TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 32/2021/HS-PT NGÀY 18/06/2021 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 18 tháng 6 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 38/2021/HSPT ngày 05 tháng 5 năm 2021 đối với các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G.
Do có kháng cáo của các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Điểu A (tên gọi khác: Không), sinh ngày 01 tháng 09 năm 2002; tại: Bình Phước; Trú tại: Ấp H, xã L, huyện L, tỉnh Bình Phước; Trình độ học vấn: 5/12; Dân tộc: S’tiêng; Q tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Tự do; Con ông Điểu B, sinh năm 1972 và bà Võ Thị P, sinh năm 1976; Bị cáo có 01 người anh trai sinh năm 1997; Bị cáo chưa có vợ con; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị bắt giam từ ngày 02/10/2020 đến ngày 12/01/2021 được tại ngoại. (Có mặt)
2. Họ và tên: Lâm Văn G (tên gọi khác: Không), sinh năm 1998; tại: Tây Ninh; Trú tại: Ấp T, xã T, huyện B, tỉnh Bình Phước; Trình độ học vấn: 4/12; Dân tộc: Kinh; Q tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; Giới tính: Nam; Nghề nghiệp: Tự do; Con ông Lâm Văn H (Đã chết) và bà Huỳnh Thị N, sinh năm:
1963; Bị cáo có vợ là Bùi Thị Hồng H, sinh năm 1989 và 01 người con tên Lâm Huỳnh N, sinh năm 2020; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo được tại ngoại. (Có mặt) - Người bào chữa của bị cáo Lâm Văn G: Ông Hoàng Minh Q, sinh năm 1975 là Luật sư của Văn phòng Luật sư Hoàng Minh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước; địa chỉ: Q lộ 14, phường T, thành phố Đ, tỉnh Bình Phước. (Có mặt) Ngoài ra, trong vụ án còn có bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng những người này không kháng cáo, không bị Viện kiểm sát kháng nghị nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 23 giờ ngày 22/9/2020, Lê Văn Q rủ Danh Văn T và Điểu A đi trộm cắp tài sản, T và A đồng ý. Sau đó Q điều khiển xe mô tô, loại Wave, màu đen, biển số 93H4 – 6107 chở T và A lên khu vực ấp T, xã T, huyện B để tìm tài sản trộm cắp. Khi đi ngang qua khu nhà nuôi gà đá của ông Dương Văn S, phát hiện trong nhà bật điện sáng, không có người trông coi, Q nói Điểu A đứng ngoài đường cảnh giới, còn Q và T đi bộ đến cửa sổ bên hông nhà tiếp tục quan sát thì thấy bên trong có nuôi nhốt nhiều con gà đá các loại, Q liền dùng tay gỡ thanh chắn song cửa sổ bằng gỗ để đột nhập vào bên trong bắt trộm 15 con gà đá các loại đưa ra ngoài cho T bỏ vào các giỏ đựng gà. Khi Q và T xách các giỏ gà ra chỗ Điểu A đứng thì 01 con gà bị xổng, không bắt lại được. Sau đó Điểu A điều khiển xe mô tô chở Q và T ngồi sau giữ các giỏ gà, khi về đến ấp H, xã L, huyện L thì T đưa các giỏ đựng gà cho Q giữ rồi đi bộ về nhà ngủ, còn A tiếp tục chở Q và số gà trộm được về nhà Nguyễn Anh T ở Ấp H, xã L, huyện L gọi Trần Việt Q ra mở cửa để cho Q và A vào nhà, sau đó Q tiếp tục đi ngủ, còn Q và A ngồi lấy dây cột gà vào nhau.
Đến sáng ngày 23/9/2020, Q liên hệ và bán cho Phạm Huy Đ 01 con gà đá với giá 1.000.000đ (Một triệu đồng). Sau đó Q điện thoại gọi Phạm Văn L đến xem gà, khi L hỏi nguồn gốc gà thì Q nói “số gà trên mới làm được hồi tối” và nhờ L mang về chăm sóc dùm mấy con gà, L đồng ý, sau đó Q đưa 01 con gà cho L mang về trước, khoảng một tiếng sau Q mang đến nhà L 01 con khác. Ngày 24/9/2020, Q đến gặp L nhờ tìm người để tiêu thụ số gà trộm được, L đồng ý. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, L giới thiệu để Q bán cho Nguyễn Minh N 02 con gà đá với giá 4.000.000 đồng.
Cùng ngày 24/9/2020, Q kể cho bạn là Lâm Văn G biết việc trộm gà ở nhà ông S, đồng thời dẫn G đến nhà Nguyễn Anh T để xem số gà trộm được. Khi Q và G đang xem gà thì có đối tượng tên P (không rõ lai lịch) đến mua 05 con gà đá với giá 7.500.000 đồng, P đưa trước cho Q 6.000.000 đồng, số còn lại hứa trả sau. Sau khi P chở gà đi, G hỏi mua của Q 02 con gà đá, Q đồng ý bán cho G 01 con gà loại gà điều, lông màu đen, chân màu vàng, cổ ít lông với giá 1.000.000 đồng và 01 con gà đá loại gà điều, mồng chích, chân màu xanh với giá 4.000.000 đồng. Sau khi mua gà của Q, G mang đi bán lại cho Nguyễn Minh N 01 con gà đá loại gà điều, lông màu đen, chân màu vàng, cổ ít lông với giá 2.000.000 đồng và bán con gà đá loại gà điều, mồng chích, chân màu xanh cho Nguyễn Văn D với giá 8.000.000 đồng.
Sau khi bán 10 con gà đá thu được 16.000.000 đồng, Q chia cho L 200.000 đồng; chia cho Điểu A 1.250.000 đồng; chia cho T 1.500.000đ và cho Q 250.000 đồng, số tiền còn lại Q tiêu xài cá nhân hết.
Tại Bản kết luận định giá tài sản số 80 ngày 30/9/2020 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng Hình sự huyện B xác định giá trị tài sản của 15 con gà đá còn sống, trọng lượng 40,33kg ngày 23/9/2020 là: 7.259.400 đồng (Bảy triệu hai trăm năm mươi chín nghìn bốn trăm đồng).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước đã tuyên xử:
Tuyên bố bị cáo Điểu A phạm tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo Lâm Văn G phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”;
Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Điểu A 01 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án, được trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 02/10/2020 đến ngày 12/01/2021.
Áp dụng khoản 1 Điều 323; điểm i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Lâm Văn G 09 (chín) tháng tù thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định hình phạt đối với các bị cáo Lê Văn Q, Danh Văn T, Phạm Văn L, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/3/2021 bị cáo Điểu A, Lâm Văn G có đơn kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo.
Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm xác định và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước Người bào chữa cho bị cáo Lâm Văn G trình bày quan điểm: Bị cáo Lâm Văn G có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tài sản đã trả lại cho bị hại, bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Vì vậy, cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 09 tháng tù giam là nặng so với hành vi và hậu quả bị cáo gây ra. Trong khi đó vụ án còn có bị cáo Phạm Văn L cũng phạm tội tương tự lại được hưởng án treo, bị cáo L còn có dấu hiệu phạm tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm nhận định bị cáo L tiêu thụ tài sản số tiền ít hơn bị cáo G và cho bị cáo L được hưởng án treo nhưng không cho bị cáo G được hưởng án treo là không phù hợp. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử Phúc thẩm cho bị cáo G được hưởng án treo.
Bị cáo Lâm Văn G không trình bày bổ sung gì thêm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Đơn kháng cáo của các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G được thực hiện trong thời hạn luật định, có hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại các Điều 331, 332 và 333 Bộ luật tố tụng hình sự nên đủ điều kiện giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
[2]. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như Bản án sơ thẩm đã nhận định. Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Điểu A phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173; bị cáo Lâm Văn G phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo quy định tại khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo của các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G, Hội đồng xét xử nhận định: Tại cấp sơ thẩm các bị cáo được xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, bị cáo Điểu A là người dân tộc thiểu số nên trình độ hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, bị cáo G có con nhỏ được quy định tại điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Điểu A 01 năm tù giam; bị cáo Lâm Văn G 09 tháng tù giam là phù hợp, không nặng so với hành vi và hậu quả mà các bị cáo gây ra. Đối với bị cáo Điểu A không có chỗ ở ổn định, là đối tượng nghiện ma túy (BL 75). Tại cấp phúc thẩm các bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới. Do đó, căn cứ quy định Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2008 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cần giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm về phần hình phạt.
[4]. Về phần áp dụng điều luật đối với bị cáo Điểu A: Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Điểu A 01 năm tù nhưng không áp dụng Điều 38 Bộ luật hình sự là có thiếu sót nên cấp phúc thẩm cần áp dụng cho phù hợp.
[5]. Ngoài ra trong vụ án bị cáo Danh Văn T (ngày 16/12/2008 bị Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Bình Phước xử phạt 24 tháng tù giam về tội “Trộm cắp tài sản” tại Bản án số 64/2008/HSST, bị cáo đã chấp hành xong hình phạt và án phí nhưng chưa chấp hành xong phần trách nhiệm dân sự). Về điều kiện đương nhiên được xóa án tích theo Điều 70 Bộ luật hình sự: Người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của Bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành án, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay. Do vậy, trường hợp người bị kết án không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Do đó, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự. Trong trường hợp này bị cáo T chưa được xóa án tích nên bị cáo phải chịu tình tiết tăng nặng là tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo đã được xóa án tích và không áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị cáo là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
[6]. Do không có kháng cáo và không bị Viện kiểm sát kháng nghị về phần hình phạt đối với bị cáo Danh Văn T và do giới hạn phạm vi xét xử phúc thẩm nên cần kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao hủy một phần bản án sơ thẩm để xem xét áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi của bị cáo T trong vụ án.
[7]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[8]. Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo Lâm Văn G không phù hợp nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[9]. Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.
[10]. Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 và Điều 356 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo của các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G;
Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước về phần hình phạt đối với các bị cáo A, G.
Tuyên bố bị cáo Điểu A phạm tội “Trộm cắp tài sản”; bị cáo Lâm Văn G phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”;
Áp dụng khoản 1 Điều 173; điểm i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Điểu A 01 (một) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án, được trừ thời gian bị tạm giam từ ngày 02/10/2020 đến ngày 12/01/2021.
Áp dụng khoản 1 Điều 323; điểm i, s khoản 1 khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 50; Điều 38 của Bộ luật hình sự.
Xử phạt bị cáo Lâm Văn G 09 (chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.
Kiến nghị Tòa án nhân dân cấp cao hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm số 14/2021/HS-ST ngày 18/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Bình Phước để xem xét áp dụng hình phạt tương xứng với hành vi của bị cáo Danh Văn T trong vụ án.
Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Điểu A, Lâm Văn G mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 32/2021/HS-PT ngày 18/06/2021 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 32/2021/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 18/06/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về