TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 332/2019/HS-PT NGÀY 18/06/2019 VỀ TỘI THIẾU TRÁCH NHIỆM GÂY HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG
Trong ngày 18 tháng 6 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; tiến hành mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 286/2018/HS-PT ngày 25tháng 5 năm 2018; đối với các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D do có kháng cáo của các bị đối với bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông.
*Các bị cáo kháng cáo:
1/. Bị cáo Đinh Văn T, sinh năm 1973 tại tỉnh Hà Tĩnh; nơi cư trú: xã Đắk M, huyện Đắk S, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Nguyên Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV LN Đức H; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Đinh Văn K (đã chết) và bà Hồ Thị H, sinh năm 1927; vợ là Đào Thị Khánh T1, sinh năm 1969 và 02 người con, lớn sinh năm 1997, nhỏ sinh năm 2001; bị bắt tạm giam từ ngày 15-8-2017 đến ngày 09-11-2017, tại ngoại (Có mặt).
2/.Bị cáo Phạm Đình D,sinh năm 1962 tại tỉnh Đắk Nông; nơi cư trú phường Nghĩa Đ, thị xã Gia N, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV LN Đức H; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Đình V và bà Trần Thị T2 (đều đã chết); vợ là Phạm Thị Thu M, sinh năm 1968 và 03 người con lớn nhất sinh năm 1990, nhỏ nhất sinh năm 1995; tại ngoại (Có mặt).
* Bị cáo không kháng cáo: Nguyễn Thế N ( Vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Năm 2010, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp (viết tắt: Cty TNHH MTV LN) Đức H được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông giao 10.651,12ha rừng tự nhiên để quản lý, xây dựng, bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển vốn rừng. Để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì tổ chức bộ máy bao gồm: Phạm Đình D là Giám đốc chịu trách nhiệm chính trong mọi hoạt động của công ty trong đó có công tác Quản lý bảo vệ rừng; Đinh Văn T là Phó Giám đốc được Giám đốc phân công trực tiếp phụ trách, chỉ đạo và điều hành công tác Quản lý bảo vệ rừng; Nguyễn Thế N là Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng được giao trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác Quản lý bảo vệ rừng trên toàn lâm phần của công ty. Các bị cáo đã không làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao đối với công tác Quản lý bảo vệ rừng đã được phê duyệt theo phương án Quản lý bảo vệ rừng tập trung hàng năm của công ty, được Chi cuc kiêm lâm thâm đinh dẫn đến 247,2032 ha rừng tự nhiện tại các khoảnh 1, 5, 6, 8 tiểu khu 1107 và các khoảnh 1, 3, 4, 7 tiểu khu 1097 bị hủy hoại nhưng không được phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại bao gồm thiệt hại về lâm sản và môi trường là: 43.639.957.240đ.
* Bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS-ST ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên bố các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D, Nguyễn Thế N phạm tội “ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, s khoản 1,2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Xử phạt Đinh Văn T 03 (Ba) năm tù;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, s khoản 1, 2 Điều 46 Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Xử phạt Phạm Đình D 02 ( Hai ) năm 06 ( Sáu ) tháng tù;
- Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, s khoản 1, 2 Điều 46 Điều 47; Điều 60 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Xử phạt Nguyễn Thế N 02 ( Hai) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 ( Bốn) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.
- Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên áp dụng biện pháp, án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo luật định của pháp luật.
* Đến ngày 17/4/2018, các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D đều có đơn kháng cáo xin giảm hình phạt và được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D vẫn giữ nguyên yêu cầu nội dung kháng cáo.
Kiểm sát viên, đại diện cho Viện kiểm sát nhân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng bản án sơ thẩm tuyên bố các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ. Đồng thời xử phạt bị cáo Đinh Văn T 03 năm tù; bị cáo Phạm Đình D 02 năm 06 tháng tù là đã có xem xét đánh giá tính chất, mức độ, vai trò phạm tội của từng bị cáo, cũng như đã xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách hiệm hình sự cho các bị cáo, nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà phúc thẩm;Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét toàn diện, đầy đủ tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1]. Căn cứ quy chế hoạt động, Quản lý bảo vệ rừng của Công ty Đức H, thì bị cáo Phạm Đình D là giám đốc, người đứng đầu công ty, phải có trách nhiệm quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của công ty. Trong đó phải có trách nhiệm giao diện tích rừng thuộc quyền quản lý đến từng tiểu khu cho các Trạm Quản lý bảo vệ rừng; Đồng thời phải phân công cán bộ trực trạm, tuần tra trên toàn lâm phần được giao, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng;
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bị cáo Phạm Đình D không làm hoặc làm không hết trách nhiệm được giao như không kiểm tra, giám sát, theo dõi chặc chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới. Cụ thể:
[1.1]. Khi thực hiện bàn giao thì không phân định ranh giới cụ thể trên thực địa cho từng Trạm Quản lý bảo vệ rừng. Nên khi nhận Quản lý bảo vệ rừng và đất rừng, nhân viên các trạm đều không nắm được ranh giới, không nắm được chính xác hiện trạng lâm phần được giao quản lý có bao nhiêu rừng, đất rừng, trạng thái và chất lượng ra sao, nên việc quản Quản lý bảo vệ rừng của nhân cán bộ cấp dưới không hiệu quả.
[1.2]. Bị cáo không theo dõi, kiểm tra dẫn đến các Tổ Quản lý bảo vệ rừng và Phòng Quản lý bảo vệ rừng không thực hiện công tác tuần tra bảo vệ rừng theo quy định thì bị cáo Phạm Đình D cũng không hay biết để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời mà để tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài.
[1.3]. Bị cáo, bỏ mặt không kiểm tra các diện tích bị hủy hoại; không xác minh nội dung các báo cáo của Đinh Văn T, Nguyễn Thế N phản ánh có đúng với thực trạng diễn biến tài nguyên rừng hay không; dẫn đến rừng tự nhiên trong lâm phần của công ty bị hủy hoại với diện tích lớn, nhưng bị cáo vẫn không hay biết và cũng không xác định được bị phá hoại khi nào,nên không có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
[2]. Đối với bị cáo Đinh Văn T với vai trò là Phó giám đốc công ty phụ trách công tác Quản lý bảo vệ rừng; bị cáo là người trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác Quản lý bảo vệ rừng; phải cùng với tổ cơ động thường xuyên tuần tra, nắm bắt tình hình rừng trên toàn bộ lâm phần, để tổng hợp báo cáo mọi diễn biến phát sinh liên quan đến công tác Quản lý bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, bị cáo Đinh Văn T không làm hết chức năng nhiệm vụ được giao như: không kiểm tra, giám sát cụ thể, không dựa số liệu các báo cáo của Phòng Quản lý bảo vệ rừng và các trạm, tổ Quản lý để thống kê thực tế diện tích rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm, để làm cơ cho việc tham mưu xây dựng các phương án Quản lý bảo vệ rừng tập trung, cũng như ban hành các quyết định giao diện tích rừng, đất rừng cho các trạm, tổ quản lý, bảo vệ.
Trong thực tế, bị cáo Đinh Văn T chỉ dựa vào số liệu diện tích rừng công ty được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê trừ đi những diện tích rừng đã bị phá, lấn chiếm được lập biên bản xử lý của năm trước, để xây dựng phương án và ban hành các quyết đinh giao lâm phần cho các trạm và tổ Quản lý bảo vệ rừng. Do đó, việc báo cáo số liệu diện tích rừng, đất rừng bị mất, lấn chiếm hàng năm của công ty cho giám đốc cũng như các cấp có thẩm quyền cũng là không đúng với hiện trạng rừng thực tế, dẩn đến hậu quả không phát hiện kip thời phần diện tích rừng bị phá hủy, đất rừng bị mất, bị lấn chiếm.
[3]. Chính sự buông lỏng trong quản lý, không làm hết chức năng, nhiệm vụ được giao trong việc Quản lý bảo vệ rừng như đã nêu trên của các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D. Dẩn đến hậu quả làm cho 247,2032 ha rừng tự nhiên tại các khoảnh 1, 5, 6, 8 tiểu khu 1107 và các khoảnh 1, 3, 4, 7 tiểu khu 1097 bị hủy hoại. Gây thiệt hại bao gồm thiệt hại về lâm sản và môi trường là: 43.639.957.240đ ( Bốn mươi ba tỷ, sáu trăm ba mươi chín triệu, chín trăm năm mươi bảy ngàn hai trăm bốn mươi đồng). Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS-ST ngày 12/4/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên bố các bị cáo Phạm Đình D, Đinh Văn T đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”được quy định tại khoản 2 Điều 285 của Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ pháp luật.
[4]. Xét về tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của các bị cáo Phạm Đình D, Đinh Văn T thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, hậu quả các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền thiệt hại lên đến 43.639.957.240đ. Do đó cần phải có thời gian cách ly cải tạo các bị cáo 01 thời gian nhất định đủ để giáo dục răn đe phòng ngừa tội phạm chung, nên không chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của các bị cáo. Tuy nhiên xét về nhân thân các bị cáo đã có thời gian khá dài trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và có nhiều thành xuát sắc trong công tác đã được tặng thưởng nhiều bằng khen. Sau khi phạm tội các bị cáo cũng thành khẩn khai báo, nhận lãnh trách nhiệm sai phạm của mình để nhằm giúp các cơ quan tiến hành tố tụng kết thúc nhanh chống trong công tác điều tra, truy tố và xét xử kịp thời. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Phạm Đình D đã có xuất trình thêm kết quả bệnh tật hiện bị tổn thương cơ thểm 86% theo kết quả giám định y khoa số 79/GĐYK-KNLĐ ngày 18/10/2018 của hội đồng giám định y khoa tỉnh Đăk Nông. Do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm cần xem xét giảm nhẹ thêm 01 phần hình phạt cho các bị cáo Phạm Đình D, Đinh Văn T so với mức án mà bản án sơ thẩm đã tuyên để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật; đồng thời cũng tạo điều kiện cho các bị cáo an tâm cải tạo đối với hình phạt còn phải chấp hành.
[5]. Do kháng cáo được chấp nhận nên các bị cáo Đinh Văn T, bị cáo Phạm Đình D không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[6]. Các phần khác của quyết định bản án sơ thẩm do không bị kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Áp dụng điểm b khoản 1Điều 355; điểm c khoản 1Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
- Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D. Sửa 01 phần bản án hình sự sơ thẩm số 08/2018/HS-ST ngày 12/4/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông về phần hình phạt của các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D.
1/. Tuyên bố: Các bị cáo Đinh Văn T, Phạm Đình D phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
2/. Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, s khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999 của Bộ luật Hình sự năm 1999;
Xử phạt: Bị cáo Đinh Văn T 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án, nhưng được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước từ ngày 15-8-2017 đến ngày 09-11-2017;
3/. Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p, s khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 1999;
Xử phạt: Bị cáo Phạm Đình D 01 (một) năm 06 (Sáu) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính kể từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.
4/. Các phần khác của quyết định Bản án hình sự sơ thẩm do không bịkháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản ánhình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 332/2019/HS-PT ngày 18/06/2019 về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
Số hiệu: | 332/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/06/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về