Bản án 33/2018/HS-ST ngày 26/12/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CHƯ PĂH,  TỈNH GIA LAI

BẢN ÁN 33/2018/HS-ST NGÀY 26/12/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 26 tháng 12 năm 2018, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai mở phiên toà công khai xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 30/2018/TLST-HS, ngày 01 tháng 11 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số:30/2018/QĐXXST-HS ngày 21 tháng 11 năm 2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 30/2018/QĐST-HS ngày 04 tháng 12 năm 2018 đối với bị cáo:

Lê Trần C (tên gọi khác: C L), sinh năm 1991, tại BĐ. Nơi cư trú: Thôn 18, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai; Nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: không; Con ông Lê Văn M, sinh năm 1957 và bà Trần Thị H, sinh năm 1963; Bị cáo có vợ là Hà Thị L, sinh năm 1996 và có 01 con sinh năm 2015.Tiền án: không; Tiền sự: Không. Nhân thân: Tốt. Bị cáo bị tạm giam từ ngày 23/8/2018 đến nay. Có mặt.

* Bị hại: Ủy ban nhân dân xã HT, huyện CP, tỉnh Gia Lai. Đại diện theo pháp luật: Ông Th, sinh năm 1977 – Chủ tịch ủy ban nhân dân xã HT. Địa chỉ: Làng KSL, xã HT, huyện CP, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Dương Văn Q, sinh năm 1986. Địa chỉ: Thôn 2, xã HP, huyện CP, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn S, sinh năm 1995. Địa chỉ: Làng ĐT, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin vắng mặt.

- Ông H, sinh năm 1995. Địa chỉ: Làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin vắng mặt.

- Ông Nh, sinh năm 1998. Địa chỉ: Làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin vắng mặt.

- Ông T1, sinh năm 1996. Địa chỉ: Làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin vắng mặt.

- Ông K, sinh năm 1990. Địa chỉ: Làng BH, xã HY, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt.

- Ông S1, sinh năm 1998. Địa chỉ: Làng ĐR, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Có đơn xin vắng mặt.

- Ông K1, sinh năm 1998. Địa chỉ: Làng BH, xã HY, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt

- Bà Phạm Thị C, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn 2, xã HP, huyện CP, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt

- Ông Ngô Ngọc M, sinh năm 1990. Địa chỉ: Thôn Đại An 1, xã IK, huyện CP, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt

- Ông K2, sinh năm 1956. Làng BH, xã HY, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Vắng mặt

* Người phiên dịch: Ông Sơn – Cán bộ phòng văn hóa thông tin huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng đầu tháng 01 năm 2018, trong lúc Lê Trần C đang ở nhà tại tổ 18, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai thì có đối tượng tên T (chưa rõ nhân thân, lý lịch) đến gặp hỏi người bán gỗ để mua nên C nảy sinh ý định đi khai thác gỗ về bán cho T. C thoả thuận với T về việc C sẽ đi khai thác gỗ để bán cho T với giá 3.000.000 đồng/m3. T đồng ý và cho C số điện thoại để C liên lạc với T đồng thời đưa trước cho C số tiền 2.000.000 đồng để C mua xăng, nhớt và các nhu yếu phẩm dùng cho việc khai thác gỗ. Sau đó, C một mình đi lên rừng để tìm kiếm khu vực có gỗ để khai thác. Khi đi đến khu vực rừng sản xuất tự nhiên tại lô 3 khoảnh 2 tiểu khu 186 lâm phần do Uỷ ban nhân dân xã HT quản lý thuộc địa giới hành chính xã HT, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, C thấy khu vực này có các cây gỗ phù hợp cho việc khai thác nên C đi về tìm kiếm người để đi khai thác gỗ. Sau đó, C gặp Nguyễn Văn S và thuê S lên rừng cưa gỗ cho C với tiền công 300.000 đồng/ngày, S đồng ý. Đến ngày 25/01/2018, Lê Trần C gặp K tại quán cà phê tại xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai và C đặt vấn đề thuê K đi khai thác gỗ cho C với tiền công như thoả thuận trên, K đồng ý đồng thời về nhà rủ thêm em trai là K1 cùng đi khai thác gỗ cho C. Đến sáng ngày 26/01/2018, Nguyễn Văn S, K và K1 đến nhà của C gặp C. Tại đây, sau khi C đã chuẩn bị 02 cưa máy, 02 lam cưa, 02 dao rựa, 01 tời kéo gỗ độ chế, 04 võng dù, xăng, nhớt và các nhu yếu phẩm cần thiết, bốn đối tượng điều khiển hai xe mô tô đi lên khu vực rừng nêu trên để khai thác gỗ. Khi đến nơi, S và C dùng dao rựa phát dọn cây cỏ xung quanh tạo khoảng trống và cầm xăng nhớt để phụ cưa còn K và K1 trực tiếp sử dụng cưa để cưa hạ cây gỗ. Sau khi đã cưa hạ được một cây gỗ, do mệt nên S không tiếp tục làm mà đi về trước còn K, K1 và C ở lại tiếp tục làm. Đến chiều tối cùng ngày, C đi về làng ĐSM và lần lượt gặp H, T1, Nh. C thoả thuận với H, T1, Nh về việc thuê những người này lên rừng cưa gỗ cho C với tiền công 300.000 đồng/ngày, những người này đồng ý. Đến sáng ngày 27/01/2018, H đi lên khu vực rừng nêu trên và tham gia phụ cưa cho K, K1. C cũng đi lên tham gia phụ cưa và đưa đồ ăn, nước uống cho các đối tượng. Chiều cùng ngày, S tiếp tục đi lên rừng tham gia phụ cưa gỗ. Đến tối ngày 28/01/2018, sau khi đã cưa được tổng cộng 07 cây gỗ trong thời gian ba ngày kể từ ngày 26/01/2018 đến ngày 28/01/2018, K và K1 không làm nữa mà đi về. Trong số 07 cây gỗ này, Nguyễn Văn S tham gia phụ cưa cho K và K1 03 cây gỗ, H phụ cưa K và K1 03 cây gỗ.

Sáng ngày 29/01/2018, T1 và Nh đi lên khu vực rừng nêu trên để cùng tham gia khai thác gỗ. Lúc này, H là người trực tiếp dùng cưa để cưa gỗ. S, T1 và Nh phụ cưa gỗ cho H, C vừa tham gia phụ cưa vừa ra vào đưa đồ ăn nước uống. Sau khi H cưa hạ được 02 cây gỗ thì S đi về trước còn H, T1, Nh và C tiếp tục ở lại cưa thêm được 01 cây gỗ. Còn S sau khi đi về thì đến nhà S ở làng ĐP, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai gặp S1 và rủ S1 lên rừng khai thác gỗ cho C với tiền công là 300.000 đồng/ngày, S1 đồng ý. Ngày 30/01/2018, S1 và S lên rừng để tham gia làm gỗ. Lúc này, do 10 cây gỗ mà K, K1 và H đã cưa hạ được trong các ngày trước đó đã được cắt bỏ phần cành ngọn và cưa ra thành từng lóng nên C lựa chọn những lóng gỗ thích hợp rồi cùng với H, S, T1, Nh và S1 phát dọn cây, tạo đường để dùng tời độ chế đã chuẩn bị trước đó để kéo các lóng gỗ này lên vị trí thích hợp để cho xe vào vận chuyển nhưng mới kéo được 02 lóng gỗ thì tời bị hư nên tất cả đi về. Sau đó, C liên lạc với Dương Văn Q để thuê Q điều khiển xe độ chế lên rừng vận chuyển gỗ cho C với tiền công là 700.000 đồng/m3 gỗ, Q đồng ý. Sáng ngày 31/01/2018, Q điều khiển xe độ chế cùng với C, H, S, S1, Nh đi lên rừng để vận chuyển gỗ còn T1 do có việc gia đình nên nghỉ không tham gia. Tuy nhiên, trên đường đi xe độ chế của Q bị hư nên những người này quay về. Ngày 01/02/2018, sau khi xe độ chế sửa xong, Q điều khiển xe cùng với C, S, T1 và S1 đi lên khu vực rừng nêu trên dùng cáp tời các lóng gỗ mà C và các đối tượng khác đã cưa cắt trước đó lên xe độ chế của Q. Đến sáng ngày 02/02/2018, sau khi đã kéo được các lóng gỗ đã cưa cắt từ trước đó lên xe độ chế, S, S1, T1 và Nh đi về còn Q điều khiển xe độ chế cùng với C chở số gỗ này đi đến tập kết tại khu vực lô cao su Làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai. Tại đây, Q đổ số gỗ này xuống rồi điều khiển xe đi về trước còn C liên lạc với T để T vào mua gỗ. Khi T đến nơi, C bán lại số gỗ này cho T theo như thoả thuận trước đó được 15.000.000 đồng. Do đã ứng trước cho C số tiền 2.000.000 đồng trước đó nên T đưa cho C số tiền 13.000.000 đồng còn lại. C nhận tiền rồi đi về trả tiền công cho K và K1 số tiền 1.500.000 đồng, trả cho S số tiền 1.000.000 đồng, trả cho T1 số tiền 1.200.000 đồng, trả cho Nh số tiền là 900.000 đồng. trả cho Q số tiền 1.000.000 đồng. Số tiền 7.400.000 đồng còn lại C đã sử dụng để tiêu xài cá nhân hết.

Ngày 24/5/2018, Công an xã HT phối hợp với Công an huyện CP và Hạt kiểm lâm huyện CP tiến hành tuần tra kiểm soát thì phát hiện vụ việc nêu trên. Ngày 26/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện CP đã tổ chức khám nghiệm hiện trường theo quy định. Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định: Tại khu vực hiện trường ở lô 3 khoảnh 2 tiểu khu 186 lâm phần do Uỷ ban nhân dân xã HT quản lý thuộc địa giới hành chính xã HT, huyện CP, tỉnh Gia Lai nêu trên có 10 cây gỗ đã bị cưa cắt lấy đi phần thân chỉ còn lại gốc.

Theo kết luận giám định ngày 31/5/2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai kết luận: Khu vực rừng nơi 10 cây gỗ nêu trên bị cưa cắt là loại rừng sản xuất tự nhiên, 10 cây gỗ bị cưa cắt gồm 09 cây gỗ xoan đào thuộc nhóm VI và 01 cây bằng lăng thuộc nhóm III có tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 14,245 m3 (trong đó khối lượng gỗ lớn là 12,210 m3 và khối lượng gỗ cành ngọn là 2,035 m3) và củi thiệt hại là 1,7 ster.

Theo kết luận định giá tài sản số 27 ngày 15/8/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng Hình sự huyện Chư Păh kết luận giá trị thiệt hại của 10 cây gỗ nêu trên là 48.836.340 đồng (Trong đó: 14,245 m3 gỗ có giá trị 48.003.340 đồng; 1,7 ster củi có giá trị 833.000 đổng); giá trị thiệt hại về môi trường là 146.509.020 đồng.

Qua điều tra xác định, K và K1 đã cùng nhau cưa cắt 07 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 1, 2, 5, 6, 7, 8, 9. Các cây gỗ mà K và K1 đã tham gia khai thác có tổng khối lượng gỗ là 8,331 m3 và củi là 0,99 ster. H đã phụ cưa cho K và K1 03 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 2, 6, 9 và trực tiếp cưa hạ 03 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 3, 4, 10. Các cây gỗ mà H đã tham gia khai thác có khối lượng gỗ là 9,159 m3 và củi là 1,1 ster. Nguyễn Văn S đã tham gia phụ cưa cho K, K1 và H tổng cộng 05 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 2, 3, 4, 5, 9. Các cây gỗ mà S đã tham gia khai thác có tổng khối lượng gỗ là 8,258 m3 và củi là 1, 05 ster. T1 đã tham gia phụ cưa cho H 03 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 3, 4, 10. Các cây gỗ mà T1 đã tham gia khai thác có tổng khối lượng gỗ là 5,914 m3 và củi là 0,71 ster. Nh đã tham gia phụ cưa cho H 03 cây gỗ được đánh số thứ tự trên hiện trường là các cây số 3, 4, 10. Các cây gỗ mà Nh đã tham gia khai thác có tổng khối lượng gỗ là 5,914 m3 và củi là 0,71 ster. S1 và Q không tham gia vào việc khai thác gỗ cùng với C, K, K1, H, S, T1, Nh nhưng đã tham gia vào việc vận chuyển gỗ. Theo lời khai của C, số gỗ mà S1 và Q tham gia vận chuyển để C bán lại cho đối tượng T là 05 m3

Tại bản cáo trạng số 27/CT-VKS ngày 01/11/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai truy tố bị cáo Lê Trần C về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo. Đề nghị HĐXX: Căn cứ vào điểm b khoản 1 điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật hình sự; Tuyên phạt bị cáo Lê Trần C 12 đến 18 tháng tù.

Về hình phạt bổ sung: bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản gì nên đề nghị không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Về dân sự: Đại diện Ủy ban nhân dân xã HT yêu cầu các đối tượng vi phạm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 584, 585, 586, 587, 589 Bộ luật dân sự: buộc bị cáo Lê Trần C liên đới với các đối tượng liên quan K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh bồi thường cho Nhà nước thông qua Ủy ban nhân dân xã HT tổng cộng giá trị thiệt hại của 10 cây gỗ nêu trên là 48.836.340 đồng (Trong đó: 14,245 m3 gỗ có giá trị 48.003.340 đồng; 1,7 ster củi có giá trị 833.000 đổng) và giá trị thiệt hại về môi trường là 146.509.020 đồng. cụ thể:

Bị cáo Lê Trần C phải bồi thường giá trị cây gỗ là 12.082.936đ, giá trị về môi trường là 36.248.809đ, tổng cộng là 48.331.745đ.

Đối với K, K1 mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 7.780.159đ, giá trị về môi trường là 23.340.478đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 31.120.637đ.

Đối với H phải bồi thường giá trị cây gỗ là 6.746.388đ, giá trị về môi trường là 20.239.164đ, tổng cộng là 26.985.552đ.

Đối với Nguyễn Văn S phải bồi thường giá trị cây gỗ là 5.841.143đ, giá trị về môi trường là 17.523.429đ, tổng cộng là 23.364.572đ.

Đối với T1, Nh mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 4.302.777đ, giá trị về môi trường là 12.908.331đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 17.211.108đ.

Về vật chứng: 01 thùng xe bằng kim loại có chiều dài 4,23m, rộng 2,75m; 01 máy nổ bằng kim loại không rõ nhãn hiệu dài 1,06m, rộng 0,7m; 01 hộp số bằng kim loại diện (61 x 44) cm; 01 thanh kim loại dài 1,67m, vị trí rộng nhất 0,33m, vị trí hẹp nhất 0,17m, hai đầu thanh kim loại gắn liền hai bánh xe bằng cao su đường kính 01m, dày 0,25m; phía sau thùng xe có thanh kim loại dài 1,67 m, vị trí rộng nhất 0,33 m, vị trí hẹp nhất 0,17m gắn liền 4 bánh xe bằng cao su đường kính 01 m, dày 0,25 m. Đây là các bộ phận của chiếc xe độ chế mà Q sử dụng để vận chuyển gỗ cho Lê Trần C, đây là tài sản của bà Phạm Thị C, khi Q sử dụng vận chuyển gỗ cho C bà C không biết, chiếc xe này bà C sau đó đã bán lại cho ông Ngô Ngọc M. Do đó, đề nghị trả lại cho ông Ngô Ngọc M.

Đối với số tiền 15.000.000đ C bán gỗ cho đối tượng T mà có, số tiền này C đã trả tiền công cho K và K1 số tiền 1.500.000 đồng, trả cho S số tiền 1.000.000 đồng, trả cho T1 số tiền 1.200.000 đồng, trả cho Nh số tiền là 900.000 đồng, trả cho Q số tiền 1.000.000 đồng, số tiền còn lại C mua đồ dùng để phục vụ cho việc khai thác gỗ và tiêu sài cá nhân. Đây là số tiền do phạm tội mà có nên đề nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước.

Đối với K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh là những người đã tham gia vào việc cưa cắt gỗ cho Lê Trần C. Tuy nhiên, số cây gỗ mà K, K1 đã tham gia khai thác có tổng khối lượng là 8,331 m3 và củi là 0,99 ster; số cây gỗ mà H đã tham gia khai thác có tổng khối lượng là 9,159 m3 và củi là 1,1 ster; số cây gỗ mà S tham gia khai thác có tổng khối lượng là 8,258 m3 và củi là 1,05 ster; số cây gỗ mà T1 và Nh đã tham gia khai thác có tổng khối lượng là 5,914 m3 và củi là 0,71 ster nên chưa đủ định lượng để xử lý hình sự. Mặt khác, các đối tượng này không thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về các hành vi quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kêt án về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm nên việc Cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố xử lý hình sự mà chuyển đến Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh để xử phạt vi phạm hành chính là có căn cứ.

Đối với S1 và Dương Văn Q là những người đi làm sau, không tham gia vào việc cưa cắt gỗ nhưng S1 là người đã tham gia kéo cáp tời các lóng gỗ có đủ điều kiện theo như thoả thuận trước đó giữa C và T được cưa cắt ra từ 10 cây gỗ nêu trên từ vị trí khai thác lên xe độ chế và Dương Văn Q là người điều khiển xe độ chế này chở số gỗ này đến khu vực lô cao su ở Làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai để C bán lại cho T. Quá trình điều tra không thu giữ được số gỗ này, S1 và Q cũng không biết số gỗ này có khối lượng là bao nhiêu. Tuy nhiên, Lê Trần C khai nhận số gỗ trên xe độ chế mà Q vận chuyển cho C để bán cho T có khối lượng 05 m3, còn cành, ngọn và các lóng gỗ không đủ điều kiện được cưa ra từ 10 cây gỗ nêu trên thì C không lấy và để lại hiện trường sau đó số gỗ này ai lấy đi khỏi hiện trường thì C không biết. Vì vậy, căn cứ trên lời khai của C thì khối lượng gỗ mà S1 và Q đã tham gia vận chuyển chưa đủ định lượng để xử lý hình sự. Mặt khác, S1, Q không thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về các hành vi quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm nên việc Cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố xử lý đối với S1 và Q mà chuyển đến Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh để xử phạt vi phạm hành chính đối với S1 và Q là có căn cứ.

Đối với đối tượng tên T là người đã mua gỗ từ Lê Trần C, số điện thoại của người này C không nhớ, điện thoại C dùng để liên lạc với T đã bị mất, C không biết tên tuổi địa chỉ cụ thể của T nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không xác xác minh được nhân thân lai lịch của đối tượng này nên chưa có căn cứ để xử lý. Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tiếp tục tiến hành điều tra xác minh, khi nào xác định được sẽ xử lý sau.

Đối với 02 cưa máy, 02 lam cưa, 02 dao rựa, 01 tời kéo gỗ độ chế và 04 võng dù mà Lê Trần C và các đối tượng đã sử dụng trong quá trình khai thác gỗ. Sau khi khai thác gỗ xong, C đã cất giấu tại bụi cây gần đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành tổ chức truy tìm nhưng không thu giữ được.

Đối với chiếc xe mô tô mà Lê Trần C đã sử dụng làm phương tiện đi khai thác gỗ. Sau đó, C đã bán lại cho một người thanh niên không biết tên ở xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai vì vậy Cơ quan Cảnh sát điều tra không thu giữ được.

Đối với chiếc xe mô tô mà K và K1 đã sử dụng trong quá trình đi khai thác gỗ. Qua điều tra xác định đây là tài sản của ông K2(cha của K và K1). Khi K và K1 sử dụng chiếc xe trên đi khai thác gỗ ông K2 không biết nên Cơ quan Cảnh sát điều tra không thu giữ là có căn cứ.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Lê Trần C thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố, thống nhất bản luận tội của Đại diện viện kiểm sát.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Lê Trần C khai nhận: sau khi tìm vị trí gỗ và dặm bãi, bị cáo đã thuê các đối tượng K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh, S1 và Dương Văn Q khai thác trái phép 10 cây gỗ (gồm 09 cây xoan đào thuộc gỗ nhóm VI và 01 cây bằng lăng thuộc gỗ nhóm III) tại khu vực rừng sản xuất tự nhiên ở lô 3 khoảnh 2 tiểu khu 186 lâm phần do Uỷ ban nhân dân xã HT quản lý thuộc địa giới hành chính xã HT, huyện CP, tỉnh Gia Lai, rồi vận chuyển đến khu vực lô cao su ở làng ĐSM, xã ĐSM, huyện ĐĐ, tỉnh Gia Lai bán lại cho một đối tượng tên T với giá 15.000.000 đồng. Tổng khối lượng gỗ C đã thuê các đối tượng khai thác là 14,245 m3 và 1,7 ster củi. Xét lời khai của bị cáo Lê Trần C phù hợp với với lời khai của đối tượng khai thác gỗ cùng các tài liệu chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án như biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản xác định vị trí cây bị chặt hạ…. Do đó có đủ cơ sở xác định Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai truy tố bị cáo Lê Trần C về tội “ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 232 Bộ luật hình sự là có cơ sở, đúng người, đúng tội.

[2] Rừng là tài nguyên có giá trị về nhiều mặt đối với đời sống xã hội, không chỉ có giá trị về kinh tế, rừng còn là yếu tố quan trọng quyết định nhiều vấn đề để ổn định đời sống và phát triển kinh tế của một địa phương. Bị cáo C hoàn toàn nhận thức được việc khai thác trái phép cây rừng là vi phạm pháp luật, nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân bị cáo vẫn bất chấp, hành vi của bị cáo thể hiện sự xem thường pháp luật, vì vậy cần lên cho bị cáo mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả do bị cáo gây ra để không chỉ răn đe mà còn phòng ngừa chung với tội phạm.

Tuy nhiên, xét bị cáo có nhân thân tốt; quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo đã có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm i, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Về hình phạt bổ sung: xét bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản gì nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

[3] Về dân sự: đối với số lượng gỗ bị cáo cùng các đối tượng khai thác gỗ, bị cáo đã bán cho đối tượng tên T, không thu hồi được, do đó buộc bị cáo Lê Trần C liên đới với các đối tượng liên quan K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh bồi thường tổng cộng giá trị thiệt hại của 10 cây gỗ nêu trên là 48.836.340 đồng (Trong đó: 14,245 m3 gỗ có giá trị 48.003.340 đồng; 1,7 ster củi có giá trị 833.000 đổng) và giá trị thiệt hại về môi trường là 146.509.020 đồng, cụ thể:

Bị cáo Lê Trần C phải bồi thường giá trị cây gỗ là 12.082.936đ, giá trị về môi trường là 36.248.809đ, tổng cộng là 48.331.745đ.

Đối với K, K1 mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 7.780.159đ, giá trị về môi trường là 23.340.478đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 31.120.637đ.

Đối với H phải bồi thường giá trị cây gỗ là 6.746.388đ, giá trị về môi trường là 20.239.164đ, tổng cộng là 26.985.552đ.

Đối với Nguyễn Văn S phải bồi thường giá trị cây gỗ là 5.841.143đ, giá trị về môi trường là 17.523.429đ, tổng cộng là 23.364.572đ.

Đối với T1, Nh mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 4.302.777đ, giá trị về môi trường là 12.908.331đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 17.211.108đ.

[4] Về xử lý vật chứng:

Đối với số tiền 15.000.000đ C bán gỗ cho đối tượng T mà có, số tiền này C đã trả tiền công cho K và K1 số tiền 1.500.000 đồng, trả cho S số tiền 1.000.000 đồng, trả cho T1 số tiền 1.200.000 đồng, trả cho Nh số tiền là 900.000 đồng, trả cho Q số tiền 1.000.000 đồng, số tiền còn lại C mua đồ dùng để phục vụ cho việc khai thác và tiêu sài cá nhân. Đây là số tiền do phạm tội mà có nên truy thu để nộp ngân sách Nhà nước. 01 thùng xe bằng kim loại có chiều dài 4,23m, rộng 2,75m; 01 máy nổ bằng kim loại không rõ nhãn hiệu dài 1,06m, rộng 0,7m; 01 hộp số bằng kim loại diện (61 x 44) cm; 01 thanh kim loại dài 1,67m, vị trí rộng nhất 0,33m, vị trí hẹp nhất 0,17m, hai đầu thanh kim loại gắn liền hai bánh xe bằng cao su đường kính 01m, dày 0,25m; phía sau thùng xe có thanh kim loại dài 1,67 m, vị trí rộng nhất 0,33 m, vị trí hẹp nhất 0,17m gắn liền 4 bánh xe bằng cao su đường kính 01 m, dày 0,25 m, đây là tài sản của bà Phạm Thị C, khi Q sử dụng vào việc vận chuyển gỗ cho C bà C không biết, chiếc xe này bà C sau đó đã bán lại cho ông Ngô Ngọc M. Do đó, trả lại cho ông Ngô Ngọc M.

[5] Về án phí: Buộc bị cáo Lê Trần C phải chịu án phí hình sự và dân sự sơ thẩm; K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[6] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Điều tra Công an huyện Chư Păh, Điều tra viên,Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Păh, kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, tại phiên tòa đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố bị cáo Lê Trần C phạm tội “ Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1 Điều 51; Điều 38 của Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt bị cáo Lê Trần C 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (ngày 23/8/2018).

Về dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584; 585; 586; 587; 589 Bộ luật dân sự. Buộc bị cáo Lê Trần C liên đới với các đối tượng khai thác trái phép cây rừng là K, K1, H, Nguyễn Văn S, T1, Nh bồi thường cho Nhà nước thông qua Ủy ban nhân dân xã HT tổng giá trị thiệt hại về gỗ là 48.836.340đồng và giá trị thiệt hại về môi trường là 146.509.020 đồng, cụ thể:

Bị cáo Lê Trần C phải bồi thường giá trị cây gỗ là 12.082.936đ, giá trị về môi trường là 36.248.809đ, tổng cộng là 48.331.745đ. K, K1 mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 7.780.159đ, giá trị về môi trường là 23.340.478đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 31.120.637đ. H phải bồi thường giá trị cây gỗ là 6.746.388đ, giá trị về môi trường là 20.239.164đ, tổng cộng là 26.985.552đ. Nguyễn Văn S phải bồi thường giá trị cây gỗ là 5.841.143đ, giá trị về môi trường là 17.523.429đ, tổng cộng là 23.364.572đ. T1, Nh mỗi người phải bồi thường giá trị cây gỗ là 4.302.777đ, giá trị về môi trường là 12.908.331đ, tổng cộng mỗi người phải bồi thường là 17.211.108đ.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Về vật chứng: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

- Truy thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 15.000.000 đồng đối với bị cáo Lê Trần C và các đối tượng khai thác gỗ, cụ thể: Lê Trần C phải nộp 9.400.000 đồng; K phải nộp 750.000 đồng; K1 phải nộp 750.000 đồng; Nguyễn Văn S phải nộp 1.000.000 đồng; T1 phải nộp 1.200.000 đồng; Nh phải nộp 900.000 đồng; Dương Văn Q phải nộp 1.000.000 đồng.

- Trả lại cho ông Ngô Ngọc M: 01 thùng xe bằng kim loại có chiều dài 4,23m, rộng 2,75m; 01 máy nổ bằng kim loại không rõ nhãn hiệu dài 1,06m, rộng 0,7m; 01 hộp số bằn kim loại diện (61 x 44) cm; 01 thanh kim loại dài 1,67m, vị trí rộng nhất 0,33m, vị trí hẹp nhất 0,17m, hai đầu thanh kim loại gắn liền hai bánh xe bằng cao su đường kính 01m, dày 0,25m; phía sau thùng xe có thanh kim loại dài 1,67m, vị trí rộng nhất 0,33m, vị trí hẹp nhất 0,17m gắn liền 4 bánh xe bằng cao su đường kính 01 m, dày 0,25m.

(Đặc điểm các vật chứng theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 19/11/2018 giữa Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Păh và Chi cục thi hành án dân sự huyện Chư Păh).

Về án phí:

Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Lê Trần C phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm và 2.416.600 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.

Buộc K, K1 mỗi người phải chịu 1.556.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.

Buộc H phải chịu 1.349.300 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.

Buộc Nguyễn Văn S phải chịu 1.168.200 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước. 

Buộc T1, Nh mỗi người phải chịu 860.600 đồng án phí dân sự sơ thẩm để sung quỹ Nhà nước.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi Hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai xét xử phúc thẩm.

Bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vắng mặt tại phiên toà có quyền làm đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã, phường nơi cư trú.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

501
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 33/2018/HS-ST ngày 26/12/2018 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:33/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Chư Păh - Gia Lai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/12/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về