TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
BẢN ÁN 33/2020/DS-PT NGÀY 30/06/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Ngày 30 tháng 6 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 19/2020/TLPT-DS ngày 18 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 156/2019/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 37/2020/QĐPT-DS ngày 17 tháng 4 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức N, sinh năm 1968.
Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Ngô Thanh T là Luật sư của Văn phòng Luật sư T thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Q. Địa chỉ: Số 55 C, phường H, thành phố T, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
2. Bị đơn: Tổng Công ty Bảo hiểm B.
Địa chỉ: Số 104 T, phường C, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Xuân V - Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Đ - Chức vụ: Phụ trách Phòng Giám định bồi thường - Công ty B. Địa chỉ: Số 146 P, phường T, thành phố T, tỉnh Quảng Nam (Văn bản ủy quyền số 4508/UQ-BHBV ngày 06-8-2019). Có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Ngân hàng N.
Địa chỉ: Số 02 L, phường T, quận B, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hữu M - Chức vụ: Giám đốc Ngân hàng N - Chi nhánh K, tỉnh Q.
Ông Nguyễn Hữu M ủy quyền lại cho ông Nguyễn H, sinh năm 1964; Chức vụ: Giám đốc Phòng Giao dịch T (Ngân hàng N - Chi nhánh K, tỉnh Q). Địa chỉ: Số 775 đường P, thị trấn N, huyện N, tỉnh Quảng Nam (Văn bản ủy quyền ngày 18-11-2019). Có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1968.
Địa chỉ: Thôn Đ, xã T, huyện N, tỉnh Quảng Nam. Có mặt.
4. Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Đức N và bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, các lời khai có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Nguyễn Đức N trình bày:
Ngày 27-9-2017, tàu cá QNa-907xx-TS do ông Nguyễn Đức N làm chủ sở hữu đã ký kết hợp đồng bảo hiểm số QNA.BHHS.17.152 với Công ty B (thuộc Tổng Công ty Bảo hiểm B), số tiền bảo hiểm là 4.037.800.000 đồng, thời hạn bảo hiểm từ ngày 27-9-2017 đến ngày 26-9-2018. Và, tàu cá QNa-907xx-TS của ông N đã được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản.
Ngày 03-9-2018, tàu cá QNa-907xx-TS xuất bến tại Trạm Biên phòng A, Quảng Nam, trên tàu có 11 thuyền viên do ông N làm thuyền trưởng, tàu làm nghề lưới vây đảo. Đến khoảng 02 giờ 20 phút ngày 07-9-2018, tàu QNa-907xx- TS đang neo đậu ở tọa độ 15034´N/113046´E để gom cá thì tàu bất ngờ phát cháy dưới hầm máy. Tất cả các thuyền viên tham gia dập lửa nhưng không thể dập được dẫn đến sự cố tàu QNa-907xx-TS cháy và chìm ngoài biển. Toàn bộ 11 thuyền viên trên tàu đã được tàu QNa-901xx-TS của ông Võ Công T cứu vớt, đưa vào bờ ngày 09-9-2018.
Sau khi vào bờ, theo yêu cầu của Công ty B, ông N đã thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý để khai báo và cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, giấy tờ cho Công ty B để yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. Ông N đã nhiều lần yêu cầu chi trả tiền bảo hiểm nhưng Công ty B không chi trả. Khi ông N đến Công ty B để tiếp tục yêu cầu chi trả bảo hiểm thì nhận được văn bản số 246/BVQNa/2019 ngày 09-5-2019 của Công ty B có nội dung không thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho tàu cá QNa-907xx-TS với lý do: Tàu cá QNa-907xx-TS của ông Nguyễn Đức N đã vi phạm, không có bằng máy trưởng theo quy định; với Quy tắc bảo hiểm mà Công ty B viện dẫn là Quy tắc bảo hiểm được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 15731/BTC-QLBH ngày 29-10-2014.
Việc từ chối không chi trả bảo hiểm của Công ty B là không phù hợp với quy định pháp luật bảo hiểm, không đúng thỏa thuận theo hợp đồng bảo hiểm đã ký và Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số QNA.BHHS.17.152 ngày 27-9-2017. Bởi vì, theo Giấy chứng nhận bảo hiểm số QNA.BHHS.17.152 thì Quy tắc bảo hiểm áp dụng đối với tàu cá QNa-907xx-TS được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16-12-2015 và theo Công văn này thì trường hợp tàu cá QNa-907xx-TS do ông N làm chủ và làm thuyền trưởng không thuộc một trong các điểm loại trừ bảo hiểm.
Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B chi trả tiền bảo hiểm tàu cá QNa-907xx-TS do ông N làm chủ với số tiền bảo hiểm là 4.037.800.000 đồng và tiền lãi chậm thanh toán kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán bảo hiểm, cụ thể là từ ngày 10-11-2018 cho đến khi xét xử.
Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là Tổng Công ty Bảo hiểm B trình bày:
Ông Nguyễn Đức N yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B phải thanh toán 4.037.800.000 đồng tiền bảo hiểm cho tàu cá QNa-907xx-TS bị cháy và tiền lãi chậm thanh toán. Sau khi nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ việc, Tổng Công ty Bảo hiểm B có ý kiến như sau:
Ông Nguyễn Đức N mua bảo hiểm khai thác thủy sản cho tàu cá QNa- 907xx-TS theo Giấy chứng nhận bảo hiểm QNA.BHHS.17.152 từ ngày 27-9- 2017 đến ngày 26-9-2018 tại Công ty B. Phí bảo hiểm đã được chủ tàu thanh toán đầy đủ, đúng hạn và thời điểm xảy ra tổn thất nằm trong thời hạn của Giấy chứng nhận bảo hiểm. Ngày 03-9-2018, tàu QNa-907xx-TS do thuyền trưởng Nguyễn Đức N điều khiển xuất bến tại Cửa A - Quảng Nam ra khơi hành nghề lưới vây tại vùng biển đảo Hoàng Sa, với 11 thuyền viên. Khoảng 02 giờ 20 phút ngày 07-9-2018, trong buồng máy có lửa cháy; sau khi đám cháy bùng phát lớn, toàn bộ máy phát điện ngừng hoạt động dẫn đến mất điện toàn tàu. Lúc 05 giờ 20 phút cùng ngày, tàu QNa-907xx-TS chìm đắm hoàn toàn. Ngay sau khi xảy ra sự cố, ông N đã thông báo với Công ty B và các cơ quan chức năng. Ngày 08-9-2018, sau khi nhận được thông báo sự cố, Công ty B đã chỉ định Công ty Giám định T (MID) tiến hành giám định nguyên nhân, mức độ tổn thất.
Ngày 21-12-2018, MID đã xác nhận và gửi lại báo cáo giám định cuối cùng. Theo báo cáo giám định của MID, tại thời điểm xảy ra tổn thất, thuyền viên trên tàu QNa-907xx-TS không có bằng cấp, chứng chỉ máy trưởng chuyên môn đi hoạt động hành nghề. Ngày 08-5-2019, Công ty B đã ban hành Công văn số 2634/BHBV-GĐBTHH về việc “Từ chối giải quyết bồi thường sự cố cháy và chìm đắm tàu cá QNa-907xx-TS ngày 07-9-2018”. Ngày 27-5-2019, chủ tàu Nguyễn Đức N đã có đơn khiếu nại và yêu cầu bồi thường số tiền bảo hiểm tàu cá QNa-907xx-TS và tiền lãi phát sinh do trả chậm. Sau khi nhận được khiếu nại, Công ty B đã có văn bản giải thích rõ quy tắc điều khoản và phạm vi bảo hiểm cho chủ tàu.
Căn cứ Báo cáo giám định số 025BCCC/18TĐ lập ngày 24-10-2018 của Công ty Giám định T, biên bản ghi lời khai của những người biết vụ việc, xác định tại thời điểm xảy ra tổn thất, thuyền viên tàu cá QNa-907xx-TS không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn máy trưởng theo quy định. Căn cứ mục e, Điều 15, Chương II Quy tắc bảo hiểm thân tàu cá tham gia Nghị định 67/2014/NĐ-CP về bồi thường bảo hiểm:
“Điều 15: Loại trừ bảo hiểm:
e) Vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, bao gồm:
- Khi tàu đang hoạt động mà trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận: + Có cả thuyền trưởng và máy trưởng nhưng thuyền trưởng hoặc máy trưởng không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định pháp luật...”.
Căn cứ Điều 4, khoản 3 quy định về bằng cấp thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá tham gia hoạt động thủy sản trên tàu cá được quy định tại Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30-6-2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tàu cá QNa-907xx-TS đã vi phạm vì không có bằng máy trưởng theo quy định: “Điều 4, khoản 3: Khi tham gia các hoạt động thủy sản trên tàu cá, thuyền trưởng, máy trưởng phải có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng hạng tương ứng với loại tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính như sau: Loại chứng chỉ tàu cá: Thuyền trưởng, Máy trưởng. Tổng công suất máy chính của tàu (sức ngựa): Hạng nhỏ: Từ 20cv đến 90cv, hạng năm: Từ 90cv đến dưới 400cv, hạng tư: Từ 400cv trở lên. Người sử dụng chứng chỉ: Thuyền trưởng, máy trưởng”.
Đối chiếu với điều khoản nêu trên, sự cố chìm đắm tàu cá QNa-907xx-TS đã vi phạm điều khoản loại trừ bảo hiểm theo quy tắc bảo hiểm tàu cá tham gia Nghị định 67/2014/NĐ-CP và không thuộc trách nhiệm bảo hiểm.
Vì vậy, Tổng Công ty Bảo hiểm B không chấp nhận bồi thường bảo hiểm và lãi suất chậm thanh toán như nguyên đơn ông Nguyễn Đức N đã yêu cầu. Tổng Công ty Bảo hiểm B đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng N trình bày: Ngân hàng N - Chi nhánh K (Phòng Giao dịch T) và vợ chồng ông Nguyễn Đức N có ký hợp đồng vay vốn và tài sản thế chấp là tàu QNa-907xx-TS do ông Nguyễn Đức N làm chủ. Nay tàu bị sự cố, Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án để thu hồi vốn về cho Ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho chủ tàu không còn nợ. Ngân hàng N không yêu cầu xem xét đến hợp đồng vay và tài sản thế chấp (kể cả khoản tiền bảo hiểm cho tài sản là tàu QNa-907xx-TS, nếu có). Ngân hàng chỉ theo dõi việc giải quyết vụ án để biết nội dung giải quyết vụ án, sau đó sẽ có hướng xử lý đối với hợp đồng vay giữa Ngân hàng và ông Nguyễn Đức N. Tại các lời khai có trong hồ sơ vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị B trình bày: Vợ chồng bà làm nghề khai thác hải sản, trong quá trình làm việc, có thế chấp tàu QNa-907xx-TS để vay vốn của Ngân hàng N và có mua bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm B. Nay tàu xảy ra sự cố, bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải thanh toán tiền bảo hiểm cho vợ chồng bà, để vợ chồng bà có tiền trả nợ vay và có vốn làm ăn. Bà yêu cầu Tổng Công ty Bảo hiểm B thanh toán khoản tiền bảo hiểm cho chồng của bà là ông Nguyễn Đức N vì ông N là chủ tàu.
Tại lời khai có trong hồ sơ vụ án, người làm chứng là bà Nguyễn Thị Hữu P trình bày: Đầu tháng 8 năm 2017, bà P nhận được điện thoại của Trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng A xuống làm thủ tục bảo hiểm cho chủ tàu Nguyễn Đức N. Bà P đến tại Trạm A gặp chủ tàu và thu thập các giấy tờ liên quan đến tàu cá, gồm: Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá, giấy an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác, danh bạ thuyền viên và bà P đưa cho chủ tàu kê khai trong giấy yêu cầu bảo hiểm và giấy tờ về việc hỗ trợ của Nhà nước để chủ tàu về Ủy ban nhân dân xã ký xác nhận. Sau đó, chủ tàu về xã ký và giao đầy đủ giấy tờ cho bà P mang về nộp cho Công ty B xem xét và cấp đơn bảo hiểm, bà P mang Giấy chứng nhận bảo hiểm xuống giao cho chủ tàu, thu tiền và nộp về ngân hàng. Vì tàu ông N là bảo hiểm tái tục nên bà P nghĩ chủ tàu đã biết tất cả các quy định và quy tắc về tàu cá theo Nghị định 67 nên bà P không đưa bất kỳ giấy tờ gì khác liên quan đến bảo hiểm và không có giải thích gì thêm cho chủ tàu.
Với nội dung vụ án như trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 156/2019/DS- ST ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã áp dụng các Điều 26, 35, 40, 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 385, 468 Bộ luật Dân sự; các Điều 13, 14, 15, 16, 17, 19, 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Đức N về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” với bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.
Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm là ông Nguyễn Đức N số tiền 4.263.153.655 đồng. Trong đó, số tiền được bảo hiểm do tổn thất toàn bộ của tàu QNa-907xx-TS là 4.037.800.000 đồng, tiền lãi suất chậm trả của tiền bảo hiểm tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 225.353.655 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 09-12-2019, bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Ngày 13-12-2019, nguyên đơn ông Nguyễn Đức N có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn cho rằng: Ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền bảo hiểm được xác định là sau 15 ngày kể từ ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B nhận được Báo cáo giám định cuối cùng của Công ty Giám định T. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả tiền lãi chậm trả cho ông N từ ngày 14-11-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam tham gia phiên tòa phúc thẩm, phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm: Thẩm phán được phân công trực tiếp giải quyết vụ án đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc thụ lý vụ án, về thời hạn giải quyết vụ án, về việc chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nghiên cứu để tham gia xét xử. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.
Về việc giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn không rút đơn khởi kiện, không rút đơn kháng cáo và yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét lại một phần bản án sơ thẩm, buộc bị đơn thanh toán khoản tiền lãi chậm trả từ ngày 14-11-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (30-11-2019), với mức lãi suất theo quy định của pháp luật; bị đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo, yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm.
[2] Xét kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B thì thấy:
[2.1] Các đương sự đều thừa nhận tàu QNa-907xx-TS do ông Nguyễn Đức N làm chủ được bảo hiểm bằng Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số: QNA.BHHS.17.152 do Công ty B cấp ngày 27-9-2017. Đến khi xảy ra sự cố cháy tàu vào ngày 07-9-2018 thì tàu vẫn còn trong thời hạn được bảo hiểm và sự cố cháy tàu là sự cố khách quan, không có lỗi của ông N.
[2.2] Tại Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản mà Công ty B cấp cho ông N thể hiện Quy tắc bảo hiểm được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16-12-2015 của Bộ Tài chính. Trong đó, tại điểm e khoản 1 Điều 15 của “Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ” (được chấp thuận đăng ký theo Công văn số 18759/BTC-QLBH ngày 16-12-2015 của Bộ Tài chính) quy định về “Loại trừ bảo hiểm” như sau: “e) Vi phạm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, bao gồm:
- Khi tàu đang hoạt động mà trong danh sách thuyền viên do Biên phòng xác nhận:
+ Có cả thuyền trưởng và máy trưởng nhưng thuyền trưởng hoặc máy trưởng không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định pháp luật;
+ Chỉ có thuyền trưởng nhưng thuyền trưởng không có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn theo quy định pháp luật”.
Tàu của ông N vào thời điểm xảy ra sự cố chỉ có ông N là thuyền trưởng (theo danh sách thuyền viên đã được Trạm kiểm soát Biên phòng A xác nhận) và ông N có Chứng chỉ tàu cá hạng tư theo quy định của pháp luật. Như vậy, trường hợp của ông N không rơi vào điều khoản loại trừ bảo hiểm quy định tại Điều 15 của Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm thân tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Tổng Công ty Bảo hiểm B căn cứ vào khoản 3 Điều 4 của Quyết định số 77/2008/QĐ-BNN ngày 30-6- 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để loại trừ bảo hiểm đối với tàu cá do ông N làm chủ là không có cơ sở.
[2.3] Mặt khác, tại phần ghi chú của Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản có ghi: DNBH (doanh nghiệp bảo hiểm) đã cung cấp đầy đủ thông tin, qui tắc bảo hiểm cho chủ tàu, người được bảo hiểm, giải thích hướng dẫn đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm liên quan. Tuy nhiên, ông N cho rằng khi mua bảo hiểm ông chỉ được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản, còn Quy tắc bảo hiểm ông không được nhận và cũng không được nhân viên bảo hiểm giải thích, hướng dẫn gì về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm. Điều này đã được bà Nguyễn Thị Hữu P là người bán bảo hiểm cho ông N thừa nhận.
[2.4] Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 17 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ: Giải thích cho bên mua bảo hiểm về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm” và khoản 1 Điều 19 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua...”. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng”. Trong khi đó, các bên đương sự đều thừa nhận Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số QNA.BHHS.17.152 ngày 27-9-2017 mà Công ty B cấp cho ông N không có nội dung về điều khoản loại trừ bảo hiểm và khi ông N mua bảo hiểm thì cũng không được giải thích cụ thể về điều khoản loại trừ bảo hiểm.
[2.5] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông N số tiền bảo hiểm 4.037.800.000 đồng là có cơ sở. Đồng thời, do Tổng Công ty Bảo hiểm B chậm trả tiền bảo hiểm cho ông N nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả khoản tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền là đúng quy định pháp luật. Vì vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.
[3] Xét kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Đức N và quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn thì thấy:
[3.1] Do trong Giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản các bên không có thỏa thuận về thời hạn phải trả tiền bảo hiểm nên Tổng Công ty Bảo hiểm B phải có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông N trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm. Tại biên bản xác minh ngày 04-6-2020 của Tòa án cấp phúc thẩm, Công ty TNHH Giám định T xác định ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B nhận được Báo cáo giám định cuối cùng số: 025BCCC/18TĐ về sự cố cháy tàu cá QNa-907xx-TS là ngày 29-10-2018. Như vậy, ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B nhận được hồ sơ hợp lệ được xác định là ngày 29-10-2018. Do đó, kể từ ngày 14-11-2018 Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho ông N theo quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng, ngày Công ty B ban hành và giao văn bản từ chối thanh toán tiền bảo hiểm cho ông N (09-5-2019) là thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị xâm phạm để xác định đó là ngày Tổng Công ty Bảo hiểm B chậm trả tiền bảo hiểm là không đúng. Bởi lẽ, quyền và lợi ích hợp pháp của ông N bị xâm phạm kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo quy định tại Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm nhưng Tổng Công ty Bảo hiểm B không trả, chứ không phụ thuộc vào thời điểm Công ty B có văn bản từ chối thanh toán tiền bảo hiểm.
[3.2] Thời gian chậm trả tiền bảo hiểm của Tổng Công ty Bảo hiểm B được tính từ ngày 14-11-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (30-11-2019) là 12 tháng 16 ngày. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự là 10%/năm. Như vậy, tổng số tiền lãi đối với số tiền bảo hiểm chậm trả mà Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông N là: 403.780.000 đồng (12 tháng) + 17.700.000 đồng (16 ngày) = 421.480.000 đồng.
[3.3] Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Đức N cũng như quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm.
[4] Án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 112.459.000 đồng.
[5] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; kháng cáo của ông Nguyễn Đức N được chấp nhận nên ông N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B.
Chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Nguyễn Đức N, sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 156/2019/DS-ST ngày 30 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Căn cứ vào Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự; các Điều 12, 13, 14, 15, 16, 17, 19, 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm; các Điều 26, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Đức N đối với bị đơn Tổng Công ty Bảo hiểm B về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm”.
Buộc Tổng Công ty Bảo hiểm B phải trả cho ông Nguyễn Đức N, bà Nguyễn Thị B số tiền bảo hiểm đối với tàu cá QNa-907xx-TS là 4.037.800.000 (Bốn tỷ không trăm ba mươi bảy triệu tám trăm nghìn) đồng và tiền lãi chậm trả tính từ ngày 14-11-2018 đến ngày xét xử sơ thẩm (30-11-2019) là 421.480.000 (Bốn trăm hai mươi mốt triệu bốn trăm tám mươi nghìn) đồng. Tổng cộng là 4.459.280.000 (Bốn tỷ bốn trăm năm mươi chín triệu hai trăm tám mươi nghìn) đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Án phí dân sự sơ thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu là 112.459.000 (Một trăm mười hai triệu bốn trăm năm mươi chín nghìn) đồng. Hoàn trả lại cho ông Nguyễn Đức N số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 56.319.000 (Năm mươi sáu triệu ba trăm mười chín nghìn) đồng theo biên lai thu số 0001289 ngày 19-7-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Án phí dân sự phúc thẩm: Tổng Công ty Bảo hiểm B phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng, được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0000050 ngày 12-12-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông Nguyễn Đức N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, hoàn trả lại cho ông N số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng theo biên lai thu số 0000057 ngày 13-12-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (30-6-2020).
Bản án 33/2020/DS-PT ngày 30/06/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 33/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Nam |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/06/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về