Bản án 33/2019/DS-PT ngày 07/05/2019 về tranh chấp đòi nhà cho thuê

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 33/2019/DS-PT NGÀY 07/05/2019 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI NHÀ CHO THUÊ

Ngày 07 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án dân sự thụ lý số 46/2017/TLPT-DS ngày 14/11/2017 về “Tranh chấp đòi nhà cho thuê” do Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2017/DS-ST ngày 15/09/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 268/2019/QĐ-PT ngày 04/4/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Cụ Bùi Thị D, sinh năm 1931; địa chỉ: 346 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của cụ Bùi Thị D gồm:

- Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1952; địa chỉ: 181, đường T5, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

- Bà Hoàng Thị Ngọc H1, sinh năm 1960; địa chỉ: 35 đường N2, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

2. Bị đơn:

- Cụ Lương Thị S, sinh năm 1938.

- Cụ Nguyễn M, sinh năm 1932. Chết năm 2008;

Cụ S, cụ M cùng trú tại: 344 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng.

Người đại diện theo ủy quyền của cụ S gồm:

- Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1959; trú tại K01/6, đường T6, phường V, quận T7, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

- Bà Nguyễn Thị Xuân H3, sinh năm 1975; địa chỉ: 344 đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn M (chết) gồm có:

- Bà Nguyễn Thị H2, sinh năm 1959, địa chỉ: K01/6 Đường T6, phường V, quận T7, thành phố Đà Nẵng;

- Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1963, địa chỉ: 344, đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng; 

- Ông Nguyễn H4, sinh năm 1964, địa chỉ: 344, đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng. 

- Ông Nguyễn M, sinh năm 1967, địa chỉ: 344, đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng.

- Bà Nguyễn Thị Xuân L, sinh năm 1970, địa chỉ: K240/5, đường T8, quận T7, thành phố Đà Nẵng.

- Bà Nguyễn Thị Xuân L1, sinh năm 1972, địa chỉ: 37 đường B5, thành phố Đà Nẵng.

- Bà Nguyễn Thị Xuân H3, sinh năm 1975, địa chỉ: 344 đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng.

- Ông Nguyễn Xuân H5, sinh năm 1977, địa chỉ: 344 đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng.

Các ông bà Nguyễn Thị B1, Nguyễn H4, Nguyễn M, Nguyễn Xuân H5, Nguyễn Thị Xuân L, Nguyễn Thị Xuân L1 ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Xuân H3 tham gia tố tụng; bà H3 có mặt.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Hoàng B4 (cụ Bạch là chồng cụ Bùi Thị D, cụ Bạch sinh năm 1927, chết năm 1997) gồm có:

- Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1952, địa chỉ: 181 đường T5, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Ông Hoàng Thái B2, sinh năm 1955, chết năm 2016.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Hoàng Thái B2 gồm: Bà Bùi Thị H6; Ông Hoàng Thái S1; Bà Hoàng Thị Hạnh N;

Cùng trú tại: 346 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng.

- Bà Hoàng Thị Ngọc T, sinh năm 1957, địa chỉ: K42/24D, đường T9, phường 1X, quận X, thành phố Hồ Chí Minh.

- Bà Hoàng Thị Ngọc H1, sinh năm 1960; địa chỉ: 35 đường N2, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Ông Hoàng Thái M2, sinh năm 1962; địa chỉ: 35 N2, thành phố H8. tỉnh Thừa Thiên Huế;

- Bà Hoàng Thị Ngọc T1, sinh năm 1966; địa chỉ: Cộng hòa Liên bang Đức;

- Ông Hoàng Thái D1, sinh năm 1967; địa chỉ: 35 đường N2, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Bà Hoàng Thị Ngọc B3, sinh năm 1970; địa chỉ: K42/23/21, đường T10, phường 2X, quận X1, thành phố Hồ Chí Minh.

- Bà Hoàng Thị Ngọc P, sinh năm 1972, địa chỉ: Tổ dân phố L4, phường C, thành phố C1, tinh Khánh Hòa.

- Ông Hoàng Thái L2, sinh năm 1975; địa chỉ: 35 đường N2, thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các ông bà Hoàng Thị Ngọc T, Hoàng Thái M2, Hoàng Thị Ngọc T1, Hoàng Thái D1, Hoàng Thị Ngọc B3, Hoàng Thị Ngọc P, Hoàng Thái L2, Bùi Thị H6, Hoàng Thái S1, Hoàng Thị Hạnh N đều ủy quyền cho bà Hoàng Thị Ngọc H1 và bà Hoàng Thị H tham gia tố tụng; bà H1, bà H có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 22/11/1994 và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là cụ Bùi Thị D (do người đại diện theo ủy quyền) trình bày:

Năm 1963, cụ D mua của cụ Hoàng Thị M1 ao rau muống, rộng 19,5m, dài 10m, sâu 2m. Sau khi mua ao, cụ D đổ đất lấp ao, đến năm 1967 thì cụ D dựng ngôi nhà 3 gian, cột gỗ, vách tre, mái lợp tole, nền láng xi măng; địa chỉ nhà đất tại thời điểm đó là 114 Đường Đ, thành phố Đà Nẵng, nay là 168 - 170 Đường Đ, thành phố Đà Nẵng. Cùng năm 1967, cụ D cho cụ Nguyễn L3 thuê gian nhà bên phải, cụ D ở gian nhà giữa và cho vợ chồng cụ Nguyễn M, cụ Lương Thị S thuê gian nhà bên trái thời gian thuê một năm với giá 3.000 đồng tiền Ngụy mỗi tháng (bút lục 01, có lúc cụ S khai cho thuê giá 1.000 đồng tiền Ngụy mỗi tháng); việc cho thuê chỉ thỏa thuận miệng, không lập văn bản. Năm 1975, lợi dụng lúc gia đình cụ D về quê ở Huế sinh sống thì vợ chồng cụ M, cụ S chiếm dụng luôn gian nhà giữa của cụ D để ở nên ngay sau đó cụ D khiếu nại với chính quyền thì năm 1985 vợ chồng cụ M, cụ S đã chấp nhận trả gian nhà giữa lại cho cụ D (nay là số 346 Đường Đ, thành phố Đà Nẵng, hiện cụ D đang quản lý, sử dụng).

Nay cụ D khởi kiện (bút lục 01) yêu cầu vợ chồng cụ M, cụ S trả lại gian nhà bên trái (nay là nhà số 344 Đường Đ) đã thuê năm 1967; nhưng sau khi thụ lý vụ án thì Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) ban hành Quyết định số 292/DSST ngày 20/8/1996 tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, chờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về giải quyết đối với loại giao dịch dân sự về nhà ở xác lập trước ngày 01/7/1991 (BL 92). Nay, cụ D yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án, buộc cụ S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M trả lại nhà thuê (nay có địa chỉ tại 344 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng); do nhà cũ trên đất không còn nên chỉ yêu cầu trả lại đất mà không yêu cầu giải quyết đối với tiền cho thuê nhà.

Đại diện theo ủy quyền của cụ Lương Thị S và người đại diện theo ủy quyền của những người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ Nguyễn M trình bày:

Nguồn gốc nhà 344 Đường Đ hiện nay do cụ Nguyễn M dựng nhà tạm bằng ván trên đất hoang từ năm 1965, đồng thời đăng ký chủ hộ là cụ Lương Thị S (vợ cụ M) và đưa cả cụ S và các con vào đây sống cùng và đóng thuế cho Nhà nước đầy đủ từ năm 1976 đến nay. Năm 2006, nhà cũ bị bão làm hỏng nên vợ chồng cụ M, cụ S xây dựng, sửa chữa lại như hiện nay. Ngôi nhà 168 đường Đ cụ D sống trước đây (nay là số 346 đường Đ) thì vào năm 1975 khi giải phóng thành phố vì hoàn cảnh đông con khó khăn nên cụ D bỏ đi khỏi địa chỉ trên; do đó, vợ chồng cụ M, cụ S dọn qua ở cả căn nhà của cụ D. Sau giải phóng khoảng 3 tháng, cụ D trở về nhưng không dám nhận lại nhà vì sợ cơ quan chức năng tịch thu theo diện Nhà vắng chủ nên cụ D thống nhất cho cụ S thuê với giá 3.000 đồng (ba nghìn đồng)/tháng đến khi nào tình hình ổn định sẽ nhận lại nhà. Năm 1985, do mâu thuẫn về giá tiền thuê nhà và thấy tình hình đã ổn định nên cụ D khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đòi lại nhà 346 Đường Đ và cụ S đã chấp nhận trả lại nhà này cho cụ D. Nay cụ D tiếp tục khởi kiện đòi tiếp nhà 344 Đường Đ thì hai cụ không đồng ý vì nhà này do cụ M, cụ S tạo lập không phải nhà thuê. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 77/2015/DS-ST ngày 11/12/2015, Tòa án nhân dân quận H7, thành phố Đà Nẵng quyết định Áp dụng Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH ngày 20/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khoản 6, Mục 1 Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/01/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tuyên xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc đòi nhà cho thuê của cụ D đối với cụ S. Do có kháng cáo nên tại Bản án dân sự phúc thẩm số 43/2016/DS-PT ngày 16/8/2016 Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tuyên hủy bản án dân sự sơ thẩm số 77/2015/DS-ST ngày 11/12/2015 của Tòa án nhân dân quận H7, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận H7 giải quyết sơ thẩm lại. Sau khi thụ lý lại vụ án thì Tòa án nhân dânquận H7 chuyển Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết sơ thẩm theo thẩm quyền vì vụ án có đương sự là bà Hoàng Thị Ngọc T1 hiện đang cư trú tại nước ngoài.

Sau khi Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý giải quyết sơ thẩm vụ án thì các bên đương sự giữ nguyên ý kiến đã trình bày trước đây; nguyên đơn đề nghị nếu bị đơn trả nhà thì sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà trong 01 năm, mỗi tháng từ 5 đến 7 triệu đồng và hỗ trợ chi phí di dời đi ở nơi khác; bị đơn không đồng ý trả nhà mà đề nghị hỗ trợ lại cho nguyên đơn số tiền 350.000.000 đồng (Ba trăm năm mươi triệu đồng). Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn xác định gia đình cụ S dựng nhà ở tại 344 Đường Đ từ năm 1965 được Công an cấp hộ khẩu; việc sử dụng đất của cụ S, cụ M có kê khai nộp thuế từ năm 1976 nên đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận sự tự nguyện của bị đơn hỗ trợ nguyên đơn 350.000.000 đồng.

- Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2017/DS-ST ngày 15/9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết định:

Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị quyết số 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20 tháng 8 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thông tư liên tịch số 0l/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/01/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Nghị quyết về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Căn cứ Điều 37 và Điều 41, Điều 266, Điều 267 của Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Bùi Thị D đối với cụ Lương Thị S và cụ Nguyễn M về việc đòi nhà cho thuê.

2. Buộc cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M (gồm bà Nguyễn Thị H2; bà Nguyễn Thị B1; ông Nguyễn H4; ông Nguyễn M; bà Nguyễn Thị Xuân L; bà Nguyễn Thị Xuân L1; bà Nguyễn Thị Xuân H3; ông Nguyễn Xuân H5) và những người khác đang cư trú tại nhà đất có địa chỉ số 344 Đường Đ, thành phố Đà Nẵng (gồm: bà Võ Thị T2; cháu Nguyễn Thị Thùy T3; cháu Nguyễn Đức N1; cháu Nguyễn Đỗ Ngọc A và cháu Nguyễn Đỗ Ngọc M3) hoàn trả ngôi nhà tại số 344 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng cho cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 và ông Hoàng Thái B2 (Gồm các ông, bà: Hoàng Thị Ngọc T, Hoàng Thái M2, Hoàng Thị Ngọc T1, Hoàng Thái D1, Hoàng Thị Ngọc B3, Hoàng Thị Ngọc P, Hoàng Thái L2, Bùi Thị H6, Hoàng Thái S1, Hoàng Thị Hạnh N, Hoàng Thị Ngọc H1 và bà Hoàng Thị H).

3. Buộc cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 và ông Hoàng Thái B2 (Gồm các ông, bà: Hoàng Thị Ngọc T, Hoàng Thái M2, Hoàng Thị Ngọc T1, Hoàng Thái D1, Hoàng Thị Ngọc B3, Hoàng Thị Ngọc P, Hoàng Thái L2, Bùi Thị H6, Hoàng Thái S1, Hoàng Thị Hạnh N, Hoàng Thị Ngọc H1 và bà Hoàng Thị H) phải hoàn trả cho cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế củacụ Nguyễn M số tiền 702.493.500 đồng (Bảy trăm lẻ hai triệu, bốn trăm chín mươi ba nghìn, năm trăm đồng). Ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ tiền thuê nhà trong 01 năm và chi phí di dời chỗ ở của đại diện nguyên đơn và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4, ông Hoàng Thái B2 cho cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M số tiền 100.000.000 đồng (Một trăm triệu đồng). Tổng cộng số tiền phải hoàn trả và tự nguyện hỗ trợ là 802.493.500 đồng (Tám trăm lẻ hai triệu, bốn trăm chín mươi ba nghìn, năm trăm đồng).

Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn tuyên về chi phí định giá, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 25/9/2017, cụ Lương Thị S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

- Ngày 26/9/2017, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn cụ Bùi Thị D kháng cáo không đồng ý thanh toán cho phía bị đơn 702.493.500 đồng (gồm giá trị xây dựng 53.952.500 đồng; giá trị quyền sử dụng diện tích 13,2 m2 đất cơi nới thêm là 648.541.000 đồng).

- Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay:

Bên nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo.

Bên bị đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đồng thời cả nguyên đơn và bị đơn đều không yêu cầu Toà án định giá lại tài sản.

Ý kiến của bên nguyên đơn: Ngôi nhà 344 Đường Đ là do cha mẹ của chúng tôi tạo lập, phải khó khăn vất vả mới xây dựng được. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và ý kiến của bị đơn tại phiên toà là đưa 900.000.000 đồng để lấy toàn bộ ngôi nhà; bên nguyên đơn chấp nhận như quyết định của bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

Ý kiến của bên bị đơn: Ngôi nhà đang tranh chấp bố mẹ chúng tôi đã ở liên tục từ năm 1967 đến nay là 52 năm, tất cả các anh chị em chúng tôi đều được sinh ra và lớn lên từ ngôi nhà này. Vào năm 1985 cụ D khởi kiện ra Toà án để đòi lại ngôi nhà 346 Đường Đ; bố mẹ chúng tôi đã đồng ý giao lại ngôi nhà 346 Đường Đ nhưng hai bên thoả thuận tại phiên toà là bên nguyên đơn đồng ý để ngôi nhà 344 Đường Đ (hiện đang tranh chấp) cho gia đình tôi tiếp tục ở. Vấn đề này thể hiện tại Biên bản hoà giải thành nhưng hiện nay hồ sơ không hiểu vì lý do gì đã bị thất lạc; đồng thời, cũng thể hiện tại Biên bản thi hành án khi giao nhà 346 Đường Đ đã xác định gia đình tôi được tiếp tục ở ngôi nhà 344 Đường Đ, phần phía trước nhà và hàng rào, cổng thì dùng chung, nếu sau này bà D có điều kiện thì làm riêng nhưng phải báo chính quyền địa phương. Do đó, bố mẹ tôi yên tâm tiếp tục sinh sống tại ngôi nhà này mà không mua nhà đất nơi khác; hiện tại mẹ và các em tôi không có chỗ ở nào khác. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm giao nhà cho gia đình tôi tiếp tục quản lý sở hữu, chúng tôi tự nguyện trả cho bên nguyên đơn 900.000.000đồng.

Ý kiến của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng:

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Về nguồn gốc khu đất là do vợ chồng cụ D mua lại của bà Hoàng Thị M1, sau đó xây dựng thành ngôi nhà ba gian, vào năm 1967 cho vợ chồng cụ S thuê một gian hiện nay đang tranh chấp. Quá trình sử dụng nhà thuê vợ chồng cụ S có mở rộng thêm đất và sửa lại ngôi nhà như hiện nay. Do đó, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm là có căn cứ; đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của cụ S, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án đã được kiểm tra xem xét tại phiên tòa, căn cứ việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa; căn cứ ý kiến của những người tham gia tố tụng và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Xét yêu cầu kháng cáo của cụ Bùi Thị D, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại phiên toà phúc thẩm người đại diện theo uỷ quyền của cụ D không rút yêu cầu kháng cáo. Tuy nhiên, trong quá trình trình bày và tranh luận đã đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của cụ S, giữ nguyên quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm xem như đã từ bỏ yêu cầu kháng cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của cụ Lương Thị S, Hội đồng xét xử xét thấy: Về nguồn gốc của ngôi nhà và đất đang tranh chấp tại 344 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng, theo trình bày của nhân chứng là bà Hoàng Thị M1 tại Đơn xin xác nhận ngày 05/11/1994 (bút lục 29), thừa nhận của các đương sự và các tài liệu có trong hồ vụ án thì:

[3] Vào năm 1963, bà Minh chuyển nhượng cho vợ chồng cụ Bùi Thị D một ao rau muống diện tích khoảng 19,5m x 10m sâu 2m; sau đó, cụ D đổ đất và năm 1967 làm ngôi nhà 3 gian cột gỗ, vách tre tô trát xi măng, mái lợp tôn, nền láng xi măng. Cùng năm 1967, cụ D thỏa thuận miệng cho ông Nguyễn L3 thuê gian nhà bên phải, cho vợ chồng cụ Nguyễn M, cụ Lương Thị S thuê gian nhà bên trái “Thời hạn 01 năm với giá 3.000 đồng tiền ngụy mỗi tháng” (BL 01- trình bày của cụ D tại Đơn kiện đòi lại nhà cho thuê và chiếm đoạt trái phép ngày 22/11/1994); còn gia đình cụ D ở gian nhà giữa. Sau giải phóng, gia đình cụ D về quê ở Huế sinh sống có cho gia đình cụ Hoàng Thuyết ở nhờ gian nhà giữa; sau đó gia đình cụ Thuyết đi kinh tế mới bỏ nhà trống nên gia đình cụ M, cụ S chiếm dụng luôn gian nhà giữa.

[4] Vào tháng 8 năm 1985, cụ D khởi kiện đòi cụ Nguyễn L3 trả nhà thuê. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 61 ngày 15/9/1985 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã buộc ông Nguyễn L3 trả nhà 170 Đường Đ cho cụ D, ông L3 được quyền lưu cư 18 tháng (BL 53). Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 09 ngày 10/11/1985 (BL 06) Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) quyết định hủy bản án sơ thẩm; giao hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà đất giải quyết theo thẩm quyền vì “Nhà của bà D xây cất không có giấy phép và cũng không có một tài liệu nào để thừa nhận quyền nghiệp chủ ngôi nhà 170 Đường Đ cho bà D. Hơn nữa bà D và gia đình bà D lâu nay có hộ khẩu tại Huế, không có hộ khẩu tại Đà Nẵng; thực tế ngôi nhà 170 Đường Đ bà D dùng để cho ông L3, ông M và ông Thuyết thuê từ năm 1965 đến nay... sau giải phóng đến nay các chủ thuê nhà ở không trả tiền thuê nhà nữa. Hiện nay ông Nguyễn L3 có đăng ký hộ khẩu tại ngôi nhà này gặp khó khăn về chỗ ở. Những vấn đề trên thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính và chính quyền địa phương phải có trách nhiệm làm rõ và giải quyết”. Ngày 07/7/2006, tại Ủy ban nhân dân phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng cụ D và gia đình cụ Nguyễn L3 xác lập Bản cam kết thỏa thuận; theo đó, gia đình cụ L3 trả cụ D 340.000.000 đồng, đổi lại gia đình cụ L3 được quyền đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quyền sở hữu nhà 348 Đường Đ.

[5] Cũng vào tháng 8 năm 1985, cụ D khởi kiện đòi vợ chồng cụ Nguyễn M trả gian nhà giữa. Quá trình Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết vụ án, cụ D và cụ M thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên tại Quyết định công nhận việc hòa giải thành số 54/DSST ngày 05/9/1985 (BL 211), Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng công nhận sự thỏa thuận của các đương sự như sau: “Ông Nguyễn M xác nhận năm 1978 sau giải phóng ông có chiếm để ở thêm một căn phòng tại số 168 Đường Đ, Đà Nẵng, chiều ngang 3 m, chiều dài 9 m cộng 27 m2. Do bà D cho ông Hoàng Thuyết ở khi gia đình ông Hoàng Thuyết dọn đi vùng kinh tế mới, trả nhà lại cho bà D, nhưng bà D không vào nhận nên ông tự dọn gia đình ông sang tạm ở. Nay bà D đòi lại căn nhà đó ông xin trả lại cho bà D sở hữu vào ngày 30/9/1985”. Đến ngày 15/11/1985, dưới sự chứng kiến của Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, vợ chồng cụ M đã “tự nguyện dọn toàn bộ tài sản ở gian giữa sang gian bên để bàn giao lại nhà cho cụ Bùi Thị D. Tình trạng nhà: Vị trí: Gian giữa ở phía đông chung vách với nhà ông M - Phía Tây chung vách với nhà ông L3” (BL 16- Biên bản giao nhận nhà ngày 15/11/1985).

[6] Sau đó, đến ngày 22/11/1994, cụ D tiếp tục khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), trình bày rằng: Năm 1985 Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết vụ án, hai bên hòa giải thành, cụ M đã trả gian nhà chiếm dụng trái phép năm 1975 cho cụ D, nay cụ D tiếp tục yêu cầu cụ S trả tiếp gian nhà thuê năm 1967.

[7] Xét thấy, đối với vụ án đòi nhà mà Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý số 68 ngày 17/8/1985, theo Đơn khởi kiện vào khoảng tháng 8 năm 1985 của cụ D thì quá trình Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết vụ án, cụ D và cụ M thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án nên Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 54/DSST ngày 05/9/1985 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và hai bên đã thi hành bàn giao nhà xong vào ngày 15/11/1985. Đối với vụ án mà cụ D khởi kiện ngày 22/11/1994 đòi cụ S trả tiếp gian nhà thuê năm 1967 thì cụ S trình bày: “…năm 1985 thì bất ngờ bà D đến đòi nhà sau 20 năm biệt tích. Lúc đó, Tòa và chính quyền các cấp đã xử cho gia đình chúng tôi được ở một nửa còn bà D ở một nửa. Trong tờ biên bản là hai bên phần ai nấy sử dụng riêng công trình phụ như cầu tiêu và cổng ra vào thì dùng chung, nếu sau này ai có khả năng làm riêng thì có quyền làm. Tôi và bà D đã nhất trí với sự phân chia của Tòa và chính quyền các cấp, bởi vì Tòa và chính quyền đã xử rất hợp lý bà D có công sanh ra, dựng lên ngôi nhà thì được ở một nửa, còn tôi có công dung dưỡng, giữ gìn bảo quản ngôi nhà được ở một nửa. Lúc đó tôi còn trẻ, còn sức lực làm ra tiền để mua một ngôi nhà như vậy, hơn nữa nhà cửa lúc đó rất rẻ dễ mua, nhưng tôi quyết không mua ngôi nhà nào nữa vì tôi đã là người có nhà đủ ở; đồng thời, tôi và con bà D ở bên nhau cũng hòa thuận, đâu có gì xích mích. Không ngờ bây giờ bà D thấy nhà cửa bán có tiền thì bà lại phát đơn kiện để lấy tiếp nửa căn còn lại mà Tòa đã xử năm 1985 cho tôi được ở không có thời hạn. Gia đình tôi với 13 nhân khẩu đã ở trong ngôi nhà đến nay đã được hơn 30 năm…và đóng thuế đất hàng năm cho Nhà nước…”.

[8] Như vậy, lẽ ra khi nhận được Đơn khởi kiện đề ngày 22/11/1994 của cụ D thì Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng cần thu thập đầy đủ hồ sơ đòi nhà mà Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã thụ lý số 68 ngày 17/8/1985; từ đó xem xét yêu cầu khởi kiện hiện nay của cụ D đòi cụ S trả tiếp gian nhà thuê năm 1967 thì trước đây cụ D đã có yêu cầu Tòa án giải quyết hay chưa. Ý kiến của các bên như thế nào về gian nhà thuê năm 1967 trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án trước đây. Nếu trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án đòi nhà trước đây mà cụ D đã có yêu cầu Tòa án giải quyết đối với cả căn nhà cho thuê năm 1967, nhưng sau đó hai bên hòa giải thành nên đã được Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng ghi nhận tại Quyết định công nhận việc hòa giải thành số 54/DSST ngày 05/9/1985 thì cần căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 36 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự (nay là điểm c khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) trả lại Đơn khởi kiện vì “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, trừ trường hợp có quy định khác của pháp luật”.

[9] Mặc khác, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ thu thập được có tại hồ sơ vụ án thì thấy: Đối với hồ sơ vụ án cụ D khởi kiện đòi cụ Nguyễn L3 trả nhà thuê, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý số 67 ngày 17/8/1985, vụ án đã được giải quyết theo trình tự sơ thẩm và phúc thẩm thì hồ sơ vụ án được lưu trữ đầy đủ, không bị mất bút lục nào trong vụ án. Tuy nhiên, đối với hồ sơ vụ án về việc đòi gian nhà giữa (346 Đường Đ) giữa cụ D và cụ S, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thụ lý số 68 ngày 17/8/1985 thì hồ sơ vụ án chỉ còn lại 04 bút lục, không có các Biên bản ghi lời khai, Biên bản hoà giải thành… Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã có 02 Công văn yêu cầu Toà án nhân dân quận H7, thành phố Đà Nẵng tổ chức tìm kiếm tài liệu, nếu không có thì phải làm rõ và xác định nguyên nhân. Kết quả, Toà án nhân dân quận H7 trả lời đã tổ chức cho CBCC tìm kiếm nhưng không tìm thấy và do thời gian đã quá lâu nên không xác định được nguyên nhân và cá nhân làm thất lạc tài liệu hồ sơ của vụ án.

[10] Xét thấy, tại Biên bản giao nhận nhà ngày 15/11/1985 do Chấp hành viên của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức thi hành án ngôi nhà giữa (346 Đường Đ) với sự có mặt đầy đủ cả cụ D và cụ S, trong đó đã xác định “…. Ngoài ra, cầu tiêu, cổng, nước hiện nay dùng chung giữa hai nhà; phần đất trước mặt nhà bà D thì bà D sử dụng. Nếu sau này cần thiết thì bà có thể mở cổng riêng (nhưng khi làm phải qua chính quyền địa phương). Sau khi chuyển xong tài sản, bà S vợ ông M đã bàn giao lại nhà cho bà Bùi Thị D, bà D đã tiến hành nhận xong và không có ý kiến gì thắc mắc; có đại diện các cơ quan chứng kiến…”. Đây là các tài liệu, chứng cứ rất quan trọng để xác định nguyên nhân nào mà vào năm 1985 cụ D chỉ khởi kiện yêu cầu cụ S trả lại ngôi nhà giữa (346 Đường Đ) hay khởi kiện cả ngôi nhà hiện nay đang tranh chấp (344 Đường Đ) để giải quyết vụ án đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, có tình, có lý và đúng pháp luật. Tuy nhiên, do vụ án đã để kéo dài quá lâu, việc tổ chức tìm kiếm tài liệu bị thất lạc không có kết quả nên Hội đồng xét xử phải đưa vụ án ra xét xử.

[11] Các con cụ S được uỷ quyền của cụ S cho rằng Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) giải quyết vụ án không khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì: Cụ M còn sống và là người nắm rõ sự việc, nhưng Tòa án không triệu tập lấy lời khai của cụ M mà lại chỉ triệu tập lấy lời khai của cụ S (không biết chữ); Ngày 12/8/1995 cụ D mới nộp tạm ứng án phí, ngày 17/8/1995 Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mới thụ lý vụ án số 143, nhưng trước đó vào ngày 11/4/1995 Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã triệu tập cụ S để lấy lời khai và ngày 03/5/1995 triệu tập cụ S lập Biên bản hòa giải (ngày 09/11/1995 triệu tập cụ S lập thêm một Biên bản hòa giải). Tuy nhiên, chính cụ S cũng đã thừa nhận ngôi nhà đang tranh chấp là thuê lại của vợ chồng cụ Hoàng B4 và cụ D là phù hợp với các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án.

[12] Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã xác định ngôi nhà đang tranh chấp (344 Đường Đ) nguyên vào năm 1963 vợ chồng cụ D mua lại ao rau muống của bà Hoàng Thị M1; sau đó, vào năm 1967 đổ đất lấp ao xây thành ngôi nhà 03 gian cho ông Nguyễn L3 thuê 01 gian (Hiện nay là 348 Đường Đ), vợ chồng cụ S thuê 01 gian (Hiện nay là 344 Đường Đ), vợ chồng cụ D ở gian giữa (Hiện nay là 346 Đường Đ), là có căn cứ. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử xét thấy, sau ngày giải phóng thống nhất đất nước 30/4/1975 vợ chồng cụ D đã bỏ nhà về quê tại thành phố H8, tỉnh Thừa Thiên Huế sinh sống, gia đình cụ S tiếp tục ở, gìn giữ, tôn tạo và mở rộng thêm với diện tích là 13,2 m2 và đến năm 2006 do bị ảnh hưởng bão nhà bị hư hỏng nặng nên cụ S xây dựng nhà lại như hiện nay; đồng thời cụ S cũng đã đăng ký kê khai để lập Sổ hộ khẩu, làm số nhà và nộp thuế sử dụng đất hàng năm. Theo như quyết định của Toà án cấp sơ thẩm mới chỉ xem xét đến phần mở rộng thêm diện tích, hỗ trợ tiền thuê nhà và di dời, chưa xem xét đến công sức quản lý, gìn giữ của vợ chồng cụ S là có thiếu sót. Bởi vì cụ S đã ở ngôi nhà này đến nay đã 52 năm. Vì vậy, cần tính công sức tôn tạo, bảo quản, gìn giữ đối với ngôi nhà đang tranh chấp bằng 15% giá trị của diện tích 63,6m2 đất, ngoài số tiền mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên buộc cụ D và các đồng thừa kế phải trả cho gia đình cụ S thì mới phù hợp với thực tế và đúng với qui định của pháp luật. Hội đồng xét xử xét thấy giá nhà đất tại thời điểm tăng nhiều lần so với giá đã định giá vào ngày 14/8/2015, nếu áp giá này để tính 15% công sức cho gia đình cụ S thì ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình cụ S. Tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã hỏi về vấn đề này nhưng do đại diện theo uỷ quyền của cả cụ D và cụ S đều không yêu cầu định giá lại tài sản đang tranh chấp.

[13] Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, người đại diện theo uỷ quyền của cụ S đưa ra thoả thuận là trả lại tiền đất cho cụ D là 900.000.000 đồng nhưng đại diện theo uỷ quyền của cụ D không đồng ý. Hai bên không thoả thuận được với nhau.

[14] Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của cụ S, không chấp nhận kháng cáo của cụ D, sửa một phần quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng theo hướng tính thêm công sức của vợ chồng cụ S bằng 15% giá trị đất của 63,6 m2 đất theo Chứng thư thẩm định giá ngày 14/8/2015 của Công ty cổ phần thẩm định giá BTC VALUE với giá 49.131.906đ/m2, tính tròn số là50.000.000 đồng (63.6 X 50.000.000 X 15% = 477.000.000 đồng) thành tiền là 477.000.000 đồng. Như vậy, tổng số tiền cụ D và các đồng thừa kế của cụ Bạch phải trả cho cụ S và các đồng thừa kế của cụ M là: 1.279.493.500 đồng (802.493.500 đồng + 477.000.000 đồng = 1.279.493.500 đồng).

[15] Về chi phí thẩm định giá: Bà Bùi Thị D phải chịu chi phí thẩm định giá là 14.700.000 đồng (Mười bốn triệu, bảy trăm nghìn đồng, đã nộp và đã chi xong).

[16] Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm:

Cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M phải chịu 200.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Do sửa án sơ thẩm nên Cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 phải chịu 50.384.805 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên Cụ D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm. Cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Căn cứ khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/01/1999 của Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Không chấp nhận kháng cáo của cụ Bùi Thị D; chấp nhận một phần kháng cáo của cụ Lương Thị S; sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 53/2017/DS-ST ngày 15/9/2017 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ Bùi Thị D đối với cụ Lương Thị S và cụ Nguyễn M về việc đòi nhà cho thuê.

3. Buộc cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M (gồm bà Nguyễn Thị H2; bà Nguyễn Thị B1; ông Nguyễn H4; ông Nguyễn M; bà Nguyễn Thị Xuân L; bà Nguyễn Thị Xuân L1; bà Nguyễn Thị Xuân H3; ông Nguyễn Xuân H5) và những người khác đang cư trú tại nhà đất có địa chỉ số 344

Đường Đ, thành phố Đà Nẵng (gồm: Bà Võ Thị T2; cháu Nguyễn Thị Thùy T3; cháu Nguyễn Đức N1; cháu Nguyễn Đỗ Ngọc A và cháu Nguyễn Đỗ Ngọc M3) giao lại ngôi nhà tại số 344 Đường Đ, phường T4, quận H7, thành phố Đà Nẵng cho cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 và ông Hoàng Thái B2 (Gồm các ông, bà: Hoàng Thị Ngọc T, Hoàng Thái M2, Hoàng Thị Ngọc T1, Hoàng Thái D1, Hoàng Thị Ngọc B3, Hoàng Thị Ngọc P, Hoàng Thái L2, Bùi Thị H6, Hoàng Thái S1, Hoàng Thị Hạnh N, Hoàng Thị Ngọc H1 và bà Hoàng Thị H).

4. Buộc cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 và ông Hoàng Thái B2 (Gồm các ông, bà: Hoàng Thị Ngọc T, Hoàng Thái M2, Hoàng Thị Ngọc T1, Hoàng Thái D1, Hoàng Thị Ngọc B3, Hoàng Thị Ngọc P, Hoàng Thái L2, Bùi Thị H6, Hoàng Thái S1, Hoàng Thị Hạnh N, Hoàng Thị Ngọc H1 và bà Hoàng Thị H) phải hoàn trả cho cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M số tiền là 1.279.493.500 đồng (Một tỉ hai trăm bảy chín triệu bốn trăm chín ba ngàn năm trăm đồng), bao gồm các khoản: Tiền 13,2 m2 đất mở rộng thêm 648.541.000 đồng; tiền giá trị của ngôi nhà 53.952.500 đồng; tiền công sức tôn tạo, quản lý 477.000.000 đồng và tiền tự nguyện hỗ trợ thuê nhà, chi phí di dời 100.000.000 đồng).

Kể từ ngày bên được thi hành án yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án chậm thi hành khoản tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải chịu tiền lãi theo quy định tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành.

5. Về chi phí thẩm định giá: Cụ Bùi Thị D phải chịu chi phí thẩm định giá là 14.700.000 đồng (Mười bốn triệu, bảy trăm nghìn đồng, đã nộp và đã chi xong).

6. Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Cụ Lương Thị S và các đồng thừa kế của cụ Nguyễn M phải chịu là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 001184 ngày 29/9/2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 phải chịu 50.384.805 đồng (Năm mươi triệu ba trăm tám bốn ngàn tám trăm lẻ năm đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.

Án phí dân sự phúc thẩm: Cụ Bùi Thị D và các đồng thừa kế của cụ Hoàng B4 phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng), được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu số 001188 ngày 03/10/2017 của Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng.

Trong trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền yêu cầu thi hành án, quyền thoả thuận thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các điều 6, 7, 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

819
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 33/2019/DS-PT ngày 07/05/2019 về tranh chấp đòi nhà cho thuê

Số hiệu:33/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:07/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về