TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 33/2021/DS-PT NGÀY 01/02/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỨA THƯỞNG VÀ KIỆN ĐÒI TÀI SẢN
Ngày 01/02/2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 274/2020/DS-PT ngày 12/11/2020 về việc: “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DS-ST ngày 24/9/2020 của TAND huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk bị nguyên đơn kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 04/2021/QĐXX-PT ngày 04/01/2021 giữa các đương sự:
* Nguyên đơn: Ông Phạm Văn T, sinh năm 1985. Cư trú tại: Buôn EK, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
* Bị đơn: Ông Lê Văn C. Cư trú tại: Tổ dân phố X, thị trấn Ea D, huyện Ea H, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Trần Văn D. Địa chỉ: Buôn M, xã Cư N, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk (vắng mặt).
* Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Phạm Văn T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa nguyên đơn ông Phạm Văn T trình bày:
Khoảng năm 2013, ông T đến gặp ông C để bàn bạc và trao đổi xây dựng đường dây điện tại khu vực buôn EK, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, ông C có thỏa thuận với ông T nếu vận động các hộ dân tham gia đường dây điện cho đủ 25ha, mỗi hecta phải đóng 15.000.000đồng và phải cho ông C tạm ứng trước kinh phí thi công đường dây điện 90.000.000đồng thì ông C sẽ cho lại 03ha tương đương 45.000.000đồng việc thỏa thuận và hứa thưởng này chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau, không lập văn bản giấy tờ gì. Do không đủ tiền để nộp tạm ứng nên ông T có kêu gọi thêm ông Trần Văn D và ông Phạm Văn H cùng tham gia tổ vận động.
Tuy nhiên, khi tiến hành họp dân thì đã bầu ông Trần Văn D làm tổ trưởng để kêu gọi và thu tiền của các hộ dân để kéo điện về buôn EK nên sau này ông D và ông C trực tiếp liên hệ làm việc với nhau. Ông T, ông D và ông H cùng thống nhất phân chia công việc như sau: ông T và ông H chỉ đi kêu gọi người dân tham gia nộp tiền để kéo đường điện còn mọi việc sổ sách thu chi từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành kéo đường dây của các hộ dân với bên thi công điện là do ông D chịu trách nhiệm nhận tiền và giải quyết thay mặt ông T và ông H.
Số hộ dân mà ông T, ông H và ông D kêu gọi được là khoảng 24 hộ với tổng diện tích là khoảng 25,05ha, tương ứng với số tiền phải nộp là 375.750.000 đồng. Số tiền này giữa ông C và ông D giao nhận với nhau như nào thì ông T không biết. Bản thân gia đình ông T có 01ha tham gia kéo đường dây điện tương ứng với 15.000.000 đồng được thưởng nên ông T không phải đóng tiền kéo dây điện nữa. Ông T đã nộp 30.000.000 đồng tạm ứng (nộp cho ông D 6.000.000 đồng và chuyển khoản cho ông C 24.000.000 đồng) nhưng đến nay công trình điện được đưa vào sử dụng ổn định, ông T vẫn chưa nhận được tiền thưởng 15.000.000 đồng và 15.000.000 đồng tạm ứng còn lại, do đó ông T yêu cầu ông C phải trả lại số tiền 30.000.000 đồng và lãi suất theo quy định của pháp luật.
* Trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa Ông Lê Văn C trình bày:
Vào năm 2013 ông C có thi công đường dây điện tại Buôn EK, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk, ban đầu ông T là người đến gặp ông C bàn bạc và trao đổi với nhau. Sau đó, khi tiến hành họp dân thì đã bầu ông Trần Văn D làm tổ trưởng của nhánh điện kéo về Buôn E K, sau này ông C đã trực tiếp liên hệ để làm việc với ông D. Do ông D làm tổ trưởng tổ điện Buôn E K nên ông C có thỏa thuận với ông Trần văn D vận động, thu tiền các hộ dân tham gia đường dây điện cho đủ 25 ha và mỗi ha phải đóng 15.000.000 đồng và phải cho ông C tạm ứng trước kinh phí thi công đường dây điện. Khi hoàn thành công việc thì ông C sẽ trả công tương xứng với công sức ông D đi vận động các hộ dân.
Sau đó, ông Trần Văn D có rủ thêm ông Phạm Văn H và ông Phạm Văn T cùng tham gia tổ vận động các hộ dân. Lúc đó, ông C chỉ làm việc trực tiếp với ông D, còn ông T và ông H thì làm việc qua ông D, nhưng ông C có hứa với ông D sẽ cho mỗi người 1ha tương đương 15.000.000 đồng, nếu ba người này vận động nộp tiền đủ diện tích 25 ha. Việc thỏa thuận này chỉ thỏa thuận miệng, không lập biên bản, không có ai làm chứng.
Tổng cộng số hộ dân đã kêu gọi được là khoảng 24 hộ với tổng diện tích là khoảng 25,05ha, tương ứng với số tiền phải nộp là 375.750.000 đồng, nhưng ông C và ông Đặng Phi H (đại diện điện lực huyện Ea H’Leo chỉ nhận số tiền là 285.000.000 đồng (gồm ông C ứng trước 150.000.000 đồng và ông H nhận 135.000.000 đồng). Như vậy ông D đã giao thiếu số tiền là 90.750.000 đồng. Số tiền 90.750.000 đồng này ông C đã giao lại cho ông D, ông T và ông H tiếp tục thu đủ để trích lại tiền thưởng mỗi người 01ha tương đương là 15.000.000đồng/ người, số tiền còn lại thì giao lại cho ông C nhưng đến nay ông C vẫn chưa nhận được.
Trong tổng số tiền 90.000.000 đồng mà ông C đã tạm ứng của ông D lần thứ 2 thì gia đình ông T đã chuyển khoản cho ông C số tiền 24.000.000 đồng, còn 6.000.000 đồng thì ông T đóng trực tiếp cho ông D và bà P. Theo danh sách các hộ đóng đủ thì ông T có 1 ha đất tham gia đường dây điện nên ông T phải đóng 15.000.000 đồng theo thỏa thuận tham gia đường dây, nhưng ông T không đóng số tiền này mà ông T đã tự trừ với ông D trong số tiền mà ông T đã đóng tạm ứng ban đầu. Các khoản tiền mà ông C đã tạm ứng của ông D thì ông C không biết số tiền này là của ai, nhưng đây là số tiền mà ông D có trách nhiệm cho ông C tạm ứng để có kinh phí thi công đường dây điện.
Do ông T cho rằng đã yêu cầu ông D trả lại số tiền 30.000.000 đồng nên ông C có viết giấy xác nhận với nội dung “Tôi Lê Văn C đã nhận đúng số tiền cộng hét ta đã đăng ký trong danh sách, số tiền còn lại chưa đóng đủ diện tích (tôi cho lại ba người trong đó ông D, ông H và ông T) và giấy xác nhận ngày 12/4/2016” là để ông T yêu cầu ông D trả lại tiền cho ông T, vì không khởi kiện được ông D nên ông Tmới khởi kiện ông C. Do đó, ông C không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.
* Trong quá trình tham gia tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn D trình bày:
Năm 2013 ông Lê Văn C và ông Đoàn Văn T có trao đổi với ông Trần Văn D về việc kéo đường dây điện hạ thế vào khu vực tại Buôn E K, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk. Qua trao đổi ông C thống nhất nếu ông D vận đồng được các hộ dân tham gia đường dây điện được 25 ha, mỗi ha nộp 15.000.000 đồng thì ông C mới đứng ra liên hệ để kéo đường dây điện tại Buôn E K, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk. Nếu ông D vận động đủ diện tích 25 ha thì ông C sẽ cho ông D 3 ha tương đương 45.000.000 đồng, nếu vận động không đủ 25 ha thì ông D phải bù cho đủ 25 ha ông C mới kéo đường dây điện. Sau khi thỏa thuận với ông C thì ông D đã đồng ý với nội dung trên.
Để kéo được đường dây điện, ông D có rủ thêm ông Phạm Văn H và ông Phạm Văn T cùng đi vận động các hộ dân, ông D có nói với ông H và ông T về việc ông C cho mỗi người 1 ha tương đương 15.000.000 đồng. Ông D, ông H và ông T đã vận động đủ diện tích 25 ha và đã thu đủ mỗi ha là 15.000.000 đồng (25 ha x 15.000.000 đồng = 375.000.000 đồng – 3 ha mà ông C đã hứa cho thì ông D phải nộp lại cho ông C 22 ha = 330.000.000 đồng).
Tuy nhiên, ông D không phải nộp cho ông C và ông H 330.000.000 đồng, mà trong số tiền 330.000.000 đồng ông D phải trừ đi các khoản ông D đã mua dây điện vào cột, tiền công của người đi chôn cột, số tiền còn lại mới nộp cho ông C và ông H là 285.000.000 đồng.
Ông D và bà P là người lập danh sách thu tiền và kê khai các khoản đã chi liên quan đến đường dây điện tại Buôn E K. Toàn bộ danh sách thu chi này ông D đã nộp cho ông C đầy đủ.
Ban đầu khi ông D rủ ông H và ông T cùng đi vận động các hộ dân tham gia đường dây điện thì mỗi người đã phải đóng tạm ứng cho ông C khoảng 80.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng để ông C đổ cột điện. Trong đó, ông D là 30.000.000 đồng, ông H nộp cho ông D 26.000.000 đồng, còn ông T nộp cho ông C bao nhiêu thì ông D không nhớ nhưng ông T có chuyển khoản trực tiếp cho ông C.
Khi ông C đã đổ cột điện thì ông D, ông H và ông T đã vận động được nhiều hộ dân tham gia, sau khi các hộ dân đóng tiền thì ông D đã dùng số tiền thu của các hộ dân để trả cho ông H như đã hứa ban đầu là cho ông H 1 ha = 15.000.000 đồng (vì ông H có tham gia 2,5 ha đất = 45.000.000 đồng, ông H đã đóng tạm ứng cho ông D trước 26.000.000 đồng – 15.000.000 đồng, nên ông D đã trả lại cho ông H 11.000.000 đồng). Còn ông T thì ông D đã trả cho ông T số tiền 30.000.000 đồng. Khi ông H và ông T đưa tiền cho tôi không có giấy tờ gì nên khi trả tiền lại cho ông H và ông T, ông D cũng không viết giấy tờ gì với ông H và ông T.
Như vậy, số tiền ông T đã đóng tạm ứng trước để kéo đường dây điện thì ông D đã trả lại hết cho ông T, khi trả tiền ông D không viết giấy tờ gì, nhưng có mặt bà K mẹ ông T (tên thật là Nguyễn Thị T) và ông H.
Việc lập danh sách các hộ dân tham gia đường dây điện, viết phiếu và thu tiền là do vợ của ông D (bà Trần Thị P) viết. Bà D vợ của ông H không liên quan gì đến công việc kéo đường dây điện này. Gia đình ông D tham gia vào đường dây điện là 1,6 ha đất– 15.000.000 đồng, ông C hứa cho 1 ha = 15.000.000 đồng, nên ông D chỉ nộp số tiền tương đương của 6 sào đất.
Việc thỏa thuận vận động các hộ dân tham gia đường điện, ban đầu chỉ có ông D, ông C và ông T mà không có ông H và ông T. Vì ông H và ông T là do ông D gọi vào tham gia sau này.
Ông D cho rằng: Ông C không phải là người trực tiếp thỏa thuận với ông T và ông H tham gia vận động các hộ dân.
Hiện nay ông D không có tài liêu chứng cứ gì để cung cấp cho Tòa án. Vì toàn bộ các giấy tờ liên quan đến đường dây điện thì ông D đã nộp hết cho ông C. Phiếu thu tiền thì do bà Trần Thị P (vợ ông D) viết và giao cho người nộp tiền một phiếu, phiếu còn lại đã nộp cho ông C hết.
Người làm chứng ông Đoàn Văn T trình bày:
Năm 2013 chúng tôi có xây dựng đường điện dân sinh tại Buôn M, xã Cư N, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm đó, tôi là đại diện chủ đầu tư, còn ông C là chủ hợp đồng thi công đường điện, khi xây dựng gần xong thì phía bên kia suối EK, xã Ea S có sang xin một nhánh hạ thế qua để bà con sử dụng tưới và thắp sáng.
Trong tổ gồm ông D, ông H và ông T qua xin, tự huy động 25 ha. Qua trao đổi, ông C thống nhất nếu ông D vận động các hộ dân tham gia đường dây điện được 25 ha, mỗi ha phải nộp 15.000.000 đồng thì ông C mới đứng ra liên hệ để kéo đường dây điện. Khi ông D, ông H và ông T huy động được 23 hộ với 24,2 ha thì ông C đã thi công đường dây điện xong và nộp cho ông C được 285.000.000 đồng, số tiền còn lại theo các hộ dân nói thì ông D là người thu tiền và giữ tiền của tổ. Còn việc ông C hứa với ông H, ông D và ông T như thế nào thì ông T không rõ, nên ông T không biết.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DSST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo đã quyết định:
Áp dụng khoản 1 Điều 6, khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 590 và Điều 592 của Bộ luật Dân sự năm 2005; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn T về việc buộc ông Lê Văn C phải trả số tiền 30.000.000 đồng (gồm 15.000.000 đồng tiền hứa thưởng và 15.000.000 đồng tạm ứng ban đầu) và lãi suất đối với số tiền trên theo quy định của pháp luật.
Án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các đương sự.
Ngày 06/10/2020, nguyên đơn kháng cáo bản án sơ thẩm theo hướng đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và nội dung kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa trình bày ý kiến:
- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Xét kháng cáo của nguyên đơn: Căn cứ các tài liệu trong hồ sơ cho thấy việc ông Phạm Văn T khởi kiện ông Lê Văn C là đúng, Tòa án thụ lý vụ án “Kiện đòi tài sản” là đúng. Lẽ ra Tòa án áp dụng Điều 256 Bộ luật dân sự để giải quyết vụ án, tuy nhiên khi xét xử lại thay đổi quan hệ tranh chấp “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng” để giải quyết là không đúng pháp luật. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn T, sửa án sơ thẩm theo hướng: Về quan hệ pháp luật: “Kiện đòi tài sản”; Áp dụng Điều 256 Bộ luật dân sự năm 2005, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông C phải trả cho ông T 30.000.000 đồng. Tách yêu cầu đòi 30.000.000 đồng giữa ông C và ông D thành một vụ kiện khác khi có yêu cầu.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về quan hệ pháp luật: Nguyên đơn yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bị đơn phải trả thưởng cho nguyên đơn số tiền 15.000.000 đồng và trả cho nguyên đơn số tiền 15.000.000 đồng đã nộp tạm ứng. Đây là vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng và kiện đòi tài sản”, Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng hứa thưởng” là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
[2] Về nội dung: Nguyên đơn ông Phạm Văn T cho rằng năm 2013 ông Lê Văn C có xây dựng đường dây điện tại khu vực Buôn E Kl, xã Ea S, huyện Krông B, tỉnh Đắk Lắk. Ông C có thỏa thuận với ông Phạm Văn T, ông Trần Văn D và ông Phạm Văn H nếu vận động, thu được tiền của các hộ dân tham gia với diện tích 25 ha đất và mỗi ha phải đóng số tiền 15.000.000 đồng cho ông C, đồng thời phải cho ông C tạm ứng trước 40.000.000 đồng để đổ trụ thi công đường dây điện và 90.000.000 đồng để mua 1.200m dây điện hạ thế thì ông C sẽ thi công đường dây điện từ huyện Ea H’Leo về địa bàn Buôn E K và sẽ cho ông H, ông T và ông D mỗi người 15.000.000 đồng tương đương 1ha. Ông T, ông H, ông D đều thống nhất phân công ông D là người có trách nhiệm lập danh sách, thu, chi tiền thu được của các hộ dân và thay mặt tất cả các hộ dân cũng như ông H, ông T làm việc với ông C và bên thi công điện; ông T, ông H chịu trách nhiệm đi kêu gọi các hộ dân tham gia để cùng kéo đường dây điện.
Từ tháng 02/2014 đến nay, ông T, ông D, và ông H đã hoàn thành kêu gọi đủ số hộ dân với diện tích 25,05ha đất, đường dây điện đã đi vào hoạt động ổn định nhưng ông C vẫn chưa thực hiện việc hứa thưởng cho ông T 01 ha là 15.000.000 đồng và 15.000.000 đồng tiền đã nộp tạm ứng còn lại cho ông T do đó ông T khởi kiện yêu cầu ông C phải hoàn trả số tiền này. Bị đơn ông Lê Văn C cho rằng việc thi công kéo đường dây điện và hứa thưởng theo ông T trình bày là đúng, tuy nhiên khi thi công công trình ông C chỉ thu, chi tiền và hứa thưởng với ông D chứ không làm việc với ông T, sau khi hoàn thành công trình từ tháng 02/2014 đến nay ông D vẫn chưa đóng đủ tiền theo số diện tích đất tham gia kéo dây điện cho ông C. Số tiền còn lại ông D đang thu giữ nên ông C đã xác nhận có hứa cho ông T, ông D và ông H mỗi người số tiền thu được của 1ha đất là 15.000.000 đồng khi hoàn thành công việc như đã hứa để ông H, ông T làm căn cứ đòi nợ của ông D. Do đó ông C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn thì thấy:
Xét yêu cầu khởi kiện yêu cầu nguyên đơn trả 15.000.000 đồng tiền hứa thưởng HĐXX xét thấy: Qúa trình điều tra và tại phiên tòa bị đơn ông C xác định ông C có hứa với ông T, ông D, ông H nội dung “Nếu kêu gọi được diện tích 25ha đất và thu đủ 15.000.000đ/1ha đất cho ông C thì ông C sẽ hứa thưởng số tiền 45.000.000 đồng tương đương 03ha đất. Ngoài ra, phải nộp tạm ứng trước khi thi công cho ông C số tiền 40.000.000 đồng để đổ trụ thi công đường dây điện và 90.000.000 đồng để mua 1200m dây điện hạ thế”. Tại cấp phúc thẩm, ông C cung cấp chứng cứ danh sách các hộ dân tham gia đóng góp tiền để kéo đường dây điện do ông D lập là 24 hộ dân tham gia đường dây điện với tổng diện tích là 25,05ha, tương đương số tiền 375.750.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi đường dây điện đưa vào sử dụng từ tháng 02/2014 đến nay, ông C và Đặng Phi H chỉ nhận tổng số tiền 285.000.000 đồng, trong đó, ông C đã nhận tạm ứng 03 lần là 150.000.000 đồng và ông H nhận 135.000.000 đồng, số tiền còn lại ông D, ông T, ông H vẫn chưa đóng đủ cho ông C. Như vậy, sau khi đường dây điện đưa vào sử dụng, ông D, ông H, ông T vẫn chưa thực hiện xong công việc theo yêu cầu của ông C, do đó ông T yêu cầu ông C phải thanh toán số tiền 15.000.000 đồng hứa thưởng là không có căn cứ để chấp nhận.
Xét yêu cầu của ông T buộc ông C phải trả số tiền 15.000.000 đồng tạm ứng đã nộp HĐXX xét thấy, việc ông T cho rằng đã chuyển cho ông C số tiền 24.000.000 đồng và chuyển cho ông D số tiền 6.000.000 đồng, tổng cộng 30.000.000 đồng là khoản tiền phải nộp tạm ứng để kéo đường dây điện. Gia đình ông T có 01 ha đất tham gia đường dây điện nên ông T phải đóng 15.000.000 đồng theo thỏa thuận tham gia đường dây, nhưng ông T đã không đóng số tiền này mà ông T đã tự trừ với ông D trong số tiền mà ông T đã đóng tạm ứng ban đầu. Xét thấy, việc thu chi các khoản tiền đều do ông D thực hiện, người cho ông C tạm ứng các khoản tiền là ông D, ông C chỉ ứng các khoản tiền từ ông D và ông T cũng đã tự trừ với ông D 15.000.000 đồng trong số tiền 30.000.000 đồng mà ông T đã đóng tạm ứng trước. Do đó, khoản tiền tạm ứng 30.000.000 đồng ban đầu của ông T, ông H và ông D thì 3 người này có trách nhiệm thu lại từ các hộ dân tham gia đường dây điện trong tổng diện tích 25 ha và phải tự cân đối với nhau, nên ông C cũng không có nghĩa vụ phải trả cho ông T số tiền 15.000.000 đồng tạm ứng dư này.
Từ những phân tích nhận định trên, cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Phạm Văn T buộc bị đơn ông Lê Văn C phải trả số tiền 30.000.000 đồng (trong đó 15.000.000 đồng hứa thưởng và 15.000.000 đồng tạm ứng dư) và lãi suất là có căn cứ. Do đó, không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn.
[3] Về án phí: Nguyên đơn là hộ cận nghèo nên được miễn toàn bộ án phí dân phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận kháng cáo của ông Phạm Văn T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 51/2020/DSST ngày 24/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo.
[2] Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án; Miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Phạm Văn T.
[3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 33/2021/DS-PT ngày 01/02/2021 về tranh chấp hợp đồng hứa thưởng và kiện đòi tài sản
Số hiệu: | 33/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 01/02/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về