Bản án 331/2021/HS-PT ngày 28/05/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 331/2021/HS-PT NGÀY 28/05/2021 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 28 tháng 05 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 629/2020/TLPT-HS ngày 02 tháng 11 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Hồng T;

Do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án hình sự sơ thẩm số 44/2020/HS-ST ngày 15/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Bị cáo có kháng cáo:

Phạm Hồng T, sinh năm 1969 tại tỉnh Nghệ An; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: tổ dân phố 13, thị trấn E, huyện C, tỉnh Đắk Nông; nghề nghiệp: kinh doanh; trình độ học vấn: 10/10; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Văn T (đã chết) và bà Nguyễn Thị L; có vợ là Bùi Thị S và 03 con; áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh từ ngày 25/02/2013 đến ngày 26/03/2020;

Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Người đại diện hợp pháp của bị cáo Phạm Hồng T:

Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1976 (là người em ruột của bị cáo Phạm Hồng T) (có mặt);

Địa chỉ: tổ dân phố 13, thị trấn E, huyện C, tỉnh Đắk Nông.

Người bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng T:

Luật sư Nguyễn Mai H, Đoàn Luật sư tỉnh Đăk Lăk (có mặt); Luật sư Nguyễn Thị B, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Nguyên đơn dân sự:

Chi cục thuế huyện Đ, tỉnh Đăk Nông; Địa chỉ: tổ dân phố 4, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1/Bà Phan Thị T, sinh năm 1964 (vắng mặt); Địa chỉ: tổ dân phố 12, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

2/Ông Trần Văn H, sinh năm 1956 (vắng mặt); Địa chỉ: 176 đường T, tổ dân phố 12, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

3/Bà Doãn Thị N, sinh năm 1968 (vắng mặt); Địa chỉ: 126 đường T, tổ dân phố 12, thị trấn Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

4/Bà Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1965 (vắng mặt); Địa chỉ: thôn Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 09/2007, Phùng Việt H (là cán bộ Chi cục thuế huyện Đ) nói với một số chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) kinh doanh tại thị trấn Đ, huyện Đ (gồm có: Phan Thị T, DNTN Phan Thị T; Doãn Thị N, cơ sở kinh doanh Doãn Thị N; Trần Thanh B, điểm kinh doanh số 18 của công ty 02/9 tại huyện Đ; Nguyễn Xuân A, Nguyễn Thị Minh T, DNTN An T; Nguyễn Thị Đ, DNTN Nhân Đ; Trần Văn H, DNTN Minh H) rằng Phùng Việt H có người bạn làm giám đốc công ty TNHH Hồng T, mua-bán các mặt hàng nông sản, đang có số lượng cà phê dư rất lớn trên sổ sách; nếu các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì cung cấp thông tin về số liệu, giá cả để Phùng Việt H lấy giúp hóa đơn và chỉ phải trả lại số tiền thuế 5% theo đúng giá trị ghi trên hóa đơn cho Phùng Việt H (về bản chất, công ty Hồng T do Đỗ Đình K lập ra với mục đích để bán hóa đơn giá trị gia tăng-GTGT).

Do quen biết với Phùng Việt H, đồng thời để hợp thức hóa số lượng cà phê đã mua của người dân, hưởng lợi trong việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mà không phải lập bảng kê doanh nghiệp mua hàng trực tiếp của người dân (bảng kê 04), nên các doanh nghiệp nói trên đồng ý với ý kiến mà Phùng Việt H nêu ra.

Sau khi các doanh nghiệp nói trên thông báo về số lượng cà phê, Phùng Việt H đã cho Phạm Hồng T (nhân viên thủ kho kiêm kiểm tra KCS của chi nhánh công ty cổ phần đầu tư xuất-nhập khẩu cà phê Tây N (chi nhánh công ty T, do Lê Đình S làm Giám đốc), lập các hóa đơn GTGT khống và hợp đồng phù hợp với số lượng cà phê mà các doanh nghiệp đã cung cấp, rồi đưa lại để Phùng Việt H chuyển cho các doanh nghiệp, sau đó khai báo thuế với Chi cục thuế huyện Đ, được trừ 5% thuế GTGT theo quy định.

Phạm Hồng T đã viết các hóa đơn không như sau:

- Viết 69 tờ hóa đơn GTGT khống của công ty Hồng T, xuất cho 06 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và chi nhánh công ty Tây N nói trên, tổng số lượng ghi trên hóa đơn là 2.400.972 kg cà phê, 232.940 kg ngô, 18.000 kg tiêu, tổng doanh số là 68.045.339.100 đồng; tiền thuế VAT (GTGT) là 3.402.266.955 đồng. Trong số các hóa đơn đó, Phạm Hồng T ký giả tên giám đốc Lê Hồng T trong 40 hóa đơn, số lượng ghi trên hóa đơn là 1.470.870 kg, doanh số là 42.070.113.100 đồng, tiền thuế VAT là 2.103.505.655 đồng;

- Viết 26 hóa đơn cho công ty TNHH TM HS (công ty HS) nhưng không ký hóa đơn;

- Viết một số hợp đồng và ký các chứng từ chi tiền khống của các doanh nghiệp cho công ty Hồng T theo các số liệu hóa đơn do Phùng Việt H cung cấp;

- Viết 05 hóa đơn xuất khống 161.220 kg cà phê của công ty TNHH Tân X cho công ty HS với tổng doanh số là 5.078.712.000 đồng, tiền thuế VAT là 889.416.000 đồng;

- Viết 02 hóa đơn của công ty Dương T xuất cho chi nhánh công ty Tây N với số lượng 54.000 kg tiêu, doanh số là 3.682.800.000 đồng, tiền thuế VAT là 184.140.000 đồng;

- Viết 07 hóa đơn xuất khống 247.800 kg cà phê của công ty TNHH Hiền V (công ty Hiền V) cho công ty HS số tiền 6.855.960.000 đồng, tiền thuế VAT là 342.798.000 đồng;

- Viết 15 hóa đơn của công ty Hiền V xuất cho chi nhánh công ty Tây N với số lượng 668.429 kg cà phê, doanh số là 19.185.744.900 đồng, tiền thuế VAT 959.287.247 đồng;

- Viết 13 hóa đơn của công ty Bùi D xuất cho chi nhánh công ty Tây N với số lượng 549.515 kg cà phê, doanh số là 20.376.224.960 đồng, tiền thuế VAT là 1.018.811.248 đồng;

- Viết 02 hóa đơn của công ty Trọng N xuất cho chi nhánh công ty Tây N với số lượng 122.999 kg cà phê, doanh số là 2.693.319.300 đồng, tiền thuế VAT là 134.665.950 đồng.

Sau khi Phùng Việt H chuyển lại các hóa đơn và hợp đồng do Phạm Hồng T lập, thì các doanh nghiệp được trừ tiền thuế GTGT như sau:

- Nguyễn Thị Minh T (Giám đốc DNTN An T) đã kê khai khấu trừ 07 hóa đơn GTGT của công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 4.275.200.000 đồng, thuế VAT là 213.760.000 đồng;

- Nguyễn Thị Đ (Giám đốc DNTN Nhân Đ) đã kê khai khấu trừ 06 hóa đơn GTGT của công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 8.216.365.000 đồng, tiền thuế VAT 410.818.250 đồng;

- Trần Văn H (Giám đốc DNTN Minh H) đã kê khai khấu trừ 07 hóa đơn GTGT của công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 6.545.700.000 đồng, tiền thuế VAT 327.285.000 đồng;

- Doãn Thị N (chủ Cơ sở kinh doanh Doãn Thị N) đã kê khai, khấu trừ 02 hóa đơn GTGT của công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 1.474.000.000 đồng, tiền thuế VAT là 73.700.000 đồng;

- Phan Thị T (chủ Cơ sở kinh doanh Phan Thị T) đã kê khai khấu trừ 01 hóa đơn GTGT của Công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 2.363.000.000 đồng, tiền thuế VAT là 118.150.000 đồng;

- Trần Thanh B (Trưởng điểm thu mua số 18 của công ty 02/9) đã kê khai khấu trừ 01 hóa đơn GTGT của công ty Hồng T; số tiền ghi trên hóa đơn là 1.420.000.000 đồng, tiền thuế VAT là 71.000.000 đồng.

Tổng số tiền thuế được trừ lại của 06 doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nêu trên, là 1.214.713.250 đồng. Sau khi được trừ lại tiền thuế GTGT, các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh đã chuyển lại cho Phùng Việt H.

Tại cáo trạng số 63/KSĐT ngày 25/10/2011, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông đã truy tố bị cáo Phạm Hồng T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 139 và các Điểm d, đ Khoản 2 Điều 164a của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại bản án Hình sự sơ thẩm số 44/2020/HS-ST ngày 15/09/2020, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã xét xử như sau:

1/Tuyên bố bị cáo Phạm Hồng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

1.1/ Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 174; Điểm b, s, q Khoản 1 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

Xử phạt bị cáo Phạm Hồng T 03 (ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

1.2/Áp dụng Điểm d, đ Khoản 2 Điều 203; Điểm s, q Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Xử phạt bị cáo Phạm Hồng T 01 (một) năm tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

1.3/Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Phạm Hồng T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội, là 04 (bốn) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

2/Về biện pháp tư pháp: áp dụng Điều 47 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Sung vào ngân sách Nhà nước số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) mà tại phiên tòa, bị cáo Phạm Hồng T tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Vào ngày 16/09/2020, bị cáo Phạm Hồng T có đơn kháng cáo, nội dung như sau:

- Xin giảm hình phạt;

- Yêu cầu trừ thời gian bị cáo phải bắt buộc chữa bệnh vào thời gian thi hành án phạt tù.

Vào ngày 14/10/2020, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định số 55/QĐ-VC3-V1 kháng nghị bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông (Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông nhận được quyết định kháng nghị vào ngày 15/10/2020), nội dung như sau:

- Yêu cầu Tòa án cấp Phúc thẩm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Phạm Hồng T về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Yêu cầu Tòa án cấp Phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm về phần hình sự: trừ thời hạn bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo vào thời gian chấp hành hình phạt tù của bị cáo, theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm, những người tham gia tố tụng trình bày ý kiến như sau:

- Bị cáo Phạm Hồng T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo như đã nêu ra tại đơn kháng cáo ghi ngày 16/09/2020;

- Nguyên đơn dân sự; những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt đến lần thứ hai nhưng không có văn bản nào để thay đổi ý kiến đã trình bày trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến như sau:

- Về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”:

Khoản 2 Điều 164a của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt của tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” từ 01 năm đến 05 năm tù. Theo Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội nghiêm trọng, là 10 năm kể từ ngày phạm tội. Bị cáo Phạm Hồng T thực hiện tội phạm vào năm 2007, tính đến nay là đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Phạm Hồng T về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

-Về việc trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh vào thời gian chấp hành hình phạt tù:

Hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Hồng T và việc Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo Phạm Hồng T, đều xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực. So sánh điều luật quy định về việc trừ thời gian chữa bệnh vào thời gian chấp hành hình phạt tù của Bộ luật Hình sự năm 1999 và Bộ luật Hình sự năm 2015, thì quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 có lợi cho bị cáo, lý do như sau: Điều 44 của Bộ luật Hình sự năm 1999 cho phép trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh của bị cáo vào thời gian chấp hành hình phạt tù, cho dù việc bắt buộc chữa bệnh đó xảy ra trước khi có bản án của Tòa án. Vì vậy, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm trừ thời gian mà bị cáo Phạm Hồng T bị bắt buộc chữa bệnh trong thời gian qua (từ ngày 15/01/2013 đến ngày 23/03/2020), vào thời gian chấp hành hình phạt tù.

- Về kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Phạm Hồng T:

Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Phạm Hồng T hình phạt 03 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 174 của Bộ luật Hình sự năm 2015, là có căn cứ pháp luật, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Hồng T trình bày ý kiến như sau:

- Luật sư hoàn toàn đồng ý với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị. Ngoài ra, Luật sư cũng đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét về tình trạng bệnh tật của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội vào năm 2007, trong quá trình giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]Vào khoảng tháng 09/2007, Phùng Việt H (là cán bộ Chi cục thuế huyện Đ) nói với một số chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) kinh doanh tại thị trấn Đ, huyện Đ (gồm có: Phan Thị T, DNTN Phan Thị T; Doãn Thị N, cơ sở kinh doanh Doãn Thị N; Trần Thanh B, điểm kinh doanh số 18 của công ty 02/9 tại huyện Đắk Mil; Nguyễn Xuân A, Nguyễn Thị Minh T, DNTN An T; Nguyễn Thị Đ, DNTN Nhân Đ; Trần Văn H, DNTN Minh H) rằng Phùng Việt H có người bạn làm giám đốc công ty TNHH Hồng T, mua-bán các mặt hàng nông sản, đang có số lượng cà phê dư rất lớn trên sổ sách; nếu các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng hóa đơn thì cung cấp thông tin về số liệu, giá cả để Phùng Việt H lấy giúp hóa đơn và chỉ phải trả lại số tiền thuế 5% theo đúng giá trị ghi trên hóa đơn cho Phùng Việt H (về bản chất, công ty Hồng T do Đỗ Đình K lập ra với mục đích để bán hóa đơn giá trị gia tăng-GTGT).

Phạm Hồng T đã viết các hóa đơn khống cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nói trên để các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh này được cơ quan thuế tại địa phương trừ lại tiền thuế giá trị gia tăng; tổng số tiền thuế được trừ lại của 06 doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh nêu trên, là 1.214.713.250 đồng. Sau khi được trừ lại tiền thuế GTGT, các doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh đã chuyển lại cho Phùng Việt H.

[2]Như vậy, vào tháng 09/2007, bị cáo Phạm Hồng T giúp sức cho Phùng Việt H để lập hợp đồng khống và lập 26 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để giao cho 06 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tại huyện Đ, giúp Phùng Việt H chiếm đoạt 1.214.713.280 đồng thuế giá trị gia tăng và giúp sức cho Phùng Việt H, Lê Đình S viết 132 hóa đơn khống của tổng cộng 4.728.048 kg cà-phê, 74.000 kg tiêu, 232.940 kg ngô, tổng số tiền là 143.706.408.000 đồng, tiền thuế giá trị gia tăng là 7.185.320.400 đồng để Phùng Việt H, Lê Đình S chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Do đó, bị cáo Phạm Hồng T đã phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 139 và phạm tội “Mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” theo Điểm d; đ Khoản 2 Điều 164a của Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tuy nhiên, khi xét xử Sơ thẩm, Tòa án cấp Sơ thẩm so sánh và áp dụng điều luật tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 2015 để bảo đảm quyền lợi của bị cáo; các điều luật tương ứng là Điểm a Khoản 4 Điều 174 và Điểm d; đ Khoản 2 Điều 203 của Bộ luật Hình sự năm 2015; việc áp dụng như vậy của Tòa án cấp Sơ thẩm là đúng pháp luật.

[3]Xét kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh:

[3.1]Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh:

[3.1.1]Về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Điểm a Khoản 1 Điều 3 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định nguyên tắc xử lý trong luật Hình sự như sau: “Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”.

Quy định nói trên ràng buộc rằng cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án, trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình, phải phát hiện kịp thời mọi hành vi phạm tội và xử lý những hành vi đó một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Mặc dù quy định như vậy, nhưng trong thực tế, vẫn có một số trường hợp, vì một lý do nào đó, các cơ quan nói trên, đã không truy cứu trách nhiệm hình sự kịp thời đối với người phạm tội. Đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định mà người phạm tội đã tự hối cải, làm ăn lương thiện; không phạm tội mới, không trốn tránh sự trừng trị của pháp luật thì việc tiếp tục truy cứu trách nhiệm hình sự là không cần thiết; việc truy cứu trách nhiệm hình sự, vào lúc này, sẽ không đạt được mục đích của hình phạt.

Vì vậy, pháp luật Hình sự đã quy định thêm về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 27 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, như sau:

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ”.

Quy định của những điều luật nói trên được hiểu rằng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có tính ràng buộc đối với cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc xử lý hành vi phạm tội; người phạm tội chỉ được hưởng sự miễn trừ trách nhiệm hình sự vì lý do “Hết thời hiệu truy cứu”, khi và chỉ khi lỗi không truy cứu thuộc về cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc xử lý hành vi phạm tội mà không phải thuộc về người phạm tội.

Trong vụ án nói trên, từ năm 2007, các cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã tiến hành và thực hiện đúng chức năng của mình trong việc điều tra, truy tố và chuẩn bị xét xử bị cáo Phạm Hồng T. Nhưng trong thời gian chuẩn bị xét xử, bị cáo bị bệnh (tâm thần) nên không tiến hành xét xử ngay được; sự việc đã diễn ra như sau:

-Trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm, theo bản kết luận giám định Pháp y Tâm thần số 911/PYTT-PVPN ngày 25/12/2012 của phân viện phía nam của Viện giám định Pháp y Tâm thần trung ương thì bị cáo Phạm Hồng T lâm vào tình trạng “Chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật”. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm phải ra quyết định số 01/2013/QĐ- TA ngày 15/01/2013 áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo Phạm Hồng T; phân viện phía nam của Viện giám định Pháp y Tâm thần trung ương là cơ quan tiếp nhận bị cáo.

-Sau đó, đến ngày 23/03/2020, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định số 01/2020/QĐ-TA đình chỉ biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo Phạm Hồng T, trên cơ sở kết luận số giám định số 128/KLBB-VPYTW ngày 18/03/2020 của Viện Pháp y Tâm thần trung ương (Biên Hòa) xác định bị cáo Phạm Hồng T đã khỏi bệnh.

-Vào ngày 26/03/2020, Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định số 01/2020/HSST-QĐ, phục hồi vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 63/2012/HSST ngày 10/10/2012 và sau đó, tiếp tục tiến hành xét xử bị cáo Phạm Hồng T theo quy định chung.

Như vậy, trong trường hợp nói trên, cho đến nay, bị cáo Phạm Hồng T đã khỏi bệnh, nên việc xét xử phải được tiếp tục theo luật định, không thể áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo, chiếu theo các tình tiết và điều luật dẫn chiếu nói trên.

[3.1.2]Về việc trừ thời gian chữa bệnh vào thời hạn chấp hành hình phạt tù: Điều 44 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về thời gian bắt buộc chữa bệnh, như sau:

Căn cứ vào kết luận của cơ sở điều trị, nếu người bị bắt buộc chữa bệnh quy định tại Điều 43 của Bộ luật này đã khỏi bệnh, thì tuỳ theo giai đoạn tố tụng, Viện kiểm sát hoặc Tòa án xét và quyết định đình chỉ việc thi hành biện pháp này.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt ”.

Khoản 3 Điều 49 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về thời gian bắt buộc chữa bệnh, như sau:

3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.

Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt ”.

Mặc dù Điều 44 của Bộ luật Hình sự năm 1999 không nói rõ về trường hợp bắt buộc chữa bệnh xảy ra trước khi bản án có hiệu lực pháp luật, nhưng khi sửa đổi luật, Khoản 3 Điều 49 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nói rõ hơn về trường hợp bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, là thời hạn chữa bệnh sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Về nguyên tắc, thời gian bắt buộc chữa bệnh của một người được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù, khi và chỉ khi thời gian đó xảy ra khi họ đang chấp hành một hình phạt tù của một bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Vì vậy, trong vụ án này, thời gian bắt buộc chữa bệnh đối với bị cáo Phạm Hồng T xảy ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử, sẽ không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

[3.2] Đối với kháng cáo của bị cáo Phạm Hồng T:

- Đối với kháng cáo yêu cầu trừ thời gian bắt buộc chữa bệnh (từ tháng 01/2013 đến tháng 03/2020):

Như đã phân tích nói trên, thời gian này xảy ra khi Tòa án chưa xét xử, nên không được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.

- Đối với kháng cáo xin giảm hình phạt:

Xét thấy khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xem xét và đánh giá đúng vai trò của bị cáo trong vụ án, nên đã xử phạt bị cáo 03 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 01 năm tù về tội “Mua, bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”, là có căn cứ, đúng pháp luật; bị cáo kháng cáo xin giảm hình phạt nhưng không có tình tiết gì mới, Tòa án cấp Phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 330; Điều 345; Điều 355 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015;

1/Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Hồng T và không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 44/2020/HS-ST ngày 15/09/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông về phần hình sự, như sau:

Tuyên bố bị cáo Phạm Hồng T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”.

Áp dụng Điểm a Khoản 4 Điều 174; Điểm b, s, q Khoản 1 Điều 51; Điều 54 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Xử phạt bị cáo Phạm Hồng T 03 (ba) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng Điểm d, đ Khoản 2 Điều 203; Điểm s, q Khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Xử phạt bị cáo Phạm Hồng T 01 (một) năm tù về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 55 của Bộ luật Hình sự năm 2015;

- Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Phạm Hồng T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội, là 04 (bốn) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

2/Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

3/Về án phí phúc thẩm: bị cáo Phạm Hồng T phải chịu 200.000 đồng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

266
  • Tên bản án:
    Bản án 331/2021/HS-PT ngày 28/05/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    331/2021/HS-PT
  • Cấp xét xử:
    Phúc thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    28/05/2021
  • Từ khóa:
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 331/2021/HS-PT ngày 28/05/2021 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Số hiệu:331/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về