TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 33/2017/KDTM-PT NGÀY 24/08/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 24 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 60/2016/TLPT-KDTM ngày 17 tháng 11 năm 2016 về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 09/2016/KDTM-ST ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 56/2017/QĐ - PT ngày 10 tháng 3 năm 2017 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại cổ phần V
Địa chỉ: Đường H, phường P, quận H, thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Đoàn Đức L– Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần V chi nhánh C (có mặt)
Bị đơn:
1/ Bà Phạm Ngọc B, sinh năm 1968 (xin xét xử vắng mặt)
Địa chỉ: Đường C, khu phố 1, phường 4, thành phố T, tỉnh Tây Ninh
2/ Bà Thái Thị Thanh T, sinh năm 1984 (có mặt)
3/ Bà Thái Thị Thanh T1, sinh năm 1987 (vắng mặt)
Cùng địa chỉ: Đường H, khu phố H1, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.
Người đại diện hợp pháp của bà T1: Bà Thái Thị Thanh T
4/ Bà Phạm Ngọc D, sinh năm 1977 (vắng mặt)
Địa chỉ: Phường C, thành phố B, huyện Đ, Đài Loan
Người đại diện hợp pháp của bà D: Bà Phạm Ngọc B (xin xét xử vắng mặt)
5/ Ông Nguyễn Đình B sinh năm 1993 (vắng mặt)
Địa chỉ: Đường H, khu phố H1, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.
Người đại diện hợp pháp của ông B: Bà Thái Thị Thanh T
-Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1/ Ông Nguyễn Đình D, sinh năm 1954 (vắng mặt)
Địa chỉ: Đường T, phường 14, quận 6, thành phố Hồ Chí Minh
2/ Bà Trịnh Thị M, sinh năm 1970 (vắng mặt)
Địa chỉ: khu phố H, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh.
- Người kháng cáo: Bị đơn bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 14/4/2016 của Ngân hàng Thương mại cổ phần V (Ngân hàng V) và lời trình bày của đại diện theo ủy quyền của ngân hàng thể hiện:
Bà Nguyễn Ngọc T2 có vay của Ngân hàng V tại chi nhánh C 03 khoản vay tín dụng, cụ thể:
-Hợp đồng tín dụng số 830/11/VAB-CC/HĐHM ngày 01/4/2011 vay 864.000.000 đồng; Thời hạn 12 tháng, tính từ ngày 01/4/2011 đến ngày 01/4/2012.
Lãi suất trong hạn 22.5%/năm, quá hạn 150% lãi suất trong hạn. Thỏa thuận trả tiền lãi hàng tháng, trả vốn khi đến hạn.
Để đảm bảo khoản vay này, bà T2 thế chấp giá trị quyền sử dụng 1.200 m2 đất tại xã H2, huyện H3 (nay là phường H2, thành phố T), tỉnh Tây Ninh. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02437 QSDĐ/D5 do Uỷ ban nhân dân huyện H3, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 29/3/1994 của phần đất này hiện ngân hàng đang giữ.
Hợp đồng này tính đến ngày 09/8/2016, bà T2 còn nợ 864.000.000 đồng tiền gốc; lãi trong hạn 164.700.000 đồng và lãi quá hạn 1.095.444.000 đồng.
-Hợp đồng tín dụng số 823/11/VAB/HĐTG ngày 30/3/2011 vay 100.000.000 đồng. Thời hạn 60 tháng tính từ ngày 31/3/2011 đến ngày 31/3/2016. Lãi suất trong hạn 22.5%/năm, quá hạn 150% lãi suất trong hạn. Thỏa thuận trả tiền lãi và vốn hàng tháng, lãi tính trên dư nợ giảm dần.
Để đảm bảo khoản vay này, bà Trịnh Thị M thế chấp quyền sử dụng đất của bà M tại thửa đất số 155, tờ bản đồ số 20, ấp L, xã L1, huyện H3, tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, do bà M vay tại Ngân hàng V chi nhánh Củ C 150.000.000 đồng. Ngân hàng đã khởi kiện bà M tại Tòa án và theo yêu cầu của Ngân hàng, Chi cục thi hành dân sự huyện H3, tỉnh Tây Ninh đã phát mãi kê biên bán thửa đất số 155, tờ bản đồ số 20, ấp L, xã L1, huyện H3, tỉnh Tây Ninh để thi hành án số tiền 150.000.000 đồng mà bà M vay. Sau khi bán tài sản này, số tiền thi hành cho Ngân hàng là 13.156.703 đồng. Số tiền còn lại đến nay chưa thi hành xong. Do đó, quyền sử dụng đất của bà M thế chấp không còn nữa.
Đối với hợp đồng tín dụng này, tính đến ngày 09/8/2016 bà T2 đã trả 4.800.000 đồng tiền gốc, còn nợ 95.200.000 đồng tiền gốc, 51.280.656 đồng tiền lãi trong hạn và 73.042.333 đồng tiền lãi quá hạn.
-Hợp đồng tín dụng số 829/11/VAB-CC/HĐTG ngày 31/3/2011, vay 200.000.000 đồng. Thời hạn 60 tháng tính từ ngày 31/3/2011 đến ngày 31/3/2016. Lãi suất trong hạn 22.5%/năm, quá hạn 150% lãi suất trong hạn. Thỏa thuận trả tiền lãi hàng tháng, trả gốc góp 3 tháng/lần.
Khoản vay này không có tài sản bảo đảm. Tính đến ngày 15/4/2016 bà T2 thanh toán 7.100.000 đồng, còn nợ 197.700.000 đồng tiền gốc, 113.330.444 đồng tiền lãi trong hạn và 125.991.819 đồng tiền lãi quá hạn.
Bà T2 đã chết, theo hợp đồng tín dụng, các khoản vay bà T2 đều không có người thừa kế. Do đó, ngân hàng yêu cầu những người thừa kế của bà T2 trả cho ngân hàng 2.780.689.252 đồng, trong đó 1.156.789.252 đồng tiền nợ gốc, tổng tiền lãi tính đến ngày 09/8/2016 là 1.623.789.252 đồng và tiền phát sinh theo hợp đồng cho đến khi trả hết nợ. Nếu không trả được thì ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thanh toán nợ cho ngân hàng. Đối với phần đất bà M, ngân hàng đã yêu cầu xử lý nợ của bà M nên trong vụ án này ngân hàng không yêu cầu giải quyết và bà Mai có nghĩa vụ thi hành theo bản án.
Bà Phạm Ngọc B, bà Thái Thị Thanh T và Thái Thị Thanh T1 thống nhất trình bày:
Bà Nguyễn Ngọc T2chết ngày 10/8/2011 không để lại di chúc. Cha mẹ của bà T2 đều đã chết. Bà T2 chung sống với ông Phạm Văn L (chết năm 1981) có 03 người con chung là Phạm Ngọc B, Phạm Ngọc D (đang định cư ở Đài Loan) và Phạm Hồng T (đã chết từ nhỏ). Năm 1983, bà T2 chung sống không đăng ký kết hôn với ông Thái Thanh T (đã chết) có hai con chung là Thái Thị Thanh T và Thái Thị Thanh T1. Từ năm 1991 đến năm 1993, bà T2 chung sống không đăng ký kết hôn với ông Nguyễn Đinh D có một con chung là Nguyễn Đình B.
Di sản bà T2 để lại gồm: Phần diện tích đất 1.200 m2, ngang 40m x dài 30m thuộc thửa 562, tờ bản đồ số 1 tại đường H, khu phố H1, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh do bà Nguyễn Ngọc T2 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đó có căn nhà cấp 4 do bà T2 xây dựng vào năm 1993, ngang 8m x dài 22m. Căn nhà cấp 4 của bà T ngang 4m x dài khoảng 10m, nhà mái tôn. Nhà và đất hiện do bà T và bà T1 quản lý, sử dụng. Ngoài ra, bà T2 chết có để lại xưởng cưa gỗ nhưng tài sản này bà B, bà T, bà T1 đã tự phân chia nên không có tranh chấp.
Tổng cộng 03 khoản vay của bà T2 đối với Ngân hàng V là 1.164.000.000 đồng. Khi vay, bà T2 có thế chấp phần diện tích 1.200 m2 trên và quyền sử dụng đất của bà M tại thửa 155 và tài sản trên đất cho ngân hàng. Hiện nay, quyền sử dụng đất của bà M không còn do cơ quan thi hành án dân sự huyện H3 đã bán đấu giá để thu hồi khoản nợ 150.000.000 đồng bà M vay ngân hàng. Sau khi bà T2 chết, gia đình đã trả cho ngân hàng 01 khoản tiền và còn nợ tiền gốc 1.156.900.000 đồng, lãi trong hạn 329.311.100 đồng, lãi quá hạn 1.294.478.152 đồng.
Bà B, bà T1, bà T đồng ý trả cho ngân hàng 1.156.900.000 đồng tiền gốc và đồng ý xử lý tài sản thế chấp của bà T2 nhưng chỉ đồng ý trả tiền lãi trong hạn, không đồng ý trả tiền lãi quá hạn vì sau khi bà T2 chết gia đình không tiếp tục kinh doanh nên không có khả năng trả nợ.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2016/KDTM-ST ngày 29 tháng 8 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã quyết định:
Áp dụng các Điều 355, 471, 637, 683 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 54, 56 Luật Tổ chức tín dụng; Điều 27 Pháp lệnh về án phí, lệ phí Tòa án 2009, Tuyên xử:
1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại cổ phần V về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” đối với bà Phạm Ngọc B, bà Phạm Ngọc D, bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1 và ông Nguyễn Đình B.
Bà Phạm Ngọc B, bà Phạm Ngọc D, bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1 và ông Nguyễn Đình B có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần V 1.156.900.000 đồng tiền gốc và 1.623.789.252 đồng tiền lãi trong phạm vi di sản bà T để lại. Tổng số tiền phải trả 2.780.689.252 đồng.
Kể từ ngày 10/8/2016 cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền bà B, bà D, bà T, bà T1 và ông B còn phải trả tiền lãi và chi phí phát sinh theo mức lãi suất nợ quá hạn của khoản tiền gốc do bà T2 và Ngân hàng Thương mại cổ phẩn V chi nhánh C ký hợp đồng tín dụng số 830/11/VAB-CC/HĐHM ngày 01/4/2011, hợp đồng tín dụng số 823/11/VAB-CC/HĐTG ngày 30/3/2011 và hợp đồng tín dụng số 829/11/VAB-CC/HĐTG ngày 31/3/2011.
Trường hợp bà B, bà D, bà T, bà T1 và ông B không trả được nợ thì phát mại phần đất diện tích 1.200 m2, ngang 40m x dài 30m thuộc thửa 562, tờ bản đồ số 1 tại đường H, khu phố H1, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 02437QSDĐ/D5 được Uỷ ban nhân dân huyện H3, tỉnh Tây Ninh cấp ngày 29/3/1994 do bà T2 đứng tên và tài sản trên đất là căn nhà tường cấp 4C, công trình phụ trên đất (mái che, nhà xưởng, hàng rào) để thanh toán nợ theo Hợp đồng thế chấp số 677/11/VAB-CC/TCBĐS ngày 01/4/2011 giữa bà T2 với Ngân hàng V chi nhánh C.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, thi hành án và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 05/9/2016 bị đơn bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm yêu cầu chỉ trả số tiền vốn gốc là 1.156.900.000 đồng.
Ngày 12/9/2016 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh có quyết định kháng nghị số 651/QĐ-VKS-P9 kháng nghị bản án sơ thẩm.
Nội dung kháng nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ buộc các bị đơn trả cho nguyên đơn tiền vốn và lãi trong phạm vi di sản của bà Nguyễn Ngọc T2 để lại và tranh chấp trên là tranh chấp kinh doanh thương mại không phải là tranh chấp dân sự Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1 vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo .
Đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân cấp cao phát biểu tại phiên toà: Với chứng cứ thể hiện thì các bị đơn và Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều thừa nhận bà T2 có vay tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần V chi nhánh C tổng cộng vốn là 1.156.900.000 đồng và lãi đến khi xét xử sơ thẩm là 1.623.798.252 đồng. Vì vậy, Ngân hàng yêu các đồng thừa kế của bà T2 trả khoản vốn và lãi trên là có căn cứ. Tuy nhiên việc Toà án cấp sơ thẩm tuyên buộc các đồng thời kế của bà T2 trả cho Ngân hàng tổng số tiền vốn và lãi 2.780.689.250 đồng là chưa đúng quy định tại Điều 637, Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2005 vì di sản của bà T2 để lại là quyền sử dụng đất 1.176 m2 giá trị theo định giá là 2.618.533.100 đồng. Do vậy Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh kháng nghị theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc các đồng thừa kế của bà T2 trả cho Ngân hàng số tiền vốn và lãi trong phạm vi di sản của bà T2 để lại là có căn cứ.
Tuy nhiên, tại phiên toà, qua thẩm vấn công khai thể hiện trên phần đất mà bà T2 đã thế chấp cho Ngân hàng có căn nhà cấp 4C của bà Thái Thị Thanh T đã xây dựng và sử dụng trước khi bà T2 thế chấp phần đất này cho Ngân hàng (Ngân hàng cũng thừa nhận có căn nhà của bà T). Thế nhưng, khi giải quyết sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm không làm rõ tài sản gắn liền với phần đất này nên đã Quyết định buộc các đồng thừa kế của bà T2 phải trả cho Ngân hàng số tiền vốn và lãi mà bà T2 đã vay, trường hợp các đồng thừa kế không trả được số tiền trên thì phải phát mãi phần đất diện tích 1.200 m2 do bà T2 đứng tên và tài sản trên đất có cả là căn nhà cấp 4C của bà T, công trình phụ trên đất để thanh toán nợ theo hợp đồng thế chấp đã ký kết trong khi bà T đã và đang sử dụng một phần diện tích đất thế chấp, nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình thi hành án sau này. Sai sót này không thể khắc phúc, bổ sung tại phiên toà phúc thẩm được. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại toà, căn cứ kết quả tranh luận tại toà, nghe lời phát biểu của các đương sự, đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử xét thấy:
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
Về thẩm quyền về việc đại diện hợp pháp (đại diện theo uỷ quyền) của những người thừa kế của bà T2, về việc xét xử vắng mặt của các đương sự như nhận định của Toà án cấp sơ thẩm là hoàn toàn đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung:
Xét hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng thương mại cổ phần V (Ngân hàng V) với bà Nguyễn Ngọc T2 là có thật thông qua sự thừa nhận của các đồng bị đơn và thông qua các hợp đồng tín dụng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng ngày 10/8/2011 bà T2 mất, di sản của bà T2 để lại là diện tích 1.200m2 thuộc thửa đất 562, tờ bản đồ 1 tại đường H, khu phố H1, phường H2, thành phố T, tỉnh Tây Ninh do bà T2 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và căn nhà 8m x 22m, Phần đất và tài sản gắn liền trên bà T2 đã ký hợp đồng thế chấp cho Ngân hàng để đảm bảo cho hợp đồng tín dụng số 830/11/VAB-CC/HĐHM ngày 01/4/2011.
Nay bà T2 đã mất, các đồng thừa kế của bà T2 vẫn thừa nhận 3 hợp đồng tín dụng mà bà T2 đã ký với Ngân hàng, thừa nhận bà T2 còn nợ lại Ngân hàng số tiền gốc 1.156.900.000 đồng và lãi là 1.623.789.252 đồng (tính đến ngày 09/8/2016). Toà án cấp sơ thẩm giải quyết đã chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng buộc các đồng thừa kế của bà T2 phải trả cho Ngân hàng số tiền vốn và lãi trên, trường hợp các đồng thừa kế của bà T2 không trả được số tiền trên thì phát mãi tài sản theo hợp đồng thế chấp là có căn cứ đúng pháp luật.
Tuy nhiên qua trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm có thiếu sót sau: Tại phiên toà sơ thẩm bà T có trình bày trên phần đất 1.200 m2 mà bà T2 đã thế chấp cho Ngân hàng có căn nhà cấp 4C của bà T đã xây dựng và sử dụng từ trước khi bà T2 thế chấp phần đất cho Ngân hàng. Thế nhưng Toà án cấp sơ thẩm không làm rõ căn nhà cấp 4 trên có khi nào? Của ai? Khi thế chấp bên nhận thế chấp và bên thế chấp có thoả thuận gì đối với tài sản này không? Để từ đó mới có căn cứ xác định phần diện tích đất có căn nhà cấp 4C này có bị vô hiệu hay không. Toà án cấp sơ thẩm đã không làm rõ các vấn đề trên mà lại tuyên trường hợp nếu các đồng thừa kế của bà T2 không trả được cho Ngân hàng số tiền vốn và lãi thì sẽ phát mãi tài sản bà T2 đã thế chấp trên có cả căn nhà cấp 4C nhưng không giải quyết bà T và các thành viên trong hộ có phải di dời hay không thì khó khả thi trong quá trình thi hành án. Sai sót này của Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm không thể khắc phục, bổ sung được tại phiên toà, Do đó, Hội đồng xét xử xét cần thiết phải huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm chuyển hồ sơ về cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
[3] Ngoài ra khi giải quyết lại sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm cần xem xét lại khoản lãi chậm thanh toán mà Ngân hàng yêu cầu có lãi chồng lãi hay không và trường hợp này bà T mất là do khách quan thì có phải lỗi của các bị đơn để phải chịu lãi chậm thanh toán hay không.
Bên cạnh đó, khi giải quyết lại vụ án để tránh gặp khó khăn khi thi hành án và để đảm bảo Điều 637, Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2005, Toà án cấp sơ thẩm không cần thiết phải tiến hành định giá tài sản là di sản của bà T2 đã thế chấp cho Ngân hàng, vì giá trị tài sản này tại thời điểm thi hành án có thể cao hoặc thấp hơn giá trị đất vào thời điểm hiện tại Toà án giải quyết.
[4] Do huỷ bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử không xem xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
[5] Do bản án sơ thẩm bị huỷ, nên bà Thái Thị Thanh T và bà Thái Thị Thanh T1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308, khoản 1 Điều 148 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Huỷ toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 09/2016/KDTM-ST ngày 29/8/2016 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
Chuyển hồ sơ về cho toà án cấp sơ thẩm xét xử lại theo thủ tục chung.
Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bà Thái Thị Thanh T, bà Thái Thị Thanh T1 không phải chịu án phí phúc thẩm. Được nhận lại tiền tạm ứng án phí kháng cáo theo biên lai thu số 00009 ngày 05/9/2016 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh.
Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và các chi phí tố tụng khác sẽ được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 33/2017/KDTM-PT ngày 24/08/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 33/2017/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 24/08/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về