Bản án 33/2020/DS-PT ngày 15/09/2020 về kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 33/2020/DS-PT NGÀY 15/09/2020 VỀ KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 15 tháng 9 năm 2020, tại TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 39/2020/TLPT-DS ngày 06 tháng 8 năm 2020 về việc “Kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2020/DS-ST ngày 01 tháng 7 năm 2020 của TAND huyện T bị kháng cáo và kháng nghị.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 59/2020/QĐ-PT ngày 04 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Phùng Quang M Nơi Đăng ký hộ khẩu thường trú: Thôn H, xã X, huyện T, thành phố P. Hiện cư trú tại: Thôn 2, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

2. Bị đơn: Anh Nguyễn Văn N Địa chỉ: Thôn 2, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

3. Người kháng cáo: Anh Nguyễn Văn N.

4. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 22/11/2019 cũng như những lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn Phùng Quang M trình bày: Khoảng hơn 23 giờ ngày 22/6/2019 anh điều khiển xe mô tô đi từ nhà anh L ở thôn 2, xã L huyện T lên bãi nuôi ốc ở thôn 3 xã L. Khi đi đến đoạn đường dốc trước cửa nhà anh chị T- H gần UBND xã L thì gặp anh Nguyễn Văn N đang điều khiển xe mô tô kéo theo hai chiếc xe kéo tự chế, đi ngược chiều từ dưới dốc lên. Do bị chói đèn xe của anh N, không phát hiện phía sau xe mô tô của anh N có xe kéo, nên anh đã va chạm với chiếc xe kéo thứ 2. Chân trái của anh va chạm trực tiếp vào khung xe kéo dẫn đến ngã và bị gãy xương đùi và xương cổ chân trái phải cấp cứu, điều trị tại bệnh viện 10 ngày từ ngày 23/6 đến ngày 02/7/2019. Sau khi xảy ra tai nạn anh N có đưa cho anh 10 triệu đồng để chữa trị thương tích nhưng sau đó anh không đồng ý và đã trả lại anh N. Nay anh M yêu cầu Tòa án buộc anh N phải bồi thường cho anh 142.048.951 đồng.

Bị đơn anh Nguyễn Văn N trình bày: Khoảng 23 giờ 30 phút ngày 22/6/2019 anh có điều khiển xe mô tô chở theo vợ anh là chị N1 và kéo theo hai chiếc xe kéo tự chế, trên xe kéo có anh Q ngồi, đi từ cảng tầu L về nhà ở thôn 2, xã L. Khi đến đoạn đường dốc gần UBND xã L thì anh thấy anh M điều khiển xe mô tô từ trên dốc đi xuống, anh đã tránh về bên phải đường. Khi xe của anh M đi qua xe anh, thì anh nghe thấy tiếng“Rầm”,anh quay lại thấy anh M bị tai nạn đang nằm trên phần đường bên phải hướng anh M đi. Anh không biết anh M bị tai nạn như thế nào, nay anh M yêu cầu anh bồi thường thiệt hại về sức khỏe anh không đồng ý bồi thường vì anh không gây ra tai nạn cho anh M.

Sau khi tai nạn xảy ra không ai đi trình báo cơ quan chức năng, đến ngày 16/7/2019 ông Nguyễn Văn T là bố vợ anh M mới đến Công an trình báo. Ngoài lời khai của anh M thì cơ quan điều tra không thu thập thêm được tài liệu, chứng cứ về các dấu vết trong vụ va chạm giao thông để xác định phần đường, vị trí xảy ra tai nạn. Tại bản kết luận điều tra vụ việc số 03 ngày 16/9/2019 của Công an huyện T đã kết luận: “Anh Nguyễn Văn N điều khiển xe mô tô kéo theo 02 xe kéo tham gia giao thông đã va chạm với xe mô tô do anh Phùng Quang M điều khiển xảy ra vào ngày 22/6/2019 tại thôn 2, xã L, huyện T, tỉnh Quảng Ninh. Hậu quả anh M bị tỷ lệ tổn thương cơ thể là 53%. Hành vi của Nguyễn Văn N đã vi phạm luật giao thông đường bộ nhưng hành vi này không cấu thành tội phạm”.

Với nội dung trên, tại bản án số 01/2020/DS-ST ngày 01 tháng 7 năm 2020 của TAND huyện T đã quyết định: Buộc anh Nguyễn Văn N phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho anh Phùng Quang M số tiền là 100.398.000đ (Một trăm triệu ba trăm chín mươi tám nghìn đồng). Ngoài ra Tòa án còn quyết định về án phí, thi hành án, thông báo kháng cáo cho các đương sự.

Ngày 03/8/2020, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh ban hành kháng nghị số 27/QĐKNPT-VKS-DS với nội dung:

1. Về đánh giá chứng cứ Bản án sơ thẩm chỉ căn cứ vào Bản kết luận điều tra vụ việc số 03, ngày 16/9/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện T, để xác định riêng anh N có lỗi gây nên thương tích cho anh M là không xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan và toàn diện các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, vi phạm Điều 108, điểm b khoản 2, Điều 266 BLTTDS.

Biên bản khám nghiệm hiện trường và Sơ đồ kèm theo thể hiện điểm va chạm giao thông tại đoạn đường dốc; các chứng cứ khác thể hiện: khi xảy ra tai nạn, anh M điều khiển xe mô tô đi xuống dốc, khi quan sát thấy anh N điều khiển xe mô tô gắn hai xe kéo đang đi ngược chiều lên dốc, anh M vẫn giữ tốc độ theo chiều đi của mình nên đã xảy ra va chạm. Do không nhường đường, nên trường hợp này anh M cũng có lỗi vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật giao thông đường bộ. Bản án sơ thẩm chỉ xác định riêng anh N có lỗi trong việc sử dụng xe mô tô gắn hai xe kéo tự chế và không có tín hiệu cảnh báo, vi phạm điểm d, khoản 3, Điều 30 Luật giao thông đường bộ là chưa đầy đủ, khách quan. Cần xác định anh M cũng có phần lỗi đối với thiệt hại của mình.

2. Về áp dụng pháp luật Bản án tuyên buộc bị đơn chịu nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn và xác định nghĩa vụ chậm trả khi thi hành án, nhưng không áp dụng Điều 357, Điều 468 Bộ luật DS là thiếu sót, vi phạm điểm c, khoản 2, Điều 266 BLTTDS

. Về hình thức bản án Bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại sức khỏe cho nguyên đơn số tiền 100.398.000 đồng (nguyên đơn yêu cầu bồi thường số tiền 142.048.951 đồng), nhưng không đề cập đến phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn không được chấp nhận là chưa đầy đủ, vi phạm điểm c, khoản 1, Điều 266 BLTTDS.

Ngoài ra, Bản án tuyên bị đơn chịu án phí ở vị trí sau cuối (sau mục quy định nghĩa vụ chậm trả khi thi hành án và giải thích về quyền yêu cầu thi hành án…) là chưa đảm bảo đúng trình tự, hình thức của bản án được quy định tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Mẫu số 52).

Ngày 09/7/2020, anh Nguyễn Văn N làm đơn kháng cáo với nội dung: Việc anh M va chạm với anh là do anh M say rượu, không làm chủ được, thể hiện qua việc vợ anh M tin nhắn với anh. Nếu không chứng minh được anh M say rượu thì Tòa án phải căn cứ vào hiện trường xảy ra tai nạn để xác định lỗi của các bên, trường hợp không xác định được lỗi do ai thì phải xác định lỗi hỗn hợp và mỗi bên phải chịu một nửa trách nhiệm. Đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét đánh giá lại chứng cứ , xác định lỗi các bên để có cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm, anh Nguyễn Văn N cho rằng anh M điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu, không làm chủ tốc độ, không nhường đường khi xuống dốc, không giảm tốc độ. Anh N cũng thừa nhận anh có dùng xe máy kéo theo hai xe tự chế phía sau, việc anh M bị tai nạn là do anh M va chạm vào xe tự chế mà anh kéo phía sau xe máy của anh. Nếu anh không kéo theo hai xe tự chế thì không xảy ra tai nạn.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên nội dung kháng nghị và cho rằng: về tố tụng Hội đồng xét xử đã làm đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị của VKS vì anh M khi xuống dốc không nhường đường cho xe lên dốc là vi phạm luật giao thông đường bộ, trước khi tham gia giao thông anh M có uống rượu bia, nên anh M phải chịu một phần thiệt hại.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Xét nội dung kháng cáo của anh Nguyễn Văn N thấy: anh N cho rằng anh M va chạm với anh là do anh M say rượu. Tuy nhiên anh N không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Cơ quan điều tra, Tòa án cũng không thu được chứng cứ nào chứng minh anh M bị say rượu, nên không chấp nhận lời khai này của anh N. Về xác định lỗi của các bên trong vụ tai nạn này Tòa án thấy, sau khi tai nạn xảy ra không ai trình báo cơ quan Công an. Mãi 24 ngày sau ông T là bố vợ anh M mới đến trình báo nên cơ quan điều tra không lập được hiện trường ngay sau khi tai nạn sảy ra, không thu thập được tài liệu, chứng cứ về các dấu vết trong vụ va chạm giao thông để xác định phần đường, vị trí xảy ra tai nạn. Tuy nhiên căn cứ lời khai của hai bên đương sự, lời khai của anh Q là người ngồi trên chiếc xe kéo phía sau xe mô tô của anh N thì có căn cứ xác định khoảng 23 giờ 30 phút ngày 22/6/2019 anh N có điều khiển xe mô tô chở theo vợ là chị N1 và kéo theo hai chiếc xe kéo tự chế, trên xe kéo thứ nhất có anh Q ngồi, đi từ cảng tầu L về nhà ở thôn 2, xã L. Khi đến đoạn đường dốc gần UBND xã L thì gặp anh M điều khiển xe mô tô từ trên dốc đi xuống. Khi xe của anh M đi qua xe mô tô của anh N thì va chạm vào chiếc xe kéo thứ 2 của anh N. Điều đó chứng tỏ do anh N kéo theo hai chiếc xe kéo tự chế thì mới xảy ra tai nạn (nếu anh N không kéo theo hai xe tự chế thì không xảy ra tai nạn). Tại phiên tòa phúc thẩm, anh N cho rằng anh M điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu, không làm chủ tốc độ, không nhường đường khi xuống dốc, không giảm tốc độ, tuy nhiên anh N không đưa ra được chứng cứ nên không được chấp nhận. Việc làm của anh N đã vi phạm Điểm d khoản 3 điều 30 Luật giao thông đường bộ. Điểm d khoản 3 điều 30 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây: d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác”. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xác định lỗi trong vụ tai nạn này thuộc hoàn toàn về anh N là có căn cứ. Do đó không chấp nhận nội dung kháng cáo của anh N.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát thấy: Viện kiểm sát cho rằng “khi xảy ra tai nạn, anh M điều khiển xe mô tô đi xuống dốc, khi quan sát thấy anh N điều khiển xe mô tô gắn hai xe kéo đang đi ngược chiều lên dốc, anh M vẫn giữ tốc độ theo chiều đi của mình nên đã xảy ra va chạm. Do không nhường đường, nên trường hợp này anh M cũng có lỗi vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật giao thông đường bộ”, như đã phân tích ở trên, sau khi tai nạn xảy ra không ai trình báo cơ quan Công an, mãi 24 ngày sau ông T là bố vợ anh M mới đến trình báo, nên cơ quan điều tra không lập được hiện trường ngay sau khi tai nạn xảy ra, không thu thập thêm được tài liệu, chứng cứ về các dấu vết trong vụ va chạm giao thông để xác định phần đường, vị trí xảy ra tai nạn . Vì không xác định được phần đường, vị trí tai nạn nên không có căn cứ xác định phần đường mà hai bên tham gia giao thông đi như thế nào? Nên không kết luận được anh M không nhường đường cho anh N như quan điểm của Viện kiểm sát, nên không có cơ sở kết luận anh M cũng có lỗi vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật giao thông đường bộ. Viện kiểm sát cho rằng anh M điều khiển xe máy khi đã uống rượu bia, anh M cũng thừa nhận trước đó khoảng 18 giờ anh có uống bia. Tuy nhiên tại thời điểm xảy ra tai nạn là lúc 23 giờ 30 phút thì không có chứng cứ nào chứng minh trong người anh M có nồng độ cồn, nên không có căn cứ kết luận anh M điều khiển xe máy trong tình trạng có sử dụng bia rượu như quan điểm của Viện kiểm sát.

Bản án tuyên buộc bị đơn chịu nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn và xác định nghĩa vụ chậm trả khi thi hành án, nhưng không áp dụng Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự và không xử lý phần yêu cầu bồi thường không được chấp nhận là thiếu sót đúng như quan điểm của Viện kiểm sát.

Về hình thức bản án, Tòa án cấp sơ thẩm viết đúng theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, không ảnh hưởng gì đến quyền lợi của đương sự, nên quan điểm này của Viện kiểm sát không được chấp nhận.

[3]Về án phí: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về án phí thì anh N phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của anh Nguyễn Văn N. Sửa bản án sơ thẩm.

Căn cứ khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, Điều 590, Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Phùng Quang M.

1. Buộc anh Nguyễn Văn N phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho anh Phùng Quang M số tiền là 100.398.000 đồng (Một trăm triệu ba trăm chín mươi tám nghìn đồng).

Không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường 41.650.951 đồng của anh M đối với anh N.

Kể từ ngày anh M có đơn yêu cầu thi hành án, nếu anh N không bồi thường đủ số tiền nêu trên thì hàng tháng anh N còn phải trả cho anh M số tiền lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

2. Về án phí: Anh Nguyễn Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 5.019.000 đồng (Năm triệu không trăm mười chín nghìn đồng) và 300.000đ án phí phúc thẩm, số tiền này được trừ vào 300.000đ tạm ứng án phí phúc thẩm mà anh N nộp ngày 13/7/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện T (biên lai 0002305).

Anh Phùng Quang M không phải nộp án phí sơ thẩm, phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

451
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 33/2020/DS-PT ngày 15/09/2020 về kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:33/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quảng Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về