
- Bào chữa cho bị cáo Th1 có luật sư: Lương Thị Bích D – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bào chữa cho bị cáo Th2 có luật sư: Dương Văn H – Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long (có mặt).

- Bào chữa cho bị cáo Kh có luật sư: Trần Văn T – Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Bào chữa cho bị cáo Ng có luật sư: Hoàng Như V – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai (có mặt).

- Bào chữa cho bị cáo Th3 có luật sư: Hoàng Như V – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai (có mặt).

* Nguyên đơn dân sự có kháng cáo: Công ty L

Địa chỉ: T5, phường C2, Quận Y, TP Hồ Chí Minh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Thế N – Chức vụ: Tổng Giám đốc
Đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Hoàng Ng1. Chức vụ: Phó Phòng Tài chính - Kế toán. (có mặt).

* Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn dân sự: Luật sư Nguyễn Văn Tr1 – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1/ Ông Trần Trọng N1, sinh năm 1967 (có đơn xin xét xử vắng mặt). Trú tại: đường H3, phường T6, quận Y3, TP Hồ Chí Minh.

2/ Ông Lưu Xuân B, sinh năm: 1960 (có mặt).

Trú tại: ấp T7, xã T8, huyện L1, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Ông Lê Văn C, sinh năm 1956 (có mặt).

Trú tại: Số 203B, ấp T7, xã T9, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long.

4/ Ông Nguyễn Phương M, sinh năm 1992 (có mặt).

Trú tại: ấp LH2, xã L4, huyện M2, tỉnh Vĩnh Long.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo cáo trạng và nội dung bản án sơ thẩm nêu hành vi phạm tội của bị cáo như sau: 

Công ty VL là Chi nhánh của Công ty L (đơn vị 100% vốn Nhà nước) được thành lập theo Quyết định số 164/QĐ-HĐQT ngày 14/6/2010 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty L và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0300613198-022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cấp ngày 02/7/2010. Công ty VL là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty L, được đăng ký hoạt động, sử dụng con dấu và mở tài khoản ngân hàng địa phương theo quy định. Ngành nghề kinh doanh: kinh doanh, chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lương thực, các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, vật tư thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp...Người đại diện theo pháp luật: ông Dương Lê D2 Giám đốc. Số vốn Công ty được giao tại thời điểm 31/12/2011 là 25.450.834.121 đồng.Trụ sở đặt tại số 23 đường H4, phường Y, thành phố V1, tỉnh Vĩnh Long. 

Đầu năm 2012, thông qua giới thiệu của ông Trần Trọng N1, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Tuyết Ng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Công ty TP đã gặp Huỳnh Văn Th, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty VL tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị việc hợp tác kinh doanh giữa hai công ty. Th về báo cáo lại với Dương Lê D2, Giám đốc Công ty VL về đề nghị hợp tác kinh doanh của Nguyễn Thị Tuyết Ng. Sau đó Nguyễn Thị Tuyết Ng đã gặp Dương Lê D2 để thống nhất hợp tác kinh doanh theo hình thức: Công ty VL ứng vốn cho Công ty TP bằng Việt Nam đồng (VNĐ) (trên cơ sở lãi suất USD) với mức lãi suất từ 6%-8%/năm; đồng thời thu lợi nhuận từ 40.000đ/tấn đến 130.000 đồng tấn hàng thực xuất. Toàn bộ đầu vào (mua nguyên liệu), đầu ra (tìm kiếm đối tác xuất khẩu) và các chi phí phát sinh trong quá trình hợp tác kinh doanh đều do Công ty TP thực hiện. Công ty VL chỉ ký hợp đồng xuất khẩu, ứng vốn cho Công ty TP, sau khi thực hiện hợp đồng và nhận doanh thu xuất khẩu, Công ty VL nhận lại tiền vốn đã ứng, lãi suất ứng vốn, lợi nhuận đầu tấn, số còn lại chuyển trả Công ty TP. Cơ sở để ứng vốn: đợt 1, tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, các đợt tiếp theo: hợp đồng xuất khẩu do Công ty VL ký với các đối tác nước ngoài có thông báo của ngân hàng về việc L/C (không huỷ ngang) có hiệu lực, thực hiện theo tiến độ thu mua hàng nhập kho, có sự kiểm tra, xác nhận của nhân viên Công ty VL. Dương Lê D2 đã chỉ đạo Huỳnh Văn Th thuê luật sư tư vấn việc hợp tác làm ăn với Công ty TP theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Để triển khai thực hiện việc hợp tác kinh doanh, Dương Lê D2 đã tổ chức họp Ban giám đốc và đại diện các phòng, ban chức năng của Công ty để phổ biến, quán triệt và giao nhiệm vụ cho các bộ phận.

Từ ngày 28/02/2012 đến ngày 06/12/2012, Công ty VL đã ký 25 Hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TP và lại ký kết 25 hợp đồng kinh tế (mua bán hàng hóa) làm cơ sở để Công ty TP xuất hóa đơn bán hàng cho Công ty VL. Đến nay, hai bên đã thanh lý 20 hợp đồng, 01 hợp đồng không thực hiện (Hợp đồng số 137 ngày 29/11/2012) với số lượng sắn lát xuất khẩu là 230.245,155 tấn, doanh thu xuất khẩu là 54.014.613,15 USD tương đương 1.132.071.102.770 đồng. Công ty VL đã thu tiền lãi ứng vốn 13.841.751.432 đồng, thu lợi nhuận đầu tấn 490.000.000 đồng.

Thời gian cuối tháng 8/2012 đầu tháng 9/2012, khi đang thực hiện các hợp đồng kinh tế đã ký với Công ty VL, trong đó có Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 95/HĐHTKD ngày 24/7/2012 và hợp đồng số 96/HĐHTKD ngày 24/7/2012, Công ty TP chưa có nguồn hàng để thực hiện với Công ty VL. Tại thời điểm đó Công ty TP có số lượng hàng sắn lát tồn kho, nhưng đang được thế chấp cho các ngân hàng: VDB Kon Tum và HDbank TP Hồ Chí Minh, số lượng hàng hóa được mua nhập kho từ năm 2011. Theo Biên bản kiểm hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp tại hai kho: Kho 332 S1, Kon Tum và Kho Diên Bình, Kon Tum ngày 16/01/2012 giữa VDB Kon Tum và Công ty TP thì số lượng hàng sắn lát khô có trong hai kho là 39.443.658 kg. Nguyễn Thị Tuyết Ng đã đề nghị với Dương Lê D2 chuyển tiền cho Công ty TP mua lại hai kho hàng trên, để một mặt, Ng có tiền thanh toán cho các ngân hàng, giải chấp hai kho hàng; mặt khác, Ng có hàng bán cho Công ty VL để xuất khẩu. Dương Lê D2 đã đồng ý với đề nghị của Ng. D2 chỉ đạo Huỳnh Văn Th để Th chỉ đạo Phạm Anh Th2 là nhân viên Phòng kế hoạch kinh doanh đến kiểm tra hai kho hàng và ký xác nhận chân hàng với Công ty TP làm cơ sở để chuyển tiền mua hai kho hàng. Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9/2012, Phạm Anh Th2 trực tiếp đến kiểm tra Kho 332 và Kho Diên Bình, nhưng chỉ đứng ngoài quan sát, không kiểm tra xác định chất lượng và khối lượng hàng hóa thực tế còn lại trong kho. Sau đó, D2, Th, Th2 cùng với Ban giám đốc Công ty VL cùng đến xem xét thực tế hàng hóa tại hai kho, nhưng cũng chỉ đứng ngoài quan sát, không kiểm tra xác định cụ thể khối lượng, chất lượng hàng hóa. Nguyễn Thi Tuyết Ng đề nghị Dương Lê D2 xác nhận hàng hóa trong kho theo số lượng hàng hóa được xác nhận tại biên bản kiểm hàng tồn kho ngày 16/01/2012 (BL 4900).

Phạm Anh Th2 căn cứ theo số liệu do Công ty TP cung cấp là Biên bản kiểm hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp ngày 16/01/2012 đã ký xác nhận khối lượng hàng hóa tại hai kho (kho 332 và kho Diên Bình) có tổng khối lượng là 39.500 tấn. Việc xác nhận được Th2 ký với Nguyễn Ngọc Th3 - Phó tổng giám đốc Công ty TP thành 4 bảng xác nhận khối lượng hàng hóa để làm căn cứ chuyển tiền theo 6 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cụ thể:

- Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa ngày 14/9/2012 xác nhận hàng hóa Kho 332, số lượng 22.000 tấn để thực hiện cho Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 95/HĐHTKD ngày 24/7/2012 và Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 96/HĐHTKD ngày 24/7/2012 (BL 4902).

- Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa ngày 21/9/2012 xác nhận hàng hóa Kho Diên Bình, số lượng 11.000 tấn để thực hiện cho hợp đồng hợp tác kinh doanh số 113/HĐHTKD ngày 15/9/2012 và hợp đồng hợp tác kinh doanh số 115/HĐHTKD ngày 19/9/2012 (BL 4903).
 
- Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa ngày 26/9/2012 xác nhận hàng hóa kho 332 và kho Diên Bình, số lượng 5.500 tấn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh số 118/HĐHTKD ngày 25/9/2012 (BL 4904).

- Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa ngày 05/11/2012 xác nhận hàng hóa kho 332, số lượng 1.000 tấn để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh số 127/HĐHTKD ngày 01/11/2012 (BL 4905).

Căn cứ vào các bảng xác nhận trên, Công ty VL đã chuyển số tiền 158 tỷ đồng cho Công ty TP (tương ứng với giá mua bán sắn lát khô là4.000đ/kg). Nhưng trên thực tế, hàng hóa giải chấp tại  hai kho khi xuất hết chỉ có 23.588,06 tấn (kho 332: 14.390,63 tấn, kho Diên Bình: 9.197,430 tấn), thiếu 15.911,94 tấn (kho 332: 11.109 37 tấn, kho Diên Bình: 4.802,57 tấn), tương đương 63.647.860.000 đồng (BL 4906 - 4918).

Hàng hóa trong hai kho giải chấp của Công ty TP không đủ để giao cho Công ty VL theo các xác nhận nêu trên. Mặt khác, Công ty VL không quản lý chặt chẽ tiền hàng theo từng hợp đồng, không quản lý hàng hóa trong kho, để Công ty TP dùng hàng hóa đã được xác nhận cho các hợp đồng sau chuyển để thực hiện cho các hợp đồng trước. Công ty VL không kiểm tra, xác nhận đúng thực tế hàng nhập kho của các hợp đồng sau, nhưng vẫn ký xác nhận hàng hóa theo số liệu do Công ty TP cung cấp, nên đã chuyển tiền ứng trước theo các hợp đồng không có đủ hàng hóa bảo đảm theo quy định, do phía Công ty TP đã nâng khống số lượng để ký xác nhận với Công ty VL, dẫn đến hậu quả bị mất vốn, cụ thể như sau:

Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 135 ngày 27/11/2012 (Hợp đồng Kinh tế số 135/HĐKT/2012 ngày 27/11/2012):

Ngày 27/11/2012, Dương Lê D2, Giám đốc Công ty VL ký với Nguyễn Thị Tuyết Ng, Tổng giám đốc Công ty TP hợp đồng hợp tác kinh doanh số 135, số lượng 20.000 tấn tương ứng giá trị ứng vốn 80 tỷ đồng (đơn giá 4 triệu đồng/tấn), lợi nhuận đầu tấn 130.000 đồng/tấn và lãi suất ứng vốn 6%/năm.

Các ngày 23/01/2013, 01/02/2013 Phạm Anh Th2, đại diện Công ty VL ký với Nguyễn Ngọc Th3, Phó Tổng Giám đốc Công ty TP 02 Bảng xác nhận khối lượng hàng hoá tổng cộng 31.000 tấn, trong đó hợp đồng 134: 2.000 tấn, hợp đồng 135: 20.000 tấn, hợp đồng 136: 9.000 tấn. Công ty VL tạm ứng 80 tỷ đồng, gồm:

Các ngày 02/01/2013, 28/01/2013, 01/02/2013, ông Lê Văn C, Phó Giám đốc ký 05 chứng từ chi (chuyển khoản) tạm ứng hợp đồng số 135 tổng cộng 56 tỷ đồng.

Ngày 30/01/2013 Dương Lê D2, Giám đốc ký chứng từ chi (chuyển khoản) tạm ứng 20 tỷ đồng; ngày 05/02/2013 ký ủy nhiệm chi 29 tỷ đồng, trong đó tạm ứng hợp đồng 135: 4 tỷ đồng, tạm ứng hợp đồng 136: 25 tỷ đồng. 

Công ty TP đã xuất cho Công ty VL 3.245,155 tấn mỳ lát, trị giá 14.527.661.505 đồng và trả tiền đối trừ công nợ 5.474.682.201 đồng, tổng cộng đã chuyển trả 20.002.343.706 đồng; còn lại 16.754,845 tấn mỳ lát không giao, số tiền nợ Công ty VL đến 31/3/2014 là 63.442.201.800 đồng (gốc 59.997.656.294 đồng, lãi 3.444.545.510 đồng) (BL 1854, 3174).

Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 136 ngày 28/11/2012 (Hợp đồng Kinh tế số 136/HĐKT/2012 ngay 28/11/2012):

Ngày 28/11/2012; Dương Lê D2, Giám đốc ký với Nguyễn Thị Tuyết Ng, Tổng Giám đốc hợp đồng hợp tác kinh doanh số 136, số lượng 20.000 tấn tương ứng giá trị góp vốn 80 tỷ đồng (đơn giá 4 triệu đồng/tấn), lợi nhuận đầu tấn 130.000 đồng/tấn, lãi suất ứng vốn 6%/năm.

Ngày 01/02/2013 Phạm Anh Th2 ký với Nguyễn Ngọc Th3 Bảng xác nhận khối lượng hàng hoá: 13.000 tấn, trong đó hợp đồng 135: 4.000 tấn, hợp đồng 136: 9.000 tấn. Công ty VL đã chuyển 48,2 tỷ đồng gồm:

- Ngày 15/01/2013 ông Lưu Xuân B, Phó Giám đốc ký chứng từ chi (chuyển khoản) 20 tỷ đồng (tạm ứng hợp đồng 136: 8 tỷ đồng)

- Ngày 05/02/2013 Dương Lê D2, Giám đốc ký chứng từ chi 29 tỷ đồng, trong đó tạm ứng hợp đồng 135: 4 tỷ đồng, tạm ứng hợp đồng 136: 25 tỷ đồng.

Công ty TP không giao 9.000 tấn mỳ lát cho Công ty VL. Sau khi Công ty TP không giao hàng, Công ty VL đã tìm tài sản của Công ty TP để thu hồi nợ, ngày 15/10/2013 ông Lưu Xuân B ký chứng từ chi 15,2 tỷ đồng giải chấp tài sản của Công ty TP đang thế chấp tại Ngân hàng là kho Hoàng Diệu - tỉnh Bình Phước và kho Newhop - tỉnh Bình Định chuyển về thế chấp tại Công ty VL để cấn trừ nợ.

Số tiền Công ty TP còn nợ Công ty VL đến 31/3/2014 là 52.345.400.000đ, trong đó nợ gốc ứng vốn hợp tác kinh doanh 33 tỷ đồng, nợ phát sinh do Công ty VL chi trả để lấy tài sản thế chấp 15,2 tỷ đồng, nợ lãi 4.145.400.00 đồng.

Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 138, 139 ngày 06/12/2012:

Ngày 06/12/2012, Dương Lê D2, Giám đốc ký với Nguyễn Thị Tuyết Ng, Tổng Giám đốc hợp đồng hợp tác kinh doanh số 138, 139 số lượng sắn lát từng hợp đồng 6.000 tấn, tương ứng giá trị góp vốn 24 tỷ đồng, lợi nhuận đầu tấn: 130.000 đồng/tấn, lãi suất ứng vốn là 6%/năm.
 
Sau đó hai bên ký bổ sung hợp đồng kinh tế số 138, 139/HĐKT/2012 ngày 06/12/2012, số lượng: 6.000 tấn, tổng giá trị thanh toán: 25,2 tỷ đồng.

Ngày 13/12/2012, Dương Lê D2 ký 02 chứng từ chi tạm ứng 9,6 tỷ đồng cho 2 hợp hợp khi chưa xác nhận hàng. Công ty TP chưa giao hàng, đến 31/3/2014, còn nợ Công ty VL tiền gốc 9,6 tỷ đồng, nợ lãi 1.137.600.000 đồng (BL 1854 ). 

Tài liệu điều tra xác định: Từ 25/11/2012 đến 23/01/2013, Công ty TP tiếp tục nhập hàng về kho 332. Võ Minh Kh và Nguyễn Phương M là nhân viên tổ nông sản thuộc Phòng Kế hoạch kinh doanh Công ty VL trực tiếp giám sát hàng hóa nhập vào kho và ký xác nhận hàng hóa nhập kho với Công ty TP tổng số 26.090,820 tấn (chưa trừ bì). Trong đó, Kh giám sát hàng nhập kho từ 25/11/2012 đến 23/12/2012 và từ 05/01/2013 đến 18/01/2013 lượng hàng nhập theo xác nhận là: 19.576.400 kg nhưng thực nhập chỉ 11.476.400 kg, lượng hàng được Công ty TP nâng khống là 8.100 tấn. Do Kh không giám sát đầy đủ số hàng thực nhập vào kho vì nhiều lúc Kh không có mặt tại kho mà vẫn ký theo đề nghị của Công ty TP. Kh biết số lượng hàng hóa không đủ theo các xác nhận, nhưng Kh tin tưởng nếu có thiếu hụt hàng hóa, Công ty TP vẫn phải bù cho đủ, nên Kh đã xác nhận hàng nhập kho theo số liệu do Công ty TP cung cấp. Nguyễn Phương M được cử lên thay cho Kh giám sát hàng nhập kho từ 24/12/2012 đến 04/01/2013, lượng hàng nhập kho theo các xác nhận của M với Công ty TP là 6.514,420 tấn, nhưng thực nhập chỉ có 3514,420 tấn, lượng hàng được Công ty TP nâng khống là 3.000 tấn. M không giám sát việc nhập hàng đầy đủ, không biết số lượng hàng hóa có đủ hay không, nhưng tin tưởng vào số liệu do Công ty TP cung cấp, nên đã ký các bảng xác nhận.

Phạm Anh Th2, Tổ trưởng Tổ nông sản thuộc Phòng Kế hoạch kinh doanh là người có trách nhiệm chính trong việc trực tiếp ký các Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa và tổng hợp, kiểm tra số liệu xác nhận từ các nhân viên trong tổ báo về để ký Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa với Công ty TP. Sau đó, Th2 chuyển về Phòng Kế hoạch kinh doanh, để Phòng Kế hoạch kinh doanh chuyển qua cho Phòng Kế toán. Trên cơ sở các xác nhận này, Trần Thị Diễm Th1, Kế toán trưởng đề xuất với lãnh đạo Công ty VL chuyển tiền tạm ứng.

Hàng ngày, Kh và M đều báo số liệu nhập hàng về cho Phạm Anh Th2 qua tin nhắn và gọi điện trực tiếp. Phạm Anh Th2 có ghi chép tổng hợp lại, nhưng không ký xác nhận ngay mà sau đó ký 7 Bảng xác nhận khối lượng hàng hóa kho 332 để chuyển tiền cho các hợp đồng 133, 134, 135: Xác nhận ngày 19/12/2012 số lượng 2.000 tấn; ngày 24/12/2012 số lượng 3.500 tấn; ngày 01/01/2013 số lượng 5.500 tấn;ngày 03/01/2013 số lượng 1.000 tấn; ngày 08/01/2013 số lượng 1.500 tấn; ngày 15/01/2013 số lượng 3.500 tấn và ngày 23/01/2013 số lượng 9.000 tấn. Tổng số hàng hóa theo 7 bảng xác nhận là 26.000 tấn, nhưng thực nhập chỉ 14.990,820 tấn, thiếu 11.100 tấn so với số liệu xác nhận của Kh và M đã ký với Công ty TP và báo về cho Phạm Anh Th2 (BL 30430-3045, 3107- 3110).

Tổng cộng đến tháng 11/2014 Công ty TP không trả Công ty VL số tiền 126.525.201.804 đồng, bao gồm: nợ gốc từ nguồn tiền tạm ứng hợp tác kinh doanh 102.597.656.294 đồng (=59.997.656.294 đồng + 33.000.000.000 đồng + 9.600.000.000 đồng), khoản nợ phát sinh 15,2 tỷ đồng do Công ty VL chi để lấy tài sản thu hồi nợ (tổng cộng nợ gốc 117.797.656.294 đồng), nợ lãi 8.727.545.510 đồng. Trong đó 2 hợp đồng 135,136 hai bên đã xác nhận hàng là 29.000 tấn nhưng Công ty TP mới chỉ giao được 3.245,155 tấn, thiếu 25.754,845 tấn sắn lát khô.

Hành vi nêu trên của Dương Lê D2 và các đồng phạm đã làm trái các quy định sau: Theo nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty VL và Công ty TP xác định hai bên hợp tác theo hợp đồng hợp tác kinh doanh không tạo lập nên một pháp nhân mới, đây là một hình Th đầu tư vốn ra ngoài ngành. Công ty VL là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Công ty L. Việc Công ty VL tự ý góp vốn hợp tác kinh doanh với Công ty TP, không thực hiện đúng chế độ quản lý, sử dụng vốn và các biện pháp bảo toàn vốn, không báo cáo xin ý kiến Tổng công ty trước khi thực hiện là vi phạm: Điều 11, Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính Phủ quy định: Công ty nhà nước có trách nhiệm bảo toàn vốn nhà nước bằng các biện pháp sau đây: “1. Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của Nhà nước;...4. Các biện pháp khác về bảo toàn vốn nhà nước tại Công ty nhà nước theo quy định của pháp luật”. 

Khoản 8, Điều 12, chương II Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính Phủ: “a) Hội đồng quản trị hoặc Tổng Giám đốc công ty nhà nước không có hội đồng quản trị quyết định các dự án đầu tư ra ngoài Công ty nhà nước trong phạm vi tổng giá trị đầu tư tài chính của Công ty nhà nước thấp hơn 50% vốn điều lệ hoặc theo phân cấp tại Điều lệ công ty. Đối với dự án đầu tư có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên, Công ty nhà nước báo cáo đại diện chủ sở hữu quyết định; Khoản 2, Điều 7 Quy chế quản lý tài chính Công ty L ban hành kèm theo Quyết định số 295/QĐ-HĐTV ngày 15/12/2011 quy định việc bảo toàn vốn tại Công ty mẹ phải được: “ a) Thực hiện đúng chế độ quản lý sử dụng vốn, tài sản, phân phối lợi nhuận, chế độ quản lý tài chính khác và chế độ kế toán theo quy định của pháp luật”; Khoản 8, Điều 8 của Quy chế trên quy định “a) HĐTV quyết định các dự án đầu tư ra ngoài Công ty mẹ trong phạm vi tổng giá trị đầu tư tài chính của Công ty mẹ thấp hơn 50% vốn điều lệ hoặc theo phân cấp tại Điều lệ Tổng công ty; đối với dự án đầu tư có giá trị từ 50% vốn điều lệ trở lên, Công ty mẹ báo cảo chủ sở hữu quyết định. Điều 8 Quy chế nội bộ về quản lý tài chính của Công ty VL ban hành kèm theo Quyết định số 305/QĐ-HĐQT ngày 22/11/2010: “Công ty không được tự ý góp vốn vào bất cứ doanh nghiệp nào khác”.

Vi phạm Quy chế quản lý tiền hàng trong mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ ban hành kèm theo Quyết định số 56/QĐ-HĐQT ngày 19/3/2008 của Hội đồng quản trị Công ty L, cụ thể:

Công ty VL ký kết và thực hiện đồng thời hai hình thức hợp đồng kinh tế là hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp đồng mua bán hàng hoá. Nội dung các hợp đồng đều quy định việc tạm ứng tiền và quản lý hàng hóa theo Quy chế quản lý tiền hàng trong mua bán, cung ứng hàng hóa nhưng đã không tiến hành kiểm tra tình hình tài chính, khả năng thực hiện hợp đồng của Công ty TP, vi phạm Điều 6 về Kiểm tra khách hàng: “Trước khi ký kết hợp đồng mua bán, Tổng công ty, đơn vị phải xem xét kỹ tư cách pháp lý, vốn điều lệ, tính hợp pháp của hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng thực hiện và uy tín của khách hàng. Trong trường hợp khả năng đảm bảo thực hiện hợp đồng của khách hàng thấp thì phải áp dụng triệt để một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như: đặt cọc, thế chấp tài sản, cầm cố, bảo lãnh tài sản theo quy định của pháp luật”.

Về điều kiện trả trước, ứng trước để bảo toàn vốn, khi ký hợp đồng với Công ty TP, Công ty VL áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát chân hàng, nhưng đã không thực hiện giám sát đầy đủ, chính xác số lượng hàng hóa dẫn đến không kiểm soát được lượng hàng thực tế, để Công ty TP nâng khống số lượng hàng hóa nhập kho, vi phạm Điều 15 quy định về điều kiện trả trước, ứng trước: “Kiểm tra, giám sát chân hàng của người bán, trị giá hàng tập kết chuẩn bị giao cho Tổng công ty, đơn vị phải bằng hoặc lớn hơn số tiền trả trước. Tổng công ty, đơn vị phải quyết định cử người của mình kiểm tra, giám sát chân hàng bằng văn bản. Khi kiểm tra, người được cử đi phải có biên bản kiểm tra và báo cáo kết quả với người ra quyết định cử đi”

Khi thực hiện việc ứng tiền cho Công ty TP, Công ty VL đã ứng vượt quá 50% vốn Tổng công ty giao. Cụ thể: hợp đồng 135 ứng 80 tỷ đồng, vượt 49,72 tỷ đồng (vốn giao năm 2013: 60,56 tỷ X 50% = 30,28 tỷ đồng); Hợp đồng 136 vượt 2 72 tỷ đồng (= 33 tỷ - 30,28 tỷ), vi phạm Điều 16. Mức trả trước, ứng trước: “Tổng số tiền trả trước, ứng trước (nếu có) tại thời điềm ký kết hợp đồng không được vượt quá 50% vốn điều lệ của Tổng công ty khi Tổng công ty thực hiện, 50% vốn Tổng công ty giao cho đơn vị tại thời điểm gần nhất khi đơn vị thực hiện”

Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Thị Tuyết Ng và đồng phạm trong việc Công ty TP hợp tác kinh doanh với Công ty VL.

Công ty Cổ phần tập đoàn TP Kon Tum đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 23/3/2000 đến nay thay đổi lần thứ 23 ngày 28/11/2011. Địa chỉ: đường S1, phường D, thành phố K1, tỉnh Kon Tum. Ngành nghề kinh doanh Bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu... vốn điều lệ: 510 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật: Nguyễn Thị Tuyết Ng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Đầu năm 2012, Công ty TP gặp khó khăn về tài chính, để có vốn kinh doanh, Nguyễn Thị Tuyết Ng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TP đã bàn bạc, thoả thuận với Dương Lê D2, Giám đốc Công ty VL và thống nhất hợp tác kinh doanh.

Trước đó năm 2011, Công ty TP vay của Ngân hàng TMCP phát triển Nhà thành phố Hồ Chí Minh (HDBank Hồ Chí Minh) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Kon Tum (VDB Kon Tum) số tiền 187,9 tỷ đồng để mua sắn lát lưu tại kho 332 và kho Diên Bình. Theo Biên bản kiểm hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp do VDB Kon Tum ký với Công ty TP, xác định tại thời điểm ngày 16/01/2012 số lượng mỳ lát tại 2 kho là: 39.443,658 tấn. Thời điểm tháng 8 và tháng 9 năm 2012 chưa đến mùa vụ thu hoạch sắn, để có hàng giao cho Công ty VL theo các hợp đồng đã ký, Nguyễn Thị Tuyết Ng đã bàn với Dương Lê D2 để Công ty VL mua lại hai kho hàng trên và được Dũng đồng ý. Theo đề nghị của các Ngân hàng, Ng đã thuê Công ty cổ phần giám định LV tiến hành giám định để xác định lượng hàng còn lại trong hai kho (do hàng hóa để lưu kho lâu, bị hư hỏng và hao hụt).

Tuy nhiên để có tiền trả Ngân hàng và sử dụng chi tiêu cá nhân, Nguyễn Thị Tuyết Ng không thông báo cho Công ty VL biết thực tế hàng hóa bị hao hụt, hư hỏng do để lâu và đang được giám định để xác định đúng số lượng, mà đề nghị Công ty VL xác nhận theo số lượng hàng hóa được thế chấp tại các ngân hàng từ thời điểm ngày 16/01/2012. Ngày 14/9/2012, khi Công ty cổ phần giám định LV đã có Báo cáo giám định, xác định lượng hàng trong hai kho có 24.838 tấn (tỷ lệ hư hại khoảng 30%). Biết rõ số lượng hàng trong kho chỉ còn khoảng 24.838 tấn, nhưng Ng và Th3 không cung cấp cho Công ty VL được biết về kết quả kiểm định. Từ ngày 14/9/2012 đến 05/11/2012 Ng đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Th3 - Phó Tổng Giám đốc Công ty TP ký với Phạm Anh Th2 - nhân viên Công ty VL 04 Bảng xác nhận hàng hóa của 6 hợp đồng 95, 96,113,115,118, 127, xác nhận hàng trong 02 kho là 39.500 tấn. 

Sau khi giải chấp, khối lượng hàng 02 kho xuất hết được 23.588,06 tấn, thiếu 15.911,94 tấn tương đương 63.647.860.000 đồng (so với xác nhận).

Từ 25/11/2012 đến 18/01/2013, Công ty TP tiếp tục nhập hàng về kho 332 để giao cho Công ty VL, Ng, Th3 đã chỉ đạo các nhân viên Công ty TP nâng khống phiếu cân hàng để Võ Minh Kh, Nguyễn Phương M là cán bộ giám sát kho phía Công ty VL ký các Biên bản xác nhận hàng hóa nhập kho, số lượng 26.090,820 tấn, nhưng thực nhập chi 14.990,820 tấn, thiếu 11.100
tấn tương đương 44,4 tỷ đồng (của các hợp đồng 133,134,135).

Việc Công ty TP tiếp tục nâng khống khối lượng hàng sắn lát khô tại kho 332 lên 11.100 tấn đề nghị Công ty VL chuyển tiền là do khi giải chấp kho hàng hóa có sẵn trong kho đang thế chấp các ngân hàng bị thiếu 15.911,94 tấn, Ng và Th3 đã dùng hàng hóa đã được hai bên xác nhận cho hợp đồng sau, chuyển qua thực hiện cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh số 95,96, 113,115, 118,127. Cụ thể, theo 6 hợp đồng trên, số hàng được xác nhận là 56.000 tấn, trong đó số hàng thiếu ở kho 332 và kho Diên Bình khi giải chấp là 15.911.940 kg. Để bù đắp số hàng này giao cho Công ty VL, Công ty TP đã lấy hàng ở các kho Phước Sơn - Bình Dương 9.000 tấn, kho Phú Lợi - Gia Lai 5.000 tấn (đã xác nhận với Công ty VL theo hợp đồng 128 và 129) chuyển qua thực hiện cho 6 hợp đồng thiếu hàng (BL 2727, 2947, 2989, 4816, 4817).

Số hàng đã xác nhận theo hợp đồng 133, 134, 135 là 60.000 tấn (trong đó có lượng hàng tại kho 332 xác nhận khống 11.100 tấn), nhưng Công ty TP mới giao đủ hàng theo hợp đồng 133, 134 là 40.000 tấn, và hợp đồng 135: 3.245,155 tấn. Tổng cộng đã giao hàng theo các hợp đồng 128, 129,133, 134 là 56.000 tấn. Toàn bộ số hàng giao nói trên là hàng của Công ty TP đã thực nhập cho Công ty VL theo các hợp đồng 133, 134, 135, 136, do vậy số hàng thực nhập ở các hợp đồng 135, 136 đã được lấy để bù đắp cho số hàng của hợp đồng 128, 129 đã được giao cho các hợp đồng 95,96,113,115, 118, 127 và bù đắp cho lượng hàng khống đã xác nhận ở hợp đồng 133, 134 (BL 2939, 2977, 3039, 3060, 3061, 3127, 4806, 10690, 10691).

Do sử dụng hàng của hợp đồng sau để bù số lượng hàng thiếu (do nâng khống số lượng) của các hợp đồng trước, dẫn đến hợp đồng 135 và hợp đồng 136, đã xác nhận hàng hóa nhập kho 29.000 tấn, nhưng thực tế Công ty TP mới giao 3.245,155 tấn. Còn lại 25.754,845 tấn sắn lát khô, đầu tháng
6/2013, Công ty TP mượn lại Công ty VL 6.000 tấn sắn lát khô và được Công ty VL đồng ý cho mượn, nhưng đến nay chưa hoàn trả. Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập có cơ sở xác định: Công ty TP có văn bản đề nghị mượn hàng và được phía Công ty VL đồng ý cho mượn. Ng và Th3 không có hành vi gian dối chiếm đoạt 6.000 tấn sắn lát khô đã mượn của Công ty VL. Như vậy, còn 19.754,845 tấn hàng sắn lát khô, tương ứng với số tiền mà Công ty VL đã ứng trước cho Công ty TP là 79.019.380.000 đồng đã bị Ng và Th3 chiếm đoạt.

Quá trình điều tra các bị cáo khai:

Dương Lê D2, nguyên Giám đốc Công ty VL (bắt tạm giam ngày 06/11/2014, tự sát trong trại tạm giam B14 ngày 04/12/2014) khai: D2 được bổ nhiệm Giám đốc từ tháng 6/2010, đến ngày 19/2/2014 có quyết định thôi giữ chức vụ để chữa bệnh. Năm 2012, thông qua báo cáo của Huỳnh Văn Th, Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh về việc Bà Ng, Tổng giám đốc Công ty TP đề nghị việc hợp tác kinh doanh với Công ty VL, D2 đã đồng ý hợp tác kinh doanh với Công ty TP và chỉ đạo Th thuê luật sư tư vấn hợp đồng khung về hợp tác kinh doanh. D2 đã đại diện ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh tế với Công ty TP, chỉ đạo các Phòng chức năng cử người tham gia thực hiện, ký các chứng từ tạm ứng tiền. D2 thừa nhận Công ty VL không được tự ý đầu tư vốn ra ngoài công ty; mặc dù Tổng công ty có Văn bản số 5742 ngày 18/12/2012 nêu rõ việc hợp tác kinh doanh với Công ty TP là trái nguyên tắc, vượt thẩm quyền nhưng năm 2013
D2 vẫn chỉ đạo thực hiện các hợp đồng với Công ty TP theo hình Th hợp tác kinh doanh; thực hiện việc tạm ứng vốn và quản lý hàng hóa theo các hợp đồng không đúng quy định không kiểm tra, kiểm soát được hàng hóa mua vào nhập kho, chuyển tiền thanh toán khi chưa có đủ điều kiện, chuyển ứng vượt quy định. D2 thừa nhận đã làm trái quy định của Nhà nước và Tổng công ty như đã nêu trên. Ngoài ra, D2 còn khai không trao đổi và bàn bạc với Nguyễn Thị Tuyết Ng để xác nhận khống hàng hóa tồn kho làm cơ sở để chuyển tiền cho Công ty TP (BL 287). 

Huỳnh Văn Th, được bổ nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh từ ngày 19/7/2010 khai: Đầu năm 2012 thông qua môi giới Nguyễn Thị Tuyết Ng có gặp Th và đề nghị việc hợp tác kinh doanh giữa hai công ty. Sau đó, Th báo cáo lại với Dương Lê D2, Giám đốc Công ty. D2 đồng ý với đề nghị của bên Công ty TP và chỉ đạo Th thuê luật sư tư vấn các nội dung hợp đồng, để hai bên ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh tế với Công ty TP, Th không kiểm tra tình hình tài chính, khả năng thực hiện, uy tín của khác hàng. Thực hiện nhiệm vụ của phòng kinh doanh, sau khi công ty TP tìm kiếm khách hàng và chuyển Hợp đồng ngoại thương và hợp đồng Hợp tác kinh doanh cho Công ty VL (qua Email) và trao đổi việc ký hợp đồng với Th, các nhân viên trong phòng Kế hoạch kinh doanh (Bùi Thị Ng3, Trần Thị Thúy A) sẽ gửi cho Th xem nội dung các bản hợp đồng để Th duyệt và trình D2 Giám đốc Công ty ký. Để thực hiện việc quản lý, theo dõi hàng nhập kho Th phân công cho Phạm Anh Th2 nhân viên phòng kế hoạch kinh doanh và một số nhân viên khác nhiệm vụ giảm sát quản lý hàng nhập vào các kho của công ty TP mà hai bên sử dụng để hợp tác kinh doanh, mỗi hợp đồng hợp tác kinh doanh phòng kế hoạch kinh doanh đều thông báo cho Th2 biết để theo dõi ký xác nhận hàng và chuyển về công ty để làm thủ tục tạm ứng tiền (BL 339).

Khoảng tháng 8 năm 2012 khi tiến hành giải chấp hai kho hàng 332 Sư Sạn Hạnh và kho Diên Bình, Th gọi điện chỉ đạo Phạm Anh Th2 lên hai kho hàng trên để kiểm tra trước; sau đó Th cùng đoàn kiểm tra của Công ty VL lên kiểm tra hai kho hàng. Th và D2 nghe Th2 báo cáo: Không kiểm tra cụ thể được hàng hóa trong các kho. D2 có nói với Th và Th2 xác nhận hàng theo báo cáo của Công ty TP. Sau đó, Th cũng nói với Th2 làm theo ý kiến của ông D2. Đến tháng 11/2012, Th đề nghị thành lập Tổ nông sản do Phạm Anh Th2 làm Tổ trưởng, thì Th2 chịu trách nhiệm phân công các tổ viên kiểm tra giám sát chân hàng và trực tiếp tổng hợp số liệu để ký các bảng xác nhận khối lượng hàng hóa chuyển về Công ty làm cơ sở tạm ứng tiền cho Công ty TP (BL 294, 295, 10532).

Huỳnh Văn Th khai trong quá trình thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Th không được Dương Lê D2 chỉ đạo xác nhận hàng khống, Th cũng không chỉ đạo Phạm Anh Th2 và các nhân viên Công ty VL xác nhận hàng khống cho Công ty TP (BL 10532).

Trần Thị Diễm Th1, được bổ nhiệm Kế toán trưởng Công ty VL từ ngày 5/7/2010 khai: Th1 thực hiện chỉ đạo của Dương Lê D2, với vai trò Kế toán trưởng, Th1 đã ký toàn bộ chứng từ đề nghị ứng tiền cho Công ty TP thực hiện hợp tác kinh doanh, theo dõi thực hiện, thanh lý hợp đồng. Quá trình thực hiện, mặc dù Tổng công ty có văn bản số 5742 ngày 18/12/2012 nêu rõ việc hợp tác kinh doanh với Công ty TP là trái nguyên tắc, vượt thẩm quyền, Th1 vẫn ký đề nghị tạm ứng tiền và thực hiện thanh lý các hợp đồng với Công ty TP theo hình Th hợp tác kinh doanh (ứng vốn thu lãi suất và lợi nhuận đầu tấn); ký đề nghị tạm ứng vượt mức quy định. Th1 thừa nhận việc làm của mình trái quy định của Nhà nước và Tổng công ty. 

Phạm Anh Th2, Tổ trưởng Tổ nông sản Công ty VL khai: Th2 làm việc tại Công ty từ tháng 9/2010, đến tháng 11/2012 được bổ nhiệm giữ chức Tổ trưởng tổ nông sản, có nhiệm vụ kiểm tra, xác nhận hàng để ứng tiền thực hiện họp tác kinh doanh theo chỉ đạo của Huỳnh Văn Th. Th2 thừa nhận vào tháng 8/2012, khi kiểm tra kho 332 và kho Diên Bình của Công ty TP, Th2 chỉ đứng ngoài cửa kho để nhìn bằng trực quan, không kiểm tra cụ thể số lượng và chất lượng hàng trong kho, biết hàng để lâu sẽ hao hụt nên khi đoàn kiểm tra của Công ty VL lên xem xét hai kho hàng, Th2 có báo cáo cho Dương Lê D2, Huỳnh Văn Th biết và được D2 chỉ đạo là cứ ký xác nhận theo số liệu phía Công ty TP cung cấp sau này thiếu hụt phía Công ty TP sẽ có trách nhiệm bù và do tin ở số liệu công ty TP nên Th2 đã lập và ký 04 bảng xác nhận khối lượng hàng hóa với Nguyễn Ngọc Th3, căn cứ vào biên bản kiểm hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp ngày 16/1/2012, xác định số lượng hàng thế chấp là 39.443,658 tấn. Khi xác nhận, Th2 tự ý làm tròn thành 39.500 tấn. Thực tế hàng xuất hết chỉ được 23.588,06 tấn (kho 332: 14.390,63 tấn, kho Diên Bình: 9.197,430 tấn), thiếu 15.911,940 tấn (kho 332:11.109,37 tấn, kho Diên Bình: 4.802,57 tấn), tương đương 63.647.860.000đ. Thời gian từ 01/11/2012, Th2 là Tổ trưởng Tổ nông sản của Công ty VL, có trách nhiệm kiểm tra và phân công các tổ viên giám sát các kho hàng. Thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 2 năm 2013, Công ty TP nhập nhiều hàng mới (sắn lát khô) vào kho 332 Sư Vạn Hạnh để giao hàng cho Công ty VL. Th2 có trách nhiệm trực tiếp tổng hợp số liệu từ các nhân viên giám sát các kho báo về để lập và ký các bảng xác nhận khối lượng hàng hóa với công ty TP, nhưng Th2 đã không kiểm tra các bảng xác nhận của các tổ viên, không kiểm tra thực tế hàng hóa, chỉ dựa trên số liệu do tổ viên báo qua điện thoại, sau đó ký 7 bảng xác nhận khối lượng hàng hóa dẫn đến việc nhập hàng thiếu 11.100 tấn sắn lát khô, gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Trong quá trình Th2 giám sát, xác nhận hàng hóa thực hiện hợp tác kinh doanh với Công ty TP, Th2 không được Dương Lê D2, Huỳnh Văn Th chỉ đạo xác nhận hàng khống; không thỏa thuận, trao đổi gì với Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3 về việc xác nhận hàng khống và không xác nhận hàng khống cho Công ty TP (BL 10554).

Võ Minh Kh, nhân viên Tổ nông sản Công ty VL giám sát nhập, xuất hàng kho 332 khai: Kh vào làm từ tháng 7/2012, được Huỳnh Văn Th, Phạm Anh Th2 giao giám sát việc nhập, xuất hàng ở kho 332 từ đầu tháng 9/2012, có nhiệm vụ giám sát việc nhập, xuất hàng để báo cáo cho Phạm Anh Th2 biết, để trên cơ sở đó Th2 ký các bảng xác nhận khối lượng hàng hóa với Nguyễn Ngọc Th3 làm cơ sở để Công ty VL chuyển tiền trả cho Công ty TP.

Kh thừa nhận từ 25/11/2012 đến 23/12/2012 và từ 05/01/2013 đến 18/01/2013 lượng hàng nhập theo xác nhận là: 19.576.400 kg nhưng thực nhập chỉ 11.476.400 kg, lượng hàng nhập khống 8.100 tấn. Thời điểm mới nhập hàng vào kho 332, D2 có điện thoại cho Kh, nói: Coi hàng và xác nhận hàng với Công ty TP rồi báo về cho Th2. Kh nói hàng mới nhập kém chất lượng, D2 có nói: Hàng kém chất lượng, có thiếu hụt thì bên Công ty TP chịu trách nhiệm mua bù lại. Kh khai: Th2 cũng có lên Công ty TP vài lần trong thời gian này. Kh có báo cáo Th2: Hàng hóa ẩm ướt, kém chất lượng. Th2 nói: Chất lượng bên Công ty TP chịu, thiếu hụt Công ty TP bù sau. Do Kh không giám sát đầy đủ số hàng thực nhập vào kho vì có thời gian Kh không trực tiếp giám sát. Kh biết lượng hàng nhập kho không đủ theo xác nhận. Kh tin tưởng nếu có thiếu hụt hàng hóa, Công ty TP vẫn phải bù cho đủ, nên Kh đã xác nhận hàng nhập kho theo số liệu do Công ty TP cung cấp.

Kh biết các bảng xác nhận khối lượng hàng hóa do Phạm Anh Th2 ký với Công ty TP mới là căn cứ để Công ty VL chuyển tiền tạm ứng, nhưng dựa trên cơ sở số lượng hàng hóa Kh đã xác nhận với Công ty TP và báo lại cho Th2. Kh thừa nhận việc làm của mình là sai. Gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, vi phạm quy định của Nhà nước và Tổng công ty. Ngoài ra Kh còn khai nhận quá trình giám sát nhập hàng tại kho 332, Kh không được D2 hay ai ở Công ty VL chỉ đạo xác nhận khống hàng cho Công ty TP. Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3 cũng không đề nghị Kh xác nhận hàng khống (BL 10377).

Nguyễn Thị Tuyết Ng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty TP khai: năm 2012 Công ty TP gặp khó khăn về tài chính nên Ng đã hợp tác kinh doanh với Công ty VL để lấy tiền kinh doanh cho Công ty TP.

Ng thừa nhận, mặc dù báo cáo giám định số VFC.12.AB.04.2675 ngày 14/9/2012 của Công ty giám định LV kết luận hàng trong 02 kho chỉ có 24.838 tấn (kho 332, 14.015 tấn; kho Diên Bình, 10.823 tấn) nhưng để có tiền trả ngân hàng, sử dụng cho Công ty và cá nhân, bà Ng không thông báo cho Công ty VL biết kết quả giám định, chỉ giao cho Công ty VL biên bản kiểm tra hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp ngày 16/01/2012, xác định lượng hàng tồn kho là 39.443,658 tấn, và chỉ đạo Nguyễn Ngọc Th3 (con trai bà Ng) - Phó Tổng giám đốc Công ty TP ký 04 biên bản với Phạm Anh Th2, xác nhận hàng trong kho là 39.500 tấn (kho 332: 25.500 tấn, kho Diên Bình: 14.000 tấn). Trên cơ sở xác nhận này, Công ty VL chuyển cho Công ty TP 158 tỷ đồng; Công ty TP chuyển 100 tỷ đồng trả cho Ngân hàng, 58 tỷ đồng Ng sử dụng chi tiêu cho Công ty TP và cá nhân. Kết quả khi xuất 02 kho hàng giải chấp chỉ được 23.588,06 tấn (kho 332: 14.390,63 tấn, kho Diên Bình: 9.197,430 tấn), thiếu 15.911,94 tấn (kho 332: 11.109,37 tấn, kho Diên Bình: 4.802,57 tấn), tương đương 63.647.860.000 đồng.

Ngoài ra, Ng có lời khai: Do không có tiền để kinh doanh nên Ng đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Th3 (con trai Ng) và các nhân viên Công ty TP xác nhận, nhập thêm hàng khống. Công ty TP đã ngưng hoạt động, không còn tài sản để trả nợ (BL 668, 673).

Tuy nhiên, Ng khai: Ng đề nghị D2 ký xác nhận tổng số lượng hàng hóa trong hai kho khi giải chấp theo biên bản kiểm hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp ngày 16/01/2012, xác định lượng hàng tồn kho là 39.500 tấn chỉ để làm căn cứ chuyển tiền, còn hàng hóa nếu có thiếu hụt, Ng vẫn phải chịu trách nhiệm bù cho đủ. Về việc xác nhận khống hàng kho 332 số lượng 11.100 tấn, Ng khai, do không có tiền để mua hàng bù vào các hợp đồng đã xác nhận hàng và nhận tiền ứng, nhưng thực tế không còn hàng giao cho Công ty VL và nuôi bộ máy Công ty, nên Ng đã trao đổi với Dương Lê D2 đề nghị cho Ng được nhập hàng khống để Công ty TP có tiền hoạt động kinh doanh. Ng chỉ trao đổi về việc xác nhận hàng khống với Dương Lê D2 qua điện thoại vì D2 là người có quyền quyết định, để D2 chỉ đạo nhân viên Công ty VL xác nhận hàng khống cho Công ty TP. Ng không trao đổi với bất kỳ ai khác ở Công ty VL về việc xác nhận hàng khống. (BL 10570, 10571). Nguyễn Ngọc Th3, Phó Tổng Giám đốc Công ty TP khai:Việc giải chấp 02 kho hàng đã thế chấp cho VDB Kon Tum và HDBank Thành phố Hồ Chí Minh, Th3 khai phù hợp với lời khai của Ng.

Th3 thừa nhận, theo sự chỉ đạo của Ng, Th3 đã yêu cầu các nhân viên Công ty TP lập khống các phiếu cân, các báo cáo hàng nhập để đưa cho nhân viên Công ty VL ký xác nhận hàng nhập, số lượng hàng khống thêm mỗi ngày từ 200 đến 500 tấn, tổng cộng từ 25/11/2012 đến 18/01/2013 xác nhận khống 11.100 tấn mỳ lát nhập kho 332. Th3 không trao đổi việc nhập khống với nhân viên Công ty VL trong quá trình nhập, xác nhận hàng. Th3 thừa nhận việc làm của mình là sai, vi phạm pháp luật (BL 780, 784).

Ông Nguyễn Phương M, nhân viên Công ty VL giám sát kho 332 khai: trong thời gian giám sát nhập hàng tại kho 332 thay Võ Minh Kh, M không được ai ở Công ty VL chỉ đạo xác nhận hàng khống, cũng không ai ở Công ty TP đề nghị M xác nhận hàng khống. M thừa nhận đã không theo dõi nhập hàng đầy đủ, chỉ xác nhận hàng trên cơ sở số liệu do Công ty TP cung cấp, M tin tưởng số liệu này là đúng nên không biết đã xác nhận hàng khống cho Công ty TP (BL 808, 809).

Như vậy, việc xác nhận khống hàng hóa tại kho 332 giữa Võ Minh Kh, Nguyễn Phương M, nhân viên Công ty VL với Nguyễn Ngọc Th3, Phó Tổng giám đốc Công ty TP không có sự trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên mà do Võ Minh Kh biết hàng nhập thực tế không đúng nhưng vẫn tự ý xác nhận khống và do Nguyễn Phương M không giám sát nhập hàng, tin tưởng vào báo cáo của Công ty TP nên đã xác nhận khống cho Công ty TP. Nguyễn Thị Tuyết Ng khai đã trao đổi và được Dương Lê D2 đồng ý cho nhập khống hàng. Dương Lê D2 không thừa nhận đồng ý cho Nguyên Thị Tuyết Ng nhập hàng khống, D2 đã chết, các nhân viên Công ty VL (Huỳnh Văn Th, Phạm Anh Th2, Võ Minh Kh và Nguyễn Phương M) đều khẳng định không được Dương Lê D2 chỉ đạo xác nhận hàng khống.

Lời khai những người liên quan:

Bà Nguyễn Thị Th4, nhân viên Công ty TP khai: Th4 được giao nhiệm vụ tổng hợp số liệu nhập, xuất hàng tại kho 332. Theo xác nhận hàng giữa Công ty VL với Công ty TP, lượng hàng nhập kho từ 25/11/2012 đến 18/01/2013 là 26.090,820 tấn, thực tế chỉ nhập được 14.990,82 tấn, khống 11.100 tấn; trong đó, số lượng hàng được nâng khống do Võ Minh Kh xác nhận là 8.100 tấn, do Nguyễn Phương M xác nhận là 3.000 tấn. Việc nhập khống là do Nguyễn Ngọc Th3- Phó Tổng Giám đốc Công ty TP chỉ đạo Th4 và nhiều nhân viên khác (Phạm Chí Đại L3, Phan Thị Thanh H5...) lập các phiếu cân và báo cáo hàng nhập khống và đưa cho Kh, M xác nhận, không có bàn bạc, trao đổi gì với Kh và M (BL 1028, 1029, 1034).

Ông Phạm Chí Đại L3, bà Phan Thị Thanh H5, nhân viên Công ty TP khai: Thừa nhận có việc lập khống phiếu cân và xác nhận khống hàng tại kho 332 theo sự chỉ đạo của Th3, số lượng cụ thể không nhớ vì có nhiều nhân viên Công ty TP tham gia cân hàng và lập khống các phiếu cân, báo cáo hàng nhập hàng ngày (BL 998, 999, 1004, 1005).

Như vậy, việc xác nhận khống hàng hóa tại kho 332 giữa Võ Minh Kh, Nguyễn Phương M, nhân viên Công ty VL với Nguyễn Ngọc Th3, Phó Tổng giám đốc Công ty TP không có sự trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên mà do Võ Minh Kh biết hàng nhập thực tế không đúng nhưng vẫn xác nhận khống và do Nguyễn Phương M không giám sát nhập hàng, tin tưởng vào báo cáo của Công ty TP nên đã xác nhận khống cho Công ty TP. Nguyễn Thị Tuyết Ng khai đã trao đổi và được Dương Lê D2 đồng ý cho nhập khống hàng. Dương Lê D2 không thừa nhận đồng ý cho Nguyễn Thị Tuyết Ng nhập hàng khống, D2 đã chết, các nhân viên Công ty VL (Huỳnh Văn Th, Phạm Anh Th2, Võ Minh Kh và Nguyễn Phương M) đều khẳng định không được Dương Lê D2 chỉ đạo xác nhận hàng khống. Như vậy, lời khai của Nguyễn Thị Tuyết Ng là không có cơ sở. Đủ cơ sở kết luận Nguyễn Thị Tuyết Ng có hành vi gian dối, lợi dụng sự tin tưởng của lãnh đạo và nhân viên Công ty VL, nâng khống số lượng hàng hóa và đề nghị phía Công ty VL xác nhận làm căn cứ chuyển tiền tạm ứng cho các hợp đồng để chiếm đoạt tiền của Công ty VL sử dụng vào các mục đích cá nhân.

Kết quả xác minh tại các đơn vị có liên quan phù hợp với tài liệu thu thập được và lời khai các bị can, người liên quan. Cụ thể:

Công ty TP xác nhận: Công ty đã ngưng hoạt động từ cuối năm 2013 do bị Cục Thuế tỉnh Kon Tum cưỡng chế hóa đơn, không còn tài sản để trả nợ, nhiều nhân viên được giao nhiệm vụ theo dõi việc nhập, xuất hàng của Công ty đã nghỉ việc, hiện không biết những người này ở đâu. Công ty có nợ quá hạn tại các ngân hàng 495.488.000.000 đồng tiền gốc, nợ Cục Thuế Kon Tum 45.898.040.991 đồng, nợ Công ty Võ Thị Thu H6 101.569.822 000 đồng. VDB Kon Tum xác nhận: Năm 2011 VDB Kon Tum cho Công ty TP vay vốn để mua mỳ lát lưu giữ tại kho 332 và kho Diên Bình. Ngày16/01/2012 VDB Kon Tum kiểm tra và lập Biên bản kiểm tra hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp với Công ty TP xác định lượng hàng trong 2 kho là 39.443.658 kg. Ngày 13/9/2012, Công ty TP có văn bản đề nghị giải chấp hàng. Theo yêu cầu của ngân hàng, Công ty TP đã thuê Công ty kiểm định Lửa Việt giám định lại 02 kho hàng, xác định lượng hàng còn trong 02 kho thời điểm 14/9/2014 là 24.838 tấn, dự kiến hư hại 30%.

Từ 21/9/2012 đến 24/10/2012 Công ty TP đã nộp số tiền 35 tỷ đồng cho VDB Kon Tum để giải chấp toàn bộ hàng thế chấp tại ngân hàng. Công ty TP còn dư nợ gốc tại VDB Kon Tum là 175,448 tỷ đồng. Đến nay, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã quyết định công nhận thỏa thuận của VDB Kon Tum và Công ty TP, thực hiện thủ tục thi hành án, xử lý bán đấu giá tài sản để thu nợ.HDBank Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận: Từ 21/9/2012 đến 11/10/2012 Công ty TP đã nộp đủ số tiền 65 tỷ đồng, ngân hàng đồng ý cho Công ty giải chấp toàn bộ hàng tại kho Diên Bình và kho 332. Công ty TP còn dư nợ tại HDBank TP. Hồ Chí Minh 127,2 tỷ đồng, được xử lý bằng việc HDBank TP. Hồ Chí Minh bán toàn bộ số nợ trên nợ cho VAMC vào tháng 12/2014.

Cục Thuế Kon Tum xác nhận: Từ năm 2011 đến năm 2013, Công ty TP đều thua lỗ. Cụ thể:Năm 2011 lỗ 2.648.274.220đ; năm 2012 lỗ 28.167.394.838đ; năm 2013 lỗ 69.577.647.600đ Công ty đã nợ thuế từ tháng 5/2012, đến ngày 18/9/2013 Cục Thuế Kon Tum ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với Công ty TP, các tài sản của Công ty đều đã thế chấp tại các ngân hàng, Công ty đã ngưng hoạt động, đến nay còn nợ thuế 44.085.839.469 đồng. Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Kon Tum xác nhận: hiện Công ty TP không có dự án đầu tư nào tại tỉnh Kon Tum.

Cơ quan điều tra đã xác định giá trị các tài sản theo các hợp đồng thế chấp tại các ngân hàng VDB Kon Tum, Techcombank CN Sài Gòn, Abbank Gia Lai là 255,670 tỷ đồng để đảm bảo cho số nợ 572,716 tỷ đồng nợ gốc vay. Để thu hồi tài sản cho nhà nước, ngày 10/5/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra- Bộ Công an đã có các công văn số 13 87/C46-P13, 1389/C46-P13, 1388/C46-P13, 1390/C46-P13 yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum và các ngân hàng nêu trên về việc quản lý, xử lý các tài sản thế chấp của Công ty TP, Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3. Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum và các ngân hàng đều cam kết khi xử lý tài sản thế chấp của Công ty TP, Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3 để thu hồi nợ sẽ thực hiện theo đúng quy trình quy định của pháp luật, số tiền Công ty TP, Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3 được nhận lại sau khi xử lý tài sản thế chấp (nếu có), các ngân hàng sẽ chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an.

Đối với sai phạm trong lập khống 06 hợp đồng mua gạo với Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu H6, Công ty TNHH Đầu tư B2, Công ty TNHH một thành viên H7 gây thiệt hại số tiền 99 tỷ đồng hiện không thu hồi được. Do thời hạn điều tra đã hết, cần phải tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để làm rõ trách nhiệm từng cá nhân có liên quan, nên ngày 03/3/2016 Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định số 02/C46-P13 tách các hành vi trên để tiếp tục điều tra làm rõ theo quy định của pháp luật.

Về nội dung Nguyễn Thị Tuyết Ng tố cáo: Tháng 7/2012 Ng có làm việc với Ban Giám đốc, Huỳnh Văn Th - Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, Trần Thị Diễm Th1 -Kế toán trưởng Công ty VL, phía Công ty VL đề nghị:việc chia lợi nhuận 100.000đ/tấn từ nay trở đi Công ty TP tính toán để 40.000đ/tấn để đưa vào sổ sách kế toán, 60.000đ/tấn để ngoài sổ sách kế toán để lập quỹ dự phòng rủi ro, thanh toán cuối năm 2012. Đến tháng 12/2012 số lượng mỳ lát xuất khẩu là 84.000tấn, số tiền Công ty TP trích theo đề nghị của Công ty VL là 5.040.000.000đ. Ngày 27/12/2012 (âm lịch) Ng đưa 4 tỷ đồng, đựng trong thùng Carton đến phòng làm việc của chị Trần Thị Diễm Th1 tại Công ty VL để đưa cho Th và Th1, người mang thùng tiền
lên phòng là anh H8 (lái xe của bà Ng) nhưng khi bà Ng giao tiền cho Th, Th1 thì H8 đã xuống, không có ai chứng kiến (BL 588. 589).

Cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai Dương Lê D2, Huỳnh Văn Th, Trần Thị Diễm Th1, ông Lưu Xuân B, ông Lê Văn C, kết quả đều khẳng định: việc điều chỉnh lợi nhuận đầu tấn từ 100.000 đ/tấn xuống 40.000đ/tấn ở một số hợp đồng hợp tác kinh doanh là Dương Lê D2 tự quyết định, theo đề nghị của bà Ng, hai bên không có văn bản thỏa thuận gì. Các ông bà này không nhận tiền hay lợi ích vật chất gì từ bà Ng. Ông Nguyễn Huy A1 - lái xe của Nguyễn Thị Tuyết Ng khai: có chở bà Ng kèm theo thùng carton đựng tiền xuống Công ty VL để đưa thùng tiền vào Công ty nhưng không chứng kiến việc giao nhận tiền.

Ngoài lời khai của Ng thì không có tài liệu, chứng cứ nào khác chứng minh việc nhận tiền của các cán bộ Công ty VL. Do vậy, không có căn cứ để kết luận các đối tượng của Công ty VL nhận tiền từ Ng.

Về tài sản kê biên, quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành kê biên các tài sản:

Nhà máy chế biến thức ăn gia súc gắn liền với thửa đất số: 263 tại Lô D1.2, KCN Nhơn Hòa tỉnh Bình Định; Diện tích: 30.278m2; Mục đích sử dụng: Đất khu công nghiệp; Thời hạn sử dụng: Đến ngày 17/7/2059; Nguồn gốc sử dụng đất: Đất thuê của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp N3. Tài sản thuộc sở hữu của Công ty TP đã làm thủ tục chuyển sở hữu cho Công ty VL.

Tài sản gắn liền với thửa đất số 01 tại xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, diện tích 50.000m2 theo Giấy chứng nhận QSDĐsố BA088019 cấp ngày 08/01/2012, thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM Quý Phát (thuộc Công ty cổ phần tập đoàn TP Kon Tum).

-Thửa đất số 46A+47A, tờ bản đồ 38-39 diện tích 16.000m2, địa chỉ: thôn Dục Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum theo Giấy chứng nhận QSDĐ số AI268150 cấp ngày 13/6/2008, thuộc sở hữu của Nguyễn Thị Tuyết Ng.

Cơ quan điều tra đã trưng cầu định giá các tài sản trên. Kết quả định giá tài sản xác định tổng giá trị 49.418.520.133đồng (BL 236, 247, 253).

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 03/2017/HSST ngày 12/01/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Huỳnh Văn Th, Trần Thị Diễm Th1, phạm vào tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuyên bố các Phạm Anh Th2 và Võ Minh Kh phạm vào tội: Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”.

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng và Nguyễn Ngọc Th3 phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng khoản 3 Điều 165, các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với các bị cáo Huỳnh Văn Th và Trần Thị Diễm Th1; riêng bị cáo Huỳnh Văn Th còn được áp dụng Nghị quyết 144/2016/QH13 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, điểm x khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Áp dụng khoản 3 Điều 144, các điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7, điểm x khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với các bị cáo Phạm Anh Th2 và Võ Minh Kh.

Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết 144 của Quốc hội, khoản 3 Điều 7; các điểm b, s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015 đối với hai bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng và Nguyễn Ngọc Th3. Riêng bị cáo Nguyễn Ngọc Th3 còn được áp dụng điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015.

1/ Xử phạt bị cáo Huỳnh Văn Th 10 (mười) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ bắt bị cáo chấp hành hình phạt, nhưng được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước 01 năm 02 tháng 24 ngày (giam từ ngày 11/11/2014 cho đến ngày 04/02/2016).

2/ Xử phạt Trần Thị Diễm Th1 09 (chín) năm tù.
 
Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ bắt bị cáo chấp hành hình phạt, nhưng được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước 01 năm 09 tháng 02 ngày (từ ngày 11/11/2014 cho đến ngày 12/8/2016).

3/ Xử phạt bị cáo Phạm Anh Th2 05 (năm) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ bắt bị cáo chấp hành hình phạt, nhưng được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước 01 năm 22 ngày (từ ngày 05/10/2015 cho đến ngày 26/10/2016).

4/ Xử phạt bị cáo Võ Minh Kh 03 (ba) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ bắt bị cáo chấp hành hình phạt.

5/ Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng 10 (mười) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bị cáo bị bắt 05/10/2015.

6/ Xử phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Th3 05 (năm) năm tù.

Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ bắt bị cáo chấp hành hình phạt, nhưng được trừ đi thời gian tạm giữ, tạm giam trước 08 tháng 19 ngày ( từ ngày 05/10/2015 cho đến ngày 23/6/2016).

Áp dụng khoản 5 Điều 165 của Bộ luật hình sự năm 1999.

Cấm tất cả 4 bị cáo Huỳnh Văn Th, Trần Thị Diễm Th1, Phạm Anh Th2 và Võ Minh Kh làm công việc liên quan đến việc quản lý tài sản của các cơ quan Nhà nước trong thời hạn 05 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt.

Kiến nghị Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an tiếp tục xem xét xử lý theo quy định của pháp luật đối với ông Lưu Xuân B và Lê Văn C.

Về phần bồi thường thiệt hại:

Áp dụng Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 42 của Bộ luật hình sự.

Buộc 2 bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng và Nguyễn Ngọc Th3 liên đới theo phần bằng nhau để bồi thường cho Công ty VL, có ông Thọ Tr2 đại diện cho Công ty L nhận: 66.483.451.181đ +15.200.000.000đ= 81.683.451.181đ

Nhưng Công ty VL đã nhận 36.500.000.000đ + 45.448.150.000đ= 81.948.150.000đ

Qua khấu trừ còn lại làm tròn 264.698.000đ (hai trăm sáu mươi bốn triệu, sáu trăm chín mươi tám ngàn đồng) Công ty L phải có nghĩa vụ hoàn trả Công ty TP thay cho Công ty VL.
 
Về xử lý vật chứng:

Áp dụng Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Giao cho Công ty VL quản lý sử dụng Nhà máy chế biến thức ăn gia súc gắn liền với thửa đất số: 263 tại Lô D1.2, KCN Nhơn Hòa tỉnh Bình Định; Diện tích: 30.278m2; Mục đích sử dụng: Đất khu công nghiệp; Thời hạn sử dụng: Đến ngày 17/7/2059; Nguồn gốc sử dụng đất: Đất thuê của Công ty CP Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp N3.

Giải tỏa kê biên giao trả lại cho bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng và Nguyễn Ngọc Th3 quản lý sử dụng gồm:

+ Tài sản gắn liền với thửa đất số 01 tại xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, diện tích 50.000m2 theo Giấy chứng nhận QSDĐ số BA088019 cấp ngày 08/01/2012, thuộc sở hữu của Công ty TNHH TM Q1.

+ Thửa đất số 46A+47A, tờ bản đồ 38-39 diện tích 16.000m2, địa chỉ: thôn Dục Nội, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum theo Giấy chứng nhận QSDĐ số AI268150 cấp ngày 13/6/2008.

Buộc anh Trần Trọng N1 phải nộp số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) để sung công quỹ Nhà nước.

Ngoài ra, bản án còn quyết định án phí, trách nhiệm thi hành án và quyền kháng cáo vụ án theo luật định.

- Sau khi xét xử sơ thẩm các bị cáo, nguyên đơn dân sự làm đơn kháng cáo, Viện kiểm sát kháng nghị, cụ thể:

Ngày 18/01/2017, bị cáo Huỳnh Văn Th kháng cáo cho rằng bị cáo chỉ là người đồng phạm giúp sức, vai trò không đáng kể, xử bị cáo 10 năm tù là nặng, thiệt hại đã được khắc phục, đề nghị xem xét giảm hình phạt cho bị cáo hưởng án treo.

Ngày 18/01/2017, bị cáo Trần Thị Diễm Th1 làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại vai trò của bị cáo, tính chất và mức độ phạm tội, giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Ngày 23/01/2017, bị cáo Phạm Anh Th2 kháng cáo cho rằng tổ nông sản được phân công nhiệm vụ không rõ ràng, kiêm nhiệm nhiều công việc, nhân lực thiếu, phương tiện không có, địa bàn hoạt động rộng, bất kể ai trong hoàn cảnh đó cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Việc xét xử bị cáo tội thiếu trách nhiệm với mức án 05 năm là nặng, đề nghị xử bị cáo bằng với mức tạm giam để có thời gian phụng dưỡng cha mẹ già.

Ngày 18/01/2017, bị cáo Võ Minh Kh kháng cáo cho rằng số lượng hàng hóa bị cáo xác nhận trong kho thực tế tại thời điểm khởi tố vụ án các hợp đồng trên đã được thanh lý xong không còn công nợ, hậu quả đã được khắc phục, gia đình bị cáo có công cách mạng, đề nghị được hưởng án treo.
 
Ngày 12/01/2014, bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng kháng cáo kêu oan cho rằng không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo không có thủ đoạn gian dối trong quá trình hợp tác kinh doanh, không chiếm đoạt tiền của Công ty VL, yêu cầu Tòa phúc thẩm xem xét lại phần dân sự.

Ngày 16/01/2017, bị cáo Nguyễn Ngọc Th3 làm đơn kháng cáo cho rằng bị cáo là con và là cấp dưới của bị cáo Ng, không có ý thức thực hiện trái pháp luật. Đề nghị xem xét cho được hưởng án treo.

Ngày 23/01/2017, Công ty một thành viên – Công ty L kháng cáo toànbộ phần dân sự của bản án  hình sự sơ thẩm.

Ngày 24/01/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long có Quyết định kháng nghị số 35/KN-VKS đề nghị Tòa cấp cao xử bị cáo Phạm Anh Th2 và Võ Minh Kh tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Về hình phạt: Tăng hình phạt đối với tất cả các bị cáo Huỳnh Văn Th, Trần Thị Diễm Th1, Phạm Anh Th2, Võ Minh Kh, Nguyễn Thị Tuyết Ng, Nguyễn Ngọc Th3 như đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm. Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo Ng và Th3 có trách nhiệm trả lại số tiền chiếm đoạt của Công ty VL và số tiền nợ tổng cộng là 102.597.656.294 đồng; tiếp tục kê biên những tài sản mà cơ quan điều tra đã kê biên.

* Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo, nguyên đơn dân sự giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao giữ nguyên kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

- Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao:

+ Về kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long:
. Đối với bị cáo Th2: Bị cáo không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, ký xác nhận khống số lượng hàng hóa không có thật, hành vi trên của bị cáo Th2 phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo phạm tội Thiếu tinh thần trách nhiệm là không đúng.

. Đối với bị cáo Võ Minh Kh: Cũng như bị cáo Th2, Kh được giao nhiệm vụ kiểm tra số lượng hàng hóa nhưng Kh ký xác nhận không đúng số lượng hàng hóa có thực tại kho. Cấp sơ thẩm xử bị cáo tội thiếu tinh thần trách nhiệm là không đúng, cần xử bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

. Bị cáo Ng đã thế chấp lô hàng để vay của ngân hàng 167 tỷ. Ng biết rõ lượng hàng hóa không còn đủ 39.000 tấn nhưng không thông báo cho Công ty VL, bị cáo có hành vi gian dối để Công ty VL giao tiền và thực tế bị cáo đã chiếm đoạt 102 tỷ. Sơ thẩm xử bị cáo tội „Lừa đảo chiếm đoạt tài
 
sản” là đúng, không oan sai, xử phạt bị cáo 10 năm tù là nhẹ không đúng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Việc Tòa sơ thẩm đã tính toán nhầm lẫn nên buộc Công ty VL trả lại cho Công ty của bị cáo 264 triệu đồng là không đúng.

. Bị cáo Nguyễn Ngọc Th3: Với vai trò đồng phạm giúp sức cùng bị cáo Ng chiếm đoạt số tiền trên của Công ty VL, sơ thẩm xử bị cáo 05 năm tù là nhẹ, đề nghị chấp nhận tăng hình phạt đối với bị cáo.

. Bị cáo Huỳnh Văn Th: Là Trưởng phòng Kế hoạch – Kinh doanh của Công ty, bị cáo ký đề xuất triển khai thực hiện hợp đồng không đúng chức năng của Công ty, để bị cáo Ng chiếm đoạt số tiền lớn, sơ thẩm xử bị cáo 10 năm tù là nhẹ, đề nghị chấp nhận kháng nghị tăng hình phạt đối với bị cáo.

. Bị cáo Trần Thị Diễm Th1: Là Kế toán trưởng, ký các chứng từ thanh toán cho các hợp đồng không đúng chức năng của đơn vị, tạo điều kiện cho bị cáo Ng chiếm đoạt tiền của Công ty. Sơ thẩm xử bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng tội danh nhưng hình phạt xử bị cáo 9 năm tù là nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử tăng hình phạt.

- Về tài sản thế chấp: Yêu cầu Hội đồng xét xử chấp nhận kết quả của cơ quan tố tụng đã định, không chấp nhận biên bản thỏa thuận về giá của 2 công ty.

- Về số tiền lãi và lợi nhuận đầu tấn: Công ty VL vay vốn ngân hàng rồi chuyển cho Công ty TP, các bên đã thanh lý xong các hợp đồng, cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng vô hiệu buộc trả lại cho Công ty TP là không đúng.

- Việc giải biên các tài sản đã được kê biên là không đúng, đề nghị tiếp tục kê biên các tài sản trên để đảm bảo thi hành án.

- Về khoản lãi trên 32 tỷ đồng, Công ty L yêu cầu, xét thấy không có căn cứ đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Từ những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn dân sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, đề nghị tăng hình phạt đối với các bị cáo:

. Bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng 20 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

. Bị cáo Nguyễn Ngọc Th3 10 đến 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

. Bị cáo Huỳnh Văn Th 14 đến 16 năm tù, bị cáo Trần Thị Diễm Th110 đến 12 năm tù, bị cáo Phạm Anh Th2 10 đến 12 năm tù, bị cáo Võ Minh  Kh từ 6 đến 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

+ Luật sư bào chữa cho bị cáo Ng và bị cáo Th3 đưa ra các lập luận cho rằng bị cáo không có gian dối, không có mục đích chiếm đoạt, hai công ty có quá trình thực hiện hợp đồng và thực tế đã có thanh toán bù các khoản hàng hóa thiếu, các bị cáo không có phạm tội lừa đảo, yêu cầu xem xét lại giá trị tài sản đã định giá.

+ Các luật sư bào chữa cho các cán bộ nhân viên của Công ty VL cho rằng các bị cáo không có phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nếu có chăng chỉ là phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước”, đề nghị giảm án cho các bị cáo được hưởng án treo.

+ Bảo vệ quyền và lợi ích cho nguyên đơn dân sự: Luật sư viện dẫn các căn cứ pháp luật cho rằng các hợp đồng giữa Công ty VL và Công ty TP là hợp pháp, không vô hiệu, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận phần lãi 32 tỷ đồng mà Công ty VL đã vay vốn ngân hàng để chuyển cho Công ty TP.

Đề nghị của các luật sư cũng như quan điểm của Viện kiểm sát Hội đồng xét xử sẽ xem xét.

Căn cứ vào các chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, luật sư, bị cáo, ý kiến của nguyên đơn dân sự; Xét thấy:

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng cho rằng bị cáo không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty VL, công nợ phát sinh là do quá trình ký kết hợp đồng mua bán và công nợ đó đã được đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Về nội dung này chứng cứ có tại hồ sơ cho thấy:

[1] Từ ngày 20/02/2012 đến ngày 06/12/2012, Công ty VL và Công ty cổ phần tập đoàn TP Kon Tum (sau đây gọi tắt là Công ty TP) ký tổng cộng 25 hợp đồng, theo nội dung các hợp đồng cho thấy Công ty VL ứng vốn cho Công ty TP với mức lãi suất 6-8%/năm và thu lợi nhuận từ 40.000 đồng/tấn đến 130.000 đồng/tấn hàng thực xuất. Toàn bộ đầu vào (mua nguyên liệu) và đầu ra (tìm đối tác xuất khẩu) và các chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh do Công ty TP thực hiện.

- Về thực hiện hợp đồng: Trong 25 hợp đồng 2 bên ký, đã thực hiện và thanh lý 20 hợp đồng, 01 hợp đồng không thực hiện (Hợp đồng số 137), chưa thanh lý 04 hợp đồng (Hợp đồng số 135, 136, 138, 139). Tổng số tiền gốc ứng vốn của 24 hợp đồng là 1.208.565.371.976 đồng, Công ty VL đã thu lại số tiền gốc ứng vốn là 1.105.967.715.682 đồng, thu lợi tiền lợi nhuận đầu tấn và lãi ứng vốn là trên 33 tỷ đồng (Công ty Vĩnh Long thừa nhận) và 36,5 tỷ đồng (Công ty TP khai).

Riêng đối với 04 hợp đồng chưa thanh lý, Công ty VL đã tạm ứng là 122,6 tỷ đồng,Công ty TP đã giao hàng cũng như đối trừ công nợ:20.002.343.706 đồng. Như vậy số tiền Công ty VL chưa thu đủ tiền gốc ứng vốn của 04 hợp đồng là 102.597.656.294 đồng.

Qua đây cho thấy lượng hàng hóa của các hợp đồng cũng như khoản tiền ứng vốn giữa hai công ty gối đầu nhau, rất nhiều hợp đồng sử dụng lượng hàng hóa và khoản tiền ứng của hợp đồng sau để mua và thanh toán cho các hợp đồng trước. Nhìn chung 25 hợp đồng hợp tác (sau đổi thành hợp đồng mua bán) nhưng thực tế là ứng vốn và hưởng lợi theo hợp đồng hợp tác.

[2] Xét về hành vi mà án sơ thẩm kết luận bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Ng và bị cáo Th3 khai khống lượng sắn là 15.911,94 tấn và 11.100 tấn để chiếm đoạt tiền của Công ty VL, xét thấy:

[2.1] Về hành vi khai khống 15.911,94 tấn sắn lát. 

Công ty VL và Công ty TP ký 06 hợp đồng ( Hợp đồ ng số 95 , 9 6 , 1 13 ,  115, 118, 127) xác nhận hàng trong 2 kho là 39.500 tấn để được ứng số tiền là 158 tỷ (Việt Nam đồng) nhưng thực tế khi giải chấp hàng hóa trong 2 kho chỉ có 23.588,06 tấn, thiếu 15.911,94 tấn tương đương 63.647.860.000 đồng, có phải bị cáo Ng và Th3 cố tình nâng khống nhằm lừa Công ty VL để chiếm đoạt số tiền trên hay không? Chứng cứ có tại hồ sơ cho thấy: Theo biên bản kiểm tra hàng tồn kho và xác định tài sản thế chấp của 2 kho (Kho 332 S1, Kon Tum và kho Diên Bình) ngày 16/01/2012 giữa Ngân hàng VDB Kon Tum và Công ty TP từ số lượng hàng sắn lát khô có trong 2 kho là 39.443,658 kg. Dương Lê D2 – Giám đốc Công ty VL, biết Công ty TP thế chấp lô hàng trên nhưng vẫn ký hợp đồng ứng tiền để Công ty TP trả cho ngân hàng giải chấp lô hàng và bán lại cho Công ty VL để thực hiện hợp đồng xuất khẩu. Nếu vì lý do nào đó hao hụt hay biết được kết luận của Công ty LV giám định lượng hàng hóa trong kho chỉ còn 23.588,06 tấn nhưng bị cáo Ng không báo cho Công ty VL mà để được nhận tiền ứng tương đương với số hàng 39.500 tấn (làm tròn số) thì đây là hành vi có biểu hiện gian dối nhưng gian dối của bị cáo Ng để chiếm dụng vốn chứ không phải để chiếm đoạt bởi lẽ: Lượng hàng hóa sắn lát thiếu 15.911,94 tấn sau đó đã được Công ty TP bù đủ; các hợp đồng 95, 96, 113, 118, 127 đã được Công ty TP và Công ty Vĩnh Long thanh lý quyết toán, không còn công nợ với nhau trước khi khởi tố vụ án.

Án sơ thẩm cho rằng “Số hàng sắn lát xác nhận cho các hợp đồng 133, 134 và 135 là 60.000 tấn trong đó lượng hàng tồn kho 332 xác nhận khống 11.100 tấn, Công ty TP mới giao đủ hàng theo hợp đồng 133, 134 là 40.000 tấn, hợp đồng 135 là 3.245,155 tấn…. Do sử dụng các hợp đồng sau để bù số lượng hàng thiếu (do nâng khống) của các hợp đồng trước dẫn đến hợp đồng số 135 và 136 xác nhận hàng hóa nhập kho là 29.000 tấn nhưng thực tế Công ty TP mới giao 3.246,155 tấn, còn thiếu 25.754,845 tấn, trừ đi 6.000 tấn sắn lát khô Công ty VL cho mượn lại còn lại 19.754,845 tấn tương đương 79.019.380.000 đồng kết luận bị cáo Ng và bị cáo Th3 chiếm đoạt”.

Theo thông lệ và tâp quán trong kinh doanh các đối tác cho nợ lẫn nhau, ứng vốn cho nhau, như đã phân tích ở trên Công ty TP và Công ty VL không chỉ ký 01 hợp đồng mà rất nhiều hợp đồng (25 hợp đồng) nên không xem xét hành vi dùng tiền ứng hợp đồng sau mua hàng cho hợp đồng trước hay nâng khống số lượng hàng hóa để định tội danh. Cái chính là cần điều tra làm rõ ở đây là Dương Lê D2 có biết việc bị cáo Ng và Th3 nâng khống số lượng hàng hay không? Bởi lẽ: Dấu hiệu đặc trưng về hành vi của tội lừa đảo là: Dùng thủ đoạn gian dối, đưa ra thông tin giả, không đúng sự thật, làm cho người khác tin đó là sự thật và giao tài sản cho người phạm tội. Nếu giám đốc Công ty VL biết bị cáo Ng khai khống số lượng hàng hóa trong kho nhưng vẫn duyệt chi ứng tiền vì nghĩ nếu thiếu sẽ bù ở các hợp đồng sau như đã từng làm thì không thỏa mãn dấu hiệu của tội lừa đảo. Hiện tại Dương Lê D2 đã chết, nên cần sử dụng chứng cứ để chứng minh đó là: Hợp đồng 135 chưa thực hiện xong nhưng Dương Lê D2 vẫn ký hợp đồng 136, 138 và 139 tiếp tục ứng tiền cho Công ty TP. Mặt khác, đến ngày 26/7/2013 (BL số 3320) Công ty VL và Công ty TP có biên bản làm việc xác định công nợ và yêu cầu Công ty TP trong tháng 8/2013 cung ứng cho đủ để Công ty VL xuất khẩu 1 tàu sắn lát khô với số lượng 5.000 đến 6.000 tấn cho đơn vị nước ngoài mà Công ty VL đã ký với khách hàng. Từ đó, kết luận D2 có bị lừa dối hay biết Ng khai khống những vẫn ứng tiền để thực hiện hợp đồng mà Công ty VL đã ký với nước ngoài,cấp sơ thẩm chưa điều tra và kết luận rõ nội dung này.

[3] Về hành vi làm trái của các bị cáo ở Công ty VL:

Về mặt lý luận các dấu hiệu cơ bản làm cơ sở cho việc định tội đối với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” đó là:

- Về mặt khách quan, có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn làm không đúng các quy định Nhà nước được hiểu là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện hành vi phạm tội và hành vi đó phải gây ra hậu quả nghiêm trọng đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản. Trong trường hợp do không nắm vững hoặc không nhận thức được chính xác các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, thì người có hành vi nêu trên không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này mà có thể chịu trách nhiệm về tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ lý luận trên cho thấy trong vụ án này chỉ có Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ mới được áp dụng để xem xét các bị cáo có phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” hay không? Các quy chế quản lý tài chính của Công ty L hay quyết định của Hội đồng quản trị của Công ty L không phải là những quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế (Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật).

+ Huỳnh Văn Th là Trường phòng kế hoạch kinh doanh của Công ty, thông qua báo cáo của Th, Dương Lê D2 chỉ đạo Th thuê luật sư tư vấn hợp đồng khung về hợp tác kinh doanh với Công ty TP.

+ Trần Thị Diễm Th1 là kế toán trưởng của công ty, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc, Th1 ký các chứng từ ứng tiền, theo dõi thực hiện hợp đồng và thanh lý hợp đồng.

+ Phạm Anh Th2 là tổ trưởng, Võ Minh Kh là nhân viên tổ nông sản của Công ty không trực tiếp kiểm tra kho, đứng ngoài bằng trực quan ký xác nhận không đúng số lượng hàng hóa thực có.

Để có căn cứ buộc các bị cáo Huỳnh Văn Th, Trần Thị Diễm Th1, Phạm Anh Th2, Võ Minh Kh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng” với vai trò đồng phạm phải chứng minh cho được các bị cáo biết nhưng cố tình thực hiện không đúng Điều 11 và khoản 8 Điều 12 Nghị định 09/2009/NĐ-CP ngày 05/02/2009 của Chính phủ quy định Công ty Nhà nước có trách nhiệm bảo toàn vốn Nhà nước. Cố ý ở đây là cố ý ký hợp đồng hợp tác không đúng thẩm quyền, không phải là cố ý xác nhận khống số lượng hàng hóa, việc xác nhận không đúng số lượng hàng hóa ở kho không phải là cố ý làm trái quy định Nhà nước.

[4] Pháp nhân và trách nhiệm cá nhân trong công ty:

Công ty cổ phần tập đoàn TP Kon Tum do 04 thành viên sáng lập, xét về góc độ gia đình thì các thành viên có quan hệ huyết thống, nhưng xét góc độ pháp lý thì các thành viên có đầy đủ tư cách, thẩm quyền theo luật doanh nghiệp quy định. Tính đến tháng 11/2014 Công ty TP còn nợ Công ty VL tiền từ nguồn tạm ứng của các hợp đồng là 102.597.656.294 nếu đây là tranh chấp hợp đồng thì Công ty TP có nghĩa vụ trả vốn và lãi cho Công ty VL. Án sơ thẩm kết luận bị cáo Ng và Th3 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc các bị cáo bồi thường cho Công ty VL số tiền là 81.683.451.181 đồng. Tuyên như án sơ thẩm là chưa chính xác, không xác định được số tiền lừa đảo là bao nhiêu? Số tiền nào là công nợ hợp đồng giữa hai công ty không liên quan đến hành vi lừa đảo (nếu có) cũng chưa được làm rõ. Việc án sơ thẩm tuyên bị cáo Ng và Th3 bồi thường cho Công ty VL tuyên như vậy là không đúng; bởi lẽ: nếu có căn cứ kết luận Ng và Th3 lừa đảo thì tuyên buộc các bị cáo có nghĩa vụ phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt theo như Điều 42 Bộ luật Hình sự, còn bồi thường là khoản thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra, hoàn trả và bồi thường là hai khái niệm khác nhau.

5/ Tài sản và định giá tài sản:

Căn cứ các chứng cứ có tại hồ sơ cho thấy Công ty TP đã dùng tài sản của mình giao cho Công ty L để trừ nợ, các tài sản giao để trừ nợ đã được Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá M3 kiểm định độc lập và kết luận:

- Kho Newhop, Bình Định: 45.448.150.000 đồng.

- Kho Hoàng Diệu, Bình Phước: 18.502.879.000 đồng

Tổng cộng là 63.952.029.000 đồng.

Nhưng định giá trong tố tụng hình sự xác định giá trị tài sản của 2 kho này chỉ có 51.648.788.133 đồng, thấp hơn giá của cơ quan thẩm định giá miền nam là 12.302.240.867 đồng, cấp sơ thẩm chưa yêu cầu làm rõ lý do của sự chênh lệch.

- Đối với diện tích đất 16.000 m2 ở Ngọc Hồi, Kon Tum, Công ty TP đưa ra giá thế chấp để đảm bảo thanh toán là 750.000 đồng/m2, thành tiền là 12.000.000.000 đồng; thẩm định giá trong tố tụng hình sự xác định giá 16.000 m2 bằng 160.000.000 đồng (tương đương 10.000 đồng/m2), tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Ng không đồng ý với cách tính giá trên và trình bày đã khiếu nại trong quá trình điều tra nhưng chưa được giải quyết. Cần làm rõ đơn giá 10.000 đồng/m2 là tính theo khung giá nào? Giá của Ủy ban tỉnh quy định khung giá đất hàng năm trên địa bàn tỉnh hay giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường vào thời điểm định giá.

Do cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ những nội dung phân tích trên, Hội đồng xét xữ phúc thẩm thấy rằng cần phải hủy toàn bộ án sơ thẩm giao về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự;Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 03/2017/HS-ST ngày 12/01/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Chuyển hồ sơ vụ án về Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long để điều tra lại theo quy định.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1231
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 333/2017/HS-PT ngày 03/07/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

Số hiệu:333/2017/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 03/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về